Phần 14: Lời thệ nguyện

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

Phát thệ trì giới

* Xưa kia Châu Dụ thường tụ tập thiện hữu, dùng phuơng thức in những tờ truyền đơn răn dâm để phát cho các xã hữu. Mỗi người nhận một tờ, chia nhau khuyên lơn mười người khác. Mỗi người đều kính cẩn ghi rõ quê quán, tuổi tác, tự ký tên họ, đem đốt để bẩm cáo trước Văn Võ nhị đế[1]. Từ đấy về sau, dấy lên ý niệm, thốt ra lời lẽ, đều chú ý thận trọng, nghiêm ngặt răn nhắc chính mình chẳng dính dáng chút tà dâm nào! Kẻ chẳng may đã phạm lỗi ấy, ý niệm hổ thẹn, hối hận vừa nẩy sanh, đã đủ để tiêu trừ lỗi lớn tầy trời! Kẻ may mắn chưa phạm lỗi ấy, từ nay, kiên quyết khống chế [chính mình], chẳng đến nỗi để ngọc trắng có vết rạn nhỏ nhoi! Người này kẻ nọ răn nhắc lẫn nhau, từ đầu tới cuối không thay đổi, lần lượt khuyên bảo rộng rãi, ngõ hầu người đời vĩnh viễn đoạn trừ căn cội oan nghiệt ấy, đều trở về đường ngay, ắt sẽ công đức tràn trề, mà phước cũng vô lượng.

* Ông Lạc Quý Hòa bảo:

– Cổ nhân nói ‘muôn điều ác, dâm đứng đầu. Trăm hạnh, hiếu đứng đầu’. Tôi thường suy xét hai câu nói ấy, mong hiểu thấu rốt ráo ý chỉ của chúng, bèn biết hai câu ấy [thoạt nhìn dường như] tương phản, nhưng chúng vừa khéo thành tựu lẫn nhau! Lý trong hai câu ấy có thể luận định như thế này. Đã coi dâm đứng đầu muôn điều ác, ắt có thể suy ra để biết: “Không dâm đứng đầu trăm hạnh”. Đã coi hiếu đứng đầu trăm hạnh, ắt có thể suy ra mà biết: “Bất hiếu chính là cội nguồn của muôn điều ác”. So đi tính lại, chỉ một lời đã đủ, nhưng tách ra thành hai [điều để nói]. Vì sao? Bởi lẽ, hễ ham dâm, sẽ chẳng thể trọn hiếu. Muốn tròn đạo hiếu, ắt phải bắt đầu bằng chẳng dâm!

Bậc thánh nhân thời cổ chế định hôn nhân chính vì lẽ ấy. Bày ra mai mối, lập ra sáu lễ. [Hiểu theo phương diện] nhỏ [thì hôn nhân] cốt yếu là để nối tiếp dòng dõi, có người cúng tế tổ tiên, sáng tỏ luân thường, giúp cho đức hạnh. [Hiểu theo phương diện] to lớn thì đó chính là cội rễ để trị quốc, bình thiên hạ. Không gì chẳng nhằm khiến cho con người được tròn vẹn đạo hiếu từ đầu đến cuối. Vì thế, nói: “Đạo của bậc quân tử bắt nguồn từ vợ chồng”. Cõi đời lẫn đạo nghĩa đều suy vi, chẳng hành theo giáo huấn của bậc thánh triết, ý nghĩa cao quý của cổ nhân mất sạch. Lễ nghĩa trở thành nói suông, coi chuyện vợ chồng như phương tiện để hưởng dục lạc. Bọn thiếu niên đức nghiệp chưa thành, đã biết hâm mộ sắc đẹp của lũ gái tơ mơn mởn. Kẻ làm cha mẹ cũng hư vọng chiều theo ý con, để nhờ vào chuyện đó khiến cho con đẹp lòng. Do vậy, công khai coi chuyện háo sắc là chuyện chánh đáng trong đời người; lại còn nói khoa trương là “kế tục huyết thống, nối tiếp dòng dõi”. Bởi đó, tình vợ chồng càng thêm sâu nặng, sự phụng dưỡng cha mẹ [ngày càng] thiếu sót. Dốc sức đẹp lòng vợ, coi cha mẹ như người ngoài, mắc tội đại bất hiếu. Chẳng cần nói tới những kẻ nghèo hèn, [ngay như những kẻ có học thức, sang cả], con trai [vì mê vợ] mà trở mặt với mẹ, [con dâu] chửi mẹ chồng, đã thành thói thường từ lâu! Tình người khó bề hướng lành, dễ quen theo thói ác, chính là vì đã coi chuyện vợ chồng là phương tiện để hưởng dục lạc. Ắt sẽ khiến cho quan niệm tình kiến khác biệt về nam nữ ngày càng sâu, ý niệm ham ái tham dâm này càng hừng hực! Có mới chán cũ, hễ tiếp xúc bèn nẩy sanh tình, coi nam nữ trong thiên hạ chẳng qua là công cụ để thỏa mãn dục lạc cho ta, thói tà dâm dấy động. Ganh ghét nhau, giết chóc lẫn nhau, tổn hại thân thể, điếm nhục cha mẹ, muôn điều ác ồ ạt dấy lên, trăm hạnh đều phế sạch! Cái tội bất hiếu không gì nặng hơn!

Xét đến cội nguồn, há chẳng phải là bắt nguồn từ ý niệm dâm dục của vợ chồng ư? Vì thế, tôi nói “hai câu ấy tuy tương phản mà thật ra là khéo bổ trợ lẫn nhau”. Kẻ chẳng biết [lẽ này], vẫn cứ muốn gượng ép phân định chữ Dâm thành tà và chánh. [Làm như vậy], há có thể nói là đã lãnh hội sâu xa ý chỉ của cổ nhân ư? Kinh [Viên Giác] dạy: “Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà có tánh mạng. Dục do ái mà sanh, mạng do dục mà có. Chúng sanh yêu mến tánh mạng, vẫn là do dục làm gốc. Hãy biết luân hồi có căn bản là Ái”. Kinh còn dạy: “Do vì dục cảnh, dấy lên sự nghịch thuận. Cảnh trái nghịch cái tâm yêu mến, bèn sanh lên ganh ghét, tạo các thứ nghiệp. Vì vậy, lại sanh vào địa ngục, ngạ quỷ”.

Do những điều ấy, biết dâm chính là mối họa lớn trong đời người, thoạt ban đầu, chẳng phân ra tà hay chánh vậy! Nhưng chúng ta kể từ vô thỉ cho tới nay, do ái dục mà có thân này đã lâu. Tù ngục gia đình đã hình thành, nghiệp căn khó dẹp trừ! Đức Như Lai thương xót, vẫn mở ra phương tiện, chấp thuận kẻ chẳng ham tà dâm vẫn được gởi thân nơi hoa sen (kinh Giới Đức Hương dạy: “Chẳng xâm phạm vợ người khác, sẽ được hóa sanh trong hoa sen”). Ở đây, tôi nói những điều này, chẳng phải là muốn ép buộc mọi người phải làm chuyện khó thể làm là “tuân theo chủ nghĩa tuyệt dục nghiêm ngặt”, mà thật sự là vì mong những người cùng chí hướng biết rõ: Những kẻ tham cầu dục lạc trong chốn khuê phòng, chẳng đoái hoài đại nghĩa luân thường thì đã là trái nghịch lý, huống hồ những kẻ mặc tình rong ruổi [thú vui xác thịt] bên ngoài, coi như là chuyện thường tình! Do vậy, suy ra bèn biết: Tuy tận lực kiêng tà dâm, bất quá vẫn là [vâng giữ] một giới trong năm giới của Nhân Thừa. Nếu vẫn mặc tình săn đuổi [xác thịt], ắt khó tránh chìm đắm trong tam đồ ác đạo. Do vậy, phát khởi cảm động [ai nấy dấy lòng] tận sức phấn chấn tinh thần, trong là giữ vững cội gốc tề gia, ngoài là đoạn dứt cái tâm tranh giành, theo đuổi [dục vọng], truy tìm căn cội, dốc sức tu hành để mong có ngày đạt được Nê Hoàn (kinh Phật Bát Nê Hoàn có nói: “Kiêng tà dâm, được tăng trưởng năm thứ phước, nhập đạo Nê Hoàn”), nhanh chóng thoát khỏi mười tội (sách Pháp Uyển Châu Lâm nói: “Do tà dâm bèn phạm mười tội”). Đức Phật nói lời thành thật, chẳng lừa dối ta. Vì thế, hãy quyết định đối trước trời Phật phát thệ, ước hẹn kiên quyết, dùng lời nguyện ấy để gìn giữ [bản thân chẳng sanh tà niệm, lời nguyện ấy được] viết rõ ràng ở đây. Những vị Phật tử đang hiện diện tại đây, ắt sẽ có người đồng tâm, cho nên [trước lời nguyện] tôi viết dông dài mấy câu ngõ hầu khơi gợi.

Lời thệ nguyện

Nước…. năm… tháng… ngày, đệ tử lập nguyện kiêng tà dâm trai giới tắm gội, xông hương.

Thắp hương, dâng sớ. Kính cẩn tuyên thệ trước tòa[2]… rằng: Trăm điều thiện, hiếu trước tiên; muôn điều ác, dâm làm đầu. Người khác cầm thú vì biết nghĩ suy. Nhạn sống thành bầy trong đầm, còn chẳng cặp đôi bừa bãi. Ta là Phật tử, há chẳng bằng chim? Kể từ hôm nay, thề kiêng tà dâm, cho đến lúc chết, vĩnh viễn chẳng đổi lòng. Nếu có trái phạm, ắt thân chuốc họa. Nếu không sửa lỗi, hại đến cháu con, nhuốm bẩn đại giáo, tội thật chẳng nhẹ! Xin hãy giết chết để khuyên răn, các vị thần minh hộ pháp từ bi xót thương, xét soi tấm lòng quy hướng, hộ trì, ngấm ngầm che chở, đời đời vĩnh viễn bảo vệ.

Đệ tử… kính cẩn ký tên

Một là giữ vững giới lực. Tâm tưởng của con người hễ chẳng thiện thì là ác. Sự hưởng thụ của con người nếu chẳng phải là phước, sẽ là họa. Đạo trời giáng họa cho kẻ dâm, chẳng giáng tội cho người biết hối cải. Đúng là thoạt đầu mê, đến cuối cùng ngộ, tai ương sẽ lìa, phước đưa tới. Nhưng sau khi sám hối, thọ giới, phải dè dặt, cẩn trọng như vào rừng sâu, như bước trên băng mỏng, mãi cho đến khi mạng chung[3], sau đó mới có thể thưa với thần minh chính mình vô tội. Nếu sau khi thọ giới, lại phạm giới, ắt lời thề ở trước, oai linh của thần ở sau, chắc chắn sẽ mắc họa, chẳng có thuốc chữa. Như mắc bệnh thương hàn vừa đỡ, bèn ăn đồ huyết nhục, hễ bệnh cũ phát ra, chắc chắn chẳng thể sống được! Chỉ mong những người có cùng chí hướng, hãy chí tâm quy y, luôn luôn [dè dặt, cẩn trọng như đang] đối trước thần minh, phút giây nào cũng thường nghĩ đến nỗi họa hoạn. Người xưa nói: “Một lần [phạm lỗi] là đã quá đáng rồi, há còn tái phạm ư?” Huống hồ ta đã phát thệ, há giống như trò đùa bỡn của trẻ con ư?

Hai là kiên trì tín tâm. Phàm là những người thọ giới, cần nên biết vận mạng của mỗi người khác nhau. Như đất có chất màu, trời đổ mưa, sương, vốn chẳng khác biệt, do người trồng trọt vun quén, mà có cây nghiêng lệch, ngả bóng. Quyền vun bồi, che chở là do trời, nhưng vun quén, nghiêng lệch thật sự là do ta. Những kẻ ác mà hưởng phước phi thường, chưa chắc đã là phước thật sự! Có thể là nhờ vào điều ấy để khiến cho tai ương càng nặng nề hơn. Nếu không, là do tổ đức hoặc căn lành sâu dầy đời trước. Người lành vô cớ mắc họa, chưa chắc đã là nỗi họa thật sự, có thể là nhờ đó để khiến cho sự thành tựu của quý vị càng đẹp đẽ hơn. Nếu không, [những ương họa ấy] là do túc nghiệp, oan khiên đời trước mà ra. Chỉ mong người đời nếu gặp thuận cảnh, hãy càng thêm tinh tấn. Nếu gặp phải nghịch cảnh, hãy càng nên dũng mãnh, kết cục [tốt đẹp hay xấu ác] đều do chính mình đó thôi!

[1] Văn Võ Nhị Đế chính là Văn Đế (tức Văn Xương Đế Quân) và Võ Đế (Quan Công).

[2] Tùy theo phát thệ trước tượng Phật, Bồ Tát, thần minh nào mà xưng danh vị ấy.

[3] Nguyên văn “trực chí khải thủ khải túc chi hậu” (mãi chi đến sau khi có thể mở tay, mở chân ra coi). Thành ngữ này phát xuất từ chương Thái Bá trong sách Luận Ngữ: “Tăng tử hữu tật, triệu môn đệ viết: Khải dư túc, khải dư thủ” (Tăng Sâm mắc bệnh, gọi các đệ tử bảo: “Mở áo coi chân ta, mở áo coi tay ta”). Theo các bản chú giải, Tăng Tử luôn rất cẩn trọng giữ gìn thân thể, không dám tổn thương nhằm giữ trọn đạo hiếu. Khi sắp mất, ông bảo học trò coi tay và chân mình để chứng tỏ tay chân không bị tổn thương, không tổn hại đến cái thân do cha mẹ đã ban cho. Từ đó, chữ “khải thủ khải túc” được dùng với ý nghĩa “chết tốt lành”.