Chương 61: Hoàng đế đột quỵ​

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Ngay sau cuộc họp bí mật, Quân đoàn một và Quân đoàn bốn mới được thành lập chưa được bao lâu đã được điều động tiến về biên giới phía Bắc. Việc chuyển quân được thực hiện hoàn toàn trong bí mật. Giữa những lo toan bộn bề cho cuộc sống thường nhật và dự định trong tương lai, không có người nào biết được một đại sự đang âm thầm diễn ra.

Cuộc sống cứ thế mà yên ả trôi qua trừ một tin tức chấn động. Hai ngày sau khi đoàn sứ giả Đại Thanh rời khỏi Phú Xuân, vị vua trẻ, người được toàn dân yêu thương và ủng hộ bất ngờ đột quỵ giữa lúc đang họp với mấy người trong bộ chính trị. Tin tức này còn xác thực hơn nữa khi đây là một cuộc gặp gỡ của nhà vua cùng bộ chính trị với những người đại diện của người dân. Cuộc họp này vốn dĩ được tổ chức đều đặn mỗi ba tháng một lần. Đã từ cách nay khá lâu, Toản đã cho tổ chức những cuộc gặp gỡ thế này để hiểu rõ hơn tiếng nói của con dân mình. Các sự kiện này thường diễn ra vào các tháng giêng, năm, tám và mười một. Sở dĩ anh chọn các tháng này vì thông thường, Tết Nguyên Đán hay rơi vào tháng hai và ba dương lịch.

Các bác sĩ Tây y và đại phu Đông y giỏi nhất cả nước đều rục rịch tiến về Kinh thành Phú Xuân. Một buổi hội chẩn lớn sắp được tổ chức để tìm hiểu bệnh tình và chữa trị cho vị vua trẻ. Khắp các đền chùa, nhà thờ đều tổ chức những buổi cầu nguyện. Bá tính thầm xin ơn trên cho Quảng Toản có sức khỏe an khang. Với họ, chỉ có vị vua anh minh, tài giỏi và nhân hậu như Toản mới có thể đem lại cuộc sống ấm no hiện tại. Ngay cả các công sở cũng dành ra mười lăm phút đồng hồ vào mỗi sáng sớm để cầu nguyện tại nơi làm việc.

Đã bốn ngày trôi qua mà vẫn chưa có tin tức tốt lành nào được truyền ra. Cuộc hội chẩn lớn cũng đã qua nhưng không một ai có thể đoán định được căn bệnh này là gì. Nhà vua hôn mê đến nay đã bước sang ngày thứ sáu. Ai nấy đều cảm thấy lo lắng trong lòng không yên. Cả nước chìm trong một không khí ảm đạm.

Như thế, lẽ nào căn bệnh của Toản quả thật nghiêm trọng đến thế sao? Tại sao cơn đột quỵ lại không chọn lúc nào mà lại đến ngay lúc này? Đây là thời điểm then chốt, quyết định sự tồn tại của cả một vương triều hưng thịnh khi mà người Phương Bắc đang lăm le, dòm ngó. Lẽ nào Toản cũng giống như Quang Trung Hoàng đế năm xưa nằm xuống ngay trong thời điểm mấu chốt nhất?

Hoặc dã đây chỉ là một mưu kế? Nếu thế thì nó rõ ràng đã rất thành công. Nhưng mưu kế nào mà lại phải lấy sinh mạng của nhà vua để thực hiện. Làm như thế lẽ nào Toản không sợ mình sẽ có điềm gỡ sao? Và Toản làm thế để làm gì?

……………

Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Đại Thanh triều.

“Thánh thượng giá lâm!”

“Ngô Hoàng vạn tuế… vạn tuế… vạn vạn tuế!”

“Các vị ái khanh! Hãy bình thân!”

Đây là buổi thượng triều của Gia Khánh Hoàng đế sau khi Ngô Hùng Quang cùng đoàn sứ giả trở về đến Bắc Kinh. Đó cũng chính là ngày tám tháng mười một theo Dương lịch. Trước đó một ngày, Gia Khánh đã vô cùng tức tối khi triệu kiến Ngô Hùng Quang ở điện Càn Thanh. Cái tách uống trà yêu thích cũng bị ông quẳng mạnh xuống đất, vỡ nát. Phải nói, từ sau khi diệt trừ đại nịnh thần Hòa Thân, đây là lần đầu tiên Gia Khánh giận dữ đến vậy. Ông ta vốn dĩ được xem như vị Hoàng đế hiền lành và trầm tính. Thế mà việc sỉ nhục sứ giả Thiên triều ngay tại chính điện của Cảnh Thịnh ở đất Phương Nam lại làm ông ta giận sôi gan tím mật. Cũng phải thôi, đây là một sự làm nhục quốc thể, làm nhục trắng trợn và nghiêm trọng đối với Đại Thanh. Ông dự định sáng nay sẽ ban lệnh chinh phạt nước Nam.

Sau khi bá quan văn võ đứng dậy, Gia Khánh nói:

– Chư vị ái khanh. Ngày hôm qua trẫm đã rất tức giận, các khanh có biết lý do vì sao không?

Người ta nói, không có gì đáng sợ hơn cơn giận dữ của Hoàng đế. Nghe Gia Khánh nói thế, toàn thể triều thần đều lắc đầu, đứng im. Có ai dám lên tiếng đâu, họ sợ nói sai sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên tử. Gia Khánh nói tiếp:

– Hừ… Không ai trong các khanh biết à? Thật vô dụng. Chu Khuê! Khanh là Thừa tướng. Thân là người đứng đầu bá quan, lại là ân sư của trẫm, khanh có biết việc gì đang xảy ra hay không?

Chu Khuê vốn là thầy dạy của Gia Khánh. Từ sau khi Hòa Thân chịu tội, ông được phong làm Thừa tướng, chấp chưởng mọi sự vụ lớn nhỏ trong triều. Nghe nhà vua chỉ đích danh, khác với các vị quan khác đang tim đập chân run, ông đường hoàng bước ra, nói:

– Khởi bẩm Hoàng thượng! Tâm tư của Hoàng thượng, thật thần không dám hiểu rõ nhưng cũng hiểu được đôi chút. Không biết cơn giậ của Hoàng thượng đến từ đất An Nam?

– Khanh nói đúng. Hôm qua trẫm mới triệu kiến Ngô Hùng Quang, Tổng đốc Lưỡng Quảng mới đi sứ An Nam về. Nay trẫm sẽ cho triệu y vào để các khanh đều tỏ.

Đoạn, ông quay sang tên thái giám đang đứng hầu ở bên, nói: “Mau truyền Ngô Hùng Quang, Phó Văn Phương, Mã Văn Hào lên điện”.

Ba người được gọi tên lục tục bước lên chính điện trong những ánh mắt tò mò của bá quan văn võ. Trong ba người, Phó Văn Phương vốn bị đánh đòn, lại phải gấp rút trở về nước nên vẫn còn đau, bước chân tập tễnh. Lên đến nơi, cả ba cùng quỳ xuống khấu đầu Hoàng đế. Gia Khánh nói:

– Ba vị khanh gia hãy bình thân. Phó khanh gia, khanh vẫn còn đau, trẫm ban cho ngồi.

– Tạ chủ long ân – Phó Văn Phương lạy tạ.

Sau đó, Gia Khánh lại truyền cho Ngô Quang Hùng bẩm báo lại mọi chuyện. Nghe lời, Ngô Quang Hùng kể lại rành mạch những gì mà đoàn sứ bộ đã trải qua ở Việt Nam. Y lại còn không quên thêm mắm dặm muối, khoa chân múa tay kể khổ. Hai viên phó sứ cũng hùa theo tố cáo. Bọn họ dùng những từ ngữ nặng nề nhất, xấu xa nhất dành cho Việt Nam như “lũ man di”, như “bọn vô học”, “lũ thổ phỉ”, hay như nói Toản là tên “cẩu tặc”, “tiểu nhân đắc chí”…

Chưa hết, Mã Văn Hào còn tố bọn họ trong lúc trên đường trở về lại còn bị truy đuổi và bức hại trên biển mặc dù việc này chưa hề xảy ra. Quả thật, nếu ngày đó có một giải thưởng dành cho những kịch sĩ thiên tài thì ba người bọn họ xứng đáng giành được ba thứ hạng đầu.

Lời kể của ba “nhân chứng” quá sống động và “chân thật” đến nỗi ai nấy trong triều đều tỏ ra căm phẫn. Mấy vị quan văn thì chỉ lắc đầu, mắt nhắm chặt, luôn miệng nói “đồ không biết phép tắc, không hiểu lễ giáo”. Trong khi đó, mấy vị võ tướng thì nắm chặt tay thành hình nắm đấm, mắt long sòng sọc, luôn miệng nói “cái lũ vô học đáng chết”.

Sau khi ba người nọ diễn xong vở tuồng, Gia Khánh nói:

– Chư vị ái khanh! Các khanh nói thử trẫm phải làm thế nào đây?

“Đánh… đánh… đánh bẹp chúng cho chúng biết mặt”, mấy viên võ tướng mày râu dựng ngược cùng la to lên. Ôn hòa hơn một chút, Binh bộ Thượng thư Khánh Quế nói:

– Khởi bẩm Hoàng thượng! Chúng nay đã xúc phạm Thiên triều. Ấy là tội lớn không thể tha. Khẩn xin Hoàng thượng cho cất binh chinh phạt. Nhưng trước hết, chúng ta cần phải suy xét mọi sự trước sau cho tỏ tường đã.

– Thần cũng thấy vậy, tâu Hoàng thượng. – Đại học sĩ Lưu Dong bước lên.

– Đúng vậy. Việc thảo phạt lũ man di này là phải làm. Nhưng trẫm cũng đồng ý với hai vị khanh gia. Chúng ta cần phải bàn bạc thêm khi nào sẽ tiến hành và tiến hành bằng cách nào, ai sẽ cầm quân.

Bá quan nhìn nhau, họ thảo luận một hồi. Một lúc sau, có người bước ra, nói:

– Khởi bẩm Hoàng thượng. Bọn chúng đúng là lũ vô học. Thần ủng hộ ý thảo phạt.

– Khởi bẩm! Thần vừa thu được một tin tức – một người khác nói. – Những năm gần đây, sở dĩ đám phản tặc Hồng Hoa hội dấy binh làm phản là nhờ bọn tặc tử An Nam cung cấp tiền tài, quân nhu và xúi dục. Dẹp yên An Nam, Hồng Hoa hội không còn ai chống lưng sẽ tự nhiên tan rã.

– Có chuyện này sao? Sao trước nay trẫm không hề nghe ai nói?

Lại một lần nữa, Gia Khánh lại nổi trận lôi đình. Phải nói Hồng Hoa hội là cái gai trong mắt ông ta đã mấy mươi năm nay. Trong dân gian lại có tin đồn thủ lĩnh Hồng Hoa hội Trần Cận Nam năm xưa có quan hệ không nhỏ với hai vị tiên đế là Khang Hy và Càn Long nên Gia Khánh đã nuôi lòng bình định nỗi lo nội loạn này từ lâu. Thế mà càng dẹp, quân phản loạn lại càng mạnh mẽ. Nếu việc này lo liệu không xong thì Thanh triều tất sinh nguy biến.

– Hoàng thương – Đại học sĩ Đổng Cáo lại lên tiếng. – Việc chống lưng của An Nam nếu có thì phải nói là một chuyện hết sức bí mật. Việc truy ra điều này phải nói là rất khó. Thế nên mong Hoàng thượng bớt cơn thịnh nộ. Bây giờ, gốc rễ nội ưu đã tra ra, việc nhổ bỏ nó không còn là vấn đề nữa. Chỉ cần cắt đứt nguồn viện trợ là phản quân sẽ tan rã thôi. Cái chính là bây giờ chúng ta nên cất quân thảo phạt. Đây là kế một ná bắn hai chim.

– Bẩm Hoàng thượng! Thần có hai nghi vấn. – Định Thân vương Miên Ân nói.

– Thân vương, khanh nói.

– Thứ nhất, An Nam trước giờ rất yên phận, tại sao bây giờ lại công khai khiêu khích uy danh Thiên triều? Thứ hai, việc chu cấp cho phản quân là một việc hết sức bí mật. Tại sao việc này không sớm, không muộn lại bại lộ ngay lúc này? Vậy phải chăng chúng có âm mưu khác?

Nghe nói vậy, Gia Khánh ra chiều suy nghĩ. Đúng vậy, cả hai vấn đề mà Định Thân vương nói ra đều đi đúng vào trọng tâm. Ông ta giờ đâm ra khá lúng túng, chưa biết phải xử sao cho đúng. Lúc này, Khánh Quế lại phân tích:

– Bẩm Hoàng thượng! Thần thấy lo lắng của Định Thân vương đúng là đang phải suy nghĩ. Theo thần, thứ nhất, bây giờ đám man di An Nam tỏ ra hống hách bởi vì chúng nghĩ chúng đã đủ sức đương cự với ta. Mấy năm qua, thám tử Thiên triều có báo cáo về sự sung túc của bọn chúng. Thế thì chúng dám ngang nhiên khiêu khích cũng là điều dễ hiểu. Còn vấn đề thứ hai, thần nghĩ, đây là chúng cố tình lộ ra. Chúng muốn nói cho ta biết, “trước hết chúng ta phải tự lo cho thân mình đi”. Như vậy, chúng ta sẽ không có hơi sức đâu mà trừng phạt chúng.

– Theo thần thấy phân tích của Khánh đại nhân là có cơ sở – Lưu Dong nói. – Bọn man di nghĩ rằng chúng đã đủ lông đủ cánh rồi, muốn bay lên trời mà thôi. Thế nhưng chúng tính vẫn sai một nước, đó là nếu ta chấp nhận tạm thời bỏ qua phản quân mà đối phó chúng thì ta lại có được hai cái lợi ích như đã nói. Thần đề nghị Hoàng thượng chuẩn y việc thảo phạt.

– Thần còn nghe nói – Đổng Cáo lại nói thêm – Cảnh Thịnh vừa qua bị đột quỵ. Nếu thế thì bộ máy của bọn chúng tạm thời sẽ tê liệt.

– Có chuyện này sao? – Mắt Gia Khánh bỗng sáng lên.

– Bẩm Hoàng thượng! – Khánh Quế nói tiếp – Việc này là chính xác. Nghe nói y đột quỵ trước mặt bá quan và dân chúng. Thần cũng gấp rút cho người điều tra và xác nhận. Triều chính của bọn chúng hiện đang bị bỏ bê, tất cả đang dồn sức chữa chạy cho thằng lõi con Cảnh Thịnh. Thần nhận định đây là cơ hội không có khi nào tốt hơn. Thần dự định hôm nay sẽ bẩm báo. May sao vừa lúc chúng ta đang bàn luận việc này. Và cách nay hơn một tháng, theo lời Hoàng thượng, thần đã cho binh sĩ tập kết ở phía nam, lương thảo đầy đủ, bất cứ lúc nào cũng có thể động binh.

– Tốt… Tốt… Tốt…

Gia Khánh nói liền ba tiếng tốt. Đây là lần đầu tiên ông ta cười sảng khoái và vui vẻ. Đoạn, ông nói tiếp:

– Ngày trước ta sai khanh cho tập kết một trăm vạn quân. Nay việc đã thế này, ta nghĩ, chỉ cần với ba mươi vạn quân là dư sức bình định An Nam, đưa đất đó quy về cố thổ.

– Hoàng thượng! Thần thấy không ổn. – Lưu Dong nói.

– Khanh nói không ổn chỗ nào?

– Bẩm! Ngày trước, Tiên đế phái đi ba mươi vạn quân, những tưởng có thể bình định chúng. Nào ngờ chúng ta đã phải lui binh. Nay tình thế thay đổi. Tuy nói là ưu thế nghiêng hẳn về chúng ta. Nhưng cũng không thể tỏ ra khinh địch được.

– Hoàng thượng – Khánh Quế nói tiếp. – Thần cũng đồng ý với Lưu Đại học sĩ. Chúng ta nên phái đi năm mươi vạn quân để đề phòng vạn nhất.

– Được. Năm mươi vạn thì năm mươi vạn. Trận này trẫm muốn thân chinh. Chúng đã khiến trẫm thực sự nổi giận rồi.

– Hoàng thượng thân thể nghìn vàng, vạn lần không thể. – Bá quan nhao nhao khuyên can,

– Ý trẫm đễ quyết, tuyệt không thay đổi.

Lúc này, Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền lên tiếng:

– Hoàng huynh! Huynh có thể nghe đệ nói một lời không?

– Đệ mau nói. Nhưng cũng đừng mong trẫm thay đổi chủ ý.

– Tạ ơn Hoàng huynh. Đệ cũng như huynh, rất căm giận bọn chúng. Nhưng như bá quan đã nói, Hoàng huynh thân thể nghìn vàng, quyết không nên xông pha vào nguy hiểm. Đệ cũng chảy trong mình dòng máu Ái Tân Giác La, đệ nguyện thay huynh trưởng cầm quân. Việc này, Hoàng huynh hay đệ cầm quân cũng đã có thể hiển hiện Thiên uy. Còn nữa, khi chiếm được kinh thành của bọn chúng, đệ sẽ mời huynh hạ cố đến. Thằng lõi Cảnh Thịnh đó tùy huynh xử trí trước mặt dân của chúng để tỏ rõ cơn giận của Thiên tử là thế nào.

Ngẫm nghĩ một hồi lâu, Gia Khánh cũng thay đổi quyết định. Ông ta đồng ý phái Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền lĩnh ấn soái, mang theo năm mươi vạn quân đi thảo phạt Việt Nam. Một điều quan trọng nữa, lần này ông ta không cho thủy quân đi. Bởi lẽ, tin tức truyền về cho thấy hải quân Việt Nam thật sự rất mạnh. Nếu đối chiến trên biển, dù chiến thắng nhưng Đại Thanh cũng sẽ chịu tổn thất không nhỏ.

Cuối cùng, Gia Khánh lệnh cho Nghi Thân vương hai ngày sau làm lễ bái tướng, tế cờ xuất chinh. Vậy là cuộc chiến giữa hai nước từ đây đã chính thức bùng nổ.