Chương 12

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Điện tiền chỉ huy sứ Phạm Cự Địa cùng viên ngoại lang Trần Kiều đi sứ nước Nguyên về tâu vua:

– Nhà Nguyên vỗ về thăm hỏi sứ thần từ xa đến, cho người hầu hạ chu đáo và họ nói họ gia ân cho Đại Việt vì ở xa, nên từ nay ba năm mới phải cống một lần, gọi là giữ lấy cái tình của nước bề tôi nhớ ơn thiên tử chứ nước họ không thiếu gì mà cần đồ cống.

Vua Thánh tôn liền hỏi:

– Hai khanh có dò biết được người Nguyên bình nước Tống đến đâu rồi không?

– Tâu bệ hạ việc ấy không phải dò cũng biết. Tạm thời nước Tống được bình yên. Ngoài các phần đất về phía bắc đã mất do nước Mông Cổ diệt nước Kim thì nam Tống lại cắt thêm đất Giang Bắc (phía bắc sông Trường Giang) và hàng năm cống nạp. Hốt-tất-liệt và các tướng tài đều trở về Mông Cổ để chinh phục em trai hắn là A-lý Bất-kha để tranh ngôi Đại Hãn. Nếu Hốt-tất-liệt lên ngôi Đại Hãn toàn Mông Cổ và các vùng đất đã chinh phục, chắc nhà nam Tống sẽ không trụ được. Ngay nước ta chúng cũng chẳng để yên cho thế này đâu.

– Phải, trẫm cũng nghĩ thế. Năm trước trẫm sai thông thị đại phu Trần Phụng Công, chủ vệ kỳ ban Nguyễn Thâm, viên ngoại lang Nguyễn Diễn mang thư và quà biếu sang thông hiếu. Nhà Nguyên hào phóng phong cho ta làm “An Nam quốc vương”, lại ban cho ta ba tấm tây cẩm, sáu tấm kim thạc cẩm. Ta biết đây chỉ là sự vỗ về để nước ta yên tâm phụ thuộc cho họ rảnh tay làm việc khác. Sự thể chắc rồi sẽ như khanh nói. Lũ chó sói này đang hung hãn lắm.

Vua an ủi hai người rồi dụ:

– Hai khanh chịu khó về Thiên Trường, chính là hương Tức Mạc cũ đấy. Năm ngoái mới đổi thành phủ Thiên Trường. Cũng vừa khánh thành cung Trùng Quang, cung Trùng Hoa, lại xây được ngôi chùa gọi là Phổ Minh, tất cả đều mỹ lệ lắm.

Nay thượng hoàng về ở cung Trùng Quang còn cung Trùng Hoa để khi trẫm về chầu cần ở lại. Thượng hoàng định giao hẳn việc nước cho trẫm, người về Thiên Trường trước tác và tu tập. Bây giờ hai khanh về ngay Thiên Trường tâu báo lại việc như các khanh vừa nói để thượng hoàng yên tâm.

Sau lễ thượng nguyên (rằm tháng giêng) cư sĩ Trần Tung, tức Trần Quốc Trung pháp hiệu là Tuệ Trung thượng sĩ[87] về Thăng Long có ghé chơi chùa Thắng Nghiêm, may lại gặp quốc sư Phù Vân mới ở Thiên Trường về. Sư khoe:

– Vừa in xong bộ kinh Khóa hư lục[88] của thượng hoàng, bần tăng thân đem sách về cho nhà vua ngự lãm.

Tuệ Trung nói như reo:

– Vậy à. Thưa thiền sư liệu kẻ hậu học này có được phép ngó xem bậc tiền bối trước tác thế nào để mà lĩnh hội.

Quốc sư Phù Vân đáp:

– Sách mới in được vài chục bản, còn chờ ý chỉ của thượng hoàng ban tặng, thiền lão tôi không dám tự tiện, nhưng nếu vương[89] nghỉ lại đây để coi cho tiện thì việc đó không có gì cản ngại. Vừa nói thiền sư vừa đưa vào tay thượng sĩ bộ sách.

Mới coi qua lời tựa, thượng sĩ đã hỏi:

– Thì ra nhờ có lời khuyến dụ của đại lão mà bộ kinh này được ra đời. Phước huệ! Phước huệ!

Dứt lời Tuệ Trung liền đứng dậy vái sư hai vái:

– Bạch trưởng lão họ Trần nhà tôi dốc lòng hiếu Phật chắc từ bổn kinh này đây. Dân nước hiếu Phật chắc cũng từ bổn kinh này đây. Tôi không thể ngờ thượng hoàng làm biết bao công việc, ngay cả việc không tự làm cũng để tâm nhắc nhở. Tự mình cầm quân viễn chinh, bình Chiêm, lại tự mình làm tướng kháng Mông, thuần những việc lớn quốc gia, vậy ông chú tôi trước tác vào lúc nào.

Quốc sư mỉm cười đáp:

– Khi đã nhiếp tâm Bồ đề chánh niệm chánh giác sao còn phải hỏi đến thì giờ.

– Bạch trưởng lão, Thái tông dùng thể phổ thuyết để người nghe dễ tiếp nhận và những luận đề trong kinh văn cũng là những điều thiết thực thường gặp trong đời sống thế tục. Rõ ràng đây là một chủ thuyết hòa quang đồng trần, đạo trong đời, đời trong đạo. Đúng như trưởng lão dạy: “Tâm Phật ở trọn nơi đây”.

Hai người đang nói chuyện bỗng có một vị tiểu tăng chạy vào, vội nói:

– Bạch trưởng lão có hoàng thượng tới thăm, kiệu đã vào tới tam quan.

Quốc sư quờ tay với cây thiền trượng định ra đón vua, Tuệ Trung ngăn lại:

– Trưởng lão tuổi cao cứ ở trong nhà để đệ tử ra bái kiến hoàng thượng. Nói rồi ông bước rảo ra phía cổng chùa.

Vừa trông thấy nhà vua, chưa kịp chào thì vua đã reo lên:

– Sư huynh về triều từ bao giờ mà kín tiếng thế. Nếu không gặp huynh ở đây liệu huynh có ghé cung Quan Triều không đấy.

Thay vì trả lời, Tuệ Trung cúi đầu vái vua Thánh tông hai vái.

Nhà vua vội đáp lễ và trách:

– Sao sư huynh đa lễ thế. Đây là chốn thiền môn chứ không phải triều môn.

– Tình anh em thì phải giữ, nhưng lễ vua tôi cũng không thể sơ khoáng được, bởi đó là phép nước, bệ hạ có thương mà miễn lễ, thần chỉ dám nhận khi ở trong nhà thôi.

– Vậy chớ huynh về đây được mấy bữa rồi?

Tuệ Trung chỉ vào chiếc tay nải để dưới chân cột nói:

– Thần vừa về tới đây chừng nửa canh giờ. Thấy nói trưởng lão ở Yên Tử về coi sóc việc in trước tác cho thượng hoàng nên ghé thăm. Ai ngờ lại được trưởng lão cho xem bản kinh vừa mới in xong.

Tuệ Trung bèn dâng quyển sách lên. Nhà vua liền đỡ lấy và mở xem.

Gương mặt nhà vua bừng sáng theo mỗi lời kinh mà ngài nhẩm đọc. Đoạn nhà vua quay ra vái đại lão thiền sư:

– Bạch trưởng lão nếu không có lời trưởng lão nhuận sắc và tự coi sóc cho việc in ấn này thì chưa biết tới khi nào Khóa hư lục của phụ hoàng trẫm mới ra đời được.

Phù Vân quốc sư vái đáp lễ:

– Bệ hạ quá khen, tự thân trước tác định giá việc tồn tại hay không tồn tại. Lão tăng quả không nói gì hơn về những điều đã hàm chứa trong kinh văn của thượng hoàng.

Nhà chùa dâng trà. Ba người vừa uống nước vừa nói chuyện về kinh bổn và tu tập.

Trời tháng giêng, cái rét ngọt đầu xuân quyện bên chén trà nóng bốc khói tỏa hương thơm. Cây mộc cạnh mái hiên chùa thỉnh thoảng lại ngầm tỏa hương vào thiền đường đãi khách, khiến người ta có cảm giác như hương thơm từ chính những mỹ ngữ do các bậc túc thiền đàm đạo toát ra.

Vua Thánh tông cáo từ để về triều. Nhà vua mời Tuệ Trung:

– Mời huynh chiều tối nay ghé cung Cảnh Linh, đệ có điều muốn cầu kiến. Nhà vua nhìn quanh quất không thấy xe kiệu của Tuệ Trung liền hỏi. – Huynh đến đây bằng gì?

Tuệ Trung mỉm cười chỉ xuống đôi chân.

Vua lại hỏi:

– Để đệ nói phu kiệu đến đây chờ sẵn, khi nào huynh cần đi đâu thì sai bảo.

Tuệ Trung vừa xua tay vừa lắc đầu:

– Đa tạ bệ hạ gia ân, thần chỉ muốn đi bằng đôi chân của mình thôi, không muốn mắc vướng vào xe kiệu làm gì.

– Đi đường xa thì huynh làm thế nào?

– Tâu, thủy thì đi thuyền, bộ thì đi ngựa, đường cheo leo hiểm trở thì đi bằng cả bốn tay, chân. Vì thế không chỗ nào thần muốn đến mà không đến được. Duy có một con đường, muốn đến mà cứ mãi loay hoay tìm lối.

– Chẳng hay đó là đường nào vậy? – Vua hỏi.

Đại lão thiền sư nghe hai người hỏi han nhau liền mỉm cười.

Vua thấy quốc sư cười liền hỏi:

– Trưởng lão chắc có điều gì dạy chúng đệ tử?

– Đâu dám! Đâu dám! Lão tăng chỉ muốn nói con đường mà Hưng Ninh vương muốn tới, nó thênh thang thoáng mát lắm, mọi người đều có thể đi. Và sự thật thì trong đời ít ra cũng có một lần ta đặt chân tới, có người đi một đoạn thì quay lại, có người cặm cụi đi gần tới đích rồi quay lại, thành thử nhiều người đi mà ít người đến được đích.

– A-Di-Đà Phật! Vua Thánh tông vừa ngộ ra, chợt kêu hồng danh đức Phật – Đệ tử biết rồi, vua nói – Đó là con đường giải thoát, anh Tuệ Trung hóm thật. Nói xong nhà vua cúi chào trưởng lão và Tuệ Trung rồi lên kiệu.

Tuệ Trung ngồi mở từng trang cuốn kinh Khóa hư lục đọc mải miết.

Quốc sư Phù Vân ngồi theo thế bán kiết, mắt lim dim, tay lần tràng hạt, dường như ngài đang thả hồn vào cõi hư tịch.

Tuệ Trung đọc một mạch tới đầu giờ ngọ thì xong. Lúc này thiền sư đang hí hoáy viết cái gì đó mà ngài vừa thu nhận được qua sự lắng chân tâm.

Tuệ Trung không quan tâm đến điều đó, ông nói giọng vang như trong lòng đang có điều gì vui lắm:

– Kính bạch trưởng lão, bổn kinh này với cuộc đời hành hóa trong những năm ở ngôi, chẳng phải thượng hoàng đã lĩnh hội từ lời răn của trưởng lão trên Yên Tử sơn từ mấy chục năm trước sao? Đây chẳng phải là bằng chứng “lấy cái tâm của thiên hạ làm tâm của mình, lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình” sao? Lại đây chẳng phải là kết quả của việc “nghiền ngẫm nội điển” sao?

Phải nói, trưởng lão là người khai minh cho thúc phụ của đệ tử thật đúng lúc. Và trong những năm ở ngôi nhà vua đã tri hành hợp nhất, ngôn hành hợp nhất, dân nước vì thế mà ấm no, thế nước hưng vượng. Vậy là công của trưởng lão lớn lắm. Trưởng lão quả là đấng Bồ tát tại thế.

Quốc sư nắm lấy cây thiền trượng chống xuống đất để lấy đà đứng lên, ngài đi lại loanh quanh trong gian phòng rộng rãi. Dừng trước Tuệ Trung, ngài nói:

– Thượng sĩ đừng quy công thái quá khiến lão tăng thêm ngượng. Cái chính là ở nơi nhà vua và bộ máy cai trị của ngài. Khi bậc quân trưởng có tuệ tâm, tuệ nhãn sẽ luôn sửa mình theo điều thiện mà hành hóa. Còn khuyên nhủ ư, người tu hành nào gặp cảnh ngộ ấy cũng nói như lão tăng. Nhưng người nghe tâm không thiện, trí không sáng thì không những không sửa mình, mà sửa ngay người khuyên nhủ, sửa cả chúng dân trăm họ. Ta chẳng thấy đã có một vua Lê Long Đĩnh như thế sao. Thiền sư Quách Ngang đã chẳng khuyên vua sao. Không những không nghe, còn mượn cớ ăn mía nhờ đầu sư làm đòn kê, rồi giả vờ trượt tay dao phạt một bên tai của thiền sư. Đức Vạn Hạnh chẳng khuyên sao. Sở dĩ nhà vua không dám đụng đến thiền sư Vạn Hạnh bởi vì đức của ngài lớn, tài trùm thiên hạ, thế vững như núi Thái Sơn.

Nhà chùa cho người thỉnh trưởng lão và Hưng Ninh vương sang trai đường dùng bữa.

Cơm nước xong, Tuệ Trung bái biệt trưởng lão khoác tay nải ra đi. Ông có dáng người cao dỏng, hai chân dài. Cứ xem cách ăn mặc không ai đoán được ông là cư sĩ, đạo sĩ hay nho sĩ. Tóc búi, khăn vành dây màu vàng quấn trùm búi tóc phía sau gáy. Cứ như cái màu khăn ấy người ta ngờ ông là đạo sĩ của đạo Hoàng Lão. Thế nhưng ông lại vận áo dài may bằng vải thanh cát, cổ thìa khép vạt, thắt đai. Áo thì đúng là nho sĩ nhưng vải và màu lại thuộc lớp người nghèo ưa dùng, chân đi hài cỏ. Ông bước đi thẳng, nhưng không bước vội, đầu ngẩng cao, mắt nhìn lơ đãng, tựa như ông vừa đi vừa nghĩ về một cái gì đó.

Ông có trang ấp lớn, giàu có, ông muốn đi xe, đi kiệu hoặc thích đi bộ thì có người hầu mang đồ, khoác nải, thế nhưng những thứ đó với ông là vướng bận, nên đi đâu ông tự mình lo liệu. Ngay bây giờ thuyền của ông đậu ngoài bến, mấy người hầu, mấy trạo nhi ông cho nghỉ lại trên thuyền chứ không cho một đứa nào theo chân.

Chiều muộn ông tới cung Cảnh Linh. Đô tướng đô cấm vệ quân từng biết ông nên mời ngay vào nhà tân khách. Nơi ấy vua Thánh tông đang chờ ông.

Vừa trông thấy ông, vua vội chạy ra bậc thềm đón và niềm nở chào:

– Sư huynh đi đâu mà mãi giờ này mới tới.

Tuệ Trung cười khanh khách:

– Bệ hạ chẳng thấy tên thần là Tung nên cứ đi lung tung, thích đâu ghé đấy.

Thiên Cảm hoàng hậu từ phía hậu điện bước ra trông thấy Tuệ Trung liền cười ngặt cười nghẽo.

– Giời ơi, anh Quốc Trung, anh vận cái thứ gì ở trên người thế kia. Anh vận thế mà ra mắt nhà vua sao?

Tuệ Trung tươi cười đáp:

– Thế cô chẳng thấy anh đến thăm em gái sao[90]. Bệ kiến nhà vua thì phải tới điện Thiên An chứ sao lại đến đây.

Cả ba người cùng cười nói vui vẻ chứ không giữ lễ vua tôi gò bó nữa.

Cơm nước xong, nhà vua mời Tuệ Trung vào trà thất. Nội thị pha trà xong vua vẫy tay cho lui.

Sau ba tuần trà, Tuệ Trung vẫn ngồi yên không nói mà cũng chẳng hỏi nhà vua điều gì.

Vào chuyện, vua hỏi:

– Nghe nói sư huynh trứ tác nhiều lắm. Huynh có đem gì về cho đệ đọc đấy không?

Tuệ Trung chưa kịp trả lời thì hoàng hậu Thiên Cảm dẫn thái tử Trần Khẩm vào chào.

– Em phải cho Khẩm vào chào anh còn cho cháu đi ngủ sớm, kẻo anh với nhà vua nói chuyện thì có mà hết đêm.

Nói xong, hoàng hậu bảo hoàng tử:

– Con lạy bá phụ đi rồi về kẻo nhũ mẫu chờ.

Hoàng tử Khẩm ngắm nhìn Tuệ Trung rồi cúi lạy:

– Con chào bá phụ.

– Bá phụ chào con, Tuệ Trung đáp rồi ông kéo hoàng tử vào lòng hỏi han việc học hành. Lại hỏi:

– Con cầm tinh con gì nào?

– Thưa bá phụ, con tuổi ngọ, Mậu Ngọ ạ.

– Giỏi, con ngoan lắm.

– Con học sách gì rồi?

– Thưa bá phụ con học sách Ngũ tự kinh ạ.

– Con học để làm gì?

– Con học để biết chữ. Biết chữ để đọc sách ạ.

– Đọc sách để làm gì?

– Thưa bá phụ, đọc sách để khỏi ngu ạ.

– Ai dạy con thế?

– Dạ thưa nhũ mẫu bảo thế. Bà nói bà không biết chữ, không đọc được sách, nên bà ngu lắm.

– Không phải thế đâu con ạ. Nhiều người không biết chữ, nhưng họ làm ăn giỏi, cư xử phải đạo, không làm điều ác, như thế không thể nói người không biết chữ là người ngu được. Tuy nhiên phải học để có chữ đọc sách. Vì sách phần nhiều do các bậc thánh hiền, các bậc thông tuệ viết ra. Đọc nó, ta học được nhiều điều hay, tránh được nhiều điều dở, con nhớ nhé.

– Thưa vâng ạ.

Hoàng hậu lại nói:

– Con lạy phụ hoàng, lạy bá phụ rồi ra cho bá phụ và phụ hoàng con đàm đạo.

Hoàng tử có vẻ chần chừ một lát rồi nói:

– Con muốn nghe phụ hoàng cùng bá phụ đàm đạo.

Nghe hoàng tử nói, mọi người ngơ ngác. Nhà vua dỗ con:

– Phụ hoàng với bá phụ nói các chuyện về đạo thôi, cao siêu lắm con không hiểu được đâu. Khi nào con mười tuổi đọc được sách, phụ hoàng sẽ cho con nghe các buổi phụ hoàng đàm đạo với bá phụ, hoặc đàm đạo với các bậc thiền sư. Bây giờ con về nghỉ.

Hoàng tử ngoan ngoãn cúi lạy vua cha và bá phụ.

Trước khi bước ra còn nói:

– Phụ hoàng nhớ nhé, khi con mười tuổi. Cậu bé lút cút chạy theo mẹ ra phía ngoài đại sảnh.

Tuệ Trung nhìn theo hút hai mẹ con hoàng tử Trần Khẩm đi khuất sau hành lang và ông như bừng tỉnh nói với nhà vua:

– Cứ xem tướng mạo hoàng tử, nếu mai đây được kế vị, ắt là một bậc vua sáng, dân nước được nhờ, nhưng tâm đạo ở nơi hoàng tử cũng lớn lắm. Sự đạo mai này chắc cũng từ người này mà trụ được lâu dài, bệ hạ nên lưu tâm nơi các ông sư phó, các bậc túc thiền mà nhà vua học hành, để các vị ấy khai tâm cho hoàng tử được đúng hướng.

Nghe Tuệ Trung nói, nhà vua lấy làm hài lòng vì có được người con mai này có khả năng phụng sự cả dân nước lẫn đạo pháp. Đoạn vua nói:

– Nếu anh đã nhìn thấy tương lai của Khẩm thì anh nhận làm thầy của Khẩm để dẫn dắt cháu vào con đường đạo.

– Thần không chối từ vinh hạnh đó, nhưng hãy cứ để cho hoàng tử phát triển tự nhiên. Nói xong, Tuệ Trung lần tay nải lấy ra một ống quyển đưa cho nhà vua.

– Thần vừa trứ tác được mấy vần, bệ hạ coi thử có phải đây là lời lẽ của kẻ cuồng không?

Nhà vua mở quyển, nhẩm đọc:

BÀI NGÂM PHÓNG CUỒNG[91]

Trời đất liếc trông chừ sao mênh mang,

Chống gậy rong chơi chừ ngoài thế gian.

Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi,

Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.

Đói thì ăn chừ cơm tùy ý,

Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương.

Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ,

Chỗ lặng chừ đốt hương giải thoát.

Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỷ,

Khát uống no chừ thang tiêu dao.

Láng giềng với Quy Sơn chừ chăn con trâu nước,

Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc Thương Lang.

Thăm Tào Khê chừ chào Lư Thị,

Viếng Thạch Đầu chừ sánh Lão Bàng.

Vui ta vui chừ Bố Đại vui,

Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng.

Chà chà! Giàu sang chừ mây nổi,

Năm tháng chừ cửa sổ ngựa qua.

Đường làm quan chừ sao hiểm trở,

Tạm quên chừ tình đời ấm lạnh.

Sâu thì dấn chừ nông thì vén,

Dũng thì hành chừ bỏ thì tàng.

Buông bốn đại chừ không nắm bắt,

Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.

Thỏa nguyện ta chừ được sở thích,

Sống chết dồn ép chừ ta coi thường.

Mới đọc cái tựa Phóng cuồng ngâm vua Thánh tông tự nghĩ: Anh Tuệ Trung nói đây là bài ca của một người vừa phóng túng vừa cuồng nhiệt, chắc là tự ngạo mình và nhạo đời đây. “Nhưng đọc vào bài mới thấy anh là con người bình thường mà vĩ đại. Con người đã giải thoát đến từng chân tơ kẽ tóc. Anh đúng là một con người thảnh thơi tự tại, không có gì giới hạn và buộc ràng được. Từ ăn, ở, đi lại, ngủ nghỉ đều ung dung, khoáng đạt. Trời đất thênh thang với anh đâu cũng là quê hương. Đói thì ăn “cơm tùy ý”. Chắc là cơm của ngàn nhà đây. Vui hứng thì “thổi sáo không lỗ”. Láng giềng thuần những bậc túc thiền đạo cao đức trọng như Quy Sơn[92], Tạ Tam[93]. Chơi thì chơi với các bậc tổ sư, Bồ tát như Lư Thị[94], Thạch Đầu[95].

Nghĩa là từ vinh hoa đến phú quý anh Tuệ Trung đều buông hết, tất cả đều coi như một thứ phù vân, ngay cuộc đời cũng chỉ là chớp thoáng như vó câu qua cửa sổ. Vì vậy anh chỉ vui niềm vui của Bố Đại.

Nghĩ đến hình ảnh Bố Đại đời nhà Lương thời Ngũ đại[96], quê Triết Giang, ông có dáng người mập ú, lông mày rộng, bụng to, nói năng khoáng đạt, ngủ nghỉ tùy ý. Vai quẩy mếch chiếc tay nải trên một đầu gậy, trong đó chứa đủ các đồ tùy thân, nhà vua bật cười hỏi:

– Anh Tuệ Trung người cao ngỏng thế kia mà ví mình như Bố Đại sư. Có phải các tượng Phật Di Lặc là tạc theo hình ảnh Bố Đại sư chăng?

– Bệ hạ hãy nghe bài kệ của Bố Đại sư nói trước khi thị tịch tại chùa Nhạc Long để nhận biết:

Di Lặc thật Di Lặc,

Phân thân ngàn trăm ức.

Luôn luôn chỉ người đời,

Người đời tự chẳng biết.

Vậy Bố Đại là Di Lặc hay Di Lặc là Bố Đại? Nói xong Tuệ Trung cười xòa.

Nhà vua cũng cười phụ họa rồi nói:

– Cứ như bài kệ này thì Bố Đại là hậu thân của Di Lặc. Nhưng Bố Đại mới là con người lịch sử còn Di Lặc chỉ là hình ảnh mang tính biểu tượng mà thôi.

– Bệ hạ nói chí phải.

Ngẫm nghĩ giây lâu, nhà vua lại bày tỏ:

– Anh Tuệ Trung tu từ bao giờ mà thành tựu ghê gớm vậy? Chỉ là một cư sĩ mà xem ra anh đã giải thoát như một vị Bồ tát.

Tuệ Trung mỉm cười đáp:

– Thần tu từ khi chưa được sinh ra, tu từ các kiếp trước, nên mọi việc xem ra nó tự nhiên nhi nhiên chứ không có gì gò bó, bức ép. Vả chăng việc tu đạo là ở tu tâm, một khi tâm đã nhiếp ắt duyên khởi. Duyên khởi thì đạo nhập. Đạo nhập thì trí sáng. Trí sáng thì tuệ khai. Tuệ khai thì giải thoát. Chẳng riêng gì thần mà thượng hoàng đã đạt tới cõi giới giải thoát từ lâu rồi, bệ hạ cũng đang trên đường giải thoát, cứ thế mà tiến tu chứ còn phải cầu tìm ở đâu nữa.

Nghe Tuệ Trung thượng sĩ nói, vua Trần Thánh tông rất tâm đắc. Bởi cũng như vua cha, Trần Thánh tông hết lòng mộ đạo, ham kê cứu đạo nhất thừa và cũng có trước tác. Nhân vừa đọc xong Đại Huệ ngữ lục, nhà vua có làm bài cảm tác, bèn lấy đưa cho Tuệ Trung và nói:

– Thượng sĩ coi giùm đệ.

KHÁN ĐẠI HUỆ[97] NGỮ LỤC HỮU CẢM

Đập ngói dùi rùa[98] ba chục niên

Mồ hôi bao đó bởi tham thiền

Một mai biết rõ dung nhan mẹ

Lỗ mũi xưa nay thiếu nửa bên

*

Sắc đâu trước mắt tai đâu thanh

Lòng kia một tấm tự gò thành

Sắc thanh chẳng dính ngoài môi lưỡi

Mặc người báo đáp với đô đinh[99].

Với vẻ hoan hỷ Tuệ Trung thượng sĩ nói:

– Cứ như bài cảm đề này thì bệ hạ đồng chủ trương với Đại Huệ. Hơn nữa Khóa hư lục của Thượng hoàng cũng chủ trương phổ thuyết như Đại Huệ. Và nữa, chính thần cũng theo về dòng thiền này. Vì sao vậy? Ấy là bởi nó chủ trương khai minh để khai thị. Còn như chỉ ngồi thiền để đạt tới sự chứng ngộ tuy có nhưng ít lắm, hiếm lắm, tựa như lông rùa, sừng thỏ vậy. Trước đây về đời Lý Thánh tông (1054-1072) đã lập dòng thiền Thảo Đường cũng chủ trương khai minh nhằm vào giới có học, tiếc rằng dòng đó đã lịm tắt ít lâu sau khi Lý Thánh tông viên tịch.

Cứ mỗi lần Tuệ Trung thượng sĩ về Thăng Long là mỗi lần cùng nhà vua hội ngộ và đàm đạo về kinh bổn, về tu trì, về trước tác tới mấy ngày chưa dứt.

Bỗng nhiên nhà vua hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với mùi thiền.

– Sư huynh, việc tu trì của huynh xem ra đã thành tựu, nhưng liệu người Nguyên có chịu để cho huynh yên bình mà tu tập, có để cho dân ta an lạc mà làm ăn?

Tuệ Trung cười vỡ ra, một lúc lâu sau ông nói:

– Nếu có kẻ xâm lăng sẽ có người chống xâm lăng, lo gì. Nó đến rồi nó lại tháo chạy như năm Đinh Tỵ (1257) bệ hạ chắc còn nhớ. Tuy nhiên, ta phải lo đối phó sớm đi. Không chỉ triều đình lo, mà phải dạy cho muôn dân cùng lo giữ nước. Thần tuy vậy cũng có đội gia binh khá mạnh đấy. Ấp Tịnh Bang của thần, giặc có thể vào, nhưng ra thì chắc là không có đường đâu.

– Trời! Sao mà anh bén nhạy thế, đi trước cả triều đình, nhà vua mừng rỡ kêu lên.

– Việc tu trì, việc cày ruộng, cả việc đánh giặc nữa với người mình nó quyện với nhau như một thứ định mệnh, nếu không thế thì dân ta sao sống được đến ngày nay, giang sơn này sao còn tồn tại được đến ngày nay. Nhân đây thần cũng nói thật, bên phủ Hưng Đạo, Quốc Tuấn lo việc này sớm hơn nhiều. Tuấn bảo đã từng đụng độ với quân Mông Cổ nên biết rõ về nó. Chớ coi thường nó mà mất nước với nó như chơi.

Chợt có đô tướng đô cấm vệ quân vào bẩm:

– Tâu bệ hạ, bên phủ thái sư có người sang báo, quốc phụ đang lâm trọng bệnh.

Nhà vua tỏ vẻ kinh ngạc:

– Sao đến bây giờ mới báo? Ngươi ra gọi nó vào đây ta hỏi.

– Tâu, họ đi ngay rồi ạ.

– Vậy, ta sang bên đó ngay đi, – Tuệ Trung giục.

Nói xong ông ra ngoài xách tay nải đi liền.

Khi vua Thánh tông hạ kiệu vào cung Thủy Tĩnh đã thấy Tuệ Trung thượng sĩ ngồi cạnh giường thái sư đang niệm kinh.

… Ra tay tế độ

Mở cửa từ bi

Cứu giúp chúng sinh

Cùng lên bến giác

Vượt khỏi sông mê

Sáng lòng tỏ tính

Tinh tiến tu trì

Quét sạch tham dục

Trừ diệt sân si…

Thấy thượng sĩ đọc sám hối kinh văn, nhà vua tỏ vẻ hài lòng, ngài quay ra hỏi gia nhân:

– Đã cho người về Thiên Trường rước thượng hoàng chưa?

Đáp:

– Tâu bệ hạ, quân đi từ tối hôm qua. Thái sư thấy trong người khó ở, ngài nói muốn gặp thượng hoàng. Quân bèn lên ngựa đi ngay. Có lẽ thượng hoàng cũng sắp về tới đây.

Vua quỳ xuống mép giường, đặt mấy sợi bông trước hai lỗ mũi không thấy động đậy, lại khẽ đặt tay lên lồng ngực, chỉ cảm thấy trong lồng ngực Thái sư có tiếng đập mơ hồ.

Thượng hoàng Thái tông vừa vào đến cửa vội cởi áo khoác quỳ phục xuống đầu giường ghé sát tai Thái sư Trần Thủ Độ gọi:

– Chú ơi! Chú ơi! Cháu đã về với chú đây! Cảnh đây, cháu Cảnh về với chú đây! Chú đừng bỏ cháu, chú ơi!

Lạ thay thân thể Trần Thủ Độ như vừa được tiếp thêm sinh khí. Gương mặt ông như hồng trở lại, cặp mắt nhăn nheo từ từ hé mở, dường như ông thu hết sinh lực dồn vào đôi mắt trùm lên Trần Cảnh một cái nhìn thao thiết nhất trong đời và từ cặp mắt kia như lóa lên một ánh chớp, cùng lúc môi thái sư mấp máy nói hai tiếng thuần hơi: “Chú đi!”. Da mặt thái sư bỗng tái sạm, người xẹp hẳn xuống. Vậy là hồn ông vừa thoát xác. Thượng hoàng Thái tông bật khóc. Không khí tang tóc bao trùm.

Đã biết sinh tử là lẽ thường hằng, Thái sư hưởng thọ ở tuổi bảy mươi mốt, thế nhưng bỗng nhiên bị mất người thân, Thái tông thấy một sự cô đơn trống vắng. Vì từ khi hai thân sớm lìa thì chú ấp ủ trông nom chẳng khác tình cha. Có thể nói từ khi tám tuổi, chú kèm cặp răn dạy để trở thành người cầm cương chính quốc gia tới nay ngót bốn chục năm ròng ở ngôi thống quốc, quyền nghiêng thiên hạ, nhưng suốt cuộc đời chú không làm một điều gì mưu lợi riêng tư. Tận tâm với nước cho đến hơi thở cuối cùng. Tháng bảy năm ngoái còn đi duyệt quân tập trận tận Bạch Hạc, lại cuối tháng mười vừa rồi còn đi kiểm xét biên cương khắp một vùng Châu Lạng. Không bệnh mà đi, minh mẫn tỉnh táo cho đến phút chót. Đúng là chú có cốt cách của một bậc tiên thánh.

Thượng hoàng Thái tông cho làm ma thật to để tỏ lòng biết ơn Thái sư, lại sai các quan trong triều đến tận nhà tế đúng bảy ngày. Thượng hoàng thân mặc áo trở và chịu tang như một người con.

Ngày cất quan Thái sư, con cháu trong hoàng gia, hoàng tộc và các quan trong triều đến đông chật ních. Tiếng kèn, trống xen tiếng than, tiếng khóc thật là ảo não, bi thương. Mặc dù khi sống ông ở ngôi cực phẩm, lúc chết hai vua túc trực bên linh cữu, các đại thần tới lễ viếng không thiếu một ai. Trong đời ít người so được với ông, thế nhưng không có cái chết nào lại không nhuốm màu bi ai.

Trong đám tang có hai người đàn bà mặc áo sô gai khóc lăn khóc lộn, ấy là công chúa Chiêu Thánh và Trịnh Huyền vốn là người hầu của bà Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, sau lại về hầu và kết nghĩa chị em với Chiêu Thánh.

Trịnh Huyền hờ khóc đến khản cả giọng:

Ơ hờ… Thái sư ơi…

Cây cao lá mỏng mòng mong

Ăn ở hai lòng đức mỏng tèo teo…

Ơ hờ…

Nghe tiếng khóc như vừa có ý giễu ngạo, lại như vừa có ý trách chê khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng không ai dám cản ngăn. Bỗng có một ông già râu tóc trắng như cước, da mặt sạm đồi mồi, tay chống gậy trúc, đầu chít khăn tang len đám đông đi tới phía người đang hờ khóc. Ông lấy tay khẽ đập vào vai người đàn bà đang khóc; người ấy quay lại, lau nước mắt nhìn cụ già.

Ông cụ hỏi, giọng dõng dạc:

– Trịnh Huyền, con không nhớ ta sao! Thôi con đừng khóc nữa. Dù sao ván đã đóng thuyền. Vả lại một đời ông ấy đã tận tâm vì nước đủ chuộc lại mọi lỗi lầm, ta nghĩ con không nên cố chấp.

Nghe giọng nói thật là quen mà nhìn nhân dạng thì không biết là ai. Trịnh Huyền phục lạy:

– Cụ tha tội, quả con không nhận ra cụ là ai.

Cụ già cúi đỡ Trịnh Huyền và nói nhỏ vào tai: “Con có nhớ ta sai con tới lấy chữ ký của nhà vua vào chiếu cần vương, lúc ra thì con bị bắt…”. Trịnh Huyền giật bắn mình sụp lạy:

– Quan thừa chỉ, con lạy quan thừa chỉ, con có mắt như đui.

Lập tức hình ảnh gần bốn mươi năm trước hiện về. Sớm ấy Trịnh Huyền nhận lời với quan Thừa chỉ đem tờ mật chiếu cần vương vào nơi Trần Thủ Độ giam lỏng Lý Huệ tôn để lấy chữ ký của nhà vua. Sở dĩ lọt được vào nơi nghiêm cẩn ấy là bởi Trịnh Huyền đã lấy cắp lệnh bài của Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ. Việc tưởng đã xong xuôi, thế mà lúc vừa ra khỏi dinh bị lính kín bắt áp giải đến Phủ Thái sư. Trần Thủ Độ không những không trị tội Trịnh Huyền mà còn an ủi cho Trịnh Huyền đỡ sợ rồi sai về hầu lại lệnh bà. Đối với quan Thừa chỉ, Trần Thủ Độ không những không tiết lộ hành vi phản kháng của ông, không trả thù ông, mà còn tôn trọng, thậm chí kính trọng ông. Vì vậy, quan Thừa chỉ đã hợp lực cùng Trần Thủ Độ ổn cố xã hội vào những năm đầu của triều đại mới. Chỉ đến khi Trần Thủ Độ gây ra vụ ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên – vợ của anh trai mình là Trần Liễu, ông mới giận vì sự loạn luân vô đạo ấy mà bỏ đi ở ẩn. Tuy vậy, ông vẫn theo dõi hành tung của Trần Thủ Độ, thấy các việc làm đều xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc. Vì thế khi nghe tin Trần Thủ Độ qua đời ông mới từ chốn rừng sâu về viếng, gọi là đáp lại cử chỉ cao thượng của Trần Thủ Độ đối với ông và Trịnh Huyền thuở trước.

Thấy Trịnh Huyền xúc động thái quá, cụ lại ghé vào tai Huyền nói nhỏ: “Ta sẽ ghé thăm vợ chồng con. Ta biết chỗ con ở bên hồ Dâm Đàm rồi”. Nói xong, cụ lại rẽ gậy rời khỏi đám tang.

Mọi người nhìn theo cụ và đều có chung cảm nhận đó là một tiên ông vừa xuống trần để viếng tang Thái sư Trần Thủ Độ, và chỉ làm có mỗi việc đó rồi cụ lại về trời.

Trần Thủ Độ trong nhiều năm được coi như một cột trụ vững chắc nhất của triều đình, thế nhưng ông mất đi triều đình không vì thế mà xô lệch. Ấy cũng bởi ông để lại phía sau mình những người tài đảm, cân quắc đủ sức lèo lái con thuyền quốc gia.

Sau đám tang người ta bình phẩm về ông khá nhiều. Đại khái khen có, chê cũng có. Công có, tội cũng có. Rốt lại với Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ thì công nhiều hơn tội, ông để lại nhiều gương tốt không chỉ cho thời nay mà các đời con cháu mai này vẫn nên học, nên theo. Đó là tấm lòng tận trung với nước, công bằng, liêm khiết, thượng tôn pháp luật, không vị tình riêng. Tuy nhiên, việc ông khơi mào cho chuyện loạn luân thì đó là một lỗi lầm không thể tha thứ, và không gì có thể biện minh được, dù công lao ông trùm thiên hạ, dù ông là cha đẻ của một vương triều oanh liệt vào bậc nhất trong lịch sử nước nhà.

Dù vua Thánh tông có truy tặng Trần Thủ Độ tước vị Thượng phụ thái sư Trung vũ đại vương và trước đó khi ông còn sống, vua Thái tông có làm sinh từ, dựng bia và tự tay nhà vua viết bài minh tán thán công đức ông, song không vì thế mà người đời bỏ qua tất cả lỗi lầm của ông. Lịch sử không cố chấp nhưng nó đòi hỏi sự trung thực.

Cũng sau đám tang thái sư ít ngày, vợ chồng Trịnh Huyền lên thăm dinh quan ngự sử đại phu, thượng tướng quân Lê Tần và công chúa Chiêu Thánh.

Trò chuyện ít lâu, Lê tướng quân mới ướm hỏi Chiêu Thánh:

– Ta biết trong sâu thẳm ký ức, phu nhân không tha thứ cho Thái sư, vậy mà sao hôm đám tang, nàng lại khóc lóc thảm thiết đến vậy?

Chiêu Thánh ngậm ngùi đáp:

– Chẳng là thiếp sực nhớ đến cái chết của phụ vương. Người ta bức tử phụ vương của thiếp rồi lén đem đi chôn cất, thiếp không được khóc cha một lời. Nay chợt nghĩ đến, tủi thân mà khóc. Ấy là cái nhẽ thiếp khóc cho mình đấy. Còn một cái nhẽ khác nữa là khóc cho thái sư. Khóc cho Thái sư tức là khóc để tiễn đưa cái ác, cái tráo trở về nơi huyệt mộ.

Giây lâu Chiêu Thánh quay lại hỏi Trịnh Huyền:

– Bữa đó sao mà em khóc thâm thúy đến vậy. Chị chỉ sợ có người làm khó cho em. Rồi từ lúc có ông cụ nom như một ông tiên, ông nói gì với em mà em lại thôi không khóc nữa.

Trịnh Huyền thuật lại tất cả vụ việc “Chiếu cần vương” và quan Thừa chỉ bỏ đi ở ẩn mấy chục năm nay cùng việc ngài xuống núi. Lại kể hôm trước cụ có ghé thăm gia đình Trịnh Huyền bên hồ Dâm Đàm.

Chiêu Thánh vừa nghe chuyện vừa khóc nức nở và cảm phục tấm lòng dũng cảm và cao thượng của quan Thừa chỉ và Trịnh Huyền.

Chuyện cũng khiến quan ngự sử đại phu Lê Tần thêm kính trọng Trịnh Huyền. Ông vội hỏi:

– Vậy tại sao hai chị em ở với nhau tới mấy chục năm nay mà nàng vẫn giữ kín chuyện đó ở trong lòng.

– Thưa quan Đại phu, em nghĩ mưu việc lớn đã chẳng thành khiến bao người ôm hận, có hay hớm gì mà phải kể lể.

Nghe Trịnh Huyền trả lời, ai cũng thầm phục nàng là người khảng khái, cao thượng.