Chương 65: Xuất quân Bắc chinh​

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Tin đại thắng năm mươi vạn quân Thanh nhanh chóng lan ra trên toàn cõi Việt Nam. Các tờ báo lớn đăng tải những tựa đề rất kêu như “Mười bảy năm, hai lần đại phá quân Thanh” hay “Tự hào con cháu Lạc Hồng”. Phải nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một triều đại phương Bắc xâm chiếm nước Việt những hai lần và cả hai lần đều là thảm bại. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa, năm xưa, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh dưới triều Càn Long. Lần này, con của vua Quang Trung là Quang Toản lại làm con vua Càn Long là Gia Khánh phải mất mặt.

Phải nói, tin tức đại thắng này đã làm nức lòng hàng triệu con tim người dân đất Việt. Đi đến đâu, người ta đều nghe bàn luận sôi nổi. Nào là Việt Nam nay đã khác, nào là Việt Nam đã thực sự trở thành một quốc gia, nào là Việt Nam đã có thể đứng trên đôi chân của mình. Lại có một đề tài khác, mang hơi hướm của lòng tin tuyệt đối vào bản lĩnh và sức mạnh quân sự của nước nhà. Có người nói, Việt Nam đã có đủ sức mạnh để làm khiếp sợ bất cứ kẻ nào muốn xâm lược. Có người còn bạo dạn hơn, họ dám cược với nhau, liệu Việt Nam có đem quân đi đánh nhà Thanh, để rửa hận cho bao nhiêu thế hệ hay không. Và nếu có thì đó là khi nào.

Và có vẻ như triều đình muốn đáp ứng mọi ước muốn của người dân khi mà tờ Dân Việt, tờ báo và cũng là cơ quan phát ngôn chính của triều đình đăng một bài báo. Không, phải nói chính xác là hai bài mới đúng. Một bài có tựa “Chiến thư gửi Đại Thanh triều”, bài kia có tựa “Nước Anh Cát Lợi tuyên chiến Đại Thanh”.

Báo ra ngày 3 tháng 12 năm 1806. Bài đầu tiên có đăng tải đoạn trích chiếu thư Toản gửi toàn dân. Chiếu viết:

“Đất nước Việt Nam vốn dành cho người dân Việt. Dân tộc ta cũng là dân tộc yêu hòa bình. Mấy mươi năm qua, đất nước chìm trong nội chiến. Biết bao gia đình phải ly tán, biết bao người vợ phải xa chồng, người con phải xa cha. Đất nước trì trệ, dân chúng cơ hàn, đói khổ. Nay dân chúng mới được nghỉ ngơi và vui sống được mấy năm. Thế mà, người phương Bắc lại không có giờ phút nào lại không dòm ngó non sông ta. Nhớ ngày trước, Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị đem ba mươi vạn quân sang xâm lấn và bị Tiên đế đánh bại. Đời cha đã vậy, nay lại đến lượt Gia Khánh nhân lúc Trẫm mang trọng bệnh mà thừa cơ giày xéo non sông ta. Điều này thực sự là quá thể. Tuy chúng ta lại một lần nữa đánh đuổi chúng đi nhưng Trẫm không dám đảm bảo rằng đời con cháu chúng ta liệu có còn bị chúng lăm le chiếm đất, giết người nữa hay không. Bởi thế nên, Trẫm quyết định, ngày 5 tháng 12 sắp tới sẽ cất quân thảo phạt chúng. Trẫm làm thế này không bởi vì hiếu chiến, cũng không phải vì ham muốn danh vọng, quyền lực. Trẫm chỉ muốn cho chúng biết, nếu còn có ý đồ với Việt Nam, người dân Việt dù nhỏ bé vẫn sẽ cho chúng ôm hận nghìn thu”.

Bài báo còn cho hay, Toản sẽ chỉ phái đi hai quân đoàn với quân số không quá chín vạn người. Chính điều này cũng gây ra một trận tranh luận gay gắt trong dân. Có người nói chín vạn là con số vô cùng nhỏ so với hàng trăm vạn đại quân của nhà Thanh. Cũng có người nói, với ưu thế về hỏa lực, chín vạn con người đó thừa khả năng khiến người phương Bắc ôm hận. Lại có người còn cho rằng, con số chín vạn ấy chỉ là bề nổi, có lẽ số người tham chiến còn lớn hơn nhiều. Chung quy, tranh luận thì có, ấy mà lạ kỳ là không có một người dân nào phản đối. Dẫu biết có chiến tranh tức là sẽ có người nằm xuống nhưng người người, nhà nhà đều ủng hộ. Đã bao đời nay, ngoại trừ danh tướng Lý Thường Kiệt năm xưa, chưa có một triều đại hay vị vua nào lại dám tuyên chiến với người Trung Quốc. Có người còn tự góp tiền, góp của cho quân đội hay xung phong vào quân ngũ, những mong được một lần giết giặc.

Bài báo thứ hai lại là bài phỏng vấn Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, tướng quân Mã Kim Đa. Ông nói, Việt Nam có mối quan hệ chiến lược với Anh Cát Lợi. Nếu như Việt Nam gặp phải bất cứ vấn đề gì thì quyền lợi của nước ông cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa hết, mối bang giao giữa hai nước không chỉ đơn giản là bang giao. Kể từ ngày Chinh Tây Vương Nguyễn Quang Bàn cưới công chúa nước Anh là Sophia thì nhân dân hai nước đã là anh em. Thế mà Đại Thanh lại dám đem quân xâm lược Việt Nam. Làm như vậy cũng chẳng khác nào Hoàng đế Gia Khánh tuyên chiến với Anh Cát Lợi. Ông còn nói, kể từ năm ngày trước, hải quân nước Anh Cát Lợi lên đường trừng phạt người phương Bắc.

Như vậy, không còn người dân nào lo lắng đoàn quân Việt Nam sẽ chiến bại nữa. Nhà Thanh giờ đây sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của nhà vua trẻ Quang Toản cùng nước Anh Cát Lợi hùng mạnh từ hai hướng. Không khéo, họ lại còn phải chịu tổn thất không nhỏ khi mà các thế lực “Phản Thanh Phục Minh” như Thiên Địa hội trong nước đứng lên lật đổ. Đất nước Trung Hoa giờ đây nguy trong sớm tối.

Cùng ngày hai bài báo đó được phát hành, Gia Khánh cũng mở một cuộc họp quân cơ. Trái với không khí cuồng nhiệt và đầy hứng khởi ở Việt Nam, triều thần Đại Thanh mấy ngày nay chìm sâu trong sầu muộn. Bá quan không có ngày nào lại không phải chịu cơn giận của Gia Khánh. Cũng phải thôi, suốt năm ngày nay, họ phải hứng chịu nhiều đợt tấn công của Hải quân Hoàng Gia Anh Cát Lợi. Lần lượt đảo Hải Nam rồi Đài Loan rơi vào tay Anh Cát Lợi. Hiện tại, Hồng Kông cũng đang bị uy hiếp.

Cũng như mọi ngày, Gia Khánh đập bàn, giận dữ hỏi:

– Các Khanh làm việc kiểu gì mà cho đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao người Anh Cát Lợi vô lý gây sự thế hả? Quân Anh Cát Lợi giờ này đang đe dọa Hồng Kông. Họ có chưa đến một trăm chiến thuyền trong khi ta có đến hàng nghìn chiếc vẫn không chặn được bước tiến của họ, lại tổn thất hơn năm trăm chiếc là sao?

Trước câu hỏi của Hoàng đế, mấy vị Quân cơ đại thần lạnh ngắt cả chân tay, không ai dám đứng ra trả lời. Lời của Gia Khánh đúng quá còn gì. Sở hữu cả mấy nghìn chiến thuyền vẫn không thể chống lại đoàn thuyền chưa đến một trăm chiếc của người ta. Ấy là còn nói hơi quá, Gia Khánh đã bị chính bề tôi của mình che mắt khi mà thực tế người Anh Cát Lợi chỉ có bốn mươi chiến thuyền và hai mươi chiếc thuyền chở lính đổ bộ. Vậy mà họ lại dám tâu lên đối phương có những một trăm chiếc.

Một lúc sau, Chu Khuê vốn là Thừa tướng trong triều bước ra, nói:

– Khởi bẩm Hoàng thượng. Thần đã tra ra nguyên do họ đem binh đánh ta.

– Nói! – Gia Khánh gằn giọng nói ra chỉ một từ.

– Khởi bẩm. Đám man di An Nam và Anh Cát Lợi vốn có mối quan hệ bang giao khắng khít. Nay chúng ta thảo phạt An Nam chính là đang đụng chạm đến lợi ích Anh Cát Lợi. Họ nói rằng họ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh nên đánh ta. Đây là kế vây Nguỵ cứu Triệu, buộc chúng ta rút quân ở An Nam về.

– Ý Khanh nói Trẫm quyết định thảo phạt An Nam là sai hay sao?

– Thần không dám. Thảo phạt An Nam là việc phải làm. Chỉ là chúng ta tính sót mối quan hệ của chúng với người Anh Cát Lợi.

Nghe vậy, Gia Khánh ra chiều suy nghĩ. Lát sau ông ta hỏi Chu Khuê:

– Vậy ý Khanh là trước chúng ta rút quân ở An Nam, sau lại hoà đàn với người Anh Cát Lợi à?

– Khởi bẩm. Không thể. Chúng ta không rút binh về. Có câu “không có bằng hữu mãi mãi, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu”. Bang giao giữa họ bởi vì lý do nào khác ngoài lợi ích. Trước, chúng ta nên phái ra một người thủ vững biên giới trên biển. Sau, ta lại phái một người có tài hùng biện đến nói chuyện với người Anh Cát Lợi. Chúng ta sẽ cho họ biết Đại Thanh vốn là nước lớn, hợp tác với ta đương nhiên có nhiều lợi ích hơn là đám An Nam kia. Thần tin là họ biết cân nhắc nặng nhẹ mà quay đầu mũi giáo, cùng ta tấn công An Nam.

– Thần đồng ý với Thừa tướng – Binh bộ Thượng thư Khánh Quế nói. – Chúng ta không thể tha đám An Nam kia được.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, Gia Khánh lại hỏi:

– Vậy theo các khanh, Trẫm sẽ phái ai đi làm hai việc này?

– Thần đề cử Thuỷ sư Đô đốc Quảng Đông Hoắc Nhĩ Thái đảm nhiệm việc phòng thủ. Còn thuyết khách, thứ lỗi thần ngu muội, chưa nghĩ ra người thích hợp – Khánh Quế đáp.

– Thần đề cử Thập nhất Bối lặc Hạo Mân làm thuyết khách, trợ tá là Đại học sĩ Lưu Dong – Chu Khuê nói.

– Hoắc Nhĩ Thái thì Trẫm tin tưởng, còn Hạo Mân, Trẫm e nó không thể làm thuyết khách được.

– Hoàng thượng chớ lo – Chu Khuê lại nói. – Bối Lặc là người văn võ song toàn, lại có thầy dạy là Lưu Đại học sĩ đi cùng thì tỷ lệ thành công là rất lớn.

Vẻ mặt Gia Khánh lúc này cũng dãn ra đôi chút. Về mặt Thập nhất Bối lặc Hạo Mân con mình, ông ta quả là không thật yên tâm khi y vẫn còn quá trẻ. Song, có Lưu Đại học sĩ đi cùng thì mọi việc có thể sẽ thuận lợi hơn. Cuối cùng ông ta cũng đồng ý với hai vị đại thần.

Vậy là ngay hôm sau, Thuỷ sư Đô đốc Quảng Đông Hoắc Nhĩ Thái được phong làm Thuỷ sư Đại Đô đốc, chỉ huy một nghìn hai trăm chiến thuyền, rải đều vùng biển Quảng Đông để phòng thủ, phần Hồng Kông thì bỏ mặc cho đối phương. Thập nhất Bối lặc Hạo Mân lại được phong làm An Định Vương, cùng Đại học sĩ Lưu Dong đảm nhận vai trò hoà đàm cùng người Anh Cát Lợi.

Quả thật, suy tính của quân thần Đại Thanh là đúng. Nhưng đó là nếu việc hôm nay rơi vào mấy mươi năm trước, thời Hoàng đế Càn Long trị vì thì còn có thể áp dụng. Thời đó, Đại Thanh quả là một nước lớn mạnh, hùng cường. Song, ngày nay, trải bao sóng gió trong lịch sử, thời đại huy hoàng đó đã dần đi vào lụn bại, kinh tế trì trệ, quân lực suy yếu. Chưa hết, Việt Nam ngày nay đã phát triển hết sức bền vững, quân đội tuy nhỏ nhưng lại có sức mạnh cực lớn. Nếu xét đến việc người Anh Cát Lợi chọn bên nào để hợp tác thì không cần suy nghĩ cũng có thể đoán được. Vậy thì có lẽ chuyến đi này của Hạo Mân cũng là vô ích.