Chương 11

Đuổi Quân Mông Thát

Đăng vào: 2 năm trước

.

Từ ngày Chiêu Thánh hợp duyên với Lê Tần tới nay đã trên dưới hai chục năm, cũng là một sự nhắm mắt đưa chân. Chiêu Thánh tặc lưỡi nghĩ vậy. Thôi thì ngôi vua đã trải, dân thường cũng đã qua, cái đỉnh cái đáy, cái vinh cái nhục cũng chẳng khác nhau là mấy. Thế thì cái việc làm vợ một viên tướng có sá kể chi.

Thực tình sau khi mất ngôi, mất nước lại mất cả vua cha, Chiêu Thánh đã toan xuất gia. Nhưng Trịnh Huyền một người hầu hạ tâm huyết, sau Chiêu Thánh kết nghĩa chị em đã ra sức khuyên can. Huyền chỉ lấy cớ nếu Chiêu Thánh xuất gia ai sẽ trông nom, hương khói tháp mộ vua cha. Ngôi chùa này không nhận sư ni. Vì thương kính vua cha, quả nhiên Chiêu Thánh không nỡ dứt khỏi trại dâu tằm. Lại sau này khi tướng Lê Tần nhờ người ướm hỏi, Trịnh Huyền phân giải đến chân tơ kẽ tóc, ngày đêm thúc giục Chiêu Thánh nhận lời. Việc Chiêu Thánh chấp thuận về với Lê Tần còn vì một lẽ nữa, ấy là do thái úy Phạm Kính Ân, một cựu thần của nhà Lý đứng ra mai mối.

Từ khi về sống với Lê Tần, tuy là tướng võ nhưng thực tướng quân là một người có văn chất cao, vì vậy Lê Tần biết cách làm cho Chiêu Thánh vơi vợi nỗi sầu riêng.

Lê Tần còn chăm sóc cả Trịnh Huyền và luôn cùng Chiêu Thánh đi thăm viếng tháp mộ Huệ tôn.

Và rồi khi sinh con đẻ cái với thiên chức làm mẹ, Chiêu Thánh tìm được niềm vui nơi con cái. Tổ ấm cứ ngày một dày thêm. Chiêu Thánh cũng sống như tất cả những người khác từng sống.

Lại nói khi về ở với Lê Tần, trại dâu tằm bên hồ Dâm Đàm, Chiêu Thánh trao lại cho Trịnh Huyền.

Trịnh Huyền vừa coi sóc trại, vừa hương khói bên tháp mộ Huệ Quang[75]. Trại lúc này đã có thêm dăm người tang thất phụ[76] mãn hạn xin vào làm thuê.

Từ ngày lập trại, Chiêu Thánh khước từ mọi thứ bổng lộc của triều đình mà chỉ sống nhờ vào việc trồng dâu, nuôi tằm ươm tơ, dệt lụa, để làm kế sinh nhai.

Mọi việc từ trồng dâu đến bán tơ, bán lụa và mua sắm quần áo đồ ăn thức dựng đều do một tay Trịnh Huyền lo toan, quán xuyến. Cuộc đời cũng không quá khắc nghiệt với hai người con gái. Tơ ươm, lụa dệt chưa xong, thương lái đã nườm nượp đến hỏi mua. Sau có một người cột lại ở giá cao không ngờ, lại đặt tiền trước làm tin, xin mua lâu dài cả tơ cả lụa. Vì thế mới mở mang thâu nhận thêm mấy người nữa.

Mãi sau này Trịnh Huyền mới vỡ lẽ rằng đó là mưu của thái sư phu nhân ngầm giúp hai người, chứ thực tơ ấy, lụa ấy sao bán được giá ấy. Tuy nhiên, Trịnh Huyền phải giấu biệt không cho Chiêu Thánh biết, bởi lẽ Chiêu Thánh vẫn rất hận mẹ và không chịu tha thứ cho bà. Sở dĩ Trịnh Huyền đoán biết là vì từ khi hai người có gia thất thì các khách mua tơ lụa kia biệt vô tăm tích. Thế rồi có lần Huyền trông thấy cái người ấy khoác tay nải theo phu nhân thái sư vào lễ chùa rồi ra viếng tháp mộ Huệ Quang.

Khi Chiêu Thánh về với Lê Tần chừng một năm đã sinh được một mặt con, lúc này bà cũng ái ngại cho thân phận người chị em kết nghĩa cứ buộc thân mãi với trại dâu tằm. Bà ngỏ ý nhờ phu quân xem dưới trướng ông có ai là người tử tế thì mai mối giùm cho Trịnh Huyền.

Ít lâu sau Lê Tần tìm được Đỗ Quang Thuật, đô tướng đô quân Thánh dực, người lộ Trường Yên thuộc dòng họ của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, sống từ đời Đinh, Lê.

Quang Thuật là một người đàng hoàng, con nhà dòng dõi muộn vợ chỉ vì đến tuổi trưởng thành gặp phải tang cha, vừa dứt tang cha chưa được một năm thì tiếp tang mẹ.

Quang Thuật nghĩ mệnh mình có khi phải sống cô quả, đã toan xin ra khỏi quân thánh dực để xuất gia. Thượng cấp khuyên nhủ mãi Quang Thuật mới tạm thôi. Nay tướng Lê Tần đứng ra mai mối, giảng giải mãi đường tới đường lui Thuật mới nghe theo.

Trịnh Huyền cũng được Chiêu Thánh khuyên nhủ. Khi gặp mặt, Trịnh Huyền chỉ xin đô tướng Đỗ Quang Thuật có mỗi một điều rằng xin chàng nhận trại dâu tằm làm nhà, và vì song thân chàng đã viên tịch, thì nàng xin được phép mời mẹ già lên cùng ở để phụng dưỡng.

Đỗ Quang Thuật là người tinh ý, biết Trịnh Huyền đã kết nghĩa chị em với Chiêu Thánh, nay nàng muốn thay chị ở gần tháp mộ vua cha sớm hôm hương khói. Thuật bèn nói:

– Nàng là phận gái còn biết báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Ta vì bạc phúc nên cha mẹ sớm lìa, nay sẽ cùng nàng phụng dưỡng mẹ già, điều đó nàng khỏi lo. Còn như được lấy trại dâu tằm làm nhà thì quả đó là điều phúc hạnh. Bởi gần nơi cửa Phật, con cái hấp thụ được tính từ ái, hiếu thiện ắt sẽ nên người tử tế.

Bữa nay Chiêu Thánh thấy chạnh nhớ vua cha, nàng muốn qua viếng thăm tháp mộ và nhân thể ghé thăm vợ chồng Trịnh Huyền. Nàng liền bày tỏ với phu quân:

– Thiếp muốn đến thăm tháp mộ phụ hoàng, bởi bỗng nhiên thấy nóng ruột quá.

Không chút ngần ngại, Lê Tần đáp:

– Để ta gọi các con cùng đi viếng mộ tổ ngoại, rồi sau đó cả nhà sang thăm vợ chồng Đỗ Quang Thuật.

Ngay lập tức ông sai gia nhân đứa đi mua sắm đồ lễ, đứa sửa soạn xe ngựa. Lát sau cả nhà đã lên xe. Đi chừng nửa canh giờ, xe ngựa rẽ sang con đường bên tả để vào phường Thụy Chương[77] rồi men bờ sông Tô Lịch[78] qua đền Đồng Cổ rồi tạt qua bìa rừng nơi xóm Trích Sài[79] qua đường Dụ Tượng[80] và từ đó đi thẳng lên phía chùa Bảo Quang. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu nhưng không nhìn rõ mặt hồ, chỉ thấy một lớp mù dày đặc tới nhức mắt. Bên phải đường đi là mặt hồ loáng thoáng thấy những màu sẫm thi thoảng có làn gió lướt qua đẩy mù dãn ra cho ta nom thấy một vạt màu xanh đó là những hòn đảo trong hồ mà trên đảo là rừng cây rậm rạp. Sa mù trùm lên cả đường đi, quấn lấy chân ngựa, mù xộc vào trong xe khiến ai nấy đều có cảm giác mình đang đi trong mây. Vì không nom rõ đường, người xà ích chỉ dám cho ngựa đi bước một. Ngựa đi chậm còn nghe được cả tiếng những người dân chài gõ mảng đánh cá. Và họ hát, họ hò để thuyền bạn biết mà tránh.

Một luồng gió bốc khói sương ném vào trong xe khiến Chiêu Thánh giật mình vì ớn lạnh. Tự nhiên cái cảm giác từ mấy chục năm trước lại hiện về. Đó là khi Trần Thủ Độ ép Thái tông lấy Thuận Thiên khiến bà căm giận, liền rời bỏ cung điện kéo theo Trịnh Huyền chạy trốn về tá túc tại chùa Bảo Quang nơi có tháp mộ vua cha. Chẳng hiểu tai mắt của Trần Thủ Độ giăng mắc thế nào mà rồi ông ta cũng tìm tới được. Cho đến nay Chiêu Thánh vẫn chưa biết đó là quân thám của Lê Tần tung đi khắp nẻo dò tìm. Và nếu như không có chuyện vào lúc sáng sớm hoặc sau buổi chiều tà Chiêu Thánh ra ngồi bên tháp mộ Huệ tôn thắp hương khấn vái và sụt sùi kể lể thì sao quân thám của Lê Tần biết được. Chiêu Thánh vội khép chéo áo và kêu lạnh. Lê Tần ngồi xích lại bên Chiêu Thánh. Nhìn gương mặt phu nhân hơi tai tái, tướng quân bèn cởi tấm áo choàng khoác lên vai Chiêu Thánh và hỏi vợ:

– Phu nhân có thấy ta đi như các vị tiên đi trong mây.

Chiêu Thánh được khoác thêm tấm áo thấy người ấm hẳn lên, mặt hồng hào, bà nhẹ nhàng đáp lời:

– Thiếp đã sống cả chục năm bên hồ mà vẫn chưa thỏa. Thiếp đã đi nhiều nơi, qua nhiều cảnh đẹp của đất nước, nhưng hợp với cái tạng của thiếp có nhẽ không đâu bằng Dâm Đàm. Chỉ nội trong cái màu sương khói cũng đã phong phú lắm. Nó dày đặc, đặc quánh lại như sữa ấy là lúc sáng sớm. Nó có màu trắng tinh khiết và trong như pha lê ấy là lúc mặt trời lên tới đỉnh đầu, nó bảng lảng khi mặt trời gác núi, nó lại ùn ùn phủ kín mặt hồ khi đêm xuống… Đôi lúc thiếp có cảm giác như mình đang sống trong cõi thiên tiên vậy. Chiêu Thánh im lặng đưa mắt nhìn về phía hồ nhưng kỳ thực bà đang nhìn sâu vào ký ức.

Lê Tần thấy vợ mô tả về sương khói Dâm Đàm ông thấy ấm lòng và khen:

– Nàng cứ viết lại những điều vừa nói cũng đủ làm nên một thi phẩm tuyệt tác. Ấy thế mà giám sát ngự sử nhà Tống thời Tống Thần tông là Thái Phụng Hỷ dám nói về xứ sở của ta là: “Phù chướng hải cùng sơn, độc vụ chi uyên tẩu, phi diên trụy, độc khí thượng, ôn phong tác lệ, kỳ gian đãi phi nhân cảnh…”[81]

Chiêu Thánh mỉm cười đáp:

– Người phương Bắc thèm nước mình đến nhỏ rãi, khi không cướp nổi thì chê bai hết lời. Dân ta họ gọi là dân di, dân mọi. Cảnh của ta đẹp như cõi tiên thế này mà họ bảo “phi nhân cảnh” (cảnh không có người ở được). Nó là giọng lưỡi kẻ cướp, phu quân nhớ đến làm gì cho bận tâm.

– Nàng có biết đấy là sớ can không nên đánh Đại Việt của Thái Phụng Hỷ dâng lên Tống Thần tông?

– Thiếp biết, chẳng là sau khi Lý Thường Kiệt đem quân hạ các thành và cảng Ung, Khâm, Liêm mà nhà Tống tích chứa lương thảo, khí giới sắp đánh nước ta. Phá xong Lý Thường Kiệt rút quân về. Kế của Vương An Thạch, mưu của Tống Thần tông bị Lý Thường Kiệt tảo thanh đánh sập, nên họ định cử đại binh sang trả thù, khi đưa ra bàn trong triều, các quan đều sợ đánh Đại Việt không thắng nổi càng nguy. Đoạn phu quân vừa đọc nằm trong sớ can gián của Thái Phụng Hỷ dài ba trăm tám mươi sáu chữ. Đây là một vị hủ nho lời lẽ vừa trống rỗng vừa khoa trương, nhưng thực ra là nhát hèn.

Lê Tần khen:

– Ta không ngờ, nàng lại là người rành sử đến vậy.

– Phu quân có biết những năm sống bên tháp mộ vua cha nơi trại dâu tằm bên bờ hồ này, nhiều phen thiếp đã định xuất gia hoặc tìm đến cái chết. Thú thực nếu không có Trịnh Huyền và sách, chắc thiếp không còn được sống tới ngày gặp phu quân. Vả lại những trang sử hào hung của tổ phụ mình, của đất nước mình, càng đọc như càng được tiếp thêm sức sống. Thiếp cam đoan với phu quân nước ta có nhiều phen chống lại sự xâm lăng của phương Bắc, thắng họ rất vẻ vang, nhưng đem quân tới tận sào huyệt nó để phá mưu nó thì chỉ có thời Lý và danh tướng Lý Thường Kiệt là độc nhất vô nhị.

Suy nghĩ giây lâu, Lê Tần đáp:

– Có lẽ nàng nói đúng. Bởi nước ta nhỏ, thế và lực đều có hạn, nên chỉ chống đỡ là chính. Duy có Lý Thường Kiệt là bậc thần mưu, là tướng dũng lược nắm đúng thời cơ, ra tay đúng lúc nên dù tiến sang đất Tống hoặc rút về lập phòng tuyến bên bờ nam sông Như Nguyệt, ông đều ở thế thượng phong.

Với vẻ cảm phục chồng, Chiêu Thánh liền nói:

– Phu quân cũng là một danh tướng đương thời, phu quân nói về Lý Thường Kiệt với tấm lòng của kẻ liên tài, thật đáng trọng.

Lê Tần vội đáp:

– Nàng chớ nói vậy làm ta ngượng, ta vừa là kẻ hậu sinh vừa không có cái gì để sánh được với tướng quân họ Lý.

Lê Tần vừa nhìn thấy thấp thoáng ngôi tháp chùa Bảo Quang, bỗng có gì hoài nhớ. Chàng vội nối lời: – Thật ra thì thời nào cũng có người tài, nhưng anh tài kiệt xuất thì không phải thời nào cũng có.

Xe vừa dừng trước tam quan, bỗng vợ chồng con cái Trịnh Huyền từ trong sân chùa chạy ra.

Chiêu Thánh vô cùng ngạc nhiên:

– Chị và tướng quân định qua chùa lễ Phật rồi ra lễ tháp phụ hoàng sau đó sang thăm vợ chồng em. Tại sao em biết chị tới mà qua đây?

– Lạ lắm chị Chiêu Thánh ơi, đêm qua em mơ thấy tiên đế. Người vận áo cà sa, đội mũ hoa sen, tay chống thiền trượng. Vừa trông thấy người em sụp lạy. Người mỉm cười rồi giơ chiếc gậy như có ý bảo em đứng lên. Khi em ngửng nhìn thì không thấy ngài nữa. Sáng dậy em cứ thấy nóng ruột, ngồi đứng chẳng yên. Chợt nghĩ phải sang mộ tháp thì thấy lòng yên tĩnh, bèn rủ phu quân và cho các cháu cùng đi.

May quá chị Chiêu Thánh, thế là chị em mình lại được gặp nhau.

Đô tướng Đỗ Quang Thuật từ ngày có gia thất nom người tươi nhuận hẳn ra, tính tình cởi mở khiến quân sĩ dưới quyền thêm quý mến.

Lê Tần với chức ngự sử đại phu là quan lớn trong triều được vua tin cẩn, còn Đỗ Quang Thuật chỉ là một viên đô tướng trông coi tám mươi quân thánh dực, một chức quan cuối hàng phẩm trật nhưng Lê Tần vẫn coi như một người em út, săn sóc, bảo ban và cả dạy dỗ nữa.

Nhờ Chiêu Thánh là mối dây ràng buộc, nên hai gia đình thêm quý nhau như tình nội tộc. Đến bây giờ thì con cái hai nhà cũng đã vào tuổi trưởng thành, Chiêu Thánh, Trịnh Huyền cũng đã trên dưới bốn mươi tuổi, tình thân ngày một khăng khít.

Mọi người vào chùa lễ Phật rồi ra tháp mộ Huệ tôn. Cạnh ngôi tháp Huệ tôn là tháp mộ của vị thiền sư trụ trì tại ngôi chùa này mà hơn hai mươi năm trước Chiêu Thánh, Trịnh Huyền đã vào đây tá túc. Chiêu Thánh làm lễ cả hai ngôi tháp rồi vào chùa đưa mười nén bạc biếu vị thiền sư để nhà chùa thêm vào tiền hương nến thờ Phật.

Khi biết Chiêu Thánh là con của Huệ tôn, vị thiền sư bèn đứng lên vái bà và nói:

– Bạch chư tôn công đức, ngài Huệ Quang và thầy tôi (tức là vị tiền bối trụ trì tại chùa Bảo Quang) đều là các bậc Bồ tát và chắc các ngài đã nhập Niết Bàn. Nhưng chúng tôi vẫn coi như các bậc đang thị hiện để hóa độ chúng sinh.

Trà nước xong, tướng Lê Tần dẫn Chiêu Thánh và các con sang nhà vợ chồng Trịnh Huyền.

Cơm nước xong Trịnh Huyền tự tay thắp hương lên ban thờ rồi lầm rầm khấn vái, không ai nghe được rõ lời. Đoạn Huyền sai hai đứa gia nhân đi tìm hai chiếc cuốc đem ra gốc dâu cỗi phía đầu vườn.

Trịnh Huyền quay lại vái Chiêu Thánh hai vái:

– Em có lỗi, bấy lâu giấu chị một việc, hôm nay em xin vái chị để tạ lỗi rồi em sẽ giãi bày sau.

Đoạn Huyền nói:

– Chị có nhớ cái đêm quốc mẫu đến thăm chị rồi ngủ lại đây với chị em mình không?

– Ta quên sao được. Vậy có chuyện gì mà em làm nghiêm trọng khiến ta lo quá.

– Có chuyện nghiêm trọng đấy. Nghiêm trọng là ở chỗ em giấu chị từ bấy tới nay. Chị cứ để em kể. Qua đêm ngủ lại, tinh mơ quốc mẫu đã lay gọi em rồi người giúi vào tay em một gói nằng nặng. Người bảo: “Ta có mười nén vàng, con giữ lấy để độ thân cho hai thầy trò. Ta cấm con không được hở cho Chiêu Thánh biết chuyện này. Có thể con chôn giấu vào một gốc cây nào đó trong vườn. Rồi làm như vô tình đào được. Nếu có điều gì cần kíp, con cứ về cung tìm ta. Nhớ nhé”. Em chưa kịp nói điều gì thì bà đã ra đi. Cầm nắm vàng trong tay, người em cứ run bắn lên. Em đã định vào lay gọi chị. Lại nhớ quốc mẫu dặn: “Ta cấm con không được hở cho Chiêu Thánh biết chuyện này”.

Lúc ấy trời cũng bắt đầu sáng. Em chỉ nhìn lờ mờ những nén vàng bọc trong vuông khăn đỏ nhưng em không dám mở ra. Vội tìm được chiếc lọ sành có nắp, em đem chôn xuống gốc cây dâu đầu vườn. Vừa vùi xong chiếc lọ đang lấp đất thì chị dậy hỏi em làm gì sớm thế. Em bảo xới bón cho mấy gốc dâu. Suốt một thời gian dài, có lúc chị em mình lâm cảnh thiếu thốn, em đã toan nói với chị lại sợ chị mắng và bắt đem vào cung trả phu nhân. Cũng có lúc em đã nghĩ, hay là đào lên lấy một nén đem đi bán. Nhưng em lại sợ vì từ nhỏ chưa biết vàng là gì. Đem bán lại sợ người ta nghĩ mình là đứa lấy trộm của chủ bắt trình quan. Thế là em cứ để đấy coi như quên. Nay có chị và cả quan ngự sử và phu quân em. Em xin đào lên để gửi chị.

Nói xong Trịnh Huyền xăm xăm đi ra phía đầu vườn và sai gia nhân đào dưới gốc dâu. Cây dâu ngày trước chỉ bé bằng thân cây mía, nay to bằng bắp đùi. Vì vậy công việc đào bới rất là vất vả. Sau phải dùng đến mai và cả dao dựa để chặt rễ cây.

Từ khi nghe Trịnh Huyền nói, Chiêu Thánh hết đỗi bàng hoàng, nàng phải tựa lưng vào vách tường cho khỏi ngã. Có một cái gì đó dường như là sự hối hận dâng lên nghẹn ứ cả cổ họng. Đúng là bà đã giận mẹ tới mức không thể tha thứ. Ngay cái chết của mẹ gần đây bà cũng chỉ đến viếng như một người bà con xa, và chỉ đeo hờ một dải khăn tang chứ không nhỏ được một giọt nước mắt xót thương cho người đã sinh hạ ra mình. Chiêu Thánh biết đó là một sự tàn nhẫn cố chấp. Nhưng quả thật việc cướp mất một vương triều và làm tuyệt diệt cả một dòng họ, càng lớn lên Chiêu Thánh càng nung nấu lòng căm giận.

Một vài năm sau cái chết của phụ hoàng, Chiêu Thánh mới biết kẻ nào là thủ phạm giết cha mình. Và những năm dài đau ốm của vua cha được người ta nhốt vào một nơi để nuôi dưỡng như nhốt một tên tội phạm sát nhân. Không phải mẹ ta không biết điều đó. Thế nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ và nhởn nhơ sống với người tình. Chiêu Thánh giận mẹ là giận ở sự phản bội vua cha tới mức nhẫn tâm. Còn như sự còn mất của một vương triều cũng chẳng có gì là ghê gớm. Chục nén vàng bà để lại cho ta trong lúc khó khăn, ấy là cái tình của người. Cũng may là tới bây giờ Trịnh Huyền mới cho ta biết. Giá như ngày ấy Huyền nói ra ngay thì hoặc là ta đã ném nó đi, hoặc ta bắt Trịnh Huyền phải đem ngay tới cung Thủy Tĩnh trả lại bà.

Trịnh Huyền vẫn đứng chỉ trỏ mấy người đào bới. Mãi sau khi chặt hết những chùm rễ quấn chằng chịt quanh chiếc lọ sành, sau đó mới lấy được cái lọ ra. May lọ chưa bị vỡ, nắp vẫn còn đậy nguyên như cũ. Gia nhân bê vào trong nhà. Trịnh Huyền mời chồng và quan ngự sử Lê Tần cùng xem chiếc lọ. Sau đó Huyền đưa cho Chiêu Thánh và nói:

– Chị mở nắp giùm em.

Chiêu Thánh giơ tay lên mở nắp lọ như người vô hồn.

Trịnh Huyền cho tay vào khoắng ra được một nắm vàng. Vải bọc đã mục nát. Vàng vẫn vàng chóe. Huyền đếm được đúng mười nén. Nàng lau sạch sẽ, đặt vào chiếc đĩa rồi nâng hai tay đưa cho Chiêu Thánh:

– Em muôn vàn có lỗi với chị. Đây là tấm tình của quốc mẫu, chị giữ để lưu chút tình mẫu tử.

Chiêu Thánh nén nỗi đau chìa tay ra đỡ, nước mắt tuôn rơi lã chã. Bỗng nhiên tay bà run bần bật. Chiếc đĩa tuột khỏi tay vỡ vụn. Mười nén vàng rơi chồng đống lên nhau.

Chiêu Thánh hoảng hốt hét lên như người mất hồn:

– Phụ hoàng! Phụ hoàng! Rồi bà ngã lăn ra. Lê Tần và các con xúm vào nâng bà dậy.

Mọi người đều sởn cả tóc gáy và mơ hồ nhận ra một điều gì đó rất thiêng liêng vừa xảy ra.

Lâu lâu chừng nhai tàn miếng trầu Chiêu Thánh mới mở được mắt ra. Bà nói, giọng thều thào thuần hơi:

– Phụ hoàng về đón ta đi đấy. Ta nom rõ phụ hoàng trong bộ áo thiền sư, y hệt bữa ta và chị Thuận Thiên đến điện Chí Kính gặp cha trước khi cha xuất gia. Ta còn nhớ như in lời cha nói nhỏ nhưng vừa đủ nghe: “Từ nay pháp danh của cha là Huệ Quang”.

Nhìn lại mấy nén vàng Chiêu Thánh xua tay: – Ta không thể nhận. Không thể nhận được. Vừa nãy Trịnh Huyền bảo ta nên nhận “để lưu giữ một chút tình”. Nhưng không thể được, chính phụ hoàng gạt tay ta đấy. Nỗi đau này chưa thể gỡ bỏ khi nhà Trần chưa trả nghiệp. Thôi ta đành…

Trịnh Huyền sợ cuống lên:

– Vậy thì làm thế nào đây chị Chiêu Thánh, thưa quan ngự sử – Huyền quay về phía Lê Tần hỏi – Xin quan ngự sử quyết cho việc này.

Lê Tần bị hỏi bất ngờ nên hơi lúng túng. Một lát sau, ông nói:

– Theo ta, vợ chồng Trịnh Huyền, Quang Thuật nên giữ số vàng này để chăm sóc tháp mộ và hương khói cho tiên đế.

Chiêu Thánh cũng nói theo:

– Phải đấy! Phu quân ta nói đúng đấy. Em làm ơn nhận giùm chị đi.

Đỗ Quang Thuật vội nói:

– Thưa đại quan cùng phu nhân, việc mười đĩnh vàng cho tới lúc này tiểu tướng mới được biết. Vì nó là việc thiêng liêng nên hiền thê của hạ cấp vẫn giữ kín. Cho nên việc này hạ cấp xin được phép không dám can dự.

Tiếp lời chồng, Trịnh Huyền cũng nói:

– Chị Chiêu Thánh ơi, hầu hạ chị bấy nhiêu năm, chị biết tính em rồi đấy. Ngay những ngày túng thiếu, mẹ em ở quê bị đói, chị cho vòng vàng để bán đi nuôi mẹ, em còn chẳng dám lấy nữa là bây giờ. Hơn nữa đây là của quốc mẫu gửi chị, em đâu dám nhận.

Việc chăm sóc tháp mộ tiên đế, là ta cứ nói thế thôi chứ tiên đế bây giờ là Bồ Tát, là Phật hoàng rồi, tiên đế đâu có ngự trong tòa tháp đó. Vả lại việc chăm sóc các tháp mộ trong vườn chùa là công việc của các sa môn trong chùa chớ đâu cần tới chị em mình. Thỉnh thoảng chị em mình qua lại hương khói là tỏ tấm tình kính ngưỡng đối với tiên đế, và nhổ mấy cọng cỏ quanh chân tháp, việc ấy đâu cần tới cả đống vàng kia. Mấy lại chị thương em, cứ trông thấy vàng là em sợ lắm.

Chiêu Thánh ngẫm nghĩ: “Trịnh Huyền là người trọng nghĩa. Ngay từ khi còn nhỏ hầu hạ mẹ ta trong cung thái sư, mà Trịnh Huyền dám lọt vào nơi người ta giam giữ cha ta để lấy chiếu cần vương. Bị bắt, Huyền khẳng khái nhận chứ không khai vấy cho ai. Rồi sẵn sàng theo ta đi sống cuộc sống khắc khổ bao năm trong trại dâu tằm này. Huyền nói cứ hễ trông thấy vàng là sợ, chính là Huyền khinh các thứ của cải mà vì nó biết bao người phải oan khuất. Vậy làm thế nào với mấy nén vàng này đây. Ta không thể nhận nó, dù trong đó là cái tình của mẹ. Nhưng còn nỗi đau của cha vừa vong quốc lại bức phải vong thân, cha giận không cho phép ta nhận, cũng tức là cha biết mẹ đã đoạn tình, đã phản bội cha đến mức không thể tha thứ, dù rằng cha đã là đấng giải thoát. Thôi cũng đành vậy. Mẹ đã gieo nhân nào thì mẹ hái quả ấy”. Đoạn Chiêu Thánh quay ra nói trước mọi người:

– Huyền không nhận số vàng này có cái lý của Huyền. Ta không nhận số vàng này có cái lý của ta. Nhưng không thể để như một chướng vật trong nhà Huyền mãi. Vậy theo ta, hai chị em mình cùng mang sang chùa cúng dàng Tam Bảo.

Ai cũng cho điều đó là phải. Trước khi sang chùa, Chiêu Thánh nói với Trịnh Huyền.

– Trong khắp nước Đại Việt, em là người cao thượng bậc nhất mà chị từng thấy. Cuộc đời chị may có em làm bầu bạn. Nếu không có em, chắc chi chị có ngày nay. Em không màng bất cứ một thứ gì không phải tự em làm ra. Cho nên không biết lấy gì đền ơn đáp nghĩa em. Vậy em hãy nhận tấm lòng nơi chị. Nói xong Chiêu Thánh quỳ lạy Trịnh Huyền hai lạy.

Trịnh Huyền vừa nâng Chiêu Thánh dậy vừa khóc nức nở:

– Chiêu Thánh ơi, chị xử thế khiến em tổn thọ và ngượng với đại quan và phu quân em lắm. Chị em ta sở dĩ gắn kết với nhau trong cuộc đời này chắc là có cơ duyên tiền định, chị khỏi băn khoăn.

Sau khi hai người đem mười nén vàng sang chùa cúng dàng Tam Bảo, họ chia tay nhau trong bịn rịn, nhưng trong lòng hai người đều vơi nhẹ. Nhất là với Trịnh Huyền, khi chưa trao lại được số vàng kia cho Chiêu Thánh, trong tâm can óc não nàng lúc nào cũng nặng trịch như phải đeo một cục đá.

Lại nói công việc triều chính, Thánh tông nhận biết sự hiểm nguy của sức mạnh Mông Cổ (nay là nhà Nguyên) ngày càng uy hiếp nặng nề nền tự chủ của Đại Việt. Vì vậy nhà vua ban chiếu cho các vương hầu phải tăng số điền binh trong trang ấp, phải cho họ thay nhau luyện tập để khi nước có họa xâm lăng thì mỗi người dân sẽ là một người lính. Lại sai tuyển dân đinh các lộ những người trẻ, khỏe sung làm thường binh để luyện thành các sắc quân tinh nhuệ. Các lộ cho lập các đội phong binh[82].

Nghe nói Hốt-tất-liệt chiếm các tỉnh miền nam Trung Hoa, đã cho đóng thuyền lớn, lập thủy binh. Chắc người Nguyên có ý định xâm chiếm Đại Việt hoặc các nước trong vùng, xa hơn nữa là Nhật Bản. Vì vậy vua Thánh tông sai đóng các thuyền lớn cho quân thủy, sai các lộ làm đồ binh khí, lại sai Lê Tần làm thủy quân đại tướng chuyên coi sóc việc luyện quân thủy trở thành một sắc quân mạnh của Đại Việt, đủ dìm chết đám thủy binh phương bắc nếu chúng xâm phạm cõi bờ ta.

Nhà vua còn hạ chiếu cho các vương hầu, công chúa phò mã được phép chiêu mộ những người dân xiêu tán vì không có ruộng đất, sản nghiệp làm điền nô để khai khẩn đất hoang cùng với số đất đã được phong, lập làm điền trang. Bởi số điền trang càng nhiều, càng rộng lớn thì càng nhiều của cải, nhiều điền binh. Đó cũng chính là sức mạnh của nước.

Vua phong cho em là Chiêu minh vương Trần Quang Khải làm thái úy, sai vào coi châu Nghệ An. Phong cho Quốc Tuấn tước vương.

Quốc Tuấn từ sau cuộc chiến năm Đinh Tỵ lập công to, được Thái tông cho mở phủ tại Thăng Long, lấy tên hiệu của mình đặt cho phủ riêng là Hưng Đạo[83].

Tuy nhiên, Quốc Tuấn lui về Vạn Kiếp mở rộng điền trang, lập gia binh, kén tả hữu giúp rập. Quốc Tuấn nghiền ngẫm binh thư các đời, lại xem xét vì sao quân Mông Cổ trở thành một đội quân bách thắng. Biết trước sau cũng phải đối đầu với đám quân dũng mãnh mà kiêu ngạo, tàn bạo này, nên ông không bỏ qua một điểm mạnh nào của nó mà không xem xét. Và từ đó tìm ra cái yếu, cái khuyết nhược của nó để viết thành sách dạy cho trước hết là các gia tướng, gia binh.

Trang ấp của ông cận kề với nơi hội tụ của sáu dòng sông. Từ đây có thể lên phía bắc mà vào Trung Hoa hoặc lên phía tây bắc sang nước Đại Lý, nơi quân Mông Cổ đang chiếm giữ. Lại cũng từ đây mà về Thăng Long hoặc xuôi xuống cửa sông Bạch Đằng ra biển. Từ cửa biển này có thể sang Trung Hoa hoặc vào Thanh Hóa, Nghệ An rồi từ đó qua Chiêm Thành.

Quốc Tuấn nhận ngay ra tính quan yếu vào bậc nhất của vùng sông nước mà ông đang chiếm giữ. Nơi đây sông vừa sâu vừa rộng lại chia nhiều ngả đủ sức lập đại thủy trận. Dụ được giặc vào đây khác nào dụ được chúng vào trận đồ bát quái.

Sau trận thua năm Đinh Tỵ sang năm Mậu Ngọ, Ngột-lương-hợp-thai lại sai hai viên sứ vào Thăng Long dụ Đại Việt quy hàng. Vua Thái tông nổi giận sai trói hai viên sứ thần lại rồi đuổi về nước.

Anh em Hốt-tất-liệt đang đánh nhau để tranh ngôi Đại Hãn nên cũng bỏ qua việc ấy. Nay Hốt-tất-liệt đã lên ngôi, lại sai sứ sang dụ vua ta. Trong đó có phần châm chước, nương nhẹ.

Trong chiếu thư của Hốt-tất-liệt gửi cho vua ta có đoạn viết: “… Ta sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp sung chức An Nam tuyên dụ sứ và Lễ bộ viên ngoại lang Lý Văn Tuấn sung chức phó sứ sang hiểu dụ cho quan liêu sĩ thứ nước ngươi được biết: Phàm các việc như áo mũ, lễ nhạc, điển lệ, phong tục cứ theo như chế độ cũ của nước ngươi không cần phải thay đổi. Như nước Cao Ly mới đây sai sứ sang hỏi, đã xuống chiếu cho đều theo lệ ấy. Ngoài ra ta cũng răn cấm các biên tướng ở Vân Nam không được tự tiện đem binh lấn cướp nơi cương giới, quấy nhiễu biên dân nước ngươi. Các quan liêu sĩ thứ nước ngươi đều nên yên trị như cũ…”.

Hốt-tất-liệt còn phong vua ta làm An Nam quốc vương, lại ban gấm vóc để yên lòng.

Vua thết yến và quà cáp tiễn sứ rất trọng hậu.

Một mặt sai sứ sang đáp lễ, mặt khác sai hai quân thủy bộ tập đại thủy trận ở ngã ba sông Bạch Hạc vì quân thủy đã tinh luyện từ mấy năm nay và các chiến thuyền lớn cũng vừa hạ thủy.

Hốt-tất-liệt đã chấp thuận cho Đại Việt ba năm cống phương vật một lần. Nay lại gửi chiếu thư sang hạch sách: “… Khanh đã gửi đồ lễ sang làm bầy tôi, vậy bắt đầu từ năm Trung thống thứ tư, cứ ba năm cống một lần, hãy chọn nha sĩ, thầy thuốc, người giỏi âm dương bói toán, các loại thợ, mỗi thứ ba người, cùng dầu tô hợp hương, quang hương, vàng bạc, châu sa, trầm hương, đàn hương, sừng tê, đồi mồi, trân châu, ngà voi, vải trắng, chén sứ đem cả đến một lúc. Ta vẫn cử Nu-rút Đin[84] (Nurud-Din) làm Đa-ru-ga-tri[85] đeo hổ phù đi lại khắp nước An Nam…”.

Thấy phía nhà Nguyên ngày càng lấn tới, hai vua bèn triệu các thân vương, các tướng tâm phúc về trang ấp của Hưng Đạo ở Vạn Kiếp để hội họp, vừa tránh sự nhòm ngó của đám thương nhân người Hồi Hột[86] mà triều đình nghi lũ người này do Hốt-tất-liệt phái sang ta do thám, vừa xem lại cái thế thủ hiểm của Lục Đầu giang và các sắc quân của Hưng Đạo ở Vạn Kiếp.

Được vua chọn trang ấp Vạn Kiếp làm nơi hội họp, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn sai gia nhân lo sắp xếp chu đáo nơi ăn ở, nơi hội họp, sai các gia tướng, hai đạo thủy bộ chuẩn bị sẵn sàng, nếu hoàng thượng cho phép sẽ diễn tập ngay trên khu vực Lục Đầu giang.

Tới ngày hẹn, thuyền vua và thuyền các quan cùng các tướng tâm phúc cập bến Bình Than từ lúc bình minh còn chưa ló rạng.

Hưng Đạo đem theo gia tướng, gia binh ra tận bến thuyền nghênh đón hai vua và Thái sư.

Vua Thái tông năm nay vào tuổi bốn mươi lăm, đi lại nhanh nhẹn, sức lực sung mãn, giọng nói ấm áp chưa có dấu hiệu của tuổi già. Thái sư Trần Thủ Độ phong độ kém hẳn mấy năm trước. Dăm năm trước đây thôi, khi đại quân rút về đóng tại bãi Mạn Trù bên sông Thiên Mạc, râu tóc thái sư mới hoa râm chứ chưa trắng xóa như bây giờ. Lúc đó nom ngài còn cân quắc, ý chí sắt đá, lời nói thép đanh. Khi vua hỏi: “Thế giặc mạnh, liệu tính sao đây?”. Thái sư trả lời giọng sang sảng: “Đầu thần còn chưa rơi thì bệ hạ khỏi lo”. Thế mà bây giờ, mới sau có năm năm, Thái sư đã trở thành một ông lão già nua. Lưng đã hơi gù gù, má hóp, thần sắc không còn linh lợi nữa. Có nhẽ từ sau sự ra đi đột ngột của phu nhân, Thái sư như bị hụt hẫng, mọi sự đều trở nên xáo trộn, trong lòng thì trống vắng, cô đơn, khiến ông chạnh lòng. Chiêu Thánh giận mẹ, có nghĩa rằng nó vẫn còn căm ghét ta. Nhiều nỗi dằn vặt xâu xé. Quá khứ hiện về như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Quốc Tuấn ra tận mạn thuyền đỡ Thái sư bước qua tấm ván để vào bờ. Miệng chào, tay đỡ cho ông đi từng bước.

Thái sư nhẹ hỏi:

– Quốc Tuấn đấy ư? Ta muốn về thăm trang ấp của cháu, lại cũng muốn đọc trước tác về binh pháp của cháu.