Chương 5

Máu Lạnh

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Nhân chứng lợi hại nhất của bên khởi tố là Alvin Dewey, lời chứng của ông, đưa ra lần đầu tiên trước công chúng những sự việc được chi tiết hóa trong lời thú tội của Perry Smith, đã chiếm các đầu đề lớn trên báo chí (NỖI KINH HOÀNG CỦA VỤ ÁN MẠNG CÂM LẶNG CHƯA ĐƯỢC VÉN LỘ – Những sự việc lạnh băng, ghê rợn được kể lại) và làm cho người nghe choáng váng – không ai choáng váng hơn Richard Hickock, hắn bắt đầu chú ý một cách kinh ngạc và tuyệt vọng khi mà trong quá trình bình luận của mình Dewey đã nói, “Có một sự việc Smith kể lại cho tôi mà đến nay tôi chưa nêu ra. Đó là sau khi gia đình Clutter đã bị trói lại, Hickock bảo Smith rằng hắn thấy thân hình Nancy Clutter nở nang đẹp đẽ thế nào và hắn tính hiếp cô ấy. Smith đã bảo Hickock là không làm cái trò đó được đâu. Smith bảo tôi anh ấy ghê tởm bất cứ ai không kìm chế được ham muốn dục tình và Smith sẽ đánh nhau với Hickock chứ không để Hickock hiếp cô con gái nhà Clutter.” Từ trước đến nay Hickock không hề biết rằng đồng bọn của hắn đã báo cho cảnh sát rằng hắn từng có ý định hiếp Nancy; hắn cũng chẳng hề hay rằng, với một tinh thần bằng hữu hơn, Perry đã sửa lại lời khai ban đầu của mình để nhận là một mình hắn bắn chết bốn người nhà Clutter – một sự việc mà khi sắp kết thúc lời chứng Dewey mới lộ ra: “Perry Smith bảo tôi anh ấy muốn thay đổi hai điều trong lời khai anh ấy đã nộp cho chúng tôi. Anh ấy nói mọi điều khác trong đó đều đúng sự thật cả. Trừ có hai điều kia thôi. Đó là anh ấy muốn nói anh ấy đã giết bà Clutter và Nancy chứ không phải Hickock. Anh ấy bảo tôi rằng Hickock… không muốn chết đi khi mà mẹ anh ấy cứ phải nghĩ rằng con bà đã giết một người nào đó trong gia đình Clutter. Anh ấy nói nhà Hickock là người tốt. Vậy thì tại sao lại không như vậy được chứ.”

Nghe tới đây bà Hickock khóc. Suốt thời gian tòa xử, bà yên lặng ngồi cạnh chồng, hai tay vò chiếc khăn tay nhàu nát. Bà cố sức tìm cặp mắt con trai, gật đầu với nó và gượng một nụ cười tuy già héo nhưng khẳng định lòng kiên định của mình. Nhưng rõ ràng người đàn bà đã kiệt sức; bà bắt đầu khóc. Vài người xem liếc nhìn bà rồi ngoảnh đi, bối rối; số còn lại thì hình như không chú ý tới bài ca sầu não không hề gia công gọt giũa đang đệm đối âm lại với lời kể đã thuộc lòng liên tục của Dewey; ngay đến chồng bà có lẽ vì tin rằng ghi nhận điều đó là không đàn ông cho lắm nên cũng cứ để mặc bà khóc. Cuối cùng một nữ phóng viên, người đàn bà duy nhất có mặt, đã đưa bà Hickock ra khỏi phòng xử vào riêng của buồng dành cho các bà.

Khi nỗi buồn đã vợi, bà Hickock tỏ ra cần được tâm sự. “Chẳng có ai mà tôi có thể trò chuyện được nhiều,” bà bảo nữ phóng viên. “Tôi không có ý nói mọi người không tốt đâu, hàng xóm và tất cả. Cả những người xa lạ nữa – nhiều người không quen cũng viết thư nói họ biết chuyện này là gay go thế nào, chúng tôi buồn phiền ra sao. Không ai nói một lời xấu xa, với Walter lẫn cả với tôi. Ngay cả ở đây cũng không, chị có thể trông chờ ở đây là như vậy. Ai ở đây cũng vượt ra khỏi thói thường mà tỏ thái độ hòa hảo hết cả. Chị hầu bàn ở chỗ chúng tôi ăn đằng kia cho kem vào bánh nướng nhân ngọt mà không tính tiền. Tôi bảo chị ấy đừng, tôi không ăn được như thế. Tôi đã quen ăn bất cứ cái gì thì cũng phải an toàn, không ăn những thứ gì hại tới tôi. Nhưng chị ấy cứ cho vào. Để tỏ ra tốt với chúng tôi. Sheila, chị ấy tên như thế, chị ấy nói, việc xảy ra không phải lỗi của chúng tôi. Nhưng tôi thấy hình như ai cũng nhìn mình mà nghĩ ngợi. Chậc, muốn gì thì bà ấy cũng đáng trách. Cái cách tôi dạy dỗ thằng Dick. Có lẽ tôi đã làm điều gì đó không phải. Có điều tôi không biết cái không phải ấy là cái gì; tôi cố nhớ lại phát nhức cả đầu. Chúng tôi là dân thường, đúng là dân quê, kiếm cách sinh nhai y như tất cả mọi người khác. Ở nhà chúng tôi cũng đã có những thời vui vẻ. Tôi dạy Dick nhảy foxtrot. Nhảy, tôi lúc nào cũng mê nhảy, hồi còn con gái thì nhảy là tất cả đời tôi; dạo ấy có một anh, chà, anh ta nhảy giỏi vô cùng – chúng tôi nhảy vanxơ với nhau mà giành được một cúp bạc. Một thời gian dài chúng tôi dự tính bỏ nhà lên sân khấu biểu diễn. Nhảy múa. Chỉ là mơ tưởng thôi. Giấc mơ của trẻ con. Anh ta đi khỏi thị trấn, rồi một ngày kia tôi lấy Walter, Walter Hickock thì chẳng nhảy được một bước nào. Ông ấy bảo tôi mà muốn nhảy thì nên lấy một con ngựa. Không ai nhảy với tôi nữa cho tới khi tôi dạy Dick, nó cũng không ham lắm, nhưng nó chiều mẹ, Dick ngày xưa là thằng bé tốt tính nhất trần đời.”

Bà Hickock tháo cặp kính đang đeo xuống, lau hai mắt kính ố nhoèn rồi lại đeo lên trên khuôn mặt dễ chịu, đầy đặn của bà. “Về Dick còn có nhiều chuyện hơn là những thứ chị nghe ở đằng kia trong phòng xử án. Các ông luật sư cứ huyên thuyên lên là nó đáng sợ như thế nào… nó không tốt một tí nào. Tôi không thể cáo lỗi được cho việc nó đã làm, cho cái phần của nó trong việc đó. Tôi không quên được gia đình kia; đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho họ. Nhưng tôi cũng cầu nguyện cho cả Dick nữa. Và thằng Perry. Tôi ghét nó là tôi sai rồi; bây giờ tôi chỉ có thương nó thôi, không có gì khác cả. Và chị biết đấy – tôi tin rằng bà Clutter chắc cũng sẽ cảm thấy thương hại cơ. Bà ấy là kiểu đàn bà như người ta nói ấy mà.”

Tòa hoãn họp; tiếng ồn ào của công chúng đi ra khua vang trong hành lang; vẳng vào nhà vệ sinh nữ. Bà Hickock nói phải ra gặp chồng bà. “Ông ấy đang chết dần mòn. Tôi nghĩ ông ấy chẳng đoái hoài gì nữa đâu.”

Nhiều người quan sát cảnh tòa xử đã sửng sốt bởi người khách từ Boston tới, Donald Cullivan. Họ không thể hiểu được người thanh niên trầm tĩnh theo đạo Cơ đốc kia, kỹ sư thành đạt từng tốt nghiệp Harvard, một người chồng và bố của ba đứa con, lại chọn kết bạn với một đứa lại vô học và giết người này, một người mà anh chỉ biết qua loa và đã chín năm rồi không gặp gỡ.

Chính Cullivan đã nói, “Vợ tôi cũng không hiểu. Lặn lội đường xa tới đây thì thực tình tôi không có khả năng – phải mất cả một tuần xin nghỉ phép, rồi thì tiền nong còn phải chi cho cả đống việc khác nữa. Nhưng mặt khác, đây là việc mà tôi không thể không làm. Luật sư của Perry viết thư cho tôi hỏi liệu tôi có làm nhân chứng về tính cách được không; ngay lúc đọc thư tôi đã biết mình phải làm việc đó. Vì tôi đã tặng người ta tình bạn. Và vì – đúng, tôi tin ở cuộc đời vĩnh hằng. Mọi linh hồn đều có thể được cứu rỗi vì Chúa.”

Cứu rỗi một linh hồn có tên Perry Smith là công việc mà ông phó cảnh sát trưởng và bà vợ vốn là người mộ đạo một cách sâu xa đang ra sức góp phần mình – tuy bà Meier đã bị Perry từ chối khi bà gợi ý hắn gặp Cha Goubeaux, một cha cố địa phương để xin lời an ủi. (Perry nói, “Cha cố và nữ tu sĩ đều đã có cơ hội đối với tôi hết cả rồi. Tôi vẫn còn mang những cái sẹo để chứng tỏ điều đó đây.”) Thế là, trong thời gian cuối tuần nghỉ họp, vợ chồng Meier đã mời Cullivan đến ăn tối Chủ nhật trong xà lim với Perry.

Được dịp chiêu đãi bạn, đóng vai chủ nhà, Perry lấy làm vui thích, và thực đơn dự kiến – ngỗng trời nhồi nấm và quay, với khoai tây nghiền trộn nước thịt cùng đậu đũa, xa lát trứng, bích quy nóng, sữa lạnh, bánh ngọt anh đào mới ra lò, phó mát và cà phê – còn làm hắn bận tâm hơn cả kết quả xét xử (điều mà chắc chắn là hắn không coi như một vấn đề phải hồi hộp chờ đợi: “Những dân nhà quê ấy, họ sẽ bỏ phiếu để treo cổ thật nhanh như lợn ăn bỗng rượu ấy mà. Xem mắt họ xem. Sét đánh chết tôi đi nếu như trong phòng xử này chỉ có mỗi mình tôi là kẻ giết người”). Suốt sáng Chủ nhật hắn chuẩn bị đón khách. Hôm đó trời ấm, gió nhẹ, và những bóng lá, những cành cây mảnh quật vào cửa sổ chấn song của xà lim, nhè nhẹ đung đưa ghẹo đùa con sóc đã thuần hóa của Perry. Con Đỏ đuổi những hình lay động trong khi chủ nó quét dọn, phủi bụi, cọ sàn nhà, góc vệ sinh và thu dọn đống sách báo trên bàn. Bàn này sẽ là bàn ăn, và khi Perry dọn dẹp gọn gàng xong rồi, trông nó có vẻ mời mọc hơn lên, vì bà Meier đã cho mượn một khăn trải bàn bằng lụa mỏng, khăn ăn hồ bột, bát đĩa sứ Tàu và những cái nĩa thìa bạc đẹp nhất của bà.

Cullivan sửng sốt – anh huýt sáo khi bữa tiệc được mang đến bằng khay đặt lên bàn – trước khi ngồi xuống anh đã hỏi ông chủ liệu anh có thể đọc kinh không. Ông chủ, không cúi đầu, bẻ bẻ ngón tay trong khi Cullivan cúi đầu, chắp hai tay lại cất lời đọc, “Lạy Chúa, xin Người ban phúc cho chúng con và những tặng vật mà chúng con sắp nhận lấy được từ tấm lòng bao dung của người đây, qua lòng thương xót của đáng Kitô. Chúa của chúng con, Amen.” Perry lầm bầm nhận xét rằng theo ý hắn thì bất cứ công trạng gì để có được như hôm nay đều thuộc về bà Meier. “Bà ấy làm tất cả mọi việc đấy. Nào,” hắn nói, múc đầy thức ăn vào đĩa của khách, “Don, gặp lại anh thật là vui. Anh trông vẫn thế, không thay đổi tí nào.”

Nom như một thư ký ngân hàng thận trọng với mái tóc đã thưa và bộ mặt khá là khó nhớ, Cullivan đồng ý rằng bề ngoài mình không thay đổi gì nhiều thật. Nhưng cái Tôi mà anh có ở bên trong, con người vô hình ấy thì lại là chuyện khác. “Tôi đang trượt xuống mãi. Đâu biết Chúa là hiện thực duy nhất. Một khi anh hiểu ra cái đó thì mọi sự liền đâu vào đấy ngay. Cuộc sống có ý nghĩa – cái chết cũng vậy. Này anh, lúc nào cũng ăn như thế này đấy à?”

Perry cười phá. “Bà Meier là một đầu bếp tuyệt vời. Anh phải nếm món cơm Tây Ban Nha của bà ấy mới được. Từ ngày vào đây tôi đã lên những bảy ký rưỡi. Dĩ nhiên tôi vẫn thuộc loại gầy. Tôi đã sụt cân nhiều hồi tôi và Dick còn chạy như ma trên đường – chả mấy khi ăn được một bữa cho ra bữa, đói suốt như cô hồn. Thường thường chúng tôi sống như con vật. Dick vẫn thường xuyên ăn cắp đồ hộp ở mấy hàng tạp hóa. Đậu hộp và mì Ý hộp. Chúng tôi mở ở trên xe và cứ thế xực. Thật là y con vật. Dick khoái ăn cắp. Nó như một thứ bệnh hoạn. Tôi cũng là thằng ăn cắp, nhưng chỉ khi nào tôi không có tiền để trả. Ngay cả khi mang trong người một trăm đô, Dick vẫn cứ thó cho được một thanh kẹo cao su.”

Đến lúc uống cà phê hút thuốc, Perry quay lại với chủ đề ăn cắp. “Anh bạn Willie-Jay của tôi đã quen nói về chuyện này. Anh ta nói tất cả mọi tội lỗi đều chỉ là ‘những biến dạng của ăn cắp’. Kể cả giết người. Khi anh giết một người là anh ăn cắp cái mạng của người ta. Xem đấy, Don – tôi đã giết họ. Dưới phòng xử kia, lão Dewey nói nghe như tôi toàn quanh co – về chuyện mẹ Hickock ấy. Chà, tôi có quanh co đâu. Dick đã giúp tôi, hắn cầm đèn pin và nhặt các vỏ đạn. Và cái ý ban đầu là của hắn. Nhưng Dick không bắn họ, hắn không bao giờ có thể bắn – tuy hắn nhanh ra trò khi cần phóng xe chẹt chết một con chó già. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại làm thế cơ chứ.” Hắn cau mày, tựa như vấn đề này mới mẻ đối với hắn, một hòn đá mới được khai quật lên với một màu sắc gây kinh ngạc và chưa được phân loại bao giờ. “Tôi không biết tại sao,” hắn nói, tựa như đang giơ nó ra ánh sáng, lúc soi góc này, lúc soi góc nọ. “Lúc đó tôi cáu Dick lắm. Cái thằng vô liêm sỉ, ba láp. Nhưng Dick không hay như thế. Hay là sợ bị người ta nhận diện. Tôi sẵn sàng chơi canh bạc đó. Và việc đó chẳng phải tại một cái gì do nhà Clutter làm cả. Họ không xúc phạm gì đến tôi. Như những kẻ khác đã làm. Những kẻ đã xúc phạm tôi suốt cả cuộc đời tôi. Có thể chính nhà Clutter là những người phải trả giá cho chuyện đó.”

Cullivan thăm dò, cố lường ra chiều sâu của cái mà theo anh có lẽ là nỗi ăn năn của Perry. Chắc chắn Perry phải trải qua một nỗi hối hận đủ sâu sắc để với đến một khát vọng vào tình thương và lượng khoan hồng của Chúa chứ? Perry nói, “Tôi có ân hận không ư? Nếu như anh muốn nói tới điều đó thì tôi không có. Tôi không cảm thấy tí gì như vậy cả. Giá mà tôi có được. Nhưng giờ thì tôi chẳng màng gì nữa rồi. Nửa giờ sau khi việc đó xảy ra, Dick pha trò và tôi cười ngặt nghẽo. Có khi chúng tôi không phải là người. Tôi không đủ Người để cảm thấy buồn cho chính mình. Xin lỗi vì tôi không được ra khỏi đây khi anh đi ra. Nhưng chỉ thế thôi.” Cullivan khó lòng tin được ở một thái độ dửng dưng đến như thế; Perry hẳn là đang bối rối, sai lầm, chứ không thể nào có chuyện ai đó lại thiếu lương tâm và khả năng đồng cảm đến thế này được. Perry nói, “Sao? Lính họ có mất ngủ nhiều đâu. Họ giết người và được huân chương vì việc đó. Những người dân tử tế ở Kansas City muốn giết tôi, và vài tay đao phủ nào đó sẽ rất vui lòng làm chuyện ấy. Giết dễ mà – dễ hơn tiêu lọt séc giả nhiều đấy. Xin hãy nhớ cho: tôi chỉ mới biết nhà Clutter có một tiếng đồng hồ thôi. Nếu như tôi thật sự biết họ thì có khi tôi sẽ cảm thấy khác đi. Chắc là tôi không thể chịu đựng nổi chính bản thân mình. Nhưng nó là thế, chẳng khác nào lần lượt bắn gục mục tiêu ở trường bắn vậy.”

Cullivan im lặng, và sự im lặng của anh làm cho Perry bối rối, hắn có vẻ coi đó là một cách ngụ ý không tán thành. “Khỉ chưa, Don, đừng làm cho tôi phải chơi trò đạo đức giả với anh. Quăng ra một đống câu ấm ớ – nào là tôi ân hận làm sao, nào là bây giờ điều duy nhất tôi muốn làm là quỳ lết mà cầu nguyện. Trò ấy không ra gì với tôi đâu. Tôi không thể chỉ một đêm mà lại chấp nhận ngay được cái tôi vẫn luôn luôn phủ nhận. Sự thật là so với cái mà anh gọi là Chúa ấy thì anh đã làm được cho tôi nhiều hơn tất tật những gì ông ấy đã làm. Bằng việc viết thư cho tôi và ký là ‘bạn’. Trong khi tôi chẳng có lấy một bạn bè nào. Trừ Joe James.” Hắn giải thích cho Cullivan, Joe James là một thợ rừng người da đỏ trẻ tuổi, đã từng sống cùng hắn ở một khu rừng gần Bellingham, Washington. “Từ đó đến Garden City xa đấy. Hai nghìn dặm chứ ít đâu. Tôi biên thư cho Joe kể về cảnh khó khăn của tôi. Joe nghèo, những bảy đứa con phải nuôi, thế nhưng vẫn hứa đến đây dù cho có phải đi bộ. Anh ấy chưa thấy ló mặt, và có thể sẽ không, nhưng tôi vẫn nghĩ anh ấy sẽ đến. Joe lúc nào cũng mến tôi. Anh có thế không, Don?”

“Có, tôi mến anh.”

Câu trả lời dứt khoát mà nhẹ nhàng của Cullivan làm Perry vui, đúng hơn là xáo động. Hắn mỉm cười nói, “Thế thì anh chắc phải là một loại ngô nghê nào đó.” Thình lình hắn đứng lên, đi ngang qua xà lim nhặt một cái chổi. “Tôi không hiểu tại sao tôi lại phải chết ở giữa những kẻ xa lạ nhỉ. Để cho một lũ nhà quê đứng chung quanh tôi mà xem tôi lè lưỡi ra. Cứt. Tôi phải tự giết tôi trước.” Hắn giơ cây chổi lên gí vào cái bóng đèn đang thắp sáng ở trên trần. “Chỉ cần cho cái bóng tụt xuống, đập vỡ nó ra rồi cắt cổ tay. Tôi phải làm cái đó. Trong lúc anh còn ở đây. Một người còn quan tâm đến tôi chút xíu.”

Tòa xử tiếp vào hồi mười giờ sáng thứ Hai. Chín mươi phút sau tòa hoãn, vì trong thời gian ngắn ngủi đó bên bị đã xong công việc. Các bị cáo từ chối tuyên thệ nhân danh mình, do vậy vấn đề liệu Hickock tay Smith là kẻ đã thực sự hành quyết cả nhà Clutter đã không được nêu ra.

Trong số năm nhân chứng ra mắt, người đầu tiên là ông Hickock mắt sâu hoắm. Mặc dù nói năng rành rọt ra dáng đường hoàng bi thiết, nhưng ông chỉ đóng góp được chi tiết liên quan tới chứng bệnh thần kinh tạm thời của con ông. Ông nói, con trai ông đã bị thương ở đầu trong một tai nạn xe hơi hồi tháng Bảy năm 1950. Trước tai nạn đó, Dick là một “anh con trai sống phây phây”, học giỏi ở trường, bạn học đều biết, và yêu kính bố mẹ… “Không gây rắc rối cho ai.”

Harrison Smith khéo léo lái nhân chứng, “Tôi xin hỏi là sau tháng Bảy 1950 ông có thấy một sự thay đổi nào trong tính cách, thói quen và hành động của anh Richard, con trai ông không?”

“Nó chỉ là hành động không giống như trước.”

“Ông thấy những thay đổi như thế nào?”

Ông Hickock vừa ngập ngừng suy nghĩ vừa kể ra: Dick sưng sưng sỉa sỉa và bồn chồn không yên, tụ bạ với đám lớn tuổi hơn, uống rượu đánh bạc. “Đúng là không còn giống trước nữa.”

Logan Green, đảm nhiệm phần đối chất, bèn bẻ luôn lời xác nhận cuối cùng này. “Ông Hickock này, ông nói sau năm 1950 không bao giờ có chuyện rắc rối lôi thôi nào với con trai ông phải không?”

“… Tôi nghĩ nó bị bắt năm 1949.”

Đôi môi mỏng của Green lượn ra thành một nụ cười cay độc. “Có nhớ anh ấy bị bắt vì gì không?”

“Bị kết tội phá cửa vào một hiệu thuốc.”

“Bị kết tội? Anh ấy không nhận là có phá cửa vào à?”

“Có chứ, nhận.”

“Đó là năm 1949. Nhưng bây giờ ông lại nói con trai ông sau 1950 có thay đổi trong thái độ và hạnh kiểm?”

“Tôi nói như thế, vâng.”

“Ông muốn nói là sau năm 1950 anh ấy trở thành một thanh niên tốt chứ gì?”

Ông già ho rung cả người; ông nhổ vào một chiếc khăn tay. “Không,” ông nói, nhìn vào chỗ vừa nhổ, “tôi không nói như vậy.”

“Vậy thì thay đổi xảy ra như thế nào?”

“À, cái đó rất khó giải thích, chỉ là không hành động như nó ngày trước nữa thôi.”

“Ông muốn nói là anh ấy mất đi những xu hướng phạm tội?”

Câu hỏi hóm hỉnh của luật sư làm mọi người cười ầm, một bùng nổ của phòng xử mà con mắt nghiêm nghị của Thẩm phán Tate lập tức dập tắt ngay. Lúc này, ông Hickock đã được bác sĩ W. Mitchell Jones thay thế trên bục.

Bác sĩ Jones tự giới thiệu trước tòa là một “thầy thuốc chuyên điều trị trong lĩnh vực tâm thần”, và để chứng minh cho tư cách chuyên môn của mình, ông nói thêm rằng từ năm 1956, năm ông vào làm ở Khoa Tâm thần Bệnh viện bang ở Topeka, Kansas, ông đã điều trị cho khoảng một nghìn rưỡi bệnh nhân. Trong hai năm qua, ông phục vụ trong nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Bang ở Larned, ở đây ông đang phụ trách Nhà Dillon, một khu vực dành cho những người mất trí phạm tội.

Harrison hỏi nhân chứng, “Ông đã điều trị cho bao nhiêu tên sát nhân?”

“Khoảng hai mươi lăm.”

“Thưa bác sĩ, tôi muốn được hỏi ông là ông có biết thân chủ của tôi, Richard Eugene Hickock không?”

“Tôi biết.”

“Ông đã có dịp nào chẩn đoán tâm thần cho ông ấy chưa?”

“Thưa ngài có… Tôi đã có một bản đánh giá tâm thần của ông Hickock.”

“Dựa trên đánh giá của ông, ông có ý kiến gì về việc liệu Richard Eugene Hickock có biết phân biệt đúng sai vào thời điểm gây tội ác không?”

Nhân chứng, một người trạc hai tám tuổi, thô to vâm váp, mặt tròn xoe như mặr trăng nhưng nom thông minh tinh tế, hít một hơi sâu, như để tự trang bị mình cho một câu trả lời dài – khiến tòa liền cảnh báo ngay rằng ông không được nói dài, “Ông có thể trả lời có hoặc không, thưa bác sĩ. Trả lời có hay không thôi.”

“Có.”

“Vậy ý kiến ông là gì?”

“Tôi nghĩ là trong khuôn khổ định nghĩa thông thường ông Hickock biết phân biệt đúng sai.”

Bị câu thúc trong Điều luật M’Maughten (“Các định nghĩa thông thường”), một công thức vốn dĩ mù màu không có khả năng phân biệt bất cứ cấp độ nào ở giữa trắng và đen, bác sĩ Jones bất lực không thể trả lời khác được. Nhưng dĩ nhiên câu trả lời này khiến cho luật sư của Hickock vỡ mộng; ông này thất vọng hỏi: “Ông có thể trình bày câu trả lời này rõ hơn không?”

Thất vọng là vì tuy bác sĩ Jones đã bằng lòng nói rõ, nhưng bên khởi tố lại có tư cách phản đối – và đã phản đối, viện dẫn thực tế là luật của Kansas không cho phép nói gì hơn ngoài có hoặc không đối với câu hỏi thích đáng này. Phản đối có hiệu lực và nhân chứng rút lui. Nhưng nếu bác sĩ Jones được nói nhiều hơn thì ông sẽ chứng thực thế này: “Về trí thông minh, Richard Hickock ở trên mức trung bình, dễ dàng nắm bắt các ý mới và có một vốn thông tin rộng. Ông ta nhanh nhạy với những gì xảy ra ở xung quanh mình, và không tỏ ra có dấu hiệu hoang mang hay mất phương hướng. Tư duy của ông ta có tổ chức và logic, xem ra ông ta có liên hệ tốt với thực tế. Tuy tôi không tìm thấy dấu hiệu thường gặp nào về sự tổn thương não – mất trí nhớ, hình thành khái niệm cụ thể, hư hỏng trí tuệ – nhưng cũng không loại trừ điều này. Ông ta đã bị chấn thương nghiêm trọng; ở đầu và bị hôn mê nhiều giờ vào năm 1950 – điều này đã được tôi kiểm tra qua việc xem xét các biên bản của bệnh viện. Ông ta nói đã bị những cơn choáng, những thời kỳ lú lẫn, đau đầu từ đó trở đi và một phần lớn những hành vi chống phá xã hội của ông ta đã xảy ra từ thời gian ấy. Ông ta chưa từng được xét nghiệm y tế nhằm kết luận dứt khoát liệu ông ta có bị di chứng của tổn thương não hay không. Điều quan trọng là cần phải tiến hành các bước xét nghiệm y tế thì mới có thể đánh giá toàn diện về sự tồn tại di chứng này… Hickock cho thấy có những dấu hiệu bất thường về cảm xúc. Việc ông ta biết điều mình đang làm song vẫn cứ làm có thể là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Ông ta là một người hay hành động bốc đồng, manh động, làm mà không nghĩ đến hậu quả hay rắc rối mai sau cho bản thân hay người khác. Ông ta có vẻ không có khả năng rút kinh nghiệm, ông ta cho thấy một hình mẫu quen thuộc gồm những thời kỳ hành động có hiệu quả xen kẽ với những hành động rõ ràng là vô trách nhiệm. Ông ta không thể chịu được cảm xúc thất vọng như một người bình thường, và ông ta rất ít khả năng tự mình rũ bỏ được các cảm xúc đó trừ khi thông qua những hành động chống phá xã hội… Lòng tự tôn của ông ta rất thấp, và trong thâm tâm ông ta luôn luôn cảm thấy mình ở dưới người khác và không được thỏa mãn về tính dục. Các cảm giác này hình như đã được bù đắp một cách cực đoan bằng những giấc mơ về chuyện mình trở nên giàu sang và có quyền lực, xu hướng ưa khoác lác về thành tích của mình, ăn tiêu như phá khi có tiền, chỉ một sự đề bạt chậm trong công việc – điều vốn rất thường tình – cũng làm cho ông ta bất mãn… Ông ta không thoải mái trong quan hệ với người khác và bất lực một cách bệnh lý trong việc tạo lập và duy trì những gắn bó cá nhân. Tuy thừa nhận những tiêu chuẩn luân lý quen thuộc nhưng hình như ông ta rõ ràng không chịu để cho chúng ảnh hưởng đến hành động của mình. Tóm lại, ông ta cho thấy những đặc điểm khá điển hình về cái vẫn được tâm thần học gọi là rối loạn tính cách nghiêm trọng. Điều quan trọng là cần phải tiến hành những bước cần thiết để loại bỏ khả năng thương tổn hữu cơ não, bởi nếu thương tổn này có thật thì nó có thể thực sự ảnh hưởng đến cách hành xử của ông ta trong nhiều năm qua và trong lúc xảy ra án mạng.”

Ngoài một bản bào chữa chính thức gửi bồi thẩm đoàn, mà ngày mai điều này mới diễn ra, lời chứng của bác sĩ tâm thần đã chấm dứt phần bào chữa cho Hickock. Sau đó đến lượt Arthur Fleming, ông luật sư cao tuổi bào chữa cho Smith. Ông giới thiệu bốn nhân chứng: Cha bề trên James E. Post, giáo sĩ Tin lành ở Nhà tù bang Kansas; Joe James, người bạn da đỏ của Perry, anh này, từ nhà anh ở vùng hoang vu Viễn Đông Bắc, đã đi xe buýt mất một ngày hai đêm để đến cho bằng được sáng nay; Donald Cullivan, và, một lần nữa, bác sĩ Jones. Trừ vị bác sĩ ra, ba người kia đều dược coi là “nhân chứng về tính cách” – những người được chờ đợi sẽ cung cấp cho bị cáo một ít tính người. Họ làm việc đó không được tốt lắm, tuy ai cũng đã thu xếp dăm ba nhận xét thuận lợi cỏn con trước bồi thẩm đoàn, trong khi đoàn này thì phản đối, cho rằng các bình luận cá nhân mang tính chất này đều là “yếu ớt, không thích đáng, không có thực” và gạt đi không cho họ nói.

Thí dụ, Joe James, tóc đen, da còn đen hơn Perry, một nhân vật nhẹ nhàng trong chiếc sơ mi đã bạc của người đi săn và đôi giày lười đã phẳng nom cứ như vừa bí mật ngoi ra từ trong bóng tối của xứ sở rừng cây, khai trước tòa rằng bị cáo đã sống với anh tổng cộng hai năm. “Perry là một cậu bé đáng yêu, hàng xóm láng giềng rất mến – theo như tôi biết thì cậu ta không làm gì không phải cả.” Tòa cắt lời anh ngay ở chỗ này; và cũng ngăn Cullivan lại khi anh ta nói, “Trong thời gian tôi biết Perry trong quân ngũ, anh ấy là một người bạn rất đáng yêu.”

Cha bề trên Post thì trụ được phần nào lâu hơn, vì ông không có ý khen ngợi người tù, nhưng ông tả lại lần gặp anh ta ở Lansing mà thấy có thiện cảm. “Lần đầu tôi gặp Perry là khi anh ấy đến văn phòng tôi ở nhà nguyện trong nhà tù mang theo một bức tranh Giê-su anh ấy vẽ bằng bút chì màu. Anh ấy muốn tặng tôi bức vẽ để dùng trong nhà nguyện. Từ đây nó được treo trên tường văn phòng tôi.”