Chương 13: Y Nhã và chữ Quốc ngữ​

Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Đăng vào: 2 năm trước

.

Đối với dân chúng thành Quy Nhơn, có lẽ họ chưa bao giờ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như ngày hôm nay. Trong một ngày bình thường nhất, họ đã vô tình trở thành nhân chứng cho một trong những trận chiến thảm khốc nhất trong lịch sử Đại Việt. Trận chiến này còn có một diễn biến hết sức kỳ lạ. Nó đến rất nhanh và kết thúc cũng rất nhanh. Có lẽ nếu được bình chọn, nó xứng đáng được xem là trận chiến ngắn nhất nhưng lại có quy mô lớn nhất và có một ý nghĩa hết sức trọng đại.

Giữa nội cung, Thái Đức Hoàng đế ngồi trên ngai vàng, ngước nhìn ba người mới bước vào:

– Kết thúc rồi sao?

– Bẩm Chúa thượng. Đã xong rồi. – Đô đốc Diệu khiêm cung hành lễ với Thái Đức – Chúa thượng, Người xanh xao quá.

– Không cần nói nữa, Trẫm biết phải làm gì rồi. Từ ngày hôm nay, nhà Tây Sơn sẽ không có Thái Đức Hoàng đế nữa.

– Phụ Hoàng. – Thái tử Bảo đứng hầu bên cạnh ra sức khuyên can – Mọi việc đâu cần phải như vậy.

– Có thể sao? Nếu như ngươi được như người ta thì dù có chết ta cũng không chấp nhận. – Nói đến đây rõ ràng ông có ý muốn so sánh con mình với với Toản.

Dừng một chốc, ông nói với ba người trước mặt:

– Chỉ cần hắn đối tốt với muôn dân, với xã tắc và cho các con ta một mảnh đất cắm dùi là được.

Diệu cùng hai người bạn đồng liêu cúi đầu không nói. Họ quá hiểu con người trước mặt. Nhớ khi xưa còn gọi anh gọi em. Giờ đây khoảng cách giữa bốn người, không, phải nói là giữa ba người và kẻ còn lại đã trở nên quá lớn. Lặng nhìn nhau, bao ký ức thân ái và hào hùng hiện lên trong mắt. Tất cả trôi qua như một cuộn phim quay chậm. Một lúc sau, Thái Đức khẽ mỉm cười, giọng bình thản:

– Bảo trọng nhé chiến hữu của ta.

– Chúa thượng cũng nên an lòng. – Diệu nói.

Đoạn Thái Đức Hoàng đế khe khẽ khép mắt lại. Cứ như thế, vị anh hùng áo vải bao phen khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn giờ này bình thản ra đi.

……….

Thời gian thấm thoát trôi mau, chẳng mấy chốc đã là hai tuần sau trận thư hùng trên đầm Thị Nại. Toản lười biếng nằm dài trên bãi cỏ xanh mượt, chân vắt chéo hình chữ ngũ. Mấy ngày qua đã vắt kiệt sức Toản. Cậu lớp thì thượng triều, lớp thì phê duyệt tấu chương, lại phải vấn an hai vị Thái hậu. Rồi tập võ nữa, đến hôm nay, ngoài món Hùng kê quyền, cậu chẳng đến môn nào khác. Thật, việc làm vua cũng chẳng thú vị gì.

– Chẳng có mấy khi em được rảnh nhỉ.

Tiếng nói của người từ đằng xa đánh thức cậu. “Ồ, ra là anh à, anh ba”. Người đến đúng là Quang Bàn, là con trai thứ hai của vua Quang Trung, anh ba của Toản. Điều mà cậu hài lòng nhất ở triều Tây Sơn là không có quá nhiều lễ nghi phiền phức. Anh em trong nhà cũng chỉ gọi nhau bằng “Thứ”, chỉ có người lớn hơn một thế hệ mới được thêm chữ “Hoàng” phía trước.

– Anh vô tình đi ngang qua, thấy em nằm dài ở đây. Trốn việc phải không?

Nói một chút về Quang Bàn. Anh người dong dỏng cao, dáng thư sinh, nho nhã, lúc nào cũng nở nụ cười làm say lòng bao người con gái. Tính tình anh phóng khoáng, không câu nệ, lại hài hước. Có lần, giữa đông đảo bá quan văn võ nhân ngày giỗ Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ hoàng hậu –mẹ mình, anh còn cả gan làm mặt xấu chọc ghẹo Toản làm mọi người cười ầm lên.

– Mệt chết đi được anh à. Những lúc như thế này hiếm hoi lắm đấy.

– Vậy à? Em có thử học bắn cung chưa? Hãy để những mũi tên đưa nỗi u buồn bay đi.

Toản trố mắt nhìn anh mình:

– Anh ba này. Lắm lúc em không dám nghĩ anh là con của cha đấy. Anh văn thao võ lược, thế mà là người làm biếng nhất hạng. Giả như anh bỏ chút thời gian ra để giúp em thì tốt quá.

– Ây da… anh không thích đâu. Ra giúp em thì được rồi. Nhưng suốt ngày phải mặc mấy cái bộ quan phục đó, trông cứ lụm khụm như ông già, còn đâu là vẻ đẹp trai nữa chứ. Ha… ha…

– Biết rồi. Em biết anh không thích gò bó.

Chợt như nghĩ đến điều gì, Toản ngồi bật dậy, mắt sáng lên:

– Anh ba, nếu có một việc tốt, không phải gò bó, lại còn có cơ hội lên mặt với mấy cô em, anh có giúp em không?

– Có việc tốt thế à? Chú mày đừng ỷ làm vua rồi gạt anh nhé. Lúc đó dù thế nào anh cũng cởi quần chú ra mà đét vô mông đấy.

– Thật cả mười phần. Nhưng… thiên cơ bất khả lộ. Ha… ha…

– Thôi. Anh có chút việc, đi đây. Ông già Thiếp đang tìm em kìa.

Từ đàng xa, Nguyễn Thiếp đã nghe thấy câu nói cuối cùng của Quang Bàn. Ông chỉ cười. Ai mà giận anh chàng này được chứ. Ông cũng không ngoại lệ.

– Thần, tham kiến Bệ hạ.

– Phu tử, ngài có việc gì sao? À, không cần đa lễ thế, Trẫm không thích.

– Thần muốn bẩm lại hai việc. – Ngừng một chút, ông tiếp – Thứ nhất là việc phân chia điền thổ xong rồi. Dân chúng mỗi hộ được cấp cho mười mẫu ruộng để canh tác, lại miễn thuế đất ba năm. Hộ nào xung phong đi khai hoang sẽ được miễn thuế năm năm, giảm tô ba thành trong ba năm. Thật chẳng thể ngờ. Ý tưởng lập ra Bộ Chính trị thật là hay. Sự vụ được giải quyết nhanh hơn ba lần. Cũng nhờ có việc bỏ phiếu mà không có xích mích gì giữa các quan cả, có ghi tên trên phiếu đâu mà, ai mà biết mình “thuận” hay “chống”.

– Còn việc thứ hai?

– Việc tổ chức thi tuyển nhân tài hai tuần sau, Tông Nhân Phủ đã lo đâu vào đấy rồi. Lần này Bệ hạ dự tính chọn ra bao nhiêu người?

– Chí ít là ba trăm, Phu tử ra đề được chứ?

– Thần sẽ tận lực.

– À. Ngày mai Trẫm muốn xuất cung, trưa lại ghé nhà khanh. Trẫm muốn xem thử dân chúng nay như thế nào.

Nói lại một chút. Từ sau ngày đại chiến quân Nguyễn, Toản cùng bề tôi của mình nhanh chóng bắt tay vào cải cách. Nhờ có trận thắng lớn này, Toản có một khoảng thời gian dài quý giá để làm những điều mình muốn. Bắt đầu từ nhu cầu cơ bản nhất, “cái ăn”.

Chính sách khuyến nông, khai hoang được ban ra. Theo đó, mỗi hộ dân được cấp đất như Nguyễn Thiếp đã nói. Về phần các địa chủ, Toản khuyến khích họ lấy đất ruộng của mình “cho thuê”, hoa lợi từ việc cho thuê sẽ không cần nộp thuế, lại nữa, họ còn được miễn thuế đất năm năm.

Phải nói, tốc độ làm việc của Bộ Chính trị nhanh thật. Chỉ với hai tuần thời gian, một chính sách lớn như thế lại nhanh chóng được hoạch định và thực thi. Chả bù với cái thế giới trước của cậu. Có lẽ, chính bá quan cũng cảm nhiễm được nhiệt tình của Toản cùng với câu nói hôm nào “Các khanh chính là những người anh hùng” nên tỏ ra hăng hái cũng nên. Chưa bao giờ khí thế làm việc của các quan trong triều lại sục sôi như lúc này.

Sáng hôm sau, Toản một mình cùng tiểu Thái xuất cung. Ý định của cậu là đến thăm một nhà thờ, làm quen với một Giáo sĩ truyền giáo phương Tây. Cách nay một tuần, cậu đã sai tiểu Thái tìm mua cho mình hai cuốn sách: Tự điển Việt – Bồ – La và Phép giảng tám ngày. Mấy cuốn này chỉ được lưu truyền bán công khai giữa các nhà thờ và những người tin theo đạo Công giáo lúc đó. Cũng phải nói thêm, biết được tính chất quan trọng của chữ Quốc ngữ mà các Giáo sĩ lưu truyền lúc đó mà Toản cho bãi bỏ lệnh cấm đối với đạo Công giáo, ai muốn theo thì theo, thậm chí, có vài vị quan trong triều cũng chịu lễ Rửa tội.

Với sự thông minh của mình, tiểu Thái chẳng tốn mấy công phu mà tìm được một căn nhà thờ nhỏ ở Phú Xuân. Cậu thuyết phục vị linh mục ở đó và mua được hai cuốn sách trên. Hôm nay, chính cậu sẽ là người dẫn đường cho Toản tìm đến.

Đó là căn nhà nhỏ, vách làm bằng gỗ thông, mái lá che phủ. Bên trong, ngoại trừ khu vực bàn thờ – cậu còn biết đến cái tên khác, Cung Thánh, – bên dưới chỉ có ba hàng ghế chia làm hai dãy, có lẽ sức chứa cũng chỉ tối đa ba mươi người. Đằng sau là một dãy nhà đơn sơ, có lẽ là nơi ở và làm việc của mấy vị linh mục và thầy giảng.

Hôm nay vừa khéo là ngày Chúa Nhật theo như sự phân chia tạm thời của mấy vị tu sĩ để tiện cho việc sinh hoạt. Có một vị linh mục trong bộ áo thụng màu đen làm lễ, phía dưới là khoảng mười tám người giáo dân. Toản cùng tiểu Thái cũng tiến vào, làm dấu Thánh và dự lễ như những người khác. Sự xuất hiện của Nhà vua không gây sự chú ý của người khác, bởi lẽ không khí bên trong rất trang nghiêm và sốt sắng. Suốt buổi lễ, trừ bài giảng bằng tiếng Việt lơ lớ của vị linh mục, Toản chỉ nghe toàn bộ là tiếng Latin mà cậu chỉ hiểu câu được câu mất.

Kết thúc buổi lễ, lúc mọi người quay lai, tính ra về thì nhìn thấy Toản. Họ giật mình quỳ xuống cúi chào. Sau biến cố trong lễ Tạ tội hôm đó, danh tiếng của Toản đã nổi như cồn. Nhất là đối với các Giáo dân, họ quý mến và tôn kính vô cùng. Vì nhờ cậu mà họ không cần phải giấu giấu giếm giếm việc mình theo đạo và cũng không cần phải lén lút dự lễ mỗi tuần nữa.

Toản tiến đến, nâng từng người đứng dậy.

– Các giáo hữu cứ đứng dậy, không cần phải đa lễ như thế. Ở đây, trước mặt Người, chúng ta là bình đẳng.

– Ra Bệ hạ cũng là người theo đạo à? Hèn chi…, nhiều người khẽ xì xầm bàn tán.

– Hóa ra Bệ hạ cũng theo đạo à? – Chính vị linh mục lúc đó cũng bất ngờ.

– Cứ tạm cho là thế đi. Chỉ mong mọi người đừng lộ việc này ra. Nếu không, mọi sự rất phức tạp.

Nói thật, dù không có câu nói cuối cùng của Toản, mọi người cũng thừa hiểu tính nghiêm trọng nếu việc này lộ ra ngoài.

– Mọi người ra về đi, Trẫm muốn nói chuyện với vị linh mục này một lát.

– Vâng… mời Bệ hạ di giá đến văn phòng phía sau nhà thờ.

Sau khi phân chủ thứ và ngồi xuống, Toản mở lời:

– Thưa Cha…

– À… Tôi tên Y Nhã. Bệ hạ cứ gọi là Cha Y hay Cha Y Nhã cũng được.

Linh mục Y Nhã? Đây chẳng phải là một trong những người bị chém đầu mấy năm sau, thời Minh Mạng hay sao? Người được mang danh tử đạo?

– Ra là cha Ignasio. Cha thuộc dòng Tên đúng không?

– Sao Bệ hạ biết? – Cha Y Nhã cũng giật mình, thảng thốt, – Tôi đúng là Ignasio, dòng Tên.

– Vô tình thôi. Hôm nay con đến đây là có việc muốn bàn với cha.

Một lần nữa, khi Toản đổi cách xưng hô, vị linh mục lại tỏ ra ngạc nhiên, nhưng ông nhanh chóng trở nên vui vẻ và dễ tiếp xúc hơn.

– Con đã đọc hai cuốn Tự điển Việt – Bồ – La và Phép giảng tám ngày mà cha Đắc Lộ trước đây biên soạn. Nó làm con rất hứng thú. Hôm nay, chúng ta sẽ bàn về vấn đề này.

– Cha xem, – nói đoạn, Toản lấy ra hai tờ giấy, một tờ sao lại trang đầu cuốn Phép giảng tám ngày, tờ còn lại cũng có nội dung như trên nhưng lại do Toản viết theo thể thức thời hiện đại. – Con nhận thấy có đôi chỗ không hợp lý trong chữ viết và có cải tiến đôi chút.

Cầm lấy hai tờ giấy, cha Y Nhã có hơi run rẩy. Phải nói, chữ Quốc Ngữ lúc này còn rất nhiều phụ âm ghép như bl là tr, hay tl là ch,… Những “cải tiến” của Toản lúc này thật sự như một cuộc “cách mạng” trong mắt ông.

– Cha thấy viết như vậy có đơn giản hơn không?

– Bệ hạ quả làm tôi rất ngạc nhiên. Tạ ơn Chúa đã mang Ngài đến đây.

– Con có ý định phổ biến loại chữ viết này. Cha và các Giáo dân có làm được không?

– Được chứ, thế nhưng rất khó. Trước giờ, chữ viết này, à, chúng tôi gọi là chữ Quốc Ngữ, chỉ được lưu truyền trong nội bộ.

– Cha không cần phải lo nhiều. Các vị chỉ cần mở lớp dạy chữ thôi, phần còn lại cứ để triều ta lo liệu. Thời gian không còn nhiều, con để lại đây bảng chữ cái đã cải tiến, cha cứ nghiên cứu kỹ. Đến lúc con phải đi rồi.

– Vâng. Bệ hạ lên đường bằng an.

– À, còn việc này nữa. Cuốn Tự điển đó. Các cha hãy biên soạn lại đi, nhưng nếu được, các cha hãy thêm vào một thứ tiếng nữa, tiếng Anh. Sẽ có La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp giúp các cha. Có điều, trong nhóm biên soạn, phải đề tên ông ta vào.

– Đó là lẽ dĩ nhiên. Bệ hạ đi thong thả.

Ra khỏi khu vực nhà thờ, Toản rảo bước đến Phủ học sĩ của Nguyễn Thiếp. Trong lòng cậu thoáng vui vẻ, “vậy là xong một bước để phổ biến chữ Quốc ngữ rồi, bước tiếp theo sẽ khó hơn đôi chút, thuyết phục Nguyễn Thiếp”. Tiếc nuối duy nhất lúc này là cậu không tìm được một vị linh mục người Anh Cát Lợi nào. Bởi lẽ, người Anh lúc này đã tách ra khỏi Giáo hội La Mã mà thành lập Anh giáo, phải đến hơn một trăm năm sau mới có sự xuất hiện của một Mục sư.

Bước vào nhà Nguyễn Thiếp, không cần ông lên tiếng, Toản đã sang sảng:

– Thế nào? Hôm nay Phu tử có khỏe không?

– Nhờ ơn Bệ hạ, thần rất khỏe. Thần đã sai hạ nhân chuẩn bị ít món, cung nghinh Thánh giá từ sớm.

– Không vội… không vội… Thật ra hôm nay Trẫm đến nhà Phu tử là có việc muốn bàn. Chúng ta trước đến thư phòng nói chuyện.

Nói rồi, cậu cùng Nguyễn Thiếp đến thư phòng của ông. Đến nơi, cậu cũng đưa cho ông hai mẫu giấy. Trên mỗi tờ chỉ ghi một dòng chữ ngắn, một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Quốc ngữ.

– Phu tử đọc được hai tờ này không?

– Tờ đầu là “Trời hôm nay rất sáng” bằng chữ Nôm, cái này không nói làm gì. Còn tờ này lại viết bằng thứ chữ của mấy người truyền giáo, thần có hiểu đôi chút, đại khái nội dung cũng như vậy nhưng có nhiều điểm rất khác với thứ chữ kia.

– Không phải đại khái. Mà cả hai tờ có cùng một nội dung. Phu tử biết thế nào về loại chữ viết này?

Nguyễn Thiếp trầm ngâm, chưa nói. Ông đứng lên, lấy ra một cuốn Tự điển Việt – Bồ – La khác và một bản ghi là “Ký tự chữ Quốc ngữ chú giải” và một bản tấu chương bìa xanh, đưa cho Toản.

– Thần thật ra đã có hai cuốn này rất lâu rồi, cũng có nghiên cứu. Thần nhận thấy thật ra loại chữ viết này rất đơn giản, lại dễ học, ai cũng dùng được. Trước, thần có soạn một bản tấu chương dự định bẩm báo Bệ hạ về việc này. Thế nhưng gần đây, sự vụ trong triều làm thần không dứt ra được nên quên khuấy đi.

“Oh my God! – Không ngờ việc dễ vậy sao?” Toản thầm mở cờ trong bụng.

– Học sĩ không hổ là học sĩ. Phu tử quả là người chu đáo. Trẫm có ý định phổ biến thứ chữ này trong toàn dân, ông thấy sao?

– Thật ra không chỉ có Bệ hạ có ý định này, trước đây cũng có người có nhưng lại không kịp thực hiện.

– Sao? Còn có người khác nghĩ đến nó sao?

– Chính là Tiên đế. Sinh thời, Người trăn trở rất nhiều. Người nói: “Dân ta nghìn năm qua bị người phương Bắc áp chế. Chữ viết cũng phải lệ thuộc họ. Trẫm có ý định tách rời sự lệ thuộc này. Trẫm muốn dân ta có một thứ chữ viết của riêng mình. Vừa hay, lúc đánh giặc Ánh ở thành Gia Định, Trẫm có gặp một giáo sĩ tên là Bá Đa Lộc. Trẫm không thích ông ta. Nhưng cái Trẫm chú ý là thứ chữ viết mà những người trong hội của ông ta biên soạn gọi là ‘chữ Quốc ngữ’. Quả là hỗn xược, lại dám dùng từ Quốc ngữ để ám chỉ loại chữ viết này. Tuy nhiên, ngẫm lại, Trẫm lại nghĩ biết đâu đây là con đường Trẫm nên đi. Nay giao lại cho khanh nghiên cứu một phen”.

Dừng một lát, Thiếp tiếp:

– Thế sự đổi dời. Bệ hạ bận trăm công nghìn việc, chưa tiện suy nghĩ thấu đáo. Ông trời lại trêu ngươi. Người ra đi quá sớm. Trước khi ra đi, Người có căn dặn thần: “Thứ chữ viết này chưa được phổ biến là tiếc nuối lớn nhất đời ta. Khanh hãy tiếp tục nghiên cứu đặng sau này phổ biến. Nhưng đó chưa đúng thời cơ. Trước mắt khanh hãy biên soạn cho xong bộ sách chú giải Hán – Nôm đã”.

– Trẫm nói thời cơ đến rồi, Phu tử có tin không?

– Bệ hạ là người rất thần kỳ trong mắt chúng quan, – Thiếp không ngần ngại nói ra nhận xét của mình về Toản. – Thần tin là Bệ hạ đã có cách. Kính mong Bệ hạ giải bày, thần xin rửa tai nghe.

– Trẫm – Toản không ngần ngại tiếp nhận lời ca tụng này mặc dù có hơi mắc cỡ – có biết một vị linh mục tên Y Nhã. Trẫm mới từ chỗ ông ta đến đây. Ông ta là người đức cao vọng trọng trong Giáo hội La Mã – Toản thật không biết có đúng vậy không hay là đến khi ông ta bị hành quyết, cả Thế giới mới biết. – Ông ta đã nhận lời cùng học trò của mình dạy cho dân chúng thứ chữ này. Phần còn lại, khó hơn là tìm cách thuyết phục chúng thần và bá tính.

– Kính mong Bệ hạ ban cho một đạo chiếu chỉ, thần nguyện thuyết phục bá quan và muôn dân trăm họ. Bắt đầu từ những sĩ tử vượt qua kỳ thi sắp tới.

– Thế thì Phu tử làm đi. Cần gì thì cứ nói, Trẫm sẽ ủng hộ. – “Trúng kế rồi nha. Ha… ha… ta giỏi quá”, Toản cười thầm trong bụng.

– Thần, lĩnh mệnh.