Chương 26: Dạ vũ đêm Giáng Sinh (1)

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Bốn tháng lênh đênh trên biển nữa lại trôi qua. Cuối cùng, đoàn thuyền cũng đến được cảng Tilbul vào ngày 19 tháng 12 năm 1795.

Bấy giờ, thành phố London đã vào Đông, đoàn thuyền tiến lên từng chút một cách khó nhọc. Những lớp băng mỏng kết thành từng mảng lớn trên bề mặt vịnh nước. Ngoài trời, những hạt bông tuyết bay lất phất phả cái rét căm căm thấu tận xương tủy. Đây hẳn không phải lần đầu tiên những người Việt đối diện với thời tiết này… Thế nhưng, khung cảnh bốn bề tuyết phủ trắng xóa này bao giờ cũng hấp dẫn họ.

Trên con đường chính dẫn đến điện Buckingham, có rất nhiều tuyết được người làm đẩy sang hai bên, thành hai hàng như đón khách vào vậy, họ dồn thành từng đống nhỏ, để lại lòng đường sạch sẽ, thẳng tắp. Ở Anh Cát Lợi thời điểm này đã bước vào mùa Giáng sinh – mùa đẹp nhất và quan trọng nhất trong năm. Khắp mọi nẻo đường, người ta đem về đặt trước cổng nhà mình những cây thông rất to, được trang trí từ những dải băng kim tuyến đẹp lộng lẫy. Đám trẻ con lại đi nhặt nhạnh về, chất thành từng đống tuyết lớn, dựng thành những chú người tuyết với nhiều hình dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Sau khi phái đoàn được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi ổn thỏa, hôm sau, Bàn cùng Phan Huy Ích và ba người nữa trong nhóm ba trăm đại diện cho sứ bộ Đại Việt được mời đến điện Buckingham diện kiến vua George III.

Khác với Đại Việt và Trung Hoa, Hoàng cung của Anh Cát Lợi nói riêng và cả Châu Âu nói chung không phải là một quần thể kiến trúc vĩ đại. Nó chỉ đơn giản là một ngôi nhà rất lớn đặt giữa một khuôn viên rộng rãi. Một điều khác nữa, các phái đoàn không được tiếp rước trong một buổi thượng triều với đầy đủ bá quan văn võ. Cũng phải nói thêm, điện Buckingham lúc này vẫn chưa được xem là nơi làm việc chính thức của cơ quan quyền lực nhất vương quốc. Nó được dùng làm nơi cư ngụ của nhà Vua và để phục vụ cho các sự kiện đặc biệt của đất nước và cho hoàng gia như tiếp đón khách quý, tổ chức các dịp lễ quan trọng.

Tiếp đón Bàn là một đoàn quân nhạc trong lễ phục trang trọng với áo đỏ, quần vàng và nón đen. Phía đối diện là một dàn lính nghi thức với súng hỏa mai bật lưỡi lê sáng bóng. Sau loạt đạn chào mừng, Augustus tươi cười bước tới và giới thiệu cho Bàn những thành viên quan trọng trong Nội các hiện diện ở buổi tiếp đón. Kết thúc những nghi thức xã giao, đoàn sứ bộ được đưa đến phòng họp lớn nhất, cũng là phòng làm việc của vua.

– Chào mừng phái đoàn nước An Nam đến thăm Vương quốc Anh, – vua George III không chờ đoàn sứ bộ lên tiếng đã nói trước. – Các ngài đi đường chắc là đã phải chịu rất nhiều vất vả.

Bàn cùng những thành viên khác thoáng thấy bất ngờ khi thấy Anh Cát Lợi không có quá nhiều những nghi lễ rườm rà như quê nhà và người phương Đông. Anh mau chóng bắt kịp nhịp độ và bước lên thưa:

– Tạ ơn Quốc vương Bệ hạ quan tâm. Tôi tên Jack, Tây chinh Vương của Đại Việt và cũng là trưởng phái đoàn ngoại giao. Kính chúc ngài có thật nhiều sức khoẻ.

– Ở Vương quốc Anh không có quá nhiều nghi thức khách sáo như phương Đông, Ngài không cần phải tỏ ra như thế. Ngài có thể giới thiệu cho ta và những vị ở đây biết các thành viên trong phái đoàn không?

– Vâng, – Bàn trả lời. – Bên cạnh tôi đây là Phó sứ Phan Huy Ích, đồng thời cũng là một trong mười bảy người có địa vị cao nhất Đại Việt chúng tôi. Bên cạnh là Phạm Thái, Lê Hồng Quân và Mạc Văn Khoa, là ba trong những người có tư tưởng tiến bộ nhất nước tôi.

Bàn vừa dứt lời, bốn người còn lại cũng khẽ cúi đầu chào. Nghi thức chào hỏi đến đây cũng kết thúc. Đoàn sứ bộ được mời vào ngồi cùng nhà Vua và các vị trong Nội các tại một chiếc bàn hình ô van ở căn phòng tiếp khách kế bên.

– Thái tử và tướng quân Downing cho biết nước Ngài được trị vì bở một vị vua còn rất trẻ, là vua David I. Ta tự hỏi, với tuổi tác như thế, muốn tự lo cho bản thân mình đã là rất khó, vậy mà Augustus lại khen hết lời. Chắc Nhà vua phải là một người rất đặc biệt?

– Đúng vậy, David I của chúng tôi rất đặc biệt, – Bàn mạnh dạn nói. – Tôi dám khẳng định, ngay cả người phương Bắc, đất nước Trung Hoa từ những ngày đầu lập quốc cho đến nay cũng không có được một vị vua như vậy. Nhũng gì Ngài nói, những gì Ngài làm đều để lại một kết quả tốt đến mức không ngờ.

– Nghe nói, – lên tiếng là một người đàn ông trung niên trong một bộ quân phục, – Nhà vua không chỉ là một Chính trị gia, mà còn là một nhà phát minh. Không biết điều này có thật không?

– Quả thật là như vậy, thưa ngài Wesley, – Phan Huy Ích thay lời của Bàn cùng với giọng điệu rất tự hào. – Ngài chính là người cải tiến súng Điểu thương và phát minh ra thứ gọi là hạt nổ cũng như thay đổi hình dạng chuẩn của viên đạn.

Ra người vừa hỏi chính là Hầu tước Wellesley, anh ruột của Công tước Wellington nổi tiếng sau này, một trong những người mà Quang Toản kính phục nhất.

– Được rồi, – vua George III nhẹ nhàng ngắt lời Ích, đoạn quay sang hỏi Bàn, – chúng ta nên đi vào vấn đề chính, những việc còn lại hãy để buổi tiệc chào mừng hãy nói tiếp. Vương quốc Anh chúng tôi có thể giúp gì được cho các Ngài, Ngài Jack?

– Qua Quốc thư chúng tôi đã đệ trình cùng với những báo cáo của Thái tử Augustus và bản ghi nhớ về thỏa thuận bang giao giữa hai nước, chắc Ngài cũng biết một ít về ý định của chúng tôi. Nhân đây, trước mặt Quốc vương Bệ hạ đáng kính, tôi xin nhắc lại một chút. Chúng tôi thật sự muốn kết minh, đồng thời muốn những trao đổi với quý quốc về kỹ thuật và công nghệ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh thương mại và hy vọng quý quốc tạo điều kiện cho những trí thức trẻ của Đại Việt đến đây học tập.

– Về việc này – George III nói – Augustus và Downing đã báo cáo lại. Về cơ bản, ta và Nội các đã đồng ý. Có điều, chúng ta muốn có thêm một điều kiện nhỏ, thiết nghĩ cũng không có ảnh hưởng quá lớn.

– Xin Ngài cứ nói.

– Chúng ta muốn có một khu vực để sửa chữa tàu thuyền ở quý quốc, xin lưu ý là chỉ để sửa chữa tàu thuyền thôi.

“Ai da… thế này chẳng phải là các người muốn lập một căn cứ quân sự hay sao. Sao không nói thẳng ra cho rồi?” – Bàn nghĩ thầm – “Nhưng không sao, chỉ cần quản lý quân số của các người thôi. Vả lại, dùng các người làm bình phong hù chết bọn giặc Ánh cũng được”.

– Việc này – anh nói – không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng Ngài cũng biết đấy, việc này ít nhiều cũng liên quan đến quân sự, quốc phòng. Tuy vậy, với quyền hạn được trao, tôi có thể chấp nhận nhưng có đi kèm một thỏa thuận nho nhỏ. Đó là các Ngài cho phép một vài người Việt chúng tôi đến làm việc ở đây với tư cách là học việc, vừa khéo phù hợp với thỏa thuận về chuyển giao công nghệ đóng tàu. Bên cạnh đó là số lượng quân nhân thường trực của các ngài không quá ba trăm người.

Bàn muốn khống chế binh lực của đối phương ở con số ba trăm cũng bởi vì số lượng binh lính cao nhất phục vụ trên chiến thuyền cũng chỉ là ba trăm. Tức là chỉ có thể vận hành một thuyền chiến cỡ lớn hoặc hai ba chiếc thuyền nhỏ. Việc khống chế nếu xảy ra biến cố của nhà Tây Sơn có thể thừa sức giải quyết.

– Việc này không thành vấn đề. Ngài đã gặp những bất trắc trên đường đến đây nên cũng hiểu rõ điều này. Vượt biển luôn là một việc mang nhiều nguy hiểm. Để đi từ đây đến miền viễn Đông chắc chắn sẽ có không ít những chiếc thuyền bị hư hại. Chỉ cần có một nơi để chúng tôi yên tâm dừng chân và sửa chữa tàu thuyền là quá tốt rồi.

– Vậy chúng ta không còn gì khúc mắc nữa. Việc ký kết thỏa thuận bang giao chắc là đã có thể được tiến hành rồi chứ?

– Cứ quyết định như vậy. Bên phía chúng tôi, Hầu tước Wellesley đây sẽ đại diện Vương Quốc Anh phối hợp cùng quý phái đoàn biên soạn và chỉnh sửa các điều khoản. Ngày đầu năm mới cũng chính là ngày chúng ta chính thức ký kết hiệp ước bang giao.

– Xin cứ làm theo ý của Quốc vương Bệ hạ. Về phía Đại Việt, Ngài Phan Huy Ích đây sẽ phối hợp với Hầu tước làm việc.

– Tốt. Vậy chúng ta cũng không cần bàn thêm nhiều nữa. Mời Ngài cùng phái đoàn đến dùng bữa trưa tại phòng tiệc trong điện, nhân tiện tham quan niềm tự hào của ta, cung điện Buckingham này.

Vậy là đoàn sứ bộ Đại Việt cùng George III, Thái tử Augustus và một số vị trong Nội các Anh Cát Lợi đang có mặt di chuyển sang phòng tiệc dùng bữa trưa. Bữa thết đãi kết thúc trong không khí vui vẻ và cởi mở. George III tỏ ra vô cùng hứng thú với Quang Toản và yêu mến Quang Bàn. Ông còn đích thân dẫn Bàn đi tham quan khắp nơi trong điện. Và cũng tại lúc này, Bàn nhận được một lời mời mà chính nó sẽ thay đổi cả cuộc đời anh về sau, lời mời dự buổi Dạ vũ đêm Giáng Sinh mấy ngày tới.