Chương 359: Phát rầu vì ruộng (2)

Đại Đường Tiểu Lang Trung

Đăng vào: 2 năm trước

.

– Ngồi yên đó, vui cái gì?

Tả Quý quát thê tử:

– Giờ ai cũng có ruộng của mình rồi, nhiều ruộng như thế lấy đâu ra người cày cấy, lại còn nộp thuế nữa, bà định lấy cái gì nộp cho triều đình? Gần nghìn mẫu ruộng, nộp thuế mất hai trăm mẫu đấy, có đủ sức cày cấy chừng đó mà trả nợ không?

Lương thị nghe thế cuống lên:

– Vậy vậy trả lại ruộng thôi, không nhận nữa, trả hết cho triều đình.

Hầu Phổ và Hồi Hương cứ nhìn nhau cười vui vẻ nãy giờ, Hầu Phổ nói:

– Nhạc mẫu đừng lo, lần này cũng hạ lệnh thuế mới, phàm là ruộng được phân chỉ tính theo nam đinh, gọi là tô dung điều, không tính theo số mẫu. Nhà ta chỉ có 170 mẫu ruộng kia là nộp thuế cũ thôi.

– Phải nộp bao nhiêu?

Lúc này Tả Quý cũng không ngồi yên được nữa, đặt sách xuống:

– Tô nam đinh một năm nộp ba thạch gạo, điều nam đinh nộp hai trượng vải, dung nam đinh lao dịch 20 ngày, nếu không đi lao dịch có thể nộp sáu trượng vải thay thế. Bốn trượng là một xếp, tính ra phải nộp tô dung chỉ 2 xếp vải, là bằng hai đấu gạo, tổng cộng lại, mỗi năm một nam đinh nộp chừng 32 đấu. Nhà ta có hai nam đinh chỉ phải nộp 64 đấu, sản lượng mỗi mẫu ruộng là 12 đấu, tức là chỉ đóng thuế còn chưa tới 6 mẫu ruộng thôi ạ.

Hầu Phổ chuyên làm việc thuế má tiền lương, cho nên tính toàn đâu ra đó.

Lương thị không tin nổi:

– Thật à?

– Mẹ à, Hầu Phổ lừa mẹ làm cái gì, đương nhiên là thật rồi.

– Nhà ta có bao nhiêu là ruộng, vậy mà nộp có 6 mẫu thôi thôi, thế thì mỗi năm kiếm được rất nhiều tiền rồi.

Lương thị nhiều năm lo cơm ăn áo mặc trong nhà, cái gì cũng quy ra gạo ra thóc trước:

– Nhạc mẫu lại quên rồi, giờ nhà ai cũng có ruộng, chẳng thể trồng cấy hết được chừng đó ruộng đâu, lại nói dù trồng được hết thì lúc đó giá giảm xuống rồi, lương thực không đáng giá nữa.

Lương thị ủ rũ:

– Phải rồi, thế thì nhiều ruộng cũng khác gì đâu chứ.

Hồi Hương lấy khuỷu tay huých Hẩu Phổ một cái:

– Cứ nhất định làm mẹ mất hứng mới được à?

– Không phải?

Hầu Phổ ôm sườn cười khổ:

– Ta chỉ có sao nói thế thôi mà.

– Hồi Hương, nữ huấn thế nào quên hết rồi à? Tam cương là gì? Quên hết hay sao?

Hầu Phổ rối rít khuyên giải nhạc trượng, nếu Hồi Hương bị mắng ở đây chịu ấm ức, về nhà người đau khổ là hắn.

Tả Quý mắng khuê nữ thế thôi cũng biết hiệu quả không cao, hừ một tiếng:

– Cô gia nói thế là đúng, nhà ta ít nhất không phải ăn bánh bao độn vỏ dâu nữa, có cơm gạo trắng mà ăn là tốt rồi, tiền nhiều nữa để làm gì? Tham lam nổi lên thì biết bao nhiêu là đủ?

Lương thị rối rít vâng dạ không nói gì nữa.

Ăn cơm xong Hồi Hương và Hầu Phổ ra về, Lương thị mới lén đi theo nói:

– Hai đứa nói xem, nhà ta nhiều ruộng như thế phải làm sao, để không phí quá.

– Nhạc mẫu đừng lo, chuyện này cứ để con làm, mấy ngày tới sẽ cấp ruộng cho bách tính phổ thông, con lưu tâm nhà nào nhân khẩu nhiều lại không đủ ruộng, sẽ bảo với họ. Dù sao chỉ có nam đinh được phân ruộng thôi, mà nữ giờ nhiều hơn nam, làm ruộng mấy năm qua đều là nữ cả, khẳng định là có nhà không đủ ruộng đâu.
– Vậy thì tốt rồi.

Lương thị thở phào, trừng mắt với Hồi Hương:

– Con ít bắt nạt nó thôi, đi đâu kiếm người như nó hả, coi chừng sau này hối hận.

Hồi Hương ngượng ngịu nói:

– Không phải đâu mẹ, Hầu Phổ có sở thích lạ lắm, thích bị đánh.

Hầu Phổ há hốc mồm, trên đời có ai thích bị đánh chứ, có điều không dám nói ra, gật đầu đầu phụ hoa.

Lương thị không truy cứu chuyện này nữa, nói:

– Thuế đã giảm như vậy, nhà ta cũng nên giảm, như thế có nhiều người tới thuê hơn.

– Vâng, con tính thế này, mai con dán công cáo ở nha môn, lấy danh nghĩa Quý Chi Đường, tuyển mộ điền hộ, thu tô chỉ bốn thành, họ giữ sáu nhà ta bốn, những người lúc đói kém nhận ân huệ nhà ta lần trước chưa thê được ruộng lần này vẫn có nhu cầu hẳn sẽ tới thuê, còn cả người mới di cư tới nhân đinh sung túc nữa, hẳn cũng phải cho thuê được nửa số ruộng.

………

Cùng lúc đó ở Long Châu, lúc này xây nhà xưởng của Hằng Xương dược hành đã xây xong, truyền dạy bào chế thuốc cũng kết thúc, Tả Thiếu Dương không cần đi làm sớm nữa, khi nào bệnh nhân tới Hằng Xương dược hành tìm thì y mới đi, buổi sáng thức dậy ăn sang xong thì ngồi dưới giàn nho trong vườn chơi cờ với Bạch Chỉ Hàn, ở món này trình độ bọn họ tương đương, thường chiến đấu rất quyết liệt.

Cờ tới trung bàn thì loáng thoáng nghe thấy bên ngoài có tiếng nhốn nháo, có người khóc lớn, giật mình, tưởng là có chuyện gì không hay, lắng tai nghe lại thấy tiếng cười, hai người nhìn nhau, bỏ quân cờ xuống đi ra ngoài, thấy không ít thư sinh mặc trường bào, chạy lên chạy xuống cầu thang, hò hét gọi nhau.

Tả Thiếu Dương kéo một người gần nhất hỏi:

– Huynh đài, hôm nay khách sạn có chuyện gì đó?

– Công bố bảng thi châu.

– Hôm nay à?

Người kia không kịp trả lời đã chạy đi rồi, Bạch Chỉ Hàn ngạc nhiên nhìn Tả Thiếu Dương:

– Thiếu gia, không phải hôm nọ Ngũ Thư tới chơi có nói với thiếu gia về ngày công bố kết quả rồi à?

Trông đợi gì vào một đi kẻ thi hộ chứ, Tả Thiếu Dương nhún vai:

– Lúc đó hắn hơi say rồi, vẫn là điệp khúc cha hắn bắt hắn học hành cực khổ khi còn nhỏ ra sao, lỡ đem khoe khoang với gia tộc là hắn giỏi giang thế nào, đâm ra giờ đâm lao phải theo lao, cố công cho hắn đỗ đạt, ta nghe nhàm tai rồi, đối phó một lúc rồi sau đó chỉ thấy mồm hắn mở ra đóng vào, chả buồn biết hắn nói gì, hì hì, giờ biết cũng chưa muộn mà, đi xem kết quả thôi.

Hai người bọn họ ra đường, bên ngoài còn đông vui hơn, mọi người đổ dồn về một hướng, kẻ khóc người cười, đắc ý kiêu ngạo, chán nản rầu rĩ, muôn vẻ sắc thái cuộc đời đều thể hiện vô cùng sinh động.

Càng tới gần nha môn, không khí càng náo nhiệt, pháo nổ đì đùng, thi thoảng lại có đội sai dịch gõ chiêng lớn tiếng hô dọn đường, bọn họ đi báo kết quả cho những người đỗ thứ hạng cao.

Những khoa cử chủ yếu tiến hành thi hàng năm của triều đường là tú tài, minh kinh, tiến sĩ, y thuật…v…v…v… Có tới hơn năm mươi môn, trong đó khoa tú tài đương nhiên là được coi trọng nhất, yêu cầu cao nhất, đời sau gọi người có học vấn là tú tài bắt nguồn từ đây. Tiếp đó là hai khoa minh kinh, tiến sĩ. Cho nên trước bảng vảng mấy khoa này chen lấn chật kín người.

Khoa cử có ba tầng cấp, thi huyện là cấp thấp nhất, tỉ lệ thông qua tương đối cao, mỗi huyện có mười mấy hạn ngạch. Tới thi châu độ khó tăng vọt, châu thì chia làm thượng trung hạ, thượng châu được ba hạn ngạch cử nhân, châu trung đẳng như Hợp Châu, Long Châu được hai, còn các hạ châu thì chỉ có một. May là khoa mục tương đối nhiều, cho nên cử nhân mỗi châu cộng lại được hơn trăm người.

So với ba bảng đầu, các khoa chuyên ngiệp khác thu hút sự chú ý ít hơn nhiều, nhất là y khoa, đi xem là các vị lão lang trung râu tóc bạc phơ rồi, dù nóng ruột biết kết quả cũng không thể chạy nhảy như thanh niên được, Tả Thiếu Dương và Bạch Chỉ Hàn chẳng phải tốn công sức gì cũng tới được dưới bảng y khoa.

Trên bảng viết cả đống chứ, Tả Thiếu Dương còn chưa kịp đọc tới phần danh sách thì Bạch Chỉ Hàn đã tinh mắt chỉ bảng kêu lên:

– Thiếu gia, trúng rồi, thứ hai.

Giọng của nàng không hẳn là hưng phấn, mà khó diễn tả, Tả Thiếu Dương không để ý, nhìn theo hướng tay nàng chỉ, bàng vàng y khoa chỉ có hai người, thứ hai chính là “Ngũ Thư”!

Mặc dù vượt qua được mấy chục người tinh tuyển từ các huyện tham gia thi châu, chọn lấy hai người, nưng Tả Thiếu Dương cũng chẳng thấy có gì đáng kiêu ngạo, với hơn một nghìn năm tri thức mà chỉ đứng thứ hai, không biết kẻ nào vượt qua mình đây.

Người đứng đầu y khoa là Khang Huyền Hồ.

Tả Thiếu Dương gãi cằm lẩm bẩm:

– Khang Huyền Hồ, người này dựa vào cái gì mà hơn được mình nhỉ?