Chương 02

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Thụy Bà sống độc thân, không chồng, không con, bà nhận Quốc Tuấn làm con nuôi. Bà quý Quốc Tuấn và hết lòng chiều chuộng, suốt mấy năm giời cô cháu ở với nhau, bà chưa có một lời nói nặng với cháu. Ngay sự việc trái ngang do Quốc Tuấn gây ra, làm phiền lòng không biết bao người, kể cả nhà vua, nhưng bà cũng chỉ phàn nàn gọi là, để mọi người đỡ trách móc bà cưng chiều Quốc Tuấn thái quá. Khi đón Quốc Tuấn với Thiên Thành về, bà đã gặng hỏi, hai người tỏ ra quyết chí lấy nhau. Vì vậy, bà lại một phen xin với Thái tông cho hai trẻ được chung đôi.

Chọn được ngày lành, Thụy Bà dâng một lễ mọn sang cung Quan Triều với 10 mâm vàng và một số đồ lễ khác. Thái tông nhận lễ cho phải phép rồi bắt hai người phải trở về sống trong thái ấp An Sinh.

Nếu công chúa Thiên Thành thành thân với Trung Thành vương, thì hưởng trọn các đồ dẫn cưới, trong đó quá nửa giá trị dồn vào các đồ trang sức như ngọc, bích, mã não, kim cương… Và làm chủ một gia tài vào hàng phú gia địch quốc. Thế nhưng vì tình yêu, Thiên Thành chấp thuận một đám cưới không có đồ lễ dẫn cưới, cũng như Quốc Tuấn chấp thuận cô dâu không có của hồi môn.

Bữa nọ hai người vào cung chào Thái tông, nhà vua sai treo biển “hồi tị”[1]. Hai người đành quay về bái biệt công chúa Thụy Bà. Cô cháu ôm nhau sầu sầu tủi tủi. Thụy Bà nước mắt ngắn nước mắt dài. Hai người bước xuống một lá thuyền, hơn chục đứa trạo nhi nhảy lên bờ đón chủ, khuân đồ đạc xuống thuyền. Đêm xuống, thuyền nhẹ, xuôi nước xuôi gió đi băng băng như ngựa chạy. Trưa hôm sau đã đến ấp An Sinh.

Thái tông đã sai trung sứ đến ấp An Sinh từ mấy bữa trước thông báo mọi việc xảy ra cho Hoài vương Liễu biết. Nhà vua cũng thân viết cho anh một bức thư, trong đó có đoạn: “… Họ Trần ta từ khi được nước, mọi sự trở nên rối rắm, cương thường đảo lộn. Thật là đáng xấu hổ trước trăm họ. Anh em ta sẽ sám hối sao đây. Sự thể đã đến nước này, không thể để cho Quốc Tuấn có mặt ở kinh sư được. Biết huynh trưởng đau lòng, nhưng đành thất lễ. Mong huynh trưởng bảo trọng”.

Đọc xong thư nhà vua, vương Liễu thở dài nói với viên trung sứ:

– Ta không còn bụng dạ nào để giữ lễ vua tôi được nữa.

Ý ông muốn nói là ông đã không để thư của nhà vua lên hương án vái trước khi mở đọc. Đọc xong lại đặt lên hương án, vái.

Im lặng một lát, vương lại nói:

– Sứ cứ về tâu lại với nhà vua các việc như ta vừa làm. Ta đang mong nhà vua trị tội đây. Ta không biết nói thế nào cho phải, nhưng quả thật ta chán sống lắm rồi!

Quốc Tuấn dẫn Thiên Thành về cung “Vạn Bảo” của mình, chàng hết đỗi ngạc nhiên. Hai chữ “Vạn Bảo” đã được gỡ bỏ và thay bằng hai chữ “Dưỡng Đức”. – À ra thế! Thiên hạ coi việc ta lấy vợ là thất đức chăng. Rửa mặt mũi xong, uống một ly trà cúc để tẩy trần, khoác tấm áo thụng gấm ra ngoài, Quốc Tuấn đi về phía cung “Tĩnh Tâm” để vấn an cha. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp, lão bộc đã bước ra thưa:

– Đức ông hiện đang mệt, người dặn không được cho ai vào thăm, kể cả tiểu chủ.

Quốc Tuấn trừng mắt, toan bước thẳng vào nội điện. Lão bộc vội chắn ngang trước mặt Quốc Tuấn, lão chắp tay vái và nói:

– Nếu tiểu chủ không nghe kẻ nô bộc này thì hậu quả không biết thế nào mà lường.

Thấy gia nhân nói có vẻ nghiêm trọng, Quốc Tuấn không dám tự tiện vào diện kiến thân phụ nữa. Chàng bèn kéo lão bộc vào ngồi trong ngôi đình “Tị huyên”[2] gần đó, và hỏi:

– Lão thuật lại ta nghe, vậy chớ có việc gì xảy ra khiến thân phụ ta yếu mệt tới mức không muốn nhận mặt cả con cái nữa?

Lão bộc băn khoăn, hết xoay người, lại ậm è mãi, vẫn chưa khai khẩu được.

Quốc Tuấn ngầm đoán chắc có chuyện chẳng lành, chàng nhẹ nhàng hối thúc:

– Lão cứ nói đi, hay dở gì thì ta là con cái trong nhà cũng phải được biết chứ. Nói đi, không phải cung kính giữ lễ mãi với ta nữa.

– Dạ, bẩm tiểu chủ, cung kính sao bằng vâng lời, lão đâu dám không thưa lại để tiểu chủ tỏ tường. Dạ, bữa trước đức ông cho đòi Tuệ Trung vương từ An Bang về để ngài hỏi chuyện tiểu chủ học hành ở Thăng Long. Ngài lại nghe nói mong manh gì về một cuộc hôn nhân nào đó mà tiểu chủ có can dự. Sau khi nghe trưởng huynh của tiểu chủ giãi bày, đại vương không nói chi cả, chỉ vẫy tay cho lui. Rồi cũng từ bữa ấy ngài bỏ ăn luôn. Ép mãi, đại vương cũng chỉ uống vài hớp nước cháo loãng. Hầu hạ đức ông mấy chục năm giời, được đức ông tin yêu, mà kẻ nô bộc này gặng hỏi nhiều lần đức ông chỉ lắc đầu. Vâng, mãi gần đây ngài mới chịu nói, mà cũng kiệm lời lắm.

– Phụ thân ta nói sao? – Quốc Tuấn sốt ruột giục.

– Dạ bẩm tiểu chủ, đức ông chỉ nói: – Đời ta chỉ hy vọng vào nó. Cuộc đời ta coi như đã vứt bỏ từ lâu rồi. Nếu không có nó, ta chắc không sống được tới ngày nay. Vậy mà…

– Vậy mà… sao? – Quốc Tuấn vội hỏi.

– Dạ bẩm, ngài chỉ nói tới đó rồi bỏ lửng.

– Sau đó, người còn nói gì nữa không?

– Dạ có! Người nói khẽ lắm, dường như chỉ vừa đủ cho chính người nghe thôi.

– Vậy chớ lão có nghe được không?

– Dạ được! Nếu không có vài chục năm hầu hạ đức ông thì lão nô này sao có thể nghe nổi.

– Vậy chứ thân phụ ta nói gì?

– Dạ! Dạ, người chỉ nói – Cương thường đảo lộn hết cả rồi. Thần tối dạ không hiểu, bèn hỏi – “Bẩm đức ông, cương thường đảo lộn là cái gì ạ?”.

Đức ông cau vừng trán, một lúc lâu sau ngài đuổi hết tả hữu ra, và chỉ để có một mình lão nô này ở lại trong phòng, ngài bèn nói với cung cách vừa đau khổ, vừa khó chịu vừa day dứt nữa.

– Là cái gì à? Ngài nhắc lại hết sức bình thản: – Là cái loạn luân, là chị em con chú con bác lấy nhau; là chị lấy em; là em cướp vợ anh; là cháu lấy cô. Nói đến đây đức ông ngất đi. Lúc tỉnh dậy ngài hỏi ngay kẻ hầu hạ này, giọng thều thào như giọng nói ma trơi: “Có thật em ta phải gọi ta bằng bố không? Ôi đau lòng quá lão bộc ơi! Ta ngượng với ngươi”.

– Vậy phụ thân ta còn nói gì nữa không?

– Dạ, từ bữa đó, ngài thôi hẳn không nói năng gì nữa.

Lại nói Hoài vương từ khi biết chắc chắn cuộc hôn nhân giữa con trai mình với chính cô em gái của mình tự nhiên khí uất cứ bốc lên ngùn ngụt. Đầu nặng như đeo một hòn đá tảng. Ngực tức khó thở. Miệng đắng ngắt. Cổ họng khô khốc mà không muốn ăn muốn uống gì. Chân tay buồn bực, bải hoải. Ông giận Quốc Tuấn tới mức có thể từ con được. Bởi ông đã để hết tâm lực vào việc nuôi dạy Quốc Tuấn thành tài. Và chàng chính là niềm hy vọng của ông, có thể nối chí ông mà rửa hận với Thái sư. Theo ông, chính Trần Thủ Độ, người chú họ đã gieo không biết bao nhiêu ngang trái không chỉ cho dòng họ mà còn áp đặt ý muốn ngông ngạo của ông ta cho cả vương triều. Chính ông chú chứ không phải ai khác đã triệt bỏ mọi con đường thăng tiến của ta, hủy diệt cả sự nghiệp của ta, và buộc ta phải lui về điền viên sống với một bầy gia nô khiến cuộc đời ta không hơn một tên điền tốt. Cuộc đời ta coi như vô dụng, chính vì thế ta mới kỳ vọng vào Quốc Tuấn để nối chí ta, rửa mối hận cho ta và lấy lại ngôi nước. Ấy thế mà nó lại vướng vào cái nghiệp quả tai ác này. Thôi thì nó lấy người trong họ cũng được, nhưng nó lại lấy chính đứa em gái của ta thì quả là cương thường đã ruỗng mục rồi. Vậy ta còn biết ăn nói thế nào với người trong nước đây. Cái họa này khơi mào từ Trần Thủ Độ, từ Trần Thị Dung – những kẻ là cô, là chú ta. Đồi bại tới mức ấy mà dám nhận mình là quốc mẫu, quốc phụ thật họ không còn biết liêm sỉ là gì nữa. Ôi, những kẻ như thế mà được tôn vinh thì ở đời này cái đức đã bị vùi chôn vào nơi nhơ bẩn rồi.

Hoài vương cứ mắc vướng mãi vào cái vòng luẩn quẩn hận thù và quyền lực, nên bệnh ngài ngày một trầm trọng bởi khí uất kết tụ do cái tâm tạo ra, nên không thầy nào chữa được, thuốc nào trị được. Có lúc ngài đã muốn sống, muốn dìu dắt Quốc Tuấn đạt được những điều ngài dự nghĩ nhưng không còn đủ trí lực để làm. Do không tự hóa giải được mọi hiềm khích nên bệnh ngài ngày càng trầm trọng.

Hết trách con, trách vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ ngài lại trách Trưởng Công chúa[3] và nhà vua, tức là trách chị và trách em mình. Rằng nếu như từ khi Quốc Tuấn về kinh sư, công chúa Thụy Bà nhận nó làm con nuôi mà nghiêm huấn nó chứ không nuông chiều nó thì đâu đến nỗi. Vả khi Thiên Thành lui tới, trai gái đầu mày cuối mắt sao Thụy Bà không biết mà sớm cản ngăn đi. Lại nữa nhà vua, khi việc xảy ra như vậy, lẽ ra phải nghiêm trị Quốc Tuấn, trả Thiên Thành về cho nhà Nhân Đạo vương. Việc cần làm thì không làm, lại sai Trần Bất Cập đi thương thảo rồi cắt cả hai ngàn khoảnh ruộng quốc điền trả cho nhà Nhân Đạo vương và cho hai đứa mà đầu óc chúng đang u mê vì đắm say dục lạc để chúng được lấy nhau. Ôi gia đạo! Ôi vương đạo của vương triều này, chẳng biết nó sẽ dẫn dắt dân nước đi vào đường quanh ngõ cụt nào đây!

Suy tư bấn loạn, sức lực suy kiệt, Hoài vương thực tình nghĩ đến cái chết chứ ông không muốn sống nữa. Bởi nếu như ông xả bỏ được hết thảy như người con trai lớn của ông, đó là Trần Quốc Trung quanh năm vui thú với đạo thiền, khai mở chân tâm, chắc là ông sẽ sống vui, sống khỏe bởi ông mới bốn mươi mốt tuổi, sức lực còn sung mãn. Vậy mà ông đã suy sụp, ông nằm dính xuống mặt sập, mặt tái mét, người gầy đét, tóc bạc trắng, hơi thở nặng nề thoi thóp. Nom thân xác ông tựa như một đống dọc mùng héo quắt và gương mặt bạc nhược vô hồn. Có ai ngờ mười bốn năm trước, chính con người này đã dấy một vạn binh họp ở sông Cái định đánh úp Thăng Long, lấy lại ngôi vua, bắt Trần Thủ Độ trị tội nhân việc vương bị cướp vợ và…, nhà vua bỏ lên Yên Tử, Thái sư cũng tìm lên đó ép vua phải quay về.

Việc tưởng như thành tựu đến mười mươi, ai dè ông chú quỷ quyệt. Sự ra khỏi Thăng Long của ông chính là ông gài bẫy mà ta chưa lường tới. Chuyến ấy nếu Thái tông không đứng ra che chắn, chắc là ông chú đã chém bay đầu ta. Hoài vương cứ hồi tưởng triền miên về quá vãng và nhớ rất sâu sắc về những điều bực giận, những nỗi niềm cay đắng nên tâm trạng càng u uất tới mức không gì gỡ bỏ được, không gì hóa giải được.

Hoài vương lâm trọng bệnh, tin về tới Thăng Long, Thái sư Trần Thủ Độ sai thủ hạ về thăm, vương khiến gia nhân đuổi đi, không tiếp.

Người được sai bảo về tâu lại, Trần Thủ Độ mỉm cười. Và có vẻ như là một sự ân hận, ông nói:

“Vậy là Hoài vương Liễu vẫn giận ta. Quả thật tình thế lúc ấy buộc ta phải xử sự như vậy, nhưng hơi quá tay”.

Thái sư vào hậu điện đem chuyện sai người về thăm vương Liễu bị ốm, Liễu đuổi đi không tiếp nói với nhà vua. Rồi ông khuyên vua:

– Bệ hạ nên về thăm Hoài vương, ta nghe nói Liễu ốm nặng mà không chịu uống thuốc.

– Liệu chú có thể về thăm Hoài vương được không? – Vua Thái tông hỏi.

Trần Thủ Độ cười như mếu:

– Bệ hạ thừa biết, Liễu còn giận thần lắm. Bây giờ thấy mặt thần, bệnh Liễu càng thêm nặng. Bệ hạ nên về thăm vương, đem tình cốt nhục ra mà hóa giải họa may bệnh Liễu có lui được chăng?

– Được, cháu sẽ về ấp An Sinh, nhưng chưa thể đi ngay được. Cháu đang muốn bàn với chú chuyện nam thùy.

– Lại chuyện quân Chiêm quấy phá ven biển châu Hoan, rục rịch đòi đất ba châu mà Chế Củ đã dâng cho Lý Thánh tông để chuộc mạng chứ gì.

– Vâng, đúng là chuyện đó, chắc là cháu phải thân chinh phạt Chiêm để giữ yên mặt nam còn lo rảnh tay đối phó mặt bắc.

– Bệ hạ nghĩ thế là đúng. Nhưng đánh Chiêm Thành chưa cần bệ hạ phải ra tay, việc đó cứ để chú lo. Chỉ xin bệ hạ cho hai vạn binh là chú có thể đánh dốc tới kinh đô Trà Bàn, bắt Bố-da-la là vua nước nó về để bệ hạ trị tội; biết đâu nước Chiêm Thành lại một lần nữa đem đất chuộc vua như thời Lý Thánh tông bắt Chế Củ.

Vua Thái tông vội xua tay:

– Không được! Không được! Thưa chú, vì nghiệp lớn của họ Trần chú đã suốt đời vất vả, bao phen chinh chiến vào sinh ra tử mới có được ngày nay, bây giờ tuổi đã cao, chú cần phải được hưởng nhàn, cháu là thân trai tráng, bình Chiêm là việc nhỏ, chú cứ để cháu lo.

Suy nghĩ giây lâu, vua Thái tông lại hỏi:

– Thưa chú, cháu vẫn ngại nhất là phía bắc thùy. Dạ, đám vua tôi nhà nam Tống thì chẳng có gì phải lo.

– Chắc bệ hạ lo về đám quân Mông – Thát[4] đang rình đánh nước Đại Lý?

Thát-đát đã diệt xong nhà Kim từ năm Giáp Ngọ (1234) nay dồn ép nhà Tống ở mặt bắc. Hiện, người của ta từ Lâm An và từ Đại Lý tin về rằng Mông-kha[5] (Möngkä) đang dự liệu cho Hốt-tất-liệt[6] và Ngột-lương-hợp-thai[7] thôn tính nước Đại Lý. Nếu lấy xong Đại Lý chắc quân kia sẽ tràn sang đánh ta, rồi lấy đất ta đánh Tống từ hai mặt nam, bắc. Việc đó bệ hạ và thần đã chẳng tính đến rồi sao.

– Thưa chú đành rằng vậy, nhưng xem ra binh lực của ta còn mỏng lắm mà quân Mông – Thát như một thứ hung thần, đánh đâu thắng đó, dưới gầm trời này chưa một nước nào chống cự được với nó.

– Biết kẻ cướp mạnh thì mình phải lo rào giậu biên thùy cho kín đáo, phên giậu phải bao bọc nhiều lớp, quân giữ nhà phải đông đúc, tinh khỏe, khí giới phải bén nhọn, tinh thần binh sĩ phải hăng hái, trên dưới một lòng.

Ngừng lời giây lát, Thái sư lại tiếp:

– Tâu bệ hạ, nhưng điều quan yếu nhất là phải thắng được nỗi sợ hãi, phải xác quyết rằng dù kẻ kia có mạnh đến mấy cũng chỉ là lũ kẻ cướp, lý đương nhiên giặc cướp đến nhà là phải đánh đuổi nó để giữ nhà mình, giữ sự an ổn cho người thân của mình, cho dân mình, cho nước mình, nếu trên từ bệ hạ dưới là quần thần tới tận binh sĩ và từng người dân đều đồng lòng như vậy thì không một kẻ cướp nào, không một kẻ xâm lăng nào là không bị đánh bại, cho dù nó có là quân Mông – Thát đi nữa. Nói thật với bệ hạ, khi nhà Trần ta mới khởi nghiệp phải kình chống với mấy thế lực, họ hùng hậu hơn mình nhiều lắm, nếu không cơ mưu, không cương dũng thì mạng sống của mình cũng không giữ nổi nói chi đến sự nghiệp, đến đế nghiệp.

Những điều Thái sư vừa nói tựa như một làn gió thổi bùng ý chí quật cường của vị vua trẻ. Với vẻ khoái hoạt, vua hỏi:

– Thưa, cứ như ý chú thì sức mạnh và lòng cương dũng chính là bảo bối thắng giặc.

– Tâu bệ hạ, đúng như vậy.

– Chú thử nói rõ làm thế nào để ta có được bảo bối ấy?

– Dễ thôi mà, thần dâng bệ hạ chỉ có bốn chữ thôi. Đó là DƯỠNG DÂN, RÈN QUÂN, song thực hiện được bốn chữ đó lại không phải là chuyện dễ đâu.

– Vậy ta phải làm gì đây thưa chú?

Trần Thủ Độ cười thật là cởi mở, tay ông nhặt trên nắp cơi một khẩu trầu bỏ vào miệng nhai, lại cầm chiếc quạt lông chim phe phẩy – Mới đầu hạ mà trời đã nực, năm nay chắc mưa sớm, Thái sư nói và dường như ông không để ý đến lời nhà vua vừa hỏi.

Vua Thái tông cầm chiếc dùi chuông nhỏ xíu toan gõ chuông gọi đám nữ tì đến hầu quạt.

Thái sư vội ngăn lại:

– Ấy đừng, bệ hạ không nên cho ai vào cung cả, trong khi thần và bệ hạ đang bàn việc nước. Giặc tuy còn ở xa, nhưng tay chân, tai mắt chúng rải khắp nơi, chi bằng ta cứ phòng bị cho thật nghiêm cẩn là hơn. Bây giờ thần xin nói điều bệ hạ vừa hỏi. – Phải làm gì à? Thì bệ hạ chẳng đã và đang làm bao việc trọng đại và cần kíp đấy ư. Từ khi bệ hạ phương trưởng, tự mình nắm quyền đại chính, vào năm Đinh Mùi (1247) bệ hạ đã cho thi tuyển người tài để đưa vào nắm giữ các cơ quan then máy của quốc gia. Chính bệ hạ xuống chiếu lấy tam khôi từ khoa Đinh Mùi. Khoa ấy ba vị tam khôi đều là các thần đồng từ mười ba đến mười bảy tuổi đã làm cả triều đình kinh ngạc. Xong việc học hành thi cử, tuyển bổ, bệ hạ lại cho sửa sang hình luật, từ đó việc hình án từ tố tụng đến xét xử đều theo một trình tự minh bạch, khiến người dân trong nước an lòng do việc xét xử đúng người đúng tội. Dù người mắc tội giàu có đến đâu, quyền thế đến đâu cũng không thoát được lưới của pháp luật. Chính vì sự thượng tôn pháp luật ấy mà dân càng tin vào triều đình, tin vào đấng chăn dân. Đấy là các việc lớn của một triều đại mà bệ hạ đã làm, sao còn phải hỏi làm gì nữa. Tuy nhiên còn một việc cực lớn nữa bệ hạ đã cho làm, nhưng thần chắc bệ hạ cũng không ngờ là việc vô tiền khoáng hậu. Ấy là năm Mậu Thân (1248) cách đây vừa đúng ba năm, bệ hạ sai các lộ đắp đê đỉnh nhĩ từ đầu nguồn đến tận biển để phòng chống lụt, bảo vệ mùa màng. Việc ấy chắc phải vài năm nữa mới hoàn tất được. Đê điều mà vững chắc vừa chống được lụt vừa ngăn được mặn. Việc này mà thành tựu thì biến ruộng đồng từ một vụ thành hai vụ, dân gian sẽ trở nên no ấm, tránh được nạn đói, nạn giáp hạt, nước cũng do đấy mà giàu thịnh. Dân sẽ biết ơn bệ hạ đến muôn đời. Thần có đi kiểm sát việc đắp đê thấy bệ hạ chu đáo quá, thương dân quá. Vì rằng nếu chân đê ăn vào ruộng dân, hoặc phải lấy đất từ ruộng dân vật lên đê khiến các ruộng ấy trở thành các thùng đấu không cày cấy được nữa thì thảy đều lấy ruộng quốc điền ra bồi hoàn không thiếu một tấc, hoặc ai muốn lấy tiền thì trả theo đúng giá ruộng đất trong vùng. Bởi vậy lòng dân hỉ hả lắm, vợ chồng, con cái thay nhau đi đắp đê, chỉ được một ngày hai bữa cơm ăn chứ không có một đồng công đồng thưởng nào mà vẫn cứ vui vẻ.

Thái sư ngừng lời. Một lát ông lại tiếp: – Các điều căn cốt của việc trị nước an dân bệ hạ đã làm được cả, sao bệ hạ còn hỏi phải làm gì nữa.

Nghe những điều thái sư nói về các việc mà triều đình đã làm, nhà vua cảm thấy đều đúng cả, đều có lý cả, nhưng trong sâu kín tâm tư vua Thái tông vẫn mơ hồ cảm nhận như có một điều gì bất an, tựa như linh giác thầm mách cho ngài biết rằng sắp có một tai họa gì đây sẽ giáng xuống đất nước. Nghĩ vậy, nhà vua liền bày tỏ:

– Cháu mơ hồ cảm thấy như nước mình sắp có giặc giã từ ngoài vào xâm lấn, cho nên chú phải giúp cháu vực thế quân lên kẻo khi họa đến, ta trở tay không kịp, vả lại cũng đúng như ý chú vừa răn là phải “Dưỡng dân, rèn quân”.

Chiêu xong một ngụm nước, Thái sư Trần Thủ Độ chậm rãi:

– Việc rèn quân, bệ hạ cũng đã làm được nhiều rồi đấy, ví như năm Tân Sửu (1241) bệ hạ đã tinh tuyển những người am hiểu võ nghệ, có sức khỏe, có lòng dũng cảm sung làm quân túc vệ Thượng đô. Và hiện nay bệ hạ đang mở rộng quy mô Giảng Võ đường, để đào tạo người tài cho nắm giữ các đô quân, các sắc quân. Việc làm ấy là căn bản. Mạn bắc thùy, nhà nam Tống đúng là nó đang rệu rã, yếu hèn, nhưng vẫn cứ ra vẻ ta đây, dung dưỡng cho đám tay chân thỉnh thoảng lại lấn qua biên ải làm một vài vụ cướp của và đốt một vài nóc nhà, để nạt dọa dân ta rồi lại cuốn chạy. Cho nên cũng năm Tân Sửu bệ hạ đã làm một cuộc tảo thanh đánh dốc sang các trại biên quân của nhà Tống bằng đường bộ, rồi lại dùng đường thủy qua các châu Khâm, Liêm rồi đem quân về. Quân Tống thẩy đều chạy trốn mà không hề có sự chống cự nào. Cuộc tảo thanh của bệ hạ sang đất Tống năm Tân Sửu cũng na ná như cuộc phạt Tống của Lý Thường Kiệt năm Ất Mão (1075). Thế rồi năm sau bệ hạ lại sai tướng Khuê Kình đem quân lưu trấn vùng bắc thùy, nhân quân Tống kéo nhau sang ăn cướp. Trần Khuê Kình không chỉ tiêu diệt sạch mà còn truy đánh dốc sang tận Bằng Tường. Từ ấy tới nay kể đã dư mười năm, bắc thùy yên ổn, quân Tống không dám nhúc nhích nhòm ngó núi sông ta.

Hiện nay bệ hạ linh cảm như đất nước sắp có tai họa, sắp có xâm lăng. Việc đó quả là có lý đấy. Nếu có họa xâm lăng, ắt chỉ có quân Thát-đát Mông Cổ thôi chứ không phải quân Tống. Quân Thát-đát đúng là thiện chiến và hiện dưới gầm trời này chúng chưa có địch thủ. Tuy vậy không phải chúng cứ muốn làm gì cũng được đâu. Ví như năm Giáp Ngọ (1234) Oa-khoát-đài nối ngôi cha là Thành-cát-tư-hãn đã diệt xong nhà Kim, thế mà suốt mười bảy năm đã nuốt trôi nhà nam Tống rệu rã yếu hèn đâu.

Thái tông vui hẳn lên, giọng nói nhà vua đầy phấn khích:

– Quả đúng như chú nói, nếu quân Mông Cổ có sức mạnh trùm sông núi, sao mười bảy năm qua vẫn chưa khuất phục nổi Trung Nguyên. Thật ra đánh bọn quân Mông Cổ xâm lược chỉ thuần có nghĩa quân thôi, triều đình của Tống Lý tông chỉ làm mỗi một việc là cắt đất cầu hòa với quân Mông Cổ và ngăn cản nghĩa quân không được đánh giặc. Nhưng theo chú thì binh lực của ta hiện nay đã đủ sức cản giặc chưa? Cái lo của cháu là ở chỗ đó.

– Chưa! Quân ta hiện chưa đủ sức cản giặc. Thái sư Trần Thủ Độ nói một lời dứt khoát khiến vua Thái tông lạnh cả sống lưng. Nhà vua tưởng như mình nghe nhầm, như không phải lời nói của một bậc trí dũng đã tạo dựng lên vương triều này.

Lấy lại sự bình tâm nhà vua hỏi tiếp:

– Cháu không hiểu ý chú. Chú vừa nói thì quân Mông Cổ chẳng có gì đáng sợ, vật lộn với một nhà nam Tống bạc nhược suốt mười bảy năm qua vẫn cứ ì ạch, thế mà chú lại bảo quân ta chưa đủ sức cản giặc là thế nào? Nếu giặc Mông – Thát tới, ta phải đầu hàng chăng?

Trần Thủ Độ cười xòa:

– Bệ hạ hiểu sai ý thần rồi. Mông – Thát vẫn là đội quân đáng gờm, muốn cản được nó, muốn thắng nó, ta còn nhiều việc phải làm, mà việc gì cũng phải rất gấp. Phải lo như ngày mai giặc sẽ khởi sự thì mới kịp.

– Thưa chú, cháu đang muốn nghe ý chú.

Trần Thủ Độ chậm rãi:

– Bệ hạ phải lo kiểm kê đinh tráng trong độ tuổi sung quân ngay. Phải lấy điền binh sung vào quân thường binh chính ngạch cho quân số tăng lên gấp đôi hiện nay. Sức mạnh của quân Mông – Thát là ở kỵ đội, nó nhanh mạnh và xuất quỷ nhập thần lắm. Ta phải hết sức tránh cái sở trường của giặc. Không, tượng binh của ta với dăm chục thớt voi cồng kềnh, di chuyển chậm chạp không địch lại được với kỵ đội của chúng đâu. Phải đánh bằng quân phục, phải chia mỏng chúng ra mà đánh, phải lôi chúng xuống sông nước mà đánh, bởi thủy chiến là thế mạnh, là sở trường của quân ta.

– Nhưng nếu giặc đánh ta vào mùa đông, nước sông đều xuống thấp, đường sá khô ráo rất thuận tiện cho kỵ đội chúng xông xáo thì làm thế nào, – vua hỏi cắt ngang.

– Thuật đánh giặc thì bệ hạ khỏi lo, mùa nào có cách đánh của mùa đó. Bệ hạ chẳng thấy nước ta rừng rú dày đặc, chỗ nào cũng là rừng cây cả. Ngay đồng bằng cũng xen kẽ rừng rậm chi chít chớ đâu phải thảo nguyên để giặc có thể dùng sở trường của nó. Có nhẽ thuật đánh giặc, ta sẽ bàn sau. Bây giờ phải tìm cách hưng thế quân, thế nước lên.

– Làm cách nào để hưng thế nước, thế quân?

– Bệ hạ cho đắp đê phòng lụt, ngăn mặn là việc làm căn cốt nhất. Nhưng để người dân thật sự biết ơn triều đình, vì triều đình mà chung lo việc nước thì bệ hạ phải cho dân có chút quyền lợi.

– Vậy chớ việc đắp đê đó chú bảo không vì lợi quyền của người dân sao?

– Đành rằng vậy, nhưng bệ hạ nên biết số đông nông phu hiện nay không có ruộng, nếu họ không cấy rẽ thì cũng phải đi ở mướn cho các điền chủ. Vì vậy nguồn lợi do bệ hạ trị thủy đem về trước hết cho đám điền chủ.

– Theo chú, vậy triều đình phải làm gì?

– Thần đã có dự nghĩ nhưng chưa có dịp tâu với bệ hạ. Hiện nay điền chủ chiếm quá nhiều ruộng đất. Triều đình phải hạn giới việc chiếm hữu chỉ được phép tới mức nào; quá giới hạn đó nhà nước sẽ mua lại. Số quốc điền trong hương ấp hiện nay cũng rất nhiều. Sao bệ hạ không chia cho nhân đinh ở mức tối thiểu nào đó, rồi cũng bán bớt quốc điền cho người nông phu, nhà nào nghèo quá thì bán chịu. Lại nữa, khuyến cáo ai có sức khai phá rừng kiệt, đất hoang, bãi bồi sẽ tha tô thuế nhiều năm tùy theo công sức bỏ ra và cho làm chủ luôn đất ấy.

– Đúng! Chú nói đúng. Việc giản dị thế sao mà cháu không nghĩ ra. Đúng là phải hữu sản hóa cho dân thì nước có giặc họ sẽ không tiếc máu xương để giữ nước, bởi giữ nước chính là giữ nhà, giữ tài sản của họ. Các việc chú nói phải cấp kỳ khai triển. Phủ thái sư khai triển. Chú cho trung thư sảnh đi đốc thúc các lộ làm ngay, nhưng trước hết phải có điệp văn trình tâu lên, triều đình sẽ nhân đó mà xuống chiếu. Lại còn việc sửa soạn binh khí, quân lương, luyện quân, cả việc tăng quân cho vùng biên thùy nơi giáp giới nước Đại Lý, biết bao là việc mà việc nào cũng gấp cả.

– Bệ hạ phải bình tâm, phải giữ thế nhân chủ, tuy coi giặc có thể phạm cõi bờ ta từ ngày mai, nhưng vẫn cứ phải bình thản như không có gì xảy ra cả. Nếu không sẽ rối. Việc biên ải thần đã cử Khuê Kình đem theo một ngàn quân lên đó rồi. Kình cũng làm chuyện vỗ về các tù trưởng trên đó làm phên giậu che chắn cho triều đình. Kể cả việc cấp thêm lương thảo và tiền bạc cho họ, thần cũng lo rồi. Duy có việc phạt Chiêm thì phải làm sớm đi để rảnh tay lo mặt bắc. Việc ấy bệ hạ cứ để thần đem vài vạn quân vào Chiêm là xong.

– Không được, việc nội trị quan yếu lắm, chú phải ở nhà giúp cháu, kể cả các việc vừa bàn chú cũng phải làm ngay. Cháu sẽ tự thu xếp chuyện nam chinh.

– Bệ hạ đã nói vậy, thần xin tuân chỉ.

Lại nói về chuyện Quốc Tuấn, Thiên Thành về ấp An Sinh thấy cha buồn phiền ốm đau về chuyện hôn nhân của mình khiến chàng cũng bứt rứt. Chàng không ân hận về chuyện hôn nhân, nhưng quả thật thương cha đến se thắt lòng dạ. Sao Quốc Tuấn không biết chàng là niềm kiêu hãnh của cha mình. Thế mà bây giờ đến nỗi cha giận không cho gặp mặt, không thèm nhìn mặt. Chàng hẹn với lão bộc khi nào cha thiếp ngủ sẽ báo cho chàng vào túc trực bên cha. Nhìn thân thể cha hao gầy, mặt võ vàng hốc hác, hai hốc mắt trũng sâu, tóc, râu bạc trắng tự nhiên nước mắt chàng cứ nhểu ra chảy ướt cả hai gò má. Chàng thầm nghĩ: mẹ đã bỏ ta từ tấm bé, thân côi cút phải nhận cô làm mẹ, nay lại đến lượt cha đi nữa thì ta biết nương tựa vào ai. Chưa làm được điều gì báo hiếu mẹ cha lại để cha phiền lòng, đó là điều Quốc Tuấn khổ đau nhất. Nghe hơi thở cha nặng nề, đôi lúc lại nấc lên như người nghẹn, lão bộc giơ tay báo hiệu cho Quốc Tuấn ra ngoài để ông săn sóc lão gia. Quốc Tuấn lặng lẽ đi giật lùi ra cửa, nước mắt vẫn giàn giụa tràn mi.

Thấy sức cha ngày một kiệt, Quốc Tuấn nhất định không chịu ra khỏi phòng cha nữa, chàng cứ đứng đó nhìn cha chòng chọc, khi cha cựa mình thì chàng ngồi thụp xuống chân giường hoặc chui vào gậm giường.

Những hành vi của Quốc Tuấn kỳ thực không che được mắt Hoài vương Liễu. Có lúc ông đã toan quát đuổi Quốc Tuấn nhưng không đủ sức bật ra được thành lời nói. Nhưng thấy Quốc Tuấn rầu rĩ, lén vụng để được hầu hạ suốt ngày đêm không tỏ ra mệt mỏi, ông lại dấy lên lòng thương con. Hoài vương biết chắc con mình có tài vương bá; trong mấy người con trai, ông chỉ kỳ vọng ở Quốc Tuấn; còn như Quốc Trung thì chữ nghĩa đầy mình, đầu óc khoáng đạt nhưng chí của nó lại đặt vào cái chỗ vô tranh, chuyên chú vào việc tu tâm, xả bỏ hết thảy để cầu tìm sự giải thoát. Có lúc ông đã nghĩ Quốc Trung chỉ làm những việc hão huyền, vô bổ; có lúc ông lại cho sự nghiệp mà Quốc Trung theo đuổi là cao thượng, là kỳ vĩ, người thường không thể theo được.

Hoài vương cứ đắm mình vào trạng thái hư hư thực thực, đầu óc ông không khai thông được tức là không thoát ra được cái ranh giới của sự sống. Ông mơ hồ cảm thấy cái thời khắc của mình đã sắp đến. Sức ông cứ kiệt dần, người cứ lịm chìm trong một thứ ánh sáng đục mờ, dường như ông cố giương mắt ra nhìn mà chẳng thấy một vật gì ngoài cái màu trắng ma quái cứ ám ảnh, giăng mắc bủa vây ông đến hãi hùng.

Tới một hôm Hoài vương thấy người tỉnh táo, đầu óc nhẹ nhõm, ông đòi lão bộc nấu nước hương nhu lá bưởi cho ông tắm. Lại sai lấy áo mũ tước vương mặc cho ông. Các việc mặc áo, đội mũ ông cho Quốc Tuấn được phép hầu hạ. Ấy là trong lòng ông đã có sự tha thứ. Tựa vào chồng gối xếp có lão bộc nâng đỡ ở phía sau, ông chỉ Quốc Tuấn quỳ xuống, ráng lấy sức nói thong thả để khỏi có sự nhầm lẫn, chắc vương nghĩ vậy. Giọng vương cất lên yếu ớt, nhưng lời giối giăng thật rõ ràng: “Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”.

Vừa nói xong điều gan ruột vương gục xuống, chiếc mũ phốc đầu văng ra; vương đi xem chừng chưa được thanh thản. Lão bộc vội vàng đỡ vương. Quốc Tuấn thét một tiếng kinh hoàng: – Cha!