Phần 12 - Chương 3: Hối lỗi án (những câu chuyện hối lỗi)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Triệu Nham Sĩ thuở trẻ từng phạm sắc giới, dần dần thân hình yếu đuối, còm cõi, thân thể như bộ xương khô, gần như chẳng còn mong sống được nữa. Chợt đọc bộ Bất Khả Lục do ông Tạ Hán Vân in, bất giác mồ hôi đẫm lưng, thống thiết sửa đổi lỗi xưa, và thỉnh bản in ấy, bỏ tiền ra ấn tống. Sau đấy, tinh thần dần dần khá hơn, sanh liên tiếp sáu đứa con.

* Trong niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh, có một chàng thư sinh nọ, láng giềng ở phía Đông có một phụ nữ hết sức xinh đẹp, đã nhiều lượt mày đi mắt lại. Một hôm, thừa dịp chồng sang nơi khác, bà ta bèn khoét tường, chèo kéo chàng ta. Chàng ta cũng động tâm, hỏi từ đâu tới? Bà ta cười ghẹo: “Chàng là người đọc sách, há chẳng nhớ câu ‘du đông gia tường’ (vượt tường phía Đông) ư?” Chàng bắc thang trèo lên, chợt suy nghĩ lại: “Có thể lừa người, chẳng thể lừa trời”. Bèn trèo xuống. Bà ta lại đi đến chỗ cũ (chỗ tường đã bị khoét) nũng nịu quyến rũ. Chàng lại động tình, lại trèo lên thang. Đã ngồi ở đầu tường, sắp nhảy sang, lại nghĩ: “Trọn chẳng thể lừa dối trời”, mau chóng trở xuống, đóng cửa, bỏ đi. Năm sau, do thi Hương, chàng lên miền Bắc. Quan giám khảo vào tối hôm mở trường thi, đốt đuốc ngồi một mình, bỗng nghe bên tai có tiếng nói: “Trạng Nguyên chính là chàng cưỡi tường”. Sau khi đã yết bảng, bèn dò hỏi, mới hiểu rõ chuyện trước kia.

* Năm Nhâm Tý (1612) đời Vạn Lịch nhà Minh, Trương Vỹ ở Vũ Tấn cùng chàng thư sinh X… sang Nam Kinh đi thi. Đêm đến quán trọ, chủ nhân mộng thấy đón tiếp thiên bảng mà Giải Nguyên chính là chàng thư sinh X… bèn kể lại với thư sinh đó. Chàng ta dương dương đắc ý. Chủ nhân có hai cô con gái ở trên lầu, vừa đến tuổi cập kê, nghe nói bèn động tâm, sai tớ gái chèo kéo chàng, từ trên lầu thả tấm vải xuống để làm thang. Chàng ta lôi kéo Trương Vỹ cùng trèo lên. Nửa chừng, Trương Vỹ bỗng tỉnh ngộ, nói: “Ta đi thi, sao lại làm chuyện tổn đức này?”, vội vàng tụt xuống. Chàng thư sinh kia vẫn tiếp tục trèo lên. Tối hôm ấy, chủ trọ lại mộng thấy bảng trời, Giải Nguyên đã đổi thành tên Trương Vỹ, hết sức kinh hãi, kể lại với chàng thư sinh ấy, lại còn cật vấn gần đây đã làm chuyện gì. Chàng ta đỏ mặt, không trả lời được. Khi yết bảng, quả nhiên như vậy. Chàng thư sinh ấy hết sức hổ thẹn, về sau nghèo hèn, uất ức mà chết.

Nhận định: Xét ra, Trương sinh và người cưỡi tường đều tỉnh ngộ ngay khi ấy. So ra, càng tốt đẹp hơn những kẻ đã từng phạm rồi sau đó mới kiêng dè. Cho đến lúc ấy, nếu chẳng bừng tỉnh, không chỉ là mất sạch công danh vốn nên có, mà còn đọa nhập biển khổ vô biên. Đáng sợ thay!

* Hoàng Sơn Cốc đời Tống thích những ca từ diễm tình, thường đến thăm Viên Thông Tú thiền sư. Tú thiền sư quở trách: “Bậc đại trượng phu sẵn tài bút mực, cam tâm làm chuyện này ư?” Do khi ấy, Tú thiền sư vừa răn nhắc Lý Bá Thời[1] về chuyện vẽ ngựa. Sơn Cốc cười nói: “Chẳng lẽ tôi cũng sẽ sanh trong bụng ngựa ư?” Tú thiền sư bảo: “Bá Thời nghĩ tưởng ngựa, bất quá mình ông ta đọa lạc. Ông dùng lời lẽ diễm tình khuấy động dâm tâm của mọi người trong thiên hạ, không chỉ là sanh trong bụng ngựa, tôi sợ ông sẽ bị đọa địa ngục vậy”. Sơn Cốc hoảng sợ, hổ thẹn, từ tạ. Từ đấy, thôi không viết nữa.

* Tiền Đại Kinh ở Tứ Xuyên, phong tư, thần thái tuấn tú, hễ hạ bút bèn viết ngàn lời. Mười bảy tuổi đã vào trường huyện, nhiều lượt đi thi [nhưng chẳng đậu]. Đến khoa thi năm Canh Tý, chàng cầu đảo Văn Xương Đế Quân. Đêm mộng thấy đồng tử áo xanh dẫn đến trước Đế Quân. Ngài sai thuộc hạ tra sổ, thấy chép: “Tiền Đại Kinh hai mươi tuổi đậu thứ hai trong kỳ thi Hương. Đỗ liên tiếp, đỗ Trạng Nguyên đứng đầu thiên hạ. Làm quan tới cấp nhị phẩm. Thọ bảy mươi ba tuổi. Do đã soạn ba bộ dâm thư, bị gạt tên [khỏi sổ quan lộc], tuổi thọ cũng không được dài lâu như vậy”. Đế Quân khuyên dụ: “Ngươi có lòng trung hậu, lại chẳng thiếu hiếu hữu. Hiềm rằng đã soạn dâm thư, khiến cho nam nữ bại hoại thanh danh, chôn vùi tiết hạnh. Nếu không do đời trước gieo đức rộng nhiều, đã bị phán tội đọa địa ngục!” Đại Kinh bèn lập trọng thệ, gặp ai cũng khuyên răn, gặp dâm thư liền đốt sạch. Về sau, do đỗ kỳ thi Minh Kinh, sống đến sáu mươi hai tuổi bèn mất.

[1] Lý Bá Thời là một họa gia nổi tiếng về tài vẽ ngựa thời ấy. Ông say mê ngựa đến nỗi vẽ đi, vẽ lại không chán. Lúc nào rảnh rỗi đều ngắm nghía ngựa để tìm ra cách vẽ ấn tượng nhất. Thiền sư Viên Thông Pháp Tú chùa Pháp Vân đã khuyên can: “Ông luôn nghĩ đến ngựa, chỉ sợ thân sau sẽ đọa lạc trong bụng ngựa”.