Chương 10

Máu Lạnh

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Chiêu sau cùng được Shultz dồn cho nhiều công lực nhất; do đó tưởng cũng cần nêu lại một ý kiến về chuyện đó, nó đã được ba thẩm phán liên bang viết như là kết quả của một cuộc vận động chống án tiếp theo đó gửi lên Tòa Chống án Hoa Kỳ: “Nhưng chúng tôi nghĩ những ai nhìn nhận tình hình này theo cách hồi cố đã bỏ mất không nhìn thấy những khó khăn mà các luật sư Smith và Fleming đã phải đối đầu khi họ nhận bào chữa cho hai người thỉnh nguyện này. Khi các ông nhận chỉ định, mỗi người thỉnh nguyện đều đã làm một bản thú tội đầy đủ, và không hề khẳng định rằng bản thú tội này là không tự nguyện, lúc đó cũng thế mà suốt quá trình các phiên tòa cũng thế. Một chiếc rađiô bị những người thỉnh nguyện lấy đi ở nhà Clutter và mang bán ở Mexico City đã được thu hồi, và hai luật sư biết rằng lúc đó bên khởi tố đang nắm trong tay những bằng chứng phạm tội khác. Khi được yêu cầu phúc đáp chính thức rằng mình vô tội trước tòa những người thỉnh nguyện đã đứng lặng thinh, nên tòa cảm thấy cần phải tiến hành thủ tục phúc đáp này cho họ. Lúc đó, cũng như suốt cả phiên tòa, không có bằng chứng vững chắc nào để bào chữa rằng bị cáo phạm tội do mất trí. Khả năng bào chữa dựa trên chứng mất trí, cho rằng hành vi phạm tội là do những tổn thương nghiêm trọng vì tai nạn trước đó nhiều năm, và do những cơn nhức đầu cũng như những trận ngất xỉu thi thoảng của Hickock, nó cũng mong manh như là bám lấy cọng rơm trong tục ngữ vậy. Các luật sư bên bị đã đứng trước một tình thế trong đó những án mạng ghê rợn gây ra cho những người vô tội đã được thú nhận. Trong hoàn cảnh đó, nếu khuyên các bị cáo gửi đơn thỉnh nguyện xin khoan dung rồi ném họ ra trước lòng nhân từ của tòa thì các luật sư sẽ được biện minh là đã làm tròn trách nhiệm. Hy vọng duy nhất của họ là, qua một bước ngoặt nào đó của số phận, những kẻ bị lầm lạc này may ra giữ được cuộc đời mình.”

Trong báo cáo trình Tòa án Tối cao Bang Kansas, Thẩm phán Thiele thấy rằng những người đâm đơn thỉnh nguyện đã có được một phiên tòa xét xử công bằng theo đúng Hiến pháp; do đó tòa khước từ lệnh hủy phán quyết và đặt ra thời hạn thi hành án mới – 25 tháng Mười năm 1962. Tình cờ sao, Lowell Lee Andrews, kẻ mà vụ án đã đi hết con đường đến tận Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đến những hai lần, thì lại được xếp lịch cho treo cổ sau đó đúng một tháng.

Nhờ có một thẩm phán liên bang xin cho, những kẻ sát hại gia đình Clutter thoát được cái ngày đã lên lịch ấy. Andrews thì giữ nguvên ngày giờ đã định cho mình.

Trong việc xử lý các vụ án tử hình ở Mỹ, thời gian giữa khi tòa y án với khi thi hành án xấp xỉ chừng mười bảy tháng. Mới đây, ở Texas, một tên trộm có vũ khí đã phải lên ngồi ghế điện sau khi xét xử có một tháng; nhưng ở Louisiana, vào thời điểm viết câu này, hai tên hiếp dâm đã ngồi chờ chết suốt mười hai năm, một con số kỷ lục. Sự chênh lệch này một chút là nhờ vào may mắn còn phần lớn là vào mức độ tranh chấp. Phần đông các luật sư đảm nhận các vụ án này đều do tòa chỉ định và không có thù lao; nhưng thường thường, để tránh sự chống án trong tương lai dựa trên những lời ca thán về việc bị cáo không được bảo vệ thích đáng, tòa hay chỉ định những người giàu năng lực nhất và các vị này thường bảo vệ thân chủ mình với sự hăng hái đáng khen. Nhưng ngay cả một luật gia tài năng vừa vừa cũng có thể trì hoãn được năm này qua năm khác cái ngày thi hành án, vì hệ thống chống án bao trùm ngành Luật học Mỹ đã khiến cho pháp lý trở thành một thứ bánh xe của số phận, một trò chơi may rủi, phần nào đó có lợi cho tội phạm, trong đó những người chơi cứ thế chơi bất tận, trước hết ở tòa án bang rồi qua một hệ thống tòa án liên bang cho tới khi vươn đến cấp cuối cùng là Tòa án Tối cao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả thất bại ở cấp này cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu như nhóm luật sư của bị cáo có thể phát hiện hay sáng chế ra những cơ sở mới để chống án; thường thì họ làm được, và thế là bánh xe một lần nữa lại quay, quay cho tới khi có lẽ vài năm sau người tù sẽ quay trở lại tòa án cao nhất của đất nước một lần nữa, ắt là chỉ để bắt đầu lại cuộc thi đấu tàn nhẫn chậm re ré. Nhưng chốc chốc giữa chừng bánh xe lại ngừng để tuyên xưng một kẻ thắng – hoặc là, tuy chuyện này ngày một hiếm, một kẻ thua: các luật sư của Andrews đã vật lộn đến giây phút cuối cùng, nhưng thân chủ của họ vẫn phải lên trên giá treo cổ vào ngày thứ Sáu, 30 tháng Mười một năm 1962.

“Đó là một đêm rét buốt,” Hickock nói, khi trò chuyện với một nhà báo mà hắn hay thư từ và đều đặn đến thăm hắn. “Rét và ẩm ướt. Trời mưa chẳng ra cái chó gì, sân bãi bóng chày ngập bùn tới cojones tức là tới cổ chân ông. Cho nên khi họ đưa Andy ra để đến nhà kho, họ phải cho nó đi dọc theo một con đường nhỏ. Tất cả chúng tôi đều ở bên cửa sổ nhìn – Perry và tôi, Ronnie York, Jimmy Latham. Lúc đó đúng sau nửa đêm, nhà kho đèn sáng như đêm hội Halloween. Cửa giả mở toang. Chúng tôi trông thấy các nhân chứng, một lô lính gác, bác sĩ và ông quản ngục – đủ các thứ ba láp trừ cái giá treo cổ. Nó khuất trong một góc nhưng chúng tôi có thể trông thấy bóng nó. Một cái bóng trên tường giống như bóng của võ đài đấu quyền Anh vậy.

Cha cố và bốn lính gác chịu trách nhiệm giải Andy, khi tới cửa họ dừng lại một tí. Andy nhìn cái giá treo – ông có thể cảm thấy như vậy. Tay nó bị trói ra đằng trước. Thình lình cha cố thò tay chụp lấy cái kính cận của Andy. Tội nghiệp, Andy mà lại không có kính. Họ dẫn nó vào trong, và tôi tự hỏi liệu nó có thể nhìn rõ để mà leo lên các bậc không. Im ắng, trừ tiếng con chó nào sủa đằng xa. Con chó nào đấy trong thị trấn. Rồi chúng tôi nghe thấy cái đó, tiếng thình, và Jimmy Latham hỏi ‘Cái gì thế hả?’ thì tôi liền bảo nó là cái gì – cái cửa hầm dưới chân giá treo.

Rồi im lặng hoàn toàn. Trừ con chó nọ. Thằng Andy, nó lủng lẳng một lúc lâu. Họ phải bận ra trò mới dọn được chỗ ấy. Cứ vài phút bác sĩ lại đi ra cửa, bước ra ngoài đứng đó, cái ống nghe trong tay. Tôi không thể nói là ông ta thích công việc mình làm – ông ta cứ hổn hà hổn hển như là sắp ngạt thở, và lại còn khóc nữa. Jimmy nói, ‘Một lũ thối.’ Tôi cái cớ ông ta ra ngoài là để người khác không thấy ông ta khóc. Rồi ông ta vào ngồi nghe xem tim Andy liệu đã ngừng chưa. Hình như nó chẳng bao giờ ngừng. Sự thực là tim Andy còn đập mãi trong mười chín phút.”

“Andy là một thằng lỏi hay,” Hickock nói, cười đến vẹo mồm trong khi tra một điếu thuốc vào giữa hai môi. “Như là tôi bảo nó ấy: nó không trọng mạng người, ngay cả mạng chính nó. Ngay trước lúc họ treo cổ nó, nó còn ngồi ăn hai con gà quay. Và buổi chiều cuối ấy nó hút xì gà, uống Coca và làm thơ. Khi họ đến đưa nó đi và chúng tôi gửi lời từ biệt, tôi nói, ‘Mình sẽ gặp cậu sớm, Andy. Vì tớ tin chắc chúng mình sắp cùng đi đến một chỗ thôi. Cho nên hãy thăm dò loanh quanh Dưới Đó xem liệu có tìm được chỗ nào râm mát không cho chúng tớ xuống với.’ Nó liền cười ầm, và bảo nó không tin gì ở thiên đường lẫn địa ngục, chỉ là cát bụi về với cát bụi. Rồi nó kể là một người cô và một người chú đã đến thăm nó, bảo rằng họ đã có một cỗ áo quan chờ chở nó đến một cái nghĩa trang nho nhỏ nào đó ở bắc Missouri. Cũng chính cái nơi chôn ba người mà nó chọn để kết liễu cuộc đời. Họ tính đưa Andy về nằm cạnh đấy. Nó kể là khi họ bảo thế nó khó lòng giữ được một bản mặt ngay ngắn. Tôi bảo, ‘Tốt, cậu may mắn lắm mới có được một cái nấm mồ đấy. Nhiều phần chắc họ sẽ đưa Perry và tớ cho một ông thầy mổ xác.’ Chúng tôi đùa như thế cho đến lúc nó phải đi, và đúng lúc đi nó cho tôi một tờ giấy trên đó có một bài thơ. Tôi không biết có phải nó viết không. Hay là chép ở quyển sách nào ra. Tôi cảm tưởng là nó viết. Nếu ông thích, tôi sẽ gửi cho ông.”

Sau đó hắn gửi thật, và thư vĩnh biệt của Andrews hóa ra là đoạn thứ chín trong tập thơ “Khúc hát đau thương viết trong sân nhà thờ đồng quê” của Gray:

Niềm tự hào của các huy hiệu, ánh huy hoàng của quyền uy,
Tất cả sắc đẹp đó, tất cả giàu sang từng được cấp cho ta,

Đều như nhau, chờ giây phút không thể nào tránh khỏi:
Mọi con đường vinh quang dẫn đến nấm mồ.

“Tôi mến Andy thật. Nó là một thằng ngố – không phải một thằng ngố như họ vẫn la làng lên; nhưng, ông biết đấy, chỉ là ú ớ. Nó lúc nào cũng nói đến chuyện bùng ra khỏi đây và kiếm sống bằng nghề bắn mướn. Nó thích tưởng tượng ra mình lang thang khắp vùng Chicago hay Los Angeles với một khẩu súng máy đựng trong hộp đàn violon. Cho thiên hạ ngoẻo. Nó nói sẽ tính mỗi thây cứng quèo một nghìn đô.”

Hickock cười rộ, chắc là cười sự ngớ ngẩn trong các tham vọng của bạn hắn, thở dài rồi lắc đầu. “Nhưng so với bọn cùng lứa tuổi thì nó là đứa thông minh nhất tôi từng giáp mặt. Một thư viện mang hình người. Khi đọc sách là nó đọc hẳn hoi. Dĩ nhiên nó chẳng hiểu tí nếp tẻ nào về cuộc đời. Còn tôi ấy, tôi là một ngu sĩ trừ khi nào dính dáng tới những cái tôi biết về cuộc đời. Tôi đã đi bộ dọc một lô những đường phố hèn hạ. Tôi đã nhìn thấy một người da trắng bị vụt bằng roi. Tôi đã xem những đứa trẻ con lọt lòng. Tôi đã gặp một đứa con gái, nó chưa quá mười bốn, nhận cùng một lúc ba thằng và thằng nào cũng được hưởng đáng đồng tiền bát gạo. Có lần tôi rơi từ tàu thủy xuống cách bờ năm dặm. Bơi năm dặm, cứ mỗi sải tay là một lần cái mạng tôi có thể đi tong. Có lần tôi đã bắt tay Tổng thống Truman ở đại sảnh khách sạn Muehlebach. Harry S. Truman ấy. Khi còn làm lái xe cứu thương ở bệnh viện quân y, tôi đã thấy hết mọi mặt của cuộc đời rồi – những cái đến chó cũng phải lộn mửa. Nhưng Andy. Nó chẳng biết cái cóc khô nào hết ngoài những cái nó đọc trong sách vở.

Nó ngây thơ như đứa trẻ con, một thằng chíp hôi với hộp bích quy mở ra một phát là ăn. Nó chưa ở với đàn bà lấy một lần. Chỉ với đàn ông hay với bạn đồng tuổi thôi. Chính nó bảo thế mà. Có lẽ đó là điều tôi thích hơn cả ở nó. Thích cái chỗ nó chả bao giờ nói loanh quanh. Bọn còn lại chúng tôi trên Dãy này, chúng tôi là một lũ nghệ sĩ tầm bậy tầm bạ. Tôi là một trong những đứa tồi nhất. Phun ra đi, ông phải nói cái gì chứ. Phét lác vào. Không thì ông chẳng là thằng nào, chẳng là cái gì hết, một củ khoai tây vật vờ trong cái âm phủ hai trên ba mét này. Nhưng Andy không góp phần đâu. Nó bảo là nói cho lắm về những chuyện chẳng bao giờ xảy ra thì có ích gì.

Thằng cha Perry, chính hắn lại kiềng nhất hạng thằng Andy đấy. Andy là một cái thứ ở trên đời này mà Perry mong trở thành – có học. Perry không thể tha thứ cho Andy chính vì cái đó. Ông biết tại sao Perry lại hay dùng những chữ đao to búa lớn mà chính hắn chẳng hiểu nghĩa là gì không? Nghe cứ như một thằng mọi sinh viên ấy hả? Hì, cứ hễ Andy chóp đúng chỗ sai, sửa cho cậu một miếng là cậu cay lắm. Dĩ nhiên chỉ là Andy cố trao cho nó cái mà nó muốn thôi – sự học.

Thật sự là không ai chơi được với Perry. Nó không có người bạn đặc biệt nào trong đây cả. Tôi muốn nói nó nghĩ nó là cái quỷ quái gì chứ? Miệt thị khắp mọi người. Gọi thiên hạ là bọn suy đồi với lại xuống cấp. Cứ moi móc chuyện thiên hạ chỉ số IQ thấp thế nào. Tất cả chúng ta mà không có được một linh hồn đa cảm như Perry Bé Bỏng thì thật là tồi quá. Thánh cơ đấy. Xời, nhưng mà tôi biết một vài dân máu họ sẽ vui lòng khi đến Cái Xó nếu như họ có thể gặp được Perry một mình trong buồng tắm, chỉ cần có một phút cao điểm. Cái kiểu nó giở trò mũ áo nghiêm chỉnh ra với York và Latham kìa! Ronnie nói chắc chắn là nó ước gì có thể kiếm ra một cái roi chăn bò. Nó muốn quất Perry một trận. Tôi không trách nó. Dẫu gì thì chúng tôi cũng cùng nói với nhau cả, còn chúng nó đều là những thằng tử tế.”

Hickock buồn rầu cười khục khục rồi nhún vai nói, “Ông biết là tôi muốn nói gì rồi. Tốt. Mẹ Ronnie York đã đến đây thăm con nhiều lần. Một hôm, ngoài chỗ phòng chờ bà ấy gặp mẹ tôi, nay thì hai bà trở thành bạn bè số dách của nhau. Bà York muốn mẹ tôi đến thăm nhà bà ấy ở Florida, có khi còn sống ở đó nữa. Ôi lạy Chúa, tôi mong mẹ tôi sẽ làm thế. Rồi bà cụ sẽ không phải qua hết cái tội nợ này. Mỗi tháng một lần ngồi xe buýt đến đây thăm tôi. Cười, cố tìm ra một cái gì để nói, để làm cho tôi cảm thấy dễ chịu. Bà cụ tội nghiệp. Tôi không hiểu sao bà cụ lại chịu được. Tôi nghĩ bà cụ không điên đâu.”

Đôi mắt bên cao bên thấp của Hickock quay về phía cửa sổ phòng chờ; mặt hắn phị ra, tái nhợt như bông huệ lễ tang, mờ mờ sáng lên trong ánh nắng mùa đông yếu ớt lọt vào qua lần kính che chắn song cửa sổ.

“Bà cụ tội nghiệp. Bà viết thư cho quản ngục, hỏi liệu lần thăm tới bà có thể nói chuyện với Perry không. Bà cụ muốn tự tai nghe Perry nói đã giết những người kia như thế nào, làm sao mà tôi lại không bắn phát nào cả. Tất cả những điều tôi hy vọng là một hôm nào đó chúng tôi được xử lại, và Perry sẽ chứng nhận, sẽ nói ra sự thật. Có điều chuyện đó tôi ngờ lắm. Nó đã quyết định dứt khoát là nếu nó đi thì tôi cũng đi. Lưng liền lưng. Cái đó không đúng. Nhiều kẻ đã giết người mà có bao giờ trông thấy bên trong cái xà lim án tử nó ra sao đâu. Mà tôi thì chưa giết một ai bao giờ cả. Nếu ông có năm chục ngàn đô để tiêu cho bằng hết, ông có thể mua một nửa Kansas City mà chỉ cười ha ha thôi.” Một nụ cười thình lình xóa sạch đi hết nỗi bất bình đau khổ của hắn. “Ô ô. Tôi lại thế rồi. Khóc mếu như con nít. Ông nên nghĩ là tôi đã học được đó. Nhưng thật tình, thề có Chúa, tôi đã cố hết sức để được đi cùng với Perry. Có điều nó hay ỉ eo quá. Hai mặt. Quá đố kỵ về bất cứ chuyện lặt vặt nào. Mỗi bức thư tôi nhận được, mỗi người đến thăm. Chẳng có ai đến thăm nó, trừ ông,” Hickock nói, hất đầu về phía nhà báo, ông này quen với Smith cũng ngang với quen Hickock. “Hay luật sư của nó. Ông nhớ lúc nó nằm viện chứ? Cái đoạn nhịn ăn có bài bản nhưng toàn là nhịn giả cầy đó? Rồi bố nó gửi đến một tấm bưu ảnh ấy? À, quản ngục viết cho bố Perry báo là ông ta đến bất cứ lúc nào cũng được hoan nghênh hết. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông ta ló mặt. Tôi không hiểu. Nhiều lúc ông cũng phải thấy tội cho Perry. Nó đúng là thằng cô độc chưa từng có. Nhưng. Ồ nhưng thôi, mặc xác nó. Phần lớn là do lỗi của nó thôi.”

Hickock rút thêm một điếu Pall Mall nữa, cau mũi lại nói. “Tôi đã cố bỏ thuốc. Nhưng lại nghĩ tình cảnh này thì hay không cũng có khác được cái gì. May mắn đôi chút thì tôi sẽ bị ung thư và thắng được ông nhà nước ngay trên sân nhà ổng. Ở đây tôi cũng được hút xì gà một dạo. Của Andy. Buổi sáng sau cái hôm người ta treo cổ nó, tôi thức dậy gọi ‘Andy’ – kiểu như thường ngày vẫn gọi. Rồi tôi nhớ ra nó đang trên đường đi Missouri. Với bà cô và ông chú. Tôi nhìn ra ngoài hành lang. Xà lim đang được dọn sạch, tất cả đồ giẻ rách của nó được xếp ở ngoài. Đệm, đôi giày bệt của nó và quyển sổ có dán tất tật tranh ảnh đồ ăn này nọ – nó gọi là ‘tủ lạnh’ của nó. Và cái hộp xì gà ‘Macbeth’. Tôi bảo người gác là Andy muốn tôi lấy chỗ đó, nó để lại cho tôi theo ý nó. Thực tình thì tôi có khi nào hút đâu. Có thể đấy là ý của Andy, nhưng không biết sao chúng làm cho tôi khó tiêu.

À được, có gì để nói về án tử hình không hả? Tôi không phản đối. Nó là trả thù, chỉ có thế, mà trả thù thì sai ở chỗ nào? Trả thù rất quan trọng. Nếu tôi là họ hàng thân thích của nhà Clutter hay một trong những người bị Latham và York thủ tiêu thì tôi cũng không thể chịu yên chừng nào những đứa chịu trách nhiệm về chuyện đó chưa lên Cái Lủng Lẳng Bự. Những người viết thư cho báo chí kia. Hôm nọ có hai bức thư trên một tờ báo Topeka – một bức là của một ông linh mục. Nói là cái trò hề pháp lý này là cái gì, tại sao những thằng chó đẻ Smith và Hickock lại chưa chìa gáy chúng nó ra, làm sao mà những thằng chó đẻ giết người ấy vẫn cứ đang ăn nhờ tiền thuế của dân? Tốt, tôi có thể nhìn thấy cái mặt đó. Họ phát điên lên vì họ chưa có được cái họ muốn – trả thù. Và chừng nào tôi còn chưa giúp một tay thì họ còn chưa có được cái đó. Tôi tin ở án treo cổ. Vẫn tin chừng nào tôi không phải là đứa sắp bị treo cổ.”

Nhưng rồi hắn đã bị. Ba năm nữa trôi qua, hai luật sư đặc biệt giỏi của Kansas City, Joseph P. Jenkins và Robert Bingham, thay cho ông Shultz sau cùng cũng đã rút ra khỏi vụ án này. Được một thẩm phán liên bang chỉ định và làm không có thù lao (nhưng được thúc đẩy bằng một lập trường kiên định rằng các bị cáo đã là nạn nhân của một “cuộc xét xử bất công đến mức ác mộng”), Jenkins và Bingham đã gửi nhiều đơn chống án đi khắp mạng hệ thống tòa án liên bang, do đó né được ba thời hạn hành quyết; 25 tháng Mười năm 1962, mồng 8 tháng Tám năm 1963, 18 tháng Hai năm 1965. Các luật sư tranh biện rằng thân chủ của họ đã bị buộc tội không công bằng bởi vì chỉ sau khi bị cáo đã thú tội và từ chối điều tra sơ bộ thì mới được luật sư bào chữa cho; vì bị cáo không có luật sư giỏi đại diện ở trước tòa, họ đã bị xét xử với những tang chứng bị tịch thu mà không có giấy khám xét (khẩu súng và con dao lấy đi ở nhà Hickock), và không được phép thay tòa xử cũng như nơi xử mặc dù các vùng lân cận nơi diễn ra phiên tòa đã “bị bão hòa” bởi sự tuyên truyền cổ động đầy thành kiến đối với bị cáo.

Với những luận cứ này, Jenkins và Bingham đã đưa được vụ án lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ – Chàng Trai Bự, như nhiều tù nhân kiện kháng án gọi – được những ba lần nhưng lần nào Tòa cũng phủ nhận đơn chống án mà không bình luận tại sao lại quyết định như vậy, phủ nhận bằng cách từ chối không cho trát xử lại, mà phải có trát này thì người chống án mới có điều kiện hưởng một phiên xử lại đầy đủ trước tòa. Tháng Ba năm 1965, sau khi Smith và Hickock bị giữ ở Dãy Chết gần hai nghìn ngày, Tòa án Tối cao Bang Kansas ban lệnh hành quyết hai người vào khoảng từ nửa đêm đến 2 giờ sáng thứ Tư, 14 tháng Tư 1965. Sau đó, một đơn xin khoan hồng đã được trình lên vị Thống đốc mới trúng cử của bang Kansas, William Avery, nhưng Avery, một chủ trại giàu có nhạy bén với công luận, từ chối can thiệp – một quyết định ông cảm thấy là vì “lợi ích tốt nhất của nhân dân Kansas”. (Hai tháng sau, Avery cũng bác bỏ đơn xin khoan hồng của York và Latham, hai người bị treo cổ vào ngày 22 tháng Sáu năm 1965).