Chương 120: Thời gian

Sở Hán Tranh Bá

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Lưu Khấu xoay mình nhảy xuống ngựa, bước nhanh tới trước chiến xa của Bành Việt, lớn tiếng nói:

– Đại vương, tình hình không đúng!

Bành Việt nhảy xuống khỏi chiến xa, trầm giọng nói:

– Lưu Khấu, có phải ngươi phát hiện được gì không?

Lưu Khấu gật gật đầu, nghiêm giọng nói:

– Đại vương, ngoài đám phản quân trấn thủ của Trần Hi trên Hổ Lao ra, còn có một nhánh quân tinh nhuệ kinh qua trăm trận khác nữa, mạt tướng hoài nghi rất có thể đó là đám tàn binh quân Sở của Hạng Trang!

Đại tướng Hỗ Triếp cũng nói:

– Đại vương, mạt tướng cũng nhận thấy như thế, nếu chỉ có đám quân phản bội của Trần Hi thì hồi nãy đội quân của Lưu tướng quân đã sớm chiếm được thành rồi. Nhưng trên thực tế, đám quân giữ ải lại có vẻ rất điềm tĩnh, dù cho khinh binh tử sỹ của ta sắp leo được lên tường thành, bọn chúng cũng không chút hoảng loạn, biểu hiện đó không thể nào là của một đám quân ô hợp được.

– Thảo nào hồi nãy bọn chúng hét cái gì mà “chỉ có đại Sở ta”.

Bành Việt nói:

– Xem ra hẳn chính là quân Sở rồi.

Lưu Khấu nói:

– Đại vương, nếu đúng là quân Sở thì chúng ta không thể cố đánh được. Mức độ tinh nhuệ của quân Sở thì Đại vương người cũng biết rồi, tuy hiện giờ Hạng Trang chỉ còn lại năm ngàn quân, nhưng bọn chúng đều liều chết phòng thủ, cho dù chúng ta có đánh tan được chúng, chiếm được Hổ Lao Quan thì cuối cùng cũng bị thương vong nặng nề, Đại vương.

Hỗ Triếp cũng nói:

– Đúng vậy Đại vương, mạt tướng hoài nghi đây rất có thể là kế “hai hổ giành mồi” của Hán vương!

– Hai hổ giành mồi?

Bành Việt nhíu mày, có chút không vui, nói:

– Hán vương không đến nỗi như ngươi nói đâu.

– Đại vương…

Trong khi Lưu Khấu, Hỗ Triếp vẫn định tiếp tục khuyên can, Bành Việt bỗng giơ tay lên, lãnh đạm nói:

– Các ngươi không cần phải nói nhiều nữa, hôm nay trời đã dần tối, không đánh nữa, đợi ngày mai vũ khí công thành hạng nặng được chuyển đến sẽ phá thành tiếp! xem tại TruyenFull.vn

Cheng, cheng, cheng, cheng…

Trong lúc quân của Lương vương và quân Sở đang bận huyết chiến ở Hổ Lao Quan thì Hán lại đang tranh thủ thời gian.

Trên con đường lớn nối liền quận Nam Dương, Dĩnh Xuyên với Uyển Thành, bốn mươi ngàn đại quân của Lã Trạch đang hùng hồn tiến xuống phía nam.

Ngựa xe dồn dập, đường lớn bụi mù, do phải hành quân gấp rút trong thời gian dài nên tướng sỹ quân Hán đều đã mệt thở hồng hộc, mồ hôi đầm đìa, lại thêm bị bụi bặm trong không khí phủ lên một lớp, người nào người nấy đều trông như tượng đất sét, ngay cả gã công tử bột như Lã Đài cũng chẳng còn đâu phong thái oai hùng hiên ngang như thường ngày.

– Phụ thân.

Lã Đài quất ngựa đuổi lên chỗ Lã Trạch, thở dốc nói:

– Các tướng sỹ đều mệt muốn chết rồi, hạ trại đi.

– Không được!

Lã Trạch quả quyết cự tuyệt, nói:

– Giờ đi được mấy dặm đường rồi? Đã muốn hạ trại nghỉ ngơi? Không được, tuyệt đối không được, lệnh xuống toàn quân, tăng nhanh tốc độ, tiếp tục tiến lên, nhất định phải tới được Diệp huyện trước nửa đêm.

Nói đoạn, Lã Trạch lại đằng đằng sát khí tiếp:

– Đến lúc đó ai mà không tới kịp, chớ trách bản Quận thủ trở mặt vô tình!

– Rõ!

Lã Đài đáp “rõ” một tiếng lớn, đoạn quất ngựa rời đi:

– Quận thủ Đại nhân có lệnh, toàn quân tăng nhanh tốc độ, phải tới Diệp huyện trước nửa đêm, kẻ trái lệnh… nghiêm trị không tha!

Bến Bạch Mã, tám ngàn kỵ binh của Quán Anh đang vượt sông trong ánh hoàng hôn.

Tuy không có thuyền, cũng chẳng có cầu phao, nhưng kỵ binh của Quán Anh vẫn có thể dựa vào mấy ngàn chiếc túi da lớn và vài trăm chiếc chum lớn mà vượt sông. Cách thức cụ thể là: dùng bốn chiếc túi da lớn hoặc chum lớn buộc vào bốn chân ngựa, rồi cả ngựa và người cưỡi cùng lội xuống sông, dựa vào sức nổi của túi da và chum lớn giúp cho người ngựa khỏi chìm, thế là có thể ung dung rẽ nước mà sang sông.

Do số lượng túi da và chum lớn không nhiều, mỗi lần chỉ có tám trăm người ngựa có thể sang sông, sau đó một số ít kỵ binh sẽ đem túi da và chum lớn trở lại bên bờ đông, để lượt thứ hai sang sông, cho nên đến tận lúc hoàng hôn tám ngàn kỵ binh của Quán Anh cùng hơn mười ngàn cỗ ngựa mới qua hết được sông, tiến vào đất Triệu.

Trong lúc kỵ binh của Quán Anh lo vượt sông ở bến Bạch Mã, thì các đội liên quân chư hầu đang tụ tập ở Bộc Dương cũng chia ra mỗi người đi một ngả.

Trương Lương dẫn theo một trăm ngàn quân Hán cùng hai mươi ngàn quân Tề của Phó Khoan đi suốt đêm đến Vinh Dương, chuẩn bị hội hợp với Lưu Bang. Tàng Đồ thì dẫn theo năm ngàn quân Yến cùng ba ngàn kỵ binh Bắc Hạc hướng xuống Nam Bì, dự định vượt sông ở phía bắc Nam Bì để trở về đất Yến. Hành Sơn vương Ngô Nhuế thì cùng với đại tướng Mai Kiếm dẫn theo hai mươi ngàn quân Hành Sơn đi xuống Dương quận ở phía nam để về nước.

Hoài Nam vương Anh Bố thì nghe theo kiến nghị của Khoái Triệt, suốt đêm chạy tới Tiết quận ở phía đông.

Mục tiêu của Anh Bố chính là ba quận Tiết quận, Sái Thủy, Đông Hải; Ba quận này vốn đều là các quận lớn, đông nhân khẩu, nhất là Tiết quận, vào thời kỳ cuối của nhà Tần đã từng có lúc đạt tới hơn sáu trăm ngàn hộ, hai triệu dân!

Tuy nhiên, trong suốt mấy năm thời kỳ chiến tranh Sở Hán, Bành Việt vài lần dẫn quân đánh vào đất Sở, ra sức càn quét, đốt phá, bắt bớ khắp ba quận Tiết quận, Sái Thủy, Đông Hải khiến cho nhân khẩu ở ba quận này giảm mạnh, ruộng đất hoang vu. Đến nay, số nhân khẩu ở ba quận đã giảm hết sáu phần mười so với lúc xưa, chỉ còn lại không đến một triệu người, nhưng mặc dù như thế, vẫn dư sức cho Anh Bố cát cứ xưng vương.

Còn nữa, ba quận này trước mắt cũng không định rõ là quy thuộc về đâu, khi trước lúc Lưu Bang triệu tập các chư hầu ở Cai Hạ, từng hứa với Hàn Tín là sẽ cắt ba quận Đông Hải, Sái Thủy, Tiết quận cho nước Tề. Nhưng có đến hơn phân nửa quận Đông Hải nằm ở phía nam Hoài Thủy, cho nên về lý mà nói thì phân nửa quận Đông Hải này phải là của Anh Bố, còn cả quận Cửu Giang, cũng phải là lãnh địa của Anh Bố.

Nhưng trên thực tế, bất luận là quận Đông Hải hay quận Sái Thủy, đều có quân Hán đồn trú. Quận thủ Sài Thủy Triệu Âu, Quận thủ Đông Hải Đinh Phục đều là tâm phúc của Hán vương Lưu Bang, hai người bọn họ căn bản chẳng hề có ý giao hai quận này cho Hàn Tín. Còn về phần Tiết quận, thì phần lớn thành trì đều còn nằm trong tay đại tướng Hạng Đà của quân Sở (lúc trước từng ghi là Hạng Quan, do chút nhầm lẫn).

Cho nên phải nói là Khoái Triệt có tầm nhìn hết sức độc, Anh Bố chỉ cần đoạt được ba quận Tiết quận, Sái Thủy, Đông Hải là coi như có lưng vốn để yên sống. Sau này nếu Hàn Tín có đến đòi lại ba quận này thì Anh Bố vẫn có thể nói, rằng ba quận này là hắn cướp lại từ trong tay của quân Sở, quân Hán, chứ không phải cướp từ trong tay quân Tề, kiện cáo gì thì hắn cũng có lý lẽ.

Còn về phần Lưu Bang, lần này trở về Quan Trung rồi, sau này có còn ra được hay không thì vẫn chưa biết được.

Nếu theo cách nói của Khoái Triệt thì lần này Lưu Bang về Quan Trung rồi, có muốn ra được cũng khó. Mà cho dù Lưu Bang có ra lại được Quan Đông thì kẻ phải đứng mũi chịu sào cũng là Lương vương Bành Việt, chứ không phải Anh Bố hắn. Nói cho cùng, Anh Bố chưa từng nghĩ tới là sẽ tranh giành thiên hạ với Lưu Bang, cho nên nếu Lưu Bang lãnh binh đến thảo phạt Anh Bố hắn thì chưa biết bọn Hàn Tín, Bành Việt có chịu giúp Lưu Bang hay không.

Cheng, cheng, cheng, cheng… đại quân của Lã Trạch đang tranh thủ thời gian, kỵ binh của Quán Anh đang tranh thủ thời gian, đại quân của Trương Lương đang tranh thủ thời gian, quân của Anh Bố đang tranh thủ thời gian, quân Sở của Hạng Trang lại càng phải chạy đua với thời gian hơn ai hết!

Trong kho vũ khí ở Lạc Dương, Công Thâu Xa đang đốc thúc ba trăm thợ mộc lắp ráp thang, tỉnh lan và xe công thành suốt cả đêm.

Bên dòng Lạc Thủy ngoài thành, một loạt bễ thợ rèn được đặt dọc theo bờ sông, gần một ngàn thợ rèn bắt được trong thành và các làng lân cận đang nhễ nhại mồ hôi, làm việc suốt đêm để chế tạo hoành đao, hoàn đao, tiêu thương, đầu tiễn và binh khí. Trên những chiếc xe bò đậu dọc bờ sông chất đầy những hoành đao, hoàn đao, tiêu thương, đầu tên đã làm xong chưa mở niêm phong.

Cổng tây Lạc Dương, hơn một ngàn tù binh Hán đang tháo dỡ cổng thành dưới sự giám sát của quân Sở.

Địch lầu trên cổng thành tây đã hoàn toàn bị dỡ bỏ, lớp gạch bọc hai mặt trong ngoài tường thành cũng đã bị gỡ ra, nhưng muốn dỡ được hết bức tường bằng đất nện cao mấy trượng trên cổng thành thì vẫn cần thêm thời gian.

Quan ải Hàm Cốc, hành dinh của Cổ Phùng.

Cổ Phùng đã cảm nhận được rõ rệt hơi hướng mưa giông bão táp đang khẩn trương ập đến.

Cổ Phùng tên tục là Trùng Đạt, người Dương quận, từng là bộ tướng của Lã Trạch, là người đối nhân sử thế cẩn thận, nổi danh trung nghĩa. Lúc Hạng Vũ đang trong thế giằng co với Lưu Bang ở Vinh Dương, từng cho người đem ba ngàn lượng vàng để hối lộ cho Cổ Phùng, lúc đó đang là tướng phòng thủ Kinh Ấp, muốn mê hoặc để Cổ Phùng phản bội quân Hán, kết quả bị Cổ Phùng dùng lời lẽ nghiêm khắc cự tuyệt, trả lại đủ ba ngàn lượng vàng cho Hạng Vũ.

Tiếng bước chân dồn dập, bộ tướng Đường Thành bước vội vào hành dinh.

Cổ Phùng lập tức đứng bật dậy, hỏi dồn:

– Đường Thành, tình hình thế nào?

Đường Thành vái chào Cổ Phùng một vái, đáp:

– Tướng quân, tình hình có chút không ổn.

Nói đoạn, Đường Thành tiếp:

– Mạt tướng dẫn đội kỵ binh ra ngoài thành gần năm mươi dặm, suốt dọc đường không hề gặp một đội buôn, một tên lính nào, chỉ thấy vài nhóm dân đói; Chỉ có điều tuy đám dân đói này quần áo rách tả tơi, nhưng đa số đều là đàn ông trai tráng, mạt tướng sợ kinh động đến bọn họ nên vội quay trở lại.

Cổ Phùng trầm giọng nói:

– Ý ngươi là đám dân đói này có vấn đề?

– Chắc chắn là có vấn đề.

Đường Thành nói:

– Đám dân đói này chắc đến tám phần là đội thám báo!

– Đội thám báo?

Cổ Phùng thất thanh nói:

– Ý ngươi là tất cả các đội buôn và người qua đường đến từ ba quận đều đã bị đám thám báo ngụy trang dân đói này chặn giết cả rồi?

Đường Thành nói:

– Chắc chắn là như vậy.

Cổ Phùng nói:

– Vậy chẳng phải là quận Tam Xuyên rất có thể đã thất thủ?

Đường Thành không trả lời, nhưng vẻ mặt của hắn đã khẳng định cho phán đoán của Cổ Phùng.

– Chẳng lẽ là tàn quân Sở của tên tiểu tử Hạng Trang?

Ý nghĩ vừa thoạt nảy ra trong đầu Cổ Phùng không khỏi khiến y giật mình hoảng sợ, nếu quả đúng như vậy thì sự tình khó giải quyết rồi đây. Cổ Phùng lập tức căn dặn Đường Thành:

– Đường Thành, mau phái khoái mã tới Hàm Dương, cầu cứu viện binh của Tướng quốc đại nhân, rồi chuyển hết dầu hỏa trong kho vũ khí lên trên tường thành.

– Rõ!

Đường Thành đáp lớn một tiếng rồi nhận lệnh đi ngay.

Lạc Dương, phủ Quận thủ.

Úy Liễu, Vũ Thiệp đang vây quanh tấm bản đồ trên hương án thì thầm thảo luận, Hạng Trang thì nôn nóng đi qua đi lại bên cạnh, nét mặt biểu lộ sự lo lắng cực độ.

Mới vừa đây thôi, đội thám báo ở quan ải Hàm Cốc mới báo về một tin hết sức bất lợi.

Có một đội kỵ binh Hán đột nhiên xuất quan, men theo đường mòn đi tuần tra về phía đông gần năm mươi dặm, tuy cuối cùng bọn chúng đã lui trở về, nhưng rất có thể hành tung của đội thám báo đã bị bại lộ. Cũng có nghĩa là, tướng trấn thủ ở quan ải Hàm Cốc rất có thể đã cảm nhận được động tĩnh, điều này hết sức bất lợi cho quân Sở!

Bởi vì, một khi tướng quân trấn thủ quan ải Hàm Cốc phát hiện ra tình hình không ổn, rất có thể sẽ cầu viện đến Hàm Dương!

Tuy rằng phần lớn tráng đinh ở Quan Trung đều đã bị triệu tập xuất chinh, nhưng với khả năng của Tiêu Hà, chắc chắn chẳng khó khăn gì mà không triệu tập được hai ba mươi ngàn tàn binh già yếu; Theo như báo cáo của Lã Sản, thì quan ải Hàm Cốc vốn có năm ngàn tinh binh, nếu lại cộng thêm hai ba mươi ngàn viện binh, dù là già yếu, thì đối với quân Sở mà nói, cũng không khác gì khắc tinh!

Cũng tức là, quân Sở nhất định phải công hãm được quan ải Hàm Cốc trước khi quân cứu viện từ Quan Trung đến!

Thời gian, thời gian, vẫn là thời gian, đối với quân Sở mà nói, thứ thiếu nhất vào lúc này chính là thời gian!!!