Chương 3

Máu Lạnh

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Gia đình Johnson là dân mới đến trong cái cộng đồng ở San Francisco này – một khu của tầng lớp trung lưu, dân thu nhập trung bình mới xây dựng nằm trên đồi cao phía Bắc thành phố. Chiều ngày 18 tháng Chạp năm 1959, bà Johnson trẻ tuổi đang đợi khách; ba bà hàng xóm sắp đến uống cà phê ăn bánh ngọt và có thể đánh bài. Bà chủ nhà căng thẳng; đây là lần đầu tiên bà chiêu đãi khách trong ngôi nhà mới của mình. Lúc này, trong khi chờ nghe tiếng chuông cửa, bà đang đi soát lại lần cuối cùng, dừng lại nhặt một mẩu sợi vương hay sửa lại cách bày mấy bông hoa Poisettia ngày lễ Nôen. Giống như các ngôi nhà khác trên con phố sườn dốc này, ngôi nhà này là một căn nhà trại thông dụng ở ngoại ô, dễ chịu và chẳng có gì đặc biệt. Bà Johnson yêu nó; bà mê mệt các tấm ván ốp tường bằng gỗ đỏ, các tấm thảm trải dài từ vách này qua vách nọ, những cửa sổ cả sau lẫn trước mở ra cảnh đẹp như tranh vẽ, phong cảnh mà cửa sổ sau nhà đem lại cho mắt nhìn – đồi, thung lũng, rồi thì trời và đại dương. Bà tự hào về mảnh vườn nho nhỏ sau nhà; chồng bà – nghề nghiệp là nhân viên bán bảo hiểm nhưng lại có xu hướng làm thợ mộc – đã dựng lên chung quanh nó một hàng rào bằng cọc trắng, trong vườn là một cái nhà cho gia đình chó, rồi một thùng cát và những cái đu cho trẻ con. Lúc này, cả bốn – con chó, hai đứa bé trai, một đứa bé gái – đang đùa ở trong vườn dưới một bầu trời êm đềm; bà hy vọng chúng sẽ vui vầy trong vườn cho tới khi các bà khách ra về. Khi chuông cửa reo, bà Johnson đi ra, mặc bộ váy mà bà cho là có thể tôn mình lên nhiều nhất, một hàng chun màu vàng ôm bó dáng người bà và làm nổi lên cái ánh ngăm ngăm của nước da Cherokee cũng như màu tóc đen nhánh ốp mượt của bà. Bà mở cửa, chuẩn bị đón khách vào; song thay vì vậy bà thấy hai người đàn ông lạ hoắc – họ chạm tay vào vành mũ và lật cái ví có huy hiệu cảnh sát ra. “Bà là bà Johnson?” một người nói. “Tôi là Nye. Đây là thanh tra Guthrie. Chúng tôi trực thuộc cảnh sát San Francisco, vừa nhận được yêu cầu của bang Kansas liên quan tới em trai bà, Perry Edward Smith. Hình như anh ta đã không đến trình diện với ban quản lý tù theo lời hứa danh dự, liệu bà có thể cho chúng tôi biết những việc làm gần đây của anh ấy không?”

Bà Johnson không thất vọng – và dứt khoát là không ngạc nhiên – khi biết cảnh sát lại một lần nữa bận tâm đến hành tung của em trai bà. Điều làm bà lo ngại là cái viễn cảnh khách mời tới mà lại thấy bà đang bị cảnh sát phỏng vấn. Bà nói, “Không. Không có gì hết. Tôi không gặp Perry bốn năm nay rồi.”

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng, thưa bà Johnson,” Nye nói. “Tốt nhất chúng ta nên nói hết với nhau.”

Sau khi chịu thua, đưa họ vào và mời cà phê (họ uống), bà Johnson nói, “Tôi không gặp Perry đã bốn năm nay. Cũng chẳng nghe tin gì từ ngày nó được tha theo lời hứa. Mùa hè vừa rồi, khi ra tù, nó có đến thăm bố tôi ở Reno. Trong thư, bố tôi kể là ông quay về Alaska và đem nó đi theo. Rồi bố tôi lại viết thư, tôi nghĩ là hồi tháng Chín, kể rằng ông rất giận. Ông với Perry đã xích mích với nhau và tách lẻ trước khi hai người đến biên giới. Perry quay lại; bố tôi đi Alaska một mình.”

“Và từ đó ông cụ không viết cho bà nữa?”

“Không.”

“Vậy thì có thể em bà vừa mới lại đến với cụ xong. Tháng vừa rồi.”

“Tôi không biết. Tôi không quan tâm.”

“Quan hệ không tốt?”

“Với Perry ấy hả? Vâng. Tôi sợ nó.”

“Nhưng khi anh ta ở Lansing bà hay viết thư cho anh ta kia mà. Hay là các nhà chức trách ở Kansas đã nói như vậy với chúng tôi,” Nye nói. Người thứ hai, thanh tra Guthrie hình như bằng lòng đứng ở ngoài lề.

“Tôi đã muốn giúp nó. Tôi hy vọng có thể thay đổi được chút nào ý nghĩ của nó. Bây giờ tôi hiểu rõ hơn. Quyền lợi của người khác chẳng có nghĩa gì với Perry cả. Nó chẳng biết kính trọng lấy một ai.”

“Về bạn bè. Bà có biết người bạn nào mà anh ta có thể đến ở cùng được không?”

“Joe James,” bà nói, và giải thích rằng James là một thanh niên da đỏ làm rừng và câu cá sống ở trong một khu rừng gần Bellingham, Washington. Không, bà không quen anh này nhưng bà biết rằng anh ta và gia đình rất hào hiệp, trước đây từng rất tốt với Perry. Người bạn duy nhất của Perry mà bà từng gặp là một người đàn bà trẻ xuất hiện ở bậc cửa nhà Johnson tháng Bảy năm 1955, mang theo một bức thư của Perry trong đó giới thiệu cô ta là vợ nó.

“Nó nói đang gặp khó khăn, nhờ tôi trông nom vợ nó cho tới khi nó nhờ được người đến đón về. Cô gái nom chừng hai mươi tuổi, thế nào hóa ra chỉ mới mười bốn. Và dĩ nhiên cô ta chẳng phải là vợ của ai hết. Nhưng lúc đó tôi cũng thu nhận. Tôi thấy ái ngại cho cô ta, đề nghị cô ta ở với chúng tôi. Cô ta ở lại, nhưng không lâu. Chưa được một tuần. Và khi bỏ đi, cô ta mang theo cả va li quần áo của chúng tôi và mọi thứ đựng trong đó – phần lớn quần áo của tôi và của chồng tôi, bộ đồ ăn bằng bạc và cả cái đồng hồ ở trong bếp nữa.”

“Khi việc đó xảy ra, bà đang sống ở đâu?”

“Denver.”

“Bà đã từng sống ở Fort Scott, Kansas bao giờ chưa?”

“Chưa bao giờ. Tôi chưa bao giờ đến bang Kansas.”

“Bà có người chị em nào ở Fort Scott không?”

“Chị tôi chết rồi. Bà chị duy nhất.”

Nye mỉm cười. Ông nói, “Bà Johnson, bà hiểu cho, chúng tôi đang làm việc theo một giả định cho rằng em bà sẽ tiếp xúc với bà. Bằng cách viết thư hay gọi điện. Hay đến gặp bà.”

“Tôi hy vọng là không. Vì sự thật là nó không biết chúng tôi đã đổi chỗ ở. Nó cứ nghĩ chúng tôi vẫn còn ở Denver. Nếu ông tìm ra nó, xin ông đừng cho nó địa chỉ của tôi. Tôi sợ.”

“Bà nói thế có phải vì bà nghĩ anh ta có thể làm hại bà không? Làm bị thương về thân thể?”

Bà ta suy nghĩ, và không thể dứt khoát, nói rằng bà không rõ. “Nhưng tôi sợ nó. Tôi luôn luôn sợ nó. Nó có thể coi bộ rất giàu tình cảm, dễ mủi lòng. Hiền lành tử tế. Nó dễ khóc lắm. Đôi khi âm nhạc làm nó hào hứng lên, lúc còn bé nó đã quen khóc vì nó nghĩ rằng mặt trời lặn là đẹp. Hay mặt trăng. Ô, nó có thể lừa được ông đấy. Nó có thể làm cho ông cảm thấy ái ngại cho nó…”

Chuông cửa reo, vẻ ngập ngừng của bà Johnson trước tiếng gọi cửa đã truyền đạt tâm trạng tiến thoái lưỡng nan của bà, và Nye (sau này đã viết về bà rằng, “Suốt cuộc phỏng vấn, bà luôn luôn giữ tư thế điềm tĩnh và tao nhã. Một người có cá tính khác thường”) liền với lấy chiếc mũ nâu bẻ gập vành của mình. “Xin lỗi đã quấy quả bà, bà Johnson. Nhưng nếu bà nghe được gì về Perry thì chúng tôi mong bà có thiện chí mà gọi báo chúng tôi hay. Xin hỏi thanh tra Guthrie.”

Sau khi hai thám tử đi rồi, cái tư thế đã làm cho Nye mến mộ bị rơi vỡ tan tành: một nỗi tuyệt vọng về gia đình mình treo lơ lửng. Bà vật lộn với nó, gạt đẩy đòn đánh toàn diện của nó cho tới khi bữa liên hoan đã vãn và khách khứa ra về, cho tới khi bà cho con cái ăn uống, tắm rửa và nghe chúng đọc kinh đêm xong. Rồi thì tâm trạng, như làn sương mù trên biển hiện đang che mờ những cây đèn đường, đến bủa vây lấy bà. Bà đã nói bà sợ Perry, và bà sợ thật, nhưng có phải chỉ đơn giản là sợ Perry không thôi, hay là sợ cảnh ngộ mà Perry là một phần của nó – những số phận khủng khiếp hình như đã được hứa hẹn sẵn cho bốn đứa con của Florence Buckskin và Tex John Smith? Ông anh cả, người mà bà yêu mến, đã tự bắn mình; Fern ngã hay nhảy từ trên cửa sổ xuống; và Perry thì phạm bạo hành, một tên tội phạm. Cho nên, ở một nghĩa nào đó, bà là kẻ sống sót duy nhất; và điều dằn vặt bà chính là cái ý nghĩ rằng đến lúc nào đó, bà cũng sẽ bị dập vùi, hóa điên, hay mắc phải một căn bệnh nan y, hay mất hết những gì quý nhất đời bà – nhà cửa, chồng con – trong một cơn hỏa hoạn.

Chồng bà đang đi làm ăn xa, và khi chỉ có một mình, bà cũng chưa nghĩ đến rượu bao giờ. Nhưng đêm nay bà đã làm một ly mạnh, rồi nằm lên chiếc đi văng trong phòng khách, một quyển an bum ảnh đặt trên đầu gối.

Tấm ảnh chụp bố bà choán hết trang nhất – một bức chân dung chụp năm 1922, năm ông lấy cô kỵ mã da đỏ, tiểu thư Florence Buckskin. Tấm ảnh đó đã cố định mãi ấn tượng của bà Johnson. Nhờ nó, bà có thể hiểu được tại sao mẹ bà lấy bố, tuy hai người thực chất không hề hợp nhau.

Người thanh niên trong ảnh toát ra phong thái đường đường một đấng nam nhi. Mọi thứ – cái lọn vểnh lên của mái tóc đỏ nâu, mắt trái hơi nheo lại (tựa như đang nhắm bắn), chiếc khăn quàng con con kiểu cao bồi buộc thắt nút quanh cổ – hết sức là hấp dẫn. Nhìn chung, thái độ của bà Johnson với ông bố là mập mờ, nhưng có một phương diện ở bố mà bà luôn luôn kính trọng – sức chịu đựng kiên cường. Bà biết rõ bố có vẻ kỳ dị như thế nào trong con mắt người khác; về mặt này, hình như ông bố cũng kỳ dị với cả bà. Muốn gì thì ông bố vẫn là “một con người chân chính”. Ông cụ làm đủ việc, và làm thật dễ dàng. Ông cụ có thể quật đổ một cái cây đúng vào nơi ông cụ muốn. Ông cụ có thể lột da gấu, chữa đồng hồ, xây nhà, làm bánh, mạng bít cất, hay bắt cá hồi bằng một cái kim bẻ cong và một đoạn dây. Có lần, ông cụ đã sống sót một mình suốt cả mùa đông ở vùng đại hoang bang Alaska.

Một mình: theo ý bà Johnson, đó là cách những người đàn ông như thế nên sống. Vợ con, một đời sống e dè không phải là để cho họ.

Bà lật mở mấy trang ảnh chụp thời thơ ấu – những bức ảnh chụp tại các bang Utah, Nevada, Idaho, Oregon. Sự nghiệp kỵ mã trị ngựa bất kham của “Tex và Flo” đã chấm dứt, cả gia đình sống trên một xe tải cũ đi lang thang khắp cả nước săn lùng việc làm, một thứ khó tìm vào năm 1933. “Gia đình Tex John Smith hái quả ở Oregon, năm 1933” là câu chú thích dưới bức chụp bốn đứa trẻ chân đất mặc quần yếm, nhất loạt đều có vẻ mặt hốc hác mỏi mệt. Quả dại hoặc bánh mì ăn cắp giầm vào sữa đặc thường là thứ duy nhất họ ăn. Barbara Johnson nhớ lại một lần gia đình phải sống nhiều ngày bằng chuối nẫu, kết quả là Perry bị đau bụng; nó rên la suốt đêm, trong khi Bobo, tức là Barbara thì kêu khóc vì sợ em chết.

Bobo hơn Perry ba tuổi và rất yêu em; nó là đồ chơi duy nhất của cô, một con búp bê mà cô tắm rửa, chải đầu, hôn hít và đôi khi đét đòn. Đây có một bức ảnh hai đứa cùng tắm truồng trong một vụng nước trong như kim cương ở Colorado, đứa em, một thằng quỷ con bụng ỏng, rám nắng đen sì, đang nắm chặt tay chị mà cười rúc rích, tựa hồ dòng suối đổ xuống tung tóe có cả những ngón tay ma quái cù người. Trong một bức khác (bà Johnson không chắc, nhưng bà nghĩ có lẽ nó được chụp ở một trại chăn nuôi hẻo lánh tại Nevada, nơi gia đình đã ở khi cuộc xung đột cuối cùng giữa bố mẹ, một cuộc xích mích kinh khủng trong đó các thứ roi ngựa, nước sôi đèn dầu đều được sử dụng làm vũ khí, đưa cuộc hôn nhân đến bờ tan vỡ), bà và Perry ngồi trên một con ngựa lùn, đầu sát đầu, má chạm má; sau lưng những quả núi khô nỏ bốc cháy.

Sau khi đám trẻ con và mẹ chúng đến sống ở San Francisco, tình yêu thương em của Bobo nhạt dần rồi khi nguội hẳn. Nó không còn là bé cưng của cô mà là một đồ man rợ, một thằng ăn cắp, một thằng trấn lột. Vụ đầu tiên nó bị bắt bị ghi tên vào sổ cảnh sát là vào ngày 27 tháng Mười năm 1936 – lần sinh nhật thứ tám của nó. Cuối cùng, sau nhiều lần bị giữ tại nhà cải tạo và trung tâm giáo dưỡng trẻ vị thành niên, nhờ sự bảo lãnh của bố nó lại được trở về, và nhiều năm sau Bobo mới lại gặp lại nó, trừ trong mấy bức ảnh mà thỉnh thoảng Tex John gửi cho các đứa con kia của mình – những bức ảnh được dán lên trên các chú thích viết bằng mực trắng là một phần nội dung của quyển an bum. Có “Perry, bố và con chó Etkimô”, “Perry và bố đang đãi vàng”, “Perry săn gấu ở Alaska”, Trong bức thư cuối cùng này, Perry là một cậu trai mười lăm tuổi đội mũ lông đi giày trượt tuyết, đứng giữa hàng cây nặng trĩu tuyết, một khẩu súng quàng dưới cánh tay; mặt mũi bơ phờ, con mắt thì buồn và rất mệt, nhìn tấm ảnh đó, bà Johnson lại nhớ đến một “vụ” Perry gây ra khi hắn tới thăm bà ở Denver. Quả thực, đó là lần cuối cùng bà gặp hắn – mùa xuân năm 1955. Hai chị em đang bàn về tuổi thơ ấu của mình với Tex John thì thình lình Perry, vốn đã có quá nhiều rượu trong người rồi, liền đẩy bà sát vào tường rồi ghìm chặt bà ở đó. “Tôi là một thằng mọi,” Perry nói. “Có thể thôi. Một kẻ mà ông ta có thể sai làm mửa mật ra mà chẳng phải trả lấy một đồng xu. Không, Bobo, tôi đang nói đây. Câm ngay, không thì tôi ném bà xuống sông bây giờ. Như một lần tôi đang đi qua một cây cầu ở Nhật thì có một gã đứng trên đó, tôi chưa hề gặp gã ta trước đó bao giờ, nhưng tôi cứ nhấc gã lên mà ném xuống sông.”

“Làm ơn đi. Bobo. Nghe tôi này. Chị nghĩ là tôi thích tôi ư? Ôi! Đáng ra tôi có thể là một người như thế nào ấy chứ! Nhưng cái lão chết rấp ấy lão có cho tôi cơ hội nào đâu. Lão không cho tôi đi học. OK OK. Tôi là một đứa hư. Nhưng có lúc tôi đã xin đi học. Tôi là một đứa có đầu óc sáng láng cơ mà. Nói vậy để nhớ ra chị không biết. Đầu óc sáng láng mà lại có tài nữa. Nhưng không có học, vì lão không muốn tôi học bất cứ cái gì, chỉ là cốt khuân vác như thế nào cho lão thôi. Đần độn. Ngu dốt. Lão muốn tôi như vậy cơ. Để cho tôi không bao giờ thoát ra khỏi tay lão. Nhưng chị ấy, Bobo. Chị được đi học. Chị và Jimmy và Fern. Các người đứa khỉ nào cũng được học hành. Tất cả, trừ tôi. Tôi thù ghét các người, tất cả – ông già và tất cả các người.”

Làm như với các anh chị hắn đời lót bằng hoa hồng không bằng! Có lẽ là thế thật, nếu đó có nghĩa là dọn các đống nôn mửa của mẹ, là chẳng được mặc cái gì là đẹp, chẳng được ăn cái gì cho no. Nhưng cũng đúng là cả ba đều được đi học tới nơi tới chốn. Thực tế là Jimmy đã đỗ đầu lớp – một vinh dự có được hoàn toàn nhờ vào nghị lực bản thân anh ấy. Chính điều ấy đã làm cho việc anh tự sát có vẻ như một điềm gở đến thế, Barbara Johnson cảm thấy vậy. Tính cách mạnh, rất dũng cảm, hay lam hay làm – hình như những cái đó không hề là yếu tố quyết định trong số phận của các đứa con nhà Tex John. Họ cùng chia sẻ một số phận bất hạnh mà đức hạnh không sao giúp họ cưỡng lại được. Không phải là Perry hay Fern có đức hạnh gì cho cam. Khi Fern mười bốn tuổi, chị đổi tên, và trong suốt những ngày còn lại của đời mình chị ấy đã có biện minh cho việc đổi tên đó là phải: Joy[10]. Chị là một cô gái thoải mái vô tư, “người tình của tất cả mọi người” – đúng hơn là của quá nhiều người, vì chị thiên vị với đàn ông, mặc dù vì lẽ gì đấy chị chẳng được may mắn lắm với họ. Vì lẽ gì đấy, loại người chị ưa chẳng biết sao cứ luôn bỏ rơi chị. Mẹ chết trong một cơn say ngất lịm, thế nên chị sợ uống rượu – nhưng chị vẫn uống. Trước tuổi hai mươi, mỗi sáng chị chào ngày mới bằng một chai bia. Rồi một đêm hè, chị ngã từ trên cửa sổ một phòng khách sạn xuống. Khi đang rơi xuống, chị đập vào mái cổng dẫn vào một nhà hát, bắn tung lên rồi lăn vào bánh một chiếc xe tắc xi. Ở trên kia, trong căn phòng trống không, cảnh sát tìm thấy đôi giày của chị, một ví tiền, một chai uýt ki rỗng.

[10] Có nghĩa là vui.

Người ta có thể thông cảm và tha thứ cho Fern, nhưng Jimmy thì khác. Bà Johnson nhìn bức ảnh trong đó anh mặc quần áo lính thủy; hồi chiến tranh anh phục vụ cho hải quân. Mảnh khảnh, một thủy thủ trẻ tuổi nước da tai tái có bộ mặt dài dài mang đôi chút thánh thiện khắc khổ, anh đứng quàng eo một cô gái sau này anh cưới và theo đánh giá của bà Johnson thì đáng lẽ không nên cưới, vì hai người này chẳng có gì hợp nhau sất – anh Jimmy nghiêm túc với cô gái San Diego mười mấy tuổi đầu quen bám các hạm tàu mà chuỗi hạt thủy tinh phản chiếu lại một vầng mặt trời nay đã ố nhạt từ lâu. Nhưng cái mà Jimmy dành cho cô gái đã vượt quá tình yêu thông thường; nó là đam mê – một đam mê có phần nào bệnh lý. Còn cô gái, cô ắt phải yêu anh, yêu anh vô cùng, bằng không thì cô đã chẳng làm như đã làm. Giá mà Jimmy tin như thế nhỉ! Hay là có khả năng tin được thế. Nhưng lòng ghen tuông đã cầm tù anh rồi. Anh bị cắn xé bởi ý nghĩ về đám đàn ông mà cô từng ngủ cùng trước khi lấy anh; hơn nữa, anh đinh ninh rằng cô vẫn còn tính ăn nằm bừa bãi – rằng mỗi khi anh đi biển hay thậm chí chỉ xa cô có một ngày thôi, cô liền phản bội anh ngay với cả lô cả lốc người tình, anh không ngừng bắt cô phải nhận là đã có những người tình như vậy. Thế rồi cô chĩa khẩu súng vào một điểm – giữa hai mắt mình và lấy ngón chân bấm cò. Khi tìm thấy cô, Jimmy không báo cảnh sát. Anh bế cô đặt lên giường rồi nằm xuống bên cạnh cô. Ngay hôm sau vào khoảng sắp rạng đông, anh lắp đạn lại vào súng và tự sát.

Đối diện với bức ảnh Jimmy và vợ là một bức ảnh chụp Perry mặc binh phục. Ảnh được cắt ra từ một tờ báo, có dán kèm theo một đoạn bài báo: “Sở Chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ, Alaska. Binh nhì Perry E. Smith, 23 tuổi, cựu chiến binh đầu tiên của quân đội từng tham chiến ở Triều Tiên quay về Anchorage, Alaska, được Đại úy Mason, Sĩ quan Truyền thông đón tiếp khi đến Căn cứ Không quân Elmendorf. Smith phục vụ 15 tháng ở sư đoàn số 24 với tư cách lính kỹ thuật. Chuyến đi của anh từ Seattle đến Anchorage là quà tặng của Hãng Hàng không Bắc Thái Bình Dương. Cô Lynn Marquis, tiếp viên hàng không, mỉm cười đón tiếp anh. (Ảnh chính thức của Quân đội Hoa Kỳ).” Đại úy Mason chìa tay ra, nhìn binh nhì Perry, nhưng binh nhì Perry lại nhìn vào máy quay. Trông vẻ mặt chú em, bà Johnson nhìn thấy, hay tưởng tượng thấy, không phải lòng biết ơn mà là sự ngạo mạn, và thay vì tự hào thì lại là hết sức vênh vang tự phụ. Thật không thể nào tin rằng khi đi qua một cây cầu hắn đã gặp một người và đã ném người đó khỏi cầu. Dĩ nhiên hắn đã làm vậy. Điều đó bà không bao giờ nghi ngờ.

Bà gấp quyển an bum lại, mở ti vi, nhưng nó không làm bà khuây khỏa được. Giả dụ hắn đến thì sao? Các thám tử đã tìm bà; cớ gì Perry lại không tìm? Nó chẳng cần mong bà giúp nó, thậm chí bà còn không cho nó vào nữa kia. Cửa chính khóa, nhưng cửa ra vườn thì không. Mảnh vườn trắng xóa sương mù của biển; nó có thể là một cuộc tụ hội những hồn ma lắm. Mẹ, Jimmy và Fern. Khi bà John ra gài chốt cửa lại, trong đầu bà người chết lẫn người sống đều như đang hiển hiện.

Một cơn giông đột ngột. Mưa. Trút như thác. Dick chạy. Perry cũng chạy, nhưng không nhanh bằng; chân hắn ngắn hơn, mà hắn lại vướng cái va li quần áo. Dick đến được nơi trú ẩn – một nhà kho cạnh xa lộ – trước hắn khá lâu. Trong khi rời Omaha, sau một đêm ngủ nhờ ở Nhà của Đội quân Cứu rỗi, chúng đã được một tài xế xe tải cho đi nhờ qua biên giới bang Nebraska vào bang Iowa. Nhưng nhiều giờ trước đó thì chúng cuốc bộ. Trời đổ mưa khi chúng còn cách khu định cư Tenville Junction ở Iowa mười sáu dặm về phía Bắc.

Nhà kho tối om.

“Dick ơi,” Perry gọi.

“Lại đây!” Dick nói. Hắn đang nằm dài trên một ổ cỏ khô.

Ướt sũng, run lẩy bẩy, Perry buông người xuống cạnh hắn. “Tớ rét quá,” hắn nói, và rúc vào trong cỏ khô. “Tớ rét quá, nếu cỏ này bốc lửa mà thiêu cháy tớ tớ cũng cóc cần.” Hắn cũng đói nữa. Đói lả. Đêm qua chúng đã ăn cháo bố thí của Đội quân Cứu rỗi, còn hôm nay cái duy nhất nuôi sống chúng là mấy thanh sô cô la và kẹo cao su Dick thó được ở quầy kẹo bánh của một tiệm thuốc. “Còn sô cô la Hershey nữa không?” Perry hỏi.

Không, nhưng hãy còn một gói kẹo cao su. Chúng chia nhau rồi nằm xuống nhai, mỗi đứa nhai hai thanh rưỡi kẹo cao su Doublemint, cái hương vị Dick thích (Perry thì thích vị quả hơn là bạc hà). Tiền trở thành vấn đề. Sự thiếu tiền gay gắt khiến Dick đi tới quyết định rằng cú sau đây của chúng sẽ là cái mà Perry coi là “cú liều của một gã điên rồ” – quay lại Kansas City. Khi Dick giục về đó lần đầu tiên, Perry đã nói, “Cậu phải đi khám đốc tờ đi.” Bây giờ, chen chúc bên nhau trong bóng đêm lạnh lẽo, lắng nghe mưa lạnh lẽo mịt mù, chúng lại bắt đầu bàn bạc, Perry một lần nữa liệt kê ra các mối nguy hiểm của một bước đi như vậy, vì lần này chắc chắn Dick đã bị truy nã về tội vi phạm lời hứa danh dự rồi – “nếu như không có gì nghiêm trọng hơn thế nữa”. Nhưng Dick không dễ bị thuyết phục. Hắn nài một lần nữa rằng Kansas City là cái nơi duy nhất hắn tin dứt khoát mình sẽ “cho đi lọt thành công những tấm séc giả. Mẹ khỉ, tớ biết là ta phải cẩn thận. Tớ biết chúng nó đã phát trát bắt. Vì những tấm séc chúng ta tiêu trước đây. Nhưng chúng ta sẽ hành động lẹ. Một hôm thôi là xong liền. Nếu vớ được khá, chúng ta sẽ đến Florida thử xem sao. Qua Nôen ở Miami – nếu thấy hay hay thì ở hết mùa đông tại đó.” Nhưng Perry nhai kẹo cao su, run lập cập và dằn dỗi. Dick nói, “Gì thế, bồ? Cái vụ kia ấy ư? Làm quái gì cậu cứ không quên được thế nhỉ? Chúng nó đã tìm ra được mối liên hệ nào đâu. Không bao giờ.”

Perry nói, “Có thể cậu sai đấy. Và nếu cậu sai thì có nghĩa là Cái Xó.” Cả hai đứa trước đây chưa bao giờ nhắc đến hình phạt nặng nhất ở bang Kansas – treo cổ, hay là chết trong Cái Xó, như dân tù trong trại giam bang Kansas gọi mấy cái lán có thiết bị cần thiết để treo cổ tử tù.

Dick nói, “Anh diễn viên hài ơi. Cậu giết tớ thì có đấy.” Hắn đánh que diêm, định hút một điếu thuốc nhưng nhờ ánh lửa hắn nhìn thấy một cái gì. Hắn đứng dậy, đi qua gian nhà kho đến một cái chuồng bò. Một chiếc xe đỗ trong chuồng bò, một chiếc Chevrolet hai cửa, đời 1956, hai màu đen trắng. Chìa khóa vẫn nằm trong ổ.