Chương 07

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Đêm khuya tịch mịch trong hậu tẩm, vua Thái tông sau giờ tọa thiền liền thắp bạch lạp. Hai ngọn nến trắng đặt trên hương án soi sáng cả căn phòng nơi hậu điện. Kể từ ngày hoàng hậu Thuận Thiên băng tới nay đã tám năm, nhà vua thường xao nhãng chuyện buồng the, mặc dù lũ trung quan (thái giám) cứ luôn luôn săn đón, dâng mời. Xao nhãng chuyện buồng the nhưng nhà vua lại say mê việc trước tác. Như đã thành thói quen khi gác lại các công việc, vua ngồi tọa thiền. Tọa thiền là để lắng chân tâm trở về với cõi vô thức, tức là xả bỏ hết thẩy, mọi sự từ sống chết, vinh nhục, ngôi báu, của cải, gái đẹp… tất thảy đều bằng không, đều là hư không ráo trọi.

Lạ thay, cứ sau mỗi buổi tọa thiền, vua Thái tông lại thấy đầu óc nhẹ nhõm, trí tuệ như vừa được khai minh, mọi ham muốn kể cả lòng dục cứ vơi vợi dần và đức thiện cứ ngày một tinh tấn, một tỏ sáng.

Nhà vua lững thững đi ra phía kệ sách. Suốt mấy mặt tường trong nội tẩm, sách chất như rừng. Bất chợt vua rút ra một tập sách mỏng kẹp giữa hai cuốn sách dày.

Nhìn bốn chữ tựa sách Lục độ tập kinh[47] như có một ma lực hút hết tâm trí nhà vua. Ngài mở ra đọc và càng đọc càng bị hấp dẫn. Đọc liền một mạch hết tập kinh, ngài tự vấn: – Người viết tập kinh này cách ta đã gần một ngàn năm, mà sao ta cảm nhận những điều trong kinh sách lại hao hao giống những điều bấy lâu nay ta hằng suy ngẫm.

Lục độ tập kinh chỉ ra sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát. Tức là:

– Bố thí.

– Trì giới.

– Nhẫn nhục.

– Tinh tấn.

– Thiền định.

– Trí tuệ.

Sáu hạnh Bồ tát này chính là con đường lý tưởng mà ta theo đuổi. Vua nhớ lại những ngày bỏ Thăng Long lên Yên Tử gặp Phù Vân quốc sư. Ngài khuyên ta cái đạo làm vua là phải “lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình”, phải “lấy cái tâm của muôn dân làm tâm của mình”. “Làm được như vậy chính là Bồ tát đấy, là Phật đấy, sao bệ hạ còn phải cầu tìm ở đâu?”. Suốt mấy chục năm nay, quyền bính về tay, ta đều hành hóa theo lời răn đó.

Quốc sư còn dặn ta lúc chia tay: “Nếu bệ hạ thực lòng hiếu Phật, ngoài việc chăm lo cho bách tính thì chớ nguôi quên việc kê cứu nội điển”.

Gà gáy dồn, trời rạng sáng vua vội tắt nến, ghé mình xuống long sàng chợp mắt.

Sáng dậy vua lấy tập trước tác đang viết dở dang, liền viết tiếp:

“Luôn làm bạo ngược, không nghĩ nhân từ. Giết hại bốn loài[48]; biết đâu một thể. Lỡ tay hay cố sát, mình làm hoặc sai người. Hoặc tìm thầy bùa đem về yểm đảo; hoặc làm thuốc độc, để hại sinh linh. Chỉ cốt hại nhân; không hề thương vật. Hoặc thiêu núi rừng; hoặc tát khe suối. Buông chài bủa lưới; đuổi chó thả chim…”[49].

Nội thị dâng trà buổi sớm, chưa kịp dâng bữa điểm tâm nhà vua đã lấy ngựa phi thẳng đến Giảng Võ đường, thấy Quốc Tuấn đang thị sát đám quân kỵ tập xạ kích. Nghĩa là cho ngựa phi nước đại rồi bắn tên thẳng vào bia cố định, hoặc ngoái người lại phía sau bắn vào bia di động.

Thấy quân lính luyện tập hết mình, vua lấy làm đẹp ý.

Quốc Tuấn không biết vua đang đứng gần đó quan sát. Bỗng có người đến thưa với Quốc Tuấn:

– Bẩm tướng quân, hạ cấp thấy một người cưỡi ngựa đứng xem ở đằng kia, nom hao hao như là hoàng thượng, nhưng không thấy có nghi trượng hoặc tùy tùng theo hầu.

Quốc Tuấn vội nói:

– Thế thì đúng là hoàng thượng rồi còn nghi gì nữa. Hoàng thượng vốn không thích nghi lễ rườm rà. Ngươi vào ngay trong quân doanh soạn sửa trà nước để ta ra rước mời hoàng thượng.

Theo phía tay chỉ của viên tướng thuộc hạ, Quốc Tuấn chạy bộ đến bên ngựa vái nhà vua hai vái và nói:

– Hoàng thượng ngự duyệt mà thần không được biết để làm lễ cung nghinh, thật là đắc tội.

Vua Thái tông xuống ngựa, Quốc Tuấn đỡ lấy dây cương liền trao cho một tên lính rồi mời vua vào trong quân doanh; thật ra đây chỉ là một chiếc lều cất tạm nơi bãi tập.

Vào trong trướng, vua hỏi:

– Có phải các sắc quân mà cháu đang muốn huấn hỗ ở đây đều là các đô tướng từ các nơi về?

– Tâu hoàng thượng, đúng như vậy. Họ học ở đây rồi về dạy lại cho quân mình.

Vua nhìn Quốc Tuấn tỏ sự hài lòng và với vẻ thân tình vua phán:

– Chỉ có ta với Quốc Tuấn, sao cháu cứ khách khí, cứ gọi ta là chú đi. Còn như tâu báo, hoàng thượng, bệ hạ là ở nơi triều chính kia.

– Đa tạ hoàng thượng gia ân.

– Lại hoàng thượng rồi, – vua cười vỗ vai Quốc Tuấn. Ngài hỏi:

– Nếu lúc này ta sai cháu đi trấn biên thùy, có ai thay được cháu vào việc huấn dạy này không?

– Dạ thưa chú, viên phó đô tổng quản của cháu có thể thay được, vả lại cũng sắp mãn khóa rồi.

Vua nhìn Quốc Tuấn để đo lường tính trượng phu, tài cân quắc và sự mưu trí, can trường. Suy đi tính lại như đã đủ độ tin cậy, Thái tông liền nói:

– Cháu có nghĩ rằng quân Mông Cổ sẽ tràn vào cõi ta không?

– Thưa chú, cháu nghĩ rằng chúng sẽ xâm lấn nước ta sớm hơn điều ta dự liệu.

– Ta cũng linh giác thấy điều đó. Ta đang nóng lòng chờ tin tức người của ta phái sang bên đó dò thăm. Nhưng để tránh khi việc xảy ra không kịp trở tay, ta muốn cử cháu đem thêm ba ngàn quân lên trên đó ngăn giặc từ xa. Năm trước đã cho Khuê Kình đem lên đó một ngàn quân để tăng viện cho biên thùy rồi. Cháu chỉ làm chậm bước tiến của nó chứ không thể đánh quỵ nó ngay được đâu.

– Thưa chú, cháu nghĩ là phải tản giặc ra, phải đưa nó về vùng rừng rậm, vùng sông nước mà đánh vào cái sở đoản của nó.

– Hay lắm! Vua Thái tông khen. Cháu ta mưu lược lắm. Khen thay thái sư có con mắt tinh đời. Trước đây chính thái sư bảo ta đưa cháu về Thăng Long học hành. Gần đây thái sư lại bảo: “Phải sớm trao quyền làm tướng cho Quốc Tuấn. Sớm muộn nó cũng là cây trụ vững chắc của nước, nó sẽ là bậc kỳ tướng đấy”.

Quốc Tuấn đỏ mặt vì ngượng rồi chắp tay vái nhà vua:

– Chú và quốc phụ quá khen, cháu đã có công lao, tài cán gì đâu.

– Ấy là chú và thái sư hy vọng mai này cháu sẽ được như vậy.

Quốc Tuấn lại hỏi:

– Thưa chú thế bao giờ thì cháu lên đường ạ?

Suy nghĩ giây lát rồi nhà vua dụ:

– Ta cho cháu năm ngày để lo việc nhà rồi lên đường có kịp không?

– Thưa chú, cháu chỉ muốn biết cháu được đem theo sắc quân nào đi. Còn như việc nhà, cháu không cần đến năm ngày đâu. Đây về ấp An Sinh đi ngựa chỉ già nửa ngày đường. Cháu xin ba ngày là đủ. Tăng sức phòng thủ cho vùng biên địa sớm được ngày nào hay ngày đó.

Vua Thái tông hết sức hài lòng vì Quốc Tuấn biết đặt việc nước trên việc nhà, biết lo xa cho thế nước. Vua nói:

– Nay mai cháu phải mở phủ ngay tại Thăng Long rồi đưa cả vợ con về, còn trang ấp cứ giao cho quản gia là được. Đem sắc quân nào đi cho tiện việc phân nhỏ ra đánh phục kích, đánh tập hậu quân giặc là tùy cháu lựa. Chú sẽ ban cho lệnh bài để cháu điều quân.

– Thưa chú, cháu chỉ xin đem quân cung nỏ đi theo, chứ tượng binh thì cồng kềnh, di chuyển chậm mà dễ bị lộ, lại như kỵ binh của ta thời không thể địch lại được với kỵ binh Mông Cổ, bởi chúng vừa đông đúc vừa thiện xảo.

– Chú cũng nghĩ vậy.

– Thưa chú, quân Mông Cổ từ bên Đại Lý vào nước ta ắt chúng đi đường bộ men theo triền sông. Nhưng có hai đường chúng có thể tiến quân: Một đường theo cửa Phú Lịnh, một đường theo cửa Thủy Vĩ rồi cùng gặp nhau ở ngã ba Bạch Hạc.

– Đúng vậy, giặc chỉ có thể đi hai đường ấy, nhưng ta ngờ rằng chúng vào cửa Thủy Vĩ là chính, nhưng chớ coi nhẹ phía cửa Phú Lịnh. Giặc có thể từ Phú Lịnh rồi qua ải Hà Dương mà vào. Nhưng nẻo nào thì chúng cũng đi đường bộ men theo tả hữu ngạn Thao Giang[50] rồi cùng hội quân ở Bạch Hạc lại men theo sông Phú Lương[51] rồi kéo về Thăng Long.

– Thưa chú, vậy thì chú cho phép cháu lên trên đó, xem xét lại địa thế, rồi tùy cơ cháu có thể chia quân nơi nhiều nơi ít. Ngay cả việc giấu quân trong rừng sâu để đánh tập hậu giặc, hoặc phối với binh Man phục kích đánh giặc trên từng chặng đường, khiến chúng phải hoảng sợ vì đi về nẻo nào chúng cũng bị quân ta cự chiến.

Vua Thái tông gật đầu tỏ ra bằng lòng với sự kiến giải của Quốc Tuấn. Tiếp đó vua dụ rằng:

– Phàm tướng đã ở ngoài biên thùy phải tùy nghi ứng xử, ngay cả lệnh vua cũng có thể không theo. Mọi quyền biến đều ở trong tay cháu. Có điều phải sẻn kiệm máu xương sĩ tốt. Phải coi sinh mệnh của sĩ tốt như sinh mệnh người ruột thịt của mình, như sinh mệnh của chính mình thì mới bảo toàn được lực lượng.

– Cháu xin tuân mệnh.

Sắp sửa ra về, nhà vua có vẻ phân vân liền hỏi:

– Ta nhớ không rõ lắm không biết có phải cháu sinh năm Tân Mão (1231) hay là năm Nhâm Thìn (1232) nhỉ?

– Dạ thưa chú, cháu tuổi Tân Mão ạ.

– Thế thì được, năm nay cháu xuất sư được lắm. Nói xong nhà vua đứng dậy ra về.

Quốc Tuấn tự dắt ngựa, trao dây cương vào tay nhà vua.

Thái tông lên ngựa đi rồi, Quốc Tuấn còn vái theo.

Nhà vua về cung làm việc, chừng nửa chiều, nội thị vào bẩm:

– Tâu bệ hạ, có viên quan biên trấn nhà Tống đưa cả gia đình vợ con sang xin được gặp bệ hạ, hiện đang chờ ngoài cửa khuyết.

Thấy sự lạ, hẳn là có duyên cớ gì đây. Vua liền phán:

– Mời họ vào đại sảnh, tiếp nước. Nhưng hỏi xem họ có đói thì cho họ ăn cơm xong ta sẽ diện kiến.

– Tâu bệ hạ, chúng thần hỏi, họ nói đã ăn uống no đủ rồi, chỉ xin được bệ kiến.

– Thôi được, ta sẽ ra ngay đây.

Thấy nhà vua, cả hai vợ chồng và năm đứa con người Tống đều sụp lạy.

Vua sai nâng họ dậy cho ngồi ghế, lại ban trầu, nước, rồi hỏi:

– Các người từ nước Tống sang, có việc gì mà phải vào tận cửa khuyết. – Vậy chứ ngươi làm nghề gì bên nước Tống?

– Tâu bệ hạ, thần tên Hoàng Bỉnh là tri phủ sự phủ Tư Minh thuộc Ung Châu lộ Quảng Tây nước Tống, đem cả gia thuộc sang Đại Việt xin được làm thần dân của bệ hạ.

Như sực nhớ ra, vua hỏi:

– Có phải năm ngoái Vũ thành vương Doãn đem cả nhà sang đầu nhà Tống, chính ngươi khuyên bảo Vũ thành trở về và sai người áp dẫn sang tận cửa Pha Lũy trao trả bên Đại Việt ta không?

– Tâu bệ hạ đúng như vậy.

– Ta rất cảm kích vì tinh thần hữu hảo đó của ngươi. Ta cứ áy náy vì chưa có dịp đền đáp, may quá ngươi lại sang.

Hoàng Bỉnh mừng quýnh vội sụp lạy:

– Thần vô cùng cảm kích vì bệ hạ đã khai ân. Kính chúc bệ hạ muôn năm trường trị.

Lúc này vua mới để ý tới gương mặt Hoàng Bỉnh. Mặt vuông chữ điền, trán cao, lông mày rậm, mắt một mí hơi nhỏ so với cặp lông mày lưỡi mác rậm rì. Y có chiếc mũi đắc cách, nhưng hai gò lưỡng quyền hơi nhọn tựa như phá cách. Môi, miệng tươi, răng trắng mọc đều đặn. Nhà vua ngầm định giá: Người này không phải là kẻ tiểu nhân, nhưng cũng chưa đạt tới bậc quân tử. Vua hỏi:

– Việc ngươi đưa trả Doãn về cho Đại Việt, ta đã biết và đã có sự răn đe đối với Doãn. Nhưng ta muốn biết Vũ thành vương Doãn gặp ngươi, y nói gì?

Gương mặt Hoàng Bỉnh tươi tỉnh hẳn lên, y nói:

– Tâu bệ hạ, khoảng giờ tuất vào một ngày trung tuần tháng bảy năm ngoái, quân vào bẩm có bắt được gia đình của một người Đại Việt lẻn vào đất Tống. Ông ta bảo thuộc dòng dõi thế gia từ Đại Việt sang muốn gặp vị thổ quan phủ Tư Minh.

Thế là thần sai đưa vào công đường tiếp đãi tử tế. Hỏi ra mới biết vương gọi bệ hạ là thúc phụ. Vì có việc bất như ý. Cha mẹ chết cả không còn chỗ dựa, không biết nương tựa vào đâu để tiến thân. Và tương lai cũng mờ mịt lắm. Ông muốn sang nương nhờ đất Tống rồi tìm đường tới Lâm An[52] để làm ăn buôn bán.

Thần có nói với vương rằng đất Tống bây giờ hẹp lắm, quân Mông Cổ chiếm gần hết rồi, Lâm An đang bất an, vua Thuần Hựu[53] (Tống Lý tông) của chúng tôi cũng đang bối rối không biết chạy về đâu. Quý quốc hiện đang là một nước giàu thịnh, bốn phương an lạc, biên dân của chúng tôi nhìn sang Đại Việt không khỏi mơ ước, thèm thuồng. Vương hãy nghe tôi trở lại cố hương, chớ có dại đang đi đường sáng lại chui vào bụi rậm, hang sâu.

Vương gạt nước mắt mà rằng:

“Ta tưởng nước Trung Hoa của Nghiêu – Thuấn, của Văn Vương, Võ Vương, của Khổng Tử, Lão Tử thường khoe vẫn ôm chứa cả thiên hạ, hóa ra lại không dung nổi một kẻ cùng đường. Ta lầm rồi! Ta bỏ nước ra đi không phải ta chán ghét nước ta, không phải ta phản bội nước ta mà chỉ cảm thấy ở đó ta cô đơn quá”.

Tâu bệ hạ, thần phân giải mãi, thậm chí thần đã phải mượn lời của Khổng Tử để khích vương rằng: “Người quân tử không đến nước loạn”. Mãi mấy ngày sau xem xét mọi sự, hỏi han nhiều người, ai cũng nói: “Nước tôi đang loạn to”. Thế rồi vương mới chịu quay về Đại Việt. Thần có cho quân dẫn đường và trao vương cho viên biên tướng giữ ải Pha Lũy.

Nghe Hoàng Bỉnh tâu báo, vua nghĩ: “Khi nghe quân tâu việc Vũ thành vương Doãn đem cả nhà sang đầu nhà Tống, bị người Tống bắt đem trả lại, ta giận quá. Nay nghe viên tri phủ sự phủ Tư Minh thuật rõ đầu đuôi, ta lại thấy thương Doãn quá”.

Vua y cho Hoàng Bỉnh được phép trú ngụ tại Thăng Long, cấp cho nhà ở, tiền bạc, lại cho bổng để cả nhà y có thể sống sung túc.

Vài ngày sau vua cho triệu Hoàng Bỉnh vào cung hỏi:

– Ta muốn ngươi cho biết đôi điều về nước Tống và cả sự kháng cự của quân Tống đối với quân Mông Cổ. Những điều gì ngươi nhìn thấy và nghe thấy thì nói rõ. Những gì chỉ nghe đồn thì nói rõ. Những điều ngươi tự phỏng đoán cũng nói rõ. Chớ có lẫn lộn, chớ vì muốn làm đẹp lòng ta mà ngươi vẽ rắn thêm chân. Bây giờ ngươi đã là dân của Đại Việt thì phải nói theo cách của người Đại Việt. Tức là không nói quá sự thật, không nói điều mình không biết. Ấy là các đức tính vốn có của người Việt ta. Ta không thích cái lối nói khoa trương của các ông, nói khoác mà cứ như kiểu đinh đóng cột. Ví như trận Đương Dương Tràng Bản, quân Tào đuổi quân Lưu Bị. Trương Dực Đức một mình đứng chắn giữa cầu Tràng Bản, quân Tào ngờ có quân phục nên không đuổi theo nữa, thế là từ đấy Trương Dực Đức cứ luôn miệng khoác lác: “Trận Đương Dương, Tràng Bản tám mươi ba vạn quân Tào ta coi như cỏ rác”. Thử hỏi lấy đâu ra tám mươi ba vạn quân trong một trận đánh của nước Tàu thời Tam quốc. Ngay triều bắc Tống khi còn đang thịnh thời, dân đông, quân nhiều thử hỏi có được con số một trăm vạn quân không?

Lại như các tộc Việt ở phía nam sông Trường Giang có được bao nhiêu nào?

Theo ta tộc Việt ở Triết Giang, tộc Mân Việt ở Phúc Kiến, tộc Dương Việt ở Giang Tây, tộc Nam Việt ở Quảng Đông, chỉ có bằng ấy chi tộc Việt thôi mà sử sách các ông gọi là Bách Việt và Triệu Đà là vua của Bách Việt hiện có đền thờ ở Phiên Ngung (Quảng Châu), hẳn ngươi đã biết.

Đó, lối nói thậm xưng, nói khoa đại ta không muốn nghe, Hoàng Bỉnh nhớ chưa?

Hoàng Bỉnh đang cân nhắc cách xưng hô. Bữa trước đã trót xưng “thần” với nhà vua. Nay nghĩ lại, mình là kẻ tị nạn, tư cách gì mà dám xưng “thần”. Vì vậy Hoàng Bỉnh liền đổi cách xưng hô:

– Muôn tâu hoàng đế bệ hạ chí kính, tiểu nhân hiểu ý của hoàng đế bệ hạ rồi ạ.

– Ngươi cứ ngồi ngay ngắn đàng hoàng mà nói. – Vua Thái tông dụ bảo.

– Tạ ân bệ hạ. – Hoàng Bỉnh vừa nói vừa sửa lại mũ áo. – Trước hết tiểu nhân xin nói vùng biên thùy nước Tống trong địa giới lộ Quảng Tây, dân đang đói. Mấy năm nay mất mùa, dân phải vào rừng kiếm ăn. Các đồn biên ải giáp với Đại Việt, quân thú sơ sài lắm. Mỗi đồn tiếng rằng có một đô quân đồn trú, nhưng phần lớn chúng bỏ trốn vì nhớ nhà, vì đói. Dạ, lính cũng bị đói chứ ạ. Còn như quân ở các thành Ung Châu, Quảng Châu đều dồn ra mặt trận chống quân Mông Cổ hết rồi. Hiện nay thành trì trống rỗng, quân không mà lương thảo, khí giới cũng không có.

Hoàng Bỉnh ngước nhìn vua Thái tông, lại nói. – Tâu hoàng đế bệ hạ chí kính đó là những điều mà tiểu nhân mắt thấy tai nghe.

Những điều Hoàng Bỉnh nói xem ra khớp với những gì mà ngoại gián của ta tâu báo về, vua Thái tông nghĩ vậy. Và trong lòng nhà vua đã ngầm tin Hoàng Bỉnh nói thật. Vua lại hỏi:

– Thế còn những điều ngươi nghe đồn thì sao?

– Muôn tâu hoàng đế bệ hạ chí kính, năm ngoái tức năm Bính Thìn (1256) tiểu nhân có người bạn là khách thương từ nước Đại Lý về, nói rằng quân Mông Cổ đã chiếm hết nước Đại Lý rồi. Vua nước ấy là Đoàn Hưng Trí chạy trốn, sau quân Mông Cổ tìm bắt được ở Thiện Xiển. Đoàn Hưng Trí xin đầu hàng và được người Mông Cổ dùng làm tay sai.

Vua Thái tông gật đầu. Quả nhiên những tin tức do Hoàng Bỉnh nghe được đều là sự thật mà trước đó nhà vua đã biết. Ngài liền hỏi:

– Vậy chớ còn gì nữa mà ngươi nghe đồn?

Hoàng Bỉnh cúi mặt vẻ đăm đăm suy nghĩ, dường như y đang tự cân nhắc có nên nói ra điều mình chỉ biết mong manh. Vả lại nhà vua đã nói: – Người Trung Hoa có tính khoa đại. Ngài chỉ thích nghe những gì là sự thật.

Như đoán được tâm tư của Hoàng Bỉnh, vua Thái tông nhẹ bảo: – Ta biết, những tin đồn nhiều khi là thất thiệt, nhưng đôi khi cũng là sự thật. Như chuyện ngươi vừa kể về nước Đại Lý là thật đó. Hoặc chuyện các thành Ung Châu, Quảng Châu đều trống rỗng là thật đó.

Nghe nhà vua khích lệ, Hoàng Bỉnh nở mặt nở mày liền hăm hở thưa:

– Tâu hoàng đế bệ hạ chí kính, còn một tin lớn lắm tiểu nhân chỉ được một người bạn có chân tiến sĩ, ông ta bỏ Lâm An, đưa vợ con về Ung Châu rồi lại đưa về quê quán sinh sống. Ông ta bảo đi lánh nạn. Và có kể rằng quân Mông Cổ đang đánh lớn vào toàn cõi đất đai nhà nam Tống. Lâm An sớm muộn gì rồi cũng mất.

– Ngươi có thể nói rõ hơn về tin này, nếu ngươi được nghe kể kỹ hơn. Vua Thái tông cho đây là một nguồn tin quý.

– Muôn tâu hoàng đế bệ hạ, ông ta kể rằng, hiện nay Mông-kha tự mình cầm quân đánh thẳng vào Hợp Châu[54], em ruột của Mông-kha là Hốt-tất-liệt lĩnh đại binh sẽ đánh vào Ngạc Châu[55], đại tướng Ngột-lương-hợp-thai cầm cường binh sẽ đánh qua Đại Việt lấy đường đánh chiếm các thành Ung Châu, Quế Châu[56] rồi tiến thẳng về Ngạc Châu hội binh với Hốt-tất-liệt. Từ đó, quân Mông Cổ hình thành thế bao vây Lâm An và chỉ một trận là chúng có thể vùi chôn cả triều đình Tống Lý tông xuống biển Nam Hải.

Chưa biết tin này thực hư thế nào, nhưng nghe thấy việc quân Mông Cổ sẽ đánh sang Đại Việt để lấy đường đánh tập hậu nhà Tống, vua Thái tông bỗng giật mình. Mặc dù trước đó nhà vua và triều đình đã dự liệu quân Mông Cổ trước sau cũng đánh ta. Vì vậy mới đây nhà vua đã cử vị tướng trẻ Trần Quốc Tuấn làm tiền quân đô thống quan phòng, đem thêm ba ngàn quân tăng viện cho miền biên địa giáp giới nước Đại Lý. Ấy vậy mà khi nghe tin quân Mông Cổ có kế đánh vào nước ta thì nhà vua cũng không khỏi bàng hoàng.

Ngầm thở sâu vài hơi để lấy lại sự bình tâm, nhà vua nói với Hoàng Bỉnh đôi lời an ủi:

– Ngươi đến với nước ta là quý. Từ nay ngươi phải tự coi mình là con dân Đại Việt. Ta ghi nhận những điều ngươi vừa nói với ta đều thành thật, ở đời không gì quý hơn là tính chân thực. Bây giờ ngươi về nhà thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho yên ổn, còn khó khăn thiếu thốn gì cứ xin với quan đại an phủ sứ của kinh sư. Ta sẽ dụ cho đại an phủ sứ biết việc của ngươi.

Hoàng Bỉnh cụng đầu xuống đất lễ ba lễ:

– Tạ ân hoàng đế bệ hạ chí kính. Trọng ân này tiểu nhân xin ghi lòng tạc dạ để đền đáp trong muôn một.

Cho Hoàng Bỉnh ra về xong, nhà vua vẫn nóng lòng chờ ngoại gián của ta đóng giả làm các thương lái, các thầy bói, thầy cúng sang nước Đại Lý và sang cả Lâm An để thăm dò tin tức.

Đêm xuống, vua Thái tông cứ trằn trọc, nghĩ kế phá giặc. Ngài hình dung quân giặc sẽ đi đường nào, ước chừng số quân của chúng, rồi quân ta sẽ cản giặc ra sao, ở những nơi nào, chỗ nào. Tướng nào giữ ở chỗ nào. Ngài tính tổng số quân rồi lại chia ra cho các tướng như thế nào. Càng nghĩ càng thấy rối. Vua gạt các thứ ra ngoài và ngài đi tọa thiền. Chừng một canh giờ sau khi giải thiền, nhà vua thấy như vừa được khai minh. Vua cho rằng, một mình mình nghĩ sao bằng nhiều người cùng nghĩ. Thế là trời vừa rạng sáng, vua sai viên đô vệ úy coi quân long tiệp đi triệu thỉnh các quan văn võ tới chầu tại điện Thiên An. Lại sai triệu cả hoàng thái tử Trần Hoảng và hoàng tử Chiêu minh vương Trần Quang Khải. Bởi các hoàng tử đều đã vào tuổi mười bảy, mười tám, sức vóc cao lớn, văn võ kiêm thông. Cả hai người này đều có tài làm tướng. Vua cũng cho triệu luôn cả Trần Quốc Khang. Quốc Khang tuy không thông tuệ được như hai người em, nhưng cũng là một tướng tài có thể sai khiến được. Vua còn cho triệu thêm cả Nguyễn Hiền.

Lâm triều, vua kiểm diện thấy có đông đủ cả: Thái sư Trần Thủ Độ, thái úy Trần Nhật Hiệu, đô tướng Lê Tần, thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình.

Công bộ thị lang trạng nguyên Nguyễn Hiền khoa thi Đinh Mùi (1247) mới mười ba tuổi, nay đã vào tuổi hai mươi bốn, hai mươi lăm.

Vua quan sát khắp lượt thấy triều đình tràn trề sức trẻ. Ngoại trừ thái sư Trần Thủ Độ vừa vào tuổi sáu mươi lăm, nhưng tinh thần, sức lực vẫn còn minh mẫn, dồi dào. Khâm thiên đại vương hoàng đệ của ta cũng chỉ ba mươi ba tuổi. Còn ta cũng mới xấp xỉ bốn mươi tuổi. Quốc Tuấn như thái sư nhận định sẽ trở thành bậc kỳ tướng hiện ta vừa cử đi trấn ải, cũng chỉ hơn Nguyễn Hiền có một tuổi.

Một triều đình từ vua quan đến tướng lĩnh đều trẻ trung đầy nhiệt huyết, thử hỏi việc bảo vệ giang san còn có gì cản ngại.

Khi các quan đã tề tựu đông đủ, vua Thái tông liền nói lại việc quân Mông Cổ đã chiếm xong nước Đại Lý. Đoàn Hưng Trí vua nước Đại Lý sau khi bị bắt đã đầu hàng. Người Mông Cổ giao cho Hưng Trí phải chiêu dụ các dân Thoán, Bặc quy phục sau đó bắt dân Thoán, Bặc phải đăng quân để phục vụ cho người Mông Cổ.

Vua cũng nói lại các tin Hoàng Bỉnh đã tâu báo, rằng quân Mông Cổ chia làm ba mũi tiến đánh nhà Tống, trong đó có mũi đánh vào Đại Việt để lấy đường tiến đánh phía sau quân Tống.

Vua nhìn khắp lượt không thấy ai tỏ ra nao núng khiến lòng thêm vững. Vua nói tiếp:

– Tuy tin này chưa được xác tín bằng đường ngoại gián của ta, song ta chắc nó không xa sự thật. Bởi vậy triều đình phải có ngay kế sách kháng giặc. Muốn đánh giặc phải có quân binh. Nhưng quân cần bao nhiêu là vừa? Nếu ít quá, sẽ rất khó cản giặc, nhưng nếu huy động nhiều quá dân chúng sẽ hoảng loạn, việc làm ăn sẽ dễ bị xáo trộn. Vậy các quan thử bàn xem để rồi ta còn tính.

Vua Thái tông vừa dứt lời, Thái sư Trần Thủ Độ liền xuất ban xin nói:

– Tâu bệ hạ, mấy năm trước bệ hạ đã sai thần đi kiểm kê dân số. Lập sổ ghi danh các tiểu hoàng nam, đại hoàng nam phân làm một loại. Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào về số đinh nam này như được cấp độ điệp[57] xuất gia, được gọi đăng quân, thay đổi nơi cư ngụ hoặc ốm đau bệnh tật qua đời, hoặc trở thành phế nhân đều phải tâu báo rõ ràng danh tính từ hương ấp lên phủ, lộ. Từ đó các lộ hàng năm làm tờ trình gửi về Trung thư sảnh. Lại nữa, ta vẫn dùng chính sách ngụ binh ư nông đã có từ đời nhà Lý, nên thường niên các nông phu trong độ tuổi vẫn phải theo quân tập tành từ một đến hai tháng. Như vậy các nông phu ấy thực chất là các điền binh. Và các vương hầu đều được phép lập phủ binh trong điền trang của mình.

Trần Thủ Độ ngừng lời, ông ngước nhìn nhà vua, lại ngoái nhìn các quan rồi tiếp: – Như thế có nghĩa là ta đã nuôi dưỡng lâu dài một chính sách tận dân vi binh[58]. Vậy thời khi nước có giặc, bệ hạ muốn huy động bao nhiêu quân mà chẳng được; từ mười vạn đến năm bảy chục vạn quân đều nằm trong tầm tay của bệ hạ. Có điều ta phải lượng định sức giặc sẽ vào cõi mà trù liệu số quân cũng như sắc quân để đối phó.

Nói xong thái sư lùi hai bước, vái nhà vua một vái rồi ghé ngồi xuống chiếc thái sư ỷ.

Nhà vua nhìn khắp triều quan rồi dừng lại nơi Thái úy Trần Nhật Hiệu.

Thái úy liền xuất ban, vái nhà vua và với vẻ ngập ngừng:

– Tâu bệ hạ, thần nghe nói quân Mông Cổ như quân nhà trời, nó đến bất chợt như từ trời cao tụt xuống vây chặt lấy đối phương, cho ngựa chạy vòng tròn tựa như một vụng nước xoáy hút quân đối phương xuống âm ty. Thần chưa nghe nói dưới gầm trời này có nước nào kháng cự lại được với quân Mông Cổ.

Bởi vậy, quân nhiều hay quân ít đều không thể kháng cự lại được với đám quân kỵ Mông Cổ hung bạo này.

Vốn biết Trần Nhật Hiệu là người bất tài, nhát sợ, nay nước sắp có giặc lại bàn lùi, thái sư Trần Thủ Độ nhíu lông mày toan mắng, chợt thấy Lê Tần xuất ban, thái sư vội ghìm lại và dõi theo xem Tần nói gì.

Lê Tần vái nhà vua rồi nói:

– Tâu bệ hạ, theo thần cả nước chỉ cần mười vạn binh với đủ các sắc quân, đánh theo địa hình nào, mùa nào thì dùng quân đó cho hợp. Ví như mùa mưa lụt thì dùng quân thủy, mùa hanh khô thì dùng quân bộ tức quân cung nỏ phối với kỵ binh và tượng binh. Tuy nhiên khi giặc mới tràn vào cõi, thế chúng còn đang mạnh như nước vỡ bờ, cho nên ta phải vừa cản giặc vừa thăm dò. Và nữa nên phục quân ở những nơi hiểm yếu, đánh vào chỗ giặc không ngờ nhất, vừa gây cho chúng hoang mang mà ta lại đỡ tốn sức. Khi đã biết rõ thế giặc mạnh yếu, lúc ấy bệ hạ sẽ tùy cơ mà đánh. Nước ta chỗ nào cũng là rừng rậm, chỗ nào cũng là đầm ngòi sông nước, đó là chỗ mạnh nhất của quân ta, phải dựa vào địa thế đó mà nhân sức quân lên, nhưng đó lại là chỗ yếu nhất của quân kỵ Mông – Thát. Ta nên tránh chỗ quân giặc tập trung đông đúc mà đánh vào những toán quân nhỏ lẻ, đánh phục kích, đánh tập hậu giặc, lại lấy cái sở trường của ta đánh vào cái sở đoản của giặc thì giặc nào cũng phải thua, dù nó là quân Mông – Thát.

Lê Tần nói xong vái nhà vua hai vái rồi lui về chỗ.

Vua lấy làm hài lòng về kế của Lê Tần, ngài gật đầu và ban lời:

– Cao ý của khanh rất hợp với điều ta suy nghĩ. Vậy chớ còn các khanh! Vua cầm cây kim hốt huơ một vòng như muốn hỏi ý các quan.

Tướng Khuê Kình xuất ban:

– Tâu bệ hạ, đánh giặc cần phải có quân. Việc này thái sư đã nói, ta có thể huy động mười hoặc mấy chục vạn quân đều không khó. Vậy phần quân thì khỏi lo. Đánh giặc cần mưu trí. Mưu như tướng Lê Tần vừa dâng bệ hạ, đó không chỉ là mưu cho một trận đánh mà chính là mưu lược để ta kháng giặc lâu dài. Đánh giặc cần phải có khí thế. Làm sao thổi được khí thế cho ba quân, thổi được khí thế cho muôn dân. Khí thế đây là khí thế bảo vệ giang san nòi giống, bảo vệ lấy tính mệnh và tài sản của chính mình. Nếu binh lính có gan lăn xả vào quân thù mà đánh, muôn dân dốc lòng giữ nước thì chẳng có một quân giặc nào có thể cướp được núi sông ta. Xin bệ hạ xuống hịch kêu gọi muôn dân hãy vì nước mà xả thân giữ lấy nước.

Lời nói của tướng quân Trần Khuê Kình như thổi vào lòng các quan một luồng sinh khí.

Hoàng thái tử Trần Hoảng dắt tay em là hoàng tử Trần Quang Khải cùng xuất ban. Hai anh em cúi đầu chào vua cha rồi hoàng thái tử Trần Hoảng nói:

– Muôn tâu, chúng con tuy còn nhỏ, nhưng đánh giặc thì không có hạn giới tuổi tác. Vậy xin phụ hoàng cho phép chúng con được tòng chinh giết giặc.

Hoàng thái tử Hoảng năm nay vừa tròn mười tám tuổi, hoàng tử Quang Khải vào tuổi mười bảy. Nom hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, mặt sáng như gương. Hoàng thái tử Hoảng có nét trầm tĩnh dịu dàng. Hoàng tử Quang Khải cao dỏng, dáng vẻ thư sinh nhưng có đôi mắt sáng như có thần nhãn. Cả hai hoàng tử đều thể hiện một phong thái đĩnh đạc cùng với nguyện vọng cao thượng vừa được nói ra khiến cả triều đình kính nể.

Không khí triều hội bỗng bừng lên mạnh mẽ. Nhà vua nhìn đăm đắm vào hai người con và không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi: “Vậy là các con ta đã trưởng thành. Thế mà ta cứ tưởng chúng vẫn còn là lũ thư nhi”. Vua gật đầu vẻ hài lòng rồi lấy cây hốt vẫy một cái cho hai hoàng tử an tọa.

Các quan tranh nhau nói, mỗi người một ý, tựu trung là quyết đồng lòng giữ nước, khí thế hừng hực.

Bỗng Thái sư Trần Thủ Độ lại xuất ban nói:

– Ý các quan, các tướng ở đây là ý của muôn dân đấy, xin bệ hạ xuống chiếu khích lệ sĩ khí ba quân, khích lệ lòng dân. Nhân đây, ta muốn nói thêm điều này với các tướng. Khi giặc vào đất ta, mỗi bước đi là mỗi bước hãi sợ vì thế chúng phải dò dẫm, còn ta thì bốn phương tám hướng từ núi rừng đến suối sông, đồng ruộng ao hồ còn chỗ nào mà quân ta không thông thạo.

Giặc vào cõi ta khác nào kẻ cướp, kẻ trộm lẻn vào nhà người khác nên mắt trước mắt sau, luôn luôn sợ chủ nhà thức dậy. Nay ta biết trước thế nào nhà cũng có cướp có trộm, ta tỉnh thức luôn, ta rào giậu cho kín, mài giũa khí giới cho bén nhọn, ta phục chờ đánh nó từ ngoài cổng ngõ hoặc giăng bẫy lừa nó vào mà tóm gọn. Có gì phải sợ, người ngay sao phải sợ kẻ gian, dù kẻ gian ấy là người Tống hay người Mông Cổ thì chúng cũng đều là quân gian cả. Cứ xem Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược nhà Tống; Lý Thường Kiệt đánh bại quân xâm lược nhà Tống, ấy là chưa kể trước đó ông còn đem quân đến tận sào huyệt nó mà phá mưu kẻ cướp của nó. Bài học của tổ tiên còn đó. Nếu ta biết học từ lịch sử cha ông, ta sẽ có sức mạnh gấp đôi.

Trần Thủ Độ đảo mắt nhìn về phía các quan, ông dừng lại nơi Thái úy Trần Nhật Hiệu nói tiếp: – Bài học ấy là giặc xâm lăng vào cõi thì quyết đánh. Đã quyết đánh ắt quyết thắng. Hãy xem con hổ kia dữ tợn như thế, khỏe như thế, sao người thợ săn bắt được nó. Vì họ can đảm nên thắng được nỗi sợ hãi, lại vì lúc nào họ cũng canh chừng nó, nên không đi vào các lõng nó đón mồi, và rồi họ mưu trí nên hổ lớn hổ bé, hổ đực hổ cái, con thì sa bẫy mà chết, con thì bị tên độc giết chết. Vậy đó, ở đời chỉ có kẻ nhát hèn ngu tối là chết thảm, còn như người can đảm mưu trí dẫu có chết thì chết như một bậc anh hùng, tiếng thơm còn lưu dấu mãi trong sử xanh.

Thái sư bỗng ngừng lời, ve vuốt chòm râu dài, sợi đen chen sợi trắng, lại nói: – Tiện đây xin hỏi bên Công bộ, liệu kỳ này các ông đã tạo tác được loại khí giới nào tân tiến mà lợi hại cho quân đánh giặc không? – Vái nhà vua một vái, thái sư nhẹ ngồi xuống ghế.

Vua Thái tông huơ cao cây hốt nói:

– Có một việc có quan hệ đến quân Mông Cổ. Việc này Thái sư cùng một vài vị tướng đều đã biết, song triều quan chưa được biết, nay trẫm nói lại để mọi người cùng biết, rằng cách đây mấy hôm, tức là vào thượng tuần tháng tám này, trại chủ Quy Hóa là Hà Khuất cho người chạy ngựa lưu tinh về báo tin: “Sắp có sứ Mông Cổ tới Thăng Long”. Hiện trẫm đã sai Quốc Tuấn đem quân thủy bộ lên ngăn giữ biên thùy và giúp sức cho các tù trưởng người Man.

Còn việc Thái sư hỏi về tạo tác khí giới, Nguyễn Hiền tâu báo đi. – Vua vừa nói vừa đưa cây hốt chỉ về phía Nguyễn Hiền.

Nguyễn Hiền vừa xuất ban, cả triều quan đều dõi nhìn vị thần đồng mới mười ba tuổi đã đậu trạng nguyên cách đây đúng mười năm. Nguyễn Hiền hướng về phía nhà vua vái hai vái và quay lại vái các đồng liêu một vái để tỏ lòng quý kính. Sau đó Hiền nói:

– Tâu bệ hạ, thần mới về bộ Công được bốn tháng. Thần vừa cùng các cộng sự chế tác được một loại nỏ liên châu có thể cùng một lúc bắn được sáu mũi tên vào một mục tiêu. Hiện nay đang gửi mẫu qua trường bắn Giảng Võ để thể nghiệm, có khiếm khuyết gì cần tu chỉnh, lũ thần sẽ sớm tu chỉnh để rồi còn chế tác hàng loạt cung cấp cho các chủng quân. Thần cũng đang vẽ kiểu chế thử loại song sảo pháo (pháo hai nòng). Dạ, loại đơn pháo ta đã chế tác được từ lâu rồi. Tâu, loại song sảo pháo này chắc không thể hoàn thành sớm được bởi nó phải kết hợp nhiều thứ phức tạp lắm ạ. Tâu, lũ thần sẽ gắng hết sức mình để phụng sự công cuộc giữ nước chống xâm lăng.

Mọi người đang hết sức vui mừng về những điều Nguyễn Hiền vừa tâu báo, bởi với các loại khí giới tân tiến ấy, sức quân ta sẽ nhân lên gấp đôi.

Nhà vua cũng hết sức hài lòng, ngài chưa kịp ban lời khen thì viên đô trưởng túc vệ thượng đô chạy vào sụp lạy:

– Muôn tâu thánh thượng, có sứ giả Mông Cổ xin vào yết kiến bệ hạ.

Vua hơi nhíu mày vẻ khó chịu, ngài phán:

– Sao ngươi không đưa y về nghỉ tại nhà công quán rồi ta cử người ra tiếp.

– Tâu, thần đã làm như vậy nhưng y không nghe, cứ đòi diện kiến bệ hạ.

Vua phẩy tay:

– Cho y vào. Rồi vua nói với cả triều quan: – Các khanh cứ ở lại đây mà xem sứ Mông Cổ.

Một lát sau viên đô trưởng quân túc vệ thượng đô dẫn vào một người nom có vẻ kỳ dị. Dáng hình cục mịch, mặt to, hai lưỡng quyền u lên như hai cục bướu, mắt một mí nom hùm hụp như mí sắp sụp xuống, lông mày đen, thưa, tròng mắt đen ngả nâu, tròng trắng vằn lên những tia máu, trán thấp, ngắn, mũi tẹt, môi dày, tóc đen xoăn, nước da nâu. Vừa bước lên bậc thềm điện Thiên An nhìn vào thấy triều hội uy nghi, cung điện vàng son lóa mắt y hết sức kinh ngạc, bởi xứ thảo nguyên của y, bậc thiên tử cũng chỉ có chiếc lều lớn làm cung điện, sao đám người man lại được ngự nơi sang quý này. Ngước nhìn sâu vào trong thấy một người dáng vẻ uy nghi mặc áo long cổn, ngồi trên chiếc ngai vàng oai vệ, y tự nghĩ: “Chắc người này là vua xứ An Nam đây. Vậy phải bắt y ra đây nhận chiếu”. Nghĩ vậy, y liền đứng phắt lại nói bằng tiếng Mông Cổ. Tưởng đây cũng như quê hương hắn, thảo nguyên mênh mang thuần gió và cát, nên y nói mà cả triều đình tưởng y đang gào thét. Đúng là y gào thét bằng thứ tiếng mẹ đẻ của y. Viên sứ giả chỉ muốn nói: “Ta là sứ giả đem chiếu của Đại Hãn đến đây. Người kia có phải là vua nước Nam hãy ra đây lạy chiếu”. Nói xong y lấy tay móc vào chiếc túi đan bằng một thứ da săn tựa như sợi mây của ta, nom nó vừa giống cái ống quyển của các nho sinh lại vừa giống cái túi đựng tên. Y móc từ trong đó một tờ giấy, hai tay nâng lên chờ nhà vua ra tiếp chiếu. Tuy nhiên không ai hiểu điều y nói. Vì vậy y cứ đứng trơ trơ như một thứ cây chết đứng.

Một lát sau, y giậm chân quát thét, toan xông thẳng vào triều nội. Lập tức hai hàng quân giáo gươm sáng loáng dựng chéo thành hàng rào ngăn y lại.

Vua Thái tông liền dụ triều quan:

– Mông Cổ là một xứ thảo nguyên, dân sống theo lối du mục, cậy có sức mạnh tay chân, hành binh thần tốc nhờ vào vó ngựa, bởi vậy mà đường lễ giáo giao tiếp không có chút gì gọi là văn chất. Nếu các nước không ngăn được quân Mông Cổ vào cõi, ắt phải chịu sự cai trị bằng một thể chế vó ngựa.

Nhân sự lỗ mãng của sứ giả, vua lấy đó làm điều cảnh tỉnh cho các triều quan. Đoạn vua dụ:

– Quang Khải, con thử ra hỏi tên sứ giả kia xem y có biết nói tiếng Hán không?

Vâng mệnh vua cha, Quang Khải liền đi ra hành lang đại điện có mấy người lính túc vệ thượng đô theo sau.

Tới trước mặt viên sứ Mông Cổ, hoàng tử vòng tay thi lễ và hỏi:

– Xin hỏi, sứ giả là người nước nào? Và nữa ngài có nói được tiếng Đại Việt ta hoặc tiếng Hán không?

Viên sứ giả trố mắt nhìn hoàng tử Trần Quang Khải. Thấy dung mạo hoàng tử khôi ngô tuấn tú nhưng vẫn còn trong tuổi thiếu niên. Kẻ kia cất tiếng cười thô bạo và nói một hơi dài tiếng Hán:

– Ta nghe nói Đại Việt các người nước nhỏ nhưng kiên cường, dám đánh lại cả nước Tống. Nhưng sao quan lại phải dùng đến cả trẻ con. Người lớn nước ngươi chắc chết trận gần hết rồi sao?

Trước khi dịch lại điều đó, Trần Quang Khải đã nghiêm nhìn viên sứ giả nói lời đanh thép:

– Đã biết nước ta kiên cường, sao sứ giả còn dám buông lời vô lễ?

Do biết trước lễ giáo của dân du mục, nên khi nghe lời thông dịch vua Thái tông bình thản phán.

– Con hỏi họ là sứ thần nước nào phải xưng danh, nếu có quốc thư phải đệ trình, và có việc gì cần thương nghị phải tâu báo ngay.

Sau khi nghe Quang Khải dịch lại điều đó, viên sứ giả chỉ tay về phía vua Thái tông hỏi:

– Có phải người ngồi kia là vua nước ngươi không? Sao không bảo y ra đây lạy chiếu thư?

Quang Khải chỉ dịch lại:

– Tâu phụ hoàng, y mời phụ hoàng ra lạy chiếu thư.

Thái tông liền đập tay xuống long án quát:

– Viên sứ giả kia phải quỳ xuống trước khi muốn dâng lời nói với ta.

Nghe Quang Khải thông dịch lại, viên sứ giả cười hô hố và với cử chỉ ngạo mạn huơ chân múa tay, y nói:

– Ta là sứ giả của quan thái sư kinh lược Ngột-lương-hợp-thai đến dụ vua nước Nam sớm đầu hàng, chớ để thái sư phải cất quân đánh dẹp, khiến tôn miếu xã tắc các người trở thành tro bụi. Vua tôi các người khó tránh khỏi nạn rơi đầu. Hãy xem gương nước Nga-la-tư đại bại từ năm Bính Thân (1236) và trở thành thuộc quốc của Đại Hãn chưa? Lại nước Tống hiện nay cũng sắp bị hoàng đế Đại Hãn tiêu diệt rồi. Nước ngươi so với hai nước kia chỉ bằng cái mắt muỗi thôi, sao dám ương gàn?

Vua Thái tông bình thản phán:

– Đô tướng túc vệ thượng đô, cho quân trói tên sứ giả ngạo mạn kia lại, giam nó trong nhà công quán và chỉ cho ăn đói thôi.

Lập tức quân xông vào trói gô tên sứ giặc rồi dẫn đi, mặc cho y giãy giụa la thét.

Sau đó vua dụ:

– Quân Mông Cổ mưu chiếm nước ta để lấy đường đánh vào sau lưng nhà nam Tống. Nhưng trước khi đánh, chúng cho sứ đến lung lạc, dọa dẫm, nếu ta vì nhát sợ mà dâng nước cho giặc như Đoàn Hưng Trí vua nước Đại Lý, thời giặc không mất một mũi tên, không rơi một giọt máu mà được cái nó mong muốn. Dụ dỗ ta không được, sớm muộn ắt giặc phải đánh ta để lấy đường qua đánh nhà nam Tống. Tình thế giặc vào cướp nước ta chắc khó tránh khỏi. Vậy muốn giữ được nước, ta phải lo việc binh, việc lương cho tốt. Đô thống thượng tướng quân ngày mai đến chầu tại cung Thủy Tĩnh để cùng ta và thái sư bàn việc chia quân đi trấn giữ các nơi hiểm yếu. Sau đây phái ngay đô tướng Trần Khánh Dư đem một ngàn quân lên ngã ba Bạch Hạc án ngữ tại đó chờ giặc. Nhìn các vương, vua lại dụ:

– Các vương hầu từ lâu đã được phép lập phủ binh, nay phải chấn chỉnh ngay quân sĩ để cùng cả nước đánh giặc. Nên nhớ, quân của các vương hầu khi cần, đô thống thượng tướng quân có quyền điều động, và các vương phải tuân phục chứ không được kháng mệnh.

Nhìn vào cuốn sổ ghi công việc trước long án, vua Thái tông lật mở một vài trang, nhà vua nhìn thái sư, lại nhìn về phía thái úy rồi phán tiếp: – Trung thư sảnh phối cùng phủ thái úy cử người đi kiểm xét trong toàn cõi xem các hương ấp đã lập xong đội điền binh chưa. Nơi nào thiếu khí giới thì mở kho phát cho họ. Bởi số khí giới rèn từ mấy năm nay đã đủ, cung nỏ cũng đã đủ. Các đội điền binh phải tập trung lại để rèn tập kỹ xảo đánh giặc sao cho thiện xảo như các sắc quân thường binh tại các lộ. Trong thời gian tập luyện, nhà nước phát gạo, phát tiền ăn, điền tốt không phải mang tiền gạo của nhà đi nữa.

Nhìn khắp lượt triều quan, vua hỏi:

– Các khanh có còn điều gì tâu báo nữa không?

Các quan ngồi im phắc. Biết công việc nghị bàn đã vãn, vua huơ cây hốt nói:

– Bãi triều!

Các quan lục tục đứng dậy hô:

– Hoàng thượng thiên tuế!