Chương 04

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Các việc đê điều, ruộng đất cho người nghèo đều đã làm xong, vua Thái tông coi như đã trả được một phần cái ơn tri ngộ của triều đình đối với người dân. Việc mở mang dân trí, kén hiền tài đã có hệ thống trường lớp từ hương thôn tới trấn, lộ. Và kinh sư thì mở rộng cửa nhà Quốc học viện đón người tài giỏi bốn phương về học. Và sắp tới lại mở đại khoa. Việc quân thì đã định xong các sắc quân. Quân mạnh nhất, tinh nhất thì có các đội Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần. Thân quân thì có các đội Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh, Củng thần đều lấy người của các lộ Long Hưng[12], Thiên Trường[13]. Ngoài ra còn các đội Tả thánh dực, Hữu thánh dực, Thần sách và Cấm vệ quân. Ngoại binh còn có quân của các vương hầu, du quân cùng các sắc Dược đồng đô, Sơn lão đô và Đoàn đội trạo nhi…

Mới đây nhà vua lại cho mở rộng quy mô Giảng Võ đường, sai Quốc Tuấn về trông nom bài bố các bãi tập, các trường bắn tập cho các sắc quân như quân bộ, quân kỵ, quân thủy và cả tượng binh nữa.

Quốc Tuấn tuy ít tuổi nhưng lầu thông binh pháp các nhà, mưu vương, tướng lược đã nhuần thấm vào óc não, vào tủy xương của viên tướng trẻ này rồi. Vì vậy không chỉ nhà vua mà cả thái sư Trần Thủ Độ cũng kỳ vọng nhiều nơi Quốc Tuấn.

Quốc Tuấn từ sau khi mất cha lòng trống vắng đến cô đơn. Thương cha bị xô vào nghịch cảnh suốt đời ôm hận. Những lời giăng giối của cha, Quốc Tuấn coi như là sự bi phẫn tích tụ lại suốt mấy chục năm, và cha nói ra cốt để giải tỏa nỗi ẩn ức trong đời hơn là một nghiêm huấn thiêng liêng. Chàng tự nghĩ, phải chôn chặt lời di huấn này trong đáy dạ, nếu hở ra, mệnh ta chắc cũng khó toàn. Vả lại nếu như ta đã đủ lông đủ cánh thì cũng không nên làm và không thể làm, bởi nó tổn thương đến tình cốt nhục. May thay, lời cha di huấn chỉ có ta và lão bộc được biết. Lão bộc tai nghễnh ngãng chẳng hiểu có nghe được lời cha nói phều phào thuần hơi trước lúc lâm chung. Ngay dù lão có nghe thấu cũng chẳng sao, bởi chưng với cha con ta, lão gắn bó dường như là một phần máu thịt. Vả lại lời di huấn ấy mà lộ ra thì không chỉ nguy hại cho ta mà ngay cả thái ấp An Sinh này cũng khó toàn, sinh mệnh lão cũng khó toàn. Vì vậy chính lão cũng phải giữ mồm giữ miệng.

Phòng điều bất trắc, nên trước khi về Thăng Long, Quốc Tuấn sai lão bộc đem cho mình mấy cuốn sách ra đình Tỵ huyên[14] để đọc. Nhân lúc vắng người Quốc Tuấn căn dặn mọi việc trong thái ấp vẫn giao cho lão quán xuyến cùng với mấy người quản gia. Sau đó chàng nói nhỏ vào tai lão những điều cần phải giữ kín. Thấy Quốc Tuấn căn dặn rất nghiêm cẩn, lão bộc ứa nước mắt, giọng run rẩy đáp: “Tiểu chủ cứ yên tâm về kinh sư phụng mệnh, mọi việc ở nhà kẻ nô bộc này xin chu tất như nhời dặn. Những điều cần giữ kín, nếu tiểu chủ không dạy, kẻ nô bộc này cũng phải biết mang theo nó xuống mồ chứ quyết không dám hở môi bép xép. Tiểu chủ, kẻ nô bộc này sẽ trung thành với tiểu chủ như đã trung thành với đức ông, trọn đời gắn bó với thái ấp An Sinh chứ quyết không đổi dạ”.

Quốc Tuấn về tới Thăng Long liền vào cung Cảnh Linh phục mệnh. Nhân gặp cả thái sư Trần Thủ Độ và các tướng Lê Tần, Trần Khuê Kình cũng đang bệ kiến.

Nhìn thấy Quốc Tuấn, nhà vua chợt nhớ đến Hoài vương Liễu. Và hình ảnh anh cả bơi chiếc thuyền nan giả làm người chăn vịt đến hàng. Ta tưởng như lừa được thái sư đi cứu anh mình. Ai dè Liễu vừa lao được lên thuyền ngự cũng là lúc thái sư vung kiếm lên toan chém đầu anh cả. Ta phải lấy thân mình ra chắn rồi đẩy anh vào trong khoang thuyền. Thất thế trở về thái ấp, ôm hận chờ thời. Ta rất tiếc huynh trưởng không kê cứu đạo nhất thừa[15] nên không hóa giải được, không xả bỏ được, tới nay thì anh thất lộc hưởng được bốn mươi tuổi trời. Thọ, yểu âu cũng là mệnh cả. Nhưng ta buồn vì anh cả phải ôm hận ra đi. Trong chuyện này trước sau ta không có lỗi. Ngay cả thái sư, cũng vậy thôi. Thời thế buộc chú ấy phải đi nước cờ đó để làm yên thế nước.

Tình cốt nhục khiến nhà vua không cầm được nước mắt, ngài ôm lấy hai bờ vai Quốc Tuấn bảo chàng ngồi xuống.

Quốc Tuấn chắp tay vái thái sư và cúi chào hai tướng Lê Tần, Trần Khuê Kình.

Mọi người đều chú mục nhìn Quốc Tuấn và đều có cảm nhận như Quốc Tuấn đã trở thành một người khác: điềm đạm, trầm tĩnh, sâu lắng chứ không sôi nổi như mấy năm trước.

Thái tông liền vỗ về an ủi:

– Huynh trưởng của ta chẳng may thất lộc khiến cháu phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua. Nhưng ta mất anh, cháu mất cha thì sự mất mát ấy không gì bù đắp được. Tuy vậy, cháu là đấng trượng phu, sinh ra trong trời đất phải có trách phận gánh vác sơn hà. Ta triệu cháu về để giao cháu một việc mà ta coi nó là chính yếu nhất của việc quân. Hiện ta đang cho mở rộng quy mô Giảng Võ đường, ta giao cho cháu giám sát việc này. Cháu quen thạo công việc của người làm tướng, lại thông hiểu các chủng quân. Vậy cháu phải xem các khu vực tập luyện của mỗi chủng quân như vậy đã hợp lý chưa. Lại các bãi tập bắn có được an toàn không. Khoảng cách giữa các kho lương, kho cỏ, kho khí giới với nơi đồn trú các chủng quân đang tập luyện đã đúng chuẩn mực chưa. Mọi việc tu chính, chỉnh sửa thế nào ta cho cháu toàn quyền. Phải hoàn thành sớm để đưa quân vào luyện cho có quy củ.

Nhà vua phủ lên toàn thân Quốc Tuấn một cái nhìn thân thương và tiếp: – Mọi sự đều phải gấp gáp lên, giặc không chờ ta đâu.

Thái sư Trần Thủ Độ cũng nói:

– Mới đây ta và hoàng thượng đều nhắc về cháu và đều kỳ vọng cháu sẽ là cột trụ của nước nhà. Thời cơ cho cháu lập công chắc không còn xa nữa đâu.

Quốc Tuấn vái đáp lễ nhà vua và Thái sư.

Vua Thái tông lại hỏi:

– Cháu muốn về với Trưởng công chúa hay muốn ở riêng? Nếu ở riêng ta sẽ dành cho cháu một cung.

Quốc Tuấn chắp tay vái nhà vua:

– Cháu xin được về ở với dưỡng mẫu[16].

Quốc Tuấn sụp lạy rồi ra khỏi cung Cảnh Linh về thẳng cung phủ của Thụy Bà.

Vua Thái tông cùng thái sư và hai tướng vừa bàn xong một số công việc, đoạn vua nói:

– Vài bữa nữa trẫm cùng hai tướng Lê Tần, Khuê Kình đi kinh dinh vài trấn, lộ xem việc binh bị thế nào. Sau đó sẽ đi kiểm xét vùng biên ải. Chắc là sẽ đi từ cửa Pha Lũy[17] đến cửa Phú Lịnh[18], mọi việc ở nhà thái sư đảm trách. Tuy vậy, việc trẫm đi kinh dinh phải giấu nhẹm kẻo tai mắt người Tống, người Thát-đát Mông Cổ không biết đâu mà lường được.

Chờ cho Trần Khuê Kình và Lê Tần ra khỏi cung, nhân lúc nhà vua còn dõi nhìn theo họ, Trần Thủ Độ kéo vạt áo nhà vua. Thái tông bèn quay lại. Trần Thủ Độ liền nói:

– Bữa trước bệ hạ có chiếu thăng Trần Nhật Hiệu làm Thái úy, thần không dám kháng mệnh.

Nhà vua lấy làm sửng sốt hỏi:

– Thưa chú, Thái úy Phạm Kính Ân đã mất tới cả năm rồi, chức Thái úy vẫn khuyết, cháu thăng cho Nhật Hiệu giữ chức đó. Vậy theo ý chú thì nên thế nào?

– Quyền uy tối thượng tất thảy đều trong tay bệ hạ, việc thăng bổ quan chức thế nào thần không dám can dự. Duy có chức Thái úy là lãnh nhiệm coi về việc quân mà Nhật Hiệu lại là kẻ nhút nhát bất tài. Thần chỉ băn khoăn khi xảy ra có giặc, Nhật Hiệu sẽ múa may thế nào. Thần mong rằng chức Thái úy của Nhật Hiệu cũng chỉ là một thứ hư hàm thôi chứ không có thực quyền, kiểu như trước đây ta đã trao cho Phạm Kính Ân từng là viên quan lớn của triều Lý. Nhật Hiệu hãy cứ lo lấy đội quân Tinh cương của y cũng là quá sức rồi.

– Đúng như ý chú, việc quân từ khi chú trao lại, cháu vẫn nắm giữ, sao có thể trao cho Nhật Hiệu được.

– Bệ hạ nói thế thì thần yên tâm, mong bệ hạ tha cho thần cái tội hước ngạo.

– Sao chú lại nói thế. Việc chú giám sát như vậy là vì chú đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, cháu biết chứ.

Trần Thủ Độ chào nhà vua ra về, lòng vui khấp khởi.

Hôm sau vào lúc nửa đêm vua Thái tông cùng hai tướng Khuê Kình, Lê Tần và một đô quân hổ bôn xuống thuyền. Sẩm chiều hôm sau nữa thuyền ghé bến đò Phượng Nhãn để vua và hai tướng cùng mấy tên quân hầu lên bờ thăm thiền sư chùa Vĩnh Nghiêm. Cả mấy người đều vận theo lối nhà sư. Quân vẫn ngủ lại thuyền.

Tới chùa mới biết vị thiền sư trụ trì đã vân du hoằng pháp.

Vua Thái tông buồn vì không gặp bạn, nhưng lại mừng thầm vì sự đạo được mở mang. Vua bảo quay lại thuyền, cho lính ăn uống xong, ngài sai chở thuyền sang sông, tức sang đất huyện Chí Linh.

Thuyền vừa ghé bờ, vua bảo mấy người ban nãy theo vua còn thuyền cứ đi thẳng ra An Bang: – Ngày mai đoàn của ta sẽ đi ngựa trạm về An Bang, bởi đi ngựa ta mới ghé được nhiều nơi.

Thấy hành trình không có gì nguy hiểm và mấy người theo vua, kể cả đám quân hầu đều là những cao thủ trong giới võ lâm nên Lê Tần và Khuê Kình liền nghe theo mà không có cản trở gì.

Trời tối, nhưng vào trung tuần may lại có ánh trăng nên việc nhận đường không khó khăn lắm. Đi được vài dặm, Khuê Kình lên tiếng:

– Tâu, bệ hạ có còn nhớ cái đêm cũng như đêm nay vua tôi lạc đường, bỗng nghe thấy tiếng chuông chùa, men theo tiếng chuông, ta tìm tới được chùa Giác Hạnh, thiền sư Giác Hải cho bữa cơm nguội, vua tôi ấm bụng, hôm sau mới tìm được đường lên Yên Tử.

Trời tối, không nhìn được gương mặt nhà vua có đổi sắc không. Một thoáng im lặng rồi vua nói:

– Mới đấy mà đã ngót hai chục năm rồi. Nghe Khuê Kình nói Yên Tử, ta lại nhớ quốc sư Viên Thông. Đã lâu ngài không về triều. Ta đã có lời triệu thỉnh ngài vẫn không chịu xuống núi.

Lê Tần mạnh dạn hỏi:

– Tâu, thần muốn biết bệ hạ dẫn lũ thần đi đâu trong đêm tối thế này. Giặc cướp thì chẳng sợ, nhưng đường rừng núi khó đi. Lũ thần không có gì đáng ngại, nhưng tấm thân muôn quý của bệ hạ cần phải được bảo trọng để dùng cho nước.

Trần Khuê Kình đế thêm:

– Tâu bệ hạ, Lê tướng quân nói đúng đấy ạ. Vì núi rừng âm u hổ lang nhan nhản chẳng biết đâu mà lường.

Thấy các người tòng sự có vẻ lo lắng, vua Thái tông liền trấn an:

– Ngày trước ta bỏ kinh thành đi chưa đến hai chục tuổi còn chẳng sợ lạc đường, nay đã gần bốn chục tuổi thì đường đã vạch sẵn ở trong đầu rồi, đi về nẻo nào cũng không sợ lạc, các khanh chớ ngại. Vả lại sức ta với sức các vị cũng có chênh gì lắm đâu.

Ngừng bặt giây lâu, vua lại phán:

– Để ta nói rõ nơi đến để các vị an tâm. Đêm nay ta muốn đến thăm thiền sư Đức Sơn ở am Thanh Phong để thỉnh giáo. Bởi ta thường nghe danh ngài là bậc cao tăng, nên từ lâu đã có sự ngưỡng mộ, nay qua đây tiện ghé thăm ngài để tham vấn. Từ đây tới am chắc chỉ hơn chục dặm đường thôi, nhưng càng vào sâu đường càng khó đi. Vả lại trời tối mà các vị lại chưa quen đường nên sẽ cảm thấy xa xôi lắm đấy.

Nghe nhà vua nói vậy mọi người đã bớt lo. Đi sát tướng Lê Tần, Trần Khuê Kình lân la hỏi chuyện bình Chiêm:

– Quân Chiêm kháng cự có ác không mà hoàng thượng và quân ta phải vất vả tới cả gần năm trời mới xong?

Lê Tần cười hô hố:

– Cái ác nhất là quân Chiêm bỏ chạy trước khi giao chiến. Vì vậy quân ta phải săn đuổi, phải chặn nó lại mà đánh. Bởi nếu không đánh tan được sức mạnh quân nó thì khi ta rút về rồi nó lại đem quân sang quấy nhiễu. Mất nhiều thời gian là ở chỗ tìm địch chứ không phải là sức địch mạnh đã làm cản trở bước tiến của quân ta.

– Kể cũng là một sự lạ – Trần Khuê Kình nói, tôi có cảm nhận như người Chiêm không tự lượng được sức mình, nên cứ hay gây hấn. Ngay từ thời nhà Lý cách đây tới mấy trăm năm đã thế chứ chẳng riêng bây giờ. Chỉ vì sự hồ đồ của vua Champa là Chế Củ (Rudravarman III) đã khiến ông ta thân bại danh liệt. Lý Thánh tông đem quân đánh dốc tới Trà Bàn, lính Chiêm chết ngổn ngang, vua Chiêm chạy mãi tậvn biên thùy Chân Lạp vào ẩn trong một hang núi tận rừng sâu, Lý Thường Kiệt truy đuổi bắt được giải về Thăng Long. Chế Củ phải cắt đất ba châu Địa Lý, Bố Chanh, Ma Linh dâng cho Đại Việt để chuộc mạng. Điều đáng buồn cho họ là không chịu rút ra từ lịch sử của chính dân tộc mình những bài học bổ ích.

Vua Thái tông nghe câu chuyện giữa hai tướng trao đi đổi lại, ngài lấy làm mừng vì họ đã có sức kiến giải của hàng trí tướng.

Thấy hai người yên lặng, nhà vua bèn lên tiếng:

– Điều Khuê Kình hỏi đó là điểm yếu cố hữu của mọi người, mọi quốc gia, nhất là những kẻ giàu, kẻ mạnh, kẻ quyền cao chất ngất, chúa tể một phương. Điểm yếu ấy chính là lòng tham – sân – si cho nên chúng không biết điểm dừng mà dân gian gọi nó là lòng tham không đáy. Nếu mỗi người biết rút ra những bài học cay đắng của chính mình, mỗi dân tộc biết rút ra từ bài học lịch sử của chính mình để loại bỏ điều dở, làm tiếp điều hay, điều thiện thì những người đó, những dân tộc đó đã đạt tới cõi giác. Khi con người ta đã đạt tới cõi giác cũng tức là từ bỏ được tham – sân – si.

Nhà vua hơi cao giọng:

– Nếu từ bỏ được tham – sân – si thời chẳng có triều đại nào phải sụp đổ, chẳng có dân tộc nào bị tiêu vong. Tiếc thay kẻ đã giàu lại muốn vơ vét để giàu hơn nữa, kẻ đã mạnh lại muốn mạnh hơn nữa hung hăng tự phụ cho mình là nhất thế gian có thể thay trời thống trị thiên hạ, và như vậy là nó đi thẳng một mạch tới chỗ diệt vong.

Tướng Lê Tần nghe những lời nhà vua chỉ dẫn thì lý hội ngay được tính minh triết của các mối quan hệ ứng xử trong nhân gian. Nghĩ vậy, Lê Tần bèn nói:

– Tâu, đúng như bệ hạ dụ bảo. Ở đời kẻ hơi có sức mạnh một chút đã tưởng như mình là mạnh nhất. Ví như truyện thế gian thường kể: Xưa có con thỏ đang tung tăng nhai cọng cỏ, nó có đụng đến cuộc sống của loài nào đâu. Thế mà con cáo từ đâu nhảy xổ ra nạt nộ: “Mày dám xâm phạm vào lãnh địa của tao”. Cáo bèn vật thỏ ra ăn thịt khiến thỏ chết mà không biết vì sao mình chết. Đánh hơi thấy mùi máu tanh, một con chó sói vội chạy lại đớp luôn vào yết hầu con cáo vật xuống ăn thịt liền. Một con hổ nằm rình mồi gần đấy thấy con thỏ và con cáo chẳng đủ cho một cái chép miệng nên không thèm để ý. Nhưng khi thấy con chó rừng lù lù ở trước mặt, hổ tự nhủ: “Con này tạm được đấy”. Thế là hổ vươn vai nhảy ba bước đã quắp được con chó sói về chỗ cũ nằm nhai ngấu nghiến.

Nghe xong câu chuyện, vua bảo:

– Trí tuệ dân gian thật là siêu việt. Đúng là ngoài trời lại có trời nữa, kẻ nào tự phụ kẻ ấy ắt bại vong. Đúng là ở đời tham thì thâm. Thế mà từ loài người đến loài vật chẳng loài nào rút ra được bài học từ chính mình.

Trần Khuê Kình tiếp lời vua:

– Tâu bệ hạ, loài vật chưa tiến hóa chẳng nói làm gì. Ta cứ xét việc nhà Tống đối với nước ta đây thì đủ biết. Ví như việc nhà Đinh mất, nhà Lê lên, Tống Thái tông tưởng thời cơ thôn tính Giao Chỉ đã đến, thế là năm Tân Tỵ (981) liền cử binh hùng tướng mạnh theo hai đường thủy bộ vào cướp nước ta. Hoàng đế Lê Hoàn đánh cho quân thù phơi xác trên ải lũy Chi Lăng, trên sông Bạch Đằng. Chém tướng giặc là Hầu Nhân Bảo trên ải Chi Lăng; các tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đều bị bắt đưa về Hoa Lư cầm tù.

Tưởng rằng Tống Thần tông sẽ rút được bài học của tổ phụ. Nhưng ông ta đã thông mưu với tể tướng Vương An Thạch quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Để giữ yên mặt bắc, Tống Thần tông cùng Vương An Thạch đã thỏa hiệp dâng cho nước Liêu bảy trăm dặm đất Hà Đông và ráo riết chuẩn bị xâm lăng Đại Việt, khiến năm Ất Mão (1075) Lý Thường Kiệt phải đem binh tảo thanh, phá hết các kho quân lương, khí giới và thành trì của các châu Ung, Khâm, Liêm rồi rút về an toàn. Vua tôi nhà Tống phải một phen kinh hoàng nhưng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu chiếm lấy nước ta. Vì vậy năm Bính Thìn (1076) lại cử binh hùng tướng mạnh, tức là vét đến tận lực tràn sang xâm lược nước ta. Bị Lý Thường Kiệt chặn lại ở bờ bắc sông Như Nguyệt, thua liền mấy trận, quân chết, lương thực cạn dần đang lâm vào thế bị tiêu diệt. Nhà Lý vốn hiếu hòa nên mở cho chúng đường thoái lui trong danh dự. Sau này người Tống viết sách nói: “Cũng may mà họ bàn hòa chứ quân ta lúc ấy không biết tiến thoái thế nào. Tuy vậy, quân đi mười phần đã chết mất đến bảy, tám phần”.

Tâu bệ hạ, đúng là lòng tham đã khiến các vua nhà Tống sâu hận đến mê mờ. Vương An Thạch tiếng là người tài, nhưng lại đem cái tài ấy phục vụ kẻ tham sân khiến thân bại danh liệt.

– Thế gian đều vậy cả, nước mất, nhà tan, vong thân diệt tộc đều dấy bởi tham – sân – si, nhà vua tặc lưỡi nói. – Cha con Thành-cát-tư-hãn đang làm nghiêng đổ cả gầm trời này cũng là do tham – sân cả đấy.

– Tâu bệ hạ, thần mới đi tuần kiểm trên cửa Phú Lịnh về thấy bên kia nước Đại Lý nhớn nhác lắm. Dân thì hoảng hốt không biết chạy đi đâu. Vua quan thì chỉ chờ quân Mông Cổ đến để đầu hàng.

Vua Thái tông thở dài. Lát sau ngài nói:

– Nước suy thì vua hèn. Vua quan hèn thì nước mất chứ người dân đâu có hèn. Nếu vua quan đều hùng tâm tráng khí thì dân lại là bức trường thành cản giặc.

Vua tôi vừa đi đường vừa nói chuyện nên quên cả trời tối mà đường rừng chỉ là những lối mòn, ánh trăng không thể xuyên lọt tán rừng. Chỉ nhận ra đường là nhờ ánh sáng lân tinh do cây, lá mục dọc đường đi.

Chợt nghe tiếng chuông, tiếng mõ nhịp theo lời tụng và rồi cả mùi trầm phảng phất, vua mừng lắm, ngài nói như reo:

– Thiền chủ có nhà rồi!

Mọi người vui hẳn lên cười nói thung thăng:

– Vậy mà lũ thần cứ nghĩ phải đi hết đêm.

– Thần còn sợ lạc đường nữa chứ. Chui vào rừng cứ như là chui vào hang, may còn có lân tinh để nhận đường.

– Bây giờ chắc khoảng giữa giờ hợi.

Dừng chân trước tam quan, vua nói với mọi người:

– Nơi đây trước chỉ là một chiếc am nhỏ, từ khi thiền sư Đức Sơn về trụ, thí chúng khắp nơi mến đức nên phát tâm cúng dường, sư xây cất được ngôi chùa khang trang tận nơi rừng sâu u tịch này. Nói xong vua dẫn cả đoàn người đi thẳng vào trai đường.

Thấy một đoàn thuần khách lạ lại xộc thẳng vào nhà tân khách, một tiểu tăng ra chào hỏi lễ phép, một tiểu tăng khác vội chạy lên chùa nói hối hả:

– Bạch thầy có nhiều khách lạ vừa tới chùa.

Vừa lúc thiền sư xong khóa lễ đêm, ngài nhẹ nhàng bảo chú tiểu:

– Con tắt nến, khép cửa tam bảo rồi hỏi xem khách có cần dùng bữa. Khách quen của ta đấy chẳng phải khách lạ đâu.

Các chú tiểu đã thắp ba cây đèn dầu, mỗi cây sáu ngọn bấc khiến ngôi khách đường sáng rực. Ngôi nhà khách không có tường vách, chỉ có các tấm dại ken nan tre nên từ ngoài thiền chủ đã nom thấp thoáng các vị khách. Nhưng lạ sao, tất cả đều vận đồ nhà sư mà cử chỉ lại lanh lợi như các võ tướng. Đang phân vân chưa biết các đạo hữu từ phương nào tới, thiền sư bỗng nhận ra vài gương mặt quen quen. Lúc này nhà vua cũng đã đưa mắt về phía thiền chủ.

Thiền sư vội bước lại gần vua và hai người cùng cúi đầu vái chào nhau. Các tướng Lê Tần, Trần Khuê Kình cũng chắp tay vái thiền sư, trong khi quân túc vệ lại giãn ra quanh chùa.

Thiền sư lên tiếng trước:

– Bệ hạ giá lâm mà không báo trước để bần tăng làm lễ cung nghinh. Nhưng sao bệ hạ lại đi vào giờ này. Núi rừng hiểm trở, đường sá quanh co, ban ngày ban mặt người trong vùng đi lại còn khó khăn thế mà bệ hạ tìm được bản tự trong đêm tối cũng là sự lạ.

Nhà vua cười nói xởi lởi:

– Cái tâm muốn đến, cái chân khắc biết tìm đường. Đã lâu đại sư không về triều, triệu thỉnh cũng không chịu về, vừa nhớ đại sư, vừa có việc cầu kiến nên phải lặn lội.

Thiền sư liền vái nhà vua và nói:

– Lão tăng vừa thất lễ vừa đắc tội với bệ hạ, mong được đại xá! Đại xá!

Sư vội mời nhà vua và hai tướng ngồi vào ghế tràng kỷ. Mấy tiểu tăng xăng xái rót nước nụ vối ủ trong ấm giỏ mời vua và mọi người.

Vua và thiền sư Đức Sơn ngồi đối diện qua chiếc bàn gỗ, hai tướng chắp tay đứng hầu. Thiền sư đã hai ba lần mời ngồi, các tướng vẫn cố cáo từ. Sư nói:

– Bần tăng kính chúa tại tâm. Vả lại trước cửa tam bảo không có sự phân biệt đối đãi, xin bệ hạ ban ý cho nhị vị đây cùng ngồi uống nước. Và xin hỏi, bệ hạ cùng các vị nếu chưa dùng cơm, nhà chùa xin được biện bữa cơm chay.

– Đa tạ đại sư, chúng tôi đã dùng cơm lúc sẩm chiều tại bến đò Phượng Nhãn. Vua nói.

– Chắc bệ hạ cùng quý vị có ghé chùa Vĩnh Nghiêm.

– Đúng vậy, trẫm cùng cả đoàn có vào chùa, nhưng đại sư đang vân du hoằng pháp.

Vua dụ bảo hai tướng:

– Khuê Kình, Lê Tần, đại sư đã có lời mời sao các khanh không chịu an tọa.

Các tướng vâng chỉ, lấy mỗi người một chiếc ghế đẩu ngồi về phía hai đầu tràng kỷ. Mỗi người dùng một bát nước vối rồi xin phép ra ngoài.

Tướng Lê Tần cắt đặt đám quân hộ giá canh gác nghiêm cẩn các lối ra vào chùa. Tướng Khuê Kình nhắc đám quân canh phòng và tuần tra:

– Các người không được phép vì giữ an ninh mà đóng cổng chùa. Cửa từ bi lúc nào cũng rộng mở, đó là đức lớn của nhà Phật, các chùa luôn nghiêm giữ.

Quân lính răm rắp nghe lời. Nhóm canh phòng, nhóm tuần tra, nhóm ngủ nghỉ thay phiên nhau.

Nước được vài tuần, thăm hỏi thân tình, chủ khách thật là tâm đắc. Trăng đã chếch về hướng tây dọi ánh sáng xanh nhạt vào khách đường, thiền sư vội giục:

– Khuya quá rồi, xin bệ hạ đi nghỉ để bảo toàn long thể.

Vua Thái tông vội xua tay:

– Trăng sáng, trời trong, cảnh thiền u nhã, trẫm cất công từ Thăng Long về để được diện kiến đại sư, được tham vấn bậc túc thiền chớ đâu phải đi tìm chỗ ngủ trọ qua đêm.

Thiền sư cảm động nói:

– Vậy còn long thể thì sao. Bệ hạ nên nhớ, tấm thân của bệ hạ bây giờ không còn là của riêng bệ hạ mà nó đã thuộc về muôn dân. Vì vậy nó được bảo trọng để dùng vào việc lợi lạc quần sinh.

– Những lời đại sư dạy, trẫm không dám bỏ đi lời nào. Nhưng trẫm tuổi còn trẻ, sức lực khang kiện, thức thâu đêm lắm việc, chỉ cần tọa thiền nửa canh giờ là tinh thần, sức lực lại hoàn nguyên như cũ. Vả lại việc nước bộn bề mà quân Mông – Thát đang dòm ngó núi sông ta. Trẫm phải thưa thật với đại sư rằng trẫm đi kinh dinh biên ải, kinh dinh các lộ xem việc quân, việc lương đã chu tất chưa, việc phòng bị biên cương đã ổn chưa, lòng dân đã yên chưa. Vì thế mới tiện đường ghé thăm đại sư, nhân thể cầu kiến.

– Thôi được, bệ hạ đã nói thế, tăng này còn biết nói sao nữa. Bệ hạ nói cầu kiến làm tăng này thêm ngượng. Bần tăng ở nơi góc rừng xó núi, bạn cùng cỏ cây muông thú, ăn thì rau rừng, rêu đá; ngoài những giờ kinh kệ ra thì vui với trăng sao, lắng lòng để cho cõi tâm tự tại hầu mong tìm về bến giác, lìa bỏ bờ mê, biết chi sự đời mà dám cao đàm khoát luận, xin bệ hạ lượng thứ cho.

Nhìn đại sư, nhà vua mỉm cười nói:

– Phàm các bậc minh sư, minh triết, các bậc thánh tăng thường ẩn mình nơi góc khuất để nhìn được xa, thấy được rộng, hiểu cái đã qua, thấu cái sắp tới, còn như ở chốn phồn hoa đô hội chen hích nhau chỉ thấy nhiều người, lắm lời thôi chứ thấy sao được sự đục trong nhân thế.

Biết không thể thoái thác được, thiền sư Đức Sơn liền mời nhà vua về liêu phòng[19] đàm đạo. An tọa xong sư nói:

– Tâu bệ hạ, khiêm cung không bằng thành thật, bây giờ chỉ có bốn chúng ta, bệ hạ cần sai bảo điều gì, tăng này xin phụng.

Nhà vua có vẻ ngơ ngác nhìn khắp thiền phòng chỉ thấy có hai người và một giá sách cao sát gót kèo, thế mà đại sư lại nói “bốn chúng ta” là cớ làm sao.

Biết ý nhà vua, thiền lão liền nói:

– Bệ hạ chẳng thấy ngoài sư này và bệ hạ ra còn có trời, có đất nữa sao?

Vua Thái tông cười lớn:

– Đại sư thấy chăng, trẫm vốn thân phàm, tâm tục nên chậm hiểu thế đấy.

– Vậy chớ bệ hạ muốn ban ý gì với lão tăng đây?

– Đại sư, nay mai nước mình chắc phải đương đầu với giặc dữ Mông – Thát. Trước khi vào việc lớn, trẫm muốn biết lòng dân đối với triều đình. Liệu khi đất nước lâm nguy, dân có cố kết cùng với triều đình kháng giặc? Điều lo mấu chốt của trẫm là ở chỗ đó, mà ta có giữ được nước hay không cũng là ở chỗ đó.

Đại sư vừa gần dân vừa có nhãn quan thấu thị nhìn xa thấy rộng, mong đại sư chỉ giáo, nếu triều đình có điều gì lầm lỡ, sớm tu chính may ra còn kịp.

Thấy nhà vua thực tâm cầu kiến, suy nghĩ giây lâu, đại sư nói:

– Tâu bệ hạ, sao bệ hạ còn phải hỏi về lòng dân nữa. Hãy cứ xem các việc bệ hạ đang làm và đã làm có phải vì dân không. Giảm bớt tô thuế, khoan nới hình án, đắp đê phòng lụt, ngăn mặn từ nguồn tới biển, cho khai hoang vỡ hóa miễn tô thuế dài dài lại cấp sổ địa bạ cho làm chủ đất ấy; mới đây lại bán ruộng quốc điền cho các điền phu không có ruộng đất. Ai không có tiền, nhà nước còn bán chịu cho trả dần.

Các việc ấy thử hỏi không vì dân còn vì ai nữa. Lòng bệ hạ thương dân nên lúc nào cũng đau đáu việc dân. Bệ hạ nên biết, người dân tuy ít học nhưng họ tinh lắm, thoáng một cái là họ biết ngay. Bởi các chính lệnh của bệ hạ ban ra có lợi hay có hại cho dân nước, chính là vị thuốc thử đó.

Thiền lão tôi có cảm nhận từ khi bệ hạ lên Yên Tử gặp Phù Vân quốc sư gần hai chục năm trước, và từ khi bệ hạ tự nắm quyền đại chính thì bệ hạ đã lấy cái tâm của thiên hạ làm tâm của mình, lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình. Vậy khi đã vì muôn dân mà hành hóa thì nước ấy là nước của dân chứ. Cứ như lúc này, kẻ nào chống lại bệ hạ là chống lại muôn dân. Dân nước sẽ xé xác kẻ làm loạn chứ chẳng cần đến binh lính của bệ hạ phải đánh dẹp. Lại như giặc ngoài vào cướp nước ta, cũng có nghĩa là nó cướp nước của dân đấy. Thế thì muôn người dân sẽ là muôn người lính sát cánh cùng quân triều đình kháng giặc, bệ hạ còn lo nỗi gì nào.

Ngừng lại giây lát, đại lão thiền sư lại tiếp:

– Nhưng nước sẽ mất, giặc đến là dân theo giặc nếu bệ hạ chỉ vun đắp lợi quyền cho hoàng gia và người trong tôn thất mà tô thuế nặng nề, phu phen tạp dịch liền tháng liền năm, nỗi thống khổ của người dân không biết kêu với ai, không biết trông cậy vào ai. Bởi bộ máy của bệ hạ từ hương ấp đến triều đình chỉ nhằm vào người dân mà vơ vét mà tróc nã. Nếu triều đình của bệ hạ đã tới mức ấy thì chẳng cứ gì người dân mà ngay cả binh lính cũng chạy theo giặc.

Vì sao vậy? Đại lão thiền sư nhìn thẳng vào gương mặt phúc hậu với đôi mắt đang hau háu lắng nghe của nhà vua, ngài nói tiếp:

– Vì nước ấy không còn là của dân nữa, bởi dân có được dự phần gì đâu. Nếu triều đình đã biến toàn dân thành một bầy nô bộc thì dân ấy chính là giặc đó, và triều đình lại là kẻ thù của dân đó.

Phúc thay, bệ hạ là đấng nhân quân, lấy cái lo của thiên hạ làm cái lo của mình, lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình. Vậy bệ hạ còn băn khoăn nỗi gì. Bần tăng nói điều này không phải là khách khí hoặc để lấy lòng bệ hạ đâu – rằng nếu chẳng may giặc Mông – Thát có tràn vào xâm lấn cõi bờ ta, lão tăng tuổi già sức yếu chẳng thể làm gì được, nhưng tăng sẽ hóa độ cho đinh tráng trong vùng sung quân, ngay các đệ tử, các tiểu tăng của bản tự cũng sung quân giữ nước. Bởi còn nước mới còn dân mà còn dân mới còn Đạo. Đạo Phật là đạo của mọi người, đạo của mọi nhà chớ đâu chỉ là đạo của mấy ông thầy chùa.

Như chợt nhớ ra điều gì, thiền sư vội hỏi:

– Bệ hạ, tăng này nghe nói hồi bệ hạ lên Yên Tử, thiền sư Phù Vân có khuyên bệ hạ nên để tâm thám cứu nội điển, chẳng hay việc đó thế nào?

Trong lòng hoan hỷ nên gương mặt nhà vua rạng rỡ, nhìn đại sư với vẻ biết ơn, vua nói:

– Bạch đại lão thiền sư, các việc trẫm làm đều phát xuất từ tấm lòng với người dân cả nước. Dự nghĩ xong lại đem ra bàn trước trăm quan, khi mọi điều đều êm thuận mới đem ra ban bố. Ấy thế mà đôi khi trẫm vẫn còn áy náy, không biết các quan bàn thật hay vì các quan chiều lòng trẫm. Ngay hỏi người dân trong những chuyến vi hành, trẫm vẫn chưa an tâm. Biết đâu đám nội nhân chẳng lừa mình bằng cách sắp xếp trước những nơi mình đi thăm, dù là đi bất chợt. Và chúng dẫn vào những vùng dân đã có bát ăn. Dù đi đến tận nơi thôn cùng xóm vắng, điều mắt thấy tai nghe đấy, vẫn chưa dám tin là thật. Bởi đám cận thần luôn đón ý và họ tìm mọi cách để làm hài lòng người trên. Do vậy, trẫm phải tìm đến các bậc đạo cao đức trọng, danh không màng, lợi không cầu, lòng ngay tâm thẳng để mong được chỉ giáo.

– Đâu dám! Đâu dám! – Thiền sư vội xua tay: – Bệ hạ hơi quá lời. Lão tăng ở chốn xó rừng hoang dã, có điều gì thất thố thô lậu xin đừng chấp với người già.

– Bạch, đại lão là bậc minh sư minh triết đã chỉ cho trẫm ngộ ra nhiều điều. Ban nãy đại sư có hỏi cách đây non hai chục năm trẫm lên Yên Tử. Hồi đó tuổi trẻ, nghĩ suy còn nông cạn lắm, chỉ muốn đi tu để trở thành Phật. Phù Vân quốc sư dạy rằng: “Trong núi không có Phật”. Rồi ngài chỉ vào người trẫm nói: “Phật ở đây này. Phật ở trong tâm ấy. Tâm giác ngộ chính là Phật đấy”.

Trước khi trẫm xuống núi, ngài còn khuyên: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nếu bệ hạ thực lòng hiếu Phật, thì không gì bằng lo cho hạnh phúc của bách tính, giảm nhẹ hình án, chăm lo công đức của mọi nhà mãi mãi sum xuê. Và nữa, sự tìm hiểu về nội điển, xin bệ hạ chớ nguôi quên”.

Chính những lời khai minh của quốc sư Phù Vân lại cũng là lời khai ngộ đối với trẫm. Kể từ khi quyền bính về tay, trẫm luôn dò tìm để biết ý muốn của dân, biết cái tâm của dân mà hành hóa, chớ đâu dám ỷ thế được ngồi trên đỉnh cao quyền lực mà làm theo ý muốn của riêng mình.

Còn việc sư dạy phải “tìm hiểu về nội điển” trẫm chưa bao giờ dám xao nhãng. Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm, cho nên ban đêm vẫn phải thức đến khuya để đọc sách. Phải học Nho để mà vào Phật. Cứ đọc rồi cũng vỡ ra, sáng ra. Tới nay trẫm cũng đã mạnh dạn viết được đôi ba tập về Phật sự, chẳng biết hay dở thế nào, có dịp sẽ mời đại sư nhã giám rồi còn chỉ bảo cho những chỗ nông cạn.

Đại sư lấy làm hoan hỷ, ngài tỏ ý vừa như khen vừa như kính phục:

– Bệ hạ ở ngôi cửu ngũ mà lòng vẫn hướng về đám lê dân. Lo công việc cho cả nước mà vẫn nhiếp tâm theo đạo Bồ Đề, học hành nội điển không phút lơ là mà vẫn dành được thời gian trước tác. Bệ hạ đã tu theo chính pháp, con đường đã chọn, cứ thế mà đi, sao còn phải cầu kiến.

Cuộc tham vấn của nhà vua vừa vãn thì cũng là lúc bình minh đã tỏ rạng. Đệ tử của thiền sư cũng vừa xong khóa lễ sớm.

Chia tay với đại sư Đức Sơn, cả đoàn lên ngựa trạm đi thẳng ra An Bang.

Khuất dạng nơi am thanh cảnh vắng lâu rồi mà hình ảnh thiền sư với ngôi am Thanh Phong vẫn cứ vấn vương trong đầu óc nhà vua. Trong đáy sâu tâm tư, không phải nhà vua không ao ước được thoát tục như thiền sư.

Và ít lâu sau, tại am Thanh Phong, thiền sư Đức Sơn nhận được bài thơ gởi tặng của nhà vua:

Phong dã tùng san nguyệt chiếu đình,

Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh.

Cá trung tư vị vô nhân thức,

Phó dự sơn tăng lạc đáo minh.[20]