Chương 3

Máu Lạnh

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Đó là một cơ hội mà ông thẩm phán thích cự tuyệt hơn, là vì, như một luật gia đã có lần nhận xét, “Tate là loại mà ta có thể gọi là luật sư sách vở, ông ta không bao giờ thực nghiệm, ông ta cứ theo y như văn bài”; nhưng cũng chính người phê bình đó lại nói, “Nếu tôi vô tội thì ông ta là người đầu tiên tôi muốn thấy ngồi ghế quan tòa, còn nếu tôi có tội thì tôi hoàn toàn không muốn ông ngồi ghế quan tòa.” Thẩm phán Tate không hoàn toàn phủ nhận lời đề nghị; đúng hơn, ông đã làm đúng theo pháp luật yêu cầu bằng việc chỉ định ra một ủy ban ba bác sĩ Garden City và chỉ thị cho họ đưa ra một biên bản kết luận năng lực tâm thần của các tù nhân. (Đúng như quy trình, bộ ba bác sĩ đã gặp hai bị cáo và, sau một giờ hay hơn một giờ dò xét bằng cách chuyện trò, đã tuyên bố không ai bị rối loạn về tâm thần. Khi được cho biết về chẩn đoán của họ, Perry Smith nói, “Làm sao họ biết được? Họ chỉ muốn tiêu khiển thôi. Nghe tất cả các chi tiết bệnh hoạn từ chính đôi môi kinh khủng của kẻ giết người. Ôi, mắt họ nó mới sáng lên làm sao chứ.” Luật sư của Hickock cũng bực; ông đến bệnh viện Larned hơn một lần, tại đây ông đã kêu gọi được một bác sĩ tâm thần tự nguyện đến Garden City phỏng vấn không lấy thù lao hai bị cáo. Người tình nguyện này, bác sĩ W. Mitchell Jones, là người đặc biệt giỏi; chưa đến ba mươi tuổi, một chuyên gia xuất sắc về tâm lý tội phạm và về những kẻ tâm thần gây tội ác, từng làm việc và nghiên cứu ở châu Âu và Mỹ, ông bằng lòng khám cho Smith và Hickock, và nếu những phát hiện của ông bảo đảm được cho vụ này thì ông sẽ làm chứng cho hai người).

Sáng ngày 14 tháng Ba các luật sư của bên bị lại ra đứng trước Thẩm phán Tate, lần này thì biện hộ cho một đề nghị hoãn phiên tòa tới, trong khi lẽ ra chỉ còn có tám ngày nữa thôi là xử. Hai lý do được viện ra, thứ nhất là “bằng chứng xác đáng nhất”, bố Hickock, hiện đang ốm quá không ra làm chứng được. Lý do thứ hai là một vấn đề tế nhị hơn. Trong tuần qua một quảng cáo viết rất đậm đã bắt đầu xuất hiện ở cửa kính các tiệm, ngân hàng, nhà ăn và nhà ga xe lửa của thị trấn; quảng cáo ghi: BÁN ĐẤU GIÁ ĐẤT ĐAI DINH CƠ H. W. CLUTTER – 21 THÁNG BA 1960 – TẠI NHÀ CLUTTER. “Bây giờ,” Harrison Smith nói với tòa, “tôi hiểu là gần như không thể chứng minh được sự thành kiến. Nhưng việc bán này, đấu giá đất đai tài sản của nạn nhân, thì một tuần nữa sẽ tiến hành rồi – nói cách khác vào đúng trước hôm mở tòa. Liệu điều đó có làm thiệt cho các bị cáo không, tôi không đủ sức khẳng định. Nhưng những quảng cáo đó, cộng với các quảng cáo trên báo đài, sẽ thường xuyên nhắc nhở mọi công dân của cộng đồng này nhớ đến vụ án, và trong số công dân đó thì một trăm năm chục người có triển vọng được gọi làm bồi thẩm.”

Thẩm phán Tate không nao núng. Ông bác lời đề nghị mà chẳng bình luận một lời nào.

Dạo đầu năm, Hideo Ashida, ông người Nhật hàng xóm của ông Clutter, đã bán đấu giá trang bị làm nông trại và chuyển đến Nebraska. Vụ mua bán này của nhà Ashida, được coi là thành công, đã thu hút chưa tới một trăm khách hàng. Hơn năm ngàn người dự cuộc bán đấu giá các thứ của nhà Clutter. Cư dân Holcomb chờ đợi một doanh thu khác thường – Câu lạc bộ Quý bà của Cộng đồng Nhà thờ Holcomb đã cải tạo một trong các nhà kho của nhà Holcomb thành một quán cà phê có trữ sẵn hai trăm bánh táo của nhà làm, hơn một tạ hai thịt hamburger và ba chục ký giăm bông xắt lát – nhưng không ai ngờ sẽ có một đám đông dữ đấu giá lớn nhất trong lịch sử miền Tây Kansas. Xe từ một nửa các hạt của bang, cả từ Oklahoma, Colorado, Texas, Nebraska đổ đến. Chúng bám đuôi nhau đi xuôi con đường nhỏ dẫn vào Trại Lũng Sông.

Đây là lần đầu tiên công chúng được phép vào thăm cơ ngơi nhà Clutter từ khi phát hiện ra vụ án mạng, một lý do giải thích tại sao lại có sự tụ tập có lẽ cả một phần ba cái giáo đoàn đông đảo này – họ đến là vì hiếu kỳ. Và dĩ nhiên thời tiết cũng góp phần vào chuyện này, vì đang tiết giữa tháng Ba, tuyết chất đống suốt mùa đông đã tan, đất bên dưới tuy đã rã băng nhưng lại toàn bùn ngập đến cổ chân; một vùng mênh mông từ hécta này sang hécta kia đặc nghẹt toàn bùn; không có nhà nào làm lụng gì được chừng nào đất chưa rắn lại. “Đất quá ướt và bẩn,” bà Bill Ramsey, vợ một chủ trại nói. “Không có cách nào làm đồng được. Chúng tôi nghĩ thôi thì lái xe ra đó xem người ta bán chác vậy.” Đúng là một ngày đẹp. Mùa xuân. Tuy bùn ngập ngụa dưới chân, mặt trời bấy lâu bị mây và tuyết liệm bọc, nay nom như một vật thể vừa được làm ra mới tinh khôi, và bên dưới các cây – vườn cây táo, lê của ông Clutter, các cây du phủ bóng xuống con đường nhỏ – được màu xanh trinh bạch như sương khói hiu hiu che phủ. Các thảm cỏ quanh nhà Clutter cũng nhuộm màu xanh mới mẻ, và khi đi qua đó, các bà lại lo âu ngó một cái vào ngôi nhà không người ở, khom mình qua cỏ nhòm vào cửa sổ tựa như vừa sợ vừa hy vọng nhận ra những bóng hình ẩn hiện trông hung hiểm đằng sau các tấm rèm hoa vui mắt.

Người chủ trì đấu giá hô to, ca tụng các món đồ được đem ra bán – máy kéo, xe tải, xe cút kít, thùng, búa tạ và gỗ không dùng đến, xô vắt sữa, con dấu sắt dùng đánh dấu gia súc, ngựa, móng ngựa, mọi thứ cần thiết để trông nom một trại chăn nuôi, từ thùng chão đến yên cương, cho đến chỗ tắm cho cừu và thừng giặt bằng tôn – chính cái triển vọng mua được mấy thứ này với giá hời đã dụ phần lớn đám đông đến. Nhưng đôi tay những người đấu giá giơ lên vẫn rụt rè – những bàn tay chai sần vì công việc, tần ngần không muốn buông số tiền phải làm lụng nhọc nhằn mới có; thế nhưng chẳng có gì là không được bán, thậm chí có vài người còn háo hức muốn mua một chùm chìa khóa gỉ, và một cậu cao bồi trẻ đeo đôi bốt màu vàng nhạt còn mua “toa xe chồn” của Kenyon Clutter, chiếc xe cà khổ mà cậu trai nay đã chết từng dùng để làm tình làm tội lũ chồn hoang, săn đuổi chúng vào những đêm trăng sáng.

Tổ phụ việc, những người đàn ông mang các món đồ nho nhỏ đi lên đi xuống sàn đấu giá, gồm Paul Helm, Vic Irsik và Alfred Stoecklein, ai cũng từng là một nhân công già của Herbert W. Clutter và đến nay vẫn một mực trung thành dù ông đã chết. Giúp một tay vào buổi bán thanh lý các món sở hữu của ông là việc cuối cùng họ làm được cho ông, bởi hôm nay là ngày cuối cùng họ ở Trại Lũng Sông; cơ ngơi này đã được bán cho một chủ trại ở Oklahoma, và từ nay trở đi những người lạ sẽ sống, sẽ làm ăn ở đó. Trong khi cuộc đấu giá diễn ra, khi mà các món đồ của ông Clutter mỗi lúc một vơi dần, Paul Helm, nhớ lại lúc tang lễ gia đình bị ám sát, nói: “Cứ như là đám tang thứ hai vậy.”

Thứ được rao bán cuối cùng là bầy gia súc, ngựa chiếm phần lớn, kể cả con Babe to béo của Nancy, nay đã qua thời huy hoàng của nó. Chiều muộn, trường đã tan học, mấy bạn học của Nancy cũng ở trong đám người xem khi bắt đầu đấu giá con ngựa; Susan Kidwell cũng ở đó. Đã nhận nuôi một con thú cưng của Nancy nay mồ côi, là con mèo, cô mong muốn mình có thể cho cả Babe một mái ấm vì cô yêu con ngựa già và biết rằng Nancy từng yêu nó biết bao nhiêu. Hai cô gái thường cưỡi trên tấm lưng rộng bản của nó đi rảo qua các đồng lúa mì vào những chiều hè nóng nực, xuống sông, vào hẳn trong nước, con ngựa cái lội ngược dòng cho tới khi, như Sue có lần đã tả, “cả ba đứa cánh ta đều lạnh như cá ấy”. Nhưng Sue không có chỗ nào cho con ngựa cả.

“Tôi nghe năm mươi… sáu lăm… bảy mươi…” cuộc đấu giá diễn ra chậm rãi, chả ai có vẻ thực sự thích con Babe và người mua nó, một chủ trại theo đạo Mennon, nói ông ta có thể dùng nó để cày, đã trả bảy lăm đô la. Khi ông ta dắt nó ra khỏi bãi, Sue Kidwell chạy tới, giơ tay lên như vẫy chào từ biệt, nhưng chả hiểu thế nào lại áp vội tay lên miệng mình.

Tờ Điện tín Garden City cho đăng vào hôm trước ngày mở phiên tòa bài xã luận sau đây: “Một vài người có thể nghĩ rằng cả nước đang để mắt tới Garden City trong phiên tòa xử vụ giết người rùng rợn này. Nhưng đâu phải. Ngay ở Colorado cách đây về phía Tây một trăm dặm thôi mà cũng đã ít người biết đến vụ đó – những người khác thì chỉ nhớ là có mấy người của một gia đình nổi tiếng đã bị giết hại. Đó là một lời bình đáng buồn về tình hình phạm tội ở đất nước ta. Từ khi bốn người trong gia đình Clutter bị giết vào mùa thu năm ngoái, nhiều vụ án mạng khác tương tự đã xảy ra ở các nơi khác trên cả nước. Chỉ trong vài ngày trước phiên tòa này ít nhất ba vụ án mạng tập thể đã bùng lên trên đầu đề các báo. Kết quả là, tội ác và phiên tòa này chỉ là một trong nhiều vụ tương tự mà người ta đọc xong rồi quên…”

Tuy những cặp mắt của cả nước không đặt vào họ, song cách cư xử của những người chủ chốt tham dự vào sự kiện, từ thư ký tòa tới bản thân ông thẩm phán, rõ ràng là đều đầy tự giác vào buổi sáng mở đầu phiên tòa. Cả bốn vị luật sư đều mặc com lê mới; đôi giày mới của ông chưởng lý hạt có cặp chân to cứ mỗi bước đi lại cót két và rin rít kêu. Hickock cũng bảnh bao trong bộ áo quần bố mẹ hắn cấp cho: quần vải xéc màu lơ, sơ mi trắng, cà vạt hẹp màu lơ sẫm. Chỉ riêng Perry Smith không có cả áo vest lẫn cà vạt thì hình như bị lạc lõng trong cách ăn mặc. Mặc sơ mi hở cổ (mượn của ông Meier) và quần jean lam xắn lên tới cổ chân, trông hắn đơn độc và lạc chỗ chẳng khác nào một con hải âu giữa đồng lúa mì.

Phòng xử, một gian buồng bình thường ở trên tầng bốn của Tòa án hạt Finney, có những bức tường trắng xin xỉn và đồ đạc bàn ghế đánh véc ni tối màu. Ghế dành chỗ công chúng có khi phải chứa được đến một trăm sáu chục người. Vào sáng thứ Ba, ngày 22 tháng Ba, các ghế dài này được dành hết cho công dân toàn là đàn ông của hạt Finney, một bồi thẩm đoàn sẽ được bầu ra từ những người này. Nhiều người được triệu tập xem chừng không thiết tha lắm (một bồi thẩm có triển vọng được cử đã nói với người khác trong một cuộc chuyện trò: “Họ không dùng tôi được đâu. Tai tôi nghe không được tốt lắm.” Người bạn, sau một lúc nghĩ ngợi thầm, liền đáp lại, “Nếu vậy thì tôi đây, tai tôi nghe cũng có tốt mấy đâu”), và nhìn chung người ta thường hay nghĩ chọn ra một bồi thẩm đoàn thì phải mất nhiều ngày. Nhưng rồi hóa ra việc chọn chỉ mất có bốn tiếng đồng hồ; đã vậy, bồi thẩm đoàn, gồm cả hai ủy viên luân phiên. Lại được lấy ra từ bốn mươi tư người được đề cử đầu tiên. Bảy người đã bị bên bị phản đối, ba người được miễn theo yêu cầu của bên khởi tố, hai mươi người khác cũng bị bác nốt vì họ phản đối án tử hình hoặc vì họ thừa nhận mình mang sẵn thành kiến kiên định liên quan đến tội của các bị cáo rồi.

Mười bốn người được chọn ra cuối cùng gồm sáu chủ trại, một dược sĩ, một giám đốc nhà trẻ, một nhân viên sân bay, một thợ đào giếng, hai nhân viên bán hàng, một thợ cơ khí, và giám đốc của sân chơi Ray’s Bowling Alley. Họ đều đã lập gia đình (nhiều người đã có năm con hay nhiều hơn), và đều có gắn bó nghiêm chỉnh với một nhà thờ nào đó ở địa phương. Trong cuộc kiểm tra độ trung thực, bốn người trong họ đã nói với tòa rằng từng có quen biết cá nhân với ông Clutter, tuy không thân thiết; nhưng khi hỏi sâu hơn thì người nào cũng nói cảm thấy tình huống này sẽ gây trở ngại tới khả năng đạt tới một sự nghị án khách quan về phía mình. Nhân viên sân bay, một người trung niên tên gọi N. L. Dunnan, khi được hỏi ý kiến về án tử hình liền nói, “Bình thường ra thì tôi chống. Nhưng trong vụ này thì không” – một tuyên bố nghe ra có vẻ mang định kiến rõ ràng. Tuy vậy Dunnan vẫn được nhận làm bồi thẩm.

Các bị cáo tỏ ra thờ ơ với thủ tục voir dire – thủ tục kiểm tra lòng trung thực. Hôm trước, bác sĩ tâm thần tình nguyện khám cho họ, bác sĩ Jones, đã phỏng vấn riêng từng người trong vòng xấp xỉ hai giờ đồng hồ: phỏng vấn xong, ông đã gợi ý họ viết cho ông một bản khai tiểu sử. Chính việc này đã khiến hai bị cáo bận suốt những giờ người ta dùng vào việc lập bồi thẩm đoàn. Ngồi ở hai đầu đối diện của bàn luật sư bào chữa, Hickock viết bằng bút mực còn Smith bằng bút chì.

Smith viết:

Tôi, Perry Edward Smith, sinh ngày 27 tháng Mười năm 1928 ở Huntington, hạt Elko, bang Nevada, nơi này nằm trên đường đi ra những bến cảng náo nhiệt. Tôi nhớ lại hồi năm 1929 gia đình tôi lên kiếm ăn tận Juneau, bang Alaska. Gia đình tôi có anh tôi Tex cùng tên với bố (sau này anh ấy đổi thành James vì cái tên Tex nó nghe buồn cười và tôi cũng tin rằng lúc còn trẻ anh ấy ghét bố tôi – là do mẹ tôi hết). Chị tôi, Fern (chị cũng đổi tên – thành Joy). Chị Barbara tôi. Và tôi… Ở Juneau, bố tôi làm rượu lậu. Tôi tin rằng mẹ tôi trở thành nghiện rượu chính là vào thời kỳ này. Mẹ và bố bắt đầu cãi nhau. Tôi nhớ mẹ tôi “giúp vui” cho vài người thủy thủ trong khi bố tôi vắng nhà. Khi bố về thì đánh nhau nổ ra và sau một trận vật lộn dữ dội bố tôi đã ném những người thủy thủ ra ngoài và quay sang đánh mẹ tôi. Tôi sợ khiếp vía, thật ra thì tất cả trẻ con đều kinh hoàng. Khóc. Tôi sợ vì tôi nghĩ bố tôi sắp đập tôi và cũng vì bố tôi đang đánh mẹ. Tôi thật sự không hiểu tại sao bố lại đánh mẹ nhưng tôi cảm thấy chắc mẹ đã làm một cái gì sai ghê lắm… Việc sau đó tôi nhớ láng máng được là sống ở Fort Bragg, bang Calif. Anh tôi được cho một khẩu súng trẻ con. Anh ấy đã bắn một con chim ruồi và sau khi bắn thì anh ấy buồn. Tôi xin cho tôi bắn. Anh tôi đẩy tôi đi, bảo tôi bé quá. Tôi giận điên lên đến nỗi òa khóc. Khóc xong lại càng giận, và buổi tối khi khẩu súng treo ở đằng sau cái ghế anh tôi đang ngồi, tôi đã nắm lấy và giữ nó ở sát tai anh tôi rồi hét to. Đoàng! Bố tôi (hay mẹ) đánh tôi và bắt tôi xin lỗi. Anh tôi thường bắn vào một con ngựa bạch to tướng mà người hàng xóm hay cưỡi qua nhà tôi trên đường ra thị trấn. Người hàng xóm bắt anh tôi và tôi đang nấp trong bụi cây liền đem chúng tôi đến gặp bố tôi thế là chúng tôi được một trận rồi anh tôi bị bố lấy mất khẩu súng. Và tôi rất vui vì anh tôi bị lấy mất khẩu súng! Đó là gần như tất cả những cái tôi nhớ hồi chúng tôi sống ở Fort Bragg (Ôi! Bọn lỏi chúng tôi quen nhảy từ trên vựa cỏ xuống, cầm một cái dù, rơi vào một đống cỏ khô trên mặt đất)… Đoạn sau tôi nhớ là nhiều năm sau đó khi chúng tôi sống ở Calif? Nevada? Tôi nhớ một chuyện rất bỉ ổi giữa mẹ tôi và một thằng nhọ. Mùa hè, bọn trẻ con chúng tôi ngủ ở trên một cái hiên cổng. Một trong mấy cái giường của chúng tôi thì kê ngay dưới buồng bố mẹ tôi. Bọn trẻ tụi tôi đứa nào cũng từng dòm qua tấm rèm chỉ che có một nửa và thấy hết chuyện gì đang diễn ra trong ấy. Bố thuê một thằng nhọ (tên là Sam) làm các việc lặt vặt quanh trại hay chăn nuôi khi mà bố đang làm ở đâu đó bên dưới đường cái. Bố thường về nhà muộn trên một cái xe tải mô đen A. Tôi không nhớ được chuỗi sự việc nhưng tôi cho rằng bố đã biết hay nghi ngờ có chuyện gì rồi. Cuối cùng nó đi tới việc bố mẹ ly thân nhau và mẹ đưa bọn lỏi chúng tôi đến San Francisco. Mẹ đi bằng chiếc xe tải của bố và nhiều thứ kỷ niệm bố mang từ Alaska về. Tôi tin rằng đó là vào năm 1935 (?)… Ở Frisco, tôi thường xuyên dính chuyện lôi thôi. Tôi đã bắt đầu tụ bạ với một băng, tất cả chúng nó đều lớn hơn tôi. Mẹ tôi lúc nào cũng say, không bao giờ tỉnh hẳn hoi để nuôi nấng trông nom chúng tôi được. Tôi tha hồ lêu lổng và man dại như con chồn hoang. Chẳng có quy tắc hay kỷ luật nào hoặc có ai bảo cho tôi phân biệt sai với đúng. Tôi đi tôi về tùy thích, cho tới lần đầu tiên tôi gặp rắc rối. Tôi ra ra vào vào Nhà trừng giới nhiều nhiều lần vì bỏ nhà và ăn cắp. Tôi nhớ một nơi tôi đã được đưa đến. Tôi yếu thận đêm nào cũng đái dầm. Với tôi cái đó rất khổ nhục nhưng tôi không tự kiềm chế được mình. Tôi đã bị cô phụ trách đánh rất ác, cô gọi tôi bằng đủ các thứ tên và đem tôi ra giễu trước đám trẻ khác. Đêm đêm cô ta cứ lảng vảng xem tôi có đái dầm ra giường không. Cô ta sẽ lột tung chăn đệm ra và đánh tôi hung tợn bằng một cái thắt lưng da to bản màu đen – túm tóc tôi, lôi tôi ra khỏi giường, kéo tôi đến buồng tắm, ném tôi vào trong bồn tắm, mở nước lạnh vào, bảo tôi giặt lấy áo quần và tự tắm rửa. Đêm nào cũng lại một cơn ác mộng. Sau đó cô ta nghĩ bây giờ bôi một vài thứ dầu nào đó vào buồi tôi thì thú vị lắm đây. Cái này không sao chịu nổi. Nó bỏng gì mà kinh khủng. Sau đó cô ta mất việc. Nhưng điều ấy không khiến được tôi thay đổi ý nghĩ đối với cô ta và cái mà tôi mong giá như mình có thể làm với cô ta cũng như tất cả những người đã giễu nhục tôi.

Rồi, do bác sĩ Jones bảo hắn phải có ngay bản khai chiều hôm ấy, Smith đã bỏ cách quãng để kể luôn về thời niên thiếu và những năm hai bố con hắn sống với nhau, cùng lang thang khắp miền Tây và Viễn Tây, thăm dò khảo sát, săn bẫy, làm đủ thứ việc linh tinh.

Tôi yêu bố nhưng có những lúc tình yêu thương của tôi đối với bố đã rò chảy ra khỏi tim tôi chẳng khác nào nước đựng trong xô thùng bị thủng vậy. Không lúc nào bố tôi cố tìm hiểu các vấn đề của tôi sất. Không cho tôi lấy một ít ý kiến, tiếng nói và trách nhiệm. Tôi đã phải lánh xa bố. Năm mười sáu tuổi tôi vào hạm tàu chở hàng. Năm 1948 tôi vào quân đội – viên sĩ quan tuyển lính đã cho tôi một dịp may và nâng điểm cho tôi trong khi kiểm tra. Từ lúc đó, tôi bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của học vấn. Điều này chỉ làm nặng thêm mối thù ghét và niềm chua cay của tôi đối với người khác mà thôi. Tôi bắt đầu lao vào trò đánh đấm. Tôi đã ném một tay cảnh sát Nhật từ trên cầu xuống sông. Tôi đã bị ra tòa án binh vì đập phá một quán cà phê Nhật. Tôi lại phải ra tòa án binh nữa tại Kyoto, Nhật Bản vì ăn cắp một chiếc taxi Nhật. Tôi ở quân đội được gần bốn năm. Tôi đã có những cơn giận bùng nổ dữ dội trong khi phục vụ tại Nhật và Triều Tiên. Tôi ở Triều Tiên 15 tháng, được đổi đơn vị, điều về nước và được đón nhận đặc biệt như là cựu chiến binh đầu tiên ở Triều Tiên trở về lãnh thổ Alaska. Bài viết bốc tướng lên, ảnh đăng báo, trả tiền đi máy bay tới Alaska, tất cả những màu mè hoa lá… Tôi kết thúc quân dịch ở Fort Lewis, Washington.

Cây bút chì của Smith ngoáy tít gần như không thể đọc ra nổi chữ nữa trong khi hắn vội vã đi đến những chuyện mới gần đây: tai nạn xe máy làm hắn thân tàn ma dại, vụ bẻ khóa ăn trộm ở Phillipsburg bang Kansas, nó dẫn hắn tới án tù đầu tiên: