Chương 13

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải từ khi ra coi châu Nghệ An, biên thùy phía nam yên ổn, các làng xã ven biển cũng được giữ yên, quân Chiêm Thành không dám đến cướp phá nữa. Nước Chiêm Thành thường năm vẫn đưa sứ và các đồ cống tới Thăng Long. Dân chúng trong châu đều được an cư lạc nghiệp, vì thế mà họ biết ơn triều đình, biết ơn quan an phủ sứ Trần Quang Khải.

Lại năm trước, người của châu này là Bạch Liêu vào Thăng Long thi đỗ Trại trạng nguyên, triều đình bổ dụng nhưng Bạch Liêu cáo từ. Về Nghệ An, quan an phủ sứ Trần Quang Khải đã mấy lần thân đến mời tại nhà, Bạch Liêu chỉ nhận làm môn khách chứ không nhận một chức quan nào. Vì thế Bạch Liêu ra vào, đi ở đều ung dung tự tại không hề bị buộc mình vào bất cứ điều gì.

Bạch Liêu vốn là người thông tuệ khác thường, học một biết mười, đọc đâu nhớ đó, đọc sách thì đưa mắt liếc mười dòng một lúc, nên ông đọc được rất nhiều, hiểu biết rộng, tuổi của ông với Quang Khải đều suýt soát nhau, nghĩa là khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi. Vì vậy hai người trò chuyện rất hợp ý nhau. Họ thường bàn đến chuyện thời thế, chuyện trị loạn, chuyện xuất xử, hành tàng. Nhiều khi bàn thông tam giáo.

Chiêu Minh vương là người ưa bàn đến việc bình trị, việc dân giàu nước mạnh. Tuy thế, hai người cũng mới chỉ giỏi về từ chương, đạo lý chứ chưa kinh qua việc đời nhiều lắm. Chiêu Minh vương vẫn muốn lưu Bạch Liêu làm thượng khách để khi nào thuận tiện sẽ tiến cử Bạch Liêu về Thăng Long. Ông nghĩ người tài như Bạch Liêu đâu phải có nhiều, dùng được họ sẽ làm mạnh thế nước, không dung họ là có tội với nước. Người tài đức là động lực thúc đẩy sự tiến hóa xã hội chứ không phải là vật trang sức. Vì vậy Quang Khải một lòng thuyết phục Bạch Liêu ra giúp đời.

Lại nói công việc ở Thăng Long, trước đây nhà Nguyên đòi cống nho sĩ, thầy thuốc, người giỏi âm dương, bói toán, các loại thợ mỗi thứ ba người cùng nhiều đồ trân quý. Vua Thái tông sai đưa các đồ trân quý sang cống, nhưng không nộp đủ như họ đòi. Còn người thì không đưa sang một người nào, cũng không xin bãi bỏ mà cứ lờ đi coi như không có chuyện đó.

Hốt-tất-liệt lại có chiếu thư đòi ta phải cống voi. Vua Thái tông gửi biểu sang trần tình: “… Theo ý bệ hạ muốn vật cống lần này là mấy con voi lớn. Loài thú ấy thân hình to lắm, chỉ hai con cùng đi là chật đường của hai xe tứ mã, chúng bước đi rất chậm chạp chứ không như ngựa bên thượng quốc.

Xin tuân sắc chỉ, đợi đến năm tiến cống sau sẽ đem dâng…”.

Hốt-tất-liệt sai Nậu-lạt-đình (Nu-rut-đin) tới Thăng Long giữ chức Đạt-lỗ-hoa-xích. Y ra sức thăm dò biết được nhà Trần cấm người trong nước không được giao thương và cả giao đàm với những thương nhân Hồi Hột liền tâu về nước.

Hốt-tất-liệt gửi chiếu thư trách vua ta và áp đặt sáu điều:

– Quân trưởng (nhà vua) phải vào chầu.

– Con em phải sang làm con tin.

– Kê biên dân số.

– Phải chịu quân dịch.

– Phải nộp tô thuế.

– Vẫn đặt chức Đạt-lỗ-hoa-xích.

Nhà vua biết chỉ nhận một trong sáu điều này coi như nước đã mất chủ quyền. Nếu nhận cả sáu điều cũng có nghĩa ta là thuộc quốc của nước Nguyên. Trước đây tạm thời nhận cho nhà Nguyên đặt chức Đạt-lỗ-hoa-xích với mong muốn là hạn chế sự đi lại của nó, hạn chế sự ngó dòm của nó vào nội tình nước ta.

Tuy vậy, Nậu-lạt-đình ngày càng soi mói, hống hách, ta bèn mua chuộc nó bằng bạc vàng, châu ngọc để y tâu báo trung thực các điều mà vua ta nhũn nhặn thoái thác.

Hơn nữa lúc này Hốt-tất-liệt vẫn chưa chinh phục hết phần đất mà em trai y đang chiếm giữ và ra mặt tranh ngôi Đại Hãn với y, nên với nước ta y vẫn còn nương tay, tuy sức ép ngày một gia tăng.

Để lo đối phó với người Nguyên, Trần Thánh tông đã cho biên chế lại quân đội. Cứ tám mươi người cho làm một đô, ba mươi đô làm một quân. Tổ chức các sắc quân như bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh ngày đêm luyện tập. Vua phong cho các em như Trần Ích Tắc làm Chiêu Quốc vương, Trần Nhật Duật làm Chiêu Văn vương. Triệu Chiêu Minh vương Trần Quang Khải ra Thăng Long thăng làm Tướng quốc thái úy[100], tóm giữ việc nước.

Phong cho anh trai là Trần Quốc Khang làm Vọng giang phiêu kỵ[101] đô thượng tướng quân, sai ra coi châu Nghệ An thay Trần Quang Khải mới về triều.

Vua cũng xuống chiếu đốc thúc các vương hầu phải nhanh chóng lập các đội phủ binh và phải được huấn hỗ cho thiện xảo.

Trong số các phủ binh thì Trần Hưng Đạo có số quân đông nhất, quân của ông bằng non nửa số quân của triều đình. Hưng Đạo ngày đêm cho quân tập ráo riết. Ông cũng ra sức kèm các gia tướng, gia thần mưu dùng vào việc hưng thế nước.

Bữa nọ có việc Trần Thánh tôn phải về Thiên Trường vào cung Trùng Quang ra mắt thượng hoàng.

Thấy con về bất chợt, lại nom sắc diện như có điều gì đang nghĩ ngợi, thượng hoàng bèn hỏi:

– Hoàng nhi, con về thăm cha hay có việc quốc gia trọng đại cần tâu báo?

– Bẩm phụ hoàng, trước hết con về vấn an phụ hoàng, sau đó tâu báo điều cơ mật mà hiện lòng con hết sức băn khoăn.

– Vậy chớ có điều gì khó xử con nói ta nghe? Thượng hoàng Thái tông giục.

Thánh tôn đưa mắt nhìn vào mọi góc khuất của cung thất lại nhìn ra ngoài hành lang xem đám nội nhân còn kẻ nào lẩn khuất thì đuổi ra hết. Yên tâm khi chỉ còn có hai cha con, nhà vua mới tâu:

– Bẩm phụ hoàng, có kẻ mật báo Quốc Tuấn ra sức gom quân rèn quân thâu cả ngày đêm, tích chứa lương thảo nhiều không biết đâu mà kể, lại mộ những kẻ có tài văn võ dùng làm gia thần, gia tướng. Con sợ Quốc Tuấn sinh lòng mà manh động thì nguy cho xã tắc.

Suy ngẫm giây lát thượng hoàng lắc đầu nói:

– Quốc Tuấn là người tận trung với nước. Thấy thế nước lâm nguy, Quốc Tuấn xả thân vì nước. Con chẳng thấy mấy lần con ban chiếu dụ hối thúc các vương hầu phải lập các đội gia binh, phủ binh hùng mạnh đó sao. Quốc Tuấn làm như vậy chẳng phải là nghiêm cẩn thụ chiếu đó sao. Con bất tất phải lo ngại. Kẻ nào tâu với con điều đó, ta ngờ cái tâm nó không được trong sáng. Bỗng đôi tròng mắt thượng hoàng vụt sáng lên. Với vẻ dường như là bí ẩn, nhà vua nói nhỏ vào tai Trần Thánh tông: “Vương nhi! Ta e điều này phao từ miệng người Nguyên. Bởi họ cài cắm nội gián vào hàng ngũ của ta khó mà lường được”. Nhà vua lại vỗ vỗ tay lên vừng trán: “Có thể đây là mưu chia rẽ tình cốt nhục, giặc định phá ta từ bên trong không chừng”. Chợt thượng hoàng hỏi:

– Việc này Quang Khải biết chưa?

– Tâu phụ hoàng, con đã cho Khải biết rồi.

– Con nhớ việc này phải giữ thật kín nhẹm chớ hở ra ngoài mà nguy khốn. Nếu anh em chia lòng, giặc chưa cần đánh ta đã tự tan. Quốc Tuấn có tài dạy quân, có tài cầm quân trăm vạn, sinh thời Thái sư quốc phụ thường răn ta trước sau cũng phải trao cho Quốc Tuấn quyền thống lĩnh toàn quân thì mới có thể kình chống được với giặc dữ Nguyên – Mông[102]. Ta chắc quốc phụ cũng từng răn con như vậy.

Nhìn thẳng vào mắt con, thượng hoàng hỏi tiếp: – Hoàng nhi, trong lòng con có gợn điều nghi ngại gì về Quốc Tuấn không?

Vua Thánh tông cứ thực lòng tâu:

– Bẩm phụ hoàng, Quốc Tuấn đúng là người hiền tài, thượng phụ thường khuyên con phải trao trọng trách cho anh ấy. Từ trước, con chưa bao giờ bận tâm đến việc Quốc Tuấn có thể chia lòng. Nhưng từ khi có tin nói Quốc Tuấn trong tay nắm một đội quân quá lớn lại huấn dạy rất thiện xảo, với tài làm tướng như vậy chỉ cần Quốc Tuấn lật bàn tay là triều đình nghiêng đảo. Bởi thế dù con không muốn nghĩ sự việc nó vẫn cứ hiện ra. Phụ hoàng dạy con phải làm gì?

– Con không phải làm gì cả. Con và Quang Khải phải quên nhanh việc này đi. Cái việc cần làm nhất trong lúc này là tăng cường sức quân, nuôi vỗ sức dân, tất cả đều quy về việc phải bằng mọi cách: Giữ lấy nước. Muốn giữ được nước thì phải lấy nước làm trọng, mọi mối hiềm nghi, mọi nỗi bất hòa đều phải dẹp bỏ. Mọi người phải tin vào nhau, phải đồng tâm nhất trí coi việc giữ nước là việc thiêng liêng tối thượng. Giặc đến, mỗi người dân là một người lính, muôn người như một, quyết giữ lấy giang sơn thì không một kẻ thù nào xâu xé nổi.

Trần Thánh tông ngước nhìn vua cha:

– Tâu phụ hoàng con xin tuân mệnh.

Thượng hoàng lại căn dặn:

– Con đã đủ khôn ngoan để điều hành việc nước, lại có cả tả hữu phụ bật cùng hai ban văn võ giúp rập, nên từ nay ta sẽ chuyên tâm vào việc trước tác và tu tập. Ta chỉ về triều hoặc tham gia bàn bạc khi có việc quốc sự quan yếu. Còn đối sách với nhà Nguyên thì cương, nhu tùy việc. Thế của ta hiện nay không thể cương được, nhưng nhu là để nhu hòa chứ không phải nhu nhược. Nhu nhược kẻ kia sẽ lấn, thể diện quốc gia vì thế cũng khó bảo toàn. Hơn nữa, bậc quân trưởng một khi đã để mất quốc sỉ, thì người dân sẽ không còn tin vào triều đình nữa, từ đó dân sẽ sống nhút nhát, hãi sợ ngoại bang. Tới lúc đó muốn vực thế nước lên là muôn khó, bởi cái khí tiết của một nước đã bị triều đình làm mất đi rồi.

Thái tông nhìn con với vẻ cảm thông và cả phần tin tưởng, ngài lại nói: – Thôi con về triều đi. Có việc gì cần cứ sai sứ tìm cha, Thăng Long lúc này không thể vắng con được, dù chỉ một ngày.

Vua Thánh tông bịn rịn chia tay:

– Vì đất nước mà con không làm tròn được đạo hiếu, thực tình con không muốn xa phụ hoàng.

Thái tông nắm tay con dặn thêm:

– Con nên nhớ, lúc này con phải dùng đại trí để chuyển hóa thành đại hùng, đại lực thì mới giữ được nước.

Nhà vua dẫn con ra tới bậc thềm rồi đẩy vào vai:

– Thôi con về đi. Thăng Long đang cần con. Nói xong ngài ngoắt quay vào nội điện. Vua Thánh tông nhìn hút bóng cha vái ba vái.

Vua Thánh tông vừa về đến Thăng Long đã nghe tâu báo có sứ nhà Nguyên đến nhắc lại việc đòi voi và lễ cống vào năm tới. Nhà vua xem chiếu dụ của Hốt-tất-liệt xong liền phán bảo các quan:

– Các ngươi lo thu xếp quà cáp cho sứ đoàn, riêng chánh sứ có phần ưu hậu hơn, ta sẽ viết biểu phúc đáp mau chóng tống khứ chúng ra khỏi nước, để chúng không có thời cơ móc nối với bọn ngoại gián của chúng, và cũng không cho chúng dòm ngó sâu vào nội tình nước ta. Còn như chuyện giao tiếp với sứ cứ nên thoải mái, chúng hỏi gì nói ấy, nói cho chúng biết những điều chúng muốn biết nhưng lại chẳng ích gì cho chúng, còn sự thật phải giữ cho kín nhẹm.

Trong thư phúc đáp nhà Nguyên, vua Thánh tông viết:

“… Sứ đến nói việc đòi voi. Trước vì sợ trái chỉ nên không dám nói thẳng là theo hay không theo chứ thật ra tượng nô không chịu rời nhà nên khó sai họ đi. Hơn nữa, voi cũng không chịu đi khi không có các nài voi là người huấn dạy nó đi theo. Lại như việc đòi nho sĩ, thầy thuốc và thợ thì khi bồi thần nước tôi là bọn Lê Trọng Đà, Đinh Củng Viên vào bệ kiến gần uy quang trong gang tấc cũng không nghe chiếu dụ gì đến việc ấy. Huống chi từ năm Trung thống thứ tư (1263)[103] đã được đội ơn tha cho, nay lại nghe nhắc đến, xiết nỗi kinh ngạc…”

Nhà Nguyên lo sợ các viên Đạt-lỗ-hoa-xích bị nhà nước Đại Việt mua chuộc nên luôn luôn thay đổi. Ví như trước đây cử Nậu-lạt-đình (Nu-rút-đin) thì nay cử Khu-rung Kha-y-a (Qurung-Qaya) làm Đạt-lỗ-hoa-xích, Trương Đình Trân làm phó. Chắc là Nu-rút-đin lúc đầu hay soi mói tâu báo các việc nước ta chậm hoặc không đáp ứng các yêu sách của người Nguyên, nhưng sau lại có vẻ cảm thông hoặc đứng ra biện hộ, khiến bị ngờ vực có sự mua chuộc của Đại Việt nên có mệnh này.

Trương Đình Trân vào Đại Việt cũng vừa lúc thượng hoàng Trần Thái tông mới ở Thiên Trường về Thăng Long, vua Thánh tôn liền mời vua cha cùng tiếp sứ.

Sau vài lời thăm viếng xã giao, Trương Đình Trân bèn nói:

– Ta vâng mệnh thiên tử trao chiếu thư cho nhà vua. Thượng hoàng Trần Thái tông liền sửa mũ, áo cho nghiêm chỉnh rồi nói:

– Trẫm sẵn sàng thụ chiếu.

Trương Đình Trân liền đặt chiếu thư vào hai tay nhà vua. Vua nhận chiếu xong liền đặt lên án thư rồi lui về chỗ ngồi.

Trương Đình Trân trố mắt nhìn với vẻ kinh ngạc. Y nói giọng hách dịch với lời lẽ mạn thượng:

– Nhà vua sao dám vô lễ, nhận chiếu thiên tử mà không quỳ lạy.

– Ông phó sứ hãy ăn nói thận trọng. Ta làm theo phong tục của nước ta.

– Phong tục của An Nam không có giá trị với thiên tử.

– Ông chỉ ăn nói hồ đồ, ta mà tâu việc này lên thiên tử, chẳng hiểu ông có còn giữ nổi cái đầu ở trên cổ nữa không. Ông há không biết năm Trung thống thứ tư, Thiên tử đã có chiếu dụ nước ta rằng: “… Phàm các việc lễ nhạc, phong tục đều vẫn theo lệ cũ của bản quốc không cần thay đổi…”.

Trương Đình Trân phản bác:

– Đây là lễ của vua chư hầu đối với thiên tử, sao lại đem phong tục ra đây mà bàn.

Vua Thái tông ôn tồn giảng giải:

– Thì cứ cho là lễ như ông hiểu, thế ông không hay lời chiếu viết: “Phàm các việc lễ nhạc… vẫn theo lệ cũ của bản quốc…” sao? Nhân đây ta cũng cảnh báo cho ông chớ có hàm hồ lộng ngôn, nước ta chỉ là nước phên dậu chứ không phải nước chư hầu. Vậy là cả lễ nghi lẫn phong tục của nước ta từ xưa đều không có việc phải lạy chiếu thư.

Đuối lý, nhưng Trương Đình Trân vẫn đe:

– Được, ta sẽ tâu việc này lên thiên tử.

Vua Thái tông đáp lại:

– Thiên tử đã có chiếu dụ ta từ mấy năm trước như ta vừa nói đó. Nếu ông dám tâu lên, ta e rằng ông sẽ bị ghép vào tội khi quân. Đi sứ mà không làm tròn sứ mệnh, chắc ông biết mình mắc tội gì rồi.

Trương Đình Trân vặn lại:

– Ta biết nhà vua dám kháng mệnh thiên tử vì còn kết thân với nhà Tống, mong cầu sự trợ giúp của cây gỗ mục đó chứ gì.

Vua Thái tông nhìn thẳng vào mặt Trương Đình Trân với hàm ý khinh bỉ. Đoạn vua nói:

– Ông phó sứ nên biết, quan hệ với nước nào dưới gầm trời này là quyền của chúng ta, không kẻ nào có quyền áp đặt hoặc dạy khôn cho ta. Ta vẫn tưởng ông là người Hán, mang danh hảo hán, hóa ra ông mang dòng máu Mông Cổ mà ta không được biết.

Trương Đình Trân vẫn ngông ngạo giọng kẻ cả:

– Nhà vua nên giữ mồm giữ miệng. Ta biết An Nam vẫn hòa hiếu với người Tống, tưởng có thể cứu nhau lúc nguy cấp. Nhưng có biết đâu hiện nay cả trăm vạn quân của thiên tử đang vây kín Tương Dương, một cánh chim cũng khó bay lọt, chỉ sớm tối là hạ thành, dồn quân qua sông, lật đổ kinh đô nước ấy dễ như bẻ cành củi khô, thế mà nhà vua còn dựa vào nơi bờ bể, cậy là môi với răng, tự tôn tự đại. Nếu tâu lên hoàng đế, oai trời khẽ động, thì chẳng cần gọi quân ở xa, mà với mười vạn quân Vân Nam, chỉ hơn một tháng là đến sẽ biến vương miếu thành gò hoang, vương dinh thành bãi cỏ chẳng khó khăn gì.

Trước thái độ láo xược của Trương Đình Trân thượng hoàng Trần Thái tông cố giữ bình tĩnh nói:

– Sứ thần nên biết, kẻ nào dám xúc phạm đến miếu đình, xã tắc của ta, thì chính nó là kẻ thù của ta đó. Đừng tưởng mình là sứ nước lớn muốn mạn xược thế nào cũng được đâu. Nước lớn gì mà tham lam đòi cả từ cái sừng tê.

– Đúng! Ta là sứ nước lớn nhẽ ra phải tiếp ta với lễ của bậc vương nhân, thế mà nhà vua chỉ tiếp ta như tiếp một sĩ đại phu. Còn như tê, tượng là các ông cống thiên tử chứ. Đã cống sao còn kể nữa.

– Ta tưởng nước mà ông thờ cũng có lễ luật như nước Trung Hoa chứ. Nếu đã có lễ tại sao ông chỉ giữ chức quan triều liệt, còn ta là vua của một nước mà cũng đòi ngang lễ với ta, từ cổ xưa chưa từng có chuyện này.

Trương Đình Trân nổi khùng nói bậy:

– Ta thật không hiểu nổi lũ nam man các ông.

Trước cung cách hỗn hào của sứ giả, vua Thánh tông liền tâu với vua cha:

– Xin phụ hoàng về cung để con nói chuyện với tên Hán gian này.

Thượng hoàng vừa đi khỏi, vua Thánh tông liền trỏ mặt Trương Đình Trân mắng:

– Ngươi là một kẻ không có chút chi gọi là liêm sỉ. Đang tâm bán nước làm tay sai cho người Mông Cổ lại còn vênh vang lên mặt. Nước ta tuy nhỏ nhưng dám chống lại sự xâm lăng của người Mông Cổ năm Đinh Tỵ mới đây, chắc ngươi biết.

– Ta biết, Trương Đình Trân cứ trân trân cái mặt nói tiếp: – Nhưng sau đó các ông phải triều cống người Mông Cổ chứ đâu dám chống lại họ.

– Đó là ta giữ tình hòa hiếu chứ không muốn can qua.

– Các ông đừng có khoe mẽ, một khi đại quân của thiên triều kéo sang cha con nhà vua dù có muốn xin hàng cũng không được nữa, và dân Giao Chỉ của nhà vua, ta chắc không còn một mống nào sống sót.

– Quả đúng như ông nói, nếu quan lại của ta là những loại bán nước cầu vinh, cam tâm làm chó săn cho giặc như Tần Cối trước đây hoặc giả những loại như thừa tướng Giả Tự Đạo và Trương Đình Trân bây giờ, tất nhiên phải có cả những bậc vua ngu tối như Tống Khâm tông đã tự hạ mình chấp nhận sự đòi hỏi của hoàng đế nhà Kim, tôn vinh y là bá phụ và thường niên triều cống tới mấy chục vạn lạng bạc vàng và mấy trăm ngàn tấm lụa, và cả Tống Độ tông ngày nay cũng vậy. Việc duy nhất Độ tông và Giả Tự Đạo có thể làm được là hãm hại những người yêu nước dám xả thân cứu nước, và liên tiếp ký các hàng ước cắt đất cầu hòa. Trong lịch sử cổ kim, ta chưa từng thấy một nước nào vua tôi lại bạc nhược hèn yếu như triều đại cha truyền con nối của nhà Tống các ngươi. Ta không tin đó lại là truyền thống Trung Hoa. Nước Trung Hoa văn hiến, dân Trung Hoa quật cường, ta chắc họ không cam tâm chịu nhục như lũ các người đâu.

Vua Thánh tông nhìn thẳng vào mặt tên sứ giả nói với vẻ khinh bỉ. – “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”. Lời dạy của thánh hiền, các người cứ ra rả hót, thế mà khi hành xử lại không bằng kẻ thất phu. Thiết nghĩ, nếu ngươi còn chút liêm sỉ cuối cùng của loài cửu khiếu thì tự cắn lưỡi mà chết hơn là nhơn nhơn lên giọng dạy đời.

Trương Đình Trân lồng lên như một con thú bị săn đuổi đến bước đường cùng. Y thò tay nắm đốc kiếm toan hành hung.

Vua Thánh tông bình thản lườm y và quát:

– Quân đâu!

Lập tức quân cấm vệ bốn phía ùa vào lột hết các khí cụ trong người hắn. Và khám xét, tước hết khí giới tùy thân của đám tùy tùng trong sứ đoàn.

Vua dụ đô tướng đô cấm vệ:

– Các ngươi đưa nó về giam lỏng trong nhà công quán. Không cho nó ra ngoài, không cho tiếp xúc với viên chánh sứ và mấy kẻ tùy tùng. Hãy cho nó biết thế nào là khí tiết Đại Việt.

Hai vệ sĩ bàn tay cứng như kìm thép nắm hai cánh tay Trương Đình Trân kéo đi. Y la hét chửi bới không tiếc lời. Nhưng y càng chửi bới tục tằn, hai gọng kìm càng siết chặt hai cánh tay y, tới mức há hốc mồm mà không la được thành tiếng y mới chịu câm họng.

Về nhà công quán, y được sắp xếp ở trong một căn nhà ba gian hết sức sang trọng, thức ăn thừa mứa không thiếu một thứ gì ngoài rượu và các thứ nước sạch có thể uống được. Bữa thứ nhất y ăn ngon lành. Sang bữa thứ hai y đòi ăn thêm canh và nước uống. Nhà bếp tăng thêm các món ăn xào nấu thơm ngon nhưng vẫn không có canh, còn nước uống được lấy từ bến tắm trâu ngầu bùn và mùi tanh hôi đến lợm giọng.

Trương Đình Trân khát đến khô cháy cả cổ họng, y vẫn không dám đụng đến thứ nước bẩn thỉu kia và y cũng bỏ luôn cả cơm không dám ăn vì sợ khát. Y nói với mấy người ra vào phục dịch:

– Đồ man di, cho ta uống nước giếng! Trên thế gian chưa có nước nào dám tiếp sứ giả thiên triều như vua tôi nhà các ngươi.

– Kẻ kia hãy giữ mồm giữ miệng, nếu không ta sẽ sai người nhổ hết không còn một cái răng ở miệng ngươi đâu. Ngươi đòi quốc vương ta phải tiếp ngươi với lễ vương nhân, đó chẳng phải là lễ vương nhân dành cho bọn chó săn sao?

Sau ba ngày không được uống nước, Trương Đình Trân gần như đã kiệt sức, y không la hét, không dám nói bậy nữa mà chỉ nài nỉ:

– Ta không cần ăn, chỉ cần cho ta uống nước giếng là đủ.

Đáp:

– Ở nước tôi một khi đã ghét nhau thì người ta bỏ thuốc độc xuống giếng, uống vào chết liền.

– Cứ cho ta uống, chết ta chịu.

– Không thể dễ dàng như vậy được. Nếu sứ muốn uống nước giếng có thuốc độc phải tự mình viết tờ cam kết với nhà công quán. Sau đó chúng tôi phải làm tờ trình lên thượng cấp, chờ vài ba ngày… sau đó có phúc đáp cho hay không cho thì mới biết. Nhưng trước hết phải có biểu tạ lỗi với quốc vương ta và rút lại các lời hỗn hào xúc phạm.

Trương Đình Trân không còn đủ sức đối đáp nữa. Y lịm đi. Trong cơn khát bỏng họng, chập chờn nửa mơ nửa tỉnh, y có phần ân hận vì dựa thế Hốt-tất-liệt đã đi quá xa cương vị của một sứ thần. Vả lại ta là người Hán làm việc quá mẫn cán cho người Mông Cổ, kẻ kia không chịu được ta mạt sát, nên đã xúc phạm lại ta. Bây giờ mệnh ta nằm trong tay họ. Đúng là bọn này ghê gớm. Năm Đinh Tỵ (1257) Vân Nam vương đã ba lần cử sứ đến dụ. Chắc sứ cũng hống hách xúc phạm, nên cả ba lần sứ đến đều bị giam giữ, tới khi đại quân đánh vào Thăng Long thì một người đã bị trói chết gục, còn hai người kia cũng đã kiệt sức. Chết như thế thật uổng. Nói cho cùng thì người Mông Cổ cũng có tốt gì với người Hán đâu, hiện nay hơn ba chục vạn quân đang vây chặt Tương Dương. Diệt xong Tương Dương họ sẽ kéo về đánh phá Lâm An, bắt Tống Độ tông nữa thì nước Trung Hoa của ta phải quỳ gối. Muốn nói gì thì nói ta cũng phải thừa nhận người Giao Chỉ họ kiên cường. Vừa nghĩ tới đây thì Trương Đình Trân lịm ngất đi.

Viên quản nhiệm nhà công quán sai người đổ cho y ba chén nước giếng, Trương Đình Trân mở bừng mắt đòi uống nữa. Viên quản nhiệm xua tay lắc đầu, mọi người lui ra. Ông ta nhắc:

– Ta cấm các ngươi không được lén cho y uống nước nữa. Bây giờ mà y uống nhiều vào là chết đấy.

Sau khi nhận được thư tạ lỗi của Trương Đình Trân, vua Thánh tôn cử tướng quốc thái úy Trần Quang Khải tiếp sứ. Mọi việc tướng quốc được quyền quyết. Nhà vua chỉ xuất hiện khi tiếp chiếu của vua nhà Nguyên, còn sứ thần chỉ được gặp vua ta khi việc có quan hệ tới hai nước mà tướng quốc thấy không đủ thẩm quyền. Làm như vậy để sứ giặc biết dù chúng là sứ của nước lớn nhưng không phải chúng muốn gì cũng được, muốn gặp ai cũng được.

Tướng quốc thái úy là người thông thạo không chỉ tiếng Trung Hoa, mà còn am hiểu lịch sử các nước, kiến văn quảng bác, phong thái điềm đạm mà cương dũng có thừa. Sau một thời gian tiếp hai viên chánh phó sứ, chúng đã có phần nể trọng. Chánh sứ Khu-rung Kha-y-a đòi gặp mấy nhà buôn Hồi Hột mà y chỉ đích danh.

Tướng quốc đáp:

– Một người vì buôn bán thua lỗ nên đã rời khỏi nước tôi cách đây vài ba năm. Trong sổ bộ của chúng tôi còn ghi rõ. Nhà cửa của họ đã sang tay cho người khác. Còn một người nữa đã chết cách đây từ hơn một năm, gia đình vợ con họ cũng bán đồ đạc đi khỏi nước tôi sau đó.

– Ông tể tướng có thể cho tôi đi xem các căn nhà xưa của mấy nhà buôn Hồi Hột được chứ? – Viên chánh sứ hỏi.

Tướng quốc Trần Quang Khải đáp:

– Ông chánh sứ có thể đi bất cứ lúc nào tôi sẽ cho người dẫn. Tuy nhiên, ông không tìm thấy dấu vết của người Hồi tại đó. Vì rằng tôn giáo của họ không phù hợp với tôn giáo nước tôi, nên chủ mới của căn nhà bài trí theo tôn giáo và phong tục của nước mình.

– Vậy ông tể tướng cho tôi đi xem ngôi mộ của người Hồi chết được chứ.

– Điều đó dễ như tôi với ông chánh sứ đang uống nước đây. Mộ phần của ông ta được đắp điếm chu đáo, lại được con cái họ xây cất và đặt bia mộ trước khi rời Đại Việt.

– Tôi muốn khai quật ngôi mộ đó. – Viên chánh sứ đòi hỏi.

– Ồ, cái đó thì không thể được. Phong tục nước tôi không cho phép, dù người nằm trong huyệt mộ là người nước nào cũng vậy, một khi họ đã chôn cất ở nước tôi, họ sẽ được bảo vệ theo luật pháp và phong tục của nước tôi mà không có bất kỳ một ngoại lệ nào.

Viên chánh sứ cảm thấy thỏa mãn và y đòi đi bất kỳ đâu, hỏi han bất cứ điều gì đều được đáp ứng, có khi đáp ứng ngay tức thì. Nhưng y cũng tỏ ra thất vọng, vì y không thu thập được bất cứ điều gì mà y muốn. Còn viên phó sứ Trương Đình Trân cũng đã biết điều, hắn không dám hạch sách, hống hách nhưng lại hay gợi ý nay xin cái này mai muốn cái khác, về các đồ Trương Đình Trân tìm kiếm, mua rẻ hoặc xin được biếu, triều đình tỏ ra rộng rãi, y hết sức hài lòng. Ngay cả với tên chánh sứ, tuy y không đòi hỏi nhưng triều đình cũng tặng biếu đáng kể các đồ trân quý.

Phần của cải hai viên chánh phó sứ được tặng biếu khá nhiều nên chúng cũng muốn về nước sớm.

Biết ý đồ của sứ giặc, tướng quốc thái úy Trần Quang Khải dụ chúng vào các cuộc vui chơi và tiệc tùng thâu đêm suốt sáng.

Vừa mệt mỏi vừa muốn đem một đống của về nước, hai viên sứ giặc hẹn ngày lên đường.

Trước khi cho chúng về nước, tướng quốc mời riêng mỗi tên để tặng thêm vật quý nhưng đòi chúng phải ký vào một tờ giấy đã liệt kê các món đồ mà chúng được biếu tặng.

Tựa như kẻ cắp đã thành tinh, đứa nào cũng chối không chịu ký. Trần Quang Khải làm yên lòng chúng:

– Những đồ này nằm trong kho khố vật của triều đình, nếu ông không ký nhận tức là viên thủ kho sẽ bị chém bêu đầu vì các đồ trân quý bị mất không có sở cứ. Giấy này viên thủ kho giữ để làm bằng chứng, về sự trong sạch của y chứ không có ý gì phiền phức cho quý ngài đâu.

Tướng quốc nói như vậy cũng có nghĩa là nếu khách không ký nhận thì các món đồ kia không thể đem ra khỏi Thăng Long, không thể đem ra khỏi Đại Việt.

Chỉ một chữ ký để đổi lấy đồ vật trị giá ngang với cả ngàn nén vàng, nên chánh phó sứ chẳng tên nào dám cứng lòng thờ chúa nữa.

Trong tiệc yến tiễn hai sứ giả trước khi rời Thăng Long, vua Trần Thánh tông đến dự và có làm thơ tiễn biệt. Hai viên chánh phó sứ mỗi người cũng lưu bút một bài thơ.

Chánh sứ Khu-rung Kha-y-a không thạo âm luật Trung Hoa nên thơ của ông không thể gọi là thơ được. Còn Trương Đình Trân thì bẽ bàng vì cách ứng xử của y nên đã có sự căng thẳng đáng tiếc, vì vậy thơ của y bạc nhược vô hồn.

Khi tướng quốc thái úy tiễn sứ đoàn sang tới trại Bồ Đề, Trần Quang Khải kéo tay Trương Đình Trân đi chậm lại và nói nhỏ chỉ vừa đủ hai người nghe: “Quả là ông có để lại cho phụ hoàng và hoàng thượng ta nhiều điều bất như ý, nhưng vì ông đã có lời tạ lỗi nên lại được đối xử tốt như ông đã thấy. Ngay cả quà cáp biếu tặng ông cũng là một tài sản đáng kể so với cuộc đời làm quan. Mong rằng ông sẽ nói những điều phải chăng về Đại Việt ta với Nguyên thế tổ. Nhược bằng ông bày vẽ đặt điều thì bút tích của ông tạ lỗi và ký nhận quà biếu buộc ta phải dâng lên thiên tử”.

Trương Đình Trân mặt tái mét. Y không ngờ các việc y làm lại là một bằng chứng chết người, trong lòng y lửa giận bừng bừng nhưng buộc y phải kìm nén lại và nói lời hứa hẹn: “Ta là bậc quân tử không nói hai lời, tướng quốc cứ yên tâm”.

Trần Quang Khải cười khẩy: “Ta cũng chỉ mong như thế”.

Đuổi khéo được sứ nhà Nguyên ra khỏi cõi, nhà vua họp triều quan và vương hầu bàn phải gấp rút lo việc vũ bị.

Vua nói:

– Vừa rồi sứ giặc vào nước giở thói càn bậy ta đã trừng phạt nên chúng hơi biết điều. Nhưng nguy cơ người Nguyên xâm lăng nước ta là không tránh khỏi. Nếu mai đây họ chinh phục xong nhà nam Tống thì sức mạnh của họ lớn tới mức khó lường. Vậy muốn tồn tại với tư cách là một quốc gia, ta không thể chỉ dựa vào phương sách dẻo mềm mà còn phải có sức mạnh. Nhưng sức mạnh ấy lấy ở đâu ra, ta mong các ông cứu xét. Ta cũng lưu ý các ông rằng đất nước ta đang bị giặc ngoài đe dọa từng ngày. Nếu muốn giữ tư cách là một con người có liêm sỉ thì ta hãy bàn kế chống lại nó. Còn như muốn sống yên thân phì gia cam tâm làm tôi tớ cho nó như loài khuyển mã thì ta lại bàn cái kế của loài khuyển mã.

Nhà vua nói xong những điều vừa nặng nề vừa đau xót khiến các quan ai nấy như được khơi dậy từ đáy sâu tiềm thức, cái mà ta gọi là lòng tự trọng và tính liêm sỉ của mỗi con người. Đó chính là huyệt đạo của lòng yêu nước.

Nhìn về phía tướng quốc thái úy, vua hỏi:

– Tướng quốc thái úy thâu tóm cả việc dân, việc binh khá cho các quan hay về thế nước, liệu có thể đứng được trước nguy cơ xâm lăng của kẻ thù khổng lồ này không. Nhưng trước hết, tướng quốc nên cho mọi người biết về sức mạnh Mông Cổ cùng sự thoi thóp của nhà nam Tống.

Tướng quốc Thái úy Trần Quang Khải bước ra khỏi ban vái nhà vua rồi nói:

– Tâu hoàng thượng, thưa các quan, các vương gia, hầu gia. Dưới gầm trời này hiện không có binh uy nước nào mạnh hơn nước Mông Cổ mà bây giờ họ đổi là nước Nguyên. Và năm ngoái Hốt-tất-liệt đã đánh bại em ruột của mình là A-lý Bất-kha thống suất đại binh lập ra nước Đại Nguyên và xưng đế. Đó là Nguyên Thế tổ. Đế chế Nguyên bao la, nay nó lại chinh phục tới ba phần tư cõi Trung Hoa. Nhà nam Tống sống thoi thóp với các kháng cự cầm chừng. Vua tôi Tống Độ tông ngu hèn, ngoài thì sợ quân Mông Cổ, trong thì loại bỏ các đại thần, các tướng lĩnh có lòng yêu nước dám gan góc chống lại quân xâm lăng. Những người yêu nước ấy sau khi bị biếm, bãi còn bị tống giam nơi ngục thất hoặc bị xử giảo. Quân triều đình thì hung hăng đàn áp nghĩa quân đang kiên cường kháng giặc để làm vừa lòng giặc, hòng mua lấy sự yên ổn giặc ban cho, dù thời gian chỉ là vài ba tháng rồi chúng lại giở giọng đòi hỏi đất đai hoặc vật tiến cống. Nhà nam Tống đã ký nhiều hàng ước cắt đất, lui quân, nay họ sắp bị quân Mông Cổ hất xuống biển đông rồi. Một khi nước Trung Hoa bị nhà Nguyên thống trị thì biên thùy phía bắc của ta không còn gì che chắn nữa. Cũng tức là ta phải đối mặt với nhà Đại Nguyên.

Nước Nguyên sẽ có thêm kho người, kho của mênh mông. Lũ Hán gian làm chim mồi, chó săn cho người Mông Cổ cỡ như Trương Đình Trân trở lên kể có hàng vạn. Bọn tay sai này là mối nguy không nhỏ cho ta, và chúng hiểu ta hơn người Mông Cổ. Thêm vào đó lũ thống trị có thể bắt cả triệu quân tân phụ[104] đi theo quân Mông Cổ tràn vào cõi bờ ta.

Nghe tướng quốc thái úy nói về sức mạnh của người Nguyên, cả triều đình im phăng phắc. Không hiểu trong suy tư, các quan nung nấu lòng căm giận ngoại bang hay đang ngấm ngầm sợ hãi nó. Ngưng trong giây lát, Trần Quang Khải lại tiếp:

– Tâu bệ hạ, thưa các quan, ta phải biết đầy đủ sức mạnh của giặc để có kế sách chống lại chúng chứ không phải để sợ chúng. Nói xong ông vái nhà vua và lui về chỗ.

Vua Thánh tông bèn dụ:

– Chư khanh, tình thế diễn biến sẽ đúng như tướng quốc thái úy vừa tâu báo. Vậy chư khanh thử bàn kế sách cự giặc, nếu như quân Nguyên xâm lăng cõi bờ ta. Thực tình, nếu chỉ so sánh lực của ta với lực của nhà Nguyên mà ta bàn kế chống lại họ thời chẳng khác đem trứng chọi với đá, tựa như châu chấu đá xe. Nào ta cứ bàn cho cạn nhẽ.

Ngự sử đại phu, thủy quân đại tướng Lê Phụ Trần xuất ban nói:

– Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu, hiện nay nước Nguyên quả là một nước mạnh nhất dưới gầm trời, nhưng chúng không thể cùng một lúc đem cả nước nó vào trận được. Vả lại những vùng đất mới chinh phục, quân chiếm đóng như ngồi trên đống lửa, bởi phải lo đối phó với đông đảo người dân không cam tâm làm nô lệ. Hơn nữa cuộc giao đấu giữa hai anh em nhà Hốt-tất-liệt diễn ra khốc liệt trong bấy nhiêu năm cũng có nghĩa người Mông Cổ tự làm yếu sinh lực của họ đi nhiều lắm.

Lại nữa lính Mông Cổ không phải là thiên binh, ngựa Mông Cổ không phải là thiên mã, chứng cớ rành rành khi chúng vào xâm lấn cõi bờ ta năm Đinh Tỵ thời cả lính chiến, ngựa chiến Mông Cổ đều bị quân ta giết chết khá nhiều, cuối cùng chúng phải bỏ lại tất cả của cải cướp được mà tháo chạy. Và cũng chính năm đó, Hưng Đạo vương với số quân ít hơn nhiều đã phục đánh khiến quân Mông Cổ phải táng đởm kinh hồn. Còn như đối trận với đệ nhất danh tướng Mông Cổ là Ngột-lương-hợp-thai trong trận Bình Lệ Nguyên thượng hoàng cầm quân xông pha cản giặc gần một ngày trời chúng mới qua được sông. Và khi chúng kéo đại binh về chiếm đóng Thăng Long vừa được đúng bảy ngày thì thượng hoàng đem sáu quân tiến đánh, giặc thua phải bỏ kinh thành mà chạy trốn. Như vậy rõ ràng là quân Mông Cổ không phải là một thứ quân không thể đánh bại. Tướng Mông Cổ không phải là loại tướng không bại trận. Chung quy là người ta có dám đương đầu với nó hay mới chỉ nghe danh nó đã sợ cuống lên rồi tìm cách tháo chạy hoặc cắt đất cầu hòa và chịu cống nạp của cải cho nó như vua tôi nhà nam Tống. Và như hoàng thượng nói, ta đánh với Mông Cổ khác nào châu chấu đá xe. Nhìn bề ngoài thì quả thật là như vậy. Là tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng. Tướng quân hạ giọng rồi lui về chỗ.

Quan đại hành khiển thượng thư tả phụ Nguyễn Giới Huân xuất ban xin nói:

– Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu, nghe quan tướng quốc thái úy và quan ngự sử đại phu nói thì ta có thể đánh, và cũng có thể thắng quân Mông Cổ, miễn là ta gan góc, dám đánh.

Đúng vậy, nếu không đánh giặc ắt mất nước. Nước mất nhà tan. Đó không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi nhục nữa. Tuy nhiên, thần thấy sức mạnh của nhà Đại Nguyên thì không thể coi thường được, bởi nó còn cộng thêm cả sức mạnh của Trung Hoa vào đó nữa. Vì nghĩa lớn mà xả thân cứu nước, tấm thân này dẫu có mất đi cũng chẳng sá gì, thế nhưng còn sinh mệnh của muôn dân, còn tông miếu xã tắc thì sao? Xin bệ hạ cứ bình tâm, ta còn đủ thì giờ cứu xét.

Nghe Nguyễn Giới Huân nói vua Thánh tông không khỏi giật mình. Đúng là bỏ một tấm thân ta thì có chi đáng kể, nhưng còn tông miếu, xã tắc và sinh linh trăm họ. Nếu đánh mà không thắng ắt nó sẽ hủy hoại tông miếu, đó là điều ta lo ngại nhất. Lại nữa sinh linh trăm họ bị giặc tàn sát đó cũng là điều làm ta lo lắng nhất. Nghĩ vậy vua bèn hỏi thông thị đại phu Trần Phụng Công:

– Mấy năm trước, khanh sang sứ nhà Nguyên khanh thấy tận mắt thực lực của họ, liệu có đáng ngại lắm không?

Trần Phụng Công liền xuất ban:

– Tâu bệ hạ, hồi đó thần sang nước Nguyên nhưng thực ra nó là nước Đại Lý, chính là tỉnh Vân Nam của người Tàu do quân Mông Cổ chiếm được, Hốt-tất-liệt cho em trai mình làm Vân Nam vương ở đó. Cái nước Vân Nam ấy chưa có gì để nói lên thực lực của nhà Nguyên. Nhà Nguyên bây giờ nó mạnh đúng như tướng quốc thái úy vừa tâu báo với bệ hạ.

Tâu bệ hạ, về nhà Đại Nguyên và cả quân Nguyên, thần rất tâm đắc với lời tâu của ngự sử đại phu lão tướng Lê Tần, rằng nó chỉ quá mạnh khi đối thủ của nó chưa giao đấu đã sợ nó. Thần cho rằng có mấy việc nước ta phải cấp kỳ làm ngay:

– Một là chuyển dần các đầu mối ngoại gián từ khu vực người Tống sang khu vực người Nguyên. Bởi sự tồn tại của nhà Tống chỉ là ngày một ngày hai.

– Hai là như bệ hạ đã dụ, phải cấp kỳ lo việc vũ bị.

– Ba là phải làm cho mỗi người dân thấu hiểu nhẽ mất còn của nước, để họ có trách phận giữ nước. Khi mà cả nước đã muôn người như một, đồng tâm nhất trí thời đó là sức mạnh giữ nước không một thứ vũ khí nào có thể đánh bại được.

Nhập nội phán đại, đại tông chính Nhân Túc vương Trần Toản xuất ban xin nói:

– Tâu bệ hạ, thần được bệ hạ sai coi phủ tông chinh, thần chỉ xin nói gọn một điều. Một khi nước đã vào tay giặc, không khi nào chúng để cho tông miếu của nhà vua được yên ổn. Một khi nước đã vào tay giặc thì sinh linh trăm họ cũng nằm trong tay giặc, bệ hạ làm sao mà cứu được.

Vậy nên chỉ có giữ được nước thì mới giữ được tông miếu, mới có thể bảo vệ được sinh linh trăm họ.

Công bộ thị lang, trạng nguyên Nguyễn Hiền xuất ban xin nói:

– Tâu bệ hạ, việc vũ bị như bệ hạ dụ bảo, gồm có quân lính và vũ khí. Thần vâng mệnh đã cải biến xong nỏ liên châu, lại cũng vừa chế tác xong loại song sảo pháo, đang cho quân dùng thử. Thần cũng đang lo xong bản vẽ để đưa vào chế tác thử loại ngũ sảo pháo. Tâu bệ hạ, đây là những loại khí giới lợi hại để chống giặc, giữ nước, lũ thần sẽ đem hết sức lực và trí tuệ ra để phụng sự việc giữ gìn bờ cõi.

Nói xong, ông lui về chỗ. Nguyễn Hiền vốn ít nói. Ông chỉ nói những điều mình đã làm, còn những gì đang ấp ủ có biết chắc sẽ đạt thành tựu ông mới nói.

Tướng Lê Tần lại xin nói:

– Tâu bệ hạ, để hưng thế quân, thế nước, nhằm kình chống giặc dữ triều đình cần nhiều tài năng lớn. Chỉ có tài năng và sức trẻ cùng với lòng yêu nước cháy bỏng mới đảm đương được việc lớn. Nay thần tuổi đã cao, tài và sức đều cạn, xin bệ hạ hãy lấy chức thủy quân đại tướng của thần trao cho người khác. Nhân đây thần xin nói giặc đánh ta, thế nào chúng cũng dùng quân thủy phối với quân kỵ. Chắc chắn người Mông Cổ sẽ lấy quân thủy từ đám quân phương nam của người Tống đã quy hàng. Vì vậy ta phải lập ngay một đạo quân thủy hùng mạnh ngay từ bây giờ kẻo trễ.

Các tướng như: Hưng Đạo vương (Trần Quốc Tuấn), Chiêu Quốc vương (Trần Ích Tắc), Tĩnh Quốc vương (Trần Quốc Khang), Nhân Huệ vương (Trần Khánh Dư) cùng nhiều tướng trẻ khác cần được trao cho trọng trách điều hành việc nước, việc quân, xin bệ hạ lưu tâm.

Vua rất cảm kích về lòng trung và cả sự cao thượng của bậc lão thần mà vua cha đã gọi là Lê Phụ Trần. Tức người họ Lê phù giúp họ Trần. Ngay như công cuộc kình chống giặc Mông – Thát năm Đinh Tỵ, Lê Tần cũng rất mưu trí và cương dũng, vừa cản giặc vừa che chắn tên đạn cho thượng hoàng. Nghĩ vậy, vua liền dụ rằng:

– Ngự sử đại phu là người tài lại có nhân cách cao thượng, nếu vì tuổi già sức yếu không đảm đương trận mạc được thì khanh làm việc khác. Gừng già càng cay, người già nhiều mưu, khanh có thể dự nghĩ cho nước được nhiều việc lớn, khanh khuyên ta nên tìm kiếm người tài, trong khi chính khanh cũng là người tài đức mà đất nước đang cần, sao ta có thể để khanh hồi hưu được. Vả lại khanh đâu phải người ưa hưởng nhàn.

Nhìn khắp lượt các triều quan, vua Thánh tông lại nói:

– Nhân đây ta bố cáo một việc trọng đại mà triều ta mới làm được. Ấy là cách đây hơn mười năm, thượng hoàng có giao cho Quốc sử viện soạn bộ quốc sử. Hàn lâm viện học sĩ, giám tu quốc sử Lê Văn Hưu vâng soạn, nay đã xong. Lê Văn Hưu vừa có biểu dâng sách. Đây là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Để thượng hoàng nhã giám xong, ta sẽ cho nhân bản phát về cho các bộ, các khoa, các đô, đài, sảnh, viện đọc, ngõ hầu có điều gì cần bổ cứu vẫn còn kịp. Và từ nay trong các kỳ thi đại khoa, môn lịch sử sẽ lấy căn cứ từ bộ sử này mà ra đề.

Lại nhìn các quan, vua nói tiếp:

– Từ nay ta mới thật sự yên tâm, bởi một nước văn hiến mà quốc sử không được ghi chép rõ ràng là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, có điều này các khanh thử suy ngẫm xem. Bộ sử ký này Lê Văn Hưu soạn khởi từ Triệu Vũ đế kết ở Lý Chiêu Hoàng. Kết ở đây thì đúng rồi. Nhưng mở từ nhà Triệu, ta nghĩ hơi sái. Vì rằng cuối nhà Tần các hảo hán nổi lên tranh thiên hạ. Triệu Đà người Phúc Kiến nên tranh mấy tỉnh phía nam sông Trường Giang, ông ta sai quân kiêm tính nhà nước Âu Lạc, đô đóng tại Phiên Ngung[105], nay đền thờ ông ta vẫn ở Phiên Ngung. Xưa người Trung Hoa gọi các dân tộc phía nam sông Trường Giang là Bách Việt. Ví như tộc Việt ở Triết Giang, tộc Mân Việt ở Phúc Kiến, tộc Dương Việt ở Giang Tây, tộc Nam Việt ở Quảng Đông. Còn như Âu Việt với Lạc Việt chính là nước ta hiện nay. Nhưng trong lịch sử chưa bao giờ Âu Việt, Lạc Việt thuộc về Trung Hoa mà chỉ do họ cậy sức chiếm lấy rồi nhận xằng làm đất của họ. Vậy việc này theo ta phải xem lại, nếu không xét cho thấu đáo sẽ để di họa và cả di hận cho con cháu mai này.

Nhà vua tỏ vẻ hài lòng, nhìn các quan giục:

– Các khanh bàn tiếp cho ra nhẽ để triều đình có quốc sách lâu dài cho thế nước. Nếu không muốn sống quỳ, không chịu khuất phục ngoại bang, thì phải có sức mạnh mới chống lại được nó, mới giữ được giang sơn nòi giống.

Vua Thánh tông vừa dứt lời, tướng quân Trần Hưng Đạo liền xuất ban. Hưng Đạo năm nay trạc ngoài bốn mươi tuổi. Ông có gương mặt chữ điền, cặp mắt sáng, lông mi dài, rậm tam đình ngũ nhạc cân đối, phong thái điềm đạm, uy nghi. Dáng người to, cao, tay dài. Ông bước đi khoan thai tựa như ông vừa đi vừa nghĩ một điều gì đó. Vương dừng bước trước bục án thư vái nhà vua hai vái, quay lại vái các đồng liêu một vái rồi nói:

– Tâu bệ hạ, các quan nói đã cạn nhẽ, xin bệ hạ thâu lấy những điều ích lợi nhất ban thành chính lệnh, thần chỉ xin tâu báo đôi điều mà thần đã suy nghiệm. Tâu, nhà Đại Nguyên một khi nó đã tóm thâu xong toàn xứ Trung Hoa, chỉ cần nó chấn chỉnh sự cai trị một vài năm thời nó có sức mạnh ngang trời đất, đúng như tướng quốc thái úy dự liệu. Tâu, nó có sức mạnh là một việc, nhưng nó có nuốt trôi được thiên hạ hay không lại là một việc khác. Nếu thiên hạ sợ nó, chỉ chờ nó đến để dâng thành nộp đất thì dẫu cả nghìn thiên hạ nó cũng nuốt chửng hết. Nhưng nếu thiên hạ gan góc chống lại nó thì hồ dễ nó đã làm gì nổi. Ví như năm Kỷ Mùi (1259) Đại Hãn Mông-kha đem tới mấy vạn quân đánh Hợp Châu (Tứ Xuyên) vây chặt thành Điếu Ngư. Một tòa thành nhỏ do tướng Vương Công Kiên trấn giữ. Thế mà quân Mông Cổ vây hãm tới sáu tháng không hạ nổi, cho tới tháng tám năm ấy Mông-kha trúng đạn tử trận, quân Mông Cổ phải bỏ thành tháo chạy.

Một tòa thành nhỏ bằng cái đấu đã cầm chân hàng vạn quân Mông Cổ quá nửa năm trời, lại còn giết được cả Mông-kha Đại Hãn tức là vua nước giặc. Thử hỏi, nếu Trung Hoa thành nào cũng là thành Điếu Ngư, tướng nào cũng là Vương Công Kiên thì vua tôi đâu có bị dồn đuổi nhục nhã như ngày nay.

Tâu bệ hạ, lo việc vũ bị trước hết nên lo việc dạy tướng, dạy quân có ý chí kiên cường kháng giặc mà thành Điếu Ngư và Vương Công Kiên chính là tấm gương sáng để ta noi. Tuy nhiên bệ hạ nên có kế sách để người dân ít nhiều đều có sản nghiệp, kịp khi giặc đến người ta có cái để mất thì người ta mới đem sinh mệnh ra để cố giữ. Một khi người ta không có gì để mất thì người ta cũng chẳng biết mình phải giữ cái gì. Khi người dân có chút sản nghiệp rồi, ta sẽ dạy dân lòng yêu nước, lòng dũng cảm, giữ nước cũng tức là giữ nhà vậy.

Nghe Hưng Đạo vương nói, nhiều người tỏ vẻ tâm đắc. Đó là cái gốc để giữ nước, nhưng khó thay, lấy đất đai đâu chia cho những người vô điền sản.

Vua Thánh tông cảm thấy nơi Hưng Đạo có nhiều chủ kiến làm hưng thế nước, nhà vua rất hài lòng. Ngài nói:

– Hưng Đạo quả là bậc đại trí, triều đình sẽ xem xét các điều bàn thảo hữu ích hôm nay để biến thành quốc sách giữ nước.