Chương 03

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Được tin Hoài vương Liễu thất lộc, vua Thái tông hết sức đau lòng, thương anh một đời lận đận. Nhà vua sai trung sứ về tế trước linh sàng huynh trưởng, gia phong làm đại vương, lại có dụ riêng cho Quốc Tuấn: “Sau một năm cư tang phải trở lại Thăng Long nhận mệnh”.

Vua Thái tông đem hai vạn quân vào Chiêm Thành lấy Lê Tần làm tướng tiên phong. Trước ngày xuất chinh nhà vua ghé cung Thủy Tĩnh chào Thái sư Trần Thủ Độ.

Trần Thủ Độ đã biết rõ việc điều động binh nhung, tướng hiệu của vua nên không hỏi han về chuyện đó, chỉ căn dặn vài điều:

– Bệ hạ đi chuyến này chắc Chiêm Thành sợ oai phải trở lại nước phiên thần và không dám quấy nhiễu mặt nam của ta nữa. Chỉ nhằm răn đe, chắc chủ ý của bệ hạ không muốn mạnh tay quá để khổ cho dân nước họ và cả di hận cho triều đình Bố-da-la nữa; muốn vậy bệ hạ phải nghiêm huấn cho các tướng chớ ham giết chóc một khi quân kia đã tháo chạy hoặc đầu hàng.

Thái tông gật đầu:

– Chú dạy chí phải, vạn bất đắc dĩ mới phải đem quân ra khỏi cõi trong khi nước mình cũng đang bị kẻ khác rình rập.

– Vậy thì bệ hạ ra oai với người Chiêm xong nên sớm rút quân về.

– Cháu cũng nghĩ vậy. Việc kinh sư cháu đã trao cho Nhật Hiệu lưu thủ. Mọi việc trong nước vẫn do Phủ thái sư điều hành.

– Thần tuân chỉ. Có điều hoàng thái tử tuổi còn nhỏ quá, nhẽ ra việc lưu thủ kinh sư phải do hoàng thái tử đảm nhiệm.

– Cháu cũng biết thế, nhưng Hoảng mới mười ba tuổi nên cháu không dám tùy tiện.

– Bệ hạ nghĩ thế là phải. Nhưng Nhật Hiệu chỉ làm được công việc của thời bình.

Vua Thái tông biết ông chú không ưa Nhật Hiệu và thường chê Hiệu bất tài. Nhật Hiệu là thân vương trong hàng huynh đệ nên nhà vua cũng có phần ưu ái.

Nhà vua xuất chinh rồi Thái sư Trần Thủ Độ liền cho các quan của triều đình về các trấn, lộ tuyên chiếu mệnh của vua về các việc: kiểm kê tiểu hoàng nam, đại hoàng nam biên chép đầy đủ để khi nhà nước động binh mọi việc đã sẵn sàng. Việc thứ hai là tất cả các đinh tráng tuổi từ mười tám đến bốn mươi lăm đều phải gia nhập điền binh và luyện tập mỗi năm hai tháng thay vì một tháng như trước đây; binh bộ sẽ cử các đô tướng về huấn dạy các môn võ nghệ và sử dụng các đồ khí giới; lương thực ăn trong thời gian tập luyện do nhà nước chu cấp, các điền binh không phải tự túc như trước nữa. Việc thứ ba là nhà nước sẽ đưa mẫu khí giới cho các lò rèn làm như giáo búp đa, đinh ba, câu liêm, đao, kiếm cũng như việc chế tác cung, nỏ, tên và chông sắt… nhà nước sẽ mua tất thảy để phân phát cho các đội dân binh phòng khi nước có giặc. Việc thứ tư là các đất hoang hóa, đầm hồ, bãi bồi hoặc rừng kiệt trong dân gian ai khai phá được, nhà nước sẽ tha tô thuế cho từ năm năm đến mười lăm năm tùy theo công sức bỏ ra, nhà nước cũng cấp luôn sổ địa bạ và cho làm chủ đất ấy.

Cùng với việc triều đình cho đắp đê từ nguồn đến biển phòng lũ lụt, ngăn nước mặn với các chính lệnh mới vua ban đã gây một luồng sinh khí chưa từng thấy trong dân gian làng xóm. Người nào việc ấy, dân chúng hồ hởi, cả nước đều nhộn nhịp như một đại công trường.

Bữa nọ Thái sư đi kinh dinh các lộ vừa về tới dinh phủ, chưa kịp tẩy trần, phu nhân đã sán hỏi:

– Ông đi quá nửa tuần trăng nay mới về, vậy chớ có việc gì mà ông vui thế?

– Việc nước cả thôi chứ tôi có việc tư riêng gì đâu bà, – Thái sư vừa nói vừa nhìn phu nhân cười lấy lòng.

Phu nhân bĩu môi:

– Hơn ba chục năm nay lúc nào ông cũng “việc nước”, “việc nước”, còn gái già này chỉ quẩn quanh bếp núc hầu hạ đức ông thôi chứ gì. Phu nhân dằn giọng vẻ như hờn dỗi – Lạ thật, không bao giờ ông hỏi được một câu về các việc nơi đầu hè, xó bếp của mụ già này là thế nào.

Trần Thủ Độ thầm nghĩ: – Vẫn cái tính đáo để của cô Dung ngày nào. Với điệu cười làm lành, ông tường thuật lại các việc, cả khí thế lòng dân nữa cho phu nhân nghe.

Nghe xong, phu nhân cũng cười nói xuề xòa:

– Việc vui như thế mà trước khi đi ông chả nói cho tôi biết.

– Thì đã biết lòng dân đón nhận thế nào mà khoe trước với bà.

– Tôi thấy Cảnh nó trị nước giỏi đấy ông ạ. Chính lệnh ngày càng khoan nới, dân được nhờ. Kể ra ông cũng là người tinh tường, đặt nó vào ngôi quân trưởng từ thuở còn chưa biết hỉ mũi, thế mà rèn cặp được thành người tài đức. Cả dòng họ vẻ vang, dân nước chịu ơn. Giỏi! Chú cháu ông đều tài giỏi cả.

Trần Thủ Độ sùy một tiếng rồi nói:

– Chú cháu tôi được như ngày nay là đều ở như bà cả. Giả dụ ngày bà có mang con Thuận Thiên, Đàm thái hậu truy ép rồi bỏ thuốc độc, cả bức tử nữa, nếu bà không có gan cóc tía, khí uất bốc lên, mọi việc buông xuôi bà khuất bóng thì làm sao anh em tôi giữ được Huệ tôn, ngôi nước chưa biết về tay họ nào. Bè này đảng nọ kình chống lẫn nhau, xâu xé giang sơn, máu xương đầy nội biết bao giờ mới quy được về một mối. Do thế, chỉ lịch sử mới ghi xuể công lao của bà chứ chú cháu tôi nói dăm câu ba điều nơi đầu lưỡi thì ăn nhằm gì. Còn việc bếp núc, việc hậu cung không ở tay bà còn ở tay ai. Hậu cung mà rối nát, chú cháu tôi dẫu có tài thánh cũng phải bó tay.

Phu nhân có vẻ hài lòng, có vẻ mãn nguyện, bà dẩu môi nói:

– Dào ôi, ông cứ nói mãi công lao làm tôi thêm ngượng. Này, thế việc ông và nhà vua trù liệu quân lương, binh khí như vậy có nghĩa rằng quân Mông Cổ sắp đánh mình thật ư?

– Biết nói thế nào để bà hiểu. Đối với người một đời làm tướng như tôi thì việc giữ nước lúc nào cũng phải coi như ngày mai giặc sẽ tràn vào cướp nước mình, thậm chí ngay đêm nay, ngay lúc này. Nhưng cái đó cũng còn tùy thuộc ở ta. Nếu lực ta đủ mạnh, lúc nào ta cũng cảnh giới cao và sẵn sàng nghênh địch thì chưa chắc giặc đã dám xâm phạm bờ cõi ta. Bởi kẻ xâm lăng cũng dư sự khôn ngoan để biết rằng, nếu không thắng được đối thủ thời chớ có dại mà gây hấn.

Phu nhân cười rất chi là thỏa mãn – Thảo nào chú cháu ông làm việc gì cứ là chắc nịch việc ấy. Tôi nhớ khoảng mười năm trước, khi ấy nhà vua mới hai mươi bốn hai mươi nhăm tuổi thế mà đem binh tuần thú qua đất Tống, đánh dốc mấy trại trên bộ rồi lại xuống thuyền lấy đường thủy qua châu Khâm, châu Liêm quân Tống cứ im re không dám kháng cự.

– Thật ra bà mới chỉ biết nhà vua là người có đức, thương người, hiếu thuận, nhu hòa chứ bà chưa biết nhà vua còn là người mưu lược, cương dũng lắm đấy.

Phu nhân làm ra vẻ nghiêm trọng hỏi:

– Vậy chớ bằng linh giác của một đời làm tướng, ông thử nghĩ xem liệu quân Mông Cổ có xâm lược cõi bờ ta không?

Ngập ngừng giây lát, thái sư hỏi lại phu nhân:

– Bà muốn dò biết để làm gì?

– Để xem có lo liệu được cái gì thì lo sớm đi. Ấy tôi lo xa thế để biết đường tích trữ lương thực, thức ăn thức uống, kẻo khi giặc đến bất ngờ, bếp núc của tôi trống trơn sao.

Trần Thủ Độ cười khì:

– Bà đúng là kẻ có tài nội gián, thảo nào mà khi trước Lý Huệ tôn xa giá đi về nẻo nào Thuận Lưu Bá (Trần Tự Khánh) cũng biết mà nghênh đón, còn các đối thủ của ta cứ mù tịt.

– Tôi mà không khéo dò la thì Thái úy Đàm Dĩ Mộng cùng các tướng của Huệ tôn họ vặt lông anh em nhà ông từ lâu rồi. Huệ tôn đúng là người bạc nhược, nhưng tả hữu của ông ấy không phải là một lũ vô dụng cả đâu.

– Sao anh em tôi chẳng biết điều đó. Ngay bà Đàm thái hậu cũng không phải tay vừa. Nhưng vận hội của nhà Lý đã đến hồi chung cục. Bởi sự sụp đổ ấy không phải nó diễn ra một sớm một chiều mà nó tích chứa cả trăm năm rồi, kể từ thời Dương Hoán kia (Lý Thần tôn 1128 – 1138); cho nên Lý Huệ tôn dù có tài thánh cũng không gượng dậy được.

Phu nhân thở dài, dường như bà muốn nén giấu một điều gì khổ đau, khó nói.

– Ơ kìa! Sao đang nói chuyện vui bỗng nhiên bà lại trở buồn?

Buông thõng hai cánh tay, giọng trầm buồn, phu nhân chậm rãi:

– Chẳng giấu gì ông, cứ mỗi khi ông nói đến công lao của tôi đối với nhà Trần, tôi lại nhớ lời con Chiêu Thánh nó đay nghiến tôi. Ông có biết nó nói với Trần Cảnh về tôi như thế nào không?

– Tôi đâu có biết các chuyện ấy. Nhưng thôi bà cứ gợi lại chuyện cũ làm gì?

– Nếu ông chưa biết thì ông nên biết, tôi đã phải chịu đựng búa rìu như thế nào. Chính con Chiêu Thánh đã thét vào mặt Trần Cảnh rằng: “… Bà cô ông ấy. Tôi không ngờ, trời phú cho bà ta khuôn mặt đẹp để che giấu một tâm hồn ác độc. Bà ta chui vào triều Lý để đánh hồi chuông báo tử cho dòng họ Lý nhà tôi…”.

Thái sư ơi, phải nghe những lời xót xa cay đắng ấy từ miệng con gái mình nói ra, ông tưởng tôi sung sướng lắm sao.

– Các việc đã qua thì cho qua hết đi bà ạ, tương lai còn nặng gánh lắm mà tôi với bà cũng đều luống tuổi cả rồi. Để tôi giả nhời câu bà hỏi về quân Mông Cổ, kẻo mai này nước có họa lớn bà lại trách tôi. Về quân Mông Cổ hiện thời nó có sức mạnh như quân nhà trời. Nó đánh đâu thắng đó, không một nước nào kháng cự nổi nó. Nó là một đội quân không có địch thủ. Sở dĩ các nước thua nó vì mới chỉ nghe danh nó thì từ vua quan đến tướng binh cả nước đã sợ xanh mắt rồi, sao còn đủ can đảm để đối mặt với nó.

Nhìn thẳng vào mắt Thái sư, phu nhân hỏi:

– Ông cứ nói thật đi, ông và nhà vua có sợ quân Mông Cổ không?

Trần Thủ Độ nhoẻn miệng cười:

– Thân làm tướng mà sợ giặc sao còn dám đánh giặc. Thân làm tướng mà coi thường giặc thì cầm chắc sự bại trận rồi. Bà chẳng thấy nhà vua tự cầm quân đi bình Chiêm là để rảnh tay đối phó với quân Mông Cổ ở mặt bắc. Còn các việc tôi vừa đi khắp các lộ là để vực thế nước lên, làm tăng sức mạnh để kháng giặc trong khi giặc còn ở rất xa. Chú cháu tôi cùng cả nước làm như vậy là sợ giặc hay là sẵn sàng đánh giặc.

– Thế thì tôi chịu ông rồi, trước sau ông vẫn là một người trí dũng. Trần Cảnh cũng học được ở ông cái đức ấy. Nhưng Cảnh có lòng hiếu Phật, chăm đọc kinh sách lại thường giao du với các bậc thiền sư nên cái đức của Cảnh thuần, tâm của Cảnh thiện.

Cuối năm nhà vua đi bình Chiêm thắng lớn trở về, có đem theo một số tù binh, một số thợ đá, thợ làm gạch, thợ đục tượng. Vào Chiêm, nhà vua không sợ binh uy của nước họ, nhưng vô cùng thán phục về tài năng nghệ thuật của dân họ qua xem xét các đền tháp, các tượng thờ, các cung điện, vua luôn miệng khen: “Người Chiêm khéo tay! Người Chiêm tài hoa!”. Vua cũng nhắc Lê Tần không được cho quân lính phá phách cung điện, đền, tháp của họ.

Thái tông sai làm lễ hiến phù ở nhà Thái miếu nhưng không cho chém tù binh. Trong số tù bắt từ Chiêm Thành về có cả vũ nữ và nhạc công, sau tra hỏi mới biết trong số đó có cả vợ vua Chiêm Bố-da-la. Chẳng là viên quản trại của ta cứ thấy các Chiêm nữ cung kính trước một người đàn bà phong thái tỏ ra đài các, ăn uống thì cảnh vẻ. Chuyện tâu lên, vua lấy làm ân hận.

Vua cho nhóm họp triều đình để bố cáo việc bình Chiêm thắng lớn, và nghe các quan tâu báo công việc sau mười tháng nhà vua rong ruổi chiến chinh.

Các quan đứng đầu sáu bộ, sáu khoa và các đô, đài, sảnh, viện lần lượt tâu lên các việc đã làm và đang làm. Vua lấy làm đẹp ý và thầm biết ơn Thái sư điều hành việc nước hơn cả điều mà vua hằng trông đợi.

Vua hỏi quan Tư khấu về ruộng đất, đê điều. Quan Tư khấu tâu báo các việc đâu đấy đều rõ ràng, tỉ mỉ. Việc đê thì tới cuối mùa xuân sang năm là hoàn tất.

Ngay sau đó vua sai đại thần là Lưu Miễn lập một phái bộ chia làm nhiều đoàn đi kiểm xét toàn bộ con đê từ nguồn tới biển, chỗ nào còn khuyết hãm phải cho người bồi trúc ngay trước mùa mưa lũ. Phân cho các lộ phải quản đê trong địa phận của lộ mình. Mỗi lộ được đặt chức quan Hà đê chánh, phó sứ chuyên coi sóc việc đê điều. Nhân đó vua nhắc đô tổng quản coi việc quân ở các lộ, gặp lúc việc tập luyện đã vãn phải đốc thúc quân lính phối hợp với dân chúng trong vùng khi công việc đồng áng, mùa vụ đã xong cùng nhau đắp đập, đào mương, khơi lạch đề phòng lụt, hạn.

Vua lại hỏi quan Tư khấu về số lượng ruộng quốc điền ở các làng xã và số dân không có ruộng đất. Nghe xong, vua dụ rằng:

– Hiện nay trong hương ấp nhiều gia đình nông phu không có ruộng đất, quanh năm phải đi làm mướn cho các điền chủ hoặc lĩnh canh nộp tô cho các chủ ruộng. Công sá rẻ mạt, giá tô ruộng chủ thu cao, nên người nông phu làm đến kiệt sức vẫn không đủ ăn. Ta được biết, nhiều điền binh đến kỳ trưng tập, không có gạo mang theo nên phải bỏ trốn vào rừng, hoặc có người chỉ đủ gạo nộp ăn ngày một bữa suốt cả tháng tập tành. Thái sư biết việc này nên đã có lệnh cho toàn cõi: – Điền binh trong thời gian tập luyện sẽ được kho gạo của nhà nước cấp cho ăn đủ, lại cấp cả tiền gạo ăn đường cho những người ở xa nơi trưng tập từ hai mươi dặm trở lên. Và sau lễ thượng nguyên vào đầu năm tới, các làng xã phải bán ruộng quốc điền cho dân cùng đinh. Các hộ nông phu từ năm người trở lên được mua một diện[8], từ bốn người trở xuống được năm sào. Giá không nên thu cao, bởi người nông phu còn nghèo lắm. Theo ta, mỗi diện chỉ thu năm quan tiền là vừa. Nhà nào nghèo quá, nhà nước sẽ bán chịu và cho trả dần. Để ruộng ấy khỏi lọt vào tay điền chủ thì các ruộng có nguồn gốc quốc điền trong ba đời không được mua bán, cầm cố hoặc gán nợ. Việc giao ruộng cho các điền tốt phải hoàn tất trước tháng ba, tháng tư để họ còn kịp làm vụ mùa vào tháng năm, tháng sáu. Ngừng giây lát, vua lại dụ: – Mỗi làng xã tùy theo số dân đinh phải dành lại cho họ từ ba đến năm mẫu học điền.

Sau các việc đê điều, vua lại hỏi sang việc học.

Quan tri Quốc tử viện tâu việc dựng nhà quốc học viện đã xong. Quan Quốc tử giám Tế tửu tâu hiện có hơn một trăm người gồm con cái các bậc tôn thất, con cái các bậc đại thần đang theo học.

Nhân đó vua dụ rằng:

– Người giỏi, người tài không chỉ gồm có con cái trong hoàng gia, hoàng tộc và các quan lớn đầu triều. Mà người tài nằm rải rác trong thiên hạ. Nay đã có nhà học, có người dạy, vậy Quốc tử viện nên cử người về các lộ kén lấy người tài cho về kinh sư học tập. Ai có thực tài mà lâm cảnh nghèo thì nhà nước nuôi cho ăn học thành tài. Như sực nhớ ra điều gì, vua vội hỏi:

– Khoa thi năm Đinh Mùi (1247) tam khôi đệ nhất giáp thuộc về ba cậu bé. Vậy chớ những người ấy hiện nay ở đâu, họ làm gì và có đúng là họ giỏi thật không?

Quốc tử giám Tế tửu bèn thưa:

– Tâu bệ hạ, ngày đó vì các vị tam khôi còn nhỏ tuổi nên triều đình chưa bổ dụng mà đưa về Quốc học viện cho các vị tu chính thêm học thức, kiến văn, bởi bên đó có nhà tàng thư, các sách về Tam giáo[9], Cửu lưu[10] không thiếu một sách gì. Các vị vẫn chăm chỉ kê cứu nội ngoại điển tỏ lộ là bậc thiên tài, thần đã đưa các vị vào trợ giảng, các nho sinh đều tỏ lòng mến mộ và kính phục lắm ạ. Tâu bệ hạ, vị trạng nguyên Nguyễn Hiền nay đã hai mươi tuổi, bảng nhãn Lê Văn Hưu hai mươi tư tuổi, thám hoa lang Đặng Ma La hai mươi mốt tuổi. Xem ra các vị đều đã trưởng thành và tài năng thiên hướng đều đã hiển lộ.

– Vậy chớ họ có thiên hướng gì, khanh nói rõ ra.

– Tâu bệ hạ như bảng nhãn Lê Văn Hưu chuyên nghiền ngẫm kê cứu về các ngành sử. Lịch sử nước ta Lê bảng nhãn đã lược chép ra được dăm tập rồi ạ.

Thám hoa lang Đặng Ma La thì thiên về từ, phú. Văn chương của thám hoa hết đỗi tao nhã, mỗi chữ đều lựa chọn kỹ càng tựa như những viên ngọc đã được mài chuốt công phu.

Nhà vua tỏ ý hài lòng, ngài đế vào lời tâu của quan Quốc tử giám Tế tửu:

– Đến bây giờ ta mới được biết Quốc tử giám Tế tửu có thêm biệt tài bình văn nữa.

Các quan đều cười vui, không khí triều hội với cái tình vua tôi thật là gần gũi. Đoạn vua Thái tông lại hỏi:

– Thế còn cái cậu bé đệ nhất giáp đệ nhất danh có thiên hướng gì mà ta không thấy ông nói, hay là cậu ta đã về quê thả diều rồi?

Triều quan lại cười vỡ ra. Quốc tử giám Tế tửu có vẻ lúng túng đưa tay lên rờ rờ đai mũ, vuốt lại nếp áo chầu và khi các quan đã ngớt tiếng cười, ông liền vòng tay cung kính:

– Tâu hoàng thượng, trạng nguyên Nguyễn Hiền quả thực là bậc anh tú vượt hơn hẳn so với các người cùng bảng. Thần đã theo dõi quan trạng đọc sách. Ông cứ mở từ trang đầu đến trang cuối tựa như người đếm. Nhưng khi hỏi thì ông thuộc từ đầu đến cuối sách không thiếu một chữ. Tâu, việc giảng kinh sách của trạng cũng có cái riêng độc đáo mà đám nho sinh thì thích thú vô cùng. Buổi giảng của trạng là buổi mọi người đều phải vắt óc ra làm việc chứ không phải chỉ có thầy giảng trò nghe mà chủ yếu là gợi mở cho các nho sinh phải nói ra các suy nghĩ của mình. Nhiều khi nổ ra những cuộc tranh biện thật là sôi nổi. Cuối buổi, trạng chốt lại các ý chính của kinh văn. Tâu, các nho sinh kháo nhau học như thế vừa vui, vừa hiểu sâu, nhớ lâu nên họ đua nhau đọc nhiều để mở rộng kiến văn mới có thể kiến giải được các điều thầy hỏi.

– Ngoài các trí tuệ mẫn tiệp ấy, Nguyễn Hiền còn có khiếu năng quý giá nào khác không? – vua hỏi.

– Tâu hoàng thượng, ban nãy hoàng thượng có nhắc đến chuyện thả diều, chẳng hay hoàng thượng hỏi vui hay đã có ai tâu báo về việc này không ạ?

– Có chuyện đó thật à? – Vua hỏi với tất cả sự tò mò.

– Tâu bệ hạ, trạng Hiền rất ham chơi diều. Nhưng diều của ông khác lắm so với diều của thiên hạ. Diều của ông hai cánh dài tới mười hai sải tay. Một bộ năm chiếc sáo do chính tay ông khoét, gọt. Dây diều được chế từ các thân tre bánh tẻ. Con diều to thế mà lên cao nom chỉ còn bằng hai chiếc quạt mo. Và bộ sáo ngũ âm réo rắt đủ các cung bậc, nghe như một thứ nhạc tiên thổi từ trời cao vọng xuống.

Tâu bệ hạ, đây là một cách tìm tòi của trạng Hiền vượt ra ngoài sự ham thích của tuổi thơ. Bởi thần còn thấy trạng Hiền hay lui tới Cục chử tác[11] xem xét cách làm, cách chế tác các đồ vật như đồ sứ, đồ đồng, đồ gỗ. Chính trạng Hiền đã dạy cho các nhà chế tác cách pha nấu các loại kim khí để có một thứ kim khí mới đẹp hơn, bền hơn, dễ chế tác hơn mà cũng rẻ hơn. Hoặc làm cho họ các mẫu mã, men màu của các đồ sành sứ mà bên Cục chử tác trước đó chưa có một ai nghĩ ra và làm được.

– Chính mắt khanh đã chứng kiến các điều đó chứ? – Vua hỏi.

– Tâu bệ hạ, thần chỉ dám tâu báo các điều thần đã tận mắt nhìn thấy.

Vẻ mãn nguyện, vua Thái tông nói trước triều quan:

– Quả là trời ban cho Đại Việt ta nhiều người tài. Nhưng trời cũng thử ta đấy. Nếu như cái khoa thi năm Đinh Mùi ấy, khi ba vị tam khôi là ba cậu bé xuất hiện mà ta không nhận, thử hỏi trời có lấy đi không. Cho nên một nước muốn có nhiều người tài đức thì ngay cả người quân trưởng cũng không được phép kiêu ngạo, tùy tiện thậm chí phải nhún mình mời gọi họ, tôn quý họ. Người tài là vật quý hiếm nên thời nào cũng ít, vì vậy phải biết trân trọng. Ngay các khanh cũng là những người tài, mỗi người mỗi vẻ khiến bộ máy của ta có sức mạnh. Mỗi người có một chút tài riêng phải giữ lấy, phải bảo trọng nó để dùng cho nước. Tuy nhiên, các khanh phải khiêm cung, phải ráng bồi bổ thì nó mới dần bộc lộ ra thành chân tài. Ngược lại mà tự phụ, kiêu ngạo thì tài kia ắt bỏ ta mà đi khiến ta trở thành kẻ vô dụng.

Quốc học viện từ nay không coi các vị tam khôi khoa Đinh Mùi là phụ giảng nữa mà phải đưa họ vào chính ngạch, để họ đào tạo cho nước những anh tài còn đang lấp ló trong đám nho sinh. Khoa thi tới, ta sẽ mời cả ba vị này vào ban chủ khảo.

Nhìn khắp lượt các triều quan, vua nói giọng đầy phấn khích:

– Nguyễn Hiền nay mai sẽ về Bộ công để chế tác khí giới – Những thứ khí giới khiến giặc phải kinh hoàng. Lê Văn Hưu về Quốc sử viện để biên tu quốc sử. Đặng Ma La về Hàn lâm viện, nhưng tất cả đều không được rời bỏ Quốc học viện cho tới khi nào có người tài đức có thể thay thế. Nói đoạn, vua giơ cao cây kim hốt huơ một vòng và phán:

– Bãi triều!

Các quan lục tục ra về. Trong lòng mọi người đều nhen lên một cái gì đó tựa như một ánh lửa và mỗi người đều muốn làm một việc gì đấy thật có ích cho nhân quần.