Chương 06

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Về tới Thăng Long, tẩy trần xong vua Thái tông sang ngay cung Thúy Hoa vấn an hoàng hậu và hỏi các việc trong hậu cung, nhất là việc học hành của các hoàng tử.

Hiển Từ có vẻ như không được khỏe, hoàng hậu nói giọng hơi đùng đục:

– Bệ hạ đi vắng, các việc trong cung sẵn có nền nếp, ai việc nấy nên cũng không có gì quan ngại. Còn việc học của các con thiếp chỉ nhắc nhủ các ông sư phó phải nghiêm huấn chớ không được nuông chiều theo ý thích riêng của trẻ.

Các ông sư phó nói các hoàng tử đều thông minh, hiếu học, riêng có Chiêu Văn nghe đâu nó mê thích âm nhạc. Lúc nào cũng ôm kè kè cây đàn và bi bô hát. Trông nó ôm cây đàn thì nực cười lắm, cần đàn còn cao hơn cả đầu nó. Thằng bé thấp quá vì nó chưa được hai tuổi.

Việc học hành của các con có thực như các ông sư phó tâu, bệ hạ phải tự mình kiểm xét các con thì mới rõ, thiếp sao đủ chữ nghĩa làm các việc đó.

– Thôi được, việc đó hậu để ta lo.

– Bệ hạ đi kinh dinh miền biên thùy thế nào, liệu giặc Mông – Thát có xâm chiếm cõi bờ ta không?

– Biên thùy tạm yên ắng, nhưng trước sau thì quân Mông – Thát cũng tràn vào.

– Liệu sức quân mình có cản được giặc không, thiếp thấy ở kinh sư nhiều người lo sợ cứ như là giặc sắp vào cõi rồi. Lại nữa, khắp nơi đang rèn đúc khí giới. Bệ hạ, liệu hoàng gia có phải tạm lánh giặc không?

Vua Thái tông ôm lấy hậu mà cười. Mãi sau ghìm được tiếng cười, vua nói:

– Sao hậu lại nghĩ ra được cái điều nực cười đó. Đã làm gì có giặc giã nào đụng đến biên thùy của ta mà hậu phải lo nào. Còn như việc cả nước rèn đúc khí giới là do ta ban chiếu đó. Phải tăng cường tinh binh, phải có nhiều khí giới cho các điền binh tập luyện. Đấy là cách phòng bị của nước, để nếu có giặc thì cả nước cùng đánh giặc giữ nước. Nếu ta lo việc này thật tốt, ắt giặc phải dè chừng. Cả nước cùng đồng tâm nhất trí kháng giặc, ta chắc chắn giặc không dám mạo phạm. Ngược lại, ta mà lơ là, quân ít, khí giới sơ sài, lòng dân khảng tảng thì trước sau nước cũng rơi vào tay giặc. Và như thế cũng chẳng khác gì đem nước dâng cho giặc.

– Bệ hạ dạy thế thiếp thấy an lòng. Nhưng quả thật trong đầu óc thiếp vẫn mơ hồ cảm như trước sau gì rồi giặc Thát cũng xâm lấn cõi bờ ta. Thiếp nghe như có tiếng vọng của quân Mông – Thát đang reo hò, quát tháo.

Với cử chỉ âu yếm, nhà vua vuốt má Hiển Từ nói lời an ủi:

– Cũng có thể nàng có linh giác bén nhạy nên cảm được các việc khi nó còn đang manh nha. Lại cũng có thể thấy thiên hạ đồn thổi, âu lo nên nàng lây nỗi lo của thiên hạ.

Nhìn vào đôi mắt vẫn chưa hết lo lắng của hoàng hậu, nhà vua nói lời quả quyết:

– Nàng nên tin vào ta. Vả lại còn Thái sư, còn các tướng tài ba cùng đội quân hùng mạnh đã được rèn luyện kỹ càng cùng với hàng triệu điền binh còn nằm trong hương ấp, như thế chẳng phải là sức mạnh cản giặc sao.

– Bệ hạ nói, sao thiếp dám không tin. Bệ hạ bảo đã có thái sư, nhưng sao thiếp thấy đám nội thị tâu rằng: “Quốc mẫu cho người đi mua gom đồ binh khí ở các lò rèn với mua gạo tích trữ nhiều lắm”. Việc ấy liệu có can hệ gì đến an nguy của nước không. Các chuyện này thiếp chỉ mới nghe thế nên tâu lại. Quả thật thiếp cũng chưa hỏi quốc mẫu và cũng chưa được nhìn thấy điều đám nội thị tâu báo.

– Được! Được! Ta sẽ cho kiểm xét việc này. Nhưng ta nhắc lại, nàng chớ có âu lo. Vả ta nghe giọng nói của nàng dường như trong người đang ủ bệnh đấy. Sai nội thị triệu ngự y đến chẩn mạch sớm đi.

– Dào ôi, thiếp có làm sao mà phải mời các thái y đến làm gì. Bệ hạ cứ lo việc nước đi.

Sớm hôm sau vua vào cung Thủy Tĩnh thăm Thái sư Trần Thủ Độ.

Thái sư tâu báo các việc đã làm ở nhà. Lòng dân hoan hỉ, thế nước đang lên.

Nhà vua cũng thuật lại các việc ngài vừa đi kinh dinh mấy lộ và dọc tuyến biên thùy.

Nghe xong Thái sư liền nói:

– Cứ như ý thần thì biên thùy giáp Tống hiện thời chưa có gì đáng lo. Nhà Tống suy yếu lắm rồi, chẳng mấy chốc nữa mà sụp đổ, vó ngựa Mông – Thát sẽ quần nát Trung Nguyên. Nếu Mông – Thát bình xong Trung Hoa, chúng sẽ quay vó ngựa xuống phương Nam, nước ta lúc đó sẽ trở thành bãi sa trường. Cho nên các chính sách bệ hạ cho làm để tăng sức dân, sức quân xem ra rất đắc dụng.

– Thưa, ý chú nói rất phải. Nhưng cháu e rằng chưa bình xong Trung Nguyên, quân Mông Cổ đã đánh ta rồi. Chúng đánh ta để có đường tập hậu nhà nam Tống, kẹp vua tôi Tống Lý tông (1225 -1272) từ hai mặt nam, bắc.

– Bệ hạ xem tình hình biên thùy nước Đại Lý thế nào. Theo thần, nếu giặc Mông – Thát có đánh ta ắt chúng phải qua nẻo đó, vì rằng Mông-kha đang rục rịch tiến binh vào Thành Đô. Trước đó năm Quý Sửu (1253) Hốt-tất-liệt là em của Mông-kha và tướng Ngột-lương-hợp-thai (Uriyangqadai)[37] vượt sông Kim Sa đánh chiếm kinh thành nước Đại Lý[38]. Vua nước ấy là Đoàn Hưng Trí chạy trốn. Đầu năm Giáp Dần (1254) Hốt-tất-liệt trở về bắc, công việc bình định giao lại cho Ngột-lương-hợp-thai, chẳng biết tới lúc này quân Mông Cổ đã lấy xong nước Đại Lý chưa. Bệ hạ vừa đi về chắc biết rõ việc này.

– Thưa chú, mới đây Đoàn Hưng Trí bị bắt ở Thiện Xiển[39], y bị dồn đuổi tới đó rồi đầu hàng quân Mông Cổ chứ không có chống cự nào cả. Các tộc di ở đó gồm người Thoán, người Bặc lác đác còn kháng cự, chắc rồi quân Mông Cổ cũng bắt Đoàn Hưng Trí đi dụ hàng hết thôi.

Trần Thủ Độ thở dài:

– Vậy là không tránh khỏi cuộc chiến với quân Mông Cổ rồi. Phải gấp rút phòng bị thôi thưa bệ hạ.

– Cháu đang định bàn với chú về việc đó.

– Bây giờ bệ hạ ra thiết triều kẻo các quan đang chờ, thần sẽ tới bệ kiến sau.

– Sao lâu nay chú vẫn cứ khách khí với cháu vậy?

– Trong vẫn là tình chú cháu, ngoài là lễ vua tôi, thần phải nghiêm giữ kẻo thiên hạ trông vào mà đàm tiếu.

Tại điện Thiên An các quan đang ngóng chờ hoàng thượng. Trong khi nhà vua chưa tới, các quan xúm vào hỏi chuyện hai tướng Lê Tần và Trần Khuê Kình hộ giá hoàng thượng đi kinh dinh miền biên viễn.

Lát sau kiệu của nhà vua và kiệu của thái sư cùng đến. Các quan ùa cả ra sân Long Trì chào đón vua.

Những lời chúc vang dội:

– Thánh thượng vạn tuế!

– Thánh thượng vạn an!

Quần thần theo vua vào nội điện.

Vua hỏi thăm sức khỏe các quan, hỏi công việc các cơ quan then máy như Trung thư sảnh, Khu mật viện, Đài ngự sử, Đăng văn viện, Quốc học viện…

Tất cả đều tâu báo công việc khiến vua rất hài lòng. Sau đó nhà vua nói về tình hình biên ải và nguy cơ giặc Mông – Thát có thể xâm lấn nước ta nên mọi việc chuẩn bị cho công cuộc kình chống giặc ngoài phải bắt đầu ngay từ bây giờ, kẻo khi việc bất ngờ xảy ra lại trở tay không kịp.

Sau khi chỉ dụ mọi việc phải cấp kỳ làm ngay, vua nhắc lại chuyến đi từ Thăng Long qua huyện Phượng Nhãn sang huyện Chí Linh rồi theo đường ngựa trạm ra An Bang. Từ An Bang lại đi thuyền ra Vân Đồn. Từ Vân Đồn ra Vạn Ninh tới bãi Sa Vĩ – Mũi Ngọc Sơn giáp với nước Tống, đây là điểm khởi đầu của cả một dải biển dài kéo tới tận cửa Nhật Lệ giáp với nước Chiêm Thành. Nhà vua hết lời khen ngợi nước ta giàu và đẹp. Các nguồn lợi từ rừng và biển thật là vô tận, nhưng ta chưa lấy ở biển được gì đáng kể. Dân nằm sát biển vẫn sống về nghề làm ruộng và nghề rừng. Cá ở trong biển, muối ở trong biển vẫn chưa trở thành nguồn lợi chính của người dân ven biển, thời đó là chỗ bất cập của nước nhà. Việc ấy nhà nước phải ra tay chớ không thể chê trách người dân được.

Nhìn khắp lượt các triều quan, với vẻ tin yêu đối với mọi người, giọng tha thiết, vua nói:

– Chư khanh! Các khanh phải đi khắp mọi miền đất nước, từ núi rừng, sông suối đến biển đảo, phải tận mắt, tận tay nhìn ngắm, sờ mó được mới thấy giang sơn ta thật là kỳ thú. Người xưa nói giang sơn gấm vóc quả không sai.

Nghe nhà vua nói về đất nước, núi sông, biển đảo, các quan cứ hau háu lắng nghe, nhiều người ao ước sẽ có dịp đi đó đi đây để được xem ngắm hình hài đất nước.

Nói xong, nhà vua huơ cao cây kim hốt, phán:

– Bãi triều!

Các quan đồng thanh hô:

– Hoàng thượng thiên tuế!

– Hoàng thượng vạn an!

Sớm hôm sau vua cho triệu các ông sư phó và các hoàng tử đến điện Thiên Khánh vì ở đây có lầu bát giác, có chiếc cầu cong như vành lược bắc qua mặt hồ và có nhiều cây cỏ, hoa lá, có nhiều chỗ đẹp cho các hoàng tử chơi.

Vua cho mời các ông sư phó dẫn học trò của mình lên lầu bát giác. Lần lượt có đông cung hoàng thái tử Trần Hoảng đã được lập từ năm Canh Tý (1240), tức là từ khi hoàng tử mới được sinh ra. Thứ đến là em kế Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu (1241). Hai vị cùng với Trần Quốc Khang đều do bà Thuận Thiên sinh. Quốc Khang mặc dù là con trưởng sinh từ năm Mậu Tuất (1238), nhưng thực Khang là con của Hoài vương Trần Liễu. Vì Thuận Thiên đã có mang ba tháng mới về ở cùng vua Thái tông do sự sắp đặt mang tính cưỡng bức của thái sư Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung. Tuy nhiên, Quốc Khang cũng không tỏ ra có tài cán gì nên không được trọng dụng. Nay Khang đã vào tuổi trưởng thành, được lập phủ riêng nên không được triệu.

Tiếp đó là các hoàng tử Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc. Hai vị hoàng tử này được sinh cùng một mẹ. Và được sinh vào các năm từ Đinh Mùi (1247) đến Canh Tuất (1250). Nhỏ nhất là Trần Nhật Duật, tới nay mới sang tuổi thứ hai[40].

Trong năm vị hoàng tử này chỉ có Trần Hoảng và Trần Quang Khải tỏ ra chín chắn và học thức được các sư phó đánh giá khá cao. Bởi hai người đều vào độ tuổi mười sáu, mười bảy lại vừa có đầu óc sáng láng, thông tuệ vừa chăm chỉ học hành và đọc rộng khắp các nhà.

Ngoài hai hoàng tử lớn, còn lại ba người thì mới từ hai tuổi đến tám chín tuổi.

Theo lời các ông sư phó thì hoàng tử Trần Ích Tắc là người có đầu óc mẫn nhuệ, học một biết mười. Mới tám, chín tuổi mà đã học thông tam giáo, thi thư, nhạc họa, không môn nào là không ham thích và đều thông thạo. Hoàng tử Chiêu Văn (Trần Nhật Duật) tuy chưa đến tuổi học hành, vì mới lẫm chẫm biết đi nhưng mỗi khi nghe đến tiếng đàn tiếng nhạc là tìm đến và khó có thể dứt ra được.

Nghe các ông sư phó tâu báo về khiếu năng của các con mình, nhà vua tỏ vẻ hài lòng. Nhà vua khen ngợi các thầy và có lời ủy thác:

– Ta sinh ra các con, nhưng dạy chúng thành người có đức, nếu may ra lại có tài nữa thì công các ông lớn lắm. Ta không bao giờ nuông chiều các con. Vậy ta mong các ông cứ giữ nghiêm cái đạo của người thầy. Và hãy coi các con ta cũng như các học trò khác.

Nhìn các ông sư phó với lòng biết ơn, nhà vua sai ban cho các vị mỗi người một chung trà quý. Giây lâu ngài hỏi:

– Năm Tân Hợi (1251) ta có viết một bài minh để răn các con về các đức: Trung hiếu – hòa tốn – ôn lương – cung kiệm. Ta đã đưa các ông để giảng dạy cho các con ta, chẳng hay việc đó đến đâu rồi, chúng có chịu tiếp nhận lời giảng của thầy và có được thể hiện trong cung cách sống và cư xử hằng ngày, hay là chúng chỉ thuộc lời văn như một cái vẹt học nói tiếng người mà chẳng biết nghĩa lý của tiếng nói ấy.

Thay vì các ông sư phó phải tâu báo, hoàng thái tử Trần Hoảng vòng tay xin phép vua cha được nói:

– Tâu phụ hoàng, bài minh văn của phụ hoàng ban cho anh em chúng con, lúc nhỏ con chưa hiểu hết được ý nghĩa sâu xa mà phụ hoàng răn dạy. Nhưng suốt năm năm qua, phần thì các bậc sư phó giảng giải, phần chúng con tự ngộ ra, nên hiểu phụ hoàng dạy chúng con đạo làm người, và đó cũng là đạo làm vua, làm quan. Phàm người đứng trên thiên hạ mà thiếu một trong các đức đó cũng đủ làm rối loạn thiên hạ. Bởi vậy, không chỉ chúng con thuộc văn mà còn phải biết theo đó hành xử hằng ngày. Các em con, tuổi còn nhỏ chưa lĩnh hội được ý của phụ hoàng, nhưng dần dần cùng năm tháng rồi sẽ ngộ ra, xin phụ hoàng cứ yên tâm.

Nghe hoàng thái tử nói, nhà vua có vẻ hài lòng. Ngài nói:

– Ta thật sự hoan hỷ vì các con đã không phụ lòng ta. Con ráng tu đức, rèn trí và đi sâu vào kê cứu đạo thiền, để mai này quyền thế vào tay, con biết đường hành xử sao cho dân được thịnh, nước được cường, ấy là lòng ta mong mỏi.

Nói vài lời ủy thác với các ông sư phó rồi nhà vua lên kiệu đến thẳng quốc học viện.

Biết nhà vua thế nào cũng đến kiểm xét việc học hành của sĩ tử, việc chuẩn bị cho kỳ thi vào đầu năm tới, vì vậy quan Quốc tử giám Tế tửu cùng quan Quốc tử giám Tư nghiệp đã chờ đón để cung nghinh.

Vào việc, vua hỏi ngay:

– Nay đã gần cuối năm, đến tháng trọng xuân năm tới triều đình mở khoa thi, vậy quốc học viện đã bố cáo cho sĩ tử ở các lộ biết, ai muốn về dự bình văn ở quốc học viện vào bất cứ lúc nào cũng được chưa?

– Tâu hoàng thượng, chúng thần đã bố cáo từ đầu năm, sĩ tử các lộ đã lác đác về từ đầu mùa thu, nay vẫn đang tiếp tục. Việc ăn ở của các sĩ tử về dự học, quốc học viện đều lo chu tất cho họ cả.

Nghe Quốc tử giám Tế tửu tâu báo, vua gật đầu khen:

– Khanh xử với kẻ sĩ thế là tốt, là chứng tỏ nhà nước trọng người có học, quý người có tài.

Quay sang phía quan Tư nghiệp, vua hỏi:

– Khanh đo sức học của sĩ tử khoa này với các khoa trước thế nào?

– Tâu bệ hạ, số người thật xuất chúng không nhiều, nhưng các sĩ tử đã về đây kiến văn họ đều chắc cả. Mới đây có một số sĩ tử từ Thanh, Nghệ ra, học lực so với sĩ tử ngoài này cũng không thua kém nhiều.

Thái tông vui lắm, ngài hỏi tiếp:

– Cứ như ý khanh, khoa này có lấy được tam khôi không?

Cả hai quan Tế tửu và Tư nghiệp đều băn khoăn. Đoạn quan Tư nghiệp bèn thưa:

– Tâu bệ hạ, người theo sát các sĩ tử là ba vị tam khôi khoa Đinh Mùi (1247), bệ hạ cho phép thần triệu các vị đó lên tâu báo.

– Được! Được lắm, ta cũng muốn gặp các vị đó.

Một lát sau ba vị tam khôi đi từ nhà bình văn lên. Dù năm trước đã nghe Quốc tử giám Tế tửu tâu báo rõ ràng về ba người này, nhưng vừa chợt trông thấy họ đi qua rẻo sân rộng nhà vua không khỏi sửng sốt. Trong đầu óc nhà vua tám, chín năm trước còn in hằn hình ảnh hai cậu bé mười ba, mười bốn tuổi với một chàng thiếu niên mười bảy tuổi. Thế mà bây giờ họ đã là những bậc vào hàng đại trí, hàng quốc sĩ và ai cũng khôi ngô tuấn tú.

Vừa bước lên bậc thềm nhà tân khách, nom thấy nhà vua đang ngồi, cả ba người đều sụp lạy:

– Hoàng thượng vạn an!

Nhà vua đỡ cả ba vị đứng dậy và cho ngồi vào ghế. Vua ân cần hỏi han công việc của từng người. Cả ba vị đều tâu báo rõ ràng về các công việc giảng dạy trong Quốc học viện.

Vua lại hỏi:

– Trong Quốc học viện, ngoài các quốc tử sinh thì nho sinh các nơi về tập văn gộp lại được bao nhiêu người?

Trạng nguyên Nguyễn Hiền bèn đứng dậy vòng tay đáp:

– Tâu bệ hạ, số quốc tử sinh có một trăm tám mươi bảy vị, số nho sinh các lộ về tới nay là một trăm hai mươi sáu người, cộng lại là ba trăm mười ba người.

Vua lại hỏi:

– Số thí sinh sẽ ghi danh hợp cách trong kỳ thi này là bao nhiêu? Thời hạn ghi danh đã hết chưa?

Quan Quốc tử giám Tư nghiệp bèn thưa:

– Tâu bệ hạ, thời hạn ghi danh đã mãn cách đây mười ngày. Số người đăng danh trong cả nước là hơn một ngàn, nhưng số người hợp thức được ghi danh là bảy trăm hai chục người, Quốc học viện đã gửi thiếp báo thi đến từng người theo đường ngựa trạm.

Hướng về ba vị tam khôi khoa Đinh Mùi (1247), vua hỏi:

– Ba vị giảng dạy và theo sát các nho sinh trong Quốc học viện, vậy chớ sức học của họ ra sao, liệu khoa thi này số người đỗ thái học sinh có được nhiều không?

Bảng nhãn Lê Văn Hưu xin nói:

– Tâu bệ hạ, sức học của các nho sinh nói chung và trình độ của các quốc tử sinh so với các nho sinh từ các lộ về tập văn cũng không chênh nhau nhiều lắm. Tâu, các nho sinh từ các lộ về ắt phải là các người xuất sắc mới dám về ngồi học chung với các quốc tử sinh.

– Ta muốn biết số có thể lấy đỗ Thái học sinh liệu có được vài trăm? Vua hỏi.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền thưa:

– Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ cần người có học để tuyển vào bộ máy công quyền cả nước với số lượng lớn mà cần phải có bằng cấp, bệ hạ gia ân châm chước chuẩn mực thì có thể lấy gạn được con số trăm. Còn như bệ hạ cho thi để kén người thực tài, chắc là con số đậu không được nhiều đến số trăm đâu ạ.

Vua Thái tông cười độ lượng:

– Quan trạng vui tính thật đấy. Ta nghe nói Nguyễn Hiền có tài thả diều và khoét sáo không ai bì được, có đúng vậy không?

Nguyễn Hiền ngượng đỏ mặt, ấp úng đáp:

– Hoàng thượng quở thần ham chơi. Tâu đó là thần chỉ muốn khám phá vì sao con diều có thể bay cao được như loài chim, và vì sao không có người thổi mà sáo lại có được những hòa âm du dương đến như vậy. Còn như bệ hạ khen thần giỏi thả diều và khoét sáo không ai bì được thời thần không dám nhận, bởi chưa qua thi tuyển.

Nhà vua cười lớn và ngài dụ bảo:

– Đấy nhé, cứ như nhời Nguyễn Hiền, muốn biết có thực tài thời phải qua thi tuyển. Vậy thời khoa thi này triều đình cần người thực tài chứ không cần người có bằng cấp mà không thực tài. Cho nên việc chấm chọn phải chặt chẽ chớ không thể châm chước.

Ta lưu ý các khanh trong khi chấm văn là phải chấm cả đức. Văn tức là người. Khí tiết cao thượng hoặc chỉ là sự giảo hoạt đầu lưỡi, sự luồn lách nịnh hót có bài bản đều thể hiện một cách khéo léo đến trơ trẽn trên văn bài hết. Cho nên chọn người tài phải bằng vào người có đức hạnh. Người tài mà có đức hạnh ấy là bậc hiền tài. Họ mới chính là những công bộc cho nhân quần. Đó mới là những người ta cần đặt vào nơi then máy quốc gia. Còn như kẻ có tài mà thất đức, chúng sẽ dùng tài đó để nịnh trên đè dưới. Chúng gây bè kết đảng loại bỏ người chân tài, hãm hại người hiền tài. Chính lũ người này sẽ làm cho dân suy nước loạn. Vậy phải loại bỏ chúng từ trong trứng nước. Các khanh phải nhớ điều ta dụ bảo.

– Chúng thần xin tuân chỉ. Cả các quan Quốc tử giám và ba vị tam khôi đều đồng thanh nói.

Vua lại hỏi Nguyễn Hiền:

– Ta hỏi thật vị thiên khôi nhé, cứ như ý khanh đã qua khảo sát thì khoa này có lấy được tam khôi không?

– Tâu bệ hạ, chúng thần đã xem xét kỹ, sức học của các quốc tử sinh và các nho sinh đều chắc cả. Trong đó có một số người xuất chúng, nên chúng thần dự liệu có thể có tam khôi xứng đáng.

– Vậy thì hay lắm. Ta chỉ mong có nhiều người thật giỏi để làm rường cột cho sự mở mang nền quốc học.

Vua lại hỏi vị Quốc tử giám Tế tửu:

– Vậy chớ đã chọn xong người vào các chức việc cho khoa thi này chưa?

Quan Quốc tử giám Tế tửu bèn thưa:

– Kính bẩm hoàng thượng, các chức di phong dán, soạn tự hiệu, đằng lục, thí viện đều đã cắt cử xong xuôi. Riêng phần đưa các vị nào vào khảo viện, chúng thần mới tự nghĩ, nay mai sẽ có bản tấu trình lên xin hoàng thượng ngự duyệt.

– Theo ta khảo viện gồm cả hai ông Tế tửu và Tư nghiệp cùng với ba vị tam khôi ngồi đây là đủ. Tuy nhiên, các ông vẫn phải làm tờ tấu để ta phê cho nó hợp cách của một kỳ thi đại khoa. Riêng phần lấy tam khôi, các ông sau khi đã khớp ý nhau rồi đều phải đệ trình cả các quyển thi đó lên để ta khảo lại. Về thứ bậc, các ông cứ giữ kín, để sau khi ta đã khảo và xếp thứ bậc rồi lúc đó mới khớp ý ta với ý các ông xem có giống nhau không. Nếu ý ta và các ông lệch nhau thì được phép tranh biện cho ra nhẽ, chứ không vì ta ở ngôi chủ tể mà các ông phải ngậm miệng.

Các quan đều tâm phục và bật ra lời tâu:

– Hoàng thượng anh minh!

– Để tỏ rằng triều đình tôn trọng người tài, bắt đầu từ khoa thi này các việc từ lều, chõng và sự ăn uống trong thời gian mấy ngày làm bài ở trong trường thi, sẽ lấy tiền quốc khố ra chi. Những người nhà đi theo phục dịch thí sinh, nếu ai có người quen, người nhà hoặc tự thuê được chỗ ở thì mặc lòng. Còn ai muốn về ở nhà công quán thì được ăn, ở không mất tiền. Như vậy đỡ được mối lo cho những thí sinh nhà nghèo. Tất nhiên, những người giàu có, khá giả họ chẳng cần sự giúp đỡ đó.

Như chợt nhớ ra, nhà vua hỏi luôn:

– Khoa thi năm Đinh Mùi (1247) ta bỏ môn sử không cho thi, bởi vì không thi sử nước nhà lại đi lấy kinh Xuân Thu thay cho quốc sử. Năm ấy ta có quở quan tri quốc sử viện Phạm Ứng Thần và sai bên Quốc học viện phải phối cùng bên Quốc sử viện soạn lấy sách cho các trường học, chẳng hay việc đó đến đâu và năm nay đề thi lịch sử có thi quốc sử không?

Quan Quốc tử giám Tư nghiệp thưa:

– Tâu bệ hạ, quan tri Quốc tử viện Phạm Ứng Thần trước khi bệ hạ cho hồi hưu, ông có trao chức trách đó lại. Lũ thần đã phối cùng bên Quốc sử viện mới soạn được một quyển gọi là “Sơ thảo lược sử”. Dạ cũng mới là bước đầu còn sơ lược lắm. Nhưng đã đưa vào giảng dạy. Còn nếu như biên tu cho được một bộ quốc sử đàng hoàng, chắc Quốc sử viện phải làm trong vài chục năm, và phải tuyển được những người thông kim bác cổ vừa sưu tập vừa khảo chứng vừa biện giải thì mới đủ độ tin cậy.

Bảng nhãn Lê Văn Hưu xin được nói:

– Tâu, thánh thượng anh minh cho biên tu quốc sử là việc làm không thể thiếu được với một nước văn hiến như nước ta. Nhưng cái khó là trong vài ngàn năm lại đây sử liệu của ta chỉ được ghi chép rải rác ở một số người có học vấn cao hoặc do một số thiền sư, đạo sĩ ghi chép lại thiên về sự đạo hơn là sự đời. Sự ghi chép của người mình đã không có hệ thống lại còn bị người Bắc xuyên tạc đi. Lại như thời đại nhà nước Văn Lang truyền nối tới mấy ngàn năm, những vật chứng còn lại trên các đồ đồng như trống đồng cùng các đồ binh khí bằng đồng như qua đồng, rìu đồng, giáo đồng, mũi tên đồng với biết bao các lò nấu đồng dấu tích còn đầy rẫy, chứng tỏ nước ta đã tiến hóa tới một trình độ cao; vậy mà lại biệt tăm trong sử sách. Nay chỉ còn lại các truyện thế truyền[41] về các đời vua Hùng.

Ngẫm nghĩ giây lâu vua Thái tông lắc đầu:

– Một nước văn hiến mà không có bộ quốc sử thì thật là bất túc. Việc đó những người có học vấn tinh thuần như các khanh phải lo. Thời huyền sử, nhiều tộc người ghi lịch sử dân tộc họ bằng cách tạc vào vách hang đá những hình thù về người, về các con vật, cả về các tập tục nữa.

Nước ta thời các vua Hùng là thời của nhà nước Văn Lang có thể chế hẳn hoi. Cứ xem các hình ảnh được ghi lại trên mặt trống đồng cùng với nghề đúc đồng xem ra rất thiện xảo, như vậy thì sự tiến hóa của người mình vào thời đó đã ở tầng mức cao.

Bảng nhãn Lê Văn Hưu, khanh nói về thời đó còn đầy rẫy các truyện thế truyền. Vậy thế truyền là gì? Là các điều mắt thấy tai nghe được truyền lại từ đời này sang đời khác, thế chẳng phải là một căn cứ để từ đó truy tìm nguồn gốc cho người viết sử sao? Ta thấy khanh là người có khiếu năng về lịch sử. Vậy sau khoa thi này ta sẽ đưa khanh về Quốc sử viện để biên tu quốc sử.

Lê Văn Hưu bèn đứng dậy vái nhà vua:

– Tạ ân hoàng thượng.

Mới trung tuần tháng giêng, nghĩa là mới sau Tết Nguyên đán được mươi ngày, không khí tết nhất hội hè trong khắp kinh thành còn đang nhộn nhịp. Người thì đi chúc tết họ hàng xóm phố, người thì đi lễ cầu an nơi chùa tháp, người thì nhập vào các đám rước, các hội phường phố, hội làng.

Trời bắt đầu hoe hoe nắng, cái nắng chưa xua tan được giá lạnh mùa đông nhưng nó đánh thức cây cối đâm chồi nảy lộc. Đúng là cây cối như bừng thức sau giấc ngủ đông. Những cây bưởi trong các vườn nhà vừa nảy lộc vừa bật ra từng chùm nụ nửa trắng nửa xanh. Hoa đào lác đác rụng để nhường chỗ các lộc non đâm lên tua tủa. Các bờ dậu hoa tầm xuân nở nhuốm hồng các đường làng ngõ xóm, hương thơm ngan ngát, bướm ong kéo về từng đàn tô đậm sắc xuân.

Dân kinh thành còn đang vui xuân lại có thêm một niềm vui nữa là sĩ tử bốn phương nườm nượp kéo về, thuần những anh tài tụ hội. Nhiều người trai trẻ, khôi ngô tuấn tú, có cả người đã đứng tuổi, lại có cả các thiếu niên. Mỗi nho sinh đều đeo bên mình một tay nải quần áo và bên cạnh có một người gánh theo một bên là hòm sách, còn bên kia là gạo nước và các đồ tùy thân. Người đi theo đó có thể là anh em chú bác, cũng có thể là nô bộc, cũng có khi là người được thuê mướn. Những nho sinh này thuộc loại gia đình trung lưu trở xuống, còn như con cái các nhà quan gia, phú gia thì họ đi xe ngựa hoặc đi kiệu, đi cáng.

Các nho sinh đi tìm nhà trọ hoặc vào nhà công quán, hoặc đi lại mua sắm làm cho phố phường kinh sư vừa tấp nập vừa sang trọng hẳn lên.

Tại một quán nước, các nho sinh ngồi nghỉ vừa uống nước vừa trò chuyện hỏi thăm quê quán của nhau, ai ai cũng tỏ ra lịch lãm, một điều tôn huynh, hai điều tôn huynh. Bỗng một người nói:

– Thưa các tôn huynh, tôi lỡ thi khoa Đinh Mùi (1247) phải chờ suốt chín năm. Người này hơi đứng tuổi so với các nho sinh kia.

– Thưa tôn huynh, người nhỏ tuổi ngồi bên cạnh tiếp lời – Dạ, từ Đinh mùi tới Bính Thìn (1056) đúng chín năm. Chẳng hay khoa Đinh Mùi tôn huynh lỡ thi vì chuyện gì? Và trong chín năm qua tôn huynh làm gì?

Người kia đáp:

– Cám ơn quý tôn huynh hỏi thăm, chẳng là sắp đến ngày lai kinh thì phụ thân tôi bị ốm nặng. Phụ thân tôi khuyên: “Con cứ về kinh đi, ta chỉ vài ngày nữa là khỏi”. Thế nhưng tôi không dám ra đi trong lúc người sinh thành ra mình đau nặng. Quả nhiên vài tháng sau, phụ thân tôi qua đời. Cư tang ba năm ở nhà làm ruộng nuôi mẹ. Đoạn tang thì mẫu thân tôi bắt phải lập gia đình. Thế rồi tôi vừa gõ đầu trẻ vừa ôn luyện kinh sách. Nay tấp tểnh lai kinh cùng các tôn huynh, nhưng thẹn vì tuổi cao mà tài mọn.

Mọi người vừa cảm thông chia sẻ, vừa kính phục vì người này đã có hiếu lại có chí.

Các thí sinh suốt năm ngày mài miệt căng thẳng trong trường thi, ăn uống ngủ nghỉ đều ở trong lều, tất cả đều ở trong khu vực trường thi, bốn bề tường vây kín, quân canh nghiêm cẩn. Bốn góc trường thi có bốn chòi canh. Giữa trường thi dựng một chòi cao nhất quan sát khắp trong ngoài.

Thi đã căng thẳng nhưng chờ chấm suốt hai mươi ngày sau mới kéo bảng đề danh còn căng thẳng hơn nữa. Bởi ai cũng hy vọng, cũng phấp phỏng. Từng nhóm, từng nhóm tụ hội bàn bạc với nhau về văn sách năm nay. Nghe đâu đích thân hoàng thượng ra đề.

Độ mười lăm ngày sau khi chấm bài, Khảo viện dâng lên hoàng thượng bốn ống quyển trong danh sách tam khôi. Thông thường chỉ có ba. Vua Thái tông lấy làm lạ. Ngài tự hỏi: “Chẳng nhẽ các quan khảo viện dám lỡm cả trẫm sao?”. Nghĩ vậy nhưng nhà vua bình tâm đọc lần lượt từng ống quyển một. Đọc xong ngài thở phào – Đúng là không thể loại được người nào trong bốn bậc anh tài này. Khá khen các quan Khảo viện làm việc công tâm.

Nhà vua đọc đi đọc lại cân nhắc từng li từng tí một để xếp thứ bậc. Cuối cùng vua cho lấy hai trạng nguyên, một bảng nhãn, một thám hoa lang. Việc lấy hai trạng nguyên trong một khoa thi là điều cực kỳ hãn hữu.

Vua sai triệu các quan trong hội đồng khảo viện vào cung Cảnh Linh và truyền áp phách. Kết quả là cả nhà vua và các quan khảo viện đều chấm trùng cho đỗ hai trạng nguyên, một bảng nhãn và một thám hoa lang. Truy xét quê quán mới biết vị trạng nguyên thứ nhất là Trần Quốc Lặc người huyện Thanh Lâm[42], châu Hồng; trạng nguyên thứ hai là Trương Xán người Hoành sơn, châu Bố Chính[43]; bảng nhãn là Chu Hinh người huyện Tế Giang[44], lộ Bắc Giang; thám hoa lang là Trần Uyên người huyện Đường Hào[45], châu Hồng.

Khi thấy Trương Xán là người châu Bố Chính nhà vua hơi phân vân một chút. Ngài suy nghĩ rồi phán: Từ nay phân chia địa giới để gọi: từ Trường Yên trở ra bắc gọi là Kinh, từ Thanh Hóa trở vào gọi là Trại. Vậy Trần Quốc Lặc là Kinh trạng nguyên, Trương Xán là Trại trạng nguyên.

Và trong số bốn mươi ba người đỗ thái học sinh[46] có bốn mươi hai người Kinh và một người Trại. Tất cả mọi người vừa thi đỗ, đều được bổ dụng ngay theo thứ bậc khác nhau.

Ngày kéo bảng đề danh, sĩ tử vui buồn thật khó tả. Cái người ngồi ở hàng nước đã đứng tuổi, than vãn với mọi người rằng lỡ khoa thi năm Đinh Mùi phải chờ mất đúng chín năm, người ấy lại chính là trạng nguyên Trần Quốc Lặc. Những ai ngồi quán nước cùng ông, khi nhận ra đều không khỏi kinh ngạc.

Ngay sau cuộc thi ít lâu, vua có dụ cho Nguyễn Hiền về bộ Công, chuyên xem xét việc chế tác các đồ như trục xe, bánh xe, đóng các loại tàu thuyền đi biển và khí giới dùng trong quân, kể cả máy bắn đá.

Vua cũng dụ cho Lê Văn Hưu về Quốc sử viện để lo việc biên tu quốc sử.