Chương 08

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Quốc Tuấn từ khi nhận mệnh đem quân đi trấn biên thùy, đến Quy Hóa tìm gặp các chủ trại Hà Bổng, Hà Khuất, làm lễ trao cho họ sắc vua ban. Các chủ trại hết sức cảm kích, hứa trung thành, nếu quân Mông Cổ sang, họ sẽ không đầu hàng mà tìm cách đánh.

Qua mấy ngày dừng chân, Quốc Tuấn hỏi han họ về địa hình sông núi, nơi nào hiểm trở, nơi nào giặc dễ vào. Và nên phục quân ở những chỗ nào để cản giặc. Nghe họ nói xong, Quốc Tuấn nhờ họ dẫn đi xem không bỏ sót một nơi nào.

Quốc Tuấn thết họ ở trong dinh quân tuy sơ sài nhưng chân thành quý mến họ, nên vài ba ngày chủ, khách dần quen nhau, lại cả quý kính nhau nữa.

Hà Bổng mời Quốc Tuấn đi săn nai, săn hoẵng. Không biết họ quý hay họ thử tài thiện xạ của ông tướng triều đình mà cứ hễ gặp thú, họ đều mời Quốc Tuấn bắn trước. Và mỗi khi vị tướng của triều đình giương cung lên thì không một con thú nào chạy thoát, vì Quốc Tuấn thuần bắn vào chỗ hiểm.

Vào một bữa vừa uống rượu vừa xẻo thịt nai nướng bên đống lửa cạnh bờ suối, rượu vào lời ra thật là thoải mái, chân tình. Chủ trại Hà Bổng nhìn Quốc Tuấn rồi hỏi:

– Ông tướng à?

– Gì vậy trại chủ? – Quốc Tuấn hỏi lại.

Lại nhìn Quốc Tuấn như để đo lường, Hà Bổng hỏi thẳng:

– Ông tướng có sợ quân Mông Cổ không?

Lóng ngóng tìm chỗ đất bằng để đặt bát rượu nhưng không có chỗ nào bằng phẳng, Quốc Tuấn bèn ngửa cổ tu một hơi cạn hết rồi nói:

– Ta nghe nói quân Mông Cổ tàn ác, thiện xảo, ngựa Mông Cổ chạy nhanh như gió. Ta có thể ví một tên kỵ binh Mông Cổ với một con ngựa Mông Cổ bằng với một con hổ dữ, đúng không? – Quốc Tuấn gạn hỏi.

– Úi a, ông tướng nói đúng đấy! Nó nhanh, nó khỏe, nó ác đúng bằng một con hổ đấy. – Chủ trại Hà Khuất nói.

– Úi a, nó không bằng con hổ được đâu. Con hổ chỉ lao một bước là chặn đầu ngựa lại ngay. Nó tát một cái là đứt cổ ngựa, rồi nhoằng một cái là nó lôi được cả tim gan thằng Mông Cổ ra thôi ông tướng ạ.

– Được rồi, cứ cho là nó gần bằng con hổ nhé, Quốc Tuấn gặng hỏi.

– Đúng rồi! Ông tướng nói đúng, thằng Mông Cổ với cả con ngựa của nó chỉ khỏe và ác gần bằng con hổ thôi! – Cả hai vị chủ trại đều thừa nhận.

Quốc Tuấn mỉm cười, ông lấy hai tay nâng chiếc dây đeo cổ của chủ trại Hà Bổng đếm được bảy cái vuốt hổ; lại nâng chiếc dây đeo cổ của chủ trại Hà Khuất đếm được sáu cái vuốt hổ. Và với giọng nghiêm trang ông nói: – Một thằng Mông Cổ với con ngựa của nó chỉ gần bằng một con hổ, thế mà hai ông đã giết được những mười ba con hổ. Vậy thời các ông có sợ thằng Mông Cổ nữa không? Quốc Tuấn nhìn thẳng vào mắt hai viên chủ trại hỏi. Và gặng thêm: – Vậy thời có giết được thằng Mông Cổ khi nó vào cướp nước mình không?

– Không sợ thằng Mông Cổ! – Hà Khuất nói.

– Giết được thằng Mông Cổ! – Hà Bổng nói.

Quốc Tuấn biết ông đã làm cho hai viên chủ trại không còn sợ quân Mông Cổ nữa. Và bây giờ là việc bày cho họ cách đánh quân Mông Cổ như thế nào khi nó tràn vào bờ cõi.

Quốc Tuấn muốn nói chuyện đánh giặc vào lúc khác, còn bây giờ hãy để cho họ vui.

Sớm hôm sau sương còn giăng trắng rừng, Quốc Tuấn còn đang luyện đao ở phía sau trại thì viên đô tướng chạy lại thưa:

– Bẩm chủ tướng, có hai ông chủ trại xin được gặp chủ tướng.

– Có phải hai người hôm qua không? – Quốc Tuấn hỏi lại.

– Bẩm đúng ạ.

Quốc Tuấn mừng thầm: – Vậy là họ đã tin ta rồi đây.

Ông ghé tai dặn viên đô tướng một số việc, trao cho y cất cây đao, sửa lại nếp áo rồi ra mời hai viên chủ trại vào trong trướng, tự tay rót nước mời họ.

Đặt chén nước xuống mặt kỷ, Hà Bổng nói:

– Ông tướng à, chúng tôi không sợ quân Mông Cổ đâu. Hễ nó vào là chúng tôi đánh nó như đánh con hổ đấy. Ông tướng bày cho chúng tôi cách đánh nó đi.

Hà Khuất cũng nói chen vào:

– Ông tướng cứ bày cách đánh quân Mông Cổ cho chúng tôi, để chúng tôi còn dạy đám trai bản biết cách đánh quân Mông Cổ nữa chứ.

Quốc Tuấn chưa bày cho họ cách đánh vội mà hỏi xem cách họ đào hố bẫy hổ thế nào, hóa trang thế nào, đặt con mồi thế nào để hổ không ngờ. Lại hỏi cách rình hổ, theo hướng gió nghe mùi hổ, tìm vết chân hổ và nấp ở đâu để mình thấy được nó mà nó không thấy được mình, và khi đã bắn là chính xác, là bắn vào hổ chứ không bắn vào người mình.

Sau khi nghe họ nói về cách đánh hổ xong Quốc Tuấn nói:

– Đánh quân Mông Cổ chẳng khác gì đánh hổ đâu. Trước hết là không sợ nó, mọi người cùng một lòng đánh nó. Tiếp đến là phải lừa được nó để nó yên tâm rằng không có ai rình rập nó. Rồi nữa là bất ngờ đánh nó, tất ta sẽ giết được nó.

– Đúng! Ông tướng nói đúng. Đánh quân Mông Cổ phải như đánh hổ thì mới thắng.

Quốc Tuấn nhìn hai gương mặt quắc thước, hai thân hình chắc nịch như hai thân gỗ lim thuần lõi của hai viên trại chủ, ông đặt niềm tin vào nơi họ và nói:

– Bây giờ ta lại nói để các ông biết, hổ chỉ sống riêng lẻ từng con một nên ta dễ tránh nó, lại dễ rình để săn, bẫy nó, nhưng quân Mông Cổ thì không ít như hổ đâu. Nó đã đi là đi cả một lũ đông như kiến, cả nghìn thằng lính Mông Cổ với cả nghìn con ngựa chiến cao to gấp đôi giống ngựa của ta. Có khi nó còn đông hơn nữa, tới cả vạn tên quân, vạn con ngựa chiến. Khi một đoàn kỵ binh lớn như vậy đi qua, nó có thể xéo nát tất cả những gì dưới chân nó. Vậy nếu có một đoàn quân Mông Cổ như thế tràn vào bờ cõi ta, các ông có sợ không? – Quốc Tuấn liếc nhìn xem gương mặt hai vị trại chủ có đổi sắc.

Quả nhiên gương mặt hai vị hơi ửng đỏ. Ấy là vì sự tức giận chứ không phải nỗi sợ hãi dấy lên.

– Không sợ! – Hà Bổng nói.

– Nhưng nó đông thế, đánh bằng cách nào? Hà Khuất hỏi. Ông tướng chỉ cho chúng tôi cách đánh quân Mông Cổ khi nó vào đông như kiến. Mình dám đánh mà, không sợ nó đâu.

– Từng con hổ một ta đã có cách đánh rồi đúng không? – Quốc Tuấn hỏi.

– Đúng! – Cả hai vị đầu mục cùng đáp.

– Vậy bây giờ ta bàn cách đánh cả bầy hổ, Quốc Tuấn lại nói. Ta không có cách gì bắt được cả một bầy hổ, vì khi nó cụm lại với nhau, nó có một sức mạnh phi thường. Vậy muốn đánh nó, ta phải tách nó ra thành từng con hổ, từng cụm vài ba con hổ, tức là phải “điệu hổ ly sơn” mà đánh. Các ông hiểu ý ta chứ?

– Hiểu! Nhưng làm thế nào để tách nó ra khỏi bầy đàn? – Chủ trại Hà Bổng băn khoăn hỏi.

– Có nhiều cách đánh lắm, ta chỉ nói một vài cách, chắc rồi các ông sẽ tìm ra nhiều cách đánh hơn là ta nói.

Quốc Tuấn giơ hai cánh tay vòng thành một vòng tròn – Ta ví trại quân Mông Cổ đóng như thế này, ắt chúng phải cắt từng toán quân nhỏ đi tuần quanh trại quân suốt ngày đêm. Quân Mông Cổ có thói quen cưỡi ngựa và biết điều khiển ngựa từ khi nó mới bốn, năm tuổi. Vì vậy hễ thấy ngựa Mông Cổ ắt thấy quân Mông Cổ. Nếu muốn đánh bọn tuần canh này, các ông phải cho người nấp rình xem cách chúng đi như thế nào. Mỗi toán có mấy đứa. Toán nọ đi cách toán kia bao lâu. Một vòng của nó có mấy toán đi. Và bao lâu thì chúng lại đổi phiên.

Khi đã nắm chắc rồi thì sẽ đánh vào toán cuối cùng khi nó sắp đổi phiên. Lúc đó quân mới chưa ra khỏi trại, mà quân tuần tiễu đã vào trại gần hết chỉ còn một toán cuối cùng. Bị đánh bất ngờ như vậy ắt giặc sẽ hoảng loạn. Các ông nên nhớ, người lính Mông Cổ ngồi trên lưng ngựa, nó là một mục tiêu di động. Ngựa đi chậm nhất là nước kiệu. Nhưng chớm thấy động, kỵ sĩ nó sẽ nằm rạp trên mình ngựa mà phóng đi, hoặc nó ngả người về phía sau, hoặc nó rơi người về phía sườn ngựa bên tả hoặc bên hữu để dùng thân ngựa hứng đỡ tên đạn. Cho nên nếu đã bắn vào nó là phải tập trung cả chục cây cung, nỏ thật cứng bắn cho nó chết ngay trên lưng ngựa từ loạt tên đầu. Nếu như mỗi toán của nó có ba hoặc năm tên giặc, ta cũng phải ém số quân cách quãng ra, nhưng chỉ rõ chỗ nào bắn đứa đi đầu, chỗ nào bắn đứa thứ hai cho đến hết. Nhưng ngay loạt tên đầu tiên của quân phục bay ra là diệt gọn cả toán quân giặc, khiến chúng chết mà không hiểu vì sao chết, không biết quân từ đâu đến đánh chúng.

Quốc Tuấn nhìn hai đầu mục mỉm cười – Các ông mà đánh như vậy thì quân Mông Cổ chứ quân nhà trời cũng không trốn chạy được.

Hà Khuất hỏi:

– Ông tướng cho kế hay lắm. Như vậy tức là ta chỉ bắn thằng giặc thôi chứ không bắn vào ngựa của nó.

– Ấy là ta nói với các ông khi đánh quân tuần tiễu. Còn như quân giặc hành quân hàng dọc trên đường trường, ngựa nó sải vó phi nước đại, các ông cho quân phục bắn vào một con đi giữa hàng, nó chết lăn quay ra đường, những con đi sau đang đà chạy cứ thế xô vào nhau, giẫm đạp lên nhau, cả ngựa và người đều chết không biết đâu mà kể xiết.

– Úi a, ông tướng giỏi quá! – Chủ trại Hà Bổng kêu lên.

– Tướng của triều đình giỏi thật. Chúng tôi sẽ học mưu của ông, – chủ trại Hà Khuất nói.

Chủ, khách đang say sưa bàn kế đánh giặc thì viên đô tướng vào bẩm:

-Tiệc đã bày xong, xin chủ tướng mời khách.

Quốc Tuấn liền đứng dậy, vòng tay nói:

– Hoàng thượng sai ta lên trấn biên thùy, nhưng phải qua Quy Hóa để bàn bạc với các ông kế sách đánh giặc khi nó vào xâm phạm cõi bờ ta. Và hoàng thượng cũng sai ta phải thay người mời rượu các ông để kết tình giữa triều đình với các trại chủ và dân chúng vùng biên trấn.

Hai viên chủ trại xúc động không nói được thành lời cứ líu ríu hai chữ: “Cảm tạ! Cảm tạ!”.

Quốc Tuấn dẫn hai người vào tiệc rượu.

Vừa trông thấy mâm cỗ bày đẹp đến hoa cả mắt, mùi thơm bốc lên với đủ các hương vị mà các đầu mục ở đây dù giàu có nhưng quả là lần đầu tiên được nhìn thấy một thứ cỗ bàn sang quý đến lạ thường.

Quốc Tuấn lấy ra một nậm rượu hình bẹt như một củ hành, men nậm màu ngọc bích, nút đậy kín có dán giấy niêm phong với hai chữ “ngự tửu” là loại rượu chuyên dành cho vua uống.

Tướng quân đặt nậm rượu trước hai vị trại chủ nói:

– Đây là rượu ngự ban. Hoàng thượng sai ta đem lên thết các ông.

Hai viên trại chủ nhìn rõ dấu niêm phong có hai chữ “ngự tửu” lại nghe nói hoàng thượng sai đem lên thết hai vị. Hai người rưng rưng cảm động cùng đứng lên vái chiếc nậm ba vái.

Hai tay Quốc Tuấn bưng nậm rượu trao cho Hà Bổng và nói:

– Trại chủ là người lớn tuổi nhất ở đây, xin ông mở nút.

Hà Bổng liền đáp:

– Tướng quân là mệnh quan của triều đình, xin tướng quân cứ tự tiện.

Quốc Tuấn nói hết sức nghiêm trang:

– Hoàng thượng ban đặc ân cho hai ông, ta sao dám tự tiện.

Nghe vậy Hà Bổng mới đón lấy nậm rượu. Ông sung sướng đến nghẹn lời. Quay lại phía Hà Khuất, ông bảo:

– Hoàng thượng ban ngự tửu cho ta và ông, vậy thì cả hai cùng mở. Ông cầm nậm, ta mở nút, hay ông mở nút, ta bê nậm?

Hà Khuất đưa hai tay ra đỡ lấy nậm rượu và nói:

– Bác hơn tuổi để bác mở, tướng quân đã nói thế rồi mà.

Hà Bổng nhẹ gỡ giấy niêm phong rồi xoay nút. Nút vừa bật, mùi thơm xộc vào mũi mọi người. Ai nấy cánh mũi đều phập phồng.

Rượu được rót ra ba chiếc bát nhỏ cao thành, ngoài tráng men nâu trong tráng men ngà, nước rượu trong như nước mưa.

Quốc Tuấn hai tay nâng bát rượu lên ngang mày. Hai vị trại chủ cùng làm theo. Quốc Tuấn nói:

– Chúng thần tạ ân hoàng thượng!

Hai trại chủ nhắc lại y hệt.

Quốc Tuấn lại hô:

– Kính chúc thánh thượng vạn an!

Hai trại chủ đồng thanh nhắc lại.

Ba người ăn uống nói cười thật là vui vẻ. Quốc Tuấn mời các trại chủ ăn từng món như hải sâm, bóng cá, chim tần… món nào với hai vị trại chủ cũng là lần đầu được ăn cả, nên họ hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Biết chắc hai trại chủ đã cột tâm với triều đình, Quốc Tuấn muốn nhờ họ một việc mà theo ông nếu làm được thời đó là cơ may lớn cho công cuộc chống quân Mông Cổ sắp tràn vào xâm lấn cõi bờ ta. Vì vậy, ông đã bằng mọi cách để họ thật sự tin, qua đó ràng buộc họ với triều đình và chính họ cùng với dân Man sẽ là phên giậu vững chắc nơi biên cương. Thật ra chỉ có người dân tự ý thức được trong việc giữ gìn cương thổ, thời đó mới là bức tường thành bất khả xâm phạm, chứ triều đình lấy quân đâu rải khắp biên thùy dài tới cả ngàn dặm này. Nghĩ vậy, ông tự tay rót thêm rượu vào bát cho hai vị đầu mục và hỏi:

– Các ông có biết đây là rượu gì không?

– Ngự tửu vua ban cho mà, – Hà Khuất đáp.

Quốc Tuấn cười:

– Đúng là rượu vua ban, nhưng nó là loại kim cúc thượng hạng đấy. Rượu này hạ thổ tới cả chục năm rồi.

Hai trại chủ xuýt xoa cảm động. Thực ra đây là rượu vua ban riêng cho Quốc Tuấn, nhưng tính ông nghiêm cẩn, trong quân doanh không bao giờ ông uống rượu. Lại nhân việc nhà vua dặn phải: “Vỗ về các trại chủ người Man”, thế là ông nghĩ ra bữa tiệc này. Và còn vì có nậm rượu làm cái cớ để họ thấy họ được vua yêu trọng. Khi biết họ đã thực lòng, Quốc Tuấn liền hỏi:

– Các ông có làm cách nào cử được người sang nước Đại Lý thăm dò rồi lại trở về an toàn không?

Cả hai viên trại chủ cùng cười và đáp:

– Việc ấy dễ thôi mà, dân tôi ngày nào chẳng sang bên đó mua bán. Bên nó có hỏi han gì đâu. Ông tướng cần gì cứ sai bảo.

– Nhưng ta muốn vào tận Thiện Xiển để dò thăm, liệu có được không?

– Được chớ, mình muốn tới đâu mà chẳng được. Dân tôi nom cũng hao hao dân nó. Dân tôi cũng biết nói cả tiếng của nó nữa đấy. Triều đình cần gì, ông tướng cứ sai bảo. Nếu lo người khác không làm được thì chúng tôi đi cũng được. Sợ gì mấy cái dân Thoán dân Bặc ấy.

– Vậy thời mai ta sẽ nói điều ta cần, để các ông tìm người tới đây ta trao việc.

– Được thôi mà, ông tướng muốn sai việc gì cũng có người làm ngay.

– Nhưng có phải ông tướng nhờ làm việc này cho hoàng thượng ở Thăng Long không? – Hà Bổng hỏi.

– Đúng rồi, hoàng thượng sai ta nhờ các ông đó.

– Nếu hoàng thượng đã sai thì dẫu có chết chúng tôi cũng không ngại.

Cả hai vị đầu mục đều tỏ lộ lòng trung.

Lại nói tại Thăng Tong và các lộ, những đội dân binh, điền binh mới lập nhiều vô kể, nơi nào cũng hào hứng tập luyện, khí thế cả nước hừng hực như sắp xông vào trận đánh.

Bữa nọ vua Thái tông ghé cung Thủy Tĩnh thăm quốc mẫu và quốc phụ.

Thấy nhà vua đến bất chợt, Thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị Dung vội ra nhà tân khách cung nghinh.

Trần Thủ Độ giơ tay vái:

– Chẳng hay có điều chi sai khiến mà thiên tử phải ngự giá đến nhà thần đây?

Vua Thái tông cười nhưng không giấu nổi vẻ suy tư, nắm tay Thái sư, vua nói:

– Cháu đến thăm cô chú thôi không có vua chúa nào ở đây cả. Sao ít lâu nay chú cứ hay giữ lễ một cách thái quá. Đã bảo lễ là ở chốn triều trung, còn ở nhà phải theo gia đạo chứ.

Trần Thủ Độ vuốt râu cười khà:

– Chẳng là người già hay thất thố nên phải dùng lễ để che đậy sự vụng về đó thôi. Rồi ông hỏi: – Ta chắc bệ hạ đang có điều gì khó nói, khó xử đây, việc nước hay việc nhà, chú cháu ta cứ thẳng thắn bàn bạc, tuy vậy đầu óc, sức lực chú cũng còn tạm dùng được, chưa phải là đồ bỏ đâu.

– Chú đã nói thế thì cháu cứ xin nói thẳng. Mới đây Khu mật viện có mật tâu với cháu rằng: “Quốc mẫu tích chứa đồ khí giới và lương thực nhiều lắm. Chẳng hay việc đó chú có biết không?”.

Nghe nhà vua hỏi bất ngờ về những tội đáng tru di, Trần Thủ Độ hết đỗi kinh ngạc bèn cho triệu phu nhân ra và nói lại điều nhà vua vừa hỏi.

Phu nhân vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nói:

– Tôi đang sửa soạn đồ nhắm rượu cho chú cháu ông đây. Dào ôi, cái chuyện vặt ấy tôi tự làm đấy, có gì mà ông với nhà vua phải săm soi vào chút việc riêng của mụ này.

Thái sư giậm chân vẻ nhăn nhó:

– Tích trữ lương thực, khí giới là việc mưu phản đấy, tội đáng tru di bà không biết sao. Tại sao bà làm việc này? Làm để làm gì mà bà giấu tôi?

Phu nhân dõng dạc đáp lời:

– Thế ông định chạy tội sao?

Nghe phu nhân nói, cả nhà vua và Thái sư đều tái mặt đi.

Nhà vua thầm lo: “Ông chú mưu phản sao? Vô lý!”. Còn Thái sư thì vô cùng kinh ngạc. Lấy lại sự bình tâm, Trần Thủ Độ hỏi:

– Vậy chớ đầu đuôi thế nào, vì sao bà làm như vậy? Có nhà vua đây, bà cứ nói thực đi.

Nhả miếng bã trầu vứt thẳng xuống thềm với vẻ bực tức, phu nhân nói:

– Ông có nhớ năm ngoái, sau phiên chầu về ông nói nhà vua hạ chiếu cho cả nước rèn đúc khí giới, tích trữ lương thảo, lo kháng giặc. Tôi hỏi ông giặc nào? Ông bảo quân Mông Cổ. Lại nói quân Mông Cổ hung bạo, để nó vào cõi thì nó tàn sát sinh linh không biết đâu mà lường. Thấy chú cháu ông lo, tôi phải xuất vốn riêng ra, mua cất giấu đi để rồi tiếp tế cho quân chứ tôi mua giáo mua gươm để giết ai.

Nghe phu nhân nói, cả nhà vua và Thái sư đều thở phào.

– Giỏi! Bà giỏi quá. Bà mới thật là một người ái quốc thầm lặng. Nhưng sao bà không nói với tôi một lời, biết đâu tôi chẳng giúp được bà.

Phu nhân bĩu môi.

– Dào ôi, lúc nào ông cũng chỉ biết đến công việc. Có bao giờ ông chịu ngồi nhà trò chuyện với mụ này đâu. Vả lại, việc ai người ấy lo.

– Thế bà đã tích chứa được nhiều chưa?

– Vốn riêng của tôi chứ có phải quốc khố đâu mà có nhiều. Khí giới tôi chắc cũng đủ cho mươi mười lăm đô quân, còn lương thực không quá hai nghìn phương thóc. Thôi cũng gọi là một chút phận sự chung lo với nước; tôi cứ ngỡ nước là của mọi người, của mọi nhà nên làm vậy, ai dè như thế lại mắc tội tru di. Hóa ra nước lại chỉ của nhà vua, của triều đình, của chú cháu ông. Ai muốn yêu nước đều phải trình báo, bây giờ tôi mới ngộ ra điều đó.

Cứ xem việc bà làm, lời bà nói, nhà vua thầm nghĩ: “Bà cô, ông chú quả là những người bén nhạy và có bản lĩnh. Nếu nói vương triều này được tạo ra từ hai con người này cũng chẳng có gì là quá đáng”.

Với cử chỉ làm lành, Thái sư vừa vuốt râu vừa cười hề hề, ông nói như phân bua:

– Nhà vua thì hỏi việc tích chứa khí giới, lương thực, còn bà thì lại bảo tôi “định chạy tội”, nghe thế ai mà chẳng khiếp. Vậy đó, tâu hoàng thượng, việc đã rõ rành rành, xin bệ hạ tha tội.

Vua Thái tông vui vẻ dàn hòa:

– Thưa quốc phụ, quốc mẫu, các cơ quan then máy quốc gia, thấy việc gì hơi lạ là người ta phải canh chừng rồi tâu báo lên. Nay sự việc đã rõ như ban ngày, nhân danh triều đình xin ban tặng quốc mẫu mỹ danh: “Ái quốc khả phúng”.

– Kìa, bà không tạ ân hoàng thượng đi. Thái sư giục phu nhân.

Phu nhân không nhận, cũng không cảm tạ mà còn nói chọc.

– Chú cháu ông trị nước giỏi thật đấy. Hình pháp gì mà cứ thay đổi xoành xoạch, vừa tuyên án tru di đã tôn vinh ái quốc.

– Bà thật là đáo để, thái sư nói. – Vậy chớ bà bảo làm đồ nhắm cho chú cháu tôi sao mãi không thấy đem ra?

Phu nhân nguýt dài:

– Trị nước đã dở lại còn hạch sách đòi ăn.

Nói rồi phu nhân đi vào nhà trong. Mùi xào nấu bay ra thơm phức.

Hai chú cháu nhà vua nhìn nhau mỉm cười.

Vua Thái tông nói:

– Thưa chú, Quốc Tuấn mới có thư về.

– Thế à, biên thùy có bị uy hiếp nghiêm trọng không?

– Dạ, Quốc Tuấn chỉ nói quân Mông Cổ ở nước Đại Lý do tướng Ngột-lương-hợp-thai cầm đầu đã chiếm xong nước ấy, chiêu hàng Đoàn Hưng Trí vua của Đại Lý. Hưng Trí đã tập hợp được một đội quân năm vạn gồm người Thoán, người Bặc đặt dưới quyền sai khiến của Ngột-lương-hợp-thai.

Vị tướng Mông Cổ này đã đưa sứ sang Đại Việt để thuyết hàng mà chưa thấy sứ đem hồi âm về. Nay mai chắc y sẽ cử tiếp sứ vào Thăng Long. Bởi bằng mọi cách Ngột-lương-hợp-thai phải đánh được Đại Việt mới có đường tập hậu nhà nam Tống. Hiện Mông-kha đang tự cầm quân tiến đánh Hợp Châu, Hốt-tất-liệt tiến đánh Ngạc Châu, Ngột-lương-hợp-thai sẽ phải đánh vào Đàm Châu rồi tất cả đều hội quân ở Ngạc Châu và từ đấy sẽ chia binh đi đánh Lâm An, chỉ một trận là diệt gọn triều nam Tống, thu phục toàn cõi Trung Hoa.

Thưa chú, Quốc Tuấn còn cho biết thêm rằng Ngột-lương-hợp-thai quyết đánh Đại Việt để lấy đường thông sang Ung Châu mà vào Đàm Châu, nếu không y sẽ phải đi đường Quý Châu[59] rất hiểm trở và vô cùng khó khăn.

Nhà vua ngừng lời. Gương mặt ngài đang biểu hiện một sự lo lắng.

Thái sư lên tiếng:

– Từ khi Quốc Tuấn chưa lên trấn biên thùy, thần và bệ hạ đều nhận định quân Mông Cổ trước sau cũng xâm lấn nước ta. Nay cứ theo như ý trong thư Quốc Tuấn thì quân Mông Cổ sắp vào cõi ta đấy. Vậy bệ hạ định khu xử việc này ra sao?

– Thưa chú, giặc đến thì đánh thôi. Vẻ ngập ngừng, nhà vua lại tiếp: – Cháu chỉ sợ đánh không thắng nó thì nó tàn sát sinh linh không sao xiết kể. Cháu chỉ thương đám lê dân thôi.

Thái sư “hừm” một tiếng:

– Thương dân sao bằng thương nước. Nước mất lấy ai đứng ra che chắn cho dân. Thần biết bệ hạ hiếu Phật nên giàu lòng từ ái. Nhưng nên nhớ, Phật không chỉ dạy: Đại từ, đại bi mà Phật còn dạy: Đại hùng, đại lực, đại trí nữa.

Vậy thời tâu bệ hạ, với kẻ đại ác, đại gian thời phải đem đại hùng, đại lực ra mà trị nó chứ. Có như thế mới bảo vệ được đám lê dân của bệ hạ, mới bảo vệ được Phật pháp chứ. Làm được điều đó chính là đại trí đấy.

Thái sư vừa dừng lời, nhà vua bèn đứng dậy vái hai vái:

– Thưa chú, điều chú vừa dạy đã làm cháu ngộ ra. Từ ái với kẻ gian ác chính là si đó. Cháu sẽ quyết cùng muôn dân xả thân vì nước. Và tới lúc này, chú vẫn là cây cột cái của nước chưa ai có thể thay thế được đâu.

– Bệ hạ đừng nói thế mà chú tủi. Thân già rồi, lực bất tòng tâm. Bệ hạ giữ ngôi chủ tể, mấy chục năm qua, người làm cho dân giàu nước thịnh chẳng phải bệ hạ còn ai vào đấy nữa. Bệ hạ chẳng thấy người điều hành đất nước tựa như người điều khiển một con thuyền sao, lúc sóng yên biển lặng chẳng nói làm gì, nhưng khi gặp sóng to gió lớn thì phải cứng tay lái, vững tay chèo thời thuyền mới không bị lật.

– Cháu hiểu ý chú. Cháu quyết không phụ lòng chú, không phụ muôn dân.

Vừa lúc đó có viên đô tướng coi quân cấm vệ chạy vào cung Thủy Tĩnh, rập đầu trước thềm nói lớn:

– Tâu bệ hạ có sứ Mông Cổ từ nước Đại Lý vào.

– Hiện sứ đang ở đâu? – Vua hỏi – Sao không đưa họ vào nhà công quán? – Vua lại hỏi.

– Tâu bệ hạ, người sứ ấy đang đứng trước cửa điện Thiên An, nằng nặc đòi gặp bệ hạ để đưa chiếu dụ của vua nước họ.

– Sao ngươi biết điều đó?

– Tâu bệ hạ quan trạng Nguyễn Hiền ạ.

– Vậy chớ Nguyễn Hiền đang đứng cùng viên sứ thần đó trước điện Thiên An à?

– Tâu bệ hạ đúng như vậy.

Nhà vua như cân nhắc rồi quay về phía Trần Thủ Độ hỏi:

– Thái sư có cho phép viên sứ giả Mông Cổ tới đây để hỏi chuyện nó không?

– Bệ hạ muốn tiếp nó ở đâu mà chẳng được. Ở đâu mà chẳng phải đất của nhà vua, có điều thằng Mông Cổ này cũng chẳng khác thằng bị bệ hạ sai tống giam hồi tháng trước đâu.

Vua liền phán:

– Ngươi ra nói Nguyễn Hiền dẫn sứ về nhà công quán. Và bảo Nguyễn Hiền nói cho sứ biết, ta sẽ cử người tiếp và phải trình điệp văn của vua nước họ. Ngươi cho quân đi kèm, nếu sứ tỏ ra vô lễ thì cưỡng trói nó lại đưa về giam tại nhà công quán, cho ăn nhưng không cho rượu, thịt. Và nhớ không được hành hung, nhục mạ người ta.

Viên đô tướng nói lại Nguyễn Hiền các điều vua vừa dụ bảo. Nguyễn Hiền liền nói với viên sứ Mông Cổ:

– Quốc vương sai tôi tiếp ông. Vậy xin mời ông về nhà công quán, nơi nước tôi thường tiếp các sứ thần ngoại quốc.

Viên sứ Mông Cổ trừng mắt quát:

– Ta đã bảo, ta chỉ gặp vua của các ông thôi. Vua của các ông phải mở cửa đại điện tiếp chiếu của thiên tử và phải quỳ lạy chiếu thư.

Nguyễn Hiền nhếch mép cười mỉa, nhưng ông vẫn điềm đạm nói với sứ:

– Ông là người được phái đi sứ, chức tước chắc chỉ vào hàng thị lang, còn ta là sĩ đại phu, cả chức tước và chữ nghĩa đều ở trên ông, nhưng nhà vua vẫn cử ta tiếp ông. Vậy là vua nước ta đã gia ân cho ông rồi đấy. Tốt nhất ông hãy theo ta về nhà công quán.

Viên sứ giả bèn nổi nóng quát:

– Ta đã nói thế nào là đúng như thế, nếu vua nước ngươi không mở cửa đại điện, không đích thân ra tiếp ta thì Đại Hãn sẽ cho binh tới làm cỏ kinh thành này, đào xới gò mả tổ tông các ngươi, dân các người sẽ không còn một mống nào sống sót.

– Câm miệng ngay! – Nguyễn Hiền quát. Nước ta là nước văn hiến, có kỷ cương lễ luật, ngươi không thể đem cái thứ văn hóa súc vật đến đây mà dọa nạt. Ngươi có biết mới tháng trước cũng có một đứa như ngươi tới đây, cũng hống hách như ngươi đã được quốc vương ta tiếp thế nào không?

Sứ giả Mông Cổ há hốc mồm ra, vẻ kinh ngạc:

– Vậy chớ các người dám vô lễ với thiên sứ của Đại Hãn. Ta không ngờ dưới gầm trời này lại có kẻ dám cưỡng mệnh của đại hoàng đế Mông-kha.

Nguyễn Hiền không tiếp lời viên sứ Mông Cổ nữa, ông quay sang nói với đô tướng:

– Ông cho quân dẫn nó về nhà công quán, các việc ăn uống như hoàng thượng đã dụ. Ba ngày sau, ông cho hai đứa nó trông thấy nhau rồi bắt nó quay về chỗ cũ, không cho chúng giao tiếp với nhau.

Nguyễn Hiền quay lại nói với viên sứ thần:

– Vui lòng theo những người này về nhà công quán.

Viên sứ Mông Cổ gạt những người lính cấm vệ ra, nhảy bổ về phía Nguyễn Hiền toan hành hung.

Nguyễn Hiền quay ngoắt lại, ném ra cái nhìn nghiêm khắc. Viên sứ giả đứng sững lại. Quân tới ngoắc tay trói gô nó lại bằng chiếc lạt cật rồi dẫn về nhà công quán.

Đúng là dưới gầm trời này không có một sứ thần nước nào vào cõi người ta để lập mối giao hảo hoặc dụ dỗ thuyết hàng mà lại ngông nghênh, ngạo mạn cứng nhắc đến cuồng si như sứ Mông Cổ, và cũng dưới gầm trời này, chưa một quốc gia nào dám tiếp sứ Mông Cổ như vua tôi nước Đại Việt.

Vua Thái tông bản tính nhu hòa, hiếu thiện nhưng lại là người rất cương dũng trong việc bảo toàn quốc thể cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Luôn trong hai tháng tám và chín của năm Đinh Tỵ (1257) này người Mông Cổ đã cho sứ đến ép Đại Việt phải quy hàng đều không được hồi âm.

Không được hồi âm còn vì lẽ sứ quá hống hách vô lễ tới mức hai bên không thể thương nghị với nhau được điều gì. Và cách ứng xử của nhà vua như thế cũng là cung cách tiếp nhận một cuộc chiến hơn là thương nghị để cầu hòa.