Chương 8

Máu Lạnh

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Ông già Andrews là một chủ trại phát đạt; ông không có nhiều tiền ở ngân hàng, nhưng đất đai ông sở hữu trị giá xấp xỉ hai trăm nghìn đô la. Dục vọng thừa hưởng cơ ngơi này rõ ràng là động cơ ở đằng sau âm mưu muốn hủy diệt cả nhà mình của Lowell Lee. Bởi vì tên Lowell Lee bí ẩn, kẻ nấp ở bên trong anh sinh viên khoa Sinh năng đi nhà thờ và hay xấu hổ, lại tự coi mình là một tên sát nhân bậc thầy có trái tim băng giá: hắn muốn mặc những chiếc áo sơ mi lụa kiểu găng tơ, lái những xe hơi thể thao màu đỏ thẫm; hắn muốn được nhìn nhận không phải chỉ như một anh học trò còn tân, béo phệ, mọt sách và đeo kính; và tuy hắn không ghét một ai ở trong gia đình mình, ít nhất là không ghét một cách hữu thức, song ám sát họ xem ra lại là cái cách nhanh nhất, nhạy nhất để thực hiện những điều kỳ quái đang ám hắn. Thạch tín là vũ khí hắn quyết định dùng; sau khi đầu độc các nạn nhân, hắn tính đặt họ vào lại trên giường rồi đốt nhà, hy vọng những người điều tra tin rằng họ chết vì tai nạn. Nhưng một chi tiết giày vò hắn: giả dụ giải phẫu pháp y lại cho thấy thạch tín thì sao? Và giả dụ việc mua thạch tín sẽ để lại dấu vết dẫn đến hắn? Đến mùa hè hắn dựng ra một kế hoạch khác. Hắn bỏ ba tháng hoàn chỉnh nó. Cuối cùng đến một đêm như tháng Mười một gần như lạnh không độ thì hắn đã sẵn sàng hành động.

Đó là tuần lễ Tạ ơn, và Lowell Lee nghỉ lễ ở nhà, cũng như Jennie Marie, một cô gái khá mộc mạc nhưng thông minh đang theo học một trường cao đẳng tại Oklahoma. Đêm 28 tháng Mười một, đâu khoảng bảy giờ, Jennie Marie ngồi trong phòng khách với bố mẹ xem ti vi; Lowell Lee nằm trong buồng ngủ đọc chương cuối Anh em nhà Karamazov. Nhiệm vụ đó làm xong, hắn cạo râu, mặc bộ đồ đẹp nhất và bắt tay vào lắp đạn cho cả một khẩu súng bán tự động cỡ nòng 22 ly lẫn một khẩu súng lục Ruger cỡ nòng 22 ly. Hắn nhét súng lục vào bao da ở hông, khoác súng trường lên vai, rồi ung dung đi xuôi một hành lang đến phòng khách; phòng khách lúc này tối om, chỉ còn ánh sáng nhoang nhoáng của ti vi. Hắn bật một cái đèn lên, nhằm súng, bóp cò, bắn trúng vào giữa hai mắt chị, giết chết cô ngay lập tức. Hắn bắn mẹ ba lần và bố hai lần. Người mẹ, mắt mở trừng, tay giang rộng, loạng choạng đi đến phía hắn; bà cô nói, miệng mở rồi lại đóng nhưng Lowell Lee nói: “Câm.” Để chắc chắn là bà mẹ tuân lệnh mình, hắn bắn thêm bà ba phát nữa. Nhưng ông Andrews vẫn còn sống; nức nở, rên rỉ, ông lạch bạch nhoài lê trên sàn nhà xuống phía bếp, nhưng đến cửa bếp thằng con trai rút khẩu súng lục ở trong bao ra xả hết ổ đạn, rồi lại lắp đạn vào và bắn cho tới lúc hết ổ đạn; tổng cộng bố hắn nhận mười bảy viên. Theo những lời khai người ta cho là của hắn, Andrews “không hề cảm thấy gì về việc đó. Đến lúc tôi làm cái tôi phải làm thôi, về cái đó thì chỉ có vậy.” Sau khi bắn, hắn nâng cửa sổ trong phòng ngủ mình lên, bỏ rèm che rồi lang thang khắp trong nhà lục lọi các ngăn kéo chạn ăn, vất tung các thứ đựng trong đó ra: ý hắn là để đổ vụ án này cho kẻ trộm. Sau đó, hắn lái chiếc xe của bố trên đường tuyết trơn đến Lawrence, thị trấn nơi có Đại học Kansas; trên đường, hắn đỗ xe ở một cây cầu, tháo rời những cỗ pháo giết người của hắn ra và thủ tiêu nó bằng cách vất những bộ phận khác nhau xuống sông Kansas. Nhưng dĩ nhiên chuyến đi này là nhằm tạo ra bằng chứng vắng mặt lúc xảy ra vụ án. Trước hết hắn dừng lại ở khu nội trú nơi hắn sống; hắn nói chuyện với bà chủ, bảo bà rằng hắn phải đến lấy cái máy chữ, và vì thời tiết xấu cho nên đi từ Wolcott đến Lawrence phải mất những hai giờ. Lại đi, hắn vào một rạp chiếu phim, tại đây, khác với tính cách mình, hắn đã trò chuyện với một người xếp chỗ ngồi và một người bán kẹo. Mười một giờ, khi hết phim, hắn quay trở về Wolcott. Con chó lai giống mongrel của gia đình đang chờ ở cổng trước; nó rên rỉ vì đói cho nên Lowell Lee đi vào nhà, bước qua xác bố, pha một bát sữa nóng và cháo bột mì; rồi trong khi con chó ăn thì hắn gọi điện cho cảnh sát, “Tên tôi là Lowell Lee Andrews. Tôi sống ở 6040 Wolcott Drive, tôi muốn khai báo một vụ cướp…”

Bốn sĩ quan cảnh sát của Đội Tuần tra hạt Wyandotte đáp lời. Một người trong nhóm, cảnh sát tuần tra Meyers, tả lại cảnh tượng như sau: “Chúng tôi đến nơi lúc một giờ sáng. Tất cả đèn trong nhà sáng trưng. Và cậu con trai to béo tóc đen kia, Lowell Lee, thì ngồi trên cổng vỗ vỗ đầu nựng con chó. Thiếu úy Athey hỏi cậu ta cái gì đã xảy ra thì cậu ta chỉ về phía cửa, thật bình thản, nói, ‘Xem trong kia kìa.’ Xem rồi thất kinh, các sĩ quan cảnh sát bèn mời người chuyên xét nghiệm pháp y của hạt đến, là người lịch lãm, ông ta cũng ngạc nhiên bởi thái độ lửng khửng chai lì của cậu Andrews non trẻ, vì khi ông ta hỏi hắn định làm ma như thế nào thì hắn nhún vai đáp, “Các ông làm gì cho họ tôi cũng chả bận tâm.”

Không lâu sau, hai thám tử kỳ cựu hơn đến và bắt đầu thẩm vấn người sống sót duy nhất của gia đình. Tuy biết chắc hắn nói dối, hai vị thám tử vẫn nghe một cách cẩn trọng chuyện hắn lái xe đi Lawrence lấy cái máy chữ rồi đi xem phim như thế nào và về nhà sau nửa đêm ra sao để thấy buồng ngủ của mình bị lục lọi và gia đình bị giết. Hắn cứ khư khư bám lấy câu chuyện này, và có thể sẽ chẳng bao giờ thay đổi nó nếu như, tiếp sau việc bắt và đưa hắn đến nhà tù hạt, các nhà chức trách đã không nhận được sự giúp đỡ của Đức cha Virto C. Dameron.

Đức cha Dameron, một nhân vật của Dickens, một diễn giả chửi thề vui vẻ và nói năng ngọt xớt, là cha coi nhà thờ Báptít Grandview ở Kansas City, bang Kansas, nhà thờ mà gia đình Andrews đi lễ đều đặn. Bị bác sĩ pháp y gọi dậy gấp, Dameron có mặt ở nhà tù vào khoảng ba giờ sáng, chừng đó các thám tử liền rút sang một buồng khác, để cho vị linh mục trao đổi ý kiến riêng với con chiên mà cha cai quản. Một cuộc phỏng vấn có tính quyết định, vì Lowell Lee mấy tháng sau đã thuật lại việc này với một người bạn: “Ông Dameron nói, ‘Nào giờ thì, Lee ạ, cha đã biết con suốt cả đời con. Từ lúc con chỉ mới bằng con nòng nọc tí tẹo thế này. Và cha biết rõ cả đời bố con, cha và bố con cùng lớn lên với nhau, là bạn bè thời nhỏ với nhau mà. Và vì thế cha đến đây – không phải vì cha là linh mục của con, mà vì cha cảm thấy con y như là một thành viên của chính gia đình cha. Và vì con đang cần một người bạn mà con có thể trò chuyện và tin cậy. Và vì cha cảm thấy ghê sợ về cái vụ việc ghê sợ này, và cha cũng hoàn toàn giống như con, nóng lòng được thấy bọn thủ phạm bị bắt và trừng trị.’

Ông ấy muốn biết tôi có khát không, tôi bảo khát, thế là ông ấy lấy cho tôi một chai Coca rồi sau đó tiếp tục nói chuyện về Lễ Tạ ơn và hỏi tôi có thích học hành không, rồi thình lình ông ấy hỏi: ‘Bây giờ Lee ạ, mấy người ở đây hình như có một vài điều nghi ngờ về sự vô tội của con đấy. Cha tin rằng con sẽ bằng lòng chịu kiểm tra nói dối và thuyết phục những người này về sự vô tội của mình để họ có thể toàn tâm đi bắt bọn thủ phạm.’ Rồi ông ấy nói, ‘Lee, con không làm cái điều ghê rợn này, có phải không? Nếu con làm thì đây là lúc cho con tẩy rửa linh hồn con đây.’ Tôi chợt thoáng nghĩ, đằng nào cũng có khác gì nhau, thế là tôi nói ra sự thật với ông ấy, gần hết mọi chuyện. Ông ấy cứ lúc lắc đầu, trợn tròn mắt xoa xoa tay, rồi nói đây là một việc ghê rợn, tôi sẽ phải trả lời Đấng Tối cao, phải tẩy rửa linh hồn bằng cách nói với các sĩ quan những gì tôi đã nói với ông ấy, và tôi có chịu làm như thế không?” Nhận được một cái gật đầu tán thành, cố vấn tinh thần của người tù liền bước vào gian phòng bên cạnh đầy những sĩ quan cảnh sát đang chờ đợi, rồi tự hào đưa ra một lời mời: “Đi vào đi. Thằng nhỏ đã sẵn sàng khai.”

Vụ Andrews trở thành cơ sở cho một cuộc vận động lớn về pháp luật và y học. Trước khi tòa họp, tại đó Andrews được bào chữa là vô tội bởi lý do mất trí, khoa Tâm thần của bệnh viện Menninger đã tiến hành một cuộc chẩn đoán triệt để kẻ bị kết tội; việc đó đã đưa ra một chẩn đoán “tâm thần phân liệt, típ đặc biệt”. Bằng chữ “đặc biệt”, các bác sĩ muốn nói là Andrews không bị cuồng tưởng, không có cảm nhận sai lạc, không có ảo giác, nhưng có bước khởi đầu của bệnh tách rời tư duy khỏi cảm giác. Hắn hiểu bản chất của các hành vi hắn làm, hiểu rằng các hành vi đó bị cấm đoán, rằng đó là chủ thể của sự trừng phạt. “Nhưng,” để dẫn lời bác sĩ Joseph Satten, một trong những người chẩn đoán, “Lowell Lee không có bất cứ cảm xúc nào hết. Hắn coi bản thân là người duy nhất quan trọng, duy nhất có ý nghĩa ở trên thế giới. Và bên trong cái thế giời lìa xa mọi cái của hắn thì với hắn hình như giết mẹ cũng giống như giết một con vật hay một con ruồi vậy thôi.”

Theo ý kiến bác sĩ Satten và các đồng nghiệp của ông, vụ Andrews là một thí dụ không thể bàn cãi được về tinh thần trách nhiệm giảm sút, đến mức vụ án mạng này đã cho một cơ hội lý tưởng để bác lại Điều luật M’Naghten của tòa án bang Kansas. Điều luật M’Naghten, như đã nói trước đây, không thừa nhận một hình thái mất trí nào một khi bị cáo đã có năng lực phân biệt đúng sai – về mặt pháp lý, chứ không phải về mặt luân lý. Dẫu các nhà phân tâm học và luật học tự do thất vọng về điều này đến đâu đi nữa, điều luật này đang chiếm ưu thế ở các tòa án của Liên hiệp Anh, và, ở Mỹ, nó được áp dụng ở tòa án tất cả các bang ngoại trừ chừng một nửa tá bang và Đặc khu Columbia vẫn trung thành với Điều luật Durham vốn khoan dung hơn tuy một số người nghĩ là không thực tiễn, theo đó thì một người bị kết tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy nếu như hành vi phi pháp của người đó là sản phẩm của bệnh tâm thần hay khiếm khuyết tâm thần.

Tóm lại, điều mà những người bảo vệ Andrews, một ê kíp gồm có các nhà phân tâm học của bệnh viện Menninger và hai luật sư hàng đầu, hy vọng đạt được là một chiến thắng mang tầm vóc một cột mốc về pháp lý. Thực chất chủ yếu là thuyết phục tòa án lấy Điều luật Durham thay cho Điều luật M’Naghten. Nếu việc này xảy ra thì, do có nhiều bằng chứng liên quan đến tình trạng tâm thần phân liệt của Andrews, chắc chắn hắn sẽ không bị xử treo cổ hay thậm chí không bị tù mà chỉ bị giữ lại tại Bệnh viện bang dành cho những Tội phạm Mất trí.

Tuy nhiên, bên bị đã coi như không hề có vị cố vấn tôn giáo của bị cáo, linh mục Dameron không biết mệt mỏi, người xuất hiện trước tòa với tư cách nhân chứng chủ yếu cho bên khởi tố, nói trước tòa bằng cái phong cách cầu kỳ khoa trương của một nhà phục sinh tôn giáo diễn thuyết giữa trời rằng ông vẫn thường cảnh cáo cái đứa nguyên là học trò Trường Lễ ngày Chủ nhật của ông về cơn thịnh nộ của Chúa treo lơ lửng trên đầu chúng ta: “Tôi nói, trên cõi thế gian này không có một thứ gì đáng giá hơn linh hồn con, và trong một số cuộc trò chuvện con đã nhiều lần nhận với ta rằng đức tin của con yếu, rằng con không tín ngưỡng ở nơi Chúa. Con biết mọi tội lỗi đều là chống Chúa, Chúa là người xét xử cuối cùng của con và con sẽ phải trả lời Người. Tôi nói điều đó để làm cho anh ta cảm nhận được sự khủng khiếp của cái việc anh ta đã làm và như vậy anh ta phải trả lời trước Chúa về tội lỗi ấy.”

Rõ ràng Đức cha Dameron đã quyết định anh thanh niên Andrews nên trả lời không phải chỉ trước Chúa mà còn cả với những quyền lực trần tục hơn, vì chính lời chứng của ông, cộng với lời thú thật của bị cáo, đã giải quyết được vụ án. Viên thẩm phán chủ trì duy trì Điều luật M’Naghten và bồi thẩm đoàn cho ra bản án tử hình như bang này đòi hỏi.

Thứ Sáu, 13 tháng Năm, hạn thứ nhất đặt ra cho việc hành hình Smith và Hickock trôi qua nhẹ nhàng. Tòa án tối cao bang Kansas đã cho họ hoãn thi hành án trong lúc chờ đợi kết quả đơn yêu cầu mở phiên tòa mới của luật sư. Lúc này, án của Andrews cũng đang được tòa án này xét xử lại.

Xà lim Perry liền bên xà lim của Hickock; tuy không nhìn thấy nhau chúng vẫn có thể trò chuyện được, nhưng Perry ít khi nói với Dick, không phải vì một sự tức tối rõ rệt nào giữa chúng (sau một ít lời trách móc lăng nhăng, quan hệ giữa chúng đã biến thành một sự tha thứ cho nhau: sự chấp nhận lẫn nhau của hai kẻ không cùng khí chất song gắn với nhau như bóng với hình), mà là bởi Perry, vốn dĩ cẩn thận, kín đáo, đa nghi, không muốn cho các người gác và bạn tù khác nghe lỏm được “việc riêng” của hắn, đặc biệt là Andrews hay Andy như người ta gọi ở Dãy. Cái giọng có ăn học và phẩm chất chính quy của một trí tuệ được đại học rèn dạy ở Andrews là lời nguyền rủa với Perry, hắn cứ nghĩ mặc dù mình chưa hết lớp Ba nhưng cũng vẫn được học hành hơn phần lớn những người hắn quen biết, và hắn lấy làm sướng mỗi khi uốn nắn cho họ, đặc biệt về ngữ pháp và cách phát âm. Thế là đây, đùng một cái tòi ra cái thằng này – “chỉ là thằng lỏi” – thế mà nó lại thường xuyên chỉnh hắn. Nào có lạ gì nếu hắn không mở miệng? Tốt hơn là câm mồm chứ đừng để cho cái thằng oắt đại học nó bảo ban, như “Đừng nói phi quan tâm, phải nói là không quan tâm.” Andrews nó có ý tốt, nó không có ác ý gì, nhưng Perry có thể cho nó vào chảo rán giòn – tuy vậy hắn không bao giờ thừa nhận thế, không để ai đoán ra tại sao, sau một trong những sự cố bị hạ nhục đó, hắn lầm lì sưng sỉa ngồi không thiết ăn cả ba bữa ngưòi ta mang cho hắn hằng ngày. Đầu tháng Sáu hắn gần như ngừng ăn – hắn bảo Dick, “Cậu có thể nhẩn nha chờ cái dây thừng được, tớ thì không,” và từ đấy hắn cự tuyệt không sờ đến một miếng ăn một giọt nước và không một lời với bất cứ ai.

Cuộc tuyệt thực kéo dài năm ngày trước khi người quản ngục lấy đó làm nghiêm trọng. Ngày thứ sáu ông ta ra lệnh chuyển Perry sang trạm y tế nhà tù, nhưng cuộc xê dịch không làm giảm quyết tâm của Perry; khi người ta định dùng cách cưỡng ép hắn ăn thì hắn chóng trả lại, hất đầu ra sau và nghiến chặt quai hàm cho tới khi hàm hắn cứng đờ chẳng khác nào những cái đinh móng ngựa. Cuối cùng hắn bị trói chặt lại và cho ăn bằng cách tiêm tĩnh mạch hay qua một cái ống cắm vào đường mũi. Dù có như vậy, sau chín tuần tiếp theo trọng lượng của hắn từ 84 ký tụt xuống còn 57 ký, và người quản giáo được báo cho hay rằng nuôi cưỡng chế thế này không thôi sẽ dứt khoát không thể giữ cho người tù sống sót được.

Tuy cũng thấy chợn trước sức mạnh ý chí của Perry, Dick vẫn không tin rằng mục đích của Perry là tự sát; ngay cả khi được báo rằng Perry đang mê man bất tỉnh, Dick cũng bảo Andrews, nay đã trở nên thân thiết với hắn, rằng thằng bạn cùng phe với hắn vờ vịt đấy thôi. “Chỉ là nó muốn cho họ nghĩ nó điên.”

Andrews, một kẻ luôn tự bắt mình ăn (hắn đã dán đầy một quyển vở toàn những tranh minh họa các thứ ăn được, từ bích quy dâu tây cho đến lợn quay), nói, “Khéo nó điên thật. Tự bắt mình đói đến thế cơ mà.”

“Chỉ là nó muốn ra khỏi đây. Đóng kịch. Để cho họ bảo nó điên và đưa nó vào nhà thương điên.”

Về sau Dick đâm ra thích dẫn những lời đối đáp của Andrews, vì hắn thấy hình như đó là một mẫu hay ho về “cách suy nghĩ ngộ” và đầu óc tự mãn “phiêu mây gió” của gã trai này. “Chà,” Andrews nói, “tôi mà nhịn như thế thì chắc chắn là gay go lắm. Ai lại tự nhịn đói cơ chứ! Mà rồi sớm muộn gì thì chúng mình cũng đều ra khỏi đây thôi. Hoặc đi bộ ra hoặc cái quan tài nó chở đi. Tôi ấy à, tôi thì chẳng bận tâm quái gì mình đi bộ ra hay được chở ra. Ở đoạn kết tất cả như nhau hết.”

Dick nói, “Cái rắc rối với cậu, Andy à, là ở chỗ cậu chẳng coi trọng gì cái mạng người. Kể cả cái mạng cậu.”

Andrews tán thành. Hắn nói, “Tôi sẽ nói một vài cái nữa cho anh nghe. Giả sử tôi ra khỏi đây mà sống nhăn răng, tôi muốn nói là ra khỏi các bức tường kia và đi hẳn ấy, thì có lẽ sẽ chẳng ai biết Andy đi đâu mà lần, nhưng chắc chắn họ sẽ biết là trước đây Andy đã ở đâu.”

Suốt mùa hè, Perry quằn quại giữa những cơn thiêm thiếp nửa tỉnh nửa mê và giấc ngủ bệnh hoạn, người đầm đìa mồ hôi. Những tiếng người gầm rú trong đầu hắn; một tiếng người nheo nhéo hỏi hắn: “Giê-su đâu? Đâu?” Một lần hắn vùng tỉnh dậy hét, “Con chim là Giê-su! Con chim là Giê-su!” Giấc mơ sân khấu hắn ưa chuộng lâu nay, giấc mơ trong đó hắn tự thấy mình là “Perry O’Parsons, Dàn giao hưởng Một Người”, giờ đây quay lại dưới dạng một giấc mơ trở tới trở lui. Trung tâm địa lý của giấc mơ là một hộp đêm ở Las Vegas, tại đó, đội cái mũ chóp cao trắng lốp, mặc áo choàng trắng lốp, hắn đi lại khụng khiệng trên sân khấu sáng đèn, lần lượt chơi kèn ácmônica, chơi ghi ta, chơi băng giô, chơi trống rồi hát “Em là ánh nắng của anh”, và nhảy mấy bước cla-két lên mấy bậc tam cấp ngắn màu kim nhũ; đến cao điểm thì hắn đứng lên một cái bục, nghiêng mình cúi chào. Không có tiếng vỗ tay hoan hô, không hề, tuy có hàng nghìn vị khách tai to mặt lớn ngồi chật kín cả một phòng tráng lệ – một cử tọa kỳ quặc, phần lớn là đàn ông và phần lớn da đen. Nhìn kỹ họ, người giúp vui đang nhễ nhại mồ hôi cuối cùng cũng hiểu ra sự im lặng của họ, vì thình lình hắn biết rằng đó là những bóng ma, hồn những người bị thủ tiêu hợp pháp, những người bị cho hít hơi ngạt, bị treo cổ, bị điện giật – và đồng thời hắn hiểu ra rằng hắn ở đây là để gia nhập cùng với họ, rằng những bậc kim nhũ kia dẫn tới cái giá treo, và cái bục hắn đang đứng thì đang mở ra dưới chân hắn. Chiếc mũ chóp cao của hắn rơi xuống; ỉa đái dầm dề, Perry O’Parsons bước vào cõi bất diệt.

Một buổi chiều, hắn thoát ra khỏi giấc mơ, tỉnh dậy thấy người quản ngục đứng bên giường. Người quản ngục nói, “Nghe như anh bị một cơn ác mộng nhỏ?” Nhưng Perry không trả lời, và người quản ngục, vốn đã nhiều lần vào viện thăm, cố thuyết phục người tù ngừng tuyệt thực đi, liền nói “Tôi có cái này ở đây. Của bố anh. Tôi nghĩ có thể anh muốn xem.” Perry, đôi mắt long lanh mênh mông trên bộ mặt bây giờ gần như đã nhợt nhạt màu lân tinh, chăm chú ngắm trần nhà; Lúc đó, người khách bị cự tuyệt bèn quay đi, sau khi đặt lên bàn bên giường người bệnh một tấm bưu ảnh.

Đêm hôm đó, Perry nhìn bức bưu ảnh. Nó gửi cho người quản ngục và được đóng dấu bưu điện Hồ Xanh, California; phần thư viết bằng lối chữ ngắn ngủn quen thuộc nói rằng: “Thưa ngài, tôi hiểu là ngài đang coi giữ thằng Perry con trai tôi. Xin ngài viết cho tôi nó đã làm gì không phải và liệu tôi đến đó thì có được gặp nó không. Tôi thì mọi sự đều ổn và tôi tin mọi sự với ngài cũng thế. Tex J. Smith.” Perry xé tấm bưu ảnh, nhưng tâm trí hắn vẫn lưu giữ nó, vì mấy từ thô thiển ấy đã phục hồi hắn về mặt cảm xúc, đã làm sống lại tình yêu thương và lòng thù ghét, đã cho hắn nhớ ra rằng hắn vẫn cứ là cái mà hắn đã cố để không trở thành – kẻ đang sống. “Và đúng là tôi đã quyết định,” sau này hắn bảo một người bạn, “tôi cứ phải theo kiểu cũ thôi. Những ai muốn lấy mạng tôi sẽ không được giúp gì thêm từ tôi nữa đâu. Họ sẽ phải giành giật nó đấy.”