Phần 10 - Chương 2: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Ở Tỳ Lăng, có một ông họ là Tiền, làm việc thiện, nhưng không có con nối dõi. Trong làng có cụ Dụ bị kẻ có thế lực xiết nợ, bị gông xiềng giam cầm, vợ con đói rét, xin vay tiền ông. Ông trao tiền đúng số, chẳng giữ bằng khoán mượn nợ. Chuyện được giải quyết, cụ Dụ dẫn vợ con đến cảm tạ. Bà vợ ông Tiền thấy con gái của họ xinh đẹp, muốn mua về làm thiếp. Vợ chồng ông Dụ hoan hỷ. Ông Tiền bảo: “Thừa dịp người ta gặp khó khăn tức là bất nhân. Ý ta vốn làm lành, kết cục trở thành chuyện để thỏa dục, tức là bất nghĩa. Ta thà không có con, quyết chẳng dám phạm!” Vợ chồng ông Dụ khóc lóc bái tạ, lui về. Tối hôm ấy, vợ ông Tiền nằm mộng thấy có vị thần bảo: “Chồng bà âm đức rất trọng, sẽ ban cho bà đứa con quý”. Năm sau, quả nhiên sanh một trai, đặt tên là Thiên Tứ. Vào năm mười tám tuổi, [Thiên Tứ] liên tiếp đỗ đạt, làm quan đến chức Ngự Sử.

* Trầm Đồng ở Quy An, có tên tự là Quán Di, nhà nghèo. Người anh trong họ là Tốn Châu giới thiệu ông đến nhà sui gia dạy trẻ vỡ lòng. [Nhà ấy] mẹ góa, con thơ. Một đêm, bà góa đến dụ dỗ ông làm chuyện chim chuột, Trầm Đồng nghiêm khắc cự tuyệt. Ngày hôm sau liền từ tạ trở về. Bà góa sợ lộ chuyện, sắm sửa lễ vật van nài [Trầm Đồng trở lại dạy học]. Lại thúc giục Tốn Châu mời giùm mấy lượt, ông đều chẳng nhận lời. [Tốn Châu] vặn hỏi nhiều lần, ông Đồng trọn chẳng hé môi, chỉ nói “bất tiện” mà thôi! Năm sau, [Trầm Đồng] đỗ đạt, làm quan tới chức Tuần Phủ.

* Vương Chí Nhân là thương gia ở tỉnh An Huy, đã ba mươi tuổi không có con. Có thầy bói nói: “Vào tháng Mười này, ông sẽ gặp đại nạn”. Ông Vương vốn hết sức tin tưởng tài bói toán của người ấy; do vậy, vội vàng sang Tô Châu kiểm điểm sổ sách để [mau chóng] quay về quê nhà. Buổi chiều, ngẫu nhiên tản bộ, thấy một phụ nữ gieo mình xuống nước. Ông Vương vội lấy mười lạng bạc, gọi thuyền chài cứu lên. Hỏi nguồn cơn, cô ta đáp: “Chồng tôi làm công sống qua ngày, tôi nuôi lợn bán lấy lời. Hôm qua đem bán, không ngờ bị trả toàn là bạc giả, sợ chồng trở về trách mắng, không muốn sống nữa, cho nên toan tìm cái chết”. Ông Vương thương xót, bù tiền đầy đủ. Cô ta trở về kể với chồng, chồng không tin, bèn cùng với vợ tới chỗ ông Vương hỏi han. Ông Vương đã ngủ. Bà vợ gõ cửa, gọi to: “Người đàn bà gieo mình xuống nước đến cảm tạ”. Ông Vương sẵng giọng quát: “Ngươi là thiếu phụ, ta là người khách lẻ loi. Đêm khuya làm sao gặp gỡ cho được?” Người chồng run sợ, thưa: “Vợ chồng tôi cùng có mặt”. Ông Vương bèn khoác áo ra tiếp. Cửa vừa mới mở, bỗng tường đổ sụp, chiếc giường ông đã nằm bị đè nát vụn. Vợ chồng người ấy cảm thán từ biệt. Sau đó, ông trở về nhà. Thầy bói gặp mặt, hết sức kinh hãi, bảo: “Khắp mặt ông hiện toàn nét âm chất. Ắt là ông đã từng cứu mạng người khác. Sau này, phước sẽ chẳng thể lường được!” Về sau, ông sanh liên tiếp mười một đứa con, thọ đến chín mươi sáu tuổi, vẫn khoẻ mạnh.

* Dương Hy Trọng đời Tống là người huyện Tân Tân. Lúc còn hàn vi, ngồi dạy học tại một nhà giàu ở Thành Đô. [Tay nhà giàu ấy] có một người thiếp xinh đẹp, tự phụ tài sắc, tới chỗ ông ở để lả lơi chòng ghẹo. Hy Trọng nghiêm mặt cự tuyệt. Vợ ông Hy Trọng nằm mộng thấy thần bảo: “Chồng bà ở một mình nơi đất khách, trong chốn phòng kín chẳng dám khinh nhờn, sẽ đỗ đạt đứng đầu nhiều người, hòng tỏ rõ thiện báo”. Năm sau, quả nhiên ông Dương đỗ đầu tỉnh Tứ Xuyên.

* Hiếu liêm họ Trình ở Huy Châu, nhà ở bên một con suối nhỏ. Cây cầu gỗ bắc qua suối rất hẹp. Có một cô gái đến thăm người thân đi qua đó, trượt chân, rơi xuống nước. Hiếu liêm sai người cứu lên, sai vợ hong khô quần áo. Trời đã tối, [cô ta] không thể trở về, lại bảo vợ ngủ chung với cô ta. Hôm sau, đưa cô ta về nhà mẹ. Bố mẹ chồng [sắp cưới của] cô ta nghe tin, không vui, bảo: “Con dâu chưa qua khỏi cửa, đã ngủ đêm tại nhà người ta, chẳng phải là hạng gái tốt đẹp”, sai bà mối từ hôn. Hiếu liêm nghe tin, đích thân đến đó, tận lực khuyên nhủ, khiến cho cô ta được thành hôn. Chưa đầy một năm, chồng chết, để lại một đứa con trong bụng vợ. Từ đấy, bà góa dạy con, đọc sách dưới đèn, thường ứa nước mắt nói: “Nếu con thành danh, đừng quên ơn của ông hiếu liêm họ Trình”. Đứa con ấy còn bé đã đỗ đạt, năm Bính Thìn đi thi Hội, mỗi khi viết xong một bài, ắt đều đọc to lên, vỗ bàn đắc ý. Sau đấy bỗng òa khóc ầm ĩ. Khéo sao, hiếu liêm ở trong lều thi gần đó, vội hỏi nguyên cớ. Thiếu niên đáp: “Bảy bài văn đều tột bậc đắc ý, chẳng ngờ muội đèn rơi xuống, đều đốt thủng quyển chép bài thi, ắt sẽ bị loại bỏ. Cháu khóc là do lẽ ấy”. Ông Trình nói: “Tiếc cho bài văn hay, trở thành vô dụng. Nếu chịu cho tôi chép lại, thi đậu, tôi sẽ hậu tạ”. Thiếu niên bèn trao quyển thi cho ông Trình chép. Quả nhiên, ông đỗ Tiến Sĩ. Sau khi yết bảng, thiếu niên đến chỗ ông Trình đòi báo đáp. Ông Trình rót rượu mời uống; do đó, thiếu niên hỏi: “Ngài có âm đức gì chăng, do văn chương của tôi mà thành danh?” Ông Trình tự xét lại đời mình, chẳng có âm đức chi khác. Thiếu niên cố gạn hỏi không ngừng, thật lâu sau, ông Trình kể chuyện trước kia đã từng cứu một người nữ. Thiếu niên quỳ mọp xuống đất, lạy thưa: “Tiên sinh là đại ân nhân của mẹ cháu, dám đòi báo đáp ư?” Nhân đó, kể lại lời mẹ thường khóc kể trước đèn, và coi ông Trình như là thầy mình. Hai nhà bèn kết sui gia.

* Từ Ngang là người xứ Dương Châu, đi thi Hội vào mùa Xuân. Trong kinh thành có thầy bói họ Vương đoán quẻ phần nhiều rất đúng. Ông Từ đến xem bói, ông Vương bảo: “Tướng ông không có con, biết làm sao được?” Về sau, ông Từ thi đậu, làm quận thủ Tây An. Trên đường, mua được một cô gái rất xinh đẹp làm thiếp. Ông Từ hỏi han dòng dõi. Cô ta đáp: “Cha tôi là ông X… làm quan xứ nọ, mất vào năm nọ. Vào năm đói kém, tôi bị kẻ cường bạo bắt đem bán tới đây”. Ông Từ hết sức thương xót, liền đốt bằng khoán, chẳng lấy cô ta làm thiếp. Đến chỗ trấn nhậm, sắm sửa đầy đủ của hồi môn, chọn người đàng hoàng để gả. Mãn nhiệm, trở về kinh, ông Vương trông thấy, kinh hãi nói: “Tướng ông khác hẳn, khắp mặt toàn là tướng có con cái. Lẽ nào chẳng phải là do âm đức gây nên ư?” Chẳng lâu sau, người tiểu thiếp của ông sanh liên tiếp năm đứa con!