Chương 14

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Hoàng tử Trần Khẩm là con trưởng của vua Thánh tông tính nết nhu hòa hiếu thiện, là người có tư chất thông tuệ và linh giác nhạy bén khác thường, mới mười sáu tuổi đã học thông tam giáo, nhưng thiên hướng về Phật đạo ngày càng rõ rệt. Hoàng tử thường mời các bậc túc thiền để tham cứu về giáo lý Phật. Trong số các bậc thiền giả có nhẽ hoàng tử coi Tuệ Trung thượng sĩ là bậc thầy gần gũi nhất. Bởi nhẽ Thượng sĩ giảng giải vừa hợp với cái lý của đạo nhưng lại không xa rời cái lý thế gian.

Trong đại nội có ngôi chùa Tư Phúc lập ra để hoàng gia tiện lễ Phật và tham vấn vị thiền sư trụ trì tại đó. Hoàng tử Trần Khẩm thường vấn đạo với thiền sư bản tự. Một hôm chợt hỏi sư:

– Làm thế nào để giải thoát?

Sư đáp:

– Muốn giải thoát thì đừng chấp thân, đừng chấp tâm, đừng chấp cảnh. Thân, tâm, cảnh đều không chấp thời chúng không có chỗ bám trụ thì dứt được tham, sân, si. Khi đã dứt được tham, sân, si ắt chứng đạo quả.

Thái tử lại hỏi:

– Thiền sư dạy đừng chấp vào cái gì hết, đó là cái lý của đạo, nhưng cái khó là ở chỗ làm thế nào để đừng chấp, tức là cái dụng của đạo, xin thầy chỉ cho đệ tử.

Nghe hoàng tử hỏi, thiền sư giật mình tự nghĩ: “Người này có trí vô sư nên đã hiểu tới sự rốt ráo của đạo”. Đoạn sư nói:

– Hoàng tử nên lấy cái trí ra mà soi xét, khi người đã thông cái lý của đạo thì mọi việc đều trở nên đơn giản.

Ngẫm nghĩ giây lâu, thái tử gật đầu đáp:

– Bạch thầy, đệ tử hiểu.

Bữa nọ vua cha cho triệu Trần Khẩm vào cung dụ rằng:

– Năm nay con đã tròn mười sáu tuổi, cha đã để ý xem xét từ học vấn đến đạo đức thấy con là người hiếu thiện, ái nhân, ái vật đức ấy sau này sẽ có thể bao trùm được thiên hạ, vậy cha lập con làm hoàng thái tử để truyền ngôi.

Nghe vua cha nói, một nét buồn thoáng hiện trên gương mặt non tơ của chàng hoàng tử. Trần Khẩm vội quỳ lạy:

– Con cảm tạ phụ hoàng đã ban trọng ân.

– Ta muốn biết ý con thế nào?

– Tâu phụ vương, nếu phụ vương đã hỏi, cho phép con được tâu thực điều con nghĩ.

Vua Thánh tông mỉm cười độ lượng.

– Con nói đi. Nghĩ sao nói vậy, cha không bắt lỗi đâu mà sợ.

– Tâu phụ vương, xin phụ vương mở lòng, ý con đã muốn xuất gia nhưng chưa có dịp tâu lên. Nay con xin phụ hoàng để ngôi thái tử và cả ngôi nước cho em con.

Nghe con nói với vẻ chân thực, nhà vua thấy lòng se lại, giọng nghẹn ngào, vua dụ:

– Trong số các anh em con, ta chỉ thấy con là hơn cả nên có ý lập. Con nên biết đây là trọng trách quốc gia đặt lên vai con, buộc con phải gánh vác chứ không phải chuyện muốn hoặc không muốn. Ngôi nước trước hết phải vì nước, sau đó mới vì nhà, vì mình được. Cha chắc con hiểu ý cha.

Hoàng tử rơm rớm nước mắt phục lạy:

– Con xin tuân mệnh của phụ hoàng.

Vua cha lại nhắc bảo:

– Con đã đến tuổi lập phi. Triều thần dâng sớ xin lập trưởng nữ của Hưng Đạo vương, ta cho là thuận. Việc đó coi như xong, ta sẽ sai người đứng ra làm mai làm mối cho có đầu có đuôi. Còn về lập con vào ngôi hoàng thái tử, ngày mai thiết triều cha sẽ tuyên chiếu trước bá quan.

Từ khi vua cha dụ bảo hai việc lập phi và giữ ngôi hoàng thái tử để kế vị, Trần Khẩm thấy lòng trĩu nặng, chàng cảm như vừa bị mất mát một cái gì quý lắm, lớn lắm. Chàng suy nghĩ rất mông lung. Đúng là không thể trái ý vua cha. Làm con mà trái lời nghiêm huấn tức là con bất hiếu.

Chàng tự nhủ: “Thế nhưng lòng ta đã hướng về đạo. Chi bằng noi gương thái tử Tất Đạt Đa, nếu thành đạo quả không chỉ giải thoát cho riêng ta mà còn giúp nhà, giúp nước, cao hơn nữa như ngài Tất Đạt Đa khi chứng đắc đạo quả đã trở thành Phật tổ Thích Ca Mâu Ni không chỉ cứu độ cho hoàng gia, hoàng tộc, cứu độ cho đất nước mà còn cứu độ cho cả thế gian. Vậy thời ta có mắc lỗi hiếu nhỏ, nhưng ta đã đạt được điều hiếu lớn”. Nghĩ vậy, thái tử liền thu xếp cho việc hành động. Cân nhắc mãi cho việc ra đi nên như thế nào cho kín nhẹm, chẳng lại giống như thái thượng hoàng (Trần Thái tông) khi ra đi đem theo cả người hầu hạ thân tín, nên hình tích dễ bị lộ.

Trong tâm trí hoàng tử Trần Khẩm luôn hướng về ngọn núi thiêng Yên Tử, ở đó đang có các bậc thánh tăng trụ trì. Đó cũng là cõi giới thanh tịnh cách biệt với bụi bặm thế gian. Với lòng mộ đạo chân thành, hoàng tử trốn khỏi hoàng cung vào lúc trăng xế giữa một đêm hè vắng lặng. Hoàng tử ra đi một mình không hành lý, không người hầu cận, trong túi không có một đồng tiền nào, chàng chỉ nhằm hướng đông trực chỉ. Bởi đôi ba phen đã dò hỏi bá phụ Tuệ Trung về các bậc cao tăng trên Yên Tử sơn và cả đường đi lối lại. Hoàng tử thay lốt áo quần trước khi ra khỏi cung cấm. Chàng mặc trên người bộ đồ nâu sồng, đầu đội chiếc nón cúp vành để che mặt, đi mải miết suốt ngày quên cả đói, chỉ nghĩ đến ngọn núi cao vút, rừng rậm bạt ngàn, quanh năm mây trắng phủ đầy và mơ ước được diện kiến bậc thánh tăng và được ngài thâu nhận làm đệ tử để tu học. Đói thì cố nhịn chứ không dám xin ăn, còn khát thì mỗi khi qua suối dùng hai bàn tay vốc lên uống tạm, qua sông qua đò thì xin được bố thí. Thấy người đàng hoàng mặt mũi sáng sủa nên các lái đò đều vui vẻ chứ chẳng ai nỡ nặng lời với cậu bé nom như một chàng hoàng tử.

Sang đêm thứ hai hoàng tử đã thấm mệt, dù là trong tuổi mười sáu non tơ, nhưng được nuôi dưỡng trong cung vàng điện ngọc, kẻ hầu người hạ, chưa kịp đói đã có người ép phải ăn, chưa khát đã có người tiến dâng đồ uống thơm tho, nay phải nhịn đói trong suốt một ngày đêm lại dầu dãi đường trường, chừng quá nửa đêm chàng thấy nhấp nhô mấy ngọn tháp, chắc đó là một ngôi chùa, đầu óc chàng vẫn hướng về núi thiêng Yên Tử, nhưng đôi chân lại dẫn chàng tới tận chân tháp mộ. Mỏi chân quá chàng ngồi nghỉ dưới chân tháp và thiếp ngủ lúc nào không biết. Trong lúc ngủ say hoàng tử mơ thấy từ nơi rốn mình mọc lên một đóa sen vàng rực rỡ, bông sen càng lúc càng lớn như một bánh xe, chợt bừng nở, trên bông sen có đức Phật vàng đang ngự.

Cạnh đức Phật có người chỉ vào hoàng tử hỏi: “Biết đức Phật này chăng? Đức Phật Biến Chiếu đấy”.

Sau khóa lễ buổi sáng, sư trụ trì thường đi dạo quanh vườn chùa xem cây trái có gì cần phải chăm bón, tưới xén hoặc trẩy hái. Khi sư đảo về phía vườn tháp nhận thấy một thiếu niên đang ngủ say, bên cạnh là chiếc nón lá. Mặt trời đã lên chiếu những tia nắng sớm chênh chếch xuyên qua lớp sương trắng mỏng nhẹ như khói. Nom gương mặt khôi ngô tuấn tú của thiếu niên biết đây không phải người thường. Sư chợt nhớ lúc nửa đêm trong giấc ngủ nghe như có thiên sứ đến gọi: “Có đức Phật hoàng ghé thăm bản tự”. Cũng trong mơ, sư tự nhủ: “Chắc ta mới đọc sự tích mấy vị vua Phật nên mơ vậy”. Rồi lại ngủ tiếp. Nhìn mãi dáng mạo thiếu niên đang ngủ, sư tự hỏi: “Chẳng nhẽ đây là vị khách thiên sứ mách bảo ta chăng?”. Nhìn ngắm mãi dung nhan người khách lạ, sư thấy lòng rung động bèn tự nhủ: “Nước ta quả chưa có Phật hoàng. Nhưng vị này thì không phải. Đây là một thiếu niên. Các đấng chăn dân đều đã luống tuổi và cũng không có vị nào xuất gia”. Ngần ngừ giây lát nhà sư bèn cúi xuống đánh thức:

– Quý khách! Quý khách!

Thiếu niên mở bừng mắt thấy trước mình là một nhà sư đã luống tuổi và xung quanh là vườn mộ tháp, chàng bèn đứng dậy vái:

– Kính bạch lão tăng, tôi là khách lỡ độ đường, đêm hôm không dám kinh động cửa sài, trộm ngủ nơi vườn tháp, xin đại sư tha tội đường đột.

Sư vội xua tay:

– Ồ không! Cửa tam bảo lúc nào cũng rộng mở đón khách thập phương, xin quý khách chớ ngại. Lão tăng tôi xin có lời mời quý khách vào nhà phương trượng.

Lúc này ở Thăng Long hoàng gia đang bối rối không biết hoàng thái tử bỏ đi đâu. Vua Thánh tôn hết sức đau lòng. Ngài không ngờ Trần Khẩm vốn là người bản tính nhu hòa, hiếu thuận, đột nhiên lại bỏ hoàng cung đi không tâu báo, không duyên cớ. Lạ thay! Nhà vua sai đòi Nguyên thánh Thiên Cảm hoàng hậu vào hỏi:

– Hậu có biết hoàng thái tử đi đâu không? Thế này thì hoàng gia đến loạn mất.

Hoàng hậu nước mắt tuôn rơi và sụp lạy:

– Thần thiếp quả không biết hoàng thái tử đi đâu, nhưng thiếp có lỗi, con hư tại mẹ, xin hoàng thượng trị tội thiếp.

– Sao hậu lại nói như vậy. Ta không bảo con hư. Phải nói Khẩm là một đứa con có hiếu. Nhưng nó đã xin với ta nhường ngôi thái tử cho em nó và xin được xuất gia. Nhà vua thở dài buồn bã.

– Tâu hoàng thượng, thế thì đúng rồi, đôi ba phen Khẩm cũng ngỏ ý muốn lên Yên Tử sớm để cầu học các vị thánh tăng. Thiếp có khuyên: “Con muốn đi đâu phải xin phép phụ hoàng”. Coi chừng lần này có khi Khẩm lên thẳng Yên Tử, sao bệ hạ không cho quân đi đón con về.

– Được! Được! Để ta sai mấy ông sư phó đi đón Khẩm. Đúng như hậu nói, Khẩm chỉ tìm đường về Yên Tử tầm sư học đạo. Khẩm vừa có lòng khoan dung đức độ, vừa thông tuệ sáng láng, lại vừa là trưởng tử nên ta muốn truyền ngôi nước cho nó chứ nhường cho đứa khác thì có khó gì. Vả lại giữ ngôi nước là giữ giang sơn nòi giống, việc thiêng liêng trọng đại như vậy không thể trao cho bất kỳ ai cũng được.

Chiều hôm sau thì hoàng thái tử Trần Khẩm đã về lại Thăng Long. Nhà sư vẫn còn muốn lưu thái tử lại chùa đàm đạo, nhưng cũng vừa lúc quan quân và mấy vị sư phó tìm đến. Tình thế buộc thái tử phải về kinh.

Qua mấy ngày dãi gió dầm sương, ăn uống thất thường, thái tử gầy sọp hẳn đi.

Nghe nói hoàng tử đã về cung, hoàng thượng và cả hoàng hậu cùng ghé Đông cung thăm con.

Vừa thấy cha mẹ, hoàng tử đã vội quỳ thưa:

– Con thật bất hiếu để phụ hoàng và mẫu hậu phải nhọc lòng, con xin được nhận tội đánh trượng. Nói xong, thái tử nằm phục xuống thềm điện.

Nhìn mặt mày con hốc hác, hoàng hậu bưng mặt khóc. Nhà vua nâng con dậy và nói:

– Con muốn xuất gia, ấy là đại hạnh cho hoàng gia, cha sao bắt tội con được. Nhưng cha hỏi, sao dạo này con gầy yếu thế, hay trong lòng con có điều gì bất an.

Thái tử vái lạy vua cha và thú nhận:

– Phụ hoàng tha tội cho con, con không có gì bất như ý cả, con cũng không ốm đau bệnh tật, chỉ vì bấy lâu nay con ăn chay trường nên người có hao đi chút ít, nhưng thân thể vẫn mạnh khỏe.

Nghe con nói, vua Thánh tông ứa nước mắt nói:

– Cha già rồi, mọi việc đều trông cậy nơi con. Nay con định bỏ ta, bỏ cả xã tắc để mong cầu giải thoát cho bản thân mình. Con nghĩ thế không sai, nhưng đó mới chỉ là sự tiểu giải thoát. Sao bằng con cầm cương chính, lo cho trăm họ đủ đầy hiếu thiện thời đó mới là đại giải thoát. Chỉ người đại giác ngộ mới dám quên thân vì nghĩa lớn như vậy.

Hoàng thái tử như vừa ngộ ra, chàng phục lạy:

– Con xin tuân lời dạy của phụ hoàng, từ nay con dốc lòng tu chính.

– Vậy thì cha yên tâm. Nhà vua vừa nói vừa kéo hoàng tử đứng dậy.

Từ bữa ấy, hoàng tử chăm đọc cuốn Di hậu lục của vua cha. Chàng cũng nhờ các ông sư phó giảng kỹ kinh Xuân Thu và sách của thầy Mạnh Tử. Vì Mạnh Tử bàn về sự trị loạn xã hội rõ hơn Khổng Tử. Khổng Tử thiên về lễ, Mạnh Tử thiên về luật. Bản thân chàng tự tìm đọc và nghiền ngẫm binh thư của các nhà, lại sai người về Vạn Kiếp xin bá phụ Hưng Đạo vương sách Binh thư yếu lược. Lại nữa hoàng tử cũng chuyên tâm trong việc luyện rèn võ nghệ.

Thấy con chăm chỉ tìm hiểu các việc về trị bình cũng như chuyên tâm xem xét về binh pháp, vua Thánh tông mừng lắm. Nhà vua càng hối thúc các ông sư phó chỉ dẫn cho hoàng thái tử đến chỗ rốt ráo của học thuật.

Ngoại gián của ta từ đất Nguyên (Trung Hoa) đưa tin về sự diệt vong của nhà nam Tống đã cận kề. Và quân Nguyên cũng đang đưa đại quân qua đánh Nhật Bản. Như vậy cũng có nghĩa là người Mông Cổ đã tổ chức được quân thủy khá mạnh. Vì nếu quân thủy không mạnh sao có thể dám vượt biển khơi mà vào Nhật Bản.

Giữa lúc đó nhà Nguyên lại sai sứ sang hối thúc Đại Việt phải đưa cống vật và nhắc lại sáu việc nước Nguyên đòi hỏi.

Vua Trần Thánh tông sau khi bàn bạc với một số các triều quan, nhà vua cân nhắc và viết biểu phúc đáp:

“… Hơn mười năm nay, tuy ba năm cống vật một lần, nhưng sai phái sứ thần đi về mệt mỏi, chưa hề được nghỉ ngơi lấy một ngày. Còn như Đạt-lỗ-hoa-xích thiên triều sai đến đất nước chúng tôi sao có thể về không, phương chi những kẻ sai đến thường cậy thế chèn ép nước nhỏ… Vả lại Đạt-lỗ-hoa-xích chỉ nên đặt ở vùng man di ngoài biên giới, còn tôi đã được phong vương, làm phên dậu một phương mà còn đặt Đạt-lỗ-hoa-xích để giám sát, há không sợ các nước chư hầu cười cho hay sao… Tất cả các quan lại thiên triều sai đến xin đổi làm dẫn tiến sứ đề tránh được cái tệ Đạt-lỗ-hoa-xích. Và từ nay cứ một lần nộp cống ở Trung Nguyên, một lần nộp cống ở Thiện Xiển[106]”.

Nhà vua tự biết các điều không theo này sẽ làm cho Nguyên chúa nổi giận. Nhưng nếu theo như việc cống voi, cống người thì được đằng chân chúng sẽ lân đằng đầu, nay đòi được một thì mai nó sẽ đòi mười, dân sẽ khổ về việc tìm kiếm vật cống hằng năm. Còn như sáu điều kia, chỉ cần chấp nhận một trong sáu điều ấy là nước không còn giữ được thế nhân chủ nữa. Kẻ kia như lũ chó sói đói mồi, nếu cho chúng ăn thì không biết bao nhiêu là đủ.

Không chịu cống nạp đầy đủ, không chịu vào chầu, không chịu nộp tô, thuế, không chịu nộp quân tải lương… ắt ta phải chấp nhận đối đầu với lũ giặc hung hãn này thôi. Không chịu sống quỳ, sống nhục tức là không chịu khuất phục thì phải đối đầu. Xem ra từ quan đến dân trong nước ai ai cũng có lòng liêm sỉ, tự trọng muốn giữ nhà, giữ nước và đều căm giận vua tôi nhà Nguyên kiêu ngạo tự phụ, điêu trá toan lấy thịt đè người. Tuy vậy, muốn giữ được nước, giữ được lòng tự tôn, tức là giữ được phẩm giá của giống nòi với kẻ thù vừa hung hãn xảo quyệt vừa có sức mạnh khổng lồ kia là một việc muôn khó.

Nhà vua tuy tin vào quần thần, tin vào trăm họ nhưng vẫn băn khoăn trước sức mạnh của kẻ thù. Quả là ngài không sợ chết, nhưng chỉ lo không bảo vệ được muôn dân khi giặc ào ạt tràn vào bờ cõi. Để cho giặc tàn sát sinh linh, lòng vua sao nỡ. Vả lại đó còn là trách phận của kẻ chăn dân. Không thể để giặc tàn sát dân mình, rồi bảo đó là tội ác của giặc chứ không phải lỗi ở vua. Cũng như dân chết đói thì bảo đó là do trời làm mất mùa chớ đâu phải lỗi ở vua.

Nhà vua tự nhủ, ta đâu là kẻ vô minh, kẻ vô liêm sỉ mà có thể giũ bỏ trách phận người cầm cương chính của cả nước được.

Tướng quốc thái úy Quang Khải vào cung tâu báo việc cơ mật.

Vua hỏi:

– Ta nghe nói quân Tống thua to, quân Nguyên càng hung hãn, em có tin tức gì mới không?

– Em vừa nhận mật thư do ngoại gián gửi về, rằng thành Tương Dương, sau sáu năm dai dẳng kháng cự với quân Mông Cổ mới bị thất thủ năm Quý Dậu (1273) vì triều đình bỏ mặc không tiếp viện quân lương. Năm Giáp Tuất (1274) Hốt-tất-liệt đưa binh thuyền sang đánh Nhật Bản, chưa có tin tức gì thêm. Nhưng chắc là khó vào được, vì nước Nhật với hàng nghìn hòn đảo được phòng thủ vững chắc, mà người Mông Cổ chỉ quen cưỡi ngựa, trông thấy nước đã sợ rồi còn đánh chác gì, với đám quân người Hán (miền bắc) và quân tân phụ (miền nam) đang như gà phải cáo, hơn nữa họ cũng chẳng có thiện cảm với quân chiếm đóng. Hiện nay quân Mông Cổ đang ào ạt vượt sông Trường Giang nhằm tiêu diệt nhà nam Tống. Năm Ất Hợi này, mới đầu năm tên thừa tướng Giả Tự Đạo hèn nhát trong tay nắm mười ba vạn quân để giữ Vu Hồ, giặc chưa đến đã bỏ chạy khiến toàn bộ số quân của y bị quân Mông Cổ đánh cho tan tác. Nguyên Thế tổ (Hốt-tất-liệt) còn cử tả thừa tướng Bá Nhan thống suất hai mươi vạn quân chia làm hai đường: đường phía tây đánh vào Ngạc Châu, đường phía đông đánh vào Dương Châu.

Chẳng bao lâu nữa quân Nguyên sẽ chiếm xong Hợp Châu, Ngạc Châu, Đàm Châu, Dương Châu và như vậy Lâm An ba bề thụ địch, chỉ còn mặt nam là biển cả thôi.

Tống Độ tông vừa ốm chết, Giả Tự Đạo lập một đứa bé bốn tuổi lên ngôi, bà thái hậu vừa khóc vừa viết chiếu cần vương.

Tướng quốc ngừng lời nhìn nhà vua giây lát, lại nói:

– Vương huynh, em còn được tin hiện nay hưởng ứng chiếu cần vương, giới sĩ phu Trung Hoa đang hô hào dân chúng lập thành những đội quân cứu nước. Lực lượng này đang chống trả quân Mông Cổ khá mạnh, còn quân triều đình dưới sự khống chế của Giả Tự Đạo không dám kháng cự, chỉ lăm le đầu hàng.

– Thế thì nhà Tống bị diệt vong đến nơi rồi. Tống bị diệt vong cũng có nghĩa là Đại Việt ta phải trực diện đối đầu với quân Nguyên.

– Vâng đúng như vậy, em định xin hoàng huynh chỉ dụ, vì thấy tình thế căng lắm, hôm nay bọn Đạt-lỗ-hoa-xích lại giục ta phải thực hiện sáu việc mà nhà Nguyên đòi hỏi. Em phải đem chiếu dụ năm Trung thống thứ tư của vua Nguyên gửi phụ hoàng năm Quý Hợi (1263) ra bác lại.

– Em làm thế là đúng. Chắc bọn này còn ép ta hơn nữa. Vì vậy em phải đốc thúc các vương hầu và các lộ gom quân thật nhiều, luyện tập cho tinh thông và lương thực phải tích chứa, phải cất giấu vào những nơi thuận cho ta mà khó cho giặc. Mặt khác phải cử người sang thêm đất Nguyên để dò la. Ta nghe nói người Tống mới sang lánh nạn đông lắm phải không?

– Dạ, em mới cử một nhóm sang Long Châu giả làm người đi mua thuốc. Còn số người Tống sang xin lánh nạn thì mới đây có ba mươi chiếc thuyền lớn chở gần một vạn người gồm đủ cả nam phụ lão ấu cùng nhiều của cải đồ đạc cập cảng Vân Đồn. Hải binh đô tổng quản có tâu về xin cho họ được vào cư trú sâu trong nội địa, chứ không thể đuổi người ta về cũng như không thể cho họ trú chân ở ngoài ấy được. Em đã cho chạy ngựa trạm ra bảo cho phép họ vào thẳng Thăng Long. Em định thông qua đám người này để lấy thêm tin tức cũng như lọc ra xem có kẻ nào làm gián điệp cho người Mông Cổ trà trộn vào dân chạy loạn.

– Em nên thu xếp cho họ an cư, thế bất đắc dĩ họ mới phải ly hương. Ta nghe trong đám người tòng vong này có nhiều người trong giới quan lại quý tộc nhà Tống đang cố giấu mặt. Tuy nhiên xem trong đám họ kén lấy vài người mưu lược để đưa về lại Trung Nguyên làm ngoại gián cho ta. Tất yếu phải lấy những người cơ mưu, có lòng căm giận kẻ đã cướp nước họ và họ đang có người thân được ta cưu mang. Việc này phải thận trọng lắm, kẻo lại dùng nhầm phải gián điệp của Mông Cổ thì sự nguy hại không biết đâu mà lường. Ta định sang xuân sai Lê Khắc Phục, Lê Túy Kim sang sứ nước Nguyên, em sai lo đồ cống và căn dặn trước hai viên chánh phó sứ những điều cần thăm dò. Được, biểu trần tình với vua Nguyên ta tự thảo. Ta chắc việc bang giao từ nay sẽ ngày một cam go. Em phải gấp rút mọi việc ngay từ bây giờ kẻo khi giặc vào cõi trở tay không kịp. Còn điều gì cần nói, em cứ nói hết đi.

Sau một lát ngập ngừng, Trần Quang Khải nói:

– Em rất phân vân nhưng không thể không tâu báo để vương huynh với trọng trách là bậc quân trưởng, thử cân nhắc. Ấy là việc ấp Vạn Kiếp, anh Quốc Tuấn chiêu binh lớn lắm. Xây dựng nhiều chủng quân, nhưng quân thủy là mạnh nhất. Hiện nay Quốc Tuấn có trong tay đội quân gần bằng hai phần ba số quân của triều đình, lại đang ra sức chiêu mộ hiền tài, liệu các việc làm ấy có ngầm chứa mưu đồ khuynh đảo xã tắc?

Trầm ngâm suy tính một lát, nhà vua đáp:

– Hiện ta chưa có bằng cớ gì về việc Hưng Đạo chia lòng. Trong lúc giặc ngoài đang đe dọa mà anh em nghi kỵ nhau thì làm sao có thể cố kết được toàn dân. Ta nhớ trước đây cũng đã có người nói cái ý đó đến tai thượng hoàng, người có hỏi ta rồi người lại dạy: “Phải quên ngay các điều dị nghị ấy đi. Biết đâu chẳng phải là kế của giặc. Vả chăng Quốc Tuấn chiêu mộ quân sĩ, huấn hỗ tinh thông, chẳng phải là Quốc Tuấn đã làm theo chiếu dụ triều đình đã ban sao”. Cho nên việc này em chỉ nên để mắt thôi chớ nên để tâm. Cứ xem các việc Quốc Tuấn hành xử, đủ biết huynh ấy là bậc trượng phu, bậc chính nhân quân tử chứ không phải là tiểu nhân ngầm chứa mưu gian.

– Nếu thượng hoàng và huynh trưởng đã dạy thế, em yên tâm. – Quang Khải nói xong xin cáo lui.

Lại nói thượng hoàng Trần Thái tông từ khi lui về Thiên Trường ngài thường lo việc tu tập và trứ tác, còn việc triều chính ngài giao trọn cho con, thi thoảng ngài về Thăng Long hỏi han việc nước nhằm kiểm xét các việc Thánh tông làm có điều gì còn sơ khoáng thì ngài uốn nắn. Hoặc đôi khi có việc gì cần thượng hoàng chỉ giáo thì vua Thánh tông tự về Thiên Trường vừa thăm vua cha vừa xin ý chỉ.

Dạo này thượng hoàng đã về ở hẳn động Thái Vi. Tại đây ngài dựng một nếp chùa trước cửa động. Ngôi chùa nhỏ là nơi ngài vừa thờ Phật vừa tu tập. Hằng ngày thường vào chơi trong thôn ấp, thăm hỏi dân chúng và chỉ dẫn họ con đường làm ăn cũng như việc cho con cái học hành chữ nghĩa. Tu tâm, dưỡng đức, việc hiếu, việc hỷ, việc thờ cúng tổ tiên nhất nhất nhà vua đều hướng dân chúng vào con đường giản dị, tuân thủ lễ nghi phong tục mà tránh sự cầu kỳ xa xỉ. Khuyến cáo họ nên bỏ việc thờ các tạp thần, tà thần, dâm thần mà chỉ nên theo về Phật. Thờ Phật và tu theo Phật chỉ dạy là con đường tâm linh tiến hóa, con đường thiện đức từ ái.

Nhà vua dạy dân bằng sự thân giáo, tức là ngài sống giản dị, cần kiệm, nói và làm không mảy may sai khác nên dân tin và làm theo. Vì vậy đời sống người dân quanh vùng ngài ở ngày một khấm khá dễ chịu, thôn ấp đêm đêm vang tiếng trẻ ê a học bài, người già được kính trọng, trẻ nhỏ được chăm sóc, nạn cờ bạc, trộm cắp cũng mất hẳn. Những ngày tuần tiết dân chúng kéo đến chùa Thái Vi nghe thượng hoàng giảng đạo ngày một đông hơn, vì thế vua tôi gần gũi như tình cha con, ông cháu và phong tục ngày một thuần hòa.

Một hôm nhà vua đi sâu vào trong xóm núi thấy đám bé gái thả trâu rồi ngồi xúm vào với nhau, mấy đứa chơi trò chồng nụ chồng hoa, lại mấy đứa chơi trò đánh chắt, đánh chuyền, vua sực nhớ cách đây hơn năm mươi năm ngày ấy ta mới bảy tuổi, được cho chức quan nội hầu vào hầu chơi với nữ chúa Phật Kim (Chiêu Thánh), ta cũng thấy nàng chơi các trò chơi này với đám thị nữ. Dường như nàng thích nhất trò đánh chuyền, vừa rải que vừa hát. Những câu hát nghe một lần đã nhớ. Ví như ở bàn một, vừa rải mười que ra vừa nhặt, mỗi khi nhặt một que lại kèm một câu hát. Nhà vua nghiêng tai lắng nghe vẫn thấy đám trẻ hát lại những câu hát xưa:

Que mốt

Que mai

Con trai

Con hến

Con nhện

Giăng tơ

Quả mơ

Quả táo

Cái gáo

Lên đôi

Vua để ý khi sang bàn hai, mỗi lần tung quả cầu đất lên đứa trẻ vừa hát vừa nhặt hai que.

Đôi tôi

Đôi chị

(thiếu một trang)

… lương, đời sống người dân, quan hệ với người Nguyên, người Tống, thượng hoàng dụ bảo:

– Ta mừng đất nước ngày một giàu thịnh, thế nước vững vàng, dân nước an cư lạc nghiệp, nông tang phát khởi, học vấn mở mang, các con đều trưởng thành, văn võ kiêm thông. Ta cũng nghe nói Quốc Tuấn đã có trong tay một đội gia binh, gia tướng, gia thần có nhiều người tài đức. Nếu các vương hầu nhiều người làm được như Quốc Tuấn là phúc cho nước đấy. Quốc Tuấn có khiếu năng của bậc trí tướng có tài cầm quân trăm vạn. Ta nhớ hồi cuộc chiến chống quân Mông Cổ xâm lăng năm Đinh Tỵ (1257) ta có sai Quốc Tuấn đem hai ngàn quân lên tăng sức cho biên thùy phía giáp giới nước Đại Lý. Quốc Tuấn lên đó đã liên kết được với các đầu mục người man là Hà Khuất, Hà Bổng.

Khi quân Mông Cổ tràn vào cõi sức nó đang cường như bão lốc, Quốc Tuấn đã khôn khéo né tránh mà dành lực lượng phối cùng các cánh quân man đánh chặn đuôi nó, diệt tan hơn hai vạn quân người Thoán, Bặc của Đoàn Hưng Trí khiến giặc vào tới Thăng Long mà đem lòng hốt hoảng. Khi bị ta đưa quân đánh vỗ mặt, giặc liền tháo chạy. Quốc Tuấn nhân cơ hội đón đánh khiến giặc sợ hãi bỏ chạy một mạch không dám dừng lại tiếp chiến.

Chính vì bị thua đau nên sau này giặc cũng bớt phần hăm dọa ta. Nhớ khi Quốc phụ Trung Vũ đại vương còn sống đã hai ba phen người căn dặn ta phải trao quyền thống suất việc binh cho Quốc Tuấn thời mới có thể kình chống được với giặc dữ Mông-Thát. Càng ngẫm, ta càng thấy lời dạy ấy là phải. Vậy các con nên xem xét và phải lấy nước làm trọng, những gì cần dẹp bỏ phải dẹp bỏ ngay. Hoàng gia, hoàng tộc cùng với bá quan phải quy tụ thành một khối. Triều đình với bách tính phải quy tụ thành một khối tựa như một bó đũa gồm thâu từng chiếc đũa, nhược bằng tháo rời bó đũa để tung tóe mỗi nơi mỗi chiếc thời chẳng khác gì tự mình đem nước dâng cho giặc.

Thượng hoàng nói một mạch hết các điều ngài thấy cần phải nói nên đã thấm mệt. Ngài ngả lưng vào tựa ghế. Nhà vua nhìn khắp lượt các con với tất cả tấm lòng yêu thương được dồn trút vào ánh mắt và như cố nén ghìm xúc động, ngài nói:

– Giang sơn gấm vóc của tiền nhân để lại, mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi hòn đá viên sỏi từng thấm máu của người mình trải mấy ngàn năm, cho nên một tấc một thước núi sông ta cũng không được phép để lọt vào tay quân thù. Từ xưa cái họa của nước mình thường từ phương bắc đến, do vậy các con nên canh chừng người Bắc.

Ngập ngừng giây lát thượng hoàng lại tiếp: – Sinh tử là nhẽ thường hằng, nếu ta có ra đi cũng chỉ nằm trong luật sinh diệt tụ tán của tạo hóa, các con chớ vì đó mà sao nhãng việc nước. Ta nghe như bước chân giặc đang rộn rã ngoài biên thùy rồi đấy. Nói xong ngài khép hờ đôi mắt như người nhập định.

Vua Thánh tông và các hoàng đệ đều quỳ phục dưới chân thượng hoàng, ai nấy đều ngước mắt nhìn vua cha mà âm thầm nhỏ lệ.

Chợt thượng hoàng mở mắt nhìn các con, ngài nghiêm huấn:

– Các con chớ yếu lòng. Sang đầu hạ chắc ta đi xa. Các con khá nhớ nhời ta dặn, phải giữ lấy nước, phải lấy nước làm trọng. Phải truyền cho bách tính lòng yêu nước, lòng kiêu hãnh và cả sự liêm sỉ. Thiếu lòng kiêu hãnh dân tộc và thiếu cả sự liêm sỉ nữa, cũng tức là dấu hiệu báo trước sự bại vong.

Vua Thánh tông và các hoàng đệ đều xúc động nói:

– Chúng con xin nghiêm giữ lời dạy của phụ hoàng.

Thượng hoàng Trần Thái tông giơ tay bảo các con:

– Trở về cung, phủ làm việc đi.

Các ngày tiếp nối, thượng hoàng tuy có yếu mệt nhưng chưa bỏ một khóa lễ nào và hằng ngày vẫn có cuộc đàm đạo với vị thiền sư trong hoàng thành, nhưng thời gian của các cuộc tiếp xúc cứ ngắn dần. Tới sáng ngày mùng Một tháng Tư như có linh tính, thiền sư liền sang cung Vạn Thọ vấn an. Nhà sư vừa tới, thượng hoàng vội nói:

– Ta với hòa thượng chắc có duyên với nhau từ kiếp trước, nên biết “giờ của ta” mà đến chia tay. Chắc sẽ còn gặp nhau nữa đấy.

– A di đà Phật! Thiền sư đáp lời nhà vua bằng một niệm. Lại nói:

– Chẳng là tăng này vừa mãn khóa lễ, chợt thấy nóng ruột. Nếu công quả tròn đầy lại túc duyên nữa thì việc gặp gỡ có lo gì, vì bần tăng cùng với thượng hoàng đều là đệ tử Phật cả.

– Phải! Thái tông đáp.

– Vậy chớ ngài có điều gì cần nhắc nhở hậu thế và lớp đệ tử thuộc hàng con cháu?

Thượng hoàng Trần Thái tông khẽ lựa chiều xoay người ngồi theo thế kiết già và ngài nói kệ:

Cào đất đùng đùng trận gió hanh,

Lão ngư say tít chiếc thuyền chành.

Bốn bể mịt mù mây sầm bóng,

Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.

Theo lớp hạt mưa bay phấp phới,

Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoành.

Giây lâu tan bụi bên trời tạnh,

Trăng lặn lòng sông đêm mấy canh?[107]

Vua Thánh tông cùng một số triều quan vào vấn an thượng hoàng, nghe được vài lời cuối bài kệ, chưa kịp hỏi han gì thì ngài đã hóa.

Nhà vua đi vào cõi tịch diệt như người đi du ngoạn. Ngài sống một cuộc đời giản dị, nhân ái, hiếu thiện, không ham phú quý, ở ngôi vua mà chẳng hám ngai vàng. Đã một lần bỏ ngôi báu lên Yên Tử tu thiền mà rồi ước nguyện chẳng thành, lại phải làm vua. Ở ngôi ít lâu lại nhường ngôi báu cho con rồi lui về động Thái Vi lập chùa tu đạo. Đúng là ngài chỉ ham kê cứu đạo nhất thừa mà coi chiếc ngai vàng không hơn đôi dép cỏ. Đời cho ngài là một vị vua thiền sư hiếm gặp.

Nhà vua mất đi trong sự tiếc thương của người dân cả nước. Dân nước coi ngài là một vị vua hiền, một người ái thiện. Giới tu hành coi ngài như một vị thiền sư, một nhà trứ tác Phật học xuất sắc.

Nhưng kinh ngạc nhất và xót xa nhất là cái chết của công chúa Thiều Dương, vợ của thượng vị Văn Hưng hầu, nàng vừa ở cữ nên trong khi thượng hoàng từ động Thái Vi về cung Vạn Thọ nàng không tới thăm vua cha được, lòng càng áy náy. Lại nghe nói thượng hoàng không được khỏe, nàng luôn sai người đến thăm hỏi. Người được sai đi, Văn Hưng hầu dặn phải nói lại với công chúa rằng “Thượng hoàng đã khỏe”. Công chúa Thiều Dương vẫn bán tín bán nghi, tới lúc nghe tiếng chuông thúc hối hả, liền hỏi người hầu: “Thượng hoàng mất chăng?”. Người hầu ra ngoài một lát về tâu: “Không phải thượng hoàng mất mà có sứ nhà Nguyên tới”. Công chúa vẫn không tin, lăn khóc vật vã, nước mắt chảy ra đỏ như máu rồi không nhìn thấy gì nữa và cứ gào mãi cho đến chết.

Được tin vua Thái tông mất, Hốt-tất-liệt cho đây là cơ hội để thôn tính Đại Việt, nên cử Lễ bộ Sài Thung sang viếng tang cùng dò xét tình hình.

Vua Thánh tông ra tiếp sứ. Sài Thung lấy cớ vua cũ mất, chưa được lệnh của thiên tử nhà đại Nguyên mà đã tự tiện lên ngôi nên vua mới phải sang chầu ngay. Với nhà Nguyên thì lúc này vua Thánh tông mới lên ngôi.

Để lấy lòng sứ giặc, vua Thánh tông mời Sài Thung dự tiệc yến. Y hỏi:

– Nhà vua định thết yến sứ thiên triều tại cung nào?

Vua đáp:

– Tiệc yến sang trọng trẫm thường cho bày tại hành lang đại điện để thượng khách vừa dự tiệc vừa ngắm cảnh.

Sài Thung nghiêm mặt:

– Nhà vua coi thường ta quá. Ta là sứ giả thiên triều mà tiệc yến lại bày ngoài hành lang. Tại sao không bày trong đại điện?

Vua Thánh tông thấy tên sứ giặc này ngạo mạn không kém gì tên Trương Đình Trân mấy năm trước. Trong lòng nhà vua lửa giận đang nhen bốc, nhìn thẳng vào mặt Sài Thung vua toan quát, nhưng chợt nhớ nhời vua cha dặn: “Tình thế lúc này đã khác, không để cho giặc làm mất thể diện quốc gia nhưng cũng không thể làm căng với giặc được, cương nhu phải tùy lúc, tùy thời”. Quả đúng như vậy, hiện nay Hốt-tất-liệt đã chiếm gần hết Trung Hoa rồi. Quan lại, quý tộc nhà Tống đã bỏ Lâm An lũ lượt chạy sang ta xin tá túc ngày một đông. Vua tôi nhà Tống hiện như cá nằm trên cạn, sống thoi thóp có thể tính đếm theo giờ khắc. Nếu ta làm căng, Sài Thung về tâu báo, quân Nguyên có thể sớm tối vào cõi. Nhân vận áo xám, phụ hoàng rồi hoàng muội vừa qua đời, nay nếu không tính kỹ, chiến cuộc bùng nổ trong khi thế nước chưa vững, mất nước như chơi, tội ấy không gì có thể biện minh được. Bởi trong các loại tội phạm mà lịch sử lên án gay gắt nhất vẫn là tội bán nước và tội làm mất nước. Nghĩ vậy, Trần Thánh tông liền ém giận, lấy buồn làm vui. Nhà vua mỉm cười nói với Sài Thung:

– Trẫm vẫn nghĩ mời Sài thượng thư vừa dự yến vừa ngắm cảnh nên định sai bày tiệc ở hành lang, nhưng nếu việc đó làm thiên sứ không vui thời ta mời sứ đến điện Tập Hiền dự yến.

Sài Thung vui vẻ đáp:

– Nhà vua quả là người có văn chất cao, ta không có lý gì lại không tới điện Tập Hiền của quý quốc.

Trước ngày dự dạ yến, nhà vua đã sai tướng quốc thái úy Trần Quang Khải đến nhà công quán thăm Sài Thung đôi ba lần. Mỗi lần đều biếu xén quà tặng là những vật trân bảo, và lần sau lại nhiều hơn, quý hơn lần trước. Thái độ của Sài Thung đã bớt hung hăng kiêu ngạo. Tuy vậy việc đó không ngăn nổi Sài Thung cho đám tùy tùng đi khắp nơi dò la tin tức, khám phá xem quân ta đã có động tĩnh gì nhằm trái mệnh Hốt-tất-liệt.

Tới buổi dạ yến, vua ngồi đối diện với Sài Thung và tự mình rót rượu mời sứ. Trong lúc đang vui vẻ thù tạc Trần Quang Khải rồi cả nhà vua đều có làm thơ tặng sứ giả. Sài Thung cũng muốn chứng tỏ mình không phải kẻ vũ phu, thô lỗ, y liền cầm bút làm thơ phúc đáp. Vua và Quang Khải đều không tiếc lời khen.

Nhân lúc cao đàm, nhà vua giải tỏ với sứ về sáu điều mà vua Nguyên lại vừa có chiếu sang thúc giục. Đại khái, vua tìm cớ thoái thác không chấp nhận một điều nào.

Đang vui vẻ, Sài Thung nhíu cặp lông mày sâu róm và y nói tựa như một sự chân tình.

– Nhà vua chẳng thấy mấy năm nay, năm nào thiên tử cũng nhắc đi nhắc lại An Nam phải thực thi sáu điều đó sao. Bây giờ thiên tử lại sai ta phải đích thân sang tận nơi đốc thúc, nếu ta trắng tay ra về, chắc thiên tử sẽ lấy đầu ta mất. Nếu nhà vua không đích thân sang chầu được thì trong hàng con cháu lại không cử được một người sang làm con tin sao? Nhà vua phải làm một điều gì đó để chứng tỏ sự thần phục của mình chứ. Ta thấy thiên tử nhà đại Nguyên là người khoan dung, độ lượng nhưng ngài cũng rất ghét sự nói suông đó.

Vua Thánh tông gượng cười và thư thả đáp lời:

– Tôi chắc quan Lễ bộ thượng thư nhớ chuyện năm Tân Dậu (1261) thiên tử sai Mạnh Giáp và Lý Văn Tuấn đem chiếu thư sang dụ nước tôi, đã ban trọng ân như về phong tục, điển lễ “Cứ theo chế độ cũ của nước mình, không phải thay đổi”. Và thiên tử còn ân cần dụ bảo: “Ta đã cấm các biên tướng không được tự tiện đem quân xâm phạm bờ cõi nước ngươi, quấy rối nhân dân nước ngươi. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi hãy cứ yên ổn làm ăn như cũ”.

Rõ ràng chiếu thư do đích thân thiên tử thảo, không hề nhắc đến việc vào chầu và các việc khác, nay nghe nói phải làm sáu việc, lòng tôi xiết đỗi kinh ngạc. Vậy xin thiên sứ vui lòng về tâu lại thiên tử đã thương nước tôi thì thương cho trót.

Sài Thung biết Hốt-tất-liệt đã đổi ý, bởi đây là việc từ hơn mười năm trước. Nhưng quả thực Sài Thung không thể bắt bẻ vua Trần vào đâu được, y nói ấp úng:

– Các ông cứ đem việc cũ ra cãi lý. Thôi được, để ta về tâu báo lại xem thiên tử có thương tình nước các ông mà cho hưởng tiếp ân sủng đã ban từ năm Tân Dậu.

Trần Quang Khải đế thêm:

– Sài thượng thư khỏi lo, thiên tử không nói hai lời. Sài Thung biết Quang Khải có ý ngầm nói móc, nhưng lại không thể bắt bẻ bởi đó là chính ngôn. Vì vậy Sài Thung im lặng không nói gì thêm.

Sài Thung trở về nước với vẻ không vui bởi y không ép được vua tôi nhà Trần quy phục theo yêu sách của Hốt-tất-liệt.

Sài Thung lo là đúng, bởi Hốt-tất-liệt oai trùm bốn cõi, đánh đâu thắng đấy, dưới gầm trời này không có ai là địch thủ. Có thể nói Hốt-tất-liệt là tướng siêu quần có tài: Chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy. Y khó có thể tha thứ cho kẻ dưới quyền không hoàn thành sứ vụ.

Trần Thánh tông sai hai vị đại thần là Đỗ Quốc Kế và Trịnh Đình Toản làm chánh phó sứ đoàn đem phương vật và hai con voi nhà sang cống nhà Nguyên. Sứ đoàn đi cùng với Sài Thung về Đại Đô[108].

Khi sứ đoàn tới thành Ung Châu thì Sài Thung được tin mật báo gì đó nên y để Đỗ Quốc Kế, Trịnh Đình Toản ở lại Ung Châu, còn y tức tốc về ngay Đại Đô.

Sài Thung chưa ra khỏi biên thùy thì Trần Thánh tông đã chuẩn bị việc nhường ngôi cho con. Nhà vua nói với hoàng thái tử Trần Khẩm:

– Thế giặc mạnh lắm, cha muốn trao ngôi nước để con làm quen dần, trong khi cha còn minh mẫn có thể chỉ dẫn cho con được đôi điều, kẻo mai này khi họa biến mà chẳng may cha đã khuất thì ngôi nước hóa ra không có chủ.

Hoàng thái tử khóc và quỳ lạy:

– Phụ hoàng thương mà trao cho con ngôi nước, nhưng tuổi con còn quá trẻ, sức nghĩ hiểu còn nông cạn, sao con dám ngồi trên các bậc tiền bối công lao trùm thiên hạ. Vả lại thế nước đang cam go, con biết lèo lái con thuyền quốc gia ra sao khi trời nổi dông gió.

Vua Thánh tông nâng con dậy, ngài vỗ về:

– Con khỏi lo, khi thượng hoàng trao cho cha ngôi nước cũng vào lúc cha bằng tuổi con bây giờ. Ngày ấy cha cũng thưa với phụ hoàng y hệt ngày nay con nói với cha. Con nên biết, cha trao trọng trách cho con gánh vác dần việc nước chứ không phải cha trao cho con quyền an hưởng lạc thú.

Hoàng thái tử vái lạy:

– Con xin tuân lời nghiêm huấn của phụ hoàng.

Hoàng thái tử Khẩm lên ngôi đổi niên hiệu là Thiệu Bảo vào đầu năm Kỷ Mão (1279), miếu hiệu sau này là Nhân tông. Nhà vua bẩm thụ là một người hiếu thiện, hiếu thuận, hiếu hòa, hiếu Phật lại có óc thông tuệ khác thường. Kinh sách của cả ba nhà (Thích, Nho, Đạo) chỉ đọc một lượt là thấy được cái ý minh triết từ phía sau con chữ. Tuy tham bác đầy đủ cả ba dòng đạo, nhưng cái tâm của nhà vua lại hướng vào nền Phật đạo vừa tu học vừa tu chứng. Việc học Phật, ngoài tấm gương của vua cha và tổ phụ, ngài còn tham vấn các bậc túc thiền đạo cao đức trọng trong giới tu hành. Nhưng người mà nhà vua hướng cả tâm trí vào đó và tôn là bậc thầy lại chính là Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Trung, ông cũng chính là bá phụ (bác họ) của nhà vua.

Trần Quốc Trung tức Hưng Ninh vương Trần Tung là anh ruột của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, là con của Yên Sinh vương Trần Liễu. Phong cách tu thiền của Tuệ Trung thượng sĩ khiến vua Trần Thánh tông cũng ngưỡng mộ và tôn thượng sĩ làm sư huynh.

Sở dĩ vua Nhân tông ngưỡng mộ thượng sĩ là bởi phép tu của ông là nhập thế gian, tức là trong dòng đời mà tu với đời, vì đời mà tu mà quảng bá nghiệp thiện, nhằm cảm hóa nhân quần xa lìa tham dục hướng tới giác ngộ, và từ đó mà giải thoát. Việc tu đó xuất phát từ cái tâm ái nhân ái vật sống cùng bách tính, tu vì bách tính, cùng bách tính vượt thoát khỏi bể dục trầm luân. Còn như cái tu xuất thế gian là xa rời bách tính, đóng cửa tự tu cho sự giải thoát của chính mình cũng là một cách tu. Vua Nhân tông không có ý bài xích người tu xuất thế gian, nhưng lòng ngài không hướng về pháp môn đó.

Vừa lên ngôi, vua Nhân tông đã gặp cản ngại lớn từ bên ngoài. Ấy là việc Hốt-tất-liệt vừa tiêu diệt xong nhà nam Tống trong trận chiến cuối cùng.

Chẳng là người của ta cài cắm dò la trên đất Nguyên, đất Tống ở Long Châu, Phúc Châu, Lâm An, Khai Phong, Kim Lăng, Yên Kinh… tới tấp gửi tin khẩn cấp về, tướng quốc thái úy Trần Quang Khải kê cứu cho có hệ thống rồi lập tức vào cung Quan Triều tâu báo. Vừa gặp lúc hai vua đang bàn quốc sự, thái úy toan sụp lạy. Thánh tông ngăn lại:

– Vương đệ thật là đa lễ, anh em chú cháu trong nhà cả, có chuyện gì đệ cứ nói mau đi, ta nghe Hốt-tất-liệt đã diệt xong nhà nam Tống, tình thế bất lợi cho ta rồi đây. Vương đệ có được tin ngoại gián tâu báo về không?

– Tâu, những nơi ta đặt ngoại gián đều khẩn cấp báo về, thần liệt kê đầy đủ các sự việc xin tâu để vương huynh và vương điệt biết rồi ta liệu bề đối sách.

Tâu, thần chỉ xin kể các sự việc từ năm Bính Tý (1276) tướng nhà Nguyên là Bá Nhan dẫn quân cách Lâm An ba mươi dặm hạ trại gây sức ép. Tạ thái hậu cùng một số đại thần nhà Tống hèn nhát bàn nhau đầu hàng. Tạ thái hậu sai một viên quan mang biểu và quốc ấn đến trại giặc nộp. Bá Nhan đòi thừa tướng nhà nam Tống phải đích thân tới ký hàng ước. Tạ thái hậu cử hữu thừa tướng Trần Nghi Trung tới thương thảo. Nghi Trung sợ giặc bắt không dám đi. Tạ thái hậu liền phong cho Văn Thiên Tường làm hữu thừa tướng sang trại giặc ký hàng ước. Văn Thiên Tường gặp Bá Nhan không đả động gì đến việc đầu hàng, còn đòi quân Nguyên phải rút khỏi các vùng đất vừa chiếm, nếu không quân Tống sẽ sang sông nghênh chiến.

Bá Nhan thâm độc giữ Văn Thiên Tường lại và sai người báo cho Tạ thái hậu không ký được hàng ước, quân Nguyên sẽ tiến đánh vì rằng Văn Thiên Tường đã cự tuyệt.

Được tin, Tạ thái hậu liền sai Giả Dự Khánh làm hữu thừa tướng thay Văn Thiên Tường sang trại giặc ký hàng ước. Bá Nhan đưa quân vào chiếm Lâm An không mất một mũi tên. Bà Tạ thái hậu dẫn con là Triệu Hiển (Tống Cung đế[109]) mới bốn tuổi ra khỏi cung xin hàng. Bá Nhan giải Triệu Hiển và Văn Thiên Tường về Đại đô. Nửa đường Văn Thiên Tường tìm cách trốn thoát. Sự việc này thần đã tâu báo với vương huynh và vương điệt cách đây mấy tháng.

Vua Nhân tông lắng tai nghe, còn thượng hoàng Thánh tông lại giục:

– Hoàng đệ nói tiếp từ sau khi mẹ con Tống Cung đế ra hàng quân Nguyên cho tới khi nước Tống bị tiêu diệt.

– Tâu, sau khi Tống Cung đế bị bắt giải về Yên Kinh, hoàng tộc và một số đại thần nhà Tống trong đó có Lục Tú Phu đưa hai người anh của Triệu Hiển là Triệu Tự chín tuổi và Triệu Bính sáu tuổi chạy đi Phúc Châu[110]. Tới lúc này đất đai của nhà nam Tống chỉ còn đúng hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông nhưng ba mặt đều bị quân Nguyên áp sát, chỉ có mặt đông là biển cả quân Nguyên chưa bủa vây.

Về tới Phúc Châu, tả thừa tướng Lục Tú Phu bèn cử người đi tìm hữu thừa tướng Trần Nghi Trung và đại tướng quân Trương Thế Kiệt về Phúc Châu bàn quốc sự. Ba người đều đồng lòng tôn Triệu Tự lên ngôi hoàng đế. Quân Nguyên thừa thắng từ Lâm An tiến thẳng sang chiếm Phúc Châu. Hữu thừa tướng Trần Nghi Trung hoảng hốt lên thuyền trốn ra biển lớn. Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu hộ giá Triệu Tự lên thuyền chạy sang Quảng Đông. Chẳng may gặp gió to sóng lớn, Triệu Tự sợ phát ốm rồi chết. Hai quan đại thần Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu bàn nhau lại đưa Triệu Bính lên ngôi hoàng đế, rồi vua tôi giong thuyền chạy ra đảo Nhai Sơn.

Vua Nhân tông nóng lòng hỏi xen vào:

– Thúc phụ, thế Văn Thiên Tường trốn được rồi đi đâu? Cháu nghe nói Văn Thiên Tường là một vị trạng nguyên có lòng yêu nước và là bậc trí dũng lắm kia mà.

– Văn Thiên Tường dũng như bệ hạ nói, năm hai mươi tuổi ông ta từ quê lên Lâm An thi tiến sĩ có bài văn sách nổi tiếng bàn về kế đánh giặc hưng thế nước, quan trường chấm cho ông ấy đỗ trạng nguyên. Lại nói sau khi Văn Thiên Tường trốn khỏi tay giặc, ông liền chiêu mộ quân nghĩa tiếp tục đánh giặc.

Lúc này Nguyên thế tổ Hốt-tất-liệt sai Trương Hoằng Phạm và Lý Hằng làm nguyên súy và phó nguyên súy đem hai vạn quân đi diệt nốt lực lượng nhà nam Tống còn chống đối.

Biết Văn Thiên Tường đang đồn trú ở Triều Châu, Trương Hoằng Phạm cho đại binh đến tiến đánh. Do lực lượng quá chênh lệch, quân của Văn Thiên Tường đại bại và ông bị quân Nguyên bắt sống.

Trương Hoằng Phạm dò biết người cầm đầu quân Tống ở đảo Nhai Sơn là Trương Thế Kiệt, mà Thế Kiệt thường rất khâm phục Văn Thiên Tường, nên y dụ Văn Thiên Tường khuyên Trương Thế Kiệt ra hàng.

Văn Thiên Tường cười khẩy đáp: “Ta đã không cứu được nước, lẽ nào lại khuyên người khác hại nước”.

Mặc cho Văn Thiên Tường từ chối, Trương Hoằng Phạm vẫn sai đem giấy bút ra ép Văn Thiên Tường phải viết.

Bị giặc thúc ép, Văn Thiên Tường cầm bút viết hai câu:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh[111].

Viết xong ông liền quẳng bút đi.

Tướng giặc trọng tài năng và nhân cách của ông nên nương tay muốn lưu lại để dùng, chúng bèn cho quân giải ông về Đại Đô.

Trương Hoằng Phạm và Lý Hằng tiến đánh Nhai Sơn. Trương Thế Kiệt chỉ huy quân dân Nhai Sơn đánh trả khốc liệt, quân Nguyên bị dìm chết hết đợt ấy sang đợt khác. Nhưng quân giặc dày đặc biết không thể chống đỡ đến cùng, Trương Thế Kiệt vội phái thuyền đi đón Triệu Bính định phá vây đưa vua đi trốn, mưu đại cuộc.

Lục Tú Phu hộ giá thấy thuyền đến đón không biết thật giả thế nào, sợ nhà vua bị giặc lừa nên không cho đón. Trong khi đó thuyền giặc cứ ùn ùn kéo đến bủa vây vòng trong vòng ngoài. Tình thế mỗi lúc một nguy cấp hơn, tả thừa tướng Lục Tú Phu gạt nước mắt nói với ấu chúa: “Nhà Tống đã đến hồi chung cục, bệ hạ cùng thần đành hiến thân cho nước, chớ để giặc bắt”. Nói xong ông cõng Triệu Bính nhảy xuống biển, vua tôi cùng chìm nghỉm dưới biển sâu sóng dữ. Bảy ngày sau xác quân Tống nổi kín mặt nước kể tới chục vạn người. Nhà Tống diệt vong, triều Nguyên đại định. Nói xong Trần Quang Khải thở dài. Có thể ông chia sẻ với nỗi đau mất nước của người Trung Hoa, cũng có thể ông lo cho thế nước, lo cho số phận của dân tộc mình.

Nghe tướng quốc thái úy tường trình xong, thượng hoàng Trần Thánh tông lặng người đi, nhưng Trần Nhân tông lại mau mắn đáp lời:

– Thưa phụ hoàng, thưa thúc phụ, Đại Việt ta không còn chọn lựa nào khác nữa. Giặc sẽ ép ta đến cùng để lấy nước ta thay vì chúng phải cất quân. Nếu ta không chịu sống quỳ, giặc sẽ xua quân ào ạt tràn vào. Cho nên, theo ý con vừa xử nhũn với giặc để làm kế hoãn binh, vừa phải gấp rút chuẩn bị lực lượng để kháng giặc. Nhưng hơn hết là phải thổi bùng ý chí kiên cường và lòng căm giận cho binh lính và cả muôn dân, và cố kết họ lại muôn người như một, thì đó mới là sức mạnh siêu thần nhập hóa để đánh bại mưu đồ quỷ quyệt và tham bạo của lũ sói già phương bắc.

Nghe con nói, vua Thánh tông như vừa bừng thức, ngài nhìn con với cái nhìn bao trùm, tựa như ngài đo sức trưởng thành của người con mà ngài mới truyền ngôi nước. Thượng hoàng mỉm cười nhìn vua Nhân Tôn lại nhìn sang tướng quốc thái úy, ngài phán:

– Phải! – Không còn con đường nào khác như vương đệ và vương nhi ta vừa nói. Do vậy, phải cấp kỳ lo ngay mọi việc tựa như giặc đã áp sát biên thùy, nếu không sẽ trở tay không kịp.

Trần Quang Khải lại nói:

– Tâu, còn một việc nữa khá hệ trọng. Dạ, đó là Hốt-tất-liệt đã giữ chánh sứ Trịnh Đình Toản ở lại Đại Đô làm con tin. Và nghe đâu y cử lễ bộ thượng thư Sài Thung và binh bộ thượng thư Lương Tằng sắp sang sứ nước ta, và bắt phó sứ Đỗ Quốc Kế của ta phải dẫn đường đưa chúng vào Đại Việt.

Nghe xong vua Thánh tông tỏ vẻ giận dữ, đoạn ngài buông một tiếng:

– Quân cẩu trệ!

Láng Thượng 31 tháng 12 năm 2008

Hết phần 2: Đuổi quân Mông Thát
Mời các bạn tìm đọc phần 3:Thăng Long Nổi Giận