Chương 69: Phát hiện lớn

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Dân gian có câu “Ông trời rất công bằng, Người đã ban cho ai đó một cái gì thì cũng lấy đi của anh ta một cái khác”. Nghe có vẻ rất tâm linh nhưng bao đời nay, câu nói trên dường như vô cùng linh nghiệm. Có rất nhiều người vốn được xem là thiên tài kinh doanh, họ nổi tiếng giàu có, ấy là trời cho. Thế nhưng, không ít người trong số họ lại sống trong thiếu thốn tình cảm hay bệnh tật triền miên.

Ngay cả như Toản. Anh là một người có tài, lại có tâm với đất nước. Những gì mà Việt Nam đạt được hôm nay sẽ là hiện thực hay chăng nếu như không có sự xuất hiện của Toản. Anh đạt được thành công lớn trong mọi mặt và đạt được sự tin yêu đến mù quáng của mọi tầng lớp nhân dân. Ấy thế mà anh lại không còn thời gian cho chính bản thân mình nữa. Nhớ những ngày đầu anh tới thế giới này, thời đại này, cậu bé Toản lúc đó thảnh thơi biết dường nào khi giao lại cho Bộ Chính trị xử lý hết phần lớn công việc, riêng mình thì thảnh thơi nằm trên bãi cỏ trong Ngự hoa viên ngắm nhìn ánh hoàng hôn. Thế mà thú vui ngày ấy nào còn đâu nữa. Theo sự phát triển quá nhanh của đất nước, áp lực công việc đè nặng lên vai anh ngày càng nhiều. Lắm lúc, anh phải làm việc đến tận khuya.

Lại nữa, gần đây, anh lại hay bị những cơn đau nửa đầu hành hạ. Ban đầu, thỉnh thoảng mới bị một lần. Đến hiện tại, tần suất xuất hiện của chứng bệnh này lại càng nhiều. Còn nhớ năm năm trước, tin tức Toản đột quỵ khi đang chuẩn bị cho cuộc Bắc phạt. Mọi người, ngay cả những ai thân cận với anh đều cho rằng đây là một mưu kế nhằm kích người nhà Thanh nhanh chóng tiến công. Bởi lẽ cơn đột quỵ đến rất nhanh và qua đi cũng rất nhanh, lại xảy ra ngay tại thời điểm mấu chốt. Nào ai có ngờ, Toản thật sự bị đột quỵ. Và từ đó đến nay, có nhiều lần anh cảm thấy choáng váng, muốn xỉu. Có lẽ đây là ông trời muốn lấy đi của Toản sức khỏe.

Tuy nhiên, là một người đến từ thời đại mà khoa học công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, anh không tin đây là do ông trời. Cách giải thích khoa học nhất chính là do áp lực công việc quá lớn làm thần kinh anh căng thẳng mà thôi. Anh mắc phải hội chứng Stress đó thôi.

Nghiêm trọng nhất, mới mấy ngày gần đây thôi, anh một lần nữa bị đột quỵ. Anh ngất xỉu ngay trên bàn làm việc của mình. May sao, Tiểu Thái ở bên cạnh phát hiện kịp, cho người gọi gấp mấy vị Ngự y. Cũng phải mất mấy tiếng đồng hộ được tích cực cứu chữa, Toản mới hồi tỉnh. Lúc này, một vị quan Ngự y tên Phạm Đông Thảo vô tình nói:

– Bệ hạ à! Ngài phải biết quan tâm đến sức khỏe mình một chút. Bệ hạ nên đi đâu đó thư giãn, giao bớt công việc lại cho mấy vị đại thần. Cứ thế này, khéo Bệ hạ lại giống Tiên đế và Đông Định Vương ngày xưa mất.

– Ý Khanh là sao? Cha và chú trẫm cũng mắc bệnh thế này à? – Toản giật mình kinh hãi.

– Thần không dám võ đoán. Nhưng đúng là Bệ hạ có những triệu chứng giống như các vị ấy. Ngay cả Thái Đức Hoàng đế cũng là như vậy.

– Lẽ nào là thế? Ta chỉ nghe nói cha ta vì lao lực quá độ mà quy tiên, chú ta phẫn uất vì hiểu lầm mà chết. Ngay cả bác ta cũng vì tức quá mà chết. Đâu có ngờ.

– Khởi bẩm Bệ hạ! Việc này thần không dám đoán bừa, chỉ là đúng là Bệ hạ và các vị ấy có cùng triệu chứng. Nếu Bệ hạ muốn biết rõ, xin hãy triệu Ngự y Hồ Đắc Duy lão nhân gia sẽ rõ.

– Vậy Khanh mau mời lão nhân gia cho trẫm. Trẫm muốn biết sự thật.

Đoạn, Ngự y Phạm Đông Thảo lui ra, nhanh chóng đi mời vị Ngự y già hiện đang an dưỡng ở Nha Trang. Khi ông đã rời khỏi, Toản quay sang nói với Tiểu Thái:

– Tiểu Thái à! Trẫm có một dự cảm chẳng lành.

– Tiểu Thịnh! Bệ hạ đừng vội bi quan. Thần tin ông trời có mắt, không để Tiểu Thịnh có việc gì đâu.

Đến bây giờ, Tiểu Thái vẫn gọi Toản là Tiểu Thịnh khi không còn ai khác. Mà đôi khi hai người vẫn xưng hô như thế khi có mặt hai người anh lớn và Hoàng hậu Ngọc Lan. Tình bạn giữa nhà vua trẻ và bề tôi vô cùng khắng khít. Đến nỗi Toản từng nói sẽ gả em gái mình cho Tiểu Thái nếu anh không phải là thái giám. Toản nói:

– Tiểu Thái, cậu không hiểu đâu, ta sơ mình đang mắc phải một căn bệnh khủng khiếp. Đáng sợ hơn là nó có tính di truyền.

– Tiểu Thịnh đừng dọa Tiểu Thái. Thần sợ lắm.
Toản chỉ mỉm cười. Anh biết người bạn của mình quả thật rất lo lắng. Nếu như nói ai là người quan tâm đến anh nhất thì trừ Ngọc Lan ra, anh chàng trước mắt là người thật lòng quan tâm nhất. Anh vỗ vai bạn rồi xua tan không khí trầm mặc này bằng cách rủ Tiểu Thái đến chiếc ao trong Ngự hoa viên câu cá.

Một tuần sau, lão ngự y già Hồ Đắc Duy cũng đến gặp Toản với ba chồng y bạ. Đây là một ông lão có dáng người tầm thước. Những nếp nhăn hằn trên trán cùng chòm râu bạc vẫn không làm bớt đi vẻ hồng hào của khuôn mặt. Dấu hiệu rõ ràng nhất của tuổi già là ông đi lại khá chậm và bị chứng lãng tai. Tuy vậy, đây lại là một ông lão hết sức minh mẫn. Nhìn thấy thần sắc của Toản, ông ta bỗng thấy giật mình. Lão ngự y nhanh chóng hỏi dồn dập:

– Bệ hạ! Gần đây Bệ hạ có hay bị đau nửa đầu không? Bệ hạ còn hay bị khó thở hay không? Có hay bị tức ngực khi hít thở sâu hay không? Khi vận động mạnh thì vẫn bình thường nhưng khi suy nghĩ nhiều lại thấy đau đầu, chóng mặt đúng không?

– Lão ngự y. Trẫm đúng là có những triệu chứng y như vậy. Lão biết trẫm bị bệnh gì hay không?

– Nói thật với Bệ hạ, thần chỉ biết đây là một căn bệnh liên quan đến tim mạch nhưng không biết rõ nó là gì. Chỉ biết Tây Sơn Tam Kiệt năm xưa quả đúng có triệu chứng giống hệt như vậy.

– Lão ngự y, điều lão nói là thật?

– Bẩm! Là thật. Thần có ghi chép lại cẩn thận trong y bạ. Khẩn xin Bệ hạ xem qua.

Không chờ Tiểu Thái đến lấy, Toản nhanh chóng bước lại, nhìn chồng hồ sơ Hồ Đắc Duy để trên bàn. Hồ Đắc Duy rơm rớm nước mắt mà nói:

– Bệ hạ! Lão thần vốn không dám đoán bừa. Chỉ là đất nước này rất cần Bệ hạ. Thần cảm thấy lo.

– Âu cũng là số phận thôi – Toản thoáng thở dài. – Bây giờ cũng chưa biết gì nhiều. Trẫm cũng đã chuẩn bị tâm lý cả rồi. Chỉ mong là trẫm đoán sai và kịp làm một việc nữa thôi.

– Ý Bệ hạ là ngào đã biết đây là bệnh gì à? Xin Bệ hạ mở mắt cho lão già này.

– Lão ngự y xin đừng tự hạ mình như vậy. Chỉ là trước đây trẫm đã từng nghe lão thần tiên Trương Văn Hiến nói trong giấc mơ ngày trước mà thôi. Và căn bệnh này thì chỉ có Tây y thì may ra.

– Bệ hạ! Nếu biết thế thì quá tốt. Thần có quen một vị bác sĩ Tây y rất tài giỏi. Gần đây chúng thần có trao đổi những tâm đắc cùng nhau. Để thần đi mời ông ta đến.

– Vậy thì phiền lão ngự y phải đi một chuyến rồi. Cứ để y bạ lại đây để trẫm xem.

Hồ Đắc Duy đi rồi, Toản bần thần trong chốc lát rồi cầm một quyển y bạ lên xem. Những trang giấy lướt qua để lại trong lòng Toản nhiều suy nghĩ. Ngày còn nhỏ, Toản được ba mình là ông Hồ Sĩ Mạnh kể cho nghe nhiều về nhà Tây Sơn, về người anh hùng áo vải. Đặc biệt, anh thanh niên David Hồ ngày ấy thắc mắc mãi lý do gì mà vua Quang Trung đột ngột rời xa nhân thế, dẫn đến nỗi tiếc hận nghìn thu cho hậu thế.
Phải nói, nhà Tây Sơn có hai bí mật lớn nhất lịch sử. Thứ nhất là bí quyết của việc hành quân thần tốc và bí mật thứ hai chính là cái chết của vị anh hùng áo vải cờ đào. David đã từng đi khá nhiều thư viện chỉ để tìm hiểu về hai bí mật này, đặc biệt là về cái chết của nhà vua.

Có khá nhiều giả thuyết về bí mật thứ hai. Có người nói nhà vua bị đầu độc bằng cách cho vào thức ăn mỗi ngày một ít. Có người còn nói là do chính Thái hậu Lê Ngọc Hân đầu độc. Cũng có người nói ông cũng như Hoàng tử Cảnh, bị chết vì bệnh đậu mùa. Rồi gần nhất, một bài báo lại phân tích rất kỹ dựa trên mẫu xương sọ của nhà vua. Đó là công trình của một vị bác sĩ người Mỹ. Ông nói, không chỉ có vua Quang Trung, mà cả ba anh em nhà Tây Sơn dường như đều chết vì chứng tai biến mạch máu não. Chính việc giải phẫu hộp sọ của ba người đã tố cáo điều đó. Tuy nhiên, bị đầu độc cũng có thể dẫn đến chứng tai biến này. Lại nữa, tại sao cả ba anh em đều bị tai biến? Không ai biết. Bởi vậy, có hai giả thuyết được cho là hợp lý nhất. Thứ nhất là họ bị buộc phải phục dụng một loại chất độc nào đó một cách thụ động từ ngày này sang ngày khác. Thứ hai là cả ba anh em đều mắc một bệnh lý di truyền về tim mạch.

Trong hai giả thuyết kể trên, David tin rằng giả thuyết thứ hai là có lý hơn cả. Bởi đầu độc cả ba người là một việc cực kỳ khó. Nhưng nếu nói giả thuyết thứ hai đáng tin thì cũng khó. Bởi lẽ, nếu họ mắc bệnh tim thì làm sao có thể học võ, lại cưỡi ngựa chinh chiến sa trường được. Suy nghĩ như vậy, anh quyết tâm tìm hiểu tất cả các căn bệnh tim. Đến cuối cùng, anh cũng tìm ra được một căn bệnh có nhiều khả năng nhất, lại là căn bệnh tim hiếm gặp nhất, bệnh “Hẹp van tim”. Bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến vận động nếu nhẹ nhưng lại thường đưa đến hội chứng thiếu máu cấp cho các cơ quan.

Vốn dĩ David ngày trước và Quang Toản bây giờ rất lấy làm đắc ý khi tự mình suy luận ra điều này. Song, đó là nói khi người khác bị bệnh. Đằng này lại đến chính mình cũng bị. Vậy thì anh còn lấy gì để tự đắc đây.

Ngẫm nghĩ lại, anh chợt mỉm cười. Anh nghĩ, trước mình có mấy ai tạo dựng được một Việt Nam thần kỳ, chỉ chưa tới hai mươi năm đã tạo nên tiếng vang chấn động toàn cầu. Âu như thế cũng đáng tự hào, cũng an ủi đôi phần. Anh chỉ còn một nguyện ước nữa cùng với nỗi lo cho thế hệ sau. Đây là căn bệnh di truyền, chẳng may con hay cháu mình cũng mắc phải thì biết làm sao đây? Về căn bệnh này, cũng phải đến cuối thế kỷ hai mươi, người ta mới tìm hiểu được căn nguyên và có hướng điều trị tích cực. Giờ đây mình đã biết rõ, chỉ cần phẫu thuật nong van là khỏi. Nhưng y học ngày nay chưa thể làm được. Thôi thì mình nên định hướng trước cho mấy vị bác sĩ nghiên cứu, biết đâu chỉ mấy mươi năm, thậm chí mấy năm nữa, lại có bác sĩ nghiên cứu được cách chữa thì sao. Đó chính là lý do Toản không ngăn cản lão ngự y Hồ Đắc Duy mời bạn của ông đến.

Chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau, lão ngự y Hồ Đắc Duy dẫn theo một người Anh Cát Lợi. Ông ta nói:

– Bệ hạ! Đây là bác sĩ Robert Darwin, bác sĩ người Anh Cát Lợi.

“Robert Darwin? Cái tên này không có nổi tiếng nhưng mà mình nghe ở đâu rồi thì phải. Robert… Robert… Darwin… Dar… Phải rồi. Ông ta là cha của nhà bác học thiên tài Charles Darwin”. Toản ngẫm nghĩ rồi chợt giật mình nghĩ ra. Anh hỏi Darwin:

– Bác sĩ có phải có một người con tên Charles phải không?

– Vâng… Vâng… Bệ hạ! Ngài biết việc này sao? Cháu nó mới hơn một tuổi, lại đang ở London. Lẽ nào ngài biết được?

– Ha… Ha… – Toản phá lên cười, vậy là con cháu anh có hy vọng rồi. – Không có gì. Trẫm chẳng qua nằm mộng mới biết vậy thôi. Bác sĩ đừng để bụng. Hãy tin trẫm, dành cho cậu bé sự giáo dục tốt nhất. Tương lai cậu sẽ là một vĩ nhân được cả thế giới phải ngã mũ đó.

– Bệ hạ! Cám ơn ngài chúc phúc. Đó là điều mà cha mẹ nào cũng phải làm mà.

– Bác sĩ! Ông không cần phải quá khiêm tốn. Ông nội cậu bé cũng là một nhà khoa học nổi tiếng nữa kia mà. Thôi, không nói việc này nữa. Quay lại bệnh tình của trẫm, nếu trẫm nói mình không còn sống được bao nữa. Hai vị có tin không?

– Bệ hạ! Thứ cho lão thần nói thẳng – Hồ Đắc Duy nói. – Nếu trong trường hợp khác, thần không dám nói thẳng. Nhưng nay Bệ hạ đã biết rõ bệnh tình. Nói thật, theo thần đoán, bệ hạ còn chưa đến hai năm nữa. Tiên đế ngày xưa cũng vậy.

– Bệ hạ! – Robert hỏi – Lẽ nào ngài biết rõ căn bệnh này?

– Đúng vậy. Trẫm biết rõ. Bệnh này có tên gọi “Hẹp van tim” và mang tính di truyền. Trẫm e là con cháu trẫm cũng mang mầm bệnh. Chỉ có Tây y mới trị được. Nhưng trình độ hiện nay chưa thể làm được.

– Ý bệ hạ là phẫu thuật à? – Robert hỏi.

– Chính xác. Chỉ cần phẫu thuật nong van tim thôi. Nhưng khoa học và y học ngày nay chỉ có thể bó tay mà thôi.

Lão ngự y Hồ Đắc Duy sụt sùi hỏi:

– Bệ hạ! Vậy bây giờ ngài tính sao đây?

– Trước hết, trẫm xin các khanh giữ bí mật này, chớ để mọi người lo lắng. Trẫm có hai việc cần làm thì đã xong một việc rồi. Đó là tìm người để nói lại căn nguyên bệnh này đặng sau này nghiên cứu và chữa trị cho con cháu trẫm, cho muôn dân trăm họ. Còn việc thứ hai thì trẫm chưa thể nói.

Hai người cũng chỉ đành cúi đầu bước ra. Trong thâm tâm họ, vị vua trẻ kia quả là một vị vua anh minh và nhân hậu. Dẫu biết là mình không còn sống được bao lâu vẫn mãi nghĩ cho trăm họ. Và Toản đã nói mình còn một việc nữa phải làm. Vậy việc đó là gì và liệu anh có kịp thực hiện hay không.