Chương 7: Thượng triều

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

– Ông nói sao? Hoàng thượng tỉnh dậy rồi à?

– Nghe nói cả đêm Ngài không ngủ đó.

– Trời ạ. Ông thử ngủ liền năm hôm rồi dậy xem có còn ngủ lại được không? Thế mà cũng nói.

Dưới sân chầu hôm nay có vẻ không tĩnh lặng như mọi khi. Đây đó vang lên tiếng xì xào của đám quan viên. Khắp nơi người ta bàn tán về sự kiện Hoàng thượng đã tỉnh dậy. Thế cũng không có gì đáng nói. Cái chính là những hành động và lời nói kỳ quái của Toản thế mà người ta cũng biết. Có lẽ do mấy tên thái giám đứng hầu ngoài cửa phòng nghe thấy chăng. Dám khẳng định, thông tin truyền miệng trên Thế giới không ở đâu nhanh bằng ở cái xứ Đại Việt này. Cái này còn chưa đáng nói làm gì. Lợi hại hơn, người ta nghe lõm bõm ở đâu đó chuyện gì, không đầu không đuôi, thế mà lại tự hình dung ra một câu chuyện có lớp có lang nữa mới tài chứ. Rồi tam sao thất bổn…

– Ây da. Ông không hiểu ý tôi rồi. Ý tôi nói là hôm nay Ngài kỳ lạ lắm. Nghe Thái giám Can nói, hôm qua Hoàng thượng tỉnh dậy rồi nói chuyện có vẻ cao thâm lắm. Ông có bao giờ nghe đến câu “ngủ mãi khiến xương cốt mục rữa hết” chưa? Hoàng thượng nói đấy.

– Xời. – Một giọng nói Bắc Hà lên tiếng. Chuyện ấy thì có gì mà đáng nói. Tôi có thằng cháu mới được tịnh thân ba tháng trước đang phụ việc ở Ngự thiện phòng. Nó bảo sáng sớm nay nó hầu Hoàng thượng dùng bữa. Đứng bên ngoài, nó nghe Hoàng thượng nói mấy câu gì lạ lắm. Đâu để tôi nhớ lại xem… À, cái gì mà giữ hình tượng rồi thì phản phản cái gì đó.

– Ông chỉ tổ nói dóc. Sáng tinh mơ thế này thì ông có cách gì mà gặp thằng nhóc?

– Ấy… ông không biết rồi. Ở trong cung này, tin tức truyền đi nhanh không ai bằng đám thái giám đâu. Thằng cháu tôi nói cho mấy tên thái giám trong ngự thiện phòng. Thế rồi tin lại truyền đến tai tôi.

– Thế này thì nguy rồi… Chắc là Ngài nghi ngờ có ai đó làm phản đấy…

Ây da. Rõ thật là tam sao thất bổn mà. Rành rành ở trong phòng, Toản nói là ‘phản khoa học’ thế mà người ta lại suy luận ra có người làm phản. Thế mới tài.

– Thôi tôi hiểu rồi… Chắc Hoàng thượng biết có ai đó xua tượng binh đến làm phản.

Cả sân chầu bất chợt im phăng phắc sau câu nói của vị quan kia. Mọi người, ông nhìn tôi, tôi nhìn ông, vẻ mặt cảnh giác, trán nhăn lại. Duy có một người đàn ông đứng bên cạnh bậc thang đá dẫn lên chính điện từ đầu không nói lời nào. Lúc này ông ta chỉ gật gù và nở một nụ cười bí hiểm. Bùi Thái sư chính là ông ta.

“Giờ đã đến. Các quan lên chầu. Quan dưới tứ phẩm đứng hầu dưới sân”. Tiếng nói lanh lảnh cao của thái giám truyền chỉ chấm dứt các cuộc tranh luận. Quan viên xếp thành hai hàng phân thành văn và võ. Có tất cả sáu mươi bốn người lục tục bước lên bậc thềm đá tiến vào chính điện.

“Hoàng thượng giá lâm”

Quan viên hai hàng lập tức quỳ xuống đồng thanh đáp “Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế”.

Toản chậm rãi bước đến Long kỷ, thầm nghĩ “cái gì mà vạn tuế, người ta sống đến một trăm tuổi là cùng…”.

“Các khanh hãy bình thân. Còn nữa, sau này không cần tụng vạn tuế nữa, Trẫm chỉ cầu sống được đến trăm tuổi là đã tạ ân đức của tổ tiên rồi. Ai mà sống đến vạn năm chứ. Chỉ có mấy lão yêu quái và thần tiên thôi”.

Cả điện chầu im phăng phắc. Trong lòng mỗi người chợt thấy hoang mang, “Hoàng thượng quả đúng là lạ thật, không khéo lại đúng như lời lão già khi nãy nói ở sân chầu mất”. Lúc này lại có người hô lên, “Hoàng thượng bách tuế, bách bách tuế”.

Toản giật mình, lảo đảo xuýt té. “Mấy cái lão này… Thật là…”, nghĩ rồi chỉ mỉm cười, lắc đầu không thôi.

“Các quan có việc thì thượng tấu”, tiếng thái giám truyền chỉ lại vang lên.

Cả điện không ai dám lên tiếng. Chính thái độ của Hoàng thượng đã làm họ phân vân. Lát sau, có người lên tiếng: “Thần, có việc xin tấu” – người nói là Bùi Đắc Tuyên. “Chuẩn tấu. Thái sư, khanh nói”

– Khải tấu Bệ hạ. Có người làm phản.

Cả nghị đường lúc này bất chợt xôn xao. Toản cũng chau mày.

– Khanh nói xem.

– Khải bẩm. Thái úy Lê Văn Hưng sau khi thắng trận ở Phú Yên đã giao thành cho phó tướng Nguyễn Quang Huy mà không hỏi ý kiến rồi đem quân về Phú Xuân. Đây rõ là tội khinh lờn Thánh giá, có ý đồ mưu phản. Kính xin Bệ hạ cho chém đầu thị chúng. Giết một người để răn muôn người ạ.

– Hồ đồ – Trung thư lệnh, Phụ chính đại thần Trần Văn Kỷ quát. Ông sao dám nói thế là làm phản. Lúc này giặc Ánh thế như hổ báo, có thể tiến đánh bất cứ lúc nào. Hưng làm vậy là đúng, cắt người trông coi Phú Yên rồi về Phú Xuân chỉnh đốn ba quân là đúng. Hơn nữa “tướng quân tại ngoại có thể bất tuân thượng lệnh”, tiền nhân răn dạy chẳng sai.

– Ông… ông… – Bùi Đắc Tuyên giận tím mặt. Trần Văn Kỷ sớm đã bị ông ta xem là cái đinh trong mắt, giờ này lại mắng mình hồ đồ hỏi sao không giận cho được.

– Được rồi. Toản lên tiếng. Thái sư, khanh nói xem. Khanh nhận được tin tức này bao lâu rồi?

– Bẩm, đó là từ ba ngày trước ạ. Khi đó Bệ hạ vẫn còn hôn mê chưa tỉnh, thần đã ra lệnh bắt Hưng giao cho Hình bộ giam giữ chờ bệ hạ xử lý sau.

– Ha… ha… Vừa khéo Trẫm có nhận được một bản tấu chương năm ngày trước, ngặt nỗi Trẫm còn chưa tỉnh dậy nên không biết. Khanh xem.

Nói rồi Toản đưa bản tấu chương cho thái giám bảo đưa Tuyên. Bản tấu chương có bìa màu đỏ rõ ràng cho thấy việc trình tấu có điều rất quan trọng và gấp gáp.

Tuyên đưa hai tay nhận lấy, mở ra đọc. Bỗng mặt y tái mét. Hóa ra trước đây bảy ngày, sau khi hạ thành Phú Yên, Hưng bắt được tin tức giặc Ánh có ý định dùng thủy quân vòng qua cửa Thị Nại, chia binh hai đường tiến đánh Quy Nhơn và Phú Xuân. Đánh Phú Yên thực tế chỉ là nghi binh. Quân tình khẩn cấp, cùng với sự nhạy bén của một trong Thất hổ tướng năm xưa cùng Tiên hoàng nam chinh bắc chiến, Hưng giao thành cho phó tướng của mình là Huy rồi lập tức một mình một ngựa quay về Phú Xuân, định hội quân với Thái phó Trần Quang Diệu bàn kế chống giặc. Trước khi đi, ông còn viết một bản tấu chương, dán vào bìa màu đỏ, đoạn sai người hỏa tốc chuyển về Phượng Hoàng Trung Đô. Hai ngày sau, tấu chương mới được đặt trên bàn của Toản.

– Khanh nghĩ sao?

– Là thần hồ đồ, kính mong Bệ hạ khai ân.

Tuyên run lẩy bẩy, hai chân nhũn lại, vội quỳ sụp xuống, dập đầu mà thưa. Lẽ ra, y không cần phải sợ như vậy. Với quyền bính trong tay, y có thể gạt phắt đi, cho đó là lời xàm tấu, che đậy cho tội mưu phản. Tuy nhiên, đây là quân tình rất khẩn cấp, có thể đe dọa đến sự tồn tại của vương triều. Y không thể làm khác được. Chỉ cần một viên quan tứ phẩm lên tiếng, cả triều thần sẽ đáp lại và y sẽ rơi đầu.

Trong cả cuộc đời mình, đây chính là lần đầu tiên Tuyên thấy sợ hãi thật sự. Y chỉ mong Toản còn nhỏ, chưa hiểu hết sự tình nghiêm trọng nên cho qua. Vả lại, Hoàng thượng còn là cháu, gọi y là cậu. Không kính chùa cũng phải nể mặt Phật; xử quyết mình thì làm sao Toản dám đối mặt với Thái hậu?

Cả triều thần im lặng, ông nhìn tôi, tôi nhìn ông. Trong lòng mỗi người thắc mắc trong tấu chương viết gì mà lại có thể dọa cho Tuyên kinh hồn táng đởm thế kia. Cũng có người vuốt râu cười mỉm xem người gặp họa.

– Bản tấu chương này nói đến một sự tình nghiêm trọng. Toản nói tiếp. Vì thế Trẫm chưa thể nói rõ cho bá quan. Phần nữa Trẫm vẫn còn nhỏ, có nhiều việc chưa thể giải quyết hoàn mỹ được. Vậy nên, tiểu Thái à, Toản quay sang tiểu thái giám đứng hầu phía sau. Ngươi thu hồi bản tấu chương, chuyển sang cho từng người: Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhu, Phan Huy Ích xem thôi. – Toản chỉ cho mấy người này đọc; bởi lẽ, trong trí nhớ mình thì tại điện chỉ có những người này là được xem là tài cao, chí lớn, trung kiên nghĩa dũng mà thôi; những người khác hiện không có vì đang phải làm nhiệm vụ ở xa.

“Thôi xong rồi, mấy lão già này mà đọc thì…”, Tuyên mắng thầm “Cũng tại cái tên ái nam ái nữ Vũ Tâm Can kia bày mưu, đây là cơ hội tốt dẹp bỏ cái gai trong mắt là Lê Văn Hưng. Hy vọng… ài…”

– Còn việc này nữa. – Toản lại nhìn Tuyên, nói tiếp. Gần đây, có người tấu lại cho Trẫm là khanh cho người thu lại thẻ đinh mà Tiên hoang lệnh phân phát cho bá tánh, lại còn phát hành thẻ mới và thu phí nhưng lại không nộp lại cho Khố phòng đúng không? – Toản không nói đến người tấu trình là ai, trong lòng muốn đích thân người ấy nói rõ cho bá quan, một đường hạ bệ Tuyên. Như vậy, cậu có thể ăn nói với Thái hậu. Đây quả là diệu kế.

Dưới điện, Trần Văn Kỷ thầm nghĩ, “Đây rõ là Hoàng thượng đang nói đến bản tấu chương của mình. Tại sao Ngài lại không nói là ai tấu?”. Ngước thấy Toản liếc nhìn mình mỉm cười, bất giác Kỷ hiểu ra “Quả là diệu kế. Hoàng thượng thật là cao minh, muốn hạ Tuyên nhưng không muốn trực tiếp ra tay”.

– Khải bẩm – Kỷ nói. Quả là có việc này. Hôm trước thần được Hà Công công hiện đang quản lý Khố phòng báo lại.

Lúc này, Ngân khố được giao cho Thái giám Tổng quản Ngoại vụ Vũ Mạnh Hà quản lý. Trong cung, trước đây Toản ban cho toàn bộ thái giám và cung nữ họ Vũ để tưởng nhớ đến Vũ Hoàng Đế Quang Trung.

Lại tiếp:

– Thu phí thẻ mới cũng là có thể. Nhưng sao Thái sư lại không giao nộp tiền vào Ngân khố? Có lẽ Thái sư đã cao tuổi, lại nhiều việc nên quên chăng? – Ông cũng biết Toản muốn hạ Tuyên nhưng cũng không muốn quá tuyệt tình để còn giao phó với Thái hậu nên thái độ có vẻ như muốn xuống thang.

– Có lẽ vậy. – Toản gật gù ra chiều đồng ý. Cậu ta có lẽ đã có tuổi, lại nhiều việc nên quên. Ngay cả việc kia cũng là do lý do này. Có lẽ cũng đã đến lúc khanh nên giao lại công việc hiện tại cho người trẻ tuổi hơn vậy.

“Xong rồi”, Tuyên ngồi bệch cuống đất. “Đây là ép ta cáo lão hồi hương đây mà”, nghĩ rồi y lại cười chua xót “Thôi đành vậy, còn hơn là phải chết”.

– Khải bẩm – y nói. Có lẽ thần thật quá già nên hồ đồ. Mấy ngày trước lại lâm bạo bệnh, nay mới khỏi. Khẩn mong Bệ hạ cho thần cáo lão hồi hương để dưỡng già.

– Cậu à. – Toản ra vẻ ôn tồn nói. Khanh là người đức cao vọng trọng, lễ nghĩa nhiều, lại có tài. Niên kỷ tuy đúng là cao nhưng có lẽ quá nhiều việc nên mới ra thế này. Để khanh ra đi quả thật rất tiếc. Khanh hiểu sai ý của Trẫm rồi. Trẫm chỉ muốn khanh giao bớt việc cho người trẻ tuổi hơn thôi. Triều ta đang lúc cần người, khanh muốn cáo lão là muốn làm khó ta sao?

– Thần… thần…

– Nay ta xét thấy thế này. Cậu ta tuổi cao không thể ôm đồm nhiều việc. Khanh hãy thôi công việc hiện tại đi. Lại nói khanh là người hiểu lễ nghĩa, lại có tài. Vậy chuyển sang Bộ Lễ đi thôi. Lúc này đây Bộ đã có Thượng thư, vậy nên giao cho khanh làm Lễ Bộ Thị lang vậy.

Dưới điện, ai cũng nghĩ Tuyên quả thực là hết thời rồi. Giữ được mạng lại còn chức quan là may mắn lắm rồi. Điều qua bộ Lễ thì cuối cùng cũng chẳng thể nào trèo lên được nữa đâu.

– Việc nghị sự đến đây tạm dừng thôi. Nhưng các khanh hãy nán lại ít chút. Trẫm muốn kể một câu chuyện.

Nói rồi cậu sai tiểu thái giám bên cạnh mở một cuộn tranh, hướng về bá quan xem. Đây là bức chân dung của một ông lão, sáng sớm nay Toản sai tiểu thái giám Vũ Lâm Thái họa lại theo trí nhớ của mình khi biết cậu ta học vẽ từ nhỏ và vẽ rất đẹp. Ông lão tóc bạc trắng, ánh mắt tinh anh, hữu thần; khuôn mặt có hơi gầy. Thân khoác bộ trường bào xanh thẫm, lưng đeo trường kiếm, tay cầm sách làm bằng thẻ trúc. Trông như một vị thần tiên, tuy già mà không lão.

Tướng Vũ Văn Dũng chợt quỳ sụp xuống, nước mắt lưng tròng mà vái lạy: “Thầy ơi”.

– Khanh biết ông ấy à?

– Bẩm ông là Trương Văn Hiến, thầy dạy của hạ thần, cũng là thầy của Tiên hoàng. Sinh thời Người văn võ kiêm toàn, lại nhân đức, học cao hiểu rộng. Với thần, Thầy có công như ơn sinh thành. Trong nhà, thần cũng sai người họa lại theo như trí nhớ. Ngặt nỗi, cả nhà thần toàn bộ là võ tướng, văn không nên thân, võ cũng chưa tới nên họa lại không đẹp và giống như bức này. Khẩn xin Bệ hạ sau khi kể chuyện có thể ban lại cho thần để đời đời con cháu thần tưởng nhớ và thờ phụng.

– Ra là vậy. – Toản ra vẻ đã hiểu ra.

Cậu cũng hướng đến quỳ sụp xuống, chắp tay vái lạy.

– Ra Người là thầy của tiên phụ. Cũng nhờ Người điểm hóa mà giờ đây con đã hiểu ra mình là ai, mình phải làm gì. Kính xin Người nhận một lạy này của tiểu tôn.

Bá quan cũng giật mình, vội quỳ xuống. Không ít người thắc mắc “Ra Hoàng thượng được cao nhân chỉ điểm. Nhưng Ngài gặp ông ta khi nào? Chẳng phải từ khi ra đời đến nay, Hoàng thượng ở mãi trong cung, lại ham chơi hơn ham học sao?”

– Các khanh bình thân đi. Giờ đây Trẫm sẽ kể. Câu chuyện cũng khá dài. Các khanh có mặt ở đây từ sớm, nửa đêm đã phải thức giấc, lại đứng suốt cho đến giờ. – Toản nói, đoạn quay sang tiểu Thái. Người đâu, ban tọa. Từ nay về sau, Trẫm lệnh cho bá quan, sau này vào chầu không cần phải đứng, tất cả phải bình tọa.

Bá quan ngạc nhiên lắm. Song vẫn ngồi xuống đôn mà các thái giám mang tới. Đoạn, Toản lim dim mắt ra chiều đang suy tưởng và bắt đầu kể.

“Cách nay năm hôm, Trẫm đang dạo trong Ngự uyển thì bị một tia sét đánh trúng. Phải chăng các khanh nghĩ Trẫm bị hôn mê đến nay mới dậy đúng không? Không! Trẫm không phải hôn mê. Trong lúc đang còn mê mê tỉnh tỉnh, Trẫm thấy mình đang đứng trên một đỉnh núi, xung quanh mây phủ trắng xóa. Trẫm tự hỏi mình đang ở đâu. Đúng lúc này, có một lão bá trông dáng vẻ tiên phong đạo cốt lại gần. Đó là lão bá trong tranh các khanh vừa thấy. Trẫm biết đây không phải là người thường liền theo bản năng chắp tay cung kính:

– Tiểu nhi kính chào lão tiên sinh. Không biết tiểu nhi đang đứng đây là ở đâu.

– Đây là đỉnh Cơn Lôn Sơn – theo như quan niệm của người xưa thì những người đắc đạo thành tiên đều tu luyện ở núi Côn Lôn. Ta đã dùng bí pháp đưa con đến đây.

– Vậy ra lão bá là lão thần tiên rồi. Xin nhận ở con một lạy.

– Ta tu thân tích đức bấy lâu mới được đến đây. Ta gần đây bấm quẻ, thấy nước nam nguy nan tới nơi rồi. Lại thấy con là người có tướng thiên mệnh nên mới làm phép đưa con đến đây. Từ hôm nay, ta sẽ dạy cho con phép trị nước, binh thư, võ nghệ và nhiều môn khác giúp ích cho con trong tương lai. Con cũng đừng lạy ta là thầy, ta không nhận đâu. Lý do thì sau này con sẽ hiểu.

Ta ở lại đó, theo học với lão thần tiên. Thấm thoát năm năm đã trôi qua. Ta được học tất cả, từ Tứ thư, ngũ kinh đến đạo trị nước. Biết ta cũng như Tam Hoàng thúc mê đá gà, ông không dạy ta môn võ nào khác ngoài ‘Hùng Kê Quyền’.”

Nói đoạn Toản chợt đứng dậy, vén tà áo, nhét vào lưng. Rồi trong lúc triều thần ngơ ngác, cậu đi ngay bài ‘Hùng kê quyền’ ngay giữa chánh điện như muốn minh chứng là mình nói thật.

“Ông chỉ không dạy ta phép thuật. Ông bảo, trên đời này có phép thuật chăng? Có thuật trường sinh chăng? Không có đâu. Ai cũng có thể làm được, không có gì huyền bí cả. Tất cả đều được quy vào một môn học gọi là ‘Khoa học’. ‘Khoa học’ lại được chia làm nhiều môn học nhỏ, phải kể đến là Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh vật học, Thiên văn học. Ta cũng đem hết những môn này truyền lại cho con. Sau con hãy thay ta phổ biến cho toàn dân tộc.”

– Người đâu. – Toản dừng lại rồi nói. Đem cho ta một chậu nước , một chậu không, một cây kim, một cây nến và một cái ly bằng lưu ly. Để chứng minh, ta sẽ làm phép cho các khanh xem.

Chờ các Thái giám đem các vật dụng đến, Toản lại nói:

– Các khanh ai có thể làm cho cây kim này nổi được trên mặt nước không? Còn nữa, ta úp cái ly không này vào chậu, giữ chặt, ai có thể đổ nước vào ly mà không phải nhấc ly lên không? Đừng ngại, các khanh hãy tiến lên thử

Có một vài người bước lên thử, có người là võ tướng, có người là học sĩ. Nhưng họ chung quy không cách nào thực hiện được.

– Các khanh không làm được đúng không? Vậy thì để ta.

Toản xắn tay áo lên. Trước tiên, cậu cầm cây kim bỏ vào nước. Cây kim lúc đó cứ an nhiên mà nổi lềnh bềnh, không chìm – cậu áp dụng nguyên lý về ‘sức căng bề mặt của nước’. Bá quan trố mắt mà nhìn. Có người còn há hốc, cằm như rớt xuống đất.

Kế đến, cậu sai người thắp cây nến, đặt vào chiếc chậu không, rồi úp cái ly vào. Đợi cây nến tắt ngúm, cậu lại sai người đổ nước vào chậu. Kỳ lạ thay, nước dần dần ùa vào trong ly, đến lúc mực nước đạt gần chiều cao hai phần ba ly, cao hơn mực nước bên ngoài mới dùng lại.

Đây chỉ là những kiến thức vật lý thông thường. Với một người có bằng Master Vật lý như cậu thì cứ như là trò trẻ con. Nhưng điều này trong mắt bá quan thì lại quá thần kỳ. Họ tin rồi, phục rồi.

Quay lại Long kỷ, ngồi xuống. Chờ bá quan tỉnh táo lại sau cơn bàng hoàng, Toản lại tiếp.

“‘Lại nữa, dân Nam đang hồi nguy biến. Chính là lúc cần người. Bởi vậy, con hãy mời gọi những người có tài về theo phụ tá. Hãy nhớ, bất kể nam, phụ, lão, ấu. Từ cổ chí kim, nước Nam ta bị giặc Tàu đô hộ, truyền bá tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ta không phủ nhận Nho giáo. Nhưng xét thấy, nữ giới ta cũng có không ít nhân tài, lại trung trinh. Ngày xưa có Bà Trưng, Bà Triệu, gần đây có Ngũ Phụng Thư, có nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hãy trọng dụng họ. Hãy cho họ chỗ đứng đúng của mình. Tuy nhiên, đây là việc của tương lai. Con hãy cẩn thận mà làm từng bước, trước tiên là Ngũ Phụng Thư. Những gì cần dạy, ta đã dạy hết cho con. Trở về thôi’.

Ta lần nữa quỳ xuống bái lạy. Khi ngước lên nhìn thì Người đã đâu mất. Lúc này một cơn gió lạnh thổi đến. Ta lại ngất đi. Lúc tỉnh dậy đã là chuyện của đêm qua”.

Chờ cho mọi người kịp tiêu hóa câu chuyện, Toản lại trầm ngâm.

– Ài. Dân gian nói “trên trời một ngày, dưới đất một năm”, ta lại thấy ngược lại, “dưới đất một ngày, trên trời một năm” a. Năm năm trôi qua như giấc mộng.

Bá quan lại gật gù, ra chiều đã minh bạch. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chợt nói thành tiếng: “Thảo nào hôm nay Hoàng thượng lại tỏ ra quá anh minh như vậy. Tiên hoàng ơi, nước Nam ta được cứu rồi”. Nói đoạn ông khóc lớn như đứa trẻ. Tự nhiên Toản cũng mủi lòng, “Quả thật ông ta là bề tôi trung trinh, yêu dân như con. Những giọt nước mắt của ông là thật”

“Hay cho câu ‘nước Nam ta được cứu rồi’. Quả thật hôm nay là ngày vui nhất đời ta”. Một người khác nói rồi cũng bật khóc. Một người khóc, người người khóc. Toản hiểu, giờ phút này chính là lúc nước Nam như một người khổng lồ đã thức giấc sau nghìn năm say ngủ. Vinh quang là đây, tương lai là đây.

Phải nói, trong triều lúc này vang lên tiếng khóc vui mừng. Sau đó lại nổi lên tiếng cười. Có người còn nằm lăn ra giữa đại điện cười như điên như dại.

Chờ tâm tình mọi người lắng xuống. Toản lại nói: “Các khanh hãy bình tâm ngồi lại chỗ cũ, còn việc này Trẫm muốn kể. Đây cũng là điều Lão tiên sinh nói với ta”

Toản lại phơi bày sự thật về Tổ phụ mình cho bá quan. Bởi vì biểu hiện của Toản hôm nay quá thần kỳ, mọi người không thể không tin.

– Việc này, ta biết có một người có thể làm chứng. Đó chính là tướng quân Lê Văn Hưng hiện đang còn bị giam trong Hình Bộ. Ngày đó, ông không tham gia cùng Tam Hoàng thúc và phó tướng Phan Văn Tham bàn luận. Nhưng ông là người trực tiếp vận chuyển quân lương cho hai người. Với nhãn quan hơn người của mình, chắc ông cũng thấy có điều quái lạ. Hãy nói lại việc này cho ông, ông sẽ tự hiểu ra.

Toản lại hỏi:

– Kỷ khanh gia. Vậy ta hỏi khanh. Như thế, chú ta có công hay tội? Thím ta là tốt hay xấu?

– Khải bẩm. Công lớn rõ rành rành, không thể chối cãi. Tam phu nhân quả thật trung trinh tiết liệt.

– Vậy thì, theo lệnh Trẫm. Khôi phục danh dự cho Đông Định Vương Nguyễn Lữ, sai người làm bia, khắc chữ vàng dựng ở mộ Ngài: “Trung dũng vô song”. Về thím ta, chính danh Đông Định Vương Vương phi, thưởng bảng vàng “Trung trinh tiết liệt”, lại ban cho ‘Long đầu trượng’, trên có thể đánh hôn quân, dưới đánh gian thần, trước mặt vua không cần quỳ. Em ta, Nguyễn Phi Long phong làm Đông Định Hầu, cho theo học và phụ tá cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Bá quan gật đầu, cho là phải. Lúc này, Nguyễn Thiếp lại đứng lên:

– Khải bẩm. Dạy học cho con của một vị anh hùng là vinh hạnh của thần. Thần tin triều ta lại sẽ có thêm một nhân tài.

– Khanh không cần nâng người mà hạ mình như thế. Bản thân khanh cũng như bá quan ở đây chính là anh hùng. Bởi vì từ đây, chính các khanh sẽ là những người làm giang sơn rực sáng hào quang, muôn người ngưỡng vọng.

Lúc này trong tim mỗi người chợt thấy ấm áp vô tả, hào khí Tây Sơn lại một lần nữa trỗi dậy sau một thời gian dài ngủ yên.

Lúc này, Toản lại làm một hành động cực kỳ khó hiểu nữa. Cậu nghĩ “Ha… ha… đây sẽ là hành động cuối cùng của ngày hôm nay để mình thu lấy nhân tâm, làm cho mọi người đồng lòng”. Cậu im lặng, hướng ánh nhìn về bá quan đang ngồi, đoạn một lần nữa sụp lạy. Rồi không cho bá quan kịp phản ứng, cậu đứng dậy, dõng dạc nói:

– Một lạy này trước Toản xin tạ tội với bá quan. Mấy năm qua, Toản vẫn còn là một đứa trẻ vô tri, làm phiền lòng chư vị ái khanh, làm triều ta chia rẽ. Sau tạ tội tổ tiên vì đã không làm tròn di huấn. Nay Trẫm mười hai. Nhưng năm ngày qua lại dài như năm năm trời. Các khanh hãy xem Trẫm giờ đây khác nào một thanh niên mười bảy, đã trưởng thành. Từ ngày hôm nay, Trẫm sẽ thân chính, xử lý sự vụ của đất nước. Các khanh có sẵn lòng phò tá Trẫm, thống nhất giang sơn, đem lại vinh quang cho toàn dân tộc không?

– Sẵn lòng… Sẵn lòng… Sẵn lòng…

Bá quan đồng thanh hô lên ba tiếng. Giờ đây, Đại Việt đã chính thức đứng lên, hóa rồng bay vút lên chín tầng trời.