Chương 67: Dưới chân Tử Cấm Thành​

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Quay lại với chuyến viễn chinh của người Anh Cát Lợi. Có lẽ rất nhiều người tự hỏi vì sao họ lại không đánh chiếm Hồng Kông trước rồi mới đến Đài Loan. Họ đang toan tính gì? Một “lỗi” trong tư duy chiến lược sao? Nên nhớ rằng khoảng cách giữa hai hòn đảo này không hề gần, lại nữa, Hồng Kông nhỏ hơn Đài Loan nhiều lắm. Người thường nghĩ như vậy, Binh bộ Thượng thư Khánh Quế cũng không khác gì. Bởi vậy, vào thời điểm Thomas Simon tấn công Đài Loan, hòn đảo này gần như vô chủ. Người Anh Cát Lợi đặt chân lên hòn đảo mà hầu như không tốn một hòn tên mũi đạn nào trong khi Hồng Kông lại chật như nêm cối với cả nghìn chiến thuyền.

Simon đã đúng. Học trò của Chuẩn Đô đốc Nelson ngày xưa có khác. Cũng như Allan Smith, người Đại úy đi cùng Bàn từ Anh Quốc về Việt Nam hiện đang giữ vai trò Tham Tán Lãnh sự quán bên cạnh Chuẩn Đô đốc Mark Downing hiện tại, ông trưởng thành với những trận đánh lớn bên cạnh người tướng hải quân vĩ đại Nelson trước khi về làm chỉ huy phó cho Downing. Dùng nhãn quan chiến lược của mình, ông nhận thấy việc nắm giữ Đài Loan một cách nhanh nhất sẽ chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng. Từ đây, ông có thể nhìn thấy mọi diễn biến trên vùng biển phía Đông Trung Hoa đại lục.

Người nhà Thanh lại một lần nữa sai lầm khi rút quân khỏi Hồng Kông, mở đường cho cuộc đàm phán với hải đội kinh khủng này. Để rồi từ đó, khi liên quân Việt – Anh hội ngộ ở Quảng Đông, toàn bộ vùng đất trù phú Lưỡng Quảng không còn nằm trong tay họ nữa. Cũng kể từ đây, trong vòng một tháng, lần lượt các hành tỉnh Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Thiên Tân rơi vào tay người Anh Cát Lợi.

Lại nói về Việt Nam, Quân đoàn hai và Quân đoàn ba sau khi hội họp với người Anh Cát Lợi tại Quảng Đông lại tách ra làm hai. Quân đoàn hai theo hướng bắc, trong hai mươi lăm ngày đã chiếm được Hồ Nam, Hồ Bắc và Tây Hà Nam. Quân đoàn ba lại theo hướng đông bắc, đi song song với người Anh Cát Lợi. Cũng như Quân đoàn hai, trong vòng hai mươi lăm ngày, họ đã làm chủ Giang Tây, An Huy và Đông Hà Nam. Một chiến thuật cực kỳ thông minh của họ được triển khai, phương pháp cuốn chiếu. Khi hai quân đang đụng độ nhau trên chiến trường, binh sĩ Việt Nam lại dùng tên lửa của mình, một loại tên lửa được cải tiến bắn vào hậu phương quân địch, nơi mà sắp tời sẽ là chiến trường kế tiếp. Nhờ vậy, áp lực đè trên bộ binh và kỵ binh Việt Nam được giảm đi rất nhiều.

Hai quân đoàn lớn một lần nữa lại gặp mặt nhau. Một lần nữa, họ dùng thế sét đánh mà chiếm lấy Hà Bắc. Bắc Kinh bị cô lập. Nói thế nhưng cũng phải mất non một tuần lễ họ mới làm được điều này. Tám vạn quân của cả hai quân đoàn phải tốn rất nhiều công sức khi đối chiến cùng bảy mươi vạn quân Thanh. Một sự chênh lệch quá lớn về quân số. Nơi đây tập trung phần lớn binh lực còn lại của Đại Thanh. Họ nghĩ rằng với quân số nhiều gấp gần mười lần có thể áp đảo hoàn toàn những người lính đến từ phương Nam. Song, một lần nữa, họ lại rớt từ thiên đường xuống mặt đất khi mà đến ba mươi vạn quân bị tiêu diệt.

Mấu chốt của lần thất bại này đến từ những quả tên lửa mới của Việt Nam. Kích thước của chúng lần này lớn hơn nhiều và sức công phá thì vô cùng khủng khiếp. Những quả tên lửa mới cũng với hình trụ, đường kính hai mươi lăm xen ti mét, dài một mét. Nhược điểm duy nhất của nó là quá nặng. Tuy vậy, những người kỹ sư chế tạo ra nó lại khắc phục bằng cách thay đổi chất liệu, không làm bằng ống tre hay gỗ nữa. Họ dùng kim loại, một loại hợp kim làm từ nhôm và kẽm. Dàn phóng mới cũng chỉ có thể mang theo hai quả khi bắn. Tầm xa và lực sát thương thì không cần phải bàn cãi, phải nói là vô cùng khủng khiếp. Tuy vậy, người Việt cũng phải mất đi gần một nửa quân số mới dành được chiến thắng.

Trong thời gian này, Gia Khánh cũng đâu có từ bỏ. Ông ta dùng kế “vây Ngụy cứu Triệu”, đem quân từ Vân Nam đánh sang các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn những mong Việt Nam phải dừng đà tiến công. Ấy thế nhưng Quân đoàn một đóng chốt ở đây để mà làm gì. Tất cả đều nằm trong tính toán của Toản và Bộ Quốc phòng. Đó cũng chính là lý do tại sao họ lại phái Quân đoàn hai và ba đi viễn chinh. Quân đoàn một vốn là người bản địa, nhiều năm trấn thủ ở đây và cực kỳ am hiểu địa hình. Bao nhiêu lần quân Thanh công kích là bấy nhiêu lần họ phải nếm trái đắng.

Chưa hết, Toản lại phái thêm hai quân đoàn mới toanh, được đặt tên là Quân đoàn năm và sáu với phần lớn là quân dự bị tiến đến trấn thủ hai hành tỉnh mới thu được là Quảng Đông và Quảng Tây, đồng thời cũng để tiếp tế cho hai quân đoàn lớn phía trước. Chẳng thế mà Đại Thanh gần như vô vọng khi có ý định tái chiếm hai hành tỉnh này và bịt đường lui của người Việt hòng bao vây, tiêu diệt.

Ấy thế mà vận rủi dường như chưa buông tha triều thần Gia Khánh. Hồng Hoa hội với sự hậu thuẫn về tiền bạc và vũ khí của Việt Nam cũng dấy binh làm phản. Họ nhanh chóng chiếm được những vùng đất trọng yếu của nhà Thanh sau hơn một tháng rưỡi. Vùng đất mà Gia Khánh còn nắm trong tay rốt cuộc chỉ còn Liêu Ninh, Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Trùng Khánh, Ninh Hạ, Cam Túc, Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương và một nửa Tứ Xuyên. Viễn cảnh người Mãn Châu tức cái gốc của nhà Đại Thanh bị đuổi khỏi Trung Hoa Đại lục không còn xa nữa.

Đến tận ngày 20 tháng 1 năm 1806, liên quân Việt – Anh đã hoàn toàn cô lập Bắc Kinh. Gia Khánh và triều thần không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng. Một hội nghị được tổ chức ở Di Hòa Viên, phía tây Tử Cấm Thành. Đây là cuộc họp ba bên với Quang Bàn đại diện cho Việt Nam, Thái tử George Frederick Augustus đại diện cho Vương Quốc Anh Cát Lợi và Gia Khánh đương nhiên đại diện cho chủ nhà.

Bước vào cuộc họp, Quang Bàn nói:

– Gia Khánh Bệ hạ, ngài phải biết, không phải vô cớ mà người Việt chúng tôi phát động tấn công Đại Thanh. Dân tộc chúng tôi vốn yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi chỉ vì tự vệ mà mới có hành động này.

– Tự vệ? Các ngài đem quân đi đánh chiếm nước của Trẫm mà nói là tự vệ ư?

– Gia Khánh! Xin ngài hãy chú ý đến việc xưng hô. Chúng ta ở đây đều là những người có thể nói là đứng đầu một nước. Đương nhiên, tôi có hơi đề cao chính mình vì người đang tại vị tại Việt Nam là em tôi, Quang Toản. Nhưng trong một chừng mực nào đó, hiện tại tôi đang là tiếng nói lớn nhất của dân tộc ngay tại đây. Và ngài Augustus đây tương lai cũng là sẽ là vua George IV của Vương Quốc Anh Cát Lợi. Ngài không thể tự xưng là Trẫm được.

Gia Khánh thoáng bối rối một lúc, lại nói:

– Được rồi. Ngài nói xem, rõ ràng các ngài đem quân viễn chinh đánh chiếm Đại Thanh mà nói là tự vệ sao? Ngài xem Trẫm… ơ… tôi là trẻ lên ba sao?

– Chúng tôi làm thế này vì hai nguyên do. Thứ nhất, tại sao các ngài đánh chiếm nước tôi được mà không cho chúng tôi phản công? Chúng tôi đánh đến tận đây là để chứng minh mình không dễ bị bắt nạt. Và để các ngài biết rằng mình không phải là bá chủ ở đây, cũng yếu ớt giống như bất cứ quốc gia nào. Và cũng để cho ngài biết, chính nghĩa đang nằm trong tay chúng tôi.

– Thế thì các ngài đã làm được. Vậy sao các ngài còn chưa rút quân? Vẫn chiếm đóng Lưỡng Quảng và các hành tỉnh vùng Đông Nam của chúng tôi? Rõ ràng lúc này, các ngài đã biến thành kẻ xâm lược.

– Ngài lại sai rồi. Đây cũng chính là nguyên do thứ hai. Chúng tôi không đánh chiếm các tỉnh Đông Nam của Đại Thanh thì sao có thể đến được đây, buộc ngài phải nói chuyện? Và việc chiếm đóng Lưỡng Quảng là lẽ đương nhiên. Bởi vì đây vốn là đất của chúng tôi từ thời Lý Thái Tổ đến rất xa trước đó. Đây là chúng tôi “đòi lại đất”. Sau cuộc hội nghị này, chúng tôi đương nhiên sẽ rút về Lưỡng Quảng, trả lại các hành tỉnh khác cho ngài.

Gia Khánh lại im lặng. Người ta nói đúng quá còn gì. Đánh Đại Thanh đúng là để chứng tỏ, hay nói đúng hơn, dân dã hơn là báo thù. Ngoài ra, đúng là trước đây Lưỡng Quảng vốn thuộc về người ta. Ngay cả người Choang đang sinh sống ở đó cũng có gốc là người Việt. Vậy thì nói được gì nữa bây giờ. Chỉ còn cách phản bác với sự chiếm đóng của bên thứ ba, người Anh Cát Lợi mà thôi. Ông ta quay sang Frederick:

– Ảo Cổ Tử các hạ – Ông ta gọi Augustus như vậy bởi phiên âm tên ông là Ào gǔ sī. – Thế thì các ngài tấn công chúng tôi vì lý do gì? Rõ là các ngài vô cớ tấn công chúng tôi.

– Ha… ha… Cũng như Việt Nam, chúng tôi có hai nguyên do. Đầu tiên, ngài xem thử các ngài đối xử với người Anh Cát Lợi mà đại diện là tập đoàn Đông Ấn Anh thế nào? Họ chỉ là thương nhân. Thế mà, các ngài đã không cho phép họ làm ăn thì cũng thôi. Đằng này, họ bị xua đuổi, bị gọi là “mọi da trắng”. Đây là điều xỉ nhục. Tiếp nữa, ngài cũng biết Việt Nam và Anh Quốc là bạn bè, là họ hàng bởi Jack đây là con rể của cha tôi, là em tôi. Các ngài dấy binh đánh chiếm Việt Nam khác nào tát vào mặt cha tôi, đánh vào danh dự và uy tín của Vương Quốc Liên Hiệp Anh?

Mặt của Gia Khánh lại đỏ bừng. Ài, người ta, ai cũng có lý do đường đường chính chính, biết nói sao đây. Hơn nữa, mình đang ở tư thế của kẻ bại trận. Người ta bất cứ lúc nào cũng có thể bắt giết. Hai người trước mặt còn cho mình cùng ngồi nói chuyện đã là việc khó thấy rồi. Người ta đâu cần phải làm thế. Rốt cuộc, ông ta không thể nào không xuống nước. Ông nói:

– Thế thì mục đích của các ngài đã đạt được rồi. Chúng tôi phải làm thế nào để các ngài bãi binh?

– Vàng – Augustus nói. – Chúng tôi thật không có ý định chiếm lấy đất này làm gì. Nhưng chiến tranh nào mà chẳng phải tốn kém tiền của. Các ngài phải tốn một số tiền để chuộc lại mỗi vùng đất của mình. Đó là điều thiết thực nhất. Chúng tôi cũng chẳng cần các ngài phải bồi thường chiến phí để làm gì. Chưa hết, chúng tôi muốn Quảng Đông, Đài Loan và Hồng Kông.

“Ha… ha… thì ra nói thế nào các người cũng chỉ cần tiền. Cái này trẫm không cần phải đắn đo. Chưa hết, lũ An Nam kia muốn chiếm Lưỡng Quảng. Thế thì tại sao trẫm không cho các người thỏa nguyện chứ. Cả hai đều thèm muốn Quảng Đông. Vậy thì cứ để các ngươi tranh giành đi. Rồi có lúc trẫm sẽ đòi lại cả vốn lẫn lời”. Gia Khánh suy nghĩ như vậy. Song, ông ta chưa kịp lên tiếng thì Augustus lại nói tiếp:

– Jack à! Cậu đừng thắc mắc tại sao anh muốn Quảng Đông. Từ ngày cậu cưới Sophia, Hoàng gia vẫn chưa có của hồi môn cho cậu đúng không? Truyền thống của Hoàng gia Anh là khi gả con gái đi, phải có một vùng đất cho đôi vợ chồng trẻ để sinh sống và gây dựng tương lai. Vậy thì cậu hãy xem đây là quà hồi môn dành cho mình.

Augustus cố tình nói lớn bằng tiếng Anh Cát Lợi. Ông ta biết chắc chắn Gia Khánh cũng nghe người phiên dịch nói lại. Quả vậy, Gia Khánh sau khi nghe thấy thì mặt mày trở nên ủ rũ. Lúc này, Bàn lại nói:

– Về phần Việt Nam, chúng tôi cũng tính thế này. Ngoài Lưỡng Quảng, các ngài cũng phải bỏ ra một số tiền để chuộc lại đất đai của mình như người Anh Cát Lợi. Số tiền này dùng để kiến thiết hai vùng đất mới. Một phần được dùng để biếu cha vợ của tôi. Thế nào?

– Ý này cũng được đó Jack. Nhưng cậu không cần phải thế đâu. Tiền từ những vùng đất kia cũng đủ rồi.

– Không anh à. Chúng ta là anh em mà, đúng không? Cha của anh cũng chính là cha của em. Hiếu kính với cha mẹ là điều nên làm.

Hai anh em, kẻ tung người hứng làm trái tim Gia Khánh như rỉ máu. Ấy là còn may khi Bàn không nhắc đến tiền chuộc thân cho Hoàng đệ Vĩnh Tuyền và con trai Hạo Mân. Lần này quả thật Đại Thanh triều đúng là thiệt hại nặng nề rồi. Bây giờ ông ta chỉ còn biết mặc cả làm sao cho mình phải trả một số tiền thấp nhất mà thôi.

Cuối cùng, về phần đất đai, Gia Khánh không thể nói được gì. Riêng về tiền chuộc, ông ta đành chấp nhận bỏ ra tám trăm ký vàng cho mỗi hành tỉnh, riêng Thiên Tân có diện tích không lớn nên xem như không tính. Vị chi, Đại Thanh phải tốn tám tấn vàng cho mười hành tỉnh và Thiên Tân. Số vàng này vốn phần nhiều phải thuộc về Việt Nam, nhưng Bàn lại nói nhượng lại một phần cho Anh Cát Lợi để mỗi bên có được bốn tấn vàng.

Sau cuộc hội nghị, một bản hiệp ước được soạn ra với những điều khoản như trên. Nó có tên là Hiệp ước Di Hòa Viên, được sao thành chín bản, mỗi bên giữ ba bản viết bằng ba thứ tiếng Anh – Hoa – Việt và chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 1806. Đó cũng chính là thời điểm mà Đại Thanh chi trả toàn bộ số vàng, đồng thời liên quân cũng rút về. Trong thời gian một tháng này, dưới sự sắp xếp của Việt Nam, Hồng Hoa hội cũng tạm dừng tấn công. Giữa Việt Nam và Thiên Địa hội lại còn có một mật ước nữa. Theo đó, Hồng Hoa hội sẽ nhận được một tấn vàng từ Việt Nam và nước Trung Hoa mới sau khi họ giành lại từ tay người Mãn Châu sẽ là đồng minh mới của Việt Nam.

Vậy là sau ba tháng, Quang Toản cùng dân tộc mình dã đòi lại vùng đất vốn đã mất vào tay người phương Bắc. Đồng thời, anh cũng đem về cho một số tiền lớn, dùng để chi cho mục tiêu phát triển đất nước. Tên gọi Việt Nam lúc này trong một thời gian ngắn đã gây ra một cơn chấn động trên toàn cầu. Tương lai hùng cường của đất nước cũng đã được khởi đầu từ đây.