Chương 2

Máu Lạnh

Đăng vào: 11 tháng trước

.

“Perry thân mến, tôi rất buồn khi nghe nói về tình cảnh rắc rối anh đang lâm phải nên tôi quyết định viết thư để cho anh biết rằng tôi nhớ anh và muốn giúp anh bằng bất cứ cách nào có thể. Phòng khi anh không nhớ tên tôi, Don Cullivan, tôi kèm theo đây một bức ảnh chụp từ hồi chúng ta mới gặp nhau. Khi thoạt nghe tin về anh ở trên báo mới đây, tôi sửng sốt lắm nhưng rồi tôi bắt đầu ngồi nghĩ lại những ngày tôi biết anh. Tuy chúng ta chưa bao giờ là bạn riêng gần gũi, song tôi vẫn nhớ anh rõ hơn nhiều so với phần lớn các bạn tôi đã gặp trong quân đội. Chắc là vào khoảng mùa thu năm 1951 khi anh được đưa về Đại đội Thiết bị nhẹ Công binh số 761 ở Fort Lewis, Washington. Anh thấp (tôi cũng chẳng cao hơn mấy), vạm vỡ, nước da ngăm ngăm với mớ tóc đen dày nặng và một nụ cười gần như suốt ngày ở trên mặt. Do anh đã sống ở Alaska, một số ít bạn bè quen gọi anh là “Etxkimô”. Một trong những điều đầu tiên tôi nhớ lại về anh là ở một buổi kiểm tra của đại đội trong đó tất cả tủ cá nhân ở chân giường đều phải mở cho kiểm tra. Như tôi nhớ thì tất cả các tủ này đều ngăn nắp, kể cả của anh, trừ có chuyện tủ anh thì dán đầy những ảnh con gái hở hang ở mặt trong. Bọn tôi đã yên trí là anh bị khiển trách rồi. Nhưng sĩ quan kiểm tra lại lơ đi mà rảo bước qua và khi tất cả xong xuôi rồi, ông sĩ quan không nhắc tới chuyện đó thì tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều cảm thấy anh là một cha lì lợm. Tôi nhớ anh là một tay chơi đánh pun giỏi và tôi có thể hình dung anh hoàn toàn rõ ràng tại bàn đánh pun ở trong phòng sinh hoạt chung của đại đội. Anh là một trong những lái xe tài giỏi nhất trong bọn. Anh có nhớ các chuyến hành quân dã ngoại của đại đội mà chúng ta vẫn hay được giao đi đó không? Trong một chuyến vào mùa đông tôi nhớ là mỗi chúng ta được giao một xe trong suốt cuộc hành quân. Ở đại đội chúng ta, xe quân đội không có lò sưởi nên trong ca bin thường bị rét. Tôi nhớ anh đã khoét dưới sàn xe một cái lỗ để cho hơi nóng của động cơ vào được trong ca bin. Lý do khiến tôi nhớ kỹ như thế là cái ấn tượng mà chuyện đó gây ra cho tôi, bởi vì “làm tổn hại” tài sản của quân đội là một tội khiến anh có thể bị nghiêm trị. Dĩ nhiên tôi chỉ là lính mới tò te trong quân đội nên rất sợ đụng chạm đến các quy định dù chỉ một tí thôi nhưng tôi nhớ là anh ngoạc miệng cười về chuyện đó (nên đã giữ được ấm) trong khi tôi thì lo sợ (thế là bị cóng đơ). Tôi nhớ anh đã mua một chiếc xe máy, và nhớ láng máng là anh có gặp rắc rối gì đấy với nó – bị cảnh sát đuổi? Hỏng? Muốn gì thì đấy cũng là lần đầu tôi thấy ra cái nét bạt đời ở anh. Một vài điều nhớ lại của tôi có thể là sai; đã hơn tám năm về trước rồi mà tôi chỉ biết anh trong thời gian khoảng tám tháng. Nhưng qua những gì nhớ được thì tôi ở với anh rất vui vẻ và tôi khá là mến anh. Anh hình như lúc nào cũng hào hứng và coi mọi cái là thường, anh làm tốt việc binh và tôi không nhớ là anh bị quản chặt nhiều. Dĩ nhiên, anh rõ ràng là rất bạt đời nhưng về cái đó tôi chưa thấy nó quá đáng bao giờ. Thế mà bây giờ anh lại đang gặp rắc rối thật sự. Tôi cố tưởng tượng ra anh bây giờ như thế nào. Anh nghĩ sao về chuyện đó. Lần đầu tiên khi đọc về anh, tôi bàng hoàng. Thật sự bàng hoàng. Tôi bèn đặt tờ báo xuống và quay sang chuyện khác. Nhưng ý nghĩ về anh cứ trở lại. Tôi không nguôi yên mà quên đi được. Tôi trước nay vẫn là, hoặc thường cố được là người sùng đạo (Cơ đốc giáo). Nhưng không phải là tôi luôn luôn tin được thế. Tôi đã quen buông trôi theo cái ý nghĩ mơ hồ về điều duy nhất quan trọng trên đời. Tôi không bao giờ nghĩ tới cái chết hay khả năng về một kiếp sau. Tôi đang sống lù lù đây: xe, đại học, bạn gái v.v… Nhưng em trai tôi nó chết vì bệnh máu trắng khi vừa tròn 17 tuổi. Nó biết mình chết và sau này tôi hay đoán xem nó đã nghĩ gì lúc đó. Bây giờ thì tôi nghĩ đến anh, đoán xem anh nghĩ về chuyện đó thế nào. Tôi không biết nói gì với em tôi trong những tuần cuối cùng trước khi nó chết. Nhưng bây giờ thì tôi biết nói gì rồi. Và do đó tôi viết thư cho anh, vì Chúa đã tạo ra anh cũng như đã tạo ra tôi và Chúa yêu anh cũng như Chúa yêu tôi, và theo cái chỗ ít ỏi mà chúng ta biết về ý của Chúa thì điều đã xảy ra với anh cũng có thể xảy ra với tôi. Bạn anh, Don Cullivan.”

Cái tên không nói được gì, nhưng Perry lập tức nhận ra ngay trong ảnh bộ mặt của một anh lính trẻ với mái tóc húi gần trọc và đôi mắt tròn đầy nhiệt huyết. Hắn đọc bức thư nhiều lần; tuy hắn thấy những gợi ý tôn giáo không có sức thuyết phục (“Tôi đã cố tin nhưng không được, tôi không thể tin, mà có vờ là tin thì cũng chẳng được tích sự gì”) nhưng hắn run lên vì nó. Đây là một người chìa tay ra giúp đỡ, một người lành mạnh và đáng trọng từng có lúc biết đến và yêu mến hắn, một người tự ký tên là bạn. Dào dạt biết ơn, hắn vội vội vàng vàng viết một bức thư trả lời:

“Don thân mến. Trời đất ơi, đúng, tôi nhớ Don Cullivan…”

Xà lim của Hickock không có cửa sổ; hắn đối mặt với một hành lang trống không và mặt tiền của các xà lim khác. Nhưng hắn không cô độc, hắn có người trò chuyện, một đống những dân say, làm của giả, oánh vợ và dân Mễ thất thểu lang bạt quay vòng ra tù vào khám; và hắn, với mồm mép liến thoắng tênh tênh “lừa người” bằng những tâm tình, những chuyện chơi gái và cờ bạc bịp, đã thành ra nổi tiếng trong đám bạn tù (nhưng có một người hắn không lợi dụng được dù có thế nào – một ông già cứ la ó hắn: “Thằng giết người! Thằng giết người!” và từng có lần hắt vào hắn cả một xô nước rửa ráy bẩn thỉu).

Bề ngoài trước mặt mọi người, Dick nom như một gã thanh niên ung dung điềm tĩnh khác thường. Khi không chuyện trò bù khú với ai hay không ngủ, hắn nằm dài trên đệm hút thuốc, nhai kẹo cao su hay đọc tạp chí thể thao, sách trinh thám bìa mềm. Hắn thường nằm khoèo huýt sáo các bài ưa thích ngày xưa (“Em lẽ ra phải là một cưng xinh đẹp”, “Hãy lê gót tới Buffalo”) và nhìn đăm đăm vào một cái bóng đèn không chao ở trên trần xà lim bật sáng suốt đêm ngày. Hắn ghét sự giám sát đơn điệu của cái bóng đèn; nó phá rối giấc ngủ của hắn và, nói cho rõ hơn, gây nguy hại đến kết quả một dự đồ riêng tư – vượt ngục. Vì gã tù này chẳng phải là dửng dưng hay nhẫn nhịn như hắn tỏ ra, mà có ý thực hiện từng bước sao cho thoát được “chuyến đi tới cái Lủng Lẳng Lớn”. Đinh ninh rằng lễ hội đó sẽ là kết quả của bất cứ phán quyết nào của tòa – chắc chắn là của bất kỳ phiên tòa nào tiến hành ở bang Kansas – hắn đã quyết định “phá tung nhà tù. Tóm lấy một chiếc xe và cho tung bụi.” Nhưng trước hết hắn phải có vũ khí; thế là trong hàng mấy tuần hắn tự làm lấy một con “lá liễu”, một dụng cụ rất giống với cái dùi chọc băng đá – một cái gì đó hợp với việc gây mê nhẹ nhàng vào chỗ hõm giữa hai xương bả vai của phó cảnh sát trưởng Meier. Các bộ phận làm nên món vũ khí này, một miếng gỗ và một đoạn dây thép dài, vốn là một phần của cái bàn chải cọ toa lét mà hắn nẫng được, tháo ra rồi giấu dưới đệm nằm. Đêm khuya, khi âm thanh chỉ còn là tiếng ngáy, tiếng ho và tiếng rú còi ai oán của các đoàn tàu Santa Fe rầm rầm chạy qua cái thị trấn tối tăm, hắn giũa dây thép vào nền xi măng xà lim. Và trong khi giũa, hắn lên kế hoạch.

Có lần, một mùa đông sau khi hắn học xong trung học phổ thông, Hickock đã đi nhờ xe qua Kansas và Colorado: “Lúc đó tôi đang tìm việc làm. Thế là, tôi đi trên một xe tải, tài xế và tôi cãi nhau, thật sự là chả có lý do gì, thế mà hắn nện ngay tôi. Ném tôi ra ngoài, vất ở đấy. Tít trên tận dãy Rockies. Tuyết rơi như gì ấy, và tôi cuốc bộ hàng dặm, máu mũi chảy như mười lăm con lợn bị chọc tiết vậy. Rồi tôi đến một khóm mấy túp lều gỗ ở một sườn dốc đầy cây. Đang mùa hè, các lều đều khóa và chả có ai. Tôi phá cửa vào một lều. Có củi có đồ hộp, cả tí uýt ki nữa. Tôi nằm khoèo ở đó cả một tuần, đó là khoảng thời gian đẹp nhất đời tôi. Mặc dù sự thực là mặt mũi tôi bị thương như thế và mắt tôi xanh xanh vàng vàng. Khi trời ngừng tuyết thì mặt trời hiện ra. Trời xanh như thể ông chưa thấy bao giờ đâu. Y như Mexico ấy chứ. Nếu Mexico ở miền hàn đới. Tôi lục khắp các lều khác và tìm thấy một ít giăm bông hun khói, một rađiô và khẩu súng. Nhất rồi nhá. Cả ngày cầm súng lang thang ngoài trời. Và nắng chiếu vào mặt. Tôi thấy dễ chịu. Tôi thấy mình như Tarzan. Đêm đêm tôi ăn đậu, giăm bông rán rồi cuốn mình vào trong chăn gần đống lửa, nghe nhạc trên rađiô rồi ngủ. Chả ai bén mảng đến đây. Cá là tôi ở lại đấy đến mùa xuân cũng được.” Nếu vượt ngục mà thoát, đó là con đường mà Dick đã định – đi đến dãy núi ở Colorado, tìm một túp lều nơi hắn có thể ẩn náu cho tới mùa xuân (một mình, dĩ nhiên; tương lai của Perry hắn không màng đến). Triển vọng về một chuyển tiếp mê ly như thế, cộng với sự lén lút đầy hưng phấn của việc giũa sợi dây thép, đã khiến cho hắn giũa được thành một con dao lá liễu khá là đẹp đẽ.

Thứ Ba, mồng 10 tháng Ba. Cảnh sát trưởng lục soát. Tìm kỹ khắp các xà lim và tìm thấy con dao nhét ở dưới đệm của D. Mình tự hỏi không biết nó nghĩ gì ở trong đầu (mỉm cười).

Không phải Perry coi đó là chuyện đáng cười thật, vì Dick làm ra một loại vũ khí nguy hiểm có thể sẽ đóng một vai trò quyết định trong các kế hoạch mà hắn đang cho hình thành. Tuần này sang tuần khác, hắn đã quen với cuộc sống ở Quảng trường Tòa án, với các cư dân quen thuộc và những thói quen của họ. Chẳng hạn, những con mèo, hai con đực màu xám, cứ chiều chiều lại ló ra quẩn đi quanh trên quảng trường, dừng lại xem xét các chiếc xe đỗ ở rìa ngoài – cái kiểu này của hai con mèo làm hắn thấy khó hiểu cho đến khi bà Meier giải thích rằng chúng đang tìm những con chim chết giắt vào lưới che động cơ ở mũi xe. Sau đó, hễ thấy cảnh mèo tìm chim, hắn lại đau lòng. “Vì cả đời tôi phần lớn cũng đều làm như các con mèo ấy. Như nhau cả.”

Và có một người mà Perry đặc biệt biết rõ, một người đàn ông lịch sự khỏe mạnh, tóc giống như một cái mũ bịt kín đầu màu muối tiêu; mặt ông ta bạnh, quai hàm kiên nghị, có phần nào nghiệt ngã khi thư giãn, miệng chảy trễ, mắt sụp xuống tựa như đang âu sầu mơ màng – một bức tranh về sự lạnh lùng tàn nhẫn. Nhưng ít ra đó cũng là một ấn tượng thiên vị không chính xác, là bởi đôi hồi gã tù lại liếc ông ta trong khi ông ta ngừng lại để chuyện trò với những người khác, cười đùa với họ và có vẻ thoải mái, vui vẻ, rộng lượng: “Loại người có thể nhìn thấy cái khía cạnh con người,” một thái độ quan trọng, bởi con người này là Roland H. Tate, thẩm phán của Khu vực pháp lý thứ 32, luật gia sẽ chủ trì phiên tòa của Kansas chống lại Smith và Hickock. Như Smith mau chóng được biết, Tate là một cái họ lâu đời và đáng sợ ở miền Tây Kansas. Ông thẩm phán giàu, nuôi ngựa, sở hữu nhiều đất và vợ ông ta nghe nói rất đẹp. Ông ta là bố của hai đứa con trai nhưng đứa em đã chết, tấn bi kịch ảnh hưởng to lớn đến bố mẹ và dẫn tới chỗ họ nhận nuôi một thằng bé bị người ta vứt bỏ không nhà không cửa. “Ông ta dường như có mềm lòng với tôi,” Perry có lần bảo bà Meier, “có khi ông ấy lại cho chúng tôi trắng án.”

Nhưng đó không phải là chuyện Perry tin thật tình; hắn tin cái điều hắn đã viết cho Don Sullivan, người mà nay hắn thư từ đều đặn: tội ác của hắn là “không thể tha thứ” và hắn thiết tha mong chờ được “leo lên mười ba bậc thang kia”. Nhưng không phải hắn không có chút ít nào hy vọng, vì hắn đã lập mưu trốn thoát kia mà. Chuyện đó cậy vào hai thanh niên mà hắn thấy thường hay quan sát hắn. Một người tóc đỏ, một người tóc đen. Đôi khi, đứng trên quảng trường dưới cái cây chạm vào cửa sổ xà lim, hai anh mỉm cười và ra hiệu với hắn – hay là hắn tưởng tượng ra thế. Chưa nói năng gì cả, và sau chừng một phút là hai người lại dạt đi.

Nhưng gã tù tự thuyết phục mình rằng hai anh thanh niên kia có lẽ bị thúc đẩy bởi một ham muốn mạo hiểm, nghĩa là giúp hắn vượt ngục. Theo đấy, hắn vẽ một bản đồ quảng trường, chỉ rõ các điểm mà “một xe hơi phải chạy” có thể đỗ sao cho có lợi thế nhất. Dưới bản đồ hắn viết: ‘Tôi cần một lưỡi cưa sắt. Chỉ thế thôi. Nhưng các anh có nhận ra rằng nếu bị bắt thì hậu quả sẽ thế nào không (nếu nhận ra thì các anh gật đầu cho một cái)? Sẽ nằm khám lâu đấy. Hay là mất mạng. Chỉ vì một người mà các anh không quen biết. Tốt hơn là các anh nên nghĩ thật kỹ. Nghĩ nghiêm chỉnh! Ngoài ra, làm sao tôi biết là có thể tin các anh chứ? Làm sao tôi biết đây không phải là mánh lừa tôi ra rồi bắn chết tôi? Hickock thì sao? Mọi chuẩn bị đều phải tính cả hắn đấy nhá.’

Perry để tài liệu này trên bàn của hắn, gói lại bằng vải rồi định khi nào hai thanh niên kia có mặt thì ném ra ngoài cửa sổ. Nhưng hắn không bao giờ ném; hắn không bao giờ còn thấy lại họ. Cuối cùng, hắn nghĩ có thể là hắn đã tưởng tượng ra họ (khái niệm này gợi ý rằng hắn “có khi chập cheng, có khi quẫn trí”, vì “ngay từ khi tôi còn bé các chị tôi đã hay cười chế tôi vì tôi thích ánh trăng. Thích nấp trong bóng tối chờ trăng sáng”). Họ có phải là ma hay không thì hắn cũng đã thôi không nghĩ đến họ nữa. Một cách trốn khác, tự sát, đã thay thế họ trong những lúc trầm tưởng của hắn; và mặc dù đám coi tù đã rất thận trọng (trong xà lim không có gương soi, không thắt lưng, không cà vạt, không dây giày), nhưng hắn vẫn bày ra được cách để làm chuyện đó. Vì hắn vẫn được cung cấp cái bóng đèn cứ thế chiếu sáng vĩnh cửu, nhưng không như Hickock, hắn có một cái chổi trong xà lim, ấn chổi vào bóng đèn là hắn có thể làm cho cái bóng đèn trật ra. Một đêm hắn mơ mình đã tháo được cái bóng đèn, đập vỡ nó rồi lấy mảnh bóng đèn cắt cổ tay cổ chân. “Tôi cảm thấy hơi thở mình yếu ớt và ánh sáng đang lìa bỏ tôi,” hắn nói, trong lời giải thích sau đó về cảm tưởng của hắn. “Các bức tường xà lim sụp đổ tan tành, bầu trời sà xuống và tôi trông thấy một con chim lớn màu vàng.”

Suốt đời mình – hồi nhỏ, nghèo túng, bị đối xử bạc bẽo, thời thanh niên lêu lổng, rồi một gã trưởng thành nằm trong ngục – con chim vàng đó, thật lớn, có bộ mặt như vẹt, đã thường xuyên vút bay qua những giấc mơ của Perry, một thiên thần báo hận đã từng cứu những kẻ thù của hắn, hoặc là, như bây giờ, cứu hắn trong thời điểm cực khốn cho sinh mạng hắn: “Con chim nhấc tôi lên, tôi thấy mình nhẹ như con chuột, chim và tôi cứ lên cao, cao mãi, tôi thấy quảng trường bên dưới, người ta chạy tới chạy lui la hét, cảnh sát trưởng quát gọi chúng tôi, ai cũng tức tối khủng khiếp vì tôi tự do, tôi đang bay, tôi tốt hơn bất cứ ai trong bọn họ.”

Phiên tòa được định mở vào ngày 27 tháng Ba năm 1960. Trước ngày này mấy tuần, các luật sư của bên bị thường tham khảo ý kiến của các bị cáo. Họ đã thảo luận về lời khuyên yêu cầu thay đổi chỗ xử và tòa án, nhưng ông Fleming cao tuổi nhắc nhở thân chủ của mình rằng. “Tòa xử bất cứ ở đâu tại Kansas cũng đều không quan trọng. Khắp bang này, tình cảm người ta đâu cũng như nhau thôi. Chúng ta ở Garden City có khi còn tốt hơn. Đấy là một cộng đồng tôn giáo. Mười một nghìn dân, hai mươi hai nhà thờ. Phần lớn các vị linh mục đều phản đối án tử hình, nói là nó phi luân lý, phi Cơ đốc giáo; ngay cả Đức Cha Cowan, linh mục của chính nhà Clutter và người bạn gần gũi thân thiết của gia đình, ngài cũng kêu gọi chống lại án tử trong chính vụ này. Nên nhớ, mọi sự chúng ta hy vọng là làm sao cứu lấy cái mạng các anh. Tôi nghĩ ở đấy chúng ta có cơ may tốt hơn ở bất cứ đâu.”

Ngay sau việc buộc tội ban đầu Smith và Hickock, các luật sư của chúng đã ra mắt trước Thẩm phán Tate để tranh luận về một đề nghị xin cho các bị cáo được giám định tâm thần toàn diện. Đặc biệt là kiến nghị tòa án cho phép bệnh viện của bang ở Larned, Kansas, một cơ sở tâm thần có các thiết bị an toàn tối đa, được canh giữ các người tù nhằm mục đích xác nhận xem liệu một trong hai hay cả hai người có “mất trí, đần hay trì độn, không có khả năng hiểu được tình thế của họ và việc người ta giúp bào chữa cho họ không”.

Larned ở về phía Đông cách Garden City một trăm dặm; Harrison Smith, luật sư của Hickock báo với tòa rằng hôm trước ông đã lái xe tới đó và bàn với một số người của ban lãnh đạo bệnh viện: “Chúng ta không có các bác sĩ tâm thần đủ tiêu chuẩn trong cộng đồng của mình. Đúng vậy, Larned là nơi duy nhất trong vòng bán kính hai trăm hăm lăm dặm có thể tìm ra những người như thế – những bác sĩ được đào tạo để thực hiện những đánh giá nghiêm túc về tâm thần. Như vậy sẽ mất thì giờ. Bốn đến tám tuần. Song những người mà tôi đã cùng thảo luận nói rằng họ sẵn sàng vào việc ngay lập tức; và dĩ nhiên vì đó là một cơ quan nhà nước cho nên sẽ chẳng mất xu nào.”

Kế hoạch này bị trợ lý đặc biệt của ủy viên công có là Logan Green phản đối; ông tin chắc rằng “chứng mất trí tạm thời” là lý do bào chữa mà các đối thủ của ông sẽ viện tới trong phiên tòa tới đây, ông sợ rằng kết quả cuối cùng của đề xuất này sẽ là, như ông đã tiên đoán khi trò chuyện riêng tư, trên ghế nhân chứng sẽ xuất hiện cả một lũ “những anh chữa đầu chữa óc” có thiện cảm với các bị cáo (“Những cái tay này họ luôn luôn than khóc cho các tên sát nhân. Không bao giờ nghĩ đến nạn nhân cả”). Vóc thấp, thích cà khịa, là dân Kentucky chính cống, Green bèn bắt đầu chỉ ra với tòa rằng, về vấn đề trí óc lành mạnh, luật của Kansas trung thành với điều luật M’Naghten, một điều luật xa xưa của nước Anh du nhập vào Mỹ có nội dung là nếu bị cáo biết được bản chất hành vi của mình và biết nó là sai, thì đương sự là lành mạnh về tâm thần và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Hơn thế nữa, Green nói, trong các đạo luật của bang Kansas không có gì cho thấy rằng các bác sĩ được chọn ra để xác định tình trạng tâm thần của một bị cáo lại bắt buộc phải có bất cứ một tư cách đặc biệt nào: “Cứ bác sĩ là được. Bác sĩ đa khoa đang hành nghề nói chung. Luật đời có thế thôi. Ở hạt đây năm nào chúng tôi cũng có nghe nói đến xét nghiệm tâm thần chỉ vì mục đích chuyển giao người đến bệnh viện này. Chúng tôi không bao giờ gọi ai ở Larned hay ở các cơ sở tâm thần khác đến sất cả. Các bác sĩ sở tại chúng tôi sẽ đảm nhận vụ việc. Tìm xem một người có mất trí hay trì độn hay đần không, đó nào phải công việc to tát gì cơ chứ… Hoàn toàn không cần thiết phải đưa các bị cáo tới Larned, làm thế chỉ mất thì giờ mà thôi.”

Để phản pháo, luật sư của Smith gợi ý rằng tình trạng hiện nay “nghiêm trọng hơn nhiều so với một cuộc xét nghiệm tâm thần ở trong phiên tòa xác chứng. Hai mạng người đang bị đe dọa. Bất kể tội của họ là gì, những người này vẫn có tư cách được xét nghiệm bởi những người đã được đào tạo và có kinh nghiệm. Tâm thần học,” ông nói thêm, cãi thẳng thừng với ông thẩm phán, “đã trưởng thành nhanh chóng trong hai chục năm qua. Các tòa án liên bang đang bắt đầu phối hợp với ngành khoa học này khi vụ việc liên quan tới những người bị kết tội gây án mạng. Tôi thấy hình như chính chúng ta đang có cơ hội bằng vàng để nghênh đón những khái niệm mới trong lĩnh vực này.”