Phần 13 - Chương 1: Đồng thiện dưỡng sanh

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Tạ Hán Vân ở Vân Gian mắc bệnh trầm kha từ bé. Do vậy nghĩ: Trong các ác nghiệp, chỉ có sắc là dễ phạm nhất, bèn trùng đính bộ Bất Khả Lục do Phùng thái sử ở Phồn Dương biên tập rồi đem khắc in để lưu truyền rộng rãi. Khi bản in vừa được khắc xong, bệnh đã hết sạch. Về sau, con cháu đều nổi danh một thời, như Tinh Môn, Hà Hiên, Thể Tam v.v… nối tiếp nhau đỗ đạt. Đúng là nếp nhà thư hương chẳng bị đoạn dứt.

* Từ Tín Thiện và Dương Hoằng là bạn thân, đi thi, cùng ở trọ một chỗ, gặp một vị cao tăng xem tướng bảo: “Ông Dương sẽ hết sức vinh hiển, ông Từ sẽ nghèo nàn”. Ban đêm, ông Dương ngẫu nhiên thấy trong chỗ trọ có một cô gái chưa chồng xinh đẹp, mưu tính dùng quà cáp hậu hĩnh để mong thỏa dâm, ông Từ dùng lời lẽ nghiêm khắc tận lực ngăn trở. Hôm sau, vị Tăng gặp lại ông Từ, hết sức kinh hãi nói: “Mới qua một đêm bèn có dấu vết Âm Chất nổi lên, đổi từ hèn thành quý, sẽ hết sức vinh hiển”. Lại xem tướng ông Dương, Sư bảo: “Khí sắc khác hẳn, chẳng bằng hôm qua. Vì thế, sẽ cùng với ông Từ vinh hiển, nhưng thứ tự [đỗ đạt] hơi kém hơn ông Từ”. Yết bảng đúng như vậy.

* Vào đời Tống, tiến sĩ Vương Hành Am ở Giản Châu kiềm chế hành vi chẳng cẩu thả, là hàng xóm với người em họ bên ngoại là Trầm X… Họ Trầm một mực chuộng dâm. Ông Vương thường khuyên lơn, nhưng họ Trầm không nghe. [Lại còn] ngấm ngầm sai một chị ở dụ dỗ ông Vương; ông nghiêm khắc cự tuyệt. Hắn lại tiếp tục sai một đứa tớ gái xinh đẹp ráng dụ dỗ ông, ông cũng nghiêm khắc cự tuyệt. Họ Trầm cố ý khiến cho ông phá giới để cười nhạo. Một ngày nọ, ông và họ Trầm ra ngoài, gặp bọn trộm cướp. Họ Trầm do thuyền nhỏ bèn trốn thoát. Thuyền của ông Vương bị bọn cướp chặn bắt được. Bỗng nhiên sấm chớp giáng xuống vang rền, bọn cướp kinh sợ bỏ đi. Ông bình an quay về, chẳng bị tổn thất gì. Về sau, họ Trầm ra ngoài, trở về nhà, thấy vợ và kẻ khác đang gian dâm, toan dùng võ khí đánh họ, tay bỗng dưng chẳng thể giở lên được! Trợn mắt, giậm chân, gào to một tiếng, chết ngắc! Lúc ông Vương năm mươi tuổi, bị bệnh ngặt nghèo, đạo sĩ [đánh đồng thiếp đi] dâng sớ, quỳ phục xuống rất lâu sau, [mới tỉnh lại] nói: “Tra duyệt đại hạn của Ngài, chỉ thọ năm mươi tuổi. Thiên tào do thấy Ngài hai lần chẳng dâm, lại còn có thể thật tâm khuyên lơn kẻ khác, tăng thọ cho Ngài ba kỷ (ba mươi sáu năm) nữa”. Ông nghe nói run sợ. Về sau, quả nhiên thọ tám mươi sáu tuổi, tận mắt thấy con cháu phú quý.

Nhận định: Vị này và ông Từ Tín Thiện đã có thể giữ mình nghiêm ngặt, lại có đức hạnh yêu thương người khác. Nếu người ấy nghe theo lời khuyên răn, ắt là người ấy sẽ được hưởng ân trạch. Dẫu kẻ ấy chẳng nghe, nhưng do nhiệt tâm khuyến hóa, đã đủ để cảm động lòng trời, được phước. Người ta cũng sợ gì mà chẳng làm vậy thay?

* Phủ Gia Hưng có thư sinh nọ tánh thích ẩn giấu điều ác, phô bày điều thiện. Hễ gặp con em hoặc bạn bè bàn tới chuyện buồng the, liền nghiêm mặt, lộ vẻ giận, khuyên răn. Do vậy, soạn bài Khẩu Nghiệt Giới Văn (口孽戒文, bài văn răn đừng tạo mầm mống tội lỗi nơi miệng) để răn dạy hàng hậu học. Về sau, ông ta đi thi. Đêm hôm trước ngày yết bảng, mộng thấy cha mình bảo: “Con đời trước đã đỗ Tiến Sĩ từ tuổi thiếu niên. Do cậy tài, khinh rẻ kẻ khác, Thượng Đế phạt con thi cử lận đận, trọn chẳng đỗ đạt. Tháng trước, có gã học trò đáng lẽ thi đậu khoa này, vì gian dâm gái chưa chồng mà bị xóa tên. Văn Xương Đế Quân tâu bày: Con đã soạn bài Khẩu Nghiệt Giới Văn để khuyên người khác, âm công rất lớn. Xin hãy điền tên con vào đó. Ắt con sẽ đỗ đạt, hãy nên càng thêm tu đức để báo đáp thiên thần”. Thư sinh ấy kinh hãi lẫn mừng vui. Sau khi thi đỗ, thư sinh càng thêm cẩn trọng bội phần, làm quan tới chức Ngự Sử.

* Tịch Khuông dĩnh ngộ từ bé. Gặp một thầy bói bảo: “Ông có nếp nhăn dọc hướng vào miệng, sẽ bị chết đói. Ắt là sang năm [sẽ bị]”. Khuông rất lo lắng. Một bữa, gặp người bàn chuyện buồng the, hết sức liên quan đến danh tiết [của người khác], Khuông hầm hầm giận dữ, khiến cho người nói chuyện đó hổ thẹn, không nói nữa. Chuyện ấy bèn lắng đi! Đã hơn cả năm mà ông Khuông vẫn chẳng hề hấn gì. Sau đấy, gặp lại thầy bói, ông ta ngạc nhiên hỏi: “Ông có âm công to lớn gì mà khiến cho tướng mạo biến đổi nhanh chóng như vậy?” Về sau, ông Khuông có địa vị cao quý.