Chương 10: Nguyễn Ánh động binh​

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Phủ Định Tường, thành Gia Định ngày 13 tháng 7 Âm lịch

– Báo! Khải bẩm Hoàng thượng! Có tin hỏa tốc năm trăm dặm của Bình Tây Tham Thắng Tướng quân Võ Tánh.

– Mau trình!

Nguyễn Ánh tiếp nhận thư tín hỏa tốc từ tên lính giao liên. Trong thư chỉ vẻn vẹn mấy chữ:

“Ngày 5 tháng 7, Tây Sơn Cảnh Thịnh tế thiên. Hiện tượng lạ. Dân tâm quy phục. Thất hổ tướng tại Phú Xuân. Cơ hội cuối chiếm Phú Yên”.

Đọc xong mẫu thư tín, Nguyễn Ánh chau mày. “Cho người mời Tả quân Lê Văn Duyệt vào đây gặp Trẫm”.

Mẫu thư tín chỉ vẻn vẹn mấy chữ. Song, với Ánh, đây vừa là tin vui, vừa là tin dữ. Ánh hiểu, Thất hổ tướng tập trung ở Phú Xuân có nghĩa Phú Yên hiện đã nằm trong túi. Tuy vậy, Ánh cũng hiểu mình từ nay đã có thêm một đối thủ khó xơi.

“Khải bẩm! Tả tướng quân xin gặp” – “Cho mời”

Lê Văn Duyệt thân cao bốn thước, vai hùm, lưng gấu. Đôi hàng chân mày dày, rậm, hơi xếch nổi bật trên gương mặt gầy guộc. Mỗi bước chân đi đều thẳng thành một hàng, tăm tắp và đều nhau. Cước bộ ung dung nhưng hữu lực. Ông tiến vào thư phòng rồi cúi lạy.

– Thần nghe nói mới có tin hỏa tốc của Võ Tánh Tướng quân. Chẳng hay sự tình có biến thế nào mà Hoàng thượng triều thần gấp như vậy?

– Khanh xem đi. – Nói rồi Ánh chuyển bức thư tín sang cho Duyệt.

Trầm ngâm hồi lâu, Duyệt lên tiếng:

– Khải bẩm! Quả như Võ Tánh Tướng quân nhận định. Đây đúng là cơ hội cuối để đánh chiếm Phú Yên.

– Khanh nói xem.

– Khải bẩm. Lúc này, Thất hổ Tây Sơn đang tập trung tại Phú Xuân. Thần nghĩ, lúc này chúng đang có một buổi hội quân hết sức cơ mật. Tướng giữ thành Phú Yên thần nghĩ lúc này có lẽ là Nguyễn Quang Huy. Quân ta hiện đang tập trung hơn một vạn quân ngoài thành năm mươi dặm. Thiết nghĩ, với tài cầm quân của Võ Tánh, chiếm thành không khó. Tuy nghiên, Phú Yên thành cao, hào sâu, Nguyễn Quang Huy tuy là tướng trẻ nhưng lại có tài. Không phải là không có lý do mà tướng Nguyễn Văn Hưng tin tưởng giao lại thủ thành. Tánh muốn thắng cũng được nhưng cũng là công địch một vạn, tự tổn tám trăm.

– Vậy theo ý khanh thì như thế nào?

– Theo ý thần. Chúng ta chia binh hai đường. Một mặt, Võ Tánh đem quân quấy nhiễu, tuyệt không công thành khi chưa dụ được Huy xuất thành. Mặt khác, phái hai chiếc tàu Đồng do Nguyễn Văn Thắng chỉ huy, tiến đánh Quy Nhơn.

Nguyên Nguyễn Văn Thắng là viên Đại úy Chaigneau người Pháp do Hoàng tử Cảnh mời về cùng hai chiếc tàu đồng. Về đến Việt Nam, để dễ bề làm việc y đổi tên thành Nguyễn Văn Thắng.

– Khi đến cửa biển Thị Nại, – Duyệt tiếp – Thắng đánh mạnh vào, đồng thời phát pháo lệnh báo cho Võ Tánh. Quân Tây Sơn lúc này sẽ phải kéo binh từ Phú Yên ra ứng cứu Quy Nhơn vì đây là thành gần nhất. Lúc đó, quân của Tánh sẽ dễ dàng chiếm Phú Yên.

– Rồi sao nữa? Khanh nói tiếp đi.

– Sau khi hạ thành, Võ Tánh Tướng quân sẽ phát pháo lệnh. Nguyễn Văn Thắng sẽ ra lệnh triệt thoái để bảo toàn lực lượng. Ta và giặc Tây Sơn phân chia chiến tuyến ở hai bên đèo Cù Mông.

– Trẫm lại nghĩ khác. Sau khi hạ thành, Võ Tánh tiếp tục bắc tiến, vượt đèo Cù Mông, đánh thẳng Quy Nhơn. Quân ta hai đường đánh úp Quy Nhơn không phải hay hơn sao?

– Vạn lần không thể. Thất hổ Tây Sơn tuy không về kịp ứng cứu Phú Yên nhưng chắc chắn kịp đến Quy Nhơn. Hơn nữa, với hai chiếc tàu đồng, chưa chắc ta đã thắng được Tây Sơn lúc này với hai chiếc tàu cấp Định Quốc.

– Hai chiếc không đủ thì ba chiếc. Phái thêm tàu Phụng do Đại úy Vannier phối hợp với Thắng. Đồng thời, khanh cũng mang thêm năm nghìn quân hỗ trợ cho Tánh.

– Hoàng thượng… ta còn phải bảo toàn lực lượng, không thể tung hết chiến lực ra.

– Khanh không cần nói nữa. Khanh có biết tại sao ta tung hết lực lượng ra không?

– Thần ngu muội, không hiểu được.

– Vì một người. Nguyễn Quang Toản. Nghe đồn hắn làm phép giữa chính điện. Trẫm không tin vào phép thuật. Trẫm tin hắn có một phương pháp nào khác. Chứng tỏ hắn tuy nhỏ nhưng là người có tài. Giờ đây, hắn mới thu phục được dân tâm. Nếu để hắn có đủ thời gian, Trẫm không thể ngủ yên.

– Thần, minh bạch.

– Vậy, khanh hãy lui về chuẩn bị đi.

Hai ngày sau, Tả quân Lê Văn Duyệt xuất thành, mang theo năm nghìn tinh binh, ngày đêm không nghỉ, tiến đến hội quân với Võ Tánh cách ngoại thành Phú Yên năm mươi dặm.

Cùng lúc, Ánh lại sai Nguyễn Văn Thắng đem hai nghìn quân trên hai chiếc tàu đồng theo đường biển tiến đánh Quy Nhơn. Lại nữa, Ánh sai Vannier đem theo một nghìn quân trên chiếc tàu Phụng khởi hành sau đó một ngày tiến về Quy Nhơn. Ý định của Ánh rất rõ ràng. Y không muốn nhà Tây Sơn biết mình đã tung hết vốn cho trận này. Đồng thời, tàu Phụng xuất hiện sau khi chiến sự nổ ra cũng sẽ là đòn bất ngờ.

……………….

Ngày 17 tháng 7, bên ngoài thành Phú Yên năm mươi dặm. Hai người đàn ông đứng trên đỉnh núi Nhạn, hướng cái nhìn về phương Bắc ở xa xa.

– Tả quân, ông nghĩ sao về lần xuất binh này của nhà vua?

Hỏi là người đàn cao lớn. Thân cao bốn thước chín, lưng dài, vai rộng, uy nghi trong bộ giáp trụ màu đỏ, nổi bật giữa muôn người.

– Chỉ e… Hoàng thượng lần này sẽ… thương gân động cốt mất thôi.

– Ý ông là…

– Thất bại. Hơn nữa lại tổn thất rất lớn.

– Ài… Tôi tin vào cách nhìn của ông. Nhớ năm đó, nếu không có ông, tôi đã bị Nguyễn Lữ bắt được ở Gia Định rồi, lại nhờ ông cầm cự, Hoàng thượng mới tạm lánh ở hải ngoại thành công.

Dừng lại một lúc, ông lại hỏi:

– Theo ông, ta phải làm thế nào?

– Lệnh vua khó cãi. Biết là sẽ chết, ta cũng phải tiến quân. Ông xem. Phú Yên là một thành nhỏ. Nhưng đứng từ đây vẫn nhìn thấy tường thành của nó. Quả không hổ là tiền đồn vững chắc của giặc Tây Sơn. Trong thành có khoảng bảy nghìn tinh binh, lại do tướng Huy trấn thủ, có thể nói là bất khả công phá.

– Ông nói đúng. Tướng Huy tuy trẻ nhưng tài còn trên cả tướng Hưng. Tôi từng ba lần phái người khiêu chiến. Kết quả, cả ba lần đều thảm bại, lại chết mất ba tùy tướng. Chờ chúng ta là Hỏa Hổ đặt ở hàng trăm lỗ châu mai. Không thể dùng thang dây leo tường. Chỉ còn cách dùng trục phá thành. Nhưng ông xem. Phía trước hào sâu nửa trượng, lại cắm đầy chông gai.

– Tôi bảo ông này. Tối đến, ông sai người đứng từ xa, bắn hỏa tiễn vào thành. Cứ cách một canh giờ lại bắn một đợt. Tuyệt đối không công thành. Ta liên tục làm trong ba ngày, chờ tín hiệu của Nguyễn Văn Thắng. Đó là lúc tốt nhất để hạ thành.

– Còn sau đó?

– Nghe lời tôi. Chỉ đánh nghi binh ở đèo Cù Mông, không được vượt đèo. Chắc chắn nhà Tây Sơn lúc này sẽ bỏ thành Quy Nhơn, nhân lúc chúng ta tập trung vào Quy Nhơn mà xua đại quân tái chiếm Phú Yên, kẹp quân ta vào giữa, ép chết chúng ta trong thành Quy Nhơn.

Suy ngẫm một chốc. Võ Tánh chợt đổ mồ hôi lạnh dọc sống lưng. Khả năng này là rất lớn. Địch có thể bố trí phục binh ở đèo Cù Mông, làm tiêu hao binh lực ta. Đồng thời, địch còn phái một cánh quân khác theo hướng Tây Nguyên, vòng qua đèo Cù Mông, tập hậu. Thế này thì không ổn rồi

– Thế Hoàng thượng hỏi thì sao? Cả tôi và ông lúc đó sẽ phải bêu đầu.

– Thân này có chết thì đã sao? Cả đời tôi tận trung, trời cao chứng giám. Chúng ta cũng cho vượt đèo nhưng chỉ cho từng đợt mà thôi. Cái chính là để bảo toàn lực lượng cho Hoàng thượng. Tôi chỉ e… Lúc đó Hoàng thượng cũng không còn tâm tư nào để xử quyết tôi và ông đâu.

Đúng nửa đêm ngày 17 tháng 7, Võ Tánh sai cung tiễn thủ đứng trên một ngọn đồi cao bắn liên tục những mũi hỏa tiễn được trợ lực bởi những thanh thuốc nổ vào thành Phú Yên. Mũi tên đầu tiên rớt xuống cũng là lúc báo hiệu trận chiến đầu tiên giữa hai con rồng Đại Việt chính thức bắt đầu.