Chương 09

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Qua hai lần cho sứ đi dụ hàng Đại Việt, chờ mãi không thấy hồi âm, chủ soái Ngột-lương-hợp-thai bèn triệu các tướng vào trong lều trướng thương nghị.

Ngoài các tướng của Mông Cổ, Ngột-lương-hợp-thai còn triệu cả Đoàn Hưng Trí cho được dự bàn.

Đoàn Hưng Trí nguyên là vua nước Đại Lý, sau khi bị người Mông Cổ đánh bại, đã nghe lời dụ ra hàng và quy thuận. Tới nay Đoàn Hưng Trí đã chiêu mộ được năm vạn quân gồm các dân man Thoán, Bặc đặt dưới quyền sai khiến của Ngột-lương-hợp-thai. Vì vậy, Trí được người Mông Cổ tin dùng.

Ngồi cạnh những tướng soái Mông Cổ lừng danh, Đoàn Hưng Trí cảm thấy mình chỉ là một kẻ bé mọn, lạc lõng. Nhưng nếu không núp bóng người Mông Cổ thì chẳng còn gì, kể cả tấm thân nhơ nhuốc.

Bắt đầu vào cuộc, Ngột-lương-hợp-thai nói:

– Đầu năm chúa thượng làm lễ tế cờ ở sông Khiếp Lỗ Liên, chia quân bốn mặt cùng tiến đánh nhà nam Tống. Đích thân chúa thượng đánh vào Hợp Châu và sai ta từ đây đánh vào Đại Việt để tập hậu quân Tống ở phía nam, rồi cùng hội quân với chủ tướng và chúa thượng ở Ngạc Châu. Ta muốn nhàn sức quân nên đã hai lần cho sứ đi dụ hàng Đại Việt. Tháng tám một sứ, tháng chín ta lại cử tiếp, nay đã sang tháng mười mà vẫn bặt tin tức là cớ làm sao. Vừa rồi chúa thượng sai sứ sang hỏi ta đã tiến binh đến đâu, ta cứ tình thực tâu về. Lại dò biết qua viên trung sứ thì quân Tống ở Ngạc Châu dám hỗn hào chống cự, nên đại binh còn vướng chân tại đó.

– Tại sao sứ đi không trở về? Ta muốn biết trước khi ta khởi binh. Ngột-lương-hợp-thai nhìn về phía Đoàn Hưng Trí gặng hỏi: – Hay là mấy kẻ dẫn đường lại không biết đường vào kinh đô Đại Việt đã đi lạc sang nẻo nào rồi?

Đoàn Hưng Trí tỏ ra bối rối, sau đó y nói:

– Tâu đại vương, những đứa thần sai đi đều là dân thương lái, chúng rành đường đi lối lại lắm. Đây chỉ có thể là người Đại Việt lập mưu giết sứ trên đường về.

– Thật vậy sao? Quân sâu bọ nào dám giết sứ của ta? Ngột-lương-hợp-thai nổi nóng bất thường khiến Đoàn Hưng Trí càng thêm rối trí.

Phò mã Hoài-đô (Qaidu) bèn lên tiếng:

– Đường từ đây tới Thăng Long kể hơn nghìn dặm, đường sá bất trắc, thời tiết bất thường, chưa lường được hết, thái sư hãy nán chờ xem sao, ta không tin Đại Việt dám cả gan giết sứ.

Triệt-triệt-đô (Cacakdu) cũng nói:

– Đại Việt nước nhỏ như cái bàn tay lại chỉ có một dúm người sao dám cưỡng mệnh.

– Nhưng ta không thể nán được nữa, chúa thượng vừa sai sứ đến giục tiến binh. Nhìn về phía vị tướng trẻ, Ngột-lương-hợp-thai hất hàm hỏi:

– A-truật (Aju) ý con thế nào?

Được cha hỏi, A-truật liền đáp:

– Thưa cha, nhà ta ba đời làm tướng, ơn trên sâu nặng, nay chúa thượng đang kỳ vọng nơi cha. Theo ý con, cha không nên chờ tin sứ nữa, cứ đem quân thẳng tới Thăng Long bắt lấy vua nó, chiếm lấy nước nó, việc dễ như trở bàn tay, sao cha còn phải nấn ná.

Thấy con trai nói “ba đời nhà ta làm tướng”, Ngột-lương-hợp-thai lấy làm hãnh diện. Bởi không chỉ là tướng thường mà còn là danh tướng bất hủ như tướng Tốc-bất-thai (Subutai) ông nội của A-truật đã từng theo Đại Hãn Thành-cát-tư-hãn (Jenjis Kan) đánh vào nước Nga-la-tư (nước Nga) từ năm Tân Tỵ (1221) đến năm Quý Mùi (1223). Sau đó lại được cùng đương kim chúa thượng tiến đánh Nga-la-tư một lần nữa vào các năm Ất Mùi (1235) và Bính Thân (1236) chinh phục hoàn toàn nước Nga-la-tư mênh mông và biến nó thành chư hầu của Mông Cổ, là thuộc quốc của Mông Cổ. Nay ta lại sắp nuốt chửng cả nước Trung Hoa mênh mông, thế mà nước Đại Việt chỉ bằng cái mắt muỗi kia lại dám kháng mệnh của chúa thượng ta sao. Nhà ta ba đời làm tướng, đại danh tướng, ơn chúa sâu dày, còn chờ gì nữa mà không làm cỏ Đại Việt. Nghĩ vậy, Ngột-lương-hợp-thai bèn nói:

– Các tướng hãy nghe lệnh đây: – Chuẩn bị năm ngàn quân kỵ, lương thực và cỏ ngựa đủ dùng trong sáu mươi ngày.

Quay về phía Đoàn Hưng Trí, Ngột-lương-hợp-thai nói:

– Ngài Ma-ha-la-sa[60] (Maharaja), ta đã tặng cho ngài tên đó. Vậy từ nay ngài phải coi mình là người Mông Cổ. Ngài có phận sự phải tận trung với nước mẹ Mông Cổ. Trong lần ra quân đánh Đại Việt này, trong số năm vạn quân Thoán-Bặc, ta cho ông tuyển lấy hai vạn cùng ta đi chinh phục. Ông phải tự lo lương thảo cho quân trong chín mươi ngày. Ông cần bao lâu để hoàn tất?

Đoàn Hưng Trí bối rối, bởi quân mới chiêu mộ, sao có thể đi trận ngay được. Hơn nữa lương thảo cho hai vạn quân với vài ngàn ngựa nữa đâu có thể kiếm ra trong mươi ngày được. Nhưng lại không được phép không tuân lệnh. Vì rằng ngài thái sư đây không nói hai lời, không cho phép người dưới quyền ngập ngừng khi nhận mệnh chứ đừng nói đến khước từ. Nghĩ vậy, Hưng Trí mạnh dạn nói:

– Về các điều thái sư nói, hạ cấp xin tuân mệnh. Quân có thể tập hợp trong mười ngày, lương thảo xin thái sư cho hai mươi ngày.

– Hai mươi ngày thì chậm mất của ta. Ngột-lương-hợp-thai hơi chau mày.

Phò mã Hoài-đô liền nói:

– Thái sư nên cho quân kỵ của ta dời xuống đóng tại A Mân[61] gần giáp biên thùy Đại Việt, vừa là nghe ngóng tình hình, vừa chờ Ma-ha-la-sa đưa quân tới sau. Vả lại từ đó ta có thể cho du binh vào thăm dò đất nó.

– Được! Ý của phò mã được đó. Ngột-lương-hợp-thai gật đầu. Lại nói: – Hôm nay là ngày cuối tháng mười, Triệt-triệt-đô lấy trước năm trăm quân kỵ tới A Mân lo chỗ đóng quân, mười ngày nữa ta cho đại quân qua, Ma-ha-la-sa phải đúng hẹn, nghe chưa.

Lại nói ở Thăng Long khi hai viên sứ thần Mông Cổ vừa được nhìn thấy nhau, chúng vội thét gọi nhau. Cũng là lúc người ta dẫn mỗi đứa đi về một phía. Từ đó, tinh thần chúng suy sụp hẳn. Thêm vào đó là hằng ngày vẫn phải ăn đói, bó gối ngồi trong gian phòng hẹp, có lính canh nghiêm cẩn. Và cái khổ của chúng là chỉ được ngửi các mùi xào nấu thơm đến thắt lòng, nhất là mùi rượu hâm nóng thơm đến cháy cổ họng, và cái bọn chết tiệt trong nhà công quán này nó ăn uống, nó cười, nó chạm chén chạm bát cứ lanh canh lách cách mà nó không đoái gì đến sứ của Đại Hãn. Lại hằng ngày chúng đem sữa ngựa đến uống ngay trước mặt ta. Ngửi thấy mùi sữa ngựa khiến ta chạnh nhớ thảo nguyên; nhớ đất mẹ bao la, đồng cỏ trải mênh mông tới tận chân trời và những đàn cừu xa trông như những đám mây trắng. Ôi, cái bọn quái quỷ này nó có phải là người không mà nó không biết sợ oai phong của Đại Hãn. Và nữa, nó sẽ cắt cổ mổ bụng ta lúc nào đây… Đại Hãn với binh uy rầm rập khắp gầm trời. Đánh Nga-la-tư sập đổ phải quy hàng. Đánh cả một triều đại nhà Kim và chôn vùi nó mất tiêu như ném một viên đá xuống bể bùn. Quân vừa kéo tới Đại Lý chưa kịp đánh, Đại Lý đã tan, vua nó phải quy hàng. Thế mà cái nước Đại Việt chỉ bằng chiếc bàn tay này, hai lần sứ đến đều bị nó tống giam. Sớm muộn nó cũng giết thôi. Hóa ra dưới gầm trời này vẫn có kẻ không sợ Đại Hãn và binh uy Mông Cổ.

Giữa lúc tinh thần sứ giả suy sụp, trạng nguyên Nguyễn Hiền tiếp riêng từng viên sứ. Thoạt đầu là cho chúng tắm nước lá thơm, cho mặc áo quần Đại Việt, và mời cơm thịnh soạn có rượu Thạch xương bồ hâm nóng, có thịt cừu và sữa ngựa cùng các đồ biển như tôm, cua, sò, ốc, hải sâm, bóng cá…

Nguyễn Hiền mời sứ ăn, hỏi chuyện gia đình vợ con, gợi lại tuổi thơ của sứ nhưng tuyệt nhiên không hỏi gì về cuộc đời chinh chiến của y cũng không hỏi sứ mệnh y vào Đại Việt làm gì. Cũng không đả động đến thái độ hống hách, vô lễ của sứ.

Cơm nước xong, Nguyễn Hiền dẫn sứ đi chơi ngoạn cảnh Thăng Long. Xem vườn hoa, cây cảnh, phố thị rồi dẫn y vào thăm chùa Nhất Trụ, chùa Sùng Khánh và tháp Báo Thiên, lại quành về thăm trường Quốc học viện, thăm Văn miếu thờ Khổng Tử. Đến đâu y cũng khen, nước ông đẹp quá, giàu quá, dân sống trong thanh bình yên ấm. Mặc cho y nói, Nguyễn Hiền cứ lặng thinh. Sau rốt ông lại đưa sứ vào nhà công quán, trao cho viên giám quản và bảo: “Lại nhốt nó vào chỗ cũ”.

Vừa trông thấy viên giám quản, sứ vội thét lên và chạy ra ôm lấy chân Nguyễn Hiền kêu cứu:

– Sao ông không hỏi chuyện ta đến đây làm gì. Ông tiếp ta như một thượng khách rồi lại giam ta như một tên tù sao. Ta sẵn sàng nói tất cả những gì các ông cần biết.

– Không cần ông nói, ta cũng biết cả rồi. Ông đến đây để lung lạc vua ta và chiêu hàng nước ta.

– Nhưng các ông đã được đọc điệp văn chiêu dụ của thái sư Ngột-lương-hợp-thai đâu?

– Không đọc nhưng ta biết rõ trong đó nói gì rồi.

– Vậy sao ông lại đối tốt với ta như vậy?

– Thông thường khách đến nước ta đều được đối xử rất trân trọng vì tục nước ta hiếu khách. Ta cho ông nếm thử phong tục nước ta để biết.

– Bây giờ ông lại định giam ta nữa sao, định giam sứ của Đại Hãn sao?

– Ông nhầm đấy, nước ta chỉ cầm bắt những kẻ ngạo mạn, coi thường dân ta, xúc phạm đến vua ta và phong tục nước ta, chứ chưa hề có chuyện giam sứ thần ngoại quốc.

Viên sứ giả trở nên biết điều, y nói:

– Quả thật ta không được biết nước ông lại ở vào tầng mức cao như thế này. Ta chỉ được chủ tướng sai đi và dặn bảo: “Phải tỏ rõ thiên uy cho các man quốc phải thần phục. Phải nạt nộ để vua nó sợ thì cả nước nó phải khiếp phục, khiến ta không đánh nó cũng phải quy thuận. Kẻ nào đi sứ mà làm nhụt nhuệ khí của Đại Hãn sẽ bị tội chém đầu”. Bởi vậy, ta chỉ làm những gì mà thái sư dạy bảo. Ai ngờ… Thôi được, ta cứ đưa tờ điệp văn này để ông về trình với quốc vương rồi thả cho ta về lại nước Đại Lý.

Nói xong y móc từ trong lằn áo nịt sát ngực, lôi ra một bao da trong đó có tờ điệp văn, đặt vào tay Nguyễn Hiền.

Nguyễn Hiền rụt tay lại và nói:

– Đúng ra ông phải quỳ xuống rồi hai tay nâng tờ điệp văn này trao cho quốc vương của ta. Đó là lễ luật của bang giao. Đằng này ông lại đòi quốc vương ta phải quỳ xuống để nhận điệp văn của một viên tướng của Mông-kha. Ông chỉ là một kẻ cưỡi ngựa bắn cung, còn ta là trạng nguyên, người giỏi chữ nhất của một nước tiếp ông, ông lại quay mặt đi. Các ông định đem nền văn hóa du mục áp đặt cho chúng ta, thật khó coi quá.

Viên sứ giả vừa xấu hổ vừa ân hận, y cố đặt tờ điệp văn vào tay Nguyễn Hiền và nói:

– Ta biết đã xúc phạm đến các ông, nhưng ta không thể làm khác được. Bởi làm khác đi, trở về, ta sẽ mất đầu.

Nguyễn Hiền miễn cưỡng nhận tờ điệp văn. Thực ra thì viên sứ kia đã nộp từ mấy bữa trước rồi, cho nên Nguyễn Hiền làm ra vẻ thờ ơ, bởi hai tờ điệp văn đều chung một nội dung ép hàng. Và cả hai viên sứ này đều là những con hổ có lá gan chuột nhắt y hệt nhau.

Trung tuần tháng mười một, lại một viên sứ Mông Cổ nữa tới Thăng Long và thái độ của tên này còn ngạo mạn hơn cả hai tên trước. Vua Thái tông không hỏi han gì nữa và sai nhốt chung cả ba tên lại với nhau, nhưng ban đêm thì phải trói chúng lại.

Vua xuống chiếu mở kho khí giới phát cho các đội điền binh. Nhà vua, Thái sư Trần Thủ Độ và Thái úy Trần Nhật Hiệu chia đi duyệt lại các sắc quân. Vua sai tướng Lê Tần đi kiểm xét các nơi hiểm yếu từ Thủy Vĩ đến Quy Hóa giang xuôi về ngã ba Bạch Hạc. Tướng Khuê Kình đi về phía ải Hà Dương rồi xuôi theo đường men sông rồi cũng về ngã ba Bạch Hạc. Hoàng thái tử Hoảng cùng với Công bộ thị lang Nguyễn Hiền đi dọc biên thùy với nhà nam Tống từ cửa Pha Lũy đến châu Vĩnh An.

Cả nước đang sôi sục khí thế kháng giặc giữ nước.

Bữa nọ phu nhân nói với thái sư:

– Cả nước tất bật lo đánh giặc, nhưng liệu quân ta có cản được nó từ biên ải không ông?

– Cái đó còn tùy sức giặc. Nếu giặc mạnh quá, ta chỉ đánh cầm chừng rồi dụ nó vào sâu đất mình mà đánh, tản mỏng nó ra thì điền binh, dân binh cũng có thể đánh được.

– Nếu giặc cứ vào sâu mãi, vào tới Thăng Long thì sao?

– Thăng Long thì phải quyết giữ chứ bà.

– Nhưng nếu sức giặc mạnh quá thì sao hả ông? – Phu nhân hỏi và có ý hơi nghi ngờ về sức mạnh của quân ta.

Thái sư Trần Thù Độ với vẻ điềm tĩnh vốn có lại đáp:

– Nếu sức giặc vẫn cường thì ta tạm nhường nó, luồn về sau nó mà đánh, chia cắt đường về của nó, quân nó đầu đuôi không ứng cứu nhau được ắt phải hoảng loạn mà bỏ chạy.

Nhìn phu nhân, Thái sư vuốt râu rồi nhón một khẩu trầu nhai bỏm bẻm. Lát sau ông lại nói:

– Bà phải bình tâm, phải tin vào triều đình, tin vào muôn dân. Nếu vạn nhất phải bỏ kinh thành lập trận tuyến để cản giặc, thời đó cũng là chuyện thường trong binh pháp. Bà nên biết, mất kinh thành không có nghĩa là mất nước. Nước chỉ mất khi vua tối, tôi hèn, lòng dân ly tán. Còn như từ vua, tôi cho chí muôn dân khắng khít một lòng giữ nước, dẫu thế giặc có mạnh, nước cũng không vì thế mà mất được. Tuy vậy, cuộc chiến sẽ rất cam go.

– Ông ạ, tôi mặc giả trang với mấy đứa hầu gái đi chợ. Nghe họ kháo nhau nước sắp có giặc, nhưng không thấy ai tỏ ra sợ hãi. Qua mấy phố, phố nào cũng thấy dân binh chăm chỉ tập tành lắm. Lại hôm vừa rồi ở quê có người lên thăm, khoe làng nào cũng có một đội điền binh, tập riết lắm. Mà bây giờ đi tập được nhà nước cho ăn, không phải đem gạo nhà đi nữa. Lòng dân phấn khích lắm.

Thái sư vui vẻ nói xen vào:

– Lòng dân như thế, triều đình như thế bà biết cả rồi đấy. Có gì mà phải lo, giặc đến thì đánh, nếu giặc không đến cũng là may, cũng là dịp đo lòng dân đối với nước.

– Ai chẳng biết vậy, có điều này tôi muốn nói, được thì ông để, không được cũng đừng chê tôi nhát.

– Việc gì bà nói thử xem.

– Cứ nghe ông nói thì chưa chắc quân ta đã đủ sức cản giặc từ biên thùy. Lại vạn nhất có khi cũng không thể cản được nó chiếm kinh thành. Vậy nên tôi muốn ông xin với nhà vua sai Phủ tông chinh[62] di bớt đồ thờ tự, ngọc phả đưa về Long Hưng[63], tránh khi giặc đến, cùng đường nó có thể đốt phá trả thù. Lại nữa con cái các vương gia, vương phủ trong tôn thất hoàng tộc cũng cho hết về Long Hưng. Thì đấy, mẹ nào con ấy, kể cả con trai cứ dưới tuổi hoàng nam là đi di tán hết, để trong kinh thành chỉ còn binh lính và dân binh. Ngay cả dân thường cũng cho họ di tán đi kẻo giặc tới nó tàn sát.

Đấy, tôi đàn bà cạn nghĩ, nếu sai ông đừng chấp.

Trần Thủ Độ sửng sốt về những điều phu nhân vừa nói. Ông khen:

– Đầu óc của bà thật là thông sáng. Đó là việc không chỉ nên làm, mà phải làm sớm. Giời ơi sao tôi không nghĩ ra nhỉ. Đúng rồi, đàn bà trẻ nhỏ di tản hết đi, để cho dân binh ở lại cùng binh lính rảnh tay đánh giặc. Hay! Kế của bà hay đấy.

– Gớm, ông cứ khen quá làm tôi ngượng. Chẳng qua tôi quẩn quanh bếp núc nên chỉ nghĩ được các việc nhỏ, còn đầu óc các ông thuần chứa những điều to lớn nên chẳng để tâm tới thôi. Nhưng ông bảo làm sớm là làm thế nào, tôi sao tự ý mà làm được.

– Để tôi tâu lên hoàng thượng. Khi hoàng thượng có dụ rồi bà phải đứng ra quán xuyến việc này chứ.

– Chẳng nhẽ tôi chỉ nói mà không làm sao, – phu nhân đáp.

Thái sư có vẻ băn khoăn hỏi lại:

– Thế bà đã dự tính số gia đình và số người phải di tán là bao nhiêu chưa? Tôi thấy đông đấy, có tới cả trăm nhà, cả nghìn người chứ không ít đâu. Chỗ ăn chỗ ở khó đấy.

Phu nhân cười xuê xoa:

– Ông khỏi lo, tôi đã trù liệu tất cả rồi. Chỗ ăn chỗ ở cho từng nhà tôi lo hết rồi. Thì đấy, cùng với việc mua sắm khí giới, tích trữ lương thực và nơi chốn di tán tôi làm cùng một lúc. Có chỗ thu xếp được thì mượn nhà, có chỗ phải dựng nhà mới. Tôi cũng chỉ làm loàng xoàng thôi, lúc về triều thì để lại đấy cho nhà chùa làm lớp học, hoặc chia cho các nhà nghèo. Chẳng hiểu tại sao khu mật viện chỉ biết có hai việc, còn việc này lại bỏ sót chưa tâu báo lên hoàng thượng.

– Đúng là trời cho bà xuống để dựng đế nghiệp cho nhà Trần, lo toan cho con cháu nhà Trần. Nhà vua biết việc này chắc khen bà cô lắm đây.

Phu nhân nguýt dài thái sư rồi nói giễu:

– Chú cháu ông suýt nữa thì ghép tôi vào tội tru di còn khen, khen cái nỗi gì.

– Bà chỉ được cái thù dai.

Vua Thái tông sau khi đi duyệt một vài chủng quân về, ngài thật sự hài lòng, liền vào cung Thủy Tĩnh thăm Thái sư.

– Bệ hạ vừa về chắc có tin vui? – Thái sư hỏi.

– Thưa chú vui lắm. Thế quân lên, thế nước cũng lên. Quốc dân đồng lòng kháng giặc.

– Thần cũng đi duyệt vài sắc quân. Ta thật hài lòng về các viên đô tướng dạy quân có kỷ cương lắm, kỹ xảo dùng các loại binh khí cũng thành thạo, mà cũng khéo nuôi quân, béo tốt, khỏe mạnh.

– Thưa chú Lê Tần về chưa ạ?

– Tần về rồi. Tần nói Quốc Tuấn lên trên đó cố kết được các đầu mục người man, lại đang cho tướng huấn dạy dân binh man. Nay mai nếu giặc vào cõi, chắc là người man sẽ phối với quân của Quốc Tuấn.

– Thế thì hay lắm. Cháu không ngờ Quốc Tuấn lại thu phục được người man nhanh thế.

– Từ lâu ta đã nói với bệ hạ: Quốc Tuấn sẽ là bậc kỳ tướng, bậc huân tướng, một cây cột trụ vững chắc của cả quốc gia này.

Bệ hạ còn được biết nhiều cái không ngờ nữa đấy. Thái sư nhìn vào hậu điện gọi phu nhân. Khi bà ra, ông mỉm cười nhìn nhà vua và thuật lại các dự định của bà.

Nhà vua cảm động ứa nước mắt, nói:

– Quốc mẫu tuổi cao, nhẽ ra phải được dưỡng nhàn, thế mà vẫn gắn mình với nước, lo cho nước, lo cho con cháu. Công của quốc mẫu lớn lắm. Cháu vui mừng thấy thế nước được hưng lên từ mỗi nhà, từ mỗi người. Quốc mẫu thật xứng là bậc mẫu nghi thiên hạ.

Phư nhân nghe nhà vua nói như nở ra từng khúc ruột. Bà vội cáo từ:

– Hai chú cháu ngồi đây mà bàn việc nước.

Bóng bà khuất sau hậu điện.

Giây lâu Thái tông lên tiếng:

– Chú à, cháu dịnh đại duyệt toàn quân để dấy sức quân lên nữa.

– Bệ hạ chớ ham. Phải cấp tốc đưa quân lên trấn các nơi hiểm yếu ngay kẻo không kịp đâu. Giặc đã ba lần đưa sứ đi thuyết hàng mà không một đứa nào trở lại. Nhất định chúng sẽ khởi binh.

Đoàn Hưng Trí mà người Mông Cổ biệt đãi cho mang tên mới là Ma-ha-la-sa sau khi nhận mệnh của Ngột-lương-hợp-thai, y hết sức lo lắng. Đoàn Hưng Trí bèn triệu em ruột của mình là Tín-thư Nhật và người chú là Tín-thư Phúc. Ba chú cháu bàn đến nát nước về việc làm thế nào vơ vét được đủ số lương thực dùng trong sáu mươi ngày cho một đoàn quân hai vạn người mà trong hai mươi ngày nữa phải có mặt ở A Mân.

Viên phụ trách quân lương tính ra số lương thực cho mỗi người ăn trong sáu mươi ngày nặng gần gấp rưỡi trọng lượng của chính người đó. Vậy làm thế nào có thể chuyển vận được số lương thực kia theo đoàn quân viễn chinh. Ấy là chưa nói đến việc vận chuyển binh khí dự phòng. Và nếu có kỵ binh đi theo thì số lượng cỏ khô đem theo không phải là ít.

Tính ra bảo đảm được số lương thực cho đoàn quân hai vạn người đủ dùng trong sáu mươi ngày thì số lượng phu tải lương phải cần đến sẽ lên tới ba vạn người. Ấy là vận chuyển bằng xe. Mỗi xe có ba người, một người kéo hai người đẩy chở được số lương thực đủ dùng cho năm người.

Đoàn Hưng Trí giãy nảy người lên như đỉa phải vôi:

– Không thể được. Như thế có khác gì kéo cả một đội quân năm vạn người đi, và số lương thực sẽ tăng gần gấp ba lần số cần thiết cho hai vạn quân. Mãi nửa chiều, viên quan quân lương mới đệ trình một phương cách:

– Một là bắt buộc mỗi người lính phải luôn đem theo mình mười ngày lương thực. Hàng ngày người lính trích ra một phần mười số đó nộp cho nhà bếp, tối lại được kho cấp bù. Hai là ra khỏi biên cương ngày thứ nhất đã có thể cho một nghìn người quay trở lại. Và cứ thế ngày nào cũng có người quay trở lại và tới ngày thứ hai mươi chỉ cần giữ lại năm nghìn binh phu để làm các việc cần thiết. Ba là số kỵ binh, chủ tướng chỉ có thể đem theo bao nhiêu tùy ý, nhưng số ngựa cho kỵ binh thì không thể quá một nghìn con. Nhưng sẽ có hai nghìn con ngựa khác tham gia tải lương, tải cỏ. Khi vào trận, chủ tướng có thể dùng tạm số ngựa tải này làm ngựa chiến. Bởi lũ ngựa tải này cũng từ ngựa chiến thải ra theo cách chọn lựa của các tướng Mông Cổ, chứ thực ra chúng còn khỏe lắm.

Chú cháu, anh em nhà Đoàn Hưng Trí đã bàn xong công việc. Đoàn Hưng Trí sẽ đích thân cầm hai vạn quân viễn chinh Thoán, Bặc để phối với đại quân của thái sư Ngột-lương-hợp-thai. Người chú là Tín-thư Phúc sẽ là tướng tiên phong. Còn em trai của Trí là Tín-thư Nhật được tạm quyền coi giữ nước. Thực ra lúc này người Mông Cổ đã chia nước Đại Lý thành quận huyện của họ rồi. Đại Lý được phép cử các chức quan bên cạnh các quan Mông Cổ để tiện việc cho họ sai phái.

Chú cháu Đoàn Hưng Trí đưa đủ cả quân, lương tới A Mân đúng kỳ hạn, Ngột-lương-hợp-thai mừng lắm. Y ban lời khen ngợi vỗ về.

Sau ba lần cử sứ vào Đại Việt không thấy một người nào trở lại, Ngột-lương-hợp-thai không còn đủ kiên nhẫn nữa. Ông cho triệu các tướng đến hội.

Các tướng vừa an tọa xong, chủ tướng liền hỏi:

– Tríệt-triệt-đô, du binh của ngươi vào sâu đất Đại Việt được bao nhiêu dặm, có gặp cản ngại gì không, có thấy dấu hiệu khả nghi nào không?

– Tâu chủ tướng, ngày thứ nhất tiểu tướng cho quân đi vào sâu đất giặc năm dặm, đi tản về hai phía, mỗi phía chừng mười dặm nữa. Tuyệt nhiên không gặp sức chống cự nào, không gặp một người dân nào. Ngày thứ hai quân thám vào sâu hai chục dặm. Ngày thứ ba vào sâu ba chục dặm. Càng vào sâu rừng càng rậm rạp, đường đi càng khó khăn, vẫn không gặp quân nó, không gặp dân nó. Thấy nói dân nó ít lắm và nhát lắm. Có khi nghe danh đại vương, chúng nó chạy vào hang núi ẩn nấp hết rồi.

Bẩm, có lần tiểu tướng đã dẫn du binh vào sâu đất giặc tới năm chục dặm, nhưng quay lại ngay vì sợ giặc có mưu nhử quân ta. Tuy vậy, vẫn không thấy một dấu hiệu gì ở miền biên địa này có quân Đại Việt đồn trú. Còn dân chúng chỉ thấy loáng thoáng vài mái nhà nhỏ xíu nằm nép dưới rừng cây, tuyệt nhiên không thấy có bóng người đi lại.

Ngột-lương-hợp-thai nhìn tận đáy mắt viên tướng Tríệt-triệt-đô hỏi:

– Ngươi đã vào sâu đất giặc tới năm chục dặm, vậy chớ cảm nghĩ của ngươi về cái nước Đại Việt này thế nào?

– Thưa chủ tướng, cứ như sự suy đoán của tiểu tướng thì dân nước này còn man mọi lắm, vua nó cũng ngu lắm, không thể so với nước Đại Lý được.

– Vì sao ngươi nói vậy?

– Dạ là bởi nếu dân nó khôn thì nghe tiếng vó ngựa của quân ta tới, chúng phải kéo nhau ra đón chứ. Vua nó nghe danh thái sư, phải đem theo quần thần tới trướng xin quy hàng như ngài Ma-ha-la-sa đây mới là người trí chứ. Để làm gì à? Để dân nó không bị quân ta làm cỏ, kinh thành nước nó, mồ mả tổ tiên nó không bị quân ta biến thành gò hoang chứ sao.

– Phải! Ngươi nói phải. Thiên hạ còn lắm kẻ ngu, Đại Hãn mới phải cho quân đi chinh phục, đi khai sáng. Thôi được, ta sẽ bắt vua nó là Trần Nhật Cảnh về nướng trên lửa như nướng cừu. Ta sẽ đạp đổ thành Thăng Long và biến nó thành vùng đất chết. Các tướng nghe lệnh ta đây. Tất cả hãy nhìn vào chiếc bản đồ này. – Vừa nói Ngột-lương-hợp-thai vừa chỉ lên tấm bản đồ hình thể núi sông của Đại Việt to bằng chiếc chiếu đôi treo trên vách tường: – Đây là A Mân, là nơi ta đang đóng quân, sẽ thẳng theo đường này qua Mông Tự mà vào đất giặc. Đây là con sông[64], cứ men theo hai bờ tả hữu ngạn của sông tới đoạn này thì gặp nơi ba con sông[65] giao nhau rồi cứ men theo con sông này theo hướng đông nam mà vào Thăng Long. Chỉ tay về phía Đoàn Hưng Trí, Ngột-lương-hợp-thai nói:

– Ma-ha-la-sa, cứ theo Triệt-triệt-đô nói thì giặc sợ oai ta bỏ chạy hết rồi. Vậy ta cho ông đem quân đi tiên phong mà lập công. Vả lại quân ông chạy bộ đi chậm phải đi trước. Đi trước gặp giặc thì đánh, gặp suối sâu thì bắc cầu, gặp bất cứ vật gì cản trở thì hất nó đi, tức là quân tiên phong có trách phận mở đường cho đại quân ta khi xuất phát là không có gì cản trở trên đường đi. Ngày mai ông xuất binh; phải kiểm xét mọi thứ cho chu đáo trước khi xuất chinh.

Nhìn Đoàn Hưng Trí với vẻ cảm thông, Ngột-lương-hợp-thai lại nói: – Ta chỉ tiếc mùa này nước cạn, vì đã sắp sang tháng chạp, nếu không quân ông đi thuyền thì nhàn sức lắm. Thế nhưng mùa này khô ráo lại hợp với quân ta, cả người và ngựa đều hợp.

Quay về phía các tướng, Ngột-lương-hợp-thai nói:

– Ta sẽ đem theo ba vạn quân kỵ tinh nhuệ nhất cùng với hai vạn quân của Ma-ha-la-sa đánh vào Đại Việt.

Khi xuất chinh, Triệt-triệt-đô lĩnh ba nghìn quân làm đội tiên phong. Hậu quân do phò mã Hoài-đô và tướng A-truật, mỗi người lĩnh năm nghìn quân. Trung quân do ta thống suất với mười bảy nghìn quân còn lại.

Dò biết thế giặc mạnh, Quốc Tuấn bàn với các đầu mục Hà Khuất, Hà Bổng sẽ không cản trở quân của Đoàn Hưng Trí để nuôi vỗ lòng kiêu mạn của đám quân Mông Cổ. Chỉ dùng bẫy đá lưa thưa trên đường hành quân của kỵ binh Mông Cổ, và quân phục kích đánh tập hậu cũng chỉ dăm bảy người lách trong rừng rậm bắn hạ sát chúng xong liền rút sâu vào trong, giặc có tản ra hai bên sục tìm cũng không có đường cho người ngựa đi vào. Như vậy giặc chỉ nhận được cái chết bất ngờ mà không biết kẻ thù của chúng là ai. Và nữa dọc đường tiến quân của giặc, dân chúng sẽ di tản hết thóc lúa, trâu bò để vườn không nhà trống khiến giặc không kiếm được miếng gì gọi là lương thực, thực phẩm. Tất cả phải bảo toàn được lực lượng để nếu cần sẽ quay về xuôi đánh vào sau lưng nó, hoặc nếu giặc thua thì tiêu diệt nó trên đường tháo chạy.

Sau khi bàn bạc với Thái sư, nhà vua không đại duyệt toàn quân nữa mà đích thân Thái tông đưa quân đi lập phòng tuyến cản giặc. Thái sư ở lại cùng với quân Thiên thuộc và Củng thần cùng với cả mấy chục đô dân binh được trang bị khí giới đầy đủ để bảo vệ kinh thành. Hoàng thái tử Trần Hoảng và em là Trần Quang Khải cũng ở lại Thăng Long được Thái sư sai coi quân Thiên thuộc và Củng thần cùng các đô tướng.

Quốc mẫu đã đưa hết con cháu cùng gia quyến các nhà trong hoàng cung và hoàng tộc về Long Hưng từ sau khi có dụ của nhà vua. Phu nhân xếp cho đám nội nhân, nội thị và các cung tần ở ngay dinh cũ của đức Thái tổ (Trần Thừa) nơi làng Phù Ngự.

Thăng Long bỗng chốc trở nên vắng vẻ, hoang rỗng bởi dân chúng và cả các nhà buôn cũng đóng cửa để đi di tản. Các sắc quân nườm nượp di chuyển lên các phòng tuyến, nơi nhà vua bày trận cản giặc.

Bình Lệ Nguyên nơi xưa nay vẫn là một vùng quê yên ả, có đồng ruộng, có bãi bồi phù sa màu mỡ, đồng lúa và bãi ngô mướt một màu xanh nói lên sự trù phú, sự no đủ của dân quê quanh vùng. Xung quanh ruộng đồng và bờ bãi, xen kẽ những ngôi làng chìm sau những lũy tre xanh ngút ngàn tựa như những cánh rừng cô lẻ. Tuy vậy các làng quê, các cánh đồng và các bờ bãi kể cả dòng sông kia chỉ là những đốm loang lổ trong trùng điệp những cánh rừng nối rừng. Có nơi rừng cây còn lan tận mép sông. Thuở ấy rừng cây nhiều hơn đồng ruộng và muông thú tràn ngập bầu trời và rừng núi. Vua Thái tông đã kéo quân lên đây bày trận, nào voi chiến, ngựa chiến, máy bắn đá, quân thủy, quân bộ. Nhà vua đích thân làm tướng chỉ huy chiến trận. Tả hữu dực gồm hai viên thượng tướng dạn dày trận mạc như Lê Tần, Trần Khuê Kình và các đô tướng của các vệ tả, hữu thánh dực, tả hữu vũ vệ và các quân thiết kỵ luôn túc trực hộ giá.

Vua Thái tông mặc giáp trụ đen có giáp hộ tâm, đội mũ đâu mâu, bên sườn trái đeo thanh bảo kiếm, cưỡi ngựa sắc tía đi kiểm tra trận địa có tướng Lê Tần luôn theo sát.

Trận địa bày xong, khí thế ba quân hừng hực. Ngày mồng mười tháng chạp, quân ta đã sẵn sàng xung trận thì nhà vua nhận được thư cáo cấp của Quốc Tuấn.

“… Giặc đã vào cõi. Quân Thoán, Bặc đi đông như nước chảy. Quân kỵ Mông Cổ do đích thân thượng tướng thái sư Ngột-lương-hợp-thai cầm đầu và phò mã Hoài-đô lam phó tướng. Quân Mông Cô đã bị quân ta phục kích lẻ tẻ, thiệt hại không nhiều nhưng chúng rất hung hãn…”.