Chương 12: Trận Xích Bích của người Việt​

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

***** Ghi chú của tác giả trước khi vào chương 12:

Năm 1801, Nguyễn Ánh kéo trên dưới một nghìn chiến thuyền lớn nhỏ, trong đó có năm chiếc “siêu chiến hạm” của Pháp – mang được bốn mươi sáu khẩu đại bác, mười tám chiếc khác mang được hai mươi đến hai mươi sáu đại bác tiến đánh cửa Thị Nại. Đối chiến là Đô đốc Vũ Văn Dũng với trên dưới hai nghìn chiến hạm, trong đó có ba chiến hạm khổng lồ được xem là “khủng khiếp” nhất Đại Việt (cũng có thể nói là của cả Châu Á) với sáu mươi khẩu hải pháo – Chiến hạm Định Quốc.

Lúc đầu, các chiến hạm của Nguyễn Ánh, kể cả chiến hạm được Pháp cung cấp đều bị nghiền nát trước hỏa lực cực mạnh của nhà Tây Sơn. Sau, Nguyễn Ánh dùng mưu, cho một nghìn hai trăm lính đổ bộ thành công, vô hiệu hóa 1.827 khẩu đại pháo đặt trên cảng Thị Nại. Lại nữa, Nguyễn Ánh bắt được một chiến hạm của nhà Tây Sơn, bắt được mật lệnh cùng các loại hiệu lệnh khác. Từ đó, Nguyễn Ánh cho nhiều chiến hạm nhỏ giả làm chiến hạm Tây Sơn, len vào hàng ngũ, dùng kế hỏa công đốt sạch chiến hạm của địch. Cả ba chiếc Định Quốc. Nhà Tây Sơn đại bại.

Trận chiến này được các sử gia, kể cả của Việt Nam và nước ngoài đều đánh giá là Xích Bích của Việt Nam. Về quy mô cùng với sự khốc liệt của nó còn vượt xa trận Xích Bích của Trung Quốc.

Tư liệu trên lấy từ nhiều nguồn, bao gồm Wiki cùng một số tư liệu của các nhà truyền giáo Châu Âu, các sử gia người Việt.

Trong truyện này, vì Nguyễn Ánh nhận được tin Quang Toản vừa thu được lòng dân nên quyết chí thư hùng để dập tắt mối đe dọa này từ trong trứng nước. Theo đó, Ánh phái hai chiếc “Siêu chiến hạm” kể trên cùng hơn năm trăm chiến hạm khác, trong đó có mười chiếc chiến hạm cỡ trung tiến đánh Quy Nhơn. Lại phái thêm chiếc chiến hạm Phụng (cũng là siêu chiến hạm nhưng lại chuyên dùng hạm chỉ huy của Nguyễn Ánh) tiếp ứng phía sau. Trong lịch sử, quả thật lúc này Ánh cũng chỉ mới có ba chiếc siêu chiến hạm.

Đối chiến là nhà Tây Sơn (nhánh của Thái Đức Hoàng đế) với hai chiếc Định Quốc cùng trên dưới hai trăm chiếc chiến hạm khác. Mặt khác, Đô đốc Vũ Văn Dũng cũng suất lĩnh hai chiếc Định Quốc khác cùng khoảng hai trăm chiến thuyền khác đi ứng cứu, đây cũng là toàn bộ thủy quân Toản có lúc đó.

Đây là do lúc chưa xuyên việt, Toản đã từng đọc tư liệu về trận hải chiến khủng khiếp kia. Nay vừa thu phục được lòng dân, cậu quyết đẩy nhanh sự xuất hiện của trận đại chiến Xích Bích này.

Đây là truyện dã sử nên có nhiều chi tiết hư cấu trong đó. Mong quý độc giả thông cảm nếu thấy không vừa lòng vì sai sử sách*****

“Bình Định có núi Vọng Phu

Có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh

Em về Bình Định cùng anh”

Thành Quy Nhơn từ thời Chăm – pa được xem là Kinh đô lớn nhất của cả xứ Đàng trong với danh hiệu bất hủ “Đồ Bàn”.

Nhớ năm xưa, vua Nguyên sai con là Thoát Hoan đánh chiếm Chăm – pa. Toa Đô vâng mệnh Thoát Hoan, xua thủy quân đánh chiếm cửa Thị Nại. Tại đây, chúng đành ôm hận khi toàn quân đại bại.

Tháng Giêng năm Đinh Tỵ, Trần Duệ Tông cũng cho quân tiến đánh cửa Thị Nại. Lại một lần nữa, đầm Thị Nại nổi danh là thành trì trên biển không thể công phá. Năm đó, vua Chăm – pa là Chế Bồng Nga dùng mưu đánh tan quân Trần Duệ Tông.

Và còn nhiều chiến tích huy hoàng nữa. Đầm Thị Nại luôn là niềm kiêu hãnh của vương quốc Chăm – pa và giờ đây là của thành Quy Nhơn.

Đêm hôm nay, ngày 20 tháng 7 Âm lịch, nó lại vang danh trên toàn cõi Đại Việt.

Đầu giờ Tí, thành Quy Nhơn say ngủ trong tiếng sóng vỗ bờ. Đây đó trên mặt biển là ánh đèo leo lét phát ra từ những chiếc thuyền thúng đang câu mực. Đêm nay trời lạnh lắm. Những thợ câu mực liên tục nhấp lấy từng chén rượu mạnh để chống chọi. Chốc chốc lại vang lên những tiếng gọi nhau í ới xua tan cái vẻ tĩnh mịch của màn đêm.

– Này! Ông bạn già, hôm nay có khá không?

– Chưa được bao nhiêu. Đêm nay lạnh quá ông ạ. Lũ mực chắc cũng trốn mất rồi.

– A ha. Tôi mới được một con đây nhé. Các ông phải cố lên. Không khéo hôm nay phải thua tôi một chầu đấy.

Mưa bắt đầu rơi rả rích. Những chiếc cần câu mực dần dần dần được thu lại. Các chiếc thuyền thúng bắt đầu quay trở về bờ. Hôm nay họ gặp phải thất thu rồi. Mỗi chiếc chỉ có vài dăm con mực. Khá lắm cũng chỉ được non mười con. Tuy nhiên, với họ, bấy nhiêu cũng tạm đủ. Ở cái thời đại tranh tối tranh sáng này, cơ cực nhất vẫn là những người dân nghèo. Cái nghề dập dề trên sóng nước này mỗi năm lấy đi không biết bao nhiêu tính mạng. Thế nhưng, không làm thì biết lấy cái chi mà bỏ bụng đây.

Lộp bộp… lộp bộp… ào ào… Mưa nặng hạt dần. Trên tường thành, mấy người lính gác co ro trong những chiếc chòi canh. Họ không biết đến những nổi kinh hoàng tiếp theo đang chờ đón. Ở xa xa ngoài khơi, từng hàng chiến hạm đang lù lù tiến tới. Không đèn, không tiếng động. Chúng như những con thủy quái còn sót lại từ thời xa xưa tỉnh lại.

Ầm… ầm… từng tiếng nổ đinh tai vang lên như xé rách màn đêm. Những khẩu pháo trên các chiến hạm bắt đầu khai hỏa.

– Có giặc… có giặc… mau báo với tướng quân…

Lính gác trên thành chợt bị những tiếng pháo oanh tạc đánh thức. Họ nháo nhào chạy vội về vị trí chiến đấu trên thành lũy.

– Các pháo thủ nhanh chóng vào vị trí!

– Báo! Đã vào vị trí, đạn đã lên nòng.

– Hướng về ánh sáng đầu nòng… chuẩn bị… châm lửa…

Tiếng đại pháo xuất phát từ thành lũy ầm vang đáp trả. Mặt biển lúc này sục sôi. Giữa đêm đen vô định, độ chuẩn xác gần như không có. Từng quả đạn pháo rơi xuống biển làm phát sinh những con sóng cao quá mạn tàu.

Một loạt đạn nữa xuất phát từ những chiến hạm oanh tạc lên tường thành. Có vài quả trúng đích, song vẫn không đủ để làm vỡ công sự vững chãi trên bờ biển. Lúc này, từ mũi Phương Mai, từng chiếc chiến thuyền của nhà Tây Sơn xuất hiện, đi đầu là một chiếc Định Quốc.

Sự xuất hiện của tàu Định Quốc nhanh chóng trấn an binh sĩ Tây Sơn. Quả không hổ danh là siêu chiến hạm. Từng loạt đạn pháo xé tan đội hình của Nguyễn Ánh thành nhiều mảnh. Từ trong bóng tối, từng chiếc khinh thuyền của nhà Tây Sơn xuất hiện tiến công vào những chiến thuyền bị tách rời khỏi đội ngũ của địch.

Trên soái hạm, tướng Vannier hạ lệnh cho những chiến thuyền của mình tạm thời triệt thoái, cố gắng tránh đương cự trực tiếp với chiếc chiến hạm khủng khiếp kia.

“Liên lạc với tướng quân Nguyễn Văn Thắng, suất lĩnh chiến hạm lớn chuẩn bị phối hợp với ta đánh vào hai mạn của tàu Định Quốc. Khi chúng bắt đầu triệt thoái sau đợt thắng lợi này chính là thời điểm cáo chung”. Vannier nói với tên thủy thủ bằng giọng Việt lơ lớ. “Tàu Định Quốc lớn, hỏa lực khủng khiếp nhưng chắc chắn là tính cơ động kém hơn chúng ta”.

Trên Vọng Hải lâu, Nguyễn Bảo sai người kiểm tra lại tổn thất sau đợt tập kích của Nguyễn Ánh.

– Bẩm báo Thái tử, trận này quân ta toàn thắng, tổn thất hai khinh thuyền, ba mươi sáu binh sĩ; giặc Ánh đại bại, xuất phát hai mươi sáu chiến thuyền cỡ trung, tổn thất mười lăm chiếc, cháy ba chiếc, thương vong không rõ. – Viên tùy tướng bên cạnh báo cáo.

– Tình hình trên biển thế nào? Ngươi trình bày tiếp đi.

– Theo thám báo của ta mới thu được, giặc Ánh phái đi từ bốn trăm đến năm trăm chiến thuyền, trong đó có hai chiếc chiến hạm bọc đồng. Trận đánh vừa nãy không thấy xuất hiện tàu đồng. – Viên tùy tướng lúc này hiểu rõ tình hình hôm nay rất nghiêm trong.

– Tổn thất mười lăm chiếc so với thủy đội năm trăm chiếc thì chẳng đáng là gì, ba chiếc cháy có thể dập lửa, dùng tiếp. Đây mới chỉ là thăm dò thôi. – Quay sang viên tùy tướng, Bảo hỏi tiếp – Có tin gì của Đô đốc Đoàn Văn Cát không?

– Bẩm. Đô đốc Cát cho rằng vị trí tàu Ngô Vương mới bị lộ, sợ Ánh đề phòng nên cho đoàn thuyền di chuyển về núi Nhạn rồi.

– Cái gì? Ngu xuẩn… Y không biết bây giờ gió nam đang thổi mạnh à? Khinh thuyền bảo vệ nhẹ hơn sẽ chạy đằng trước, Ngô Vương là tàu cấp Định Quốc chậm chạm hơn sẽ rớt lại đằng sau. Lúc này khác nào đưa lưng cho địch.

Dừng lại một chốc, Bảo lại nói:

– Mau! Lệnh cho Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu suất lĩnh chiến hạm Lê Hoàn từ Ghềnh Ráng yểm trợ cho Ngô Vương mau.

– Tuân lệnh.

Cuối giờ Thân. Quả như Nguyễn Bảo đã dự đoán, chiến hạm Ngô Vương dần tụt lại phía sau. Đúng lúc này hai chiếc tàu đồng mang tên Hy vọng và Thắng Lợi lặng lẽ áp sát hai ở hai bên. Cũng phải nói thêm, lúc này, trên mặt biển, sương mù bao phủ dày đặc. Lại thêm trời rất tối, hai bên đứng cách nhau mười dặm cũng không thể thấy nhau.

Quân Nguyễn Ánh nhờ kinh nghiệm của những thủy thủ người Pháp từng phiêu du trên đại dương bao năm đang dần tiếp cận. Đại khái họ cũng không nhìn thấy đường, nhưng căn cứ vào mớn nước cùng những con sóng rẽ nước chiến hạm Ngô Vương để lại mà ước định khoảng cách. Cũng không sai biệt lắm, lúc này tàu Hy vọng áp sát với khoảng cách hai mươi dặm.

– Báo… đã đạt tầm bắn hiệu quả của đại bác…

– Báo… ba chiến thuyền bị cháy không nghiêm trong, đang tiến lên đằng sau, đang chờ lệnh tướng quân.

– Tốt lắm. Đợi đến khi ta tiếp cận khoảng cách mười lăm dặm thì cho khai hỏa. Bảo ba chiếc kia lúc đó cũng lao thẳng về chiếc Định Quốc. Các chiến thuyền khác bao vây xung quanh, đề phòng chiếc Định Quốc khác xuất hiện.

Đúng lúc này, Vannier hạ lệnh khai hỏa. Hai loạt đạn đại bác trong tầm bắn hiệu quả cùng lúc oanh tạc hai bên mạn tàu Ngô Vương. Chiếc Định Quốc trúng loạt đạn bất ngờ thoáng chốc chao đảo, đuôi tàu bốc cháy dữ dội, hàng chục binh sĩ bị thổi văng xuống biển. Tiếng la hét vang lên khắp nơi. Các thủy thủ trên tàu kinh hãi tột độ. Xưa nay, họ rất tự hào khi được ra trận. Định Quốc nổi tiếng là siêu chiến hạm đánh đâu thắng đó, là nổi ám ảnh của địch thủ. Đây là lần đầu tiên, họ nếm mùi đau khổ. Đoàn Văn Cát ra lệnh dập lửa, đồng thời mở hết tốc lực tiến về phía trước. Hàng trăm tay chèo lúc này lưng nhễ nhại mồ hôi, kiệt lực nâng mái chèo nặng hai trăm cân ra sức kéo, đẩy.

Lúc này, một trăm chiến thuyền quay đầu yểm trợ cho Ngô Vương. Dẫn đầu là năm mươi chiếc khinh thuyền. Họ kinh hãi khi nhìn thấy hàng trăm chiến thuyền xuất hiện dưới ánh sáng lờ mờ của buổi rạng đông. Dẫu biết không thể địch lại, chiến thuyền Tây Sơn vẫn quyết tử lao về phía trước. Họ biết, chiến hạm Định Quốc là tài sản lớn nhất của mình, mất Định Quốc có nghĩa Tây Sơn không thể đối kháng với đoàn thuyền hùng hậu của Ánh.

Trận chiến trên biển mỗi lúc một dữ dội hơn. Thử tưởng tượng, hàng trăm chiến thuyền lao vào nhau với tốc độ lớn nhất. Tiếng la hét xung trận, tiếng binh khí va chạm, chốc chốc lại có tiếng gỗ gãy vỡ răng rắc vang lên. Máu loang đỏ cả một vùng biển. Các chiến thuyền Tây Sơn chật vật không chịu nổi. Tốc độ chiếc Ngô Vương cũng dần chậm lại. Lúc này, chỉ có phép lạ mới cứu nổi.

Đúng lúc này, một loạt tiếng nổ lớn vang lên. Định Quốc, đây đúng là tiếng gầm của hải pháo trên tàu Định Quốc. Vannier giật mình nhìn sang mạn trái phía xa xa. Một chiếc Định Quốc khác lù lù tiến tới, cùng với nó là hơn một trăm chiến thuyền lớn nhỏ.

“Nguy. – Vannier tự nhủ – Chỉ một khắc không đề phòng mà phe ta lâm vào nguy hiểm”. Quân nhà Nguyễn còn lại hơn bốn trăm chiến thuyền thì làm gì mà nguye hiểm? Phe địch cùng lắm chỉ có hơn một trăm. Nhưng đừng quên, trong đó có một chiếc Định Quốc.

Ầm… ầm… Cùng với sự yểm trợ của những tàu nhỏ xung quanh, chiếc Lê Hoàn do Đô đốc Thiệu chỉ huy lại nhả một loạt pháo về phía chiếc Hy vọng. Thân tàu trúng đạn, lắc lư. Vannier lập tức cho tàu quay đầu, đồng thời nhả một loạt đại bác đoạn hậu.

Tàu Ngô Vương trong một thoáng được giải vây cũng lập tức trở mũi tàu, phối hợp với Lê Hoàn, tiến hành truy kích, nhân tiện quay về mũi Phương Mai. Lúc này, lửa trên đuôi tàu đã được dập tắt.

Tàu Thắng Lợi lúc này cũng nhả đạn, yểm trợ cho đồng đội. Cuộc chiến xoay chiều trong tích tắc. Lúc này, hai phương rượt đuổi đảo ngược, quân Nguyễn chạy trước, Tây Sơn theo sau. Có lẽ mọi người ngạc nhiên lắm. Tại sao với ưu thế về số lượng, quân nhà Nguyễn lại tháo chạy?

Trên đài chỉ huy, Vannier khẽ cười: “Đuổi đi… bắn đi… ha… ha… Hy vọng được bọc đồng, bao nhiêu đó thì cũng chẳng đáng là gì”. Quay sang bên cạnh, y hỏi thuộc hạ:

– Vị trí cuối cùng của Hoàng thượng mà các ngươi nắm được gần nhất là bao xa?

– Bẩm… Vị trí gần nhất có được lúc mười một giờ đêm qua. Hoàng thượng duy trì khoảng cách hai trăm dặm phía Đông Nam. Giờ này chắc cũng cách Thị Nại khoảng năm mươi dặm và tiến hành công kích thành trì rồi ạ.

– Tốt! Mở hết tốc lực, chạy về mũi Phương Mai.

Hóa ra Vannier chạy về hướng Nguyễn Ánh. Có điều lạ là không phải hàng nghìn khẩu đại pháo chờ đợi họ trên bờ sao? Nhưng Vannier rất tin tưởng Hoàng thượng của hắn, người đã từng cứu hắn trên biển trong những ngày Ánh sống lưu vong, tìm đường đến Pháp.

Truy đuổi một hồi lâu, ánh mặt trời đã ló dạng ở phương đông, xó tan đêm đen lạnh giá. Từ xa xa, mũi Phương Mai hiện ra. Binh sĩ Tây Sơn reo hò. Đây là nhà của họ, những khẩu đại bác trên bờ sẽ nhấn chìm kẻ thù dưới biển. Đoàn thuyền Tây Sơn hưng phấn, đẩy cao tốc độ truy đuổi.

Khi còn cách bờ khoảng ba mươi dặm, một loạt đạn đại bác đón chào đoàn thuyền Tây Sơn. Gì thế này? Đạn pháo không xuất phát từ thuyền địch, mà là… mà là… mũi Phương Mai. Xa xa, chiếc soái hạm Phụng của do Nguyễn Ánh thân chinh lù lù hiện ra trong tầm mắt, cũng liên tục khai hỏa. Không còn kịp nữa, tốc độ của những con thuyền quá cao, không kịp xoay sở.

Trên một trăm chiến thuyền bốc cháy. Nặng nề nhất chính là hai chiếc Định Quốc. Với thân hình đồ sộ của mình, chúng dễ dàng thu hút hỏa lực địch và hứng trọn loạt đại bác bất ngờ. Hai chiếc chiến hạm bốc cháy, từ từ chìm xuống biển, chôn vùi hàng trăm binh sĩ. Đô đốc Cát và Thiệu được binh sĩ kịp thời yểm trợ, lên xuồng nhỏ trốn thoát.

Đạn pháo tiếp tục vang rền. toàn bộ đoàn thuyền Tây Sơn giờ đây bùng cháy, bị loại khỏi cuộc chiến. Thắng lợi trong tay chỉ trong phút chốc biến mất. Điều duy nhất gây khó hiểu cho binh sĩ Tây Sơn là toàn quân bị diệt.

Tại sao chiến sự lại diễn ra theo cách bất ngờ như vậy? Hóa ra, trong lúc Vannier cho hai mươi sáu chiến thuyền khai hỏa đợt đầu tiên, y đã hạ lệnh cho ba chiếc khinh thuyền mang theo một nghìn hai trăm lính bí mật đổ bộ lên bờ. Trong âm thầm, họ đã vô hiệu hóa hơn một nghìn tám răm khẩu đại Bác trên thành. Cùng lúc này, sự xuất hiện của soái thuyền Phụng cùng hơn một trăm chiến thuyền khác dễ dàng chiếm lấy cảng Thị Nại rồi nhanh chóng phân tán đón chờ đoàn thuyền Tây Sơn quay về.

Đây chính là kế hoạch đã được định từ trước. Hai chiếc tàu đồng chỉ được dùng làm mồi nhử, dụ những chiếc Định Quốc của nhà Tây Sơn rời khỏi. Lúc này hậu quân của Nguyễn Ánh với soái thuyền Phụng như thần binh, thiên tướng áp chế và chiếm lấy tường thành.

Đại quân Nguyễn Ánh lúc này toàn thắng, tổn thất gần hai trăm chiến thuyền, quân Tây Sơn toàn quân bị diệt với hơn hai trăm chiếc cùng tổn thất hai siêu chiến hạm Định Quốc.

Với thế sét đáng mang tai, Nguyễn Ánh cho hơn một vạn binh sĩ đổ bộ, tiến nhanh về chân thành Quy Nhơn.

– Cái gì? Thị Nại thất thủ?

Trong Hoàng thành, Thái Đức Hoàng Đế bật dậy trên Long sàng, miệng thổ một ngụm máu tươi. Mấy năm nay, ông mắc phải bệnh nặng. Phần lớn thời gian của ông là nằm trên giường, sự vụ lớn nhỏ đều giao lại cho Thái tử Nguyễn Bảo.

– Thái tử con ta đâu?

– Khải bẩm… – tên thái giám run rẩy trả lời. – Thái tử đã lui về thành bố trí phòng thủ.

– Mau… giúp Trẫm mặc chiến bào… Trẫm muốn lên tường thành quan chiến.

– Nhưng… nhưng… Long thể Bệ hạ đang…

– Không nói nhiều nữa. Thái tử chưa đủ kinh nghiệm thủ thành.

Cùng lúc này, ngoài khơi Quảng Nam, một đoàn chiến thuyền với hai trăm ba mươi chiếc đang rẽ sóng tiến về Quy Nhơn. Đi đầu là hai chiếc chiến hạm cấp Định Quốc Trần Quốc Tuấn và Trần Quốc Toản. Trên soái hạm Trần Quốc Tuấn, Đô đốc Vũ Văn Dũng quay sang hỏi tham tướng Phan Văn Lân:

– Ông xem tình hình thế nào rồi?

– Theo thám tử hồi báo, thủy quân của Thái Đức Hoàng đế đại bại, tổn thất toàn bộ chiến thuyền cùng với hai chiếc Định Quốc.

– Giờ này chắc Nguyễn Ánh đang tấn công hạ thành.

– Đúng vậy. Quả thật, Hoàng thượng tính toán thời gian thật khớp. Lúc này Phú Yên đã bình định, Đô đốc Diệu đã mang mười bảy nghìn quân cùng tám mươi thớt voi chiến tiếp cận Quy Nhơn rồi. Lúc này ta không tấn công Thị Nại, trong ngoài giáp công cùng Diệu, toàn thắng là chắc chắn. Giặc Ánh bây giờ là ba ba trong rọ rồi.

– Ài! Nhiều lúc tôi không tưởng được Hoàng thượng mới chỉ là một cậu bé mười hai. Ngài đã thể hiện uy nghiêm của một đấng Quân vương và tài năng xuất chúng rồi.

Quay lại với trận chiến thành Quy Nhơn.

Đứng trên tường thành, Nguyễn Nhạc thấy lòng đắng chát. Dưới thành, quân Nguyễn Ánh với hơn một vạn người, lấy khí thế như hổ báo đang lao nhanh đến. Mặt này là nơi yếu nhất của thành Quy Nhơn. Có lẽ từ thời của Chế Bồng Nga, bao đời vua Chăm – pa và chúa Nguyễn ỷ lại vào thành trì không thể công phá – đầm Thị Nại mà không lo tu bổ chăng?

Tướng tài trong tay ông giờ đây chẳng còn mấy người, ai có thể phân ưu cùng mình đây?. Ông chợt cảm thấy hối hận, “Ngày trước tại sao mình nhất thời nóng giận đuổi Binh bộ Thượng thư Vũ Đình Tú đi. Y là một trong Thất hổ Tây Sơn. Giá mà…”

Thở dài, Nguyễn Nhạc quay sang hỏi Thái tử:

– Tình hình này, con liệu chống chọi được bao lâu đây?

– Bẩm Phụ hoàng, có lẽ… không tới hai canh giờ nữa thành ngoại sẽ thất thủ. Chúng ta chỉ còn hơn ba nghìn binh sĩ.

– Con đã cầu viện Quang Toản chưa?

– Dạ… dạ… Con nghĩ, cần gì phải cầu cạnh tên phản phúc đó nên không xin cứu viện.

Bốp!!!!! Thái Đức Hoàng đế tức giận tát vào mặt Bảo.

– Đồ ngu! Nó dù sao cũng là người trong nhà. Đánh người ngoài chớ cớ sao xua đuổi người mình? Đến lúc này mà ngươi còn tỵ nạnh với nó nữa ư? Ông trời ơi. Tại sao Trẫm lại có đứa con ngu ngốc thế này?

Dứt lời, ông lại thổ ra một ngụm máu tươi, lảo đảo xuýt ngã.

– Trời tuyệt đường Nhạc ta rồi.

– Phụ hoàng… Phụ hoàng… Nhi thần biết tội rồi. Người cũng đừng lo. Thám báo cho hay, tướng Diệu và tướng Hưng xuất hiện ở thành ngoại phía nam cách đây khoảng hơn trăm dặm. Nhi thần đã cho người chạy đi xin cứu viện, giờ này chắc cũng sắp đến rồi.

Lúc nghe những lời này, Thái Đức không những không hết buồn, lại còn cảm thấy chán nản. Ông nghĩ: “Một trăm dặm đâu có xa. Làm gì mà đến giờ vẫn chưa thấy bóng dáng. Quang Toản có lẽ đã biết trước, cho Diệu – Hưng hai tướng chờ sẵn rồi. Ngoài khơi kia chắc là Vũ Văn Dũng cũng đến rồi. Chúng vẫn áng binh bất động. E là…”

Ông buồn bã, quay trở về thành nội. Ngồi lặng lẽ trên Ngai vàng, trầm tư, ra chiều chờ đợi những gì sắp đến với mình.

Lúc này, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Huỳnh Đức lãnh ba nghìn quân tiến đánh cánh trái tường thành. Lại giao cho Nguyễn Văn Thành lãnh ba nghìn quân áp chế cánh phải. Phần mình, Ánh cùng Hoàng tử Cảnh thân chinh trung quân, tiến đánh chính diện.

Tiếng đại bác nổ, tiếng pháo công thành vang rền. Từng mảng, từng mảng tường thành rung chuyển rồi ầm ầm sụp đổ. Ánh xua quân ào ạt tràn vào thành ngoại.

Hoàng tử Cảnh tuốt gươm thỏa sức chém giết, máu tươi binh sĩ Tây Sơn thấm đẫm chiến bào vốn có màu vàng nhạt. Ở hai cánh bên cạnh, tướng Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành như thiên tướng cũng vung đao gặt hái sinh mệnh binh lính thủ thành. Thế tiến công quân Nguyễn ào ào như thác lữ, không thể cản. Thái tử Bảo thấy tình thế không ổn vội dẫn thân binh chạy về thành nội.

Đúng lúc này, tiếng trống trận giòn giã vang lên. Có tiếng rống vang tận trời xanh đi kèm. Từng thớt voi chiến xuất hiện, đẩy lùi đà tiến của Nguyễn Huỳnh Đức. Phía bên kia, một đoàn kỵ binh do Lê Văn Hưng dẫn đầu, lấy tốc độ nhanh nhất khóa chặt Nguyễn Văn Thành.

Tình thế quân Nguyễn trong giây lát bỗng chuyển biến xấu. Trước cổng thành nội, từng hàng cung binh xuất hiện, rải xuống đầu binh sĩ những màn mưa tên rợp trời. Cùng lúc, Đô đốc diệu giương cao Ngân Long Đao, soái lĩnh mấy nghìn lính bộ binh lao nhanh về Hoàng tử Cảnh.

Nguyễn Ánh trong nháy mắt chợt giật mình khi thấy hai trong Thất hổ Tây Sơn xuất hiện. Bao ký ức kinh hoàng và tủi nhục hiện ra ra trong đầu ông. Cũng chính hai viên đại tướng này mấy năm trước đã cùng anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tung hoành sa trường, ép mình phải lánh thân nơi hải ngoại xứ người.

Hoảng sợ trong lòng, Nguyễn Ánh lệnh cho ba quân chậm rãi rút lui về hướng Thị Nại. Y dự tính đại bác trên những chiến thuyền neo đậu ngoài kia sẽ yểm trợ, bắn tan tác nhà Tây Sơn. Lúc đó thì lo gì mà không đoạt được Quy Nhơn.

Đột nhiên, sau lưng Nguyễn Ánh cảm thấy nóng rát. Tiếng đại pháo lại nổ vang rền. “Quân ta chưa rút đến nơi an toàn mà. Tại sao chiến thuyền khai hỏa quá sớm như vậy?”

Ngoái đầu lại phía sau, Ánh bàng hoàng khụy ngã. “Cháy… cháy… rồi. Tại sao? Chiến thuyền của ta. Niềm kiêu hãnh của ta”

Số là trong lúc Ánh mãi mê tấn công, Vannier và Nguyễn Văn Thắng được lệnh cho chiến thuyền neo đậu ở đầm Thị Nai, đại bác phải sẵn sàng yểm trợ cho toàn quân nếu như tình hình chuyển biến xấu. Chính vì thế, mặt nước đầm Thị Nại lúc này có lúc nhúc những chiến thuyền. Chúng chen chúc đậu gần nhau. Nhìn từ trên không, đầm Thị Nại như đang được lấp đầy bằng một chiếc bè gỗ khổng lồ.

Lại nói, từ ngoài khơi, Đô đốc Dũng nhận thấy được đây là thời cơ không thể tốt hơn. Ông cho các khẩu hải pháo phối hợp với đại bác trên những chiến thuyền nhỏ vùi dập đối phương. Lửa cháy ngút trời. Hầu như toàn bộ chiến thuyền của Ánh chìm trong biển lửa. Đây có lẽ là trận thủy chiến dễ dàng nhất đời ông.

Nhìn thấy tình hình, Nguyễn Ánh biết đại thế đã mất. Y ra lệnh mở đường máu chạy về đầm Thị Nại, lên chiến thuyền chạy trốn. Thuyền địch đứng ở ngoài xa chắc cũng không kịp áp sát.

Nguyễn Ánh lúc này cùng Hoàng tử Cảnh, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành dẫn tàn quân gần ba nghìn người chạy vội lên thuyền. Hai chiếc chiến thuyền Hy Vọng và Thắng Lợi lúc này đã chìm nghỉm. Vannier và Nguyễn Văn Thắng điều khiển soái thuyền Phụng cập sát bờ đón Nguyễn Ánh rồi dong buồm chạy trốn.

Tiếng reo hò khải hoàn lúc này vang dội trong khắp thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh đại bại, đem theo bốn mươi ba chiến thuyền cùng hơn hai nghìn năm trăm tàn binh tháo chạy khỏi chiến trường được ví là trận Xích Bích của người Việt.