Chương 10

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Mông Cổ là đội quân tàn ác khét tiếng dưới gầm trời. Giết người, cướp của vơ vét không thiếu một thứ gì. Thế mà vào Thăng Long bao nhiêu của cải và đồ sang, quý nó không lấy đi một thứ gì. Ngay cả trên đường tháo chạy cũng không đốt nhà, giết người, cướp của. Dân cứ ngoa đồn nó là “Giặc Phật”. Nhưng mọi người đâu có biết rằng nó bị quân ta đánh giập đầu, đứt đuôi phải hốt hoảng tháo chạy cốt để thoát chết, sao còn dám nghĩ đến việc cướp của mang theo.

Quốc Tuấn về triều tâu báo lại diễn biến mọi mặt trên chiến trận biên thùy, và việc cố kết các đầu mục người man làm phên giậu, được vua khen.

Quốc Tuấn xin vua khen tặng công lao cho các đầu mục, nhất là Hà Bổng vừa dũng cảm, mưu trí vừa xuất của nhà nuôi quân. Trong các trận phục đánh quân Mông Cổ trên đường tháo chạy, Hà Bổng lập công đầu, giết được nhiều giặc nhất kể cả quân Thoán, Bặc và quân Mông Cổ.

Vua sai triệu các quan trong ngoài về triều hội vào ngày sóc tháng mạnh xuân.

Thái sư Trần Thủ Độ có vài dự nghĩ muốn bày tỏ với nhà vua trước khi diễn ra triều hội. Vì vậy thái sư vào thẳng tiện điện gặp vua.

Vừa trông thấy thái sư, nhà vua mời vào nội điện và nói:

– Có việc gì mà chú không gọi cháu đến? Chú tuổi cao nên bảo trọng.

Trần Thủ Độ cười khà khà:

– Bệ hạ thương thần ban trọng ân thế đã là quý. Vả lại, tuy tuổi cao nhưng sức vẫn chưa đến nỗi nào. Vừa rồi giặc Mông – Thát vào, thần vẫn muốn cầm quân ra trận, nhưng bệ hạ lại sai giữ các việc ở hậu quân hóa ra trở thành một thứ lão giả an chi.

Nhà vua nói lời an ủi:

– Chú đừng nghĩ thế. Cứ gì phải cầm quân ra trận mới là tướng giỏi. Chú ở trong màn trướng mà quyết việc ngoài ngàn dặm không sai một ly. Cho tới nay trong nước ta chưa ai thay được chú.

– Ấy chết, bệ hạ nói sai rồi. Quyết cả việc trong lẫn việc ngoài của đất nước hiện nay đều ở bệ hạ, việc nào cũng được người trong nước tin theo. Cứ xem trận đánh quân Mông – Thát vừa qua thì đủ rõ. Dân nước cứ ùn ùn kéo nhau xin ra trận, chẳng có người dân nào sợ giặc. Chăn dân được dân yêu trọng, dám xông vào chỗ muôn chết mà không so đo tính toán gì. Đấy là cái được lớn nhất của bệ hạ, không phải người làm vua nào cũng có được cái đức ấy đâu.

Vì sao vậy? Vì rằng bệ hạ đã lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình. Lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình. Đúng như lời răn của Phù Vân quốc sư nói với bệ hạ khi lên Yên Tử.

Còn về đường nhân tài của nước cũng chưa bao giờ nở rộ thế này đâu. Xem ra Lê Tần mưu trí, phương lược đã vào hàng thượng thừa. Trần Khuê Kình cũng là tướng lão luyện đáng tin. Trần Khánh Dư vừa mưu vừa dũng, xuất hiện đúng lúc nên chia được sức giặc khiến Lê Tần đưa được bệ hạ xuống thuyền lui quân đúng lúc, đẩy giặc vào thế hẫng hụt. Chưa đánh được quân ta mà giặc đã mất tướng giỏi. Khánh Dư sau này đáng mặt là một trí tướng.

Hai hoàng tử Trần Hoảng, Trần Quang Khải đang hé lộ là những bậc chân tài. Cái đức của Hoảng nối được chí của bệ hạ. Các tay tam khôi hai khóa gần đây và các thái học sinh lấy vào làm việc ở các cơ quan, đều là những người có thực tài, có phẩm chất đáng khen. Nhất là Nguyễn Hiền với những binh khí chế tác vừa qua đem dùng trong quân vừa tiện vừa có hiệu quả.

Nghe Thái sư nói hàng loạt các nhân tài, nhà vua thấy đúng cả. Đáng khâm phục hơn là Thái sư nhìn nhận họ rất trân trọng, đánh giá họ rất công bằng. Nhưng tại sao không thấy Thái sư nói gì về Quốc Tuấn. Cũng không đả động gì đến Nhật Hiệu.

Nhà vua nhẹ hỏi:

– Thưa chú, cháu muốn mời chú uống một ly rượu cho ấm bụng, chú vui lòng.

Trần Thủ Độ vuốt râu cười xởi lởi:

– Trời lạnh, được hoàng thượng ban ngự tửu thì còn gì bằng. Nhưng bệ hạ sai hâm nóng lên, uống cho nó thơm.

Trong khi chờ đám quan nội hầu hâm rượu, thái sư lại nói tiếp:

– Còn một việc trọng yếu thần hết sức lưu tâm bệ hạ. Tức là quân Mông Cổ thua ta trận vừa rồi không phải nó đã chịu bỏ cuộc đâu. Hiện thời nó tạm gác lại đấy. Nó ngoạm xong nhà nam Tống, lập nền thống trị nước Trung Hoa xong rồi, nó dùng cái kho người kho của vô tận ấy để lần lượt nuốt các nước khác, mà ta là miếng mồi đầu tiên, vì nó vừa ngon, thơm lại vừa rửa được hận nữa. Cho nên cái lo của ta là lo về họa Mông – Thát đấy. Bệ hạ tính sao? Thái sư gặng hỏi.

– Thưa chú, lại phải dựa vào dân để dựng lấy một đội quân mạnh mà giữ nước thôi chứ còn làm cách nào nữa.

– Quân mạnh, bệ hạ nói đúng. Không có quân mạnh không giữ được nước. Nhưng quân mạnh trao cho tướng hèn thì mất nước là cái chắc.

– Chú chẳng vừa khen mấy vị tướng giỏi kia sao?

– Đành rằng vậy. Lê Tần, Khuê Kình vừa đáng trọng vừa đáng khen, nhưng tuổi cũng đã cứng rồi. Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư còn phải nuôi vỗ nữa. Duy có Quốc Tuấn là tướng tuy còn trẻ, song mưu lược ở con người này xem ra đã chín. Ta xem cách thu phục người man, cách sát cánh cùng họ lấy một chọi mười mà thắng mỹ mãn, đánh tan mấy vạn quân của Đoàn Hưng Trí dễ như trở bàn tay, đủ biết Quốc Tuấn có tài làm tướng thiên bẩm. Ta nói thật với bệ hạ, nếu không có Quốc Tuấn phối với mấy đầu mục chặt đứt được cái đuôi ấy, sao Ngột-lương-hợp-thai chịu nhả Thăng Long cho ta. Phải nói là nó chạy. Nó chạy một cách hốt hoảng vì sợ không có đường về. Cho nên ta chỉ xin bệ hạ sớm muộn cũng nên trao quyền thống suất việc quân cho Quốc Tuấn. Nếu bệ hạ nhận lời thì dù ta có ra đi cũng yên tâm. Vì ta tin chỉ có Quốc Tuấn mới trị được đám quân Mông Cổ. Phải đánh bọn ấy bằng mưu lược chứ phô sức mạnh thì ta không phải là đối thủ của chúng đâu.

– Dạ, những điều chú dạy đều đúng cả. Cháu sẽ cho thực thi. Riêng việc Quốc Tuấn phải từ từ, bỗng chốc đặt Quốc Tuấn trên Lê Tần trong lúc này có thể sái.

Quan nội hầu đem rượu ra. Nhà vua mời rượu Thái sư. Mùi rượu nóng tỏa hương thơm phức. Thái sư đón lấy bát rượu từ tay nhà vua nói:

– Tạ ơn hoàng thượng ban rượu quý. Và ông lại nói tiếp:

– Ấy là chú cứ nói vậy, còn hoàng thượng lựa lúc nào thuận thì cắt đặt. Cái chính là ta không bỏ sót người tài, dù là con cháu ta hay người ngoài cũng vậy thôi.

– Vâng đúng như thế. Chú còn điều gì dạy bảo cháu xin nghe.

– Còn mấy việc nữa chú sẽ nói theo như chú nghĩ, bệ hạ cứ cân nhắc việc nào có lợi cho nước thì làm, việc nào không có lợi thì thôi. Vì rằng người già hay lú lẫn nói trước quên sau, nói rồi lại ngỡ mình chưa nói nên nói lại trở nên lắm lời, bệ hạ bỏ qua, đừng chấp. Ấy là việc chú định nói mà chỉ sợ bệ hạ cho là càn rỡ… Thái sư ấp úng vẻ khó nói.

Đoán được ý ông chú có điều gì tâm huyết nhưng đụng chạm đây, nên chú còn băn khoăn chứ thực ra trong đời, người này có biết sợ ai đâu. Nghĩ vậy nhà vua nhìn Thái sư có ý giục:

– Chú đã bảo chú chỉ nói những việc có quan hệ đến dân đến nước, thế thì có gì chú phải đắn đo nữa.

– Thì đây, cái việc này là việc thần muốn nói nhưng lại đang cân nhắc, thôi thì thần cứ nói, nghe hay không tùy bệ hạ. Ấy là hoàng thái tử Hoảng đã lớn, uy nghi cốt cách, đức độ, tài năng đang nở, thế thì trao ngôi báu cho Hoảng đi, bệ hạ lên ngôi thượng hoàng mà giám sát. Cứ để cho Hoảng tập dượt cho quen thạo việc nước dần đi. Năm mười năm sau Hoảng đủ tài đủ sức của một bậc minh vương rồi, lúc ấy bệ hạ lui hẳn về mà tham cứu đạo Thiền như bệ hạ hằng mong có hơn không.

Thái sư ngừng lời, nhìn nhà vua để dò thăm ý tứ.

Nhà vua thật sự xúc động liền đứng dậy vái Thái sư một vái và nói:

– Ôi thưa chú, việc đơn giản thế sao cháu lại không nghĩ ra nhỉ. Nếu Hoảng sớm đảm đương được việc nước để cháu lui về tham cứu đạo Thiền thời đó mới là sở nguyện của cháu. Nói thật với chú, cháu đang cần thì giờ, lúc nào cũng tất bật như nhà khó phải đi ăn đong vậy. Cháu đang trước tác lại xảy ra việc quân Mông Cổ lăm le vào cõi, thế là mấy năm nay lao vào lo việc quân việc nước, chẳng viết thêm được chữ nào. Phải, cháu phải trao ngôi nước cho Hoảng rồi giám sát nó một thời gian cho đến khi có thể giao hẳn mọi việc. Tựa như chú đã kèm cặp cháu đấy.

– Thì chính là rút từ việc chú đã làm với bệ hạ, nên chú mới bảo bệ hạ thử làm, chứ chú có tài ba thánh tướng gì đâu. Vậy là chỉ còn một việc nữa, việc này là việc riêng của thần, xin bệ hạ gia ân.

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên với ông chú, vì con người này chưa bao giờ thèm xin xỏ cái gì cho bản thân mình, cho con cháu nhà mình. Thế mà nay lại nói đến gia ân cho một việc riêng. Với vẻ tò mò muốn biết, vua hỏi:

– Chú cứ nói đi, một việc chứ mười việc cháu cũng không làm trái ý chú.

– Vậy thì bệ hạ cho thần thôi giữ chức Thái sư. Thôi hẳn mọi việc. Nên trao chức này cho người trẻ tuổi xứng đáng để họ giúp rập bệ hạ, phò hoàng thái tử mưu việc lớn cho nước. Nói xong, Trần Thủ Độ lấy từ trong ống tay áo thụng ra một chiếc hộp ngà, trong đựng con dấu. Một tay bê một tay mở nắp, tay Thái sư hơi run, con dấu đổ nghiêng thấy rõ hàng chữ triện: “Thái sư thủ ấn”.

Đây là thủ ấn, thần nộp trước bệ hạ, còn biểu xin thoái chức hồi hưu thần sẽ dâng vào phiên chầu tới. Đại ấn vẫn để lại bên trung thư sảnh. Sở vọng của thần chỉ cầu xin có vậy, xin bệ hạ gia ân.

Việc thái sư xin thoái chức không phải đây là lần đầu mà là lần thứ ba. Nhưng lần này có vẻ quyết liệt hơn. Vì thế Thái tông thấy buồn rượi, trong lòng dấy lên sự trống vắng cô đơn. Nhà vua nói giọng ngùi ngùi:

– Những lúc cam go, chú đã không bỏ cháu. Nay nước thịnh, dân no đủ đã đến lúc chú cháu cùng hưởng thái bình sao chú nỡ bỏ cháu. Trước sau chú vẫn là cột trụ của nước, nếu vắng chú khi cần lấy ai dạy bảo. Cháu tuy tuổi đã lớn nhưng trí lại chưa đủ khôn. Tay nắm quyền đại chính, nhưng gặp việc lớn hay bị rối. Tỉ như trong lần kháng quân Mông Cổ vừa rồi, nếu không có chú thì cơ sự có khi đã khác đi đấy. Giặc dồn đuổi, hỏi thái úy kế phá giặc, thái úy sợ líu cả lưỡi lại không nói được, phải lấy tay viết vào mạn thuyền hai chữ “Nhập Tống”. Tức là chạy sang nương nhờ nhà Tống. Trong khi Tống Lý tông cũng đang bị quân Mông Cổ dồn tới cùng đường. Khi hỏi chú, chú bảo: “Đầu thần còn chưa rơi thì bệ hạ khỏi lo”. Chỉ có mười chữ đã làm cháu vững dạ. Thế là lại hưng được sức quân, chỉ trong có mấy ngày đuổi được giặc ra khỏi cõi bờ. Đúng là “nhất ngôn hưng bang”. Cái nghĩa triều đình cần chú là ở chỗ đó chứ không phải cần chú cầm quân ra tay đánh dẹp. Vậy xin chú cứ yên tâm giữ chức.

– Không dám tuân lời bệ hạ, ý thần đã quyết. Cả đời vì nước non vì họ tộc, thần chỉ xin bệ hạ gia ân có một lần, và chỉ có mỗi một việc này thôi.

Nhà vua rơm rớm nước mắt:

– Ý chú đã quyết, cháu xin tuân. Các việc chú vừa nói không có việc nào phải bỏ. Nhưng có việc làm trước, có việc làm sau cháu xin chú hiểu cho.

Trần Thủ Độ xua tay:

– Không sao! Không sao! Thế là chú toại nguyện rồi. Giã ơn bệ hạ, chú về! Nói xong Trần Thủ Độ đứng dậy ra về.

Vua Thái tông thân tiễn thái sư ra tận cổng điện. Nhìn theo hút tấm lưng thái sư, nhà vua thấy ông đi vẻ hơi còng còng, ngài tự thốt lên: “Chú ta già thật rồi”.

Đúng ngày mồng một tháng hai năm Mậu Ngọ (1258) các quan đã tề tựu trước điện Thiên An. Trong khi chờ nhà vua tới, các quan bàn tán xôn xao về công cuộc kháng Mông vừa qua. Mọi người đều hỉ hả. Có vị còn nói vui: “Tôi đã từng đánh nhau nhiều với quân Man, quân Chiêm, quân Tống. Quân Man thì chẳng nói làm gì, còn quân Chiêm hễ thua là lủi ngay vào rừng trốn biệt; quân Tống mà không kháng cự được là hàng ngay; nhưng chưa thấy quân nước nào tháo chạy nhanh như quân Mông Cổ khi nó bị đánh thua”.

Kiệu nhà vua vừa tới. Các quan đồng thanh hô:

– Hoàng thượng thiên tuế!

– Hoàng thượng vạn tuế!

– Hoàng thượng vạn an!

Vua xuống kiệu, vẫy các quan vào đại điện.

Vua Thái tông tuyên cáo thắng trận. Lại hạ chiếu ngợi khen quân dân cả nước. Sai Nguyễn Hiền đọc, vì Hiền có giọng tốt.

Vua lại dụ:

– Trung thư sảnh sao lục chiếu này gửi về cho các lộ, các trấn để các nơi gửi về tận hương ấp bố cáo cho toàn dân trong cả nước đều biết.

Nhắc lại chiến thắng vừa qua vua nói:

– Các khanh chớ coi thường việc ta đánh bại quân Mông Cổ hồi cuối năm ngoái. Các khanh có biết Ngột-lương-hợp-thai là ai không? Y là một đại danh tướng đánh đông dẹp bắc, từng đạp đổ nhiều thành trì, bắt vua chúa nhiều nước phải quy hàng. Trong mưu đồ thôn tính nhà nam Tống, hiện Mông-kha đang đánh Hợp Châu, Hốt-tất-liệt em của Mông-kha đang đánh vào Ngạc Châu, còn Ngột-lương-hợp-thai phải từ Đại Lý đánh qua Đàm Châu rồi về hội ở Ngạc Châu. Như thế có nghĩa là Mông-kha đánh giá tài năng của Ngột-lương-hợp-thai sánh ngang với anh em ông ta.

Ngột-lương-hợp-thai ngạo mạn tưởng lấy nước ta cũng dễ như lấy nước Đại Lý. Vì vậy y dẫn quân bản bộ vào bắt Đoàn Hưng Trí, vua nước Đại Lý đã quy hàng, mộ quân theo y đánh vào nước ta rồi lấy đường đánh sang Ung, Quế bên đất Tống đổ vào Đàm Châu rồi sang Ngạc Châu. Thế nhưng viên đại tướng lừng danh này vào Đại Việt đã chuốc lấy đại bại. Chẳng biết bây giờ y xoay xở thế nào, nhưng chắc chắn quân Mông Cổ chưa nhả miếng mồi Đại Việt đâu. Vì vậy, ta lưu ý các khanh phải lo chỉnh bị các sắc quân cho thật thiện xảo. Vừa qua, ta tuy thắng giặc nhưng cũng lộ ra nhiều khuyết nhược. Nhẽ ra tượng binh phải là sắc quân ưu việt nhất khiến cho địch từ người đến ngựa của chúng vừa trông thấy đã khiếp sợ. Thế mà cái ưu ở đấy, cái nhược cũng nằm ngay đấy. Việc này phải được chỉnh bị ngay, không được phép để cho tái diễn nữa. Liệu có thể vẽ lên đầu voi, mình voi những sắc màu ma quái dị kỳ khiến ngựa trông thấy là sợ. Còn như mắt voi thì vẽ lệch ra chỗ khác để lừa cung thủ giặc, bảo vệ voi nhà.

Nhìn khắp lượt triều quan, vua Thái tông nói như cởi mở hết lòng:

– Ta xem các khanh ở đây, tuy nhiều ít khác nhau nhưng người nào cũng có công với nước cả. Việc thắng giặc là công của cả nước chứ không phải công của một người. Nhưng dù sao cũng phải luận công để tìm ra được người đích đáng mà ban khen, để ai nấy đều gắng sức. Nào, bây giờ các khanh cứ luận bàn cho kỹ đi. Phải bỏ hết cái nhỏ nhen, cái tị hiềm đố kỵ thì việc luận bình mới đạt tới sự công bằng được.

Trong vô số những người lập công, Lê Tần đứng đầu, vua phong Lê Tần chức ngự sử đại phu tước Bảo Văn hầu và nói: “Trẫm không có khanh sao còn có ngày nay”. Lại xét Trần Khánh Dư thừa cơ tập kích giặc, vua khen và ban cho làm thiên tử nghĩa nam[72]. Quốc Tuấn có công cố kết người man làm phên dậu lại lập được kỳ công, ta cho Quốc Tuấn được mở phủ tại Thăng Long. Các người khác theo thứ bậc đều được khen tặng cả.

Nhìn khắp lượt các quan, vua nói tiếp: – Quốc mẫu tự bỏ tiền riêng ra mua sắm khí giới, lương thực để tiếp cho quân, lại lo việc di tán hậu cung, hoàng gia hoàng tộc. Tấm lòng ái quốc cao thượng ấy biết lấy gì mà khen tặng đây. Lại như thái sư trong lúc thế giặc đang cường, thực lòng ta cũng thấy rối, liền hỏi kế. Thái sư đáp: “Đầu thần còn chưa rơi xuống đất thì bệ hạ khỏi lo”. Quả nhiên ta thấy bình tâm lại, cùng thái sư và chư tướng lo đuổi giặc. Lời nói ấy đã xoay chuyển được tình thế. Thử hỏi lấy gì mà ban khen cho xứng đáng đây. Lê Văn Hưu, những việc hy hữu này khanh phải chép ngay vào quốc sử.

Hà Khuất, Hà Bổng trên trại Quy Hóa cũng được khen tặng. Riêng Hà Bổng lập được công cao nên ban tước hầu.

Các tướng Phạm Cụ Chích, Phú Lương hầu đã anh dũng đánh giặc mà thọ tử được vua ban hai chữ “Trung dũng”, cho con cháu được hưởng lộc.

Việc luận bình công lao và khen tặng tưởng đến đây đã mãn, bỗng hoàng tử Quang Khải liền đứng lên tâu:

– Hoàng thượng anh minh thưởng người có công xin trị kẻ có tội.

– Kẻ nào có tội, Quang Khải mau nói ta nghe. – Vua hỏi.

Quang Khải bèn tâu việc Cự Đà và xin trị tội y để làm gương cho kẻ làm tôi bất trung.

Thái tông hơi nhíu mày rồi đáp:

– Cự Đà tội đáng giết cả nhà, cả họ. Nhưng tội của Cự Đà là lỗi ở ta. Nhân đây ta nói để các quan khu xử công việc hằng ngày, kể cả việc nhỏ nhất. Chẳng là năm trước trong vườn ngự có cây muỗm bói lứa đầu. Mấy người nội thị hái những quả chín sớm đem vào dâng ta. Ta sai cắt ra rồi chia cho mọi người. Cự Đà đứng xa, ta không để ý, lúc ngẩng nhìn thấy còn tiểu hiệu Cự Đà chưa được ăn, nhưng muỗm ta đã chia hết cho những người đứng gần đó. Không ngờ Cự Đà lại hận ta vì không được ăn muỗm mà quên cả lòng trung với nước. Cũng may mà Cự Đà chỉ bỏ trốn chứ không đi hàng giặc hại nước như Dương Châm[73] thời Chiến quốc, chỉ vì không được ăn thịt dê mà làm cho quân nước Tống bị thua. Vì có phần lỗi ở ta, nên tha cho Cự Đà tội chết.

Các quan cảm kích vì lòng độ lượng của nhà vua bao nhiêu lại càng ghét Cự Đà bấy nhiêu.

Cuối tháng hai, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Trần Hoảng, lui về ở Bắc cung, sau gọi là cung Thánh Từ, còn cung vua ở gọi là cung Quan Triều.

Vua mới lên ngôi đổi niên hiệu là Thiệu Long, đại xá cho thiên hạ và soát tù. Nhưng những kẻ theo giặc năm trước thì không được khoan giảm. Vua lấy con gái thứ năm của Yên Sinh vương, sách phong làm Thiên Cảm hoàng hậu. Phong cho em là Quang Khải làm Chiêu Minh vương. Lấy Nguyễn Giới Huân làm hành khiển thượng thư tả phụ; Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) làm thủy quân đại tướng; Phạm Cự Địa làm điện tiền chỉ huy sứ. Đổi ty Bình bạc ở kinh sư làm Đại an phủ sứ. Nhưng vẫn theo lệ cũ, ai được triệu về làm Đại an phủ sứ của kinh sư phải giữ chức An phủ sứ ở một lộ nào đấy, được xem là người tài đức thì cho về làm An phủ sứ lộ Thiên Trường. Nếu đã qua chức An phủ sứ Thiên Trường mà tỏ lộ được tài đức rõ ràng mới được bổ về làm Đại an phủ sứ ở kinh sư.

Sau khi trao ngôi nước lại cho con, thượng hoàng lui về ở cung Thánh Từ vừa lo việc trước tác mà trước đây vua đang làm phải đình lại và lo việc chống quân xâm lược Mông Cổ.

Thượng hoàng Thái tông tự coi mình là đệ tử Phật, là người tu tại gia tựa như một cư sĩ. Cho nên viết cái gì cũng đều hướng về Phật, hướng về cái chân – thiện – mỹ. Nhưng viết cho ai mới được chứ. Chẳng lẽ ta lại viết sách dạy các bậc thiền sư về phép tu tập sao. Không được, các kinh điển nhà Phật đã dạy khá đầy đủ rồi. Các phép tắc nhập môn của người tu hành đã trở thành định chế bất biến như: ngũ giới, tứ diệu đế, bát chính đạo. Còn kinh tạng đã có hàng trăm bộ, luận tạng hàng nghìn bộ, luật tạng tới cả chục bộ. Vậy là trong sự trước tác, ta không có chỗ đứng trong kinh tạng, luật tạng, ráng mà hiểu được kinh, luật đã là quý. Còn như muốn luận, phải có sự am hiểu siêu việt tựa như một thứ trí vô sư. Cái đó là việc của các bậc thượng trí, thượng thừa, ta sao với tới được.

Vậy cái đích cần nhắm tới của trước tác là viết cho ai? Các nho sĩ, đạo sĩ, thiền sư họ đã có kinh điển của chư Phật, chư Thánh rồi, duy có chúng dân là những người ít học, mọi thứ đều ngu ngơ dễ bị các tạp giáo, tà giáo dẫn vào các mê lộ khó có thể cưỡng lại, khó có thể tìm được đường ra. Đó, cái đích nhắm tới của ta là hướng về những lớp cùng dân, lao khổ để khai ngộ.

Và khi con người được khai ngộ rồi họ sẽ biết cách sống, biết cách xử thế, biết trách phận của mình đối với nhà với nước, đối với đồng loại và với cả muôn loài. Biết ứng xử có trí năng theo hướng chân – thiện – mỹ tức là người có tâm linh tiến hóa – tâm linh Phật, cái mà ta mong muốn giáo hóa cho muôn dân. Và khi con người đã đạt tới tâm linh tiến hóa thì tự thân nó đã là một sức mạnh lớn lao; cả cộng đồng dân tộc có trình độ tâm linh tiến hóa thì đó là một sức mạnh siêu thần nhập hóa. Đây là sức mạnh vừa để an dân vừa để giữ nước, cái mà Đại Việt ta đang cần.

Vua Thái tông sung sướng như người vừa mở được một đại công án[74].

Ngài tự nhủ, ta viết cái gì cũng đều nhằm mục đích giáo hóa trăm họ, là những thường nhân. Thế thì phải viết thế nào cho người dân ít học, hễ nghe được là hiểu liền. Vậy không có hình thức nào hơn là phổ thuyết.

Khi đã định được đường hướng từ nội dung đến hình thức, thượng hoàng Trần Thái tông đắm mình vào trước tác. Ngài viết trước hết là: Phổ thuyết về bốn núi. Tiếp đến là Phổ thuyết sắc thân, Phổ thuyết phát bồ đề tâm và Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ.

Nhà vua đọc đi đọc lại thấy dễ hiểu. Bởi đó là tất cả những gì thuộc về cuộc sống thường nhật, nghĩ suy thường nhật của mỗi con người.

Sau đó nhà vua còn viết nhiều nữa, nhưng vẫn còn áy náy, chưa hiểu nó có đạt tới một sự diệu dụng nào đó, hay chỉ là những ý tưởng tầm phào, vô bổ.

Nhân dịp quốc sư Phù Vân từ Yên Tử về kinh, vua hay tin tới thăm và mời về ở chùa Thắng Nghiêm, lại đem các trước tác ra nhờ sư đọc.

Trong số các trước tác đó phần lớn được viết dưới dạng ca thuyết cho mọi người dễ nhớ và lấy tên là Thiền tông chỉ nam. Vua nhờ thiền sư đọc.

Quốc sư vừa đọc vừa tâm đắc tán thưởng. Sư nói: “Tấm lòng của chư Phật ở cả trong bài ca này, sao không khắc in thành kinh bản để chỉ dẫn cho kẻ hậu học”.

Thế là vua lưu quốc sư lại nhờ trông coi việc khắc ván và in ấn.

Vua Thái tông là người không hề chia tách việc đạo với việc đời. Trong khi chăm lo chúng dân về con đường tâm linh tiến hóa, nhà vua vẫn để tâm đến việc Thánh tông điều hành đất nước. Từ việc lớn đến việc nhỏ không việc gì là không để mắt tới.

Thánh tông bản tính hiếu thiện lại là người con trung hiếu, nên dễ dàng tiếp nhận khuôn mẫu giáo huấn của vua cha.

Thánh tông thấy vua cha rất quý kính thái sư, đã cho làm sinh từ lại tự tay viết bài minh cho khắc vào bia đá, nhằm tán thán công lao của thái sư đối với nước. Có lần Thánh tông vào cung Thủy Tĩnh thăm Trần Thủ Độ. Lúc này ông đã nghỉ hẳn không tham dự công việc triều chính nữa. Nhưng vì lòng tôn kính Trần Thủ Độ, thượng hoàng Trần Thái tông và đương kim hoàng thượng không trao chức Thái sư cho ai cả. Điều hành công việc Phủ Thái sư trao cho một vị thái phó.

Thấy quân vào bẩm có hoàng thượng tới thăm, Trần Thủ Độ xỏ chân vào đôi dép cỏ đi mau ra cổng đón. Vua vội vàng xuống kiệu vái thái sư và nói:

– Sao thượng phụ không để cháu vào lại phải ra tận cổng làm gì?

– Chẳng mấy khi hoàng thượng ghé thăm mà lại không được báo trước, nên không kịp làm lễ tiếp rước.

Nhà vua có vẻ hơi ngượng vì mình còn ít tuổi để ông phải băn khoăn. Vua nói:

– Thượng phụ hãy cứ coi cháu là đứa cháu trong nhà đi, sao cứ bày vẽ lễ nghĩa, đến như phụ hoàng cháu cũng còn là bậc dưới của thượng phụ nữa là cháu. Bữa nay cháu chỉ ghe vấn an thượng phụ chứ không có việc gì đâu.

Trần Thủ Độ vuốt râu cười khà khà, ông ngắm nhìn người cháu hai mươi tuổi giữ ngôi nước. Tuy được học hành, được kèm cặp, nhưng việc điều hành triều chính tránh sao khỏi bỡ ngỡ.

Thái sư sai nội nhân pha trà. Từ ngày phu nhân qua đời, thái sư thấy nhà cửa trống vắng và đụng đến bất cứ vật dụng gì hình ảnh phu nhân cũng hiện ra. Càng thương nhớ càng thấy cô quạnh, người thái sư sọp hẳn đi.

Mời nước nhà vua xong, thái sư hỏi:

– Bệ hạ đã quen dần với công việc chưa?

– Sao ông lại gọi cháu là bệ hạ. Bây giờ cháu đang ở trong nhà ông kia mà.

– Đành rằng tình thì vẫn là ông cháu nhưng nghĩa lại là vua tôi, nên phải giữ lễ cháu ạ. Thôi được, bệ hạ đã muốn thế ông cũng chiều. Ông muốn biết công việc của cháu. Ở ngôi chủ tể, khó lắm đấy. Muốn làm tốt công việc cứ noi gương phụ hoàng cháu là đủ. Cần kiệm, nhân ái, ham học hỏi, quý trọng người tài đức.

– Thưa ông, cháu tuổi nhỏ lại ở ngôi cao, trên cả các bậc tôn trưởng nên lúc nào cũng lo sợ. Dạ, đúng như ông nói, nhờ có phụ hoàng cháu dạy bảo, giám sát nên công việc triều chính vẫn như hồi phụ hoàng cháu tại triều thôi. Hôm nay cháu đến thăm ông và cũng xin ông chỉ bảo cho những điều cần biết, những việc cần làm.

– Ông già rồi, lú lẫn rồi không theo kịp các cháu được đâu. Có nói cũng không hợp nữa. Thời ông khác. Thời các cháu khác. Phụ hoàng cháu còn minh mẫn. Đôi ba năm đầu, phụ hoàng cháu dìu dắt rồi cháu sẽ quen thạo. Nhưng cái khó nhất vẫn là phải tìm cho được những người tài đức để trao cho họ các trọng trách. Nếu có nhiều người tài đức giúp rập, và họ được tin dùng thì lo gì dân không giàu, nước không thịnh. Các việc như thế phụ hoàng cháu đã làm, đang làm, ông có nói chỉ rườm thêm mà thôi.

– Sao phụ hoàng cháu bảo từ cái buổi còn mờ mịt không có ông thì nghiệp nhà Trần ta cũng khó mà trụ được?

– Thôi thôi, đừng nói nữa ông ngượng. Không có sự nghiệp nào mà một người có thể làm nổi. Chẳng qua cũng là thời thế thôi cháu ạ. Ta đang muốn quên đi tất cả. Nếu thương ông thì đừng gợi lại các chuyện xưa cũ làm gì. Trần Thủ Độ vừa xua tay vừa lắc đầu, có nhẽ trong ký ức ông đang hiện về những kỷ niệm buồn và chính điều đó làm ông day dứt, khổ đau.

Nhà vua gặng hỏi:

– Lúc khác cháu sẽ hỏi ông nhiều việc, bây giờ ông không muốn nói chắc ông đang có gì phiền muộn. Nhưng chẳng lẽ ông lại không muốn nói chuyện với cháu sao.

– Không phải con người ta lúc nào cũng sáng suốt. Cháu là bậc chủ tể của nước, ông không thể nói với cháu điều gì vào lúc mà ông nghĩ rằng ông không còn đủ sáng suốt nữa. Như sực nhớ ra một điều gì đó, Trần Thủ Độ à lên một tiếng, lại nói: – Có việc này ông muốn nói với cháu kẻo bất chợt ra đi mà chưa kịp nói, lại ân hận. Thôi thì tuổi già như ngọn đèn trước gió chả biết đâu mà nói mạnh được.

Việc gì à, ông sẽ nói ngay đây. Nhưng bây giờ là thần tâu với hoàng thượng chứ không phải là ông nói với cháu. – Tâu bệ hạ, thần xin nói điều gan ruột. Tuy rất khó khăn nhưng vì nghĩa cả nên không thể không nói. Đó là việc thần có mấy người con đã trưởng thành. Chúng tuy có lớn mà không có khôn, chẳng một đứa nào có tài cán gì cả. Nếu bệ hạ có thương thần thì sau khi thần mất đi chớ có giao cho chúng trọng trách mà để di họa cho nước. Chỉ nên cho chúng cái tước nhàn tản mà hưởng lộc triều đình ban do thần để lại. Thế là đủ lắm rồi. Trần Thủ Độ ngừng lời, vẻ thanh thản nhẹ nhàng tựa như ông vừa trút đi được một gánh nặng. Tay vuốt chùm râu sợi đen chen sợi bạc, mắt nhìn nhà vua, ông nói tiếp: – Tâu bệ hạ, suốt cuộc đời phụng sự quốc gia, suốt cuộc đời vì đế nghiệp nhà Trần ta, thần chỉ xin có một đặc ân này. Đây là lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng, thần xin ân mệnh cho riêng mình.

Nghe Trần Thủ Độ nói, vua Thánh tôn hết sức bàng hoàng. Nhà vua không thể ngờ ở đời lại có người lòng dạ thẳng ngay đến vậy, tận trung với nước đến vậy. Nhà vua bèn đứng dậy vái Thái sư hai vái và với giọng run run vì cảm động, vua nói:

– Đọc bài minh do phụ hoàng cháu viết để tụng ca công đức ông trong nhà sinh từ, quả thực đã có lúc cháu thầm nghĩ. “Con cháu viết về ông bà cha chú thường nhân cái đẹp lên để làm gương cho đời sau”. Nhưng qua cuộc kháng Mông vừa rồi với việc ông vừa nói đây, thời cháu lại nghĩ rằng phụ hoàng cháu mới chỉ nói được một phần về công lao của ông đối với dân nước, đối với dòng tộc, còn như về phần nhân cách cao thượng của ông thì phụ hoàng cháu lại chưa nhắc đến. Có nhẽ mai đây cháu phải dựng thêm một bi ký nữa trong nhà sinh từ của ông.

Trần Thủ Độ vội xua tay:

– Chớ! Chớ có làm thế! Cứ như lời minh của phụ hoàng cháu là đúng sự thật đấy. Ngay cả việc đúng sự thật ông đã thấy ngượng. Bởi suốt cuộc đời ông có làm được nhiều việc tốt, nhiều việc có lợi cho nhân quần, nhưng cũng không ít việc dở, đôi khi còn có hại cho nhân quần đấy. Nếu cháu vì tình cảm nhất thời mà nói quá về ông, chắc đời sau người ta không còn tin nữa đâu. Nếu cứ nói quá sự thật đi một tí thì ngay cái mình nói đúng người ta cũng ngờ. Ông thật lòng can cháu đừng nói ông “là người nhân cách cao thượng”. Cái đó hơi quá, ông làm gì được liệt vào hàng những người như thế.

Nhà vua tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Cháu thật sự không hiểu điều ông vừa nói. Bởi những việc ông đã làm và đang làm chẳng nói lên nhân cách con người ông sao?

– Đúng như cháu nói. Tuy vậy, cuộc đời ông còn nhiều góc khuất mà cháu chưa thấy, nhưng tai mắt người dân đều nghe và nhìn thấy hết. Sau này cháu sẽ hiểu điều ông nói cũng như lời minh do phụ hoàng cháu soạn. Vả lại cháu ạ, mình vừa cầm quyền vừa chép sử thì còn ai tin mình nữa. Ông ngẫm chỉ có sử ngôn được truyền tụng trong dân gian là ít điều đáng ngờ nhất.

Trong lúc hai ông cháu vua Thánh tôn đang trò chuyện thì kiệu của thượng hoàng Trần Thái tông cũng ghé vào Thủy Tĩnh.

Quân hầu chưa kịp vào bẩm thì thượng hoàng đã bước tới bậc thềm. Vừa trông thấy vua Thái tông, Trần Thủ Độ vội đứng dậy, vua Thánh tôn quỳ lạy.

Thái tông nâng hai ông cháu dậy và nói:

– Chú thật đa lễ. Cháu đến vấn an chú thôi chứ không có công việc gì đâu. Thượng hoàng quay lại hỏi vua Thánh tôn: – Con đến thăm ông hay có việc gì đây. Cũng đến vấn an ông à. Thế thì ngồi đây cùng thăm ông.

Thái sư sai nội nhân dâng trà, rồi ông cười nói:

– Thật là đại hạnh, được hai vua cùng lúc đến thăm nhà. Các đồng liêu mà biết lại ghen tị với ta đây. Thượng hoàng và bệ hạ trăm công nghìn việc, còn ta thì rảnh rỗi nhàn hạ. Biết thượng hoàng và bệ hạ thương ta vì Linh từ thất lộc, sợ ta buồn. Không buồn sao được, gắn bó với nhau cả cuộc đời. Nhưng sớm muộn ai cũng đến lượt phải ra đi thôi. Cái mà ta không tránh được cũng là cái mà ta không trốn được, không chống lại được thì buồn bã, phiền muộn cũng là vô ích cả. Hơn nữa ta tuy già, nhưng vẫn đủ sức chịu đựng, mong thượng hoàng cùng bệ hạ hãy lưu tâm đến công việc quốc gia trọng đại. Ta giận mình tuổi cao, sức yếu không cùng gánh vác việc nước được nữa, chứ thực lòng ta vẫn áy náy về người Mông Cổ không để cho nước ta yên đâu. Nuốt xong nước Tống, Mông Cổ sẽ quay vó ngựa sang ta, vừa rửa hận vừa thôn tính. Việc này thượng hoàng và bệ hạ phải tính kỹ lắm. Ta sợ nhà Tống khó trụ nổi vài năm nữa. Vì vậy, nước mình phải lo như ngày mai giặc sẽ tràn vào cõi.

Thượng hoàng vui vẻ nói:

– Chú nghĩ về sự sinh sự tử như vậy là đáo lý. Chính Phật cũng dạy: Không có cái gì được sinh ra lại không bị hoại diệt. Cũng tức là ai được sinh ra thời sẽ chết và ai chết lại sẽ được sinh ra. Ai hiểu điều đó, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng.

Nhân chú hỏi về quân Mông Cổ và chuyện nhà Tống. Nhà nam Tống bị diệt vong là điều khỏi phải bàn. Bởi triều đình đua nhau hưởng lạc, và nó chỉ làm mỗi một việc là ngăn cản những ai có lòng yêu nước, từ quan lại trong triều đến nghĩa quân nơi thôn dã, để làm vừa lòng trước kia là quân Kim còn bây giờ là quân Mông Cổ. Nó sẵn sàng cắt đất và cống nạp để cầu hòa. Đôi khi chấp nhận cả những áp đặt nhục nhã. Như trước đây dưới triều Tống Khâm tông (1110 – 1127) phải tôn xưng hoàng đế nhà Kim là bá phụ, phải cử các thân vương và tể tướng sang Kim làm con tin. Nhưng nếu so triều Tống Lý tông (1225 – 1272) hiện nay với Tống Khâm tông hơn một trăm năm trước thì thời của Khâm tông, nước Tống còn mạnh hơn nhiều.

Thái sư xua xua tay:

– Thượng hoàng cho nghe về quân Mông Cổ, vì mối lo của ta là ở bọn này, còn như nhà nam Tống nó như một thứ cơm nguội đã thiu rớt, đến ruồi nhặng chẳng them bâu đậu nữa, nói đến nó làm gì. Trước đây ta có đặt một số ngoại gián bên đất Tống, lại cả bên Đại Lý nữa, ta đã giao lại cho bên Binh bộ, chẳng hay số đó còn trụ được hay đã bại lộ.

– Thưa chú, người của ta bây giờ cắm rễ chắc lắm rồi. Nơi mở hiệu thuốc vừa bào chế vừa chẩn trị; nơi mở hiệu sách; nơi coi tướng số; nơi làm thầy phù thủy bắt ma, trừ tà, yểm đảo. Vì vậy vừa gần gũi được các nhà quyền quý khi họ mời trị bệnh, vừa gần gũi giới sĩ phu khi họ đến tìm mua tìm đọc sách quý. Gần gũi được hai giới này, một khi đã thân quen, thì các nguồn tin lấy từ họ đều đáng tin cậy. Lại như bói toán, cúng cầu cho gia đình của mệnh phụ, phu nhân thì không có điều gì muốn biết mà không được biết.

– Vậy thì thượng hoàng nói cho nghe đi, ta đang nóng lòng muốn biết.

– Thưa chú, tin mới nhận hay lắm, chính cháu tới đây là để thưa lại chuyện đó cho chú được vui. Tức là mấy năm trước Ngột-lương-hợp-thai đánh vào ta để lấy đường đánh vào Đàm Châu rồi sang Ngạc Châu hội với Hốt-tất-liệt và Mông-kha để rồi chia nhau đi đánh Lâm An, cất vó triều nam Tống (Tin này trước đây ta đã biết khi nó còn là dự mưu). Thế nhưng Ngột-lương-hợp-thai sang ta bị thua phải ôm đầu máu mà chạy. Còn Mông-kha đánh Hợp Châu, vây thành Điếu Ngư ở phía đông Hợp Châu tới năm tháng mà chưa hạ được. Tướng giữ thành là Vương Công Kiên dùng máy bắn đá bắn ra. Mông-kha trúng đạn chạy về đến lầu trướng thì chết.

Hốt-tất-liệt vượt Trường Giang tiến xuống vây chặt Ngạc Châu. Giữa lúc quân Tống đang khốn đốn thì Hốt-tất-liệt được tin Mông-kha tử trận. Ở trong nước giới quý tộc đang chuẩn bị cử A-lý Bất-kha (Aric Buke) là em ruột Hốt-tất-liệt lên ngôi Đại Hãn.

Giữa lúc Hốt-tất-liệt đang nóng lòng muốn đem quân về nước tranh ngôi Đại Hãn thì Giả Tự Đào tể tướng nhà Tống xin thương nghị, nếu Hốt-tất-liệt lui quân thì nhà Tống sẽ nộp phần Giang Bắc (phía bắc sông Trường Giang) cho người Mông Cổ và hằng năm tiến cống hai mươi vạn lạng bạc, hai mươi vạn tấm lụa. Hốt-tất-liệt chấp nhận ký xong hòa ước liền kéo đại binh về nước. Giới quý tộc lại tôn Hốt-tất-liệt lên ngôi Đại Hãn tức là Nguyên Thế tổ và đổi tên nước là Nguyên từ năm Canh Thân (1260). Tuy nhiên, hiện nay hai anh em Hốt-tất-liệt vẫn còn đang tranh nhau ngôi Đại Hãn.

– Hay! Hay lắm! Trần Thủ Độ nói như reo. Như thế có nghĩa là nước Tống chưa có thể mất ngay được. Mà anh em hai đứa này đều tham ngôi Đại Hãn, đều tàn bạo cả, tức là chúng còn giết nhau lâu đấy.

Ha! Ha! Ha! Thái sư cười đến chảy cả hai hàng nước mắt vì vui sướng. Người ta cứ ngoa đồn dưới gầm trời này quân Mông Cổ không có địch thủ. Hãy xem năm Đinh Tỵ (1257) đệ nhất danh tướng Ngột-lương-hợp-thai vào Đại Việt chẳng bị thượng hoàng đánh cho đại bại ư. Lại cái thành Điếu Ngư so với nước Ba Thục thì chỉ bằng chiếc đấu thôi chứ to tát gì mà đích thân Đại Hãn cầm quân vây đánh tới năm tháng không hạ nổi, lại bị Vương Công Kiên giết chết. Theo ta, quân Mông Cổ chỉ hung hãn, tàn bạo chứ không phải là đội quân bất khả chiến bại. Thượng hoàng cùng hoàng thượng nhớ kỹ điều đó để dạy bảo quân sĩ. Cứ rèn quân cho tốt, mưu kế cho giỏi, lại dám đánh giặc thì không có quân giặc nào là không đánh được, dù nó là quân Mông Cổ.

Vua Thánh tôn nghe như uống lấy từng lời của thái sư. Đúng là không sợ giặc thì mới thắng được giặc. Thái sư đúng là bậc cân quắc mưu lược. Cuộc thắng giặc năm Đinh Tỵ vừa qua đã nói lên điều ấy.

Vua Thái tông rất là tâm đắc điều thái sư vừa nói. Nhà vua nhìn về phía Thánh tôn nói:

– Một đời làm tướng, một đời ở ngôi vị thống quốc, biến được nước loạn thành nước trị, những điều ông nói về việc đã qua, về bản thân mình rất bổ ích cho tự quân, con hãy nhớ nằm lòng.

Quay về phía Thái sư, vua Thái tông gặng hỏi:

– Có điều gì cần dạy bảo tự quân, xin chú mở lòng.

– Còn có điều gì nữa. Đã bảo ta thì vừa già, vừa dốt nát lại hết thời rồi. Tuy vậy có mấy điều ta hằng suy tư về việc giữ nước, nên cứ nói, thượng hoàng và hoàng thượng nghe nếu trái tai xin đừng bắt lỗi.

Ta nghĩ quân Mông Cổ trước sau sẽ quay lại. Bệ hạ phải lo đối phó trước đi. Ta xem như vậy thì quân Mông Cổ có ưu thế nhất về sự nhanh hoạt biến ảo. Quân Mông Cổ có thuật đánh vu hồi rất lợi hại, khiến lấy quân ít địch quân nhiều có hiệu quả. Lính Mông Cổ có sức khỏe dẻo dai, khí giới của nó thật là lợi hại. Cứ xem những thứ ta bắt được của nó như cung, kiếm và áo giáp thì đủ biết. Quân Mông Cổ còn tìm ra chỗ yếu của đối phương rất nhanh. Ví như tượng binh của ta, thông thường như quân nước khác trông thấy tượng binh là hoảng sợ. Các giống ngựa khác trông thấy voi là chạy. Thế mà ngựa Mông Cổ không sợ voi của ta. Quân Mông Cổ tìm ngay ra chỗ yếu của voi là đôi mắt, chúng nhằm thẳng mắt voi của ta mà bắn. Một hai con bỗng nhiên bị mù mắt, bị đau choáng thế là quay đầu lại. Một hai con quay lại các con khác quay theo, thế là trận địa của ta rối loạn. Cho nên phải xem xét lại cách đánh, quy mô đánh và khí giới phải chế tác cho tinh nhạy. Ta xem như cung của quân Mông Cổ thì sức quân ta không dùng được, cánh cung dài và cứng. Vì vậy sức bật mạnh, tầm bắn xa. Vậy thời phải chế tác loại khí giới nào vừa sức quân ta nhưng lợi hại hơn khí giới của giặc.

Còn như đường lối bang giao phải dẻo mềm hơn. Ta chắc mai này sứ Mông Cổ vào ta còn hống hách hơn, láo xược hơn, vì thế nước của nó mạnh hơn. Phải làm sao tránh được chiến tranh. Vạn nhất không tránh được thì hãm cho nó nổ ra chậm hơn, chậm một ngày cũng quý. Bởi mọi thứ bây giờ ta mới bắt đầu, còn giặc đã có sẵn từ lâu. Vì vậy ta cần phải có nhiều thời gian để lo liệu. Chính vì thế phải dẻo mềm với sứ giặc, phải thuyết phục nó, kể cả mua chuộc nó, chứ không thể dùng lại cái chước cứ sứ giả đến ăn nói hỗn láo là bắt trói nó giam lại. Khi nước địch đã quá mạnh, chỉ cần một cớ rất vu vơ là nó có thể xua quân qua biên thùy ngay. Cho nên đôi khi phải lui một tí, nhẫn một tí.

Thái sư nhìn lên trần nhà rồi lại nhìn ra ngoài trời và nói với vẻ bồn chồn, lo lắng: – Anh em Hốt-tất-liệt có thể thu xếp được với nhau hoặc giết nhau, nhưng sức mạnh của quân Mông Cổ không hề giảm. Nó tóm thâu được cả nước Trung Hoa nữa thì nó có sức mạnh ngang trời đất. Phải khôn khéo lắm mới giữ được nước. Phải có sức mạnh mới giữ được nước. Phải quy tụ được lòng dân muôn người như một mới giữ được nước.

Thái sư đột ngột ngừng lời. Lại đột nhiên hỏi vua Thánh tông:

– Này, ta xem con của cháu, hoàng tử Khẩm ấy, thằng bé vừa có tướng quý vừa có tướng lạ. Chính thằng bé này sẽ làm rạng danh tổ nghiệp đấy.

Hai cha con nhà vua bàng hoàng về sự bén nhạy của Thái sư. Tài thao lược của một đời làm tướng, một đời giám quốc, thái sư chỉ thâu tóm có vài lời để truyền lại cho con cháu. Đây là di ngôn của một bậc đại trí, thế mà Thái sư cứ nhún mình nói là ít học.

Trời chạng vạng tối, thượng hoàng và nhà vua đều cảm động bái biệt bậc tiền bối.

Trần Thủ Độ ngồi nhìn hai cha con nhà vua lên kiệu. Vẻ mệt mỏi, ông đi vào hậu điện. Giá như mọi khi phu nhân còn sống đã nhẹ nhàng đỡ ông vào giường nghỉ.