Chương 7

Máu Lạnh

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Nhưng những người đi săn mà họ trông đợi đã không hiện ra thành xương thịt, và tuy những người du lịch bình thường – số ít người nhỏ giọt dọc xa lộ – thỉnh thoảng có dừng lại để chụp ảnh cái vẻ thô sơ khó lòng tin nổi của Trapper’s Den Lodge, song họ hiếm khi ngủ qua đêm. “Chúng tôi đã huyễn nhau trong một thời gian. Cứ nghĩ là nó sẽ bắt được khách. Bố cố trổ thêm mánh mung cho cái địa điểm này. Làm một Vườn Ký ức. Với một Giếng cầu mong. Đặt biển quảng cáo trên dưới xa lộ. Nhưng chẳng cái nào đem lại thêm một đồng xu. Khi bố nhận ra điều đó – thấy nó vô dụng, chỉ là tự lãng phí mình cùng tất cả tiền bạc – ông bắt đầu trút cả lên đầu tôi. Sai tôi chạy khắp. Hằn học. Bảo tôi đã không góp phần vào công việc. Đó không phải là lỗi của ông, đó còn là lỗi của tôi. Một tình cảnh như thế, tiền bạc không, ăn uống thì ngày một kém dần, chúng tôi không thể không cà khịa lẫn nhau. Đỉnh điểm đến khi chúng tôi đói thật sự. Đó là điều khiến hai bố con xung đột. Cớ bề ngoài thôi. Một cái bánh bích quy. Bố giằng cái bánh bích quy ở tay tôi ra, nói tôi ăn quá nhiều, tôi là một thằng chó chết ích kỷ, tham lam, tại sao tôi không cút đi, ông không muốn tôi ở lại thêm nữa. Ông cứ rủa mãi cho tới khi tôi không nhịn được nữa. Tay tôi chộp lấy cổ ông ấy. Tay của tôi – nhưng tôi không kiểm soát được chúng nữa. Chúng muốn bóp ông cho chết. Tuy thế, bố tôi, ông lại rứt ra được, một đô vật khôn ngoan đấy. Ông gỡ được ra và chạy đi lấy súng. Trở lại chĩa vào tôi. Ông nói, ‘Perry, mày nhìn tao đây. Tao là cái đứa sống sót cuối cùng mày thấy trên đời.’ Tôi chỉ đứng đực ra. Nhưng rồi ông thấy súng không nạp đạn, thế là ông bắt đầu khóc. Ngồi xuống gào tu tu như một đứa bé con. Lúc đó tôi nghĩ tôi sẽ không giận ông ấy làm gì nữa. Tôi buồn cho ông ấy. Cho cả hai bố con. Nhưng nó cũng chẳng được cái tích sự gì – tôi chẳng nói được gì hết. Tôi ra ngoài. Đang tháng Tư, nhưng rừng cây còn ngập sâu trong tuyết. Tôi đi cho tới lúc gần tối mịt. Khi tôi trở về, túp lều tối om, tất cả cửa nẻo đều khóa. Và mọi thứ của tôi nằm ở ngoài tuyết. Nơi bố đã vất chúng ra. Sách vở. Quần áo. Mọi thứ. Tôi cứ để nằm cả đấy. Trừ cây ghi ta của tôi. Tôi nhặt cây ghi ta lên và bắt đầu đi xuôi xuống xa lộ. Không một đô la trong túi. Khoảng nửa đêm một xe tải đỗ lại cho tôi đi nhờ. Người lái hỏi tôi đi đâu. Tôi bảo, ‘Ông đi tới đâu thì tôi tới đó’.”

Nhiều tuần sau, sau khi lại đến náu ở nhà James, Perry quyết định chỗ đến cuối cùng – Worcester, Massachusetts, thị trấn quê hương của một “bằng hữu trong quân đội” mà hắn nghĩ sẽ vui vẻ chào đón hắn và giúp hắn tìm ra “một việc lương kha khá”. Nhiều chuyện vòng vèo kéo dài chuyến đi sang miền Đông; hắn rửa bát trong một quán ăn ở Omaha, bơm xăng ở một gara tại Oklahoma, làm một tháng trong một trại chăn nuôi ở Texas. Tháng Bảy năm 1955, trên đường đi tới Worcester, hắn đã đến Phillipsburg, một thị trấn nhỏ thuộc Kansas, và ở đó, “số phận” dưới dạng “tên bạn đường xấu xa” đã tự khẳng định mình. “Tên hắn là Smith,” Perry nói. “Giống như tôi. Ngay đến tên riêng của hắn tôi còn không nhớ. Hắn chẳng qua là một kẻ tôi nhặt được ở chỗ nào đó, hắn có một chiếc xe và hắn nói cho tôi đi một cuốc xa tới tận Chicago. Dẫu sao thì qua Kansas chúng tôi đã tới cái chỗ Phillipsburg nhỏ bé này và đỗ lại xem bản đồ. Hình như hôm đó là Chủ nhật. Cửa hàng đóng. Phố xá im lìm. Bạn tôi đó, cầu phúc cho lòng dạ nó, nhìn quanh rồi gợi ý.” Gợi ý đó là cướp một ngôi nhà cao tầng gần đấy, Công ty Tiêu thụ Chandler. Perry tán thành, và chúng đột nhập vào những gian nhà vắng quạnh, lấy đi một số thiết bị văn phòng (máy chữ, máy tính). Chuyện lẽ ra là đã ổn, giá như vài ngày sau hai tên ăn cắp không bỏ qua một cột đèn giao thông ở thành phố Saint Joseph, Missouri. “Các của đồng nát còn ở cả trong xe. Viên cảnh sát ngăn xe chúng tôi lại muốn biết chúng tôi lấy các cái đó ở đâu. Họ kiểm tra một chút và rồi, như họ nói, chúng tôi ‘được trả về lại’ Phillipsburg, Kansas. Chỗ này họ có một nhà giam thật sự đẹp. Nếu như ông thích nhà giam.” Trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, Perry và tên bạn đường đã phát hiện ra một cửa sổ để ngỏ, bèn leo ra khỏi đó, ăn cắp một chiếc xe rồi lái lên Tây Bắc, tới McCook, Nebraska. “Rất nhanh sau đó hai đứa rời nhau, tôi và ông Smith. Tôi không biết rồi hắn ra sao. Cả hai đều trong danh sách truy nã của FBI. Nhưng như tôi biết thì họ vẫn chưa tóm được hắn bao giờ.”

Một buổi chiều tháng Mười một tiếp đó, một chiếc xe buýt Greyhound đặt Perry xuống Worcester, thị trấn toàn cơ xưởng của Massachusetts đầy những đường phố dốc lên dốc xuống dựng đứng đến nỗi ngay lúc thời tiết đẹp nhất hình như cũng chẳng vui tươi gì và lại còn thù nghịch. “Tôi tìm được nhà của một người bạn. Bạn lính ở Triều Tiên. Nhưng người ta nói hắn đã đi khỏi đây sáu tháng rồi và họ không hiểu hắn đi đâu. Tệ hại quá, thất vọng lớn, tận cùng của thế gian, tất cả. Thế là tôi tìm một tiệm rượu, mua một nửa gallon rượu vang đỏ của Ý đem ra trạm xe buýt ngồi đó uống và sưởi cho ấm lên tí chút. Tôi đang thật sự khoan khoái thì một người đến bắt tôi vì tôi lang thang cầu bơ cầu bất.” Cảnh sát đăng ký tên hắn là “Bob Turner” – một cái tên hắn tự đặt ra vì tên hắn đã có trong danh sách của FBI. Hắn ở trong nhà giam mười bốn ngày, bị phạt mười đô la, và từ Worcester lên đường vào một buổi chiều ấm ướt khác nữa của tháng Mười một. “Tôi xuống New York và thuê một phòng ở khách sạn tại Đại lộ số Tám,” Perry nói. “Gần đường Bốn mươi Hai. Cuối cùng tôi tìm được một việc làm đêm. Làm những trò kỳ cục quanh đoạn đường có mái vòm mạt hạng. Thẳng từ đó ra đường Bốn mươi Hai, gần trạm bán hàng tự động. Đây là nơi tôi ăn – khi mà tôi ăn. Trong hơn ba tháng tôi đúng là không bao giờ rời khỏi vùng Broadway. Vì một lẽ, tôi không có quần áo phù hợp. Toàn quần áo miền Tây – jeans với ủng. Nhưng ở đây, trên đường Bốn mươi Hai thì chẳng ai bận tâm, mặc thế nào cũng được – bất kỳ cái gì luôn. Cả đời tôi chưa bao giờ gặp nhiều cảnh dị thường đến thế.”

Hắn sống qua mùa đông trong cái môi trường xấu tệ thắp đèn neon, với cái không khí sặc mùi ngô rang, xúc xích luộc liu riu và rượu cam. Nhưng rồi, một buổi sáng tháng Ba tươi tắn đầu xuân, như hắn nhớ được, “Hai tên chó chết FBI đánh thức tôi dậy. Bắt tôi tại khách sạn. Xình! – Tôi bị trục xuất về Kansas. Tới Phillipsburg. Vẫn cái nhà tù xinh xẻo ấy. Họ đóng đinh câu rút tôi – ăn cắp, vượt ngục, trộm xe. Tôi bị tù năm đến mười năm. Ở Lansing. Vào đó được ít lâu, tôi viết cho bố. Cho ông biết tin. Và viết cho Barbara, chị gái tôi. Qua bao năm tháng, lúc đó họ là tất cả những gì còn lại với tôi. Jimmy tự sát. Fern nhảy cửa sổ. Mẹ tôi chết. Chết đã tám năm. Mọi người ra đi cả, trừ bố và Barbara.” Một bức thư của Barbara nằm trong mớ đồ chọn lọc mà Perry không thích để lại đằng sau tại một phòng khách sạn ở Mexico City. Viết bằng một kiểu chữ vui vui dễ đọc, bức thư đề ngày 28 tháng Tư năm 1958, vào lúc đó người nhận đã ở tù được khoảng hai năm.

Em Perry thân yêu,

Anh chị đã nhận được bức thư thứ hai của em hôm nay & tha lỗi cho chị không viết được sớm hơn. Thời tiết ở đây đã ấm lên, chỗ em cũng thế nhỉ, & có lẽ chị bị cúm xuân nhưng chị đang gắng cho khỏi. Bức thư thứ nhất của em làm chị xáo động, chị chắc em đã ngờ là nó sẽ như thế nhưng đó không phải là lý do khiến chị chưa viết – quả là đám trẻ con làm chị bận & khó lòng mà tìm ra được thì giờ ngồi tập trung vào một lá thư như chị đã mong viết cho em bấy lâu nay. Donnie đã học mở được cửa và trèo lên ghế & các đồ đạc khác & nó khiến chị lúc nào cũng lo nó ngã.

Thỉnh thoảng chị cũng để cho trẻ con chúng nó chơi quanh sân, nhưng phải luôn luôn ở bên vì chúng có thể bị thương nếu như chị không chú ý tới. Nhưng chẳng cái gì mãi mãi được & chị biết chị sẽ buồn khi chúng bắt đầu chạy lung tung khắp khối nhà này mà chị chẳng biết là chúng ở đâu. Đây là một vài con số thống kê nếu như em quan tâm:

Chiều cao Cân nặng Cỡ giày

Freddie 91 cm 2 13 ký 2 Số 7-1/2 hẹp

Baby 92 cm 19 ký 5 Số 8 hẹp

Donnie 85 cm 13 ký Số 6-1/2 rộng

Em có thể thấy Donnie là một thằng cu xinh xắn mới có 15 tháng mà đã khá to với 16 cái răng và tính cách chan hòa của nó thì người ta không thể nào mà không yêu nó được. Nó mặc cùng cỡ áo quần với Baby và Freddie có điều quần quá dài thôi.

Chị đang cố viết cho cái thư này dài nên có lẽ nhiều khi sẽ bị ngắt ngang ví dụ như bây giờ là phải cho Donnie tắm – Baby & Freddie thì đã tắm hồi sáng rồi tại vì hôm nay khá lạnh nên chị cho chúng ở trong nhà. Sẽ quay lại ngay…

Về việc đánh máy chữ của chị – trước nhất – chị không thể nói dối! Chị không phải là dân đánh máy chữ. Chị dùng từ một đến năm ngón & mặc dù chị có thể xoay xở giúp Fred Bự làm công việc buôn bán của anh ấy, nhưng mà việc chị phải mất một giờ để đánh, nếu là người có kỹ thuật thì sẽ chỉ mất – chừng mười lăm phút. Nói nghiêm túc ra, chị đã không có thì giờ lẫn ý chí để học thành nghề. Nhưng chị nghĩ em mà lại duyên nợ với nó rồi trở thành người đánh máy chữ giỏi như thế thì thật là tuyệt vời. Chị tin rằng tất cả chúng ta (Jimmy, Fern, chị và em) đều rất dễ thích nghi & nhờ trời chúng ta đều được phú cho sự nhạy là cái cơ bản đối với người nghệ sĩ – cùng với những cái khác nữa. Ngay mẹ và bố cũng đều là nghệ sĩ kia mà.

Chị thành thật cảm thấy chẳng ai trong chúng ta có thể quở trách bất cứ ai về bất cứ cái gì chúng ta đã làm với cuộc đời của riêng mình. Người ta đã chứng minh rằng ở tuổi lên bảy phần lớn chúng ta đã đạt tới cái tuổi lý trí – nghĩa là ở tuổi đó chúng ta thực sự hiểu & biết chỗ khác nhau giữa đúng & sai. Dĩ nhiên – môi trường đóng một vai trò quan trọng ghê gớm trong cuộc đời ta như Nhà tu trong trường hợp chị & trong trường hợp chị, chị biết ơn cái ảnh hưởng đó. Về trường hợp Jimmy – anh ấy là người mạnh mẽ nhất trong tất cả chúng ta. Chị nhớ anh ấy đã làm việc & đi học như thế nào khi chẳng còn ai bảo ban anh ấy & đó là Ý CHÍ của chính anh ấy muốn làm cho anh ấy trở thành một cái gì đó. Chúng ta chẳng bao giờ biết được tại sao việc kia lại xảy ra, tại sao anh ấy làm cái mà anh ấy đã làm, nhưng nghĩ đến chị vẫn cứ đau lòng. Thật uổng phí quá chừng. Nhưng chúng ta kiểm soát được rất ít những điểm yếu về mặt con người của chúng ta, & điều đó cũng áp dụng vào Fern & hàng trăm nghìn những người khác bao gồm cả bản thân chúng ta – vì tất cả chúng ta đều có những điểm yếu hết. Trong trường hợp của em – chị không biết chỗ yếu của em là gì nhưng chị cảm thấy – ĐÓ LÀ CÓ CÁI MẶT BẨN MÀ KHÔNG BIẾT XẤU HỔ – NẾU MẶT BẨN MÀ CỨ ĐỂ THẾ THÌ XẤU HỔ SẼ TỰ NÓ ĐẾN.

Với tất cả lòng thành thật & tình yêu đối với em, Perry, vì em là đứa em trai duy nhất còn sống của chị là cậu của các con chị, chị không thể nói hay cảm thấy thái độ của em với bố chúng ta, hay việc em bị tù là ĐÚNG hay lành mạnh được. Nếu em đang cáu thì tốt nhất là em nén nó đi vì chị nhận thấy chúng ta chẳng có ai lại vui vẻ nghe lời phê bình cả & cảm thấy chút ít khó chịu với cái người đang phê mình âu cũng là điều tự nhiên thôi cho nên chị đã chuẩn bị sẵn hai cái sau đây – a) không còn nghe được tin tức gì của em nữa, hay b) một bức thư nói rõ em nghĩ thật về chị như thế nào.

Chị mong là chị sai & chị chân thành mong em suy nghĩ nhiều về bức thư này & cố xem xem – người khác cảm thấy như thế nào về mình. Xin hiểu cho là chị biết chị không phải là người có thẩm quyền & chị cũng chẳng khoe khoang thông minh nhiều hay học lắm nhưng chị tin chị là một con người bình thường có năng lực suy xét cơ bản & ý chí sống cuộc đời của mình theo như các luật lệ của Chúa & Con người. Đúng là chị đôi khi đã “ngã”, sự thường tình thôi – vì như chị đã nói chị là người & do đó chị cũng có những chỗ yếu của con người; nhưng lại một lần nữa, vấn đề là ở chỗ không xấu hổ khi mặt bẩn – mình sẽ xấu hổ nếu như mình cứ để cho mặt mình bẩn. Không ai hiểu các thiếu sót và lầm lỗi của chị bằng chính chị cho nên chị chẳng làm em bực mình nữa làm gì.

Bây giờ, trước hết & quan trọng nhất – bố không chịu trách nhiệm về những việc làm sai hay những việc làm tốt của em. Cái em làm, dù đúng dù sai, là việc riêng của em. Theo như bản thân chị biết thì em đã sống cuộc đời của em đúng như em thích, không hề tính đến hoàn cảnh hay những người yêu mến em – những người có thể bị đau đớn. Hoặc em nhận thấy hoặc là không – việc em hiện đang bị tù làm chị cũng như bố bận lòng – không phải vì việc em đã làm mà vì sự thật là em không cho chị thấy bất cứ dấu hiệu nào về sự ân hận THÀNH KHẨN và hình như còn cho thấy chẳng hề kính trọng đối với pháp luật, con người hay một cái gì sất cả. Thư em ngụ ý lỗi của tất cả các vấn đề của em là lỗi của ai khác, chứ không bao giờ là của em hết. Chị thừa nhận là em thông minh và vốn từ của em rất khá & chị cảm thấy em có thể làm bất cứ cái gì em quyết tâm làm & làm tốt nhưng chính xác ra thì em muốn làm cái gì đây & em có đang muốn lao động & có một cố gắng trung thực để đạt tới một cái gì mà em chọn làm không? Không cái tốt nào mà lại dễ cả và chị chắc em đã nghe điều này nhiều lần rồi nhưng nói thêm một lần nữa cũng chẳng hại gì.

Còn nếu em muốn biết sự thật về bố – lòng bố tan nát vì em đấy. Cụ sẽ hiến bất cứ cái gì để đưa được em ra, để cho con trai cụ lại về với cụ – nhưng chị e rằng nếu như em có thể thì em lại làm cho cụ đau đớn dữ hơn nữa mà thôi. Bố không khỏe và đang già đi &, như người ta vẫn nói đấy, bố chẳng thể “có sức nặng” như thời xưa nữa. Bố đã có những phen sai lầm & bố nhận ra nhưng bất cứ cái gì bố có và bất cứ chỗ nào bố đến ông đều chia sẻ cuộc đời & của cải của ông với em trong khi chẳng làm với ai khác như thế cả. Chị không nói là em phải chịu ơn bố vĩnh viễn hay nợ bố cuộc đời em mà chị chỉ nói em còn nợ bố LÒNG KÍNH TRỌNG và ĐẠO LÝ THÔNG THƯỜNG. Bản thân chị, chị tự hào về bố. Chị yêu bố, kính trọng bố & chị chỉ buồn vì bố đã chọn làm Con Sói Độc với đứa con trai của mình, trong khi lẽ ra bố có thể sống với anh chị, hưởng tình yêu thương của anh chị thay vì cứ lủi thủi trong cái xe moóc tí tẹo & mong mỏi, đợi chờ & cô quạnh vì em, thằng con trai của bố. Chị lo cho bố & khi chị nói chị là muốn nói cho cả anh ấy vì chồng chị kính trọng bố. Vì bố là một CON NGƯỜI. Đúng là bố không được học nhiều nhưng khi đi học chúng ta chỉ học biết nhận mặt chữ rồi đánh vần nhưng còn vận dụng chúng vào đời thực lại là việc khác, cái đó chỉ CUỘC ĐỜI & SỰ SỐNG mới có thể ban cho chúng ta được. Bố đã sống & em đã tỏ ra ngu dốt khi gọi bố là vô học & không có khả năng hiểu được “ý nghĩa khoa học vân vân” của các vấn đề trong cuộc đời. Một người mẹ vẫn cứ là người duy nhất có thể hôn một thằng con quậy phá và làm cho nó hoàn toàn sung sướng – em giải thích thế nào cho khoa học cái đó đi.

Chị xin lỗi là đã để em đọc một cái thư viết nặng nề thế này nhưng chị cảm thấy chị phải nói hết ý mình. Chị ân hận là bức thư này chắc đã bị kiểm duyệt (bởi những vị quản ngục), & chị thành thật hy vọng lá thư này không có hại cho khả năng thả em nhưng chị cảm thấy em nên biết & nhận ra nỗi đau kinh khủng mà em đã gây nên. Bố là người quan trọng nhất bởi chị là người hiến trọn mình cho gia đình nhưng em mới là người duy nhất bố yêu – tóm lại, em là “gia đình” của bố. Bố biết chị yêu bố, dĩ nhiên, nhưng sự thân thiết lại không ở đấy, em biết mà.

Việc em ở tù chẳng có gì đáng tự hào & em sẽ phải sống với nó, cố sống cho trọn nó & có thể sống tới khi mãn hạn nhưng không phải với thái độ như kiểu em cứ có cảm tưởng ai cũng ngu, cũng vô học & không có khả năng thông cảm. Em là một con người có ý chí tự do. Nó làm cho em ở bên trên hàng con vật. Nhưng nếu em sống cuộc đời em mà không cảm xúc và thương xót cho đồng loại thì em chẳng khác gì một con vật – “ăn miếng trả miếng” nhau – sống như vậy thì không có được hạnh phúc & bằng an trong tim đâu.

Đến chừng dính đến trách nhiệm thì chẳng ai thật sự muốn cả – nhưng tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cái cộng đồng chúng ta sống ở trong đó & với pháp luật của nó. Khi nào đến lúc gánh lấy trách nhiệm của một ngôi nhà và con cái hay công việc làm ăn, thì đó là sự gieo trồng những đứa trẻ từ Con người – vì chắc em có thể nhận thấy rằng thế giới sẽ hỗn loạn như thế nào nếu như ai trong đó cũng nói, “Tôi muốn là một cá nhân, không trách nhiệm, & có thể nói thả cửa ý tôi & làm những cái mình tôi muốn.” Chúng ta tất cả đều tự do nói & làm như cá nhân mình muốn – với điều kiện là cái “tự do”. Nói & Làm này không gây thiệt hại cho đồng loại của mình.

Nghĩ về cái đó đi, Perry. Về độ thông minh, em ở trên mức trung bình, nhưng lập luận của em cứ có phần nào sai lệch. Có thể do ở tù căng thẳng. Muốn là cái gì chăng nữa – cũng hãy nhớ lấy – em & chỉ có em chịu trách nhiệm và đó là việc của em, chỉ riêng có mình em vượt qua cái tao đoạn này của đời em. Hy vọng sớm được tin em.

Yêu & cầu nguyện,

Chị em & A. rể.

Barbara & Frederic & gia đình.

Giữ cái thư này, lưu nó lại trong bộ sưu tập những vật báu đặc biệt của hắn, chẳng phải Perry làm vậy là theo tình cảm. Còn khuya. Hắn “thù ghét” Barbara, mới hôm nọ hắn đã bảo Dick, “Nỗi ân hận duy nhất và thật sự mà tớ có là tớ từng mong mụ chị chó chết này sống trong cái nhà đó.” (Dick cười lớn, và thú thật ra một nguyện vọng tương tự: “Tớ cứ nghĩ giá như mụ vợ hai của tớ ở đây thì ngộ đến thế nào. Mụ, và cả cái gia đình khốn kiếp của mụ.”) Không, hắn coi trọng bức thư chỉ là vì người bạn tù, tay Willie-Jay “siêu thông minh”, đã viết cho hắn một bài phân tích “rất sắc sảo” về bức thư đó, kín hai trang đánh máy với hàng cách một, đầu đề ở trên cùng là “Những cảm tưởng tôi tâm đắc từ Bức thư”:

NHỮNG CẢM TƯỞNG TÔI TÂM ĐẮC TỪ BỨC THƯ

1. Khi bà ta bắt đầu viết lá thư này, bà ta có ý làm cho nó thành một biểu thị thương cảm của các nguyên tắc Cơ đốc giáo. Nghĩa là đáp lại bức thư của anh gửi bà ta, bức thư mà rõ ràng đã làm cho bà ta bực dọc, thì đến lượt bà ta trả miếng, hy vọng bằng cách này khích anh phải hối hận về cái thư trước của anh đồng thời đặt anh vào thế tự vệ trong bức thư sắp tới của anh.

Nhưng ít ai có thể diễn đạt thành công một nguyên tắc trong đạo đức học thông thường khi mà sự suy tính của người ấy lại đầy rẫy chủ nghĩa xúc cảm. Bà chị anh đã chứng minh thất bại đó vì bức thư bà ấy càng viết nhiều thì sự phán xét của bà ấy lại càng nhường đường cho cảm tính – ý nghĩ của bà ấy tốt, sắc sảo, sản phẩm của trí thông minh, nhưng hiện giờ nó không phải là một trí thông minh vô ngã, phi khuynh hướng. Nó là một tâm trí bị thúc đẩy bởi đáp ứng cảm xúc đối với hồi ức và thất vọng; do đó, dù những lời quở trách của bà ấy có thông thái đến thế nào chăng nữa, chúng cũng không thể khêu dậy được cách giải, trừ phi cách giải đó là trả đũa lại bằng cách làm đau bà ấy trong lá thư sau của anh. Như vậy bắt đầu một chu trình chỉ có thể đẩy đi xa nữa lòng giận dữ và nỗi đau đớn.

2. Đây là một lá thư rồ dại, nhưng được đẻ ra từ sự thất bại của con người.

Thư của anh cho bà ta, và thư bà ta trả lời anh, đều đã thất bại với mục tiêu của chúng. Thư của anh là một mưu toan giải thích quan điểm của anh đối với cuộc đời, như anh đã bị nó tất yếu tác động. Phận của nó là phải bị hiểu sai đi, hay hiểu quá nông cạn theo mặt chữ vì rằng ý tưởng của anh là đối lập với chả nghĩa công thức. Cái gì có thể công thức hơn được một bà nội trợ với ba mụn con, người đã “hiến trọn mình” cho gia đình? Bà ta có ác cảm với một người không công thức, điều này còn có gì tự nhiên hơn được cơ chứ.

Trong chủ nghĩa công thức có sự đạo đức giả ghê gớm. Bất cứ người nào có suy nghĩ cũng đều nhận thấy cái nghịch lý này; nhưng trong giao thiệp với người công thức mà ta đối xử với họ làm như họ không hề đạo đức giả thì ta có lợi. Đây không phải là vấn đề lòng tin đối với các quan niệm của chính anh; đây là vấn đề thỏa hiệp để anh vẫn được là một cá nhân mà không phải chịu những sức ép thường trực của chủ nghĩa công thức. Thư của bà ta thất bại vì bà ta không thể quan niệm được chiều sâu vấn đề của anh – bà ta không thể lường được sự sâu sắc trong vấn đề của anh, không thể dò hiểu được những sức ép mà anh phải gánh chịu bởi môi trường, nỗi thất vọng trí tuệ và một xu hướng ngày càng phát triển hướng tới chủ nghĩa biệt lập.

3. Bà ta thấy rằng:

a) Anh đang ngả quá nhiều sang tự thương thân.

b) Anh đang quá tính toán.

c) Anh thật sự không xứng đáng với bức thư tám trang giấy viết giữa những sự vụ của người mẹ.

4. Ở trang ba bà ta viết: “Chị thật sự cảm thấy chẳng ai trong chúng ta có thể trách móc bất cứ ai, v.v…” Thế là bào chữa cho những người đã phát huy ảnh hưởng trong những năm khôn lớn của bà ta. Nhưng đó có phải toàn bộ sự thật không? Bà ta là người vợ và người mẹ. Đáng kính và ít nhiều yên ổn. Chẳng khó không để tâm đến mưa nếu như ta có áo mưa. Nhưng bà ta sẽ cảm thấy ra sao nếu như bà ta bị buộc phải tất tả kiếm ăn trên đường phố? Bà ta liệu có còn tha thứ hoàn toàn cho những người – trong quá khứ của bà ta không? Tuyệt đối là không rồi. Không gì bình thường hơn chuyện cảm thấy người khác có phần dính líu của họ trong thất bại của ta, chẳng khác nào quên những người từng dự phần vào thành công của ta là một phản ứng bình thường vậy.

5. Bà chị anh kính trọng ông bố. Bà ta cũng khó chịu việc anh đã được bố thích hơn. Lòng ghen tị của bà ta mang một hình thức tinh vi trong bức thư này. Xen vào giữa các dòng bà ta gài vào một câu hỏi: “Chị yêu bố và đã cố sống để bố tự hào về chị với tư cách là con gái bố. Nhưng chị đã phải tự bằng lòng với những mẩu lụn vụn của tình thương yêu của bố. Vì rằng bố yêu em, và tại sao lại như thế?”

Rõ ràng qua nhiều năm tháng bố anh đã lợi dụng được bản chất đa cảm của bà chị anh qua thư từ. Vẽ ra một bức tranh biện bạch cho ý nghĩ của bà ta về ông bố – một kẻ thua thiệt bị một đứa con vô ơn làm nhục, đứa con mà ông ta đã tỏ rõ tình yêu và mối quan hoài, chỉ để rồi đối lại việc bị đứa con ấy đầy đọa một cách bỉ ổi.

Ở trang bảy, bà ta nói bà ta buồn vì lá thư của mình chắc đã bị kiểm duyệt. Nhưng thật ra bà ta chẳng buồn tí nào đâu. Bà ta mừng là nó được qua kiểm duyệt. Trong vô thức bà ta đã viết nó với một kiểm duyệt viên ở trong đầu, mong muốn cho toát lên được cái – rằng gia đình nhà Smith thật sự là một đơn vị rất có trật tự: “Xin chớ lấy Perry ra mà phán xét tất cả chúng tôi.”

Về người mẹ hôn cho đứa con thôi quậy. Đây là một hình thức châm biếm của đàn bà.

6. Anh viết cho bà chị vì:

a) Anh yêu bà ta tàm tạm.

b) Anh cảm thấy cần có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

c) Anh có thể lợi dụng được bà ta.

Dự đoán: Thư từ giữa anh và bà chị chẳng giúp được cái tích sự gì ngoài chức năng xã hội thuần túy. Hãy giới hạn chủ đề các bức thư của anh trong phạm vi hiểu của bà ta. Chớ vứt bỏ các kết luận riêng tư của anh. Đừng đặt bà ta vào thế tự vệ và đừng cho bà ta đặt anh vào thế tự vệ. Kính trọng những hạn chế của bà ta trong việc hiểu các mục tiêu của anh, và nhớ rằng bà ta dễ bị động chạm trước những lời anh phê bình ông bố. Hãy nhất quán trong thái độ đối với bà ta và chớ đưa thêm một cái gì vào cảm tưởng bà ta hiện có về anh rằng anh yếu đuối, cái này không phải vì anh cần đến thiện cảm của bà ta mà vì anh có thể chờ đợi nhiều thư còn hơn thế này nữa, và chúng chỉ có thể dùng để làm tăng lên thêm nữa bản năng chống xã hội vốn đã nguy hiểm của anh mà thôi.