Chương 62: Chiến tranh

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.


Ngày 16 tháng 11 năm 1805, nhằm ngày 27 tháng 10 năm Ất Sửu, Tử Cấm Thành, Bắc Kinh,

Hôm nay, trong khuôn viên Tử Cấm Thành, người ta cho dựng lên một tế đài hình bát giác cao tám mét. Ở mỗi cạnh của tế đài cắm một lá cờ lớn tương ứng với quân kỳ của tám Kỳ binh. Trên đài cắm hai lá cờ cỡ lớn, một là Đại Thanh Hoàng Kỳ, còn lại là một lá soái kỳ. Ngoài ra, trên đó còn có bàn hương án, giá để mười tám món vũ khí, tục gọi thập bát ban binh khí, đại diện cho sức mạnh của quân đội, chia ra hai bên hương án.

Phía dưới đài, binh sĩ đứng xếp hàng ngay ngắn theo từng nhóm Kỳ binh. Đầu hàng là các võ tướng thống lãnh cùng tham tướng, phó tướng. Hôm nay, họ tập trung nơi đây để làm lễ tế cờ, xuất binh thảo phạt Việt Nam. Mọi công việc chuẩn bị đều được tiến hành từ sớm. Tất cả mọi người đều hồi hợp chờ đợi Gia Khánh Hoàng đế cùng bá quan văn võ xuất hiện sau buổi chầu sớm.

Đầu giờ Ngọ, hai hàng quan văn võ lục tục kéo đến, xếp hàng dưới chân đài. Lúc này, viên thái giám truyền chỉ nói lớn: “Hoàng thượng thượng đàn”.

Phía dưới, bá quan cùng binh sĩ hô vang: “Ngô Hoàng vạn tuế… vạn tuế… vạn vạn tuế…”

Gia Khánh lúc này mới xuất hiện, bước từng bước chậm rãi lên từng bậc thang trong từng tiếng hô “vạn tuế”. Lên đến nơi, ông ta phất tay nói “Trẫm miễn lễ, chư vị khanh gia bình thân” rồi ngồi xuống chiếc Long ỷ được chuẩn bị từ trước. Đoạn, ông ta ra hiệu cho viên thái giám bên cạnh, sai y đọc chiếu thư. Viên thái giám lạy tạ rồi mở cuộn giấy, ưỡn mình đọc lớn:

“Thượng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết,

Trẫm nhờ trời cao chiếu cố đã trải hơn mười năm tại ngôi vị Thiên tử. Trong mấy năm này, những việc Trẫm làm dù ít nhiều chưa thể so sánh với Thập toàn võ công của Tiên đế. Thế nhưng, Trẫm tự tin mà nói, mấy năm qua, dưới sự trị vì, nơi nơi quốc thái dân an. Điều an ủi và tự hào nhất, đó là chính tay Trẫm đã phế bỏ Đại gian thần Hòa Thân cùng Phúc Khang An, đem lại sự ổn định cho triều chính.

Việc lo lắng hiện nay của Trẫm chính là bọn phản tặc Hồng Hoa hội. Đây chính là nội ưu. Gần đây, Trẫm có được tin tức xác đáng rằng chính bọn man di An Nam đã chu cấp cho chúng tiền tài, binh khí để dấy quân làm phản. Bởi thế nên bọn man di phương Nam kia chính là ngoại loạn vậy.

Tình thế Giang sơn hôm nay đang hồi nguy cấp. Trong có nội ưu, ngoài có ngoại loạn. Trẫm cũng đã có kế sách bình loạn. Đó là phải dẹp bỏ ngoại loạn trước. Nhờ thế mà bọn tặc phỉ Hồng Hoa hội sẽ không còn kẻ chống lưng, tất sinh bất ổn và sụp đổ.

Lại nữa, xứ man di An Nam kia mỗi ngày lại thêm hống hách và khinh lờn Thiên uy. Từ ngày An Nam vương Nguyễn Quang Bình của chúng còn sống, nhân Tiên đế lúc này tuổi đã cao, chúng đã cấu kết với Đại gian thần Hòa Thân và Phúc Khang An để mưu lợi. Điều đó cho thấy chúng đã có âm mưu từ trước.

Vừa rồi, Trẫm đã sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang đi sứ sang đó. Định rằng chuyến đi này nhằm để hỏi tội tại vì sao năm năm rồi chúng còn chưa phái người đi diện kiến và cống nạp cho Thiên triều. Thế mà cả Chính sứ Ngô Hùng Quang và Phó sứ Phó Văn Phương đều bị chúng dùng nhục hình trên chính điện. Đây là điều xúc phạm Thiên triều quá thể.

Mọi điều trước mắt đều cho thấy đám man di An Nam quả là tội lớn khó tha. Nay Trẫm quyết định cất binh thảo phạt. Trước là để đạp chúng dưới gót chân Thiên triều, làm gương cho các nước khác. Sau là để cắt đứt nguồn tiếp tế cho lũ phản tặc Hồng Hoa hội.

Trẫm quyết định ban soái kỳ, kiếm lệnh cùng ấn tín cho Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền. Lại sắc phong cho làm Chinh Nam Đại Nguyên soái, lãnh binh năm mươi vạn. Khanh hãy thay Trẫm dạy cho chúng biết thế nào là uy quyền và cơn thịnh nộ của Thiên tử.

Khâm thử!”

Lúc này cũng vừa khéo chính Ngọ. Một hồi trống lệnh vang lên. Viên thái giám lại nói to: “Mời Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền lên đài bái tướng”.

Vĩnh Tuyền chắp tay dạ ran rồi bước từng bước vững chãi lên đài. Hôm nay, y trông thật oai phong trong tướng bào, đầu đội hổ quan, khác hẳn dáng vẻ nho nhã ngày thường. Đến trước mặt Gia Khánh, y quỳ xuống hành lễ:

– Hoàng đệ Vĩnh Tuyền bái kiến Hoàng huynh. Cung chúc Hoàng huynh vạn tuế… vạn tuế… vạn vạn tuế…

Viên thái giám lại nói: “Mời Hoàng thượng ban soái kỳ, kiếm lệnh, ấn tín cho Nghi Thân vương”.

Từng món tín vật đại biểu cho quyền lực của nguyên soái được Gia Khánh tận tay giao cho Vĩnh Tuyền. Đoạn, ông ta nói:

– Hoàng đệ! Nay trẫm gia phong cho đệ là Chinh Nam Đại Nguyên soái. Đệ hãy thay trẫm mà lãnh hai mươi lăm vạn quân thuộc Phó Hoàng Kỳ và hai mươi lăm vạn quân thuộc Chính Hồng kỳ đi thảo phạt lũ man di. Trận này, đệ hãy một lần xóa tên An Nam, sát nhập chúng vĩnh viễn vào cương thổ Đại Thanh.

– Hoàng đệ lĩnh chỉ và quyết không làm nhục mệnh.

– Tốt lắm, đệ hãy bình thân và nói vài lời trước mặt ba quân, ủy lạo tinh thần binh sĩ, thể hiện uy nghiêm của Đại Nguyên soái.

Vĩnh Tuyền lại vâng dạ rồi đứng lên. Y hướng xuống dưới đài nói một tràng dài để thể hiện uy nghiêm. Y nói cũng nhiều lắm. Nào là mỗi nam tử Hán phải biết xả thân vì nước, vì Thiên tử. Nào là Việt Nam là lũ rợ An Nam, nhiều lần xúc phạm Thiên triều. Nào là Việt Nam chính là đầu sỏ xúi dục Hồng Hoa hội làm phản. Và còn nhiều, nhiều nữa. Y lại nói lần này mỗi binh sĩ đều mang trên mình một sứ mạng vinh quang, công lớn lưu danh nghìn thu.

Buổi lễ tế cờ bái tướng đến đây cũng kết thúc với tiếng hô vang của quân sĩ. Vĩnh Tuyền lại định năm ngày sau, tức ngày 21 tháng mười một, nhằm ngày 1 tháng 10 năm Ất Sửu sẽ chính thức động binh.

……………

Ngay sau lễ tế cờ của Đại Thanh, Toản cùng triều thần tại Phú Xuân cũng nhận được tin tức từ chim ưng truyền thư của những nhân viên CPQ cài sâu trong lãnh thổ đối phương. Các tin tức khác về động tĩnh của năm mươi vạn quân cũng nhanh chóng truyền về. Một cuộc họp quân cơ lập tức được tổ chức dưới sự chủ trì của Toản.

Bước vào cuộc họp, mọi người thấy thần sắc của nhà vua hồng nhuận, tươi tắn, nào thấy dấu vết của bệnh tật. Lại nữa, tinh thần của anh sảng khoái vô cùng. Như vậy, quả là trước đây tin anh bị đột quỵ là giả. Tất cả chỉ để nhằm che mắt nhà Đại Thanh. Và người Phương Bắc đã trúng kế. Họ gấp rút tiến hành chiến tranh.

Mỉm cười với bá quan, Toản nói:

– Các vị khanh gia! Người Phương Bắc đã trúng kế. Chúng đã gấp rút điều binh. Theo thám báo, ngày hai mươi mốt sắp tới, tức là còn hai ngày nữa, chúng sẽ tràn qua lãnh thổ nước ta. Các khanh hãy mau phân tích tình hình.

Đông Định vương Nguyễn Phi Long vốn là Giám đốc CPQ lúc này lên tiếng:

– Bẩm Bệ hạ cùng các vị đồng liêu. Tin tức của thám báo CPQ truyền về cho biết Đại Nguyên soái giặc là Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền. Y tuổi đời còn khá trẻ, lại khá hiếu thắng. Y lãnh năm mươi vạn quân, chia làm hai lộ quân. Lộ thứ nhất gồm hai mươi lăm vạn quân Phó Hoàng kỳ, hiện đang đóng ở Hồng Hà, hành tỉnh Vân Nam. Hướng đi của lộ quân này dự kiến là sẽ đánh vào Hà Giang. Lộ thứ hai gồm hai mươi lăm vạn quân Chánh Hồng kỳ, hiện đang đóng ở Sùng Tả, hành tỉnh Quảng Tây. Lộ quân này dự kiến sẽ đánh vào Lạng Sơn. Theo tin tức báo về, Vĩnh Tuyền sẽ nắm lộ quân thứ hai. Nắm giữ lộ quân thứ hai lại là người quen của chúng ta, Tổng đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang.

– Ha… ha… ha… – Quang Thùy cười lớn – Thằng già Ngô Hùng Quang chắc là chê hai mươi trượng vào mông còn chưa đủ đây mà.

– Lần này nếu bắt được y, Bệ hạ hãy cho thần tự tay tặng hắn hai mươi trượng, à không, năm mươi trượng vào mông nhé – Nguyễn Văn Tuyết vừa cười, vừa nói.

Thật là hết hiểu nổi. Có ai dám tin đây là cuộc họp bàn kế sách chiến tranh không đây? Người nào người nấy đều cười đùa vui vẻ. Thật, điều này chỉ thấy ở Việt Nam dưới triều Cảnh Thịnh mà thôi. Lúc này, Nguyễn Ánh mới nói với mọi người:

– Thôi, mọi người đừng đùa nữa. Quang Thùy, nghĩa phụ trước nay chưa từng nghĩ con lại như thế này, phải nghiêm nghị lắm chứ. Còn nữa, lã Tuyết, lão cũng thật là. Già rồi mà vẫn hùa cùng đám trẻ mà cười đùa.

– Nghĩa phụ à – Thùy lắc đầu, le lưỡi nói. – Bản tính con là vậy mà. Trong ba anh em thì trừ chú tư là Hoàng đế phải nghiêm nghị ra, con và chú ba Bàn lúc nào cũng vậy. Tạo không khí mà nghĩa phụ.

– Thôi được rồi anh hai. Nhiều lúc em không dám tin mình có hai người anh như vậy nữa đó. Nào, các khanh hãy tính toán xem chúng ta phải làm thế nào đi.

Nguyễn Quang Huy vốn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nên lúc nào cũng phải là người phát pháo trước. Anh nói:

– Bẩm Bệ hạ! Hiện tại, Quân đoàn một đang đóng ở phía Bắc, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Quân đoàn bốn thì đang gấp rút di chuyển, hiện cũng đã ở ngoài Thăng Long rồi. Hạm đội bốn cũng đã sẵn sàng ngoài vịnh Bắc Bộ. Tất cả chỉ còn chờ Bệ hạ sắp xếp mà thôi.

– Bẩm Bệ hạ – Thượng tướng quân Đặng Văn Long nói. – Thần nghĩ, trước ta phải sắp xếp xem quân đoàn nào sẽ đối đầu lộ quân nào.

– Chú Long, chú nói vậy thì chắc là cũng đã có chủ ý. Chú nói trẫm và mọi người nghe thử xem.

– Thần thấy, Quân đoàn một trước giờ ở Bắc Hà, xưa nay vốn đã quen thuộc địa hình, lại thiện chiến. Thế nên ta có thể điều lên đón đầu lộ quân thứ nhất của chúng và bắt giữ Vĩnh Tuyền. Còn Quân đoàn bốn vốn dĩ trước nay phục vụ dưới quyền của Thái thượng hoàng, đã quen chinh chiến xa nhà và có sở trường tác chiến ở đồng bằng. Thế nên, ta cho họ đón đầu lộ quân thứ hai. Phần hạm đội bốn, hãy cho họ chờ người Anh Cát Lợi tiến công rồi mới hành động.

– Có lý. Thần đồng ý với lão Long – người mới lên tiếng là Thượng tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức. – Thần hiểu rất rõ Quân đoàn bốn. Họ thật sự có sở trường tác chiến ở đồng bằng và công thành chiếm đất. Lý ra, thần đã muốn xung phong, xin Bệ hạ cho cầm quân. Thế nhưng, thần cũng hiểu tâm tư của Bệ hạ. Chúng thần dù là người cũ phương nam hay Thất Hổ Tây Sơn hay Ngũ Phụng Thư đều đã già rồi. Chúng thần nên tạo điều kiện cho lớp trẻ thể hiện tài năng.

Phải nói thêm một chút. Hàm Thượng tướng quân đối với quân đội Việt Nam mang ý nghĩa danh dự nhiều hơn và những người có quân hàm này đều là những tướng quân dạn dày kinh nghiệm. họ sẵn sàng lui về hậu phương, đảm nhiệm việc đào tạo, hoạch định và tham mưu cho quân đội. Tất cả đều nhường cho lớp trẻ thể hiện tài năng. Ngoài Tây Sơn Thất Hổ, Ngũ Phụng Thư, còn có năm vị mang quân hàm này là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại.

Thượng tướng quân Lê Văn Duyệt vốn là người mưu trí, trước nay luôn giữ vai trò quân sư cho Nguyễn Ánh. Sau khi Sài Gòn định hình, ông cũng lui về, giữ một vai trò quan trọng trong Ban Tham mưu, Bộ Chính trị. Duyệt thưa:

– Bẩm Bệ hạ! Lúc trước, ta đã định sẽ cho chúng thắng những trận đầu để tạo cái cớ. Thế nên, với lộ quân thứ nhất, thần nghĩ chúng ta cứ cho chúng chiếm cứ Hà Giang. Quân đoàn một sẽ chia ra kiểm soát Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai. Nhiệm vụ của họ là nhốt chúng gọn trong Hà Giang. Với lộ thứ hai, ta cứ để cho chúng một đường thuận lợi áp sát Thăng Long. Tức là cứ cho chúng tiến quân qua Lạng Sơn, Thái Nguyên. Quân đoàn bốn lại chia làm hai, một trấn thủ Bắc Giang, một trấn thù Bắc Thăng Long. Dù sao y cũng là người quen, lại khi dễ người Việt mà.

– Ý khanh là chúng ta chơi đòn tâm lý với chúng? Lộ thứ nhất do Vĩnh Tuyền nắm, thấy khó khăn trong việc tiến lên nên sẽ dịch dần qua hướng đông, chúng ta sẽ mai phục và cắt đôi lộ quân này. Còn lộ quân thứ hai sẽ nhanh chóng khinh địch mà kém đề phòng. Khi lộ quân này áp sát Thăng Long, một nửa Quân đoàn bốn sẽ tập hậu chúng. Trẫm nói thế có đúng không? – Nguyễn Ánh hỏi.

– Thái thượng hoàng! Ngài nói thế là đúng, nhưng chưa đủ. Thần muốn làm như thế là để trong lúc này, Bệ hạ sẽ soạn một chiếu thư công bố với toàn dân. Rằng chúng thừa cơ Bệ hạ đang bệnh, quốc sự chậm trễ mới có thể lấn sâu vào. Để cho dân chúng biết không phải là chúng ta yếu mà là vì bận bịu nên mới như vậy. miền Bắc hiện nay chủ yếu là do các vị tù trưởng, già làng các dân tộc anh em ít người trấn thủ. Khi chiếu ban ra, họ sẽ có lòng tin là chúng ta không bỏ rơi họ mà không biết rằng đây là sự sắp xếp có chủ đích. Như vậy thì chính nghĩa sẽ nằm trong tay ta. Và lần chinh phạt sắp tới cũng sẽ làm nức lòng mọi người.

– Kế hay lắm, lão Duyệt – Thượng tướng quân Trần Quang Diệu nói. – Nói thật nhé, ngày trước tôi không hề e ngại lão Tánh, lão Đức hay lão Thành mà chính là lão đó. Lão xứng đáng được xem là bộ não của toàn quân.

– Không dám. Lão thì có kém gì tôi. Cũng là quỷ kế đa đoan đấy thôi.

Hai vị tướng già, ông tung tôi hứng, cùng cười phá lên. Nhưng đúng là họ phục nhau thật đấy. Câu “người hiểu rõ anh nhất chính là kẻ thù của anh” là hoàn toàn chính xác. Giờ đây, hai người vốn là kẻ thù của nhau lại đứng cùng chiến tuyến, tình cảm giữa họ phút chốc trở nên chan hòa và thân ái.

– Bệ hạ! – Nguyễn Quang Huy nói – Thần đồng ý với hai vị lão tướng quân. Đây là một kế sách hay.

– Trẫm cũng thấy thế – Toản nói. – Tài trí của chú Duyệt, bản thân trẫm chưa hề nghi ngờ. Mưu kế lần này của chú lại càng chứng tỏ được điều đó. Nghĩa phụ à, đâu phải là chỉ có Tây Sơn Thất Hổ mới là giỏi. Cha cũng thấy mấy chú Duyệt, Đức, Thành, Tánh cũng là bậc trí dũng song toàn đó thôi. Nói thật, con rất hâm mộ các chú đó, nghĩa phụ à.

Nghe thế, Ánh cũng thấy sướng vui trong bụng. Ít ra, ông nghĩ ngày trước mình thua không phải là vì mình không có đủ người tài và binh lực. Cái thua lớn nhất nằm trong hệ thống vũ khí mà thôi.

Cuối cùng, mọi người đều đồng ý với kế sách này. Ngày 21 tháng 11, quân Thanh tràn qua bờ cõi Việt Nam. Đúng như dự định, lộ quân thứ nhất do Vĩnh Tuyền làm chủ tuy chiếm được Hà Giang nhưng lại gặp phải sự kháng cự cực mạnh của Quân đoàn một. Cho tới một tuần lễ sau, chúng không thể tiến thêm một bước. Với quân số đông đảo lên tới hai mươi lăm vạn, tức là hai trăm năm mươi nghìn, tưởng rằng Quân đoàn một với hơn bốn mươi nghìn người cũng phải trả ra cái giá rất đắt để kìm chân. Thế mà, mỉa mai thay, Quân đoàn bốn chưa hề mất một binh một tốt nào. Tổng tư lệnh Quân đoàn một là Đại tướng Trần Vũ, một vị tướng trẻ, năm nay mới chỉ hai mươi tám tuổi đã lợi dụng địa hình, phát huy đến mức cao nhất chiến thuật du kích để nhốt chúng lại trong đất Hà Giang. Với lợi thế tầm bắn xa của TSG02 cùng với sự thoắt ẩn, thoắt hiện của binh sĩ, Quân đoàn một dần trở thành ác mộng của Vĩnh Tuyền khi mỗi ngày trôi qua là y phải mất hơn hai trăm người. Cùng lúc đó, Ngô Hùng Quang nhờ sự “giúp đỡ” của Quân đoàn bốn của Tổng tư lệnh, Đại tướng Phạm Văn Dễ đã tiến rất sâu vào. Cũng qua một tuần, lộ quân thứ hai đã bắt đầu áp sát Thăng Long.

Lúc này, Vĩnh Tuyền quyết định thay đổi chiến thuật. Y bắt đầu chuyển quân sang Lạng Sơn, nơi mà nhà Thanh đã chiếm được, dự là sẽ đánh vào sau lưng Quân đoàn một rồi mới cùng lộ quân của Ngô Hùng Quang, hai mặt giáp công Thăng Long. Lại nữa, y sai người lệnh cho Ngô Hùng Quang dừng bước mà chờ mình. Chính mệnh lệnh này đã làm cho Ngô Hùng Quang bất mãn. Cũng phải thôi, Ngô Hùng Quang nghĩ: “Vĩnh Tuyền quả thật chỉ là công tử bột. Cùng xuất quân với nhau, thế mà ta đã tiến được đến đây trong khi hắn vẫn còn bị trói chân ở đất Hà Giang. Hắn lệnh cho mình dừng lại là sợ mình tranh công đây mà”. Nghĩ như vậy nhưng Ngô Quang Hùng cũng chấp hành mệnh lệnh này. Y cũng muốn binh sĩ nghỉ ngơi đôi chút.

Vậy là bước đầu tiên trong kế sách Bắc phạt của Toản đã thành công. Việc tiếp theo mới chính là màn chính của vở kịch mà anh chính là đạo diễn vốn đã ấp ủ bấy lâu. Và cũng từ giờ phút này, con rồng Việt Nam mới bắt đầu gầm lên, làm rung chuyển một góc trời.