Chương 6

Máu Lạnh

Đăng vào: 11 tháng trước

.

“Bình thường thì đi dễ, ngon ơ. Nhưng nay thì chả còn đường, kể cả bất cứ cái gì làm mốc cũng chả thấy đâu nữa.” Trời đất bốn bề tuyết trắng. Ngựa lún trong tuyết đến tận háng, trượt đổ sang bên. “Tôi đánh rơi mất đèn. Người ngựa lạc đường trong đêm. Cả hai đều ngủ mất rồi đông cứng, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Vâng, tôi sợ. Nhưng tôi đọc kinh. Và tôi cảm thấy Chúa hiện hữu…” Chó tru. Họ đi theo tiếng chó tru cho đến khi trông thấy các cửa sổ của một nông trại hàng xóm. “Tôi nên dừng lại ở đây. Nhưng tôi nghĩ đến gia đình – tưởng tượng là mẹ tôi đang khóc, bố và đám con trai làm thành một kíp đi tìm, thế là tôi thúc ngựa đi lên. Cho nên, cuối cùng, khi tôi về được tới nhà và thấy nhà tôi om thì lẽ tự nhiên là tôi không vui lắm. Cửa khóa. Thì ra mọi người đều đã đi ngủ cả, quên béng mất tôi. Không ai trong nhà hiểu được làm sao tôi lại bí xị thế. Bố nói, ‘Cả nhà cứ đinh ninh là con đã nghỉ lại ở thị trấn đêm nay. Lạy Chúa, con ơi! Ai mà lại nghĩ được là con cảm thấy về nhà trong khi bão tuyết thế này là tốt hơn cơ chứ?’”

Mùi chua thơm thơm của táo ủng. Những cây táo, cây lê, đào và anh đào; vườn cây ăn quả của ông Clutter, nơi tập hợp các cây ăn quả quý ông trồng. Cứ bâng quơ mà chạy, Bobby đâu có ý định đến đây hay đến chỗ nào khác trong vùng Trại Lũng Sông. Không thể giải thích được, cậu đã toan bỏ đi, nhưng rồi quay lại và lang thang đến ngôi nhà – trắng xóa, bề thế, chắc chắn. Cậu luôn ngợp trước ngôi nhà này, và thấy thú vị khi nghĩ rằng bạn gái của mình sống ở đây. Nhưng nay thì nó không còn được hưởng sự chăm sóc của người chủ quá cố trước đây nữa rồi, những sợi đầu tiên của mạng lưới suy tàn đã được dệt chăng lên. Một cái cào sỏi vất lăn lóc trên đường cho xe chạy vào nhà; bãi cỏ nham nhở và cằn cỗi. Hôm Chủ nhật tang thương ấy, khi ông cảnh sát trưởng gọi xe cứu thương tới để chở gia đình bị giết đi, các xe cứu thương đã chạy ngang qua bãi cỏ tới thẳng cổng chính vào nhà, bây giờ vết bánh xe hãy còn trông thấy rõ.

Căn nhà của người làm mướn cũng đã trống không; ông đã tìm được chỗ mới cho nhà mình gần Holcomb hơn; điều ấy chẳng làm mọi người ngạc nhiên, vì hôm nay tuy thời tiết lấp lánh sáng sủa, song vùng đất nhà Clutter dường như vẫn âm u, im lìm, bất động. Nhưng khi Bobby đi ngang qua một nhà kho và quá đó là bãi thả gia súc, cậu nghe thấy tiếng ngựa hất đuôi. Đó là con Babe của Nancy, con ngựa cái già ngoan ngoãn mình đốm có bờm nâu và hai con mắt màu tía sẫm giống như hai bông hoa păng xê nở đẹp vậy. Túm lấy bờm con Babe, Bobby cọ cọ má vào nó, như Nancy hay làm. Và Babe hí lên. Chủ nhật trước, lần cuối cậu đến chơi nhà Kidwell, mẹ Sue có nói tới con Babe này. Bà Kidwell, một bà tính tình đồng bóng, đang đứng bên cửa sổ nhìn hoàng hôn nhuộm tối dần quang cảnh ngoài kia, cánh đồng cỏ dài tít tắp. Và hoàn toàn không ngờ tới, bà nói, “Susan à, con biết mẹ mải nhìn cái gì đấy không? Nancy. Cưỡi con Babe. Đang đi lại đằng mình.”

Perry nhận ra họ trước – một thằng nhỏ và một ông già xin đi nhờ xe, cả hai đều đeo ba lô tự làm lấy, và mặc dù trời gió, thứ gió thổi đùng đùng rét buốt của Texas, họ vẫn chỉ mặc độc bộ quần áo lao động có yếm và quần jean. “Cho họ đi nhờ một quãng,” Perry nói. Dick ngập ngừng, hắn không phản đối việc cho người ta đi nhờ xe, nhưng với điều kiện là xem ra họ có thể trả được chút tiền, ít nhất cũng là “tí xiền còm bù vào hai ga lông xăng.” Nhưng Perry, lão Perry nhỏ người mà rộng bụng, lại luôn luôn kèo nài Dick phải cho những người nom tồi tàn nhất, đau khổ nhất đi nhờ. Cuối cùng Dick bằng lòng đỗ xe lại.

Thằng nhỏ – một đứa tóc hoe hoe chừng mười hai tuổi, lủn củn, mắt nhanh như chớp, liến thoắng – cứ cảm ơn tíu tít cả lên còn ông già, mặt vàng vọt và sẹo chằng sẹo chịt, thì yếu ớt bò vào hàng ghế sau ngồi phịch xuống lặng thinh. Thằng bé nói, “Thật mừng quá. Ông Johnny sắp lăn kềnh tới nơi rồi. Từ Galveston chúng tôi toàn đi bộ.”

Perry và Dick đã rời thành phố cảng ấy một giờ trước, sau khi đã lang thang ở đó cả buổi sáng, đi khắp các hãng tàu xin làm một chân thủy thủ. Một hãng bảo họ có thể vào làm ngay trên một tàu chở dầu sắp đi Brazil, và quả tình hai đứa lẽ ra giờ này đã lênh đênh trên biển rồi nếu như chủ tương lai của họ không phát hiện ra là cả hai chẳng ai có thẻ công đoàn thay cho hộ chiếu. Cũng lạ, nỗi thất vọng của Dick vượt xa nỗi thất vọng của Perry: “Brazil! Ở xứ ấy người ta đang xây cả một thủ đô mới đấy. Xây từ con số không. Tưởng tượng mà coi, được đặt chân lên một chỗ mới toanh như thế! Bất cứ thằng ngu nào cũng có thể làm cả đống tiền.”

“Ông cháu mày đi đâu?” Perry hỏi thằng bé.

“Nước Ngọt.”

“Nước Ngọt là ở đâu?”

“À, ở chỗ nào đó dọc theo hướng này. Đâu như ở Texas. Ông Johnny đây là ông nội tôi. Ông cụ có người em gái sống ở Nước Ngọt. Ít ra thì tôi cũng cầu Chúa là bà ta ở đấy thật. Chúng tôi nghĩ em gái cụ sống ở Jasper, Texas cơ. Nhưng tới Jasper rồi thì người ta bảo là bà ấy với cả nhà bà ấy chuyển tới Galveston rồi. Tới Galveston lại cũng chả gặp, cái bà ở đó nói là bà cụ đi Nước Ngọt rồi. Tôi cầu Giê-su sao cho chúng tôi tìm ra được bà cụ.”

“Johnny à,” thằng nhỏ nói, xoa xoa hai bàn tay ông già, như để làm cho nó khỏi cóng buốt, “Ông Johnny, nghe cháu nói không đấy? Ông cháu mình đang ngồi trên một cái xe ấm áp đẹp lắm, một cái Chevrolet đời 56 đấy.” Ông già ho, đầu ông lảo đảo, mở rồi lại nhắm ngay mắt, rồi lại ho.

Dick nói. “Này. Ông già làm sao thế!”

“Thời tiết thay đổi,” thằng nhỏ nói. “Đi bộ miết. Chúng tôi đi bộ từ trước Nôen còn gì. Tôi thấy có khi phải đi đến gần hết cả bang Texas ấy chứ.” Bằng cái giọng thoải mái tự nhiên như không, và trong khi tiếp tục xoa bóp tay cho ông già, thằng nhỏ kể cho chúng rằng trước khi lên đường nó và ông già sống với bà cô tại một cái trại gần Shreveport, Louisiana. Bà cô chết cách đây ít lâu. “Johnny đã ốm yếu khoảng một năm nay rồi, cô phải làm tất cả mọi thứ. Chỉ có tôi đỡ đần cho thôi. Chúng tôi bổ củi. Bổ bật một cái gốc cây lên. Thì giữa chừng cô bảo mệt quá. Đã thấy một con ngựa ngã kềnh ra rồi không bao giờ dậy được nữa chưa? Tôi thấy rồi đấy. Y như thế. Ít ngày trước Nôen, người cho ông thuê lại nông trại đã “đuổi hai ông cháu đi khỏi đó”, thằng nhỏ nói tiếp. “Hai ông cháu bắt đầu đi ra khỏi Texas như thế. Tìm bà Jackson. Tôi chưa gặp bà cụ nhưng bà cụ là em ruột của Johnny. Mà phải có ai đó nhận lấy chúng tôi chứ. Ít ra thì cũng nhận ông nội. Ông cụ không thể đi hơn được nữa rồi. Đêm qua chúng tôi còn bị mưa nữa.”

Chiếc xe đỗ lại. Perry hỏi Dick sao lại đỗ.

“Người này ốm lắm rồi,” Dick nói.

“Thì sao? Cậu định làm gì? Cho ông ta ra à?”

“Dùng cái đầu của cậu đi. Chỉ một lần thôi.”

“Cậu đúng là đồ chó chết ti tiện.”

“Lão mà chết thì sao?”

Thằng nhỏ nói, “Ông tôi không chết đâu. Chúng tôi đã đi xa đến thế này thì ông tôi sẽ chờ được.”

Dick khăng khăng, “Lão chết thì thế nào đây? Nghĩ cái gì sẽ xảy ra nào? Vặn vẹo hạch hỏi.”

“Thật tình là tớ đếch quan tâm. Cậu muốn cho họ xuống xe hả? Bằng bất cứ giá nào chứ gì, được.” Perry nhìn vào ông già tàn tật vẫn đang ngủ gà ngủ vịt, ngớ ngẩn, điếc lác, rồi lại nhìn thằng nhỏ, nó nhìn lại hắn điềm đạm, không xin xỏ, không “đề nghị bất cứ cái gì”, và Perry chợt nhớ mình thuở bằng tuổi này, những cuộc lang thang của chính mình với một ông già. “Cứ làm đi. Cho họ xuống xe đi. Nhưng tớ cũng xuống luôn.”

“OK, OK, OK. Chỉ cần đừng có mà quên thôi,” Dick nói. “Đây là lỗi của cậu, mẹ kiếp.”

Dick sang số xe. Thình lình, khi xe bắt đầu chuyển bánh lại, thằng nhỏ hét lên, “Gượm tí!” Nhảy bổ ra ngoài xe, nó chạy vội dọc rìa đường, dừng lại, cúi xuống, nhặt lên một, hai, ba, bốn chai Coca Cola rỗng, chạy trở lại, nhảy bổ vào trong xe thích chí cười. “Mấy cái chai này khối tiền đấy,” nó nói với Dick. “Thưa ông, nếu mà ông lái xe kiểu từ từ thế này thì tôi bảo đảm chúng ta có thể nhặt lên một khoản tiền lẻ khơ khớ đấy. Tôi và Johnny có cái ăn là nhờ những của này mà. Gây lại quỹ.”

Dick buồn cười, nhưng hắn cũng thấy thu thú, cho nên lần kế tiếp khi thằng nhỏ kêu đỗ, hắn lập tức tuân lời. Lệnh của thằng nhỏ ban ra thường xuyên quá đến nỗi có năm dặm đường mà mất một giờ, nhưng cũng bõ. Thằng nhỏ có cái biệt tài trong việc dò trúng chỗ những chai bia màu nâu loang loáng, lớp sơn màu ngọc thạch bôi bác đã từng có thời đựng bia 7 up và Canada Dry lăn lóc cạnh những hòn đá hay đống rác um tùm cỏ ven đường. Perry cũng mau chóng phát triển được năng khiếu riêng của hắn về việc “tia” ra những cái chai đó. Ban đầu hắn chỉ báo cho thằng nhỏ biết những chỗ mà hắn cho là có thể xuống đấy tìm; hắn thấy bản thân mình mà láo nháo chạy xuống nhặt thì trông mất thể diện quá. Làm thế là “ngớ ngẩn”, chỉ là “trò con nít”. Thế nhưng, cuôc chơi đã gây ra một niềm hưng phấn kiểu săn lùng kho báu, và chả mấy chốc, cả hắn nữa, hắn cũng không cưỡng lại được trò vui, cơn hăng tìm kiếm những thứ rỗng không mà lại có sức bù vào vốn liếng. Dick cũng thế, nhưng Dick thì hăng hái ra trò. Nom thì có vẻ dở hơi, song cách này đúng là làm ra được ít tiền – bét nhất thì cũng dăm ba đô. Ai mà biết, hắn và Perry có thể dùng đến khoản đó lắm chứ; lúc này tài chính của cả hai thằng cộng lại còn chưa tới năm đô.

Bây giờ thì cả ba – Dick, thằng bé và Perry – đều tụt cả ra ngoài xe và không ngượng ngùng xấu hổ chút nào, đua nhau nhặt, tuy vẫn thân mật vui vẻ. Có lúc Dick tìm ra chỗ giấu những chai vang và uýt ki dưới một cái rãnh, hắn ỉu xìu khi biết phát hiện này chẳng có giá trị gì. “Họ không mua những chai rượu manh như thế này đâu,” thằng nhỏ bảo hắn, “Kể cả một số chai đựng bia cũng không được giá. Tôi thường không dây vào những cái chai này. Chỉ nhặt những của chắc ăn thôi. Dr. Pepper này. Pepsi này. Coca này. White Rock này. Nehi này.”

Dick hỏi, “Tên mày là gì?”

“Bill,” thằng nhỏ nói.

“Được đấy, Bill. Mày được học hành chính quy đấy.” Đêm xuống, những nhà săn chai buộc phải thôi – trời tối và thiếu chỗ, vì họ đã nhặt được nhiều đến mức cái xe không còn chỗ chứa thêm nữa. Thân xe đầy phè chai, ghế sau trông như cả một đống ú hụ những rác rưởi lóng lánh; ông già thì đau yếu, chẳng hề được thằng cháu đoái hoài, hoàn toàn bị lấp dưới cái khoang chứa hàng lanh canh và rùng rình một cách nguy hiểm ấy.

Dick nói, “Giờ mà bị đâm xe thì mới thú đời đây.” Một cụm đèn sáng quảng cáo cho New Motel, khách sạn bên đường cho xe hơi trú trọ, khi người đi đường tiến lại gần thì nó hóa ra là một tổ hợp đồ sộ gồm những nhà nghỉ riêng biệt, một gara xe hơi, một nhà hàng và một phòng uống cốc tai. Nhận lấy trách nhiệm, thằng nhỏ bảo Dick, “Rẽ vào đó đi. Có thể ta làm ăn được đấy. Nhưng để tôi thương lượng. Tôi có kinh nghiệm rồi. Đôi khi họ tìm cách lừa mình đấy.” Perry không thể tưởng tượng ra được “có ai đủ thông minh để lừa nổi thằng nhỏ này,” về sau hắn nói. “Nó chẳng lấy gì làm xấu hổ với những chai lọ lỉnh kỉnh bên người, cứ thế đi vào. Nếu là tôi thì tôi chịu, chắc tôi sẽ xấu hổ lắm. Nhưng người ở khách sạn xe hơi này cũng tử tế, họ chỉ cười ầm. Thế nào mà đống chai kia lại được những hai mươi đô sáu chục xen.”

Thằng nhỏ kia đếm tiền, lấy một nửa, một nửa đưa cho hai bạn nghề và nói, “Biết gì không? Tôi sẽ ních cho tôi với Johnny một bữa no nê. Các ông bạn có đổi không?” Dick đói, như thường lệ. Và sau bao nhiêu là hoạt động vừa rồi, cả Perry cũng đói. Như sau này hắn kể lại: “Chúng tôi đem ông lão lên xe lăn đưa vào trong nhà hàng rồi rinh cụ đến một cái bàn. Cụ trông vẫn đúng như vậy – như chết rồi. Chẳng nói lấy một lời. Nhưng vẫn thấy cụ ngốn hết các thứ. Thằng nhỏ gọi bánh kếp cho ông cụ; nó bảo Johnny thích nhất món bánh kếp này. Tôi thề là cụ xơi có đến ba chục cái. Với có lẽ một ký bơ hoặc một ca xi rô. Thằng nhỏ cũng ăn không ít. Khoai tây rán và kem, nó chỉ thích mấy cái đó thôi, nhưng quả là nó ăn nhiều lắm. Không biết nó có bị làm sao không.”

Trong bữa tiệc tối, Dick xem bản đồ, cho biết là Nước Ngọt cách con đường họ đang đi chừng trăm dặm hay hơn một chút về phía Tây – con đường này sẽ đưa hắn qua New Mexico và Arizona đến Nevada rồi đến Las Vegas. Tuy đúng là vậy nhưng rõ ràng Perry thấy Dick chỉ là muốn buông thằng nhỏ và ông già ra thôi. Thằng nhỏ cũng nhìn rõ ý Dick nhưng nó lịch sự nói, “Ồ, các ông đừng lo cho ông cháu tôi. Vô khối xe sẽ đỗ lại ở đây. Chúng tôi sẽ đi nhờ mà.”

Thằng nhỏ đi với chúng ra xe, để mặc ông lão nhồi thêm một đống bánh kếp vừa mang đến nữa. Nó bắt tay Perry và Dick, chúc hai người năm mới vui vẻ và vẫy theo hai người cho đến khi họ khuất vào trong đêm tối.

Chiều thứ tư, 30 tháng Chạp, có một chiều đáng ghi nhớ trong gia đình đặc vụ A. A. Dewey. Sau này nhớ lại, vợ ông nói, “Alvin vừa tắm vừa hát bài ‘Bông hồng vàng của Texas’. Bọn trẻ đang xem ti vi. Tôi thì đang dọn bữa tối. Một bữa buýp phê, thích ăn gì tự lấy. Tôi là người New Orleans; tôi thích làm bếp và chiêu đãi cả nhà, mà mẹ tôi lại vừa mới gửi đến cho cả nhà một giỏ mơ và đậu mắt đen, và, ồ, cả một đống những thứ ngon lành lắm. Cho nên tôi quyết định: tổ chức một bữa buýp phê ăn gì tự lấy, mời mấy người khách – nhà Murray, nhà Cliff và nhà Dodie Hope. Alvin không muốn, nhưng tôi cứ đòi làm. Trời đất! Cái vụ án này có thể còn kéo dài hoài, mà ông ấy thì không sao dứt được lấy một phút. Đấy, tôi đang dọn bàn ăn thì nghe có điện thoại, tôi mới bảo thằng Paul ra nghe. Nó nghe rồi bảo người ta gọi cho bố, tôi bảo ‘Con nói với họ là bố đang tắm,’ nhưng Paul nó nói không biết liệu có nên bảo thế không, vì đây là ông Sanford gọi bố từ Topeka. Ông này là cấp trên của Alvin mà. Alvin quấn có mỗi cái khăn tắm ra nói chuyện. Làm tôi cáu mới ghê chứ – nước rỏ tong tong thành từng vũng khắp cả nhà. Nhưng khi tôi lấy cái chổi thấm thì lại thấy điều còn tệ hại hơn – con mèo Pete lếu láo đang chễm chệ trên bàn bếp chén xà lách trộn cua bể. Món nộm quả bơ của tôi.

Thế rồi thình lình Alvin ôm chầm lấy tôi, ông ấy lắc lắc tôi. Tôi hỏi, ‘Alvin, anh điên rồi đấy à?’ Hay thì có hay thật nhưng ông ấy đang ướt như ma, làm hỏng hết bộ váy của tôi, mà tôi thì đã đóng bộ tử tế để tiếp khách. Dĩ nhiên khi hiểu ra tại sao ông ôm lấy tôi mà lắc lắc thì tôi cũng ôm lấy mà lắc lại. Ông có thể tưởng tượng được với Alvin việc biết hai tên kia bị bắt có ý nghĩa như thế nào không. Bắt chúng ở ngoài Las Vegas. Ông ấy nói phải đi Las Vegas ngay tắp lự, tôi bèn hỏi trước hết ông có nên mặc ít quần áo vào cái đã hay không, nhưng Alvin, ông ấy phấn khởi quá, ông ấy nói, ‘Thôi chết, cưng à, e là anh làm cho bữa tiệc tối của em mất vui rồi.’ Tôi không nghĩ ra được cách nào làm hỏng bữa tiệc mà lại vui hơn thế này cả – làm gì còn cách nào vui hơn nếu như nó có nghĩa là chẳng bao lâu nữa rồi chúng tôi lại sẽ được quay về với cuộc sống bình thường trước đây. Alvin cười ran – ông ấy cười thế nghe hay lắm. Tôi muốn nói, hai tuần vừa qua là hai tuần tệ nhất. Bởi vì tuần ngay trước Nôen mấy tên kia đã quay trở lại Kansas City – đến rồi đi mà chẳng hề bị bắt – tôi chưa từng thấy Alvin suy sụp như thế bao giờ, trừ một lần hồi trẻ phải nằm bệnh viện vì viêm não, chúng tôi cứ nghĩ là sắp mất ông ấy rồi. Nhưng tôi chẳng muốn nói lại chuyện đó đâu.

Dẫu sao thì tôi cũng pha cà phê cho ông ấy rồi đem vào phòng ngủ, đinh ninh rằng ông ấy đang mặc quần áo ở trong đó. Nhưng ông ấy nào có mặc. Ông ấy lại ngồi ở cuối giường ôm lấy đầu như đang bị nhức đầu vậy. Chưa đi được lấy một chiếc bít tất. Tôi liền nói, ‘Anh làm sao, bị viêm phổi à?’ Ông ấy nhìn tôi nói, ‘Nghe này Marie, chắc đúng là mấy tên đó, chắc phải là chúng rồi, đó là giải pháp lôgic duy nhất.’ Alvin ngộ lắm. Y như lần đầu tiên ông ấy tranh cử cảnh sát trưởng của hạt Finney vậy. Bỏ phiếu đêm, khi thực tế là người ta đã đếm hết cả phiếu bầu và đã rõ rành rành là ông ấy trúng rồi nhưng mà ông ấy vẫn cứ nói – lúc ấy tôi nghe mà chỉ muốn bóp cổ ông ấy cho chết – nói đi nói lại mãi, ‘Chà, chừng nào chưa có thông báo cuối cùng thì chưa thể biết được đâu.’

Tôi bảo ông ấy, ‘Alvin à, đừng có giở kiểu đó ra nữa đi. Dĩ nhiên là họ bắt được chúng rồi.’ Ông ấy nói, ‘Bằng chứng của chúng ta đâu? Chúng ta không thể chứng minh được là cả hai đứa đã đặt chân vào trong nhà Clutter cơ mà!’ Nhưng tôi thấy đó đúng là điều ông ấy có thể chứng minh: những dấu chân kia – chẳng phải mấy dấu chân kia chính là thứ mà lũ thú vật đó đã để lại hay sao? Alvin nói, ‘Đúng, những dấu chân đó là bằng chứng rất tốt – với điều kiện là mấy thằng đó vẫn đang còn đi những đôi ủng đã để lại mấy cái dấu ấy. Tự thân các vết chân đó không đáng giá một đồng mười xen.’ ‘Thôi cưng à, uống cà phê đi, em sắp quần áo cho mà mang đi.’ Đôi khi ông không thể lý sự được với Alvin đâu. Cứ cái kiểu ông ấy khăng khăng thế này thì ông ấy gần như thuyết phục được tôi rằng Hickock và Smith vô tội, còn nếu như chúng không vô tội thì chúng sẽ không bao giờ thú tội và nếu chúng không thú tội thì có thể chúng không bao giờ bị xét xử – vì bằng chứng quá mong manh, toàn là suy diễn mà. Tuy vậy điều ông ấy lo nhất là – ông ấy sợ rằng chuyện sẽ lộ ra, những tên kia sẽ biết được sự thật trước khi KBI hỏi cung chúng. Làm thế thì chúng nghĩ mình bị bắt vì vi phạm lời hứa danh dự. Tiêu séc giả. Alvin cảm thấy quan trọng là cứ để cho chúng nghĩ như thế. Ông ấy nói, ‘Cái tên Clutter rồi sẽ phải giáng vào chúng như một nhát búa, một đòn mà chúng không bao giờ biết được là sắp xảy ra.’

Paul – tôi bảo nó ra dây phơi lấy vài đôi tất cho Alvin – Paul quay vào đứng cạnh xem tôi cho quần áo vào va li. Nó muốn biết bố đi đâu. Alvin nhấc bổng nó lên. Ông ấy nói, ‘Pauly, con có giữ bí mật được không?’ Ông ấy chẳng cần phải hỏi. Cả hai đứa nhỏ đều biết chúng không được nói đến công việc của bố – những mẩu này câu nọ mà chúng nghe được trong cái nhà này. Cho nên ông ấy nói, ‘Pauly, con có nhớ hai cái tên mà chúng ta đang tìm kiếm không? Giờ thì chúng ta biết được là chúng ở đâu rồi, bố sắp áp giải chúng về Garden City đây.’ Nhưng Paul lại van nài bố, ‘Đừng, đừng bố, đừng đem chúng đến đây.’ Nó sợ, đứa trẻ lên chín nào cũng sợ cả. Alvin hôn con. Ông ấy nói. ‘Bây giờ thì OK rồi, con, chúng ta sẽ không để cho chúng làm hại ai nữa. Chúng không làm hại cho ai được nữa đâu, con’.”

Năm giờ chiều hôm đó, khoảng hai chục phút sau khi chiếc Chevrolet ăn cắp lăn bánh ra khỏi sa mạc Nevada vào Las Vegas, cuộc đi dạo dài đã đến đoạn kết. Nhưng không phải là trước lúc Perry đến bưu điện Las Vegas nhận một bọc gửi cho hắn qua công ty General Delivery – cái thùng các tông to mà hắn gửi đi từ Mexico, được bảo đảm bằng một trăm đô la, một món tiền vượt xa giá trị những thứ nó đựng ở trong, gồm dầu bắt nắng, quần vải bò, sơ mi rách, quần áo lót và hai đôi ủng khóa sắt. Chờ Perry ở ngoài cửa bưu điện, Dick đang phởn lắm; hắn đã đi tới được một quyết định mà hắn tin chắc sẽ xóa bỏ được tình thế khó khăn hiện nay, sẽ mở ra trước mắt hắn một con đường mới mẻ, một chân trời mới mẻ. Quyết định này bao hàm việc phải hóa trang thành sĩ quan không quân. Đây là một dự án từ lâu đã hấp dẫn Dick, và Las Vegas là cái chỗ lý tưởng để thi thố trò này. Hắn đã chọn xong tên và cấp bậc của sĩ quan, tên thì mượn của một người quen biết trước đây, quản giáo nhà tù Bang Kansas: Tracy Hand. Với tư cách Đại úy Tracy Hand, ăn mặc lịch sự trong bộ binh phục may đo, Dick định “bò trên dải đất này”, đường phố của những sòng bạc không bao giờ đóng cửa ở Las Vegas. Lúc ăn nhỏ, lúc ăn to, hoặc mảnh vụn hoặc miếng bự – hắn đã có ý đánh vào tất cả các sòng bạc, trên đường tiến quân sẽ phân phát “hàng bồ hoa giấy”. Bằng cách viết các séc giả vô giá trị, hắn trông chờ hót được ba, và có thể bốn nghìn đô la trong vòng hai mươi tư giờ. Đó là một nửa phi vụ; nửa thứ hai là: Chào từ biệt, Perry. Dick phát ốm với hắn ta rồi – cái harmonica của hắn, những đau ốm bệnh tật, các trò mê tín dị đoan, đôi mắt ướt át giống mắt đàn bà và cái giọng thì thào, ca cẩm của hắn. Đa nghi, chủ quan, chỉ thấy mình đúng, tàn nhẫn, hắn như một mụ vợ cần phải dứt bỏ. Và chỉ còn có mỗi cách để làm thôi: chẳng nói gì hết, cứ thế chuồn.

Mải mê với dự tính của mình, Dick không để ý tới một chiếc xe cảnh sát đi tuần chạy qua, chậm dần lại, vẻ như thăm thú. Perry cũng giống Dick, không để ý tới, hắn đang đi từ bậc tam cấp bưu điện xuống, cái thùng Mexico đung đưa trên vai, nhìn chiếc xe lảng vảng quanh đó và người cảnh sát ngồi ở bên trong.

Hai sĩ quan cảnh sát Ocie Pigford và Francis Macauley còn mang hằn ở trong đầu những trang dữ liệu đã được ghi nhớ kỹ, bao gồm miêu tả chiếc xe Chcvroler 1956 sơn trắng đen mang biển số Kansas Jo 16212. Cả Perry lẫn Dick đều không hay rằng chiếc xe cảnh sát đã bám theo khi chúng ra khỏi bưu điện. Dick lái và Perry chỉ đường, chúng đi qua năm khối nhà ở phía bắc, quẹo trái, quẹo phải, đi thêm một phần tư dặm nữa thì dừng lại trước một cây cọ chết khô và một bảng hiệu xơ xác vì mưa nắng chữ viết đã phai mờ hết cả, chỉ còn lại cái từ “OOM”.

“Đây hả,” Dick nói.

Perry gật đầu trong khi chiếc xe tuần tra đi sát vào bên.

Ban Thám tử của Nhà tù Thành phố Las Vegas có hai phòng hỏi cung – những cái buồng sáng ánh nê ông rộng mười mét dài mười hai mét, tường và trần bằng chất dẻo celotex. Cộng với một chiếc quạt điện, một bàn kim loại, ghế xếp kim loại, trong mỗi phòng còn có các micro ngụy trang, các máy ghi âm giấu kỹ, và trong cửa lắp một cái lỗ chỉ nhìn được một chiều. Thứ Bảy, ngày thứ hai của năm 1960, cả hai phòng đều được đặt trước cho 2 giờ chiều – giờ mà bốn thám tử Kansas chọn để bắt đầu cuộc đối mặt đầu tiên với Hickock và Smith.

Trườc giờ hẹn đó ít lâu, bộ tứ đặc vụ KBI – Harold Nye, Roy Church, Alvin Dewey và Clarence Sunzt – đã gặp nhau – một hành lang bên ngoài hai phòng hỏi cung. Nye đang sốt nóng. “Một phần vì cúm. Nhưng chủ yếu là vì kích động quá,” sau đó ông nói với một nhà báo như vậy. “Cho tới lúc đó tôi đã chờ ở Las Vegas hai ngày – đáp ngay chuyến máy bay sau đó khi tin về vụ bắt hai thằng đó đến sở chỉ huy ở Topeka. Những anh em còn lại trong đội, Al, Roy và Clarence thì đến bằng xe hơi – một chuyến đi cũng thật khốn khổ. Thời tiết khốn khổ. Qua giao thừa đón năm mới tuyết kẹt đường kẹt sá, nằm chết gí ở một khách sạn cho ô tô tại Albuquerque. Thế nên cuối cùng khi tới được Las Vegas là họ cần có uýt ki ngon và tin tức hay. Tôi đã sẵn sàng cho cả hai thứ. Các bạn trẻ của chúng tôi đã ký trát dẫn độ rồi. Còn tốt hơn thế nữa: chúng tôi đã có ủng rồi, cả hai đôi, đủ đế – hình cái chân mèo và hình kim cương – khớp hoàn toàn với các bức ảnh chụp cỡ thật những vết chân tìm thấy ở nhà Clutter. Các đôi ủng ở trong một cái thùng đựng đồ lặt vặt bọn chúng vừa lấy ở bưu điện ngay trước khi sân khấu hạ màn. Giống như tôi đã bảo Dewey, giả như chúng tôi chẹt chúng nó sớm hơn năm phút thì thôi đấy, đi tong.

Cứ cho là thế đi nữa, vụ của chúng tôi vẫn chưa chắc ăn lắm – cái gì cũng có thể bị chỉ trích được cả. Nhưng tôi nhớ, trong khi chờ ở hành lang – tôi nhớ là đã bị sốt và hồi hộp quá trời, nhưng tự tin. Chúng tôi đều thế cả; chúng tôi cảm thấy mình đã đến được bên mép lề của sự thật. Việc của tôi, của tôi và của Church là ép cho Hickock phải nhè sự thật ra. Smith thì là phần của Al và già Duntz. Đến lúc đó tôi vẫn chưa nhìn thấy bọn nghi phạm – chỉ mới xem đồ đạc của chúng và bố trí trát dẫn độ thôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy Hickock cho tới khi hắn được đưa xuống phòng hỏi cung. Tôi đã hình dung hắn là một gã cao lớn hơn kia. Lực lưỡng hơn. Không phải một thằng nhỏ gầy gò như vậy. Hắn đã hai mươi tám, nhưng trông chẳng khác gì một thằng lỏi con. Đói – giơ xương ra. Hắn rám nắng, mặc áo sơ mi lam và bít tất trắng, giày đen. Chúng tôi bắt tay; tay hắn khô hơn tay tôi. Sạch sẽ, lịch sự, giọng hay hay, phát âm rõ ràng, một gã nom tử tế ưa nhìn, có nụ cười rất được lòng người khác – và lúc đầu hắn mỉm cười như thế nhiều lắm.