Phần 1: Huấn sức sĩ tử giới dâm văn (Bài văn khuyên bảo sĩ tử kiêng dâm)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

Văn Xương Đế Quân nói:

– Trời thường giáng họa cho kẻ dâm dật, sự báo ứng ấy rất nhanh chóng. Con người chẳng sợ, vô tri say mộng. Nếu chẳng biết kiểm điểm hành vi, tai ương sẽ lập tức ùa tới. Này mọi người ơi! Hãy nghe lời ta răn: Chỉ có tích đức, hành thiện, mới được tốt lành, từ xưa đã nói như vậy! Làm chuyện bất thiện, tai ương giáng xuống! Người xưa đã răn dạy rõ: Thời Xuân Thu, do dâm loạn [mà các vua chư hầu] đều bị nước mất, nhà tan! Các bài Phong, Nhã [trong kinh Thi][1] đã từng chê trách nhằm dứt sạch chuyện cặp kè, đàn đúm[2]. Vì thế, trái nghịch lý, chính là tự giết chết tánh mạng; tham dâm sẽ tự hủy thanh danh. Người làm chuyện trái lẽ, lòng trời hết sức giận dữ. Thượng Uyển thơm ngát mùi quế, chẳng phải là kẻ giữ mình trong sạch, ắt khó bước vào. Yến tiệc chiêu đãi tân khoa do vua ban, há kẻ ô danh được hưởng? Ta cai quản công danh, thường ban lời dạy bảo. Hiềm rằng sĩ tử chỉ tham hoan lạc phút chốc, chẳng tiếc tương lai cả đời. Hễ dâm loạn [vợ con của] người ta, sẽ bị người ta dâm loạn [vợ con của chính mình], giống như trao đổi buôn bán ngoài chợ vậy! Nghiệp báo thảm khốc, ai là kẻ rửa sạch lòng? Ta vào mỗi dịp thi cử trong tháng Hai, tháng Tám, thường vào dịp đó, chọn lựa, loại bỏ [những kẻ trúng tuyển]. Một nét bút xóa tên, chỉ vì gã đó ngấm nghé vợ người hàng xóm. Đề thêm tên kẻ khác [sẽ thi đỗ], vì người ấy cự tuyệt gái chưa chồng [lả lơi]! Muốn nghe sấm dậy đất bằng[3], tấc lòng đừng nổi lửa! Kẻ suốt đời thi cử lận đận, há có phải là kẻ chẳng siêng khổ học hành, văn tài cao ngất? Suốt đời truân chiên, đều là do chẳng tuân quy củ, hủy hoại danh tiết. Kẻ sĩ chẳng suy xét nguyên do, ngược ngạo oán trời, hận đất! Thi đỗ tiến sĩ, chỉ do nội tâm. Khoác áo bào tía[4], toàn là do âm chất. Trong khuôn viên trường thi, chỗ nào cũng đều có thần [giám sát]. Trong phạm vi của tam trường[5] khảo thí, đều có quỷ [báo oán]. Tiếc thay! Từng chữ đều như châu, như ngọc, chợt muội đèn rơi bẩn quyển văn. Hận sao! Từng đoạn văn như dệt gấm, thêu hoa, bỗng vết mực khiến bài văn lem luốc! Lúc ấy, thật sự do ta chủ trì, ai bảo “trời xanh không có mắt”? Kẻ đỗ tam nguyên[6], ắt có đức kinh động thần minh. Sen nở liền cuống, bỗng chốc nghe chuyện xấu nhụy rụng tan tác[7]. Nếu có thể giữ cho thân tâm chánh trực chẳng tà, tự nhiên sẽ danh thành, lộc đạt. Đặc biệt ban lời huấn dụ mới mẻ, ngõ hầu ai nấy đều hay biết.

(Hiện thời, tuy không còn khoa bảng, nhưng [nguyên nhân gây nên] tổn phước, giảm thọ, cố nhiên là chẳng khác! Đừng suy nghĩ bộp chộp, bảo “hiện thời chẳng giống như xưa. Dẫu có trót phạm, chẳng đến nỗi trở ngại công danh”, mặc tình làm bừa, mong lắm thay!)

[1] Kinh Thi được chia thành ba phần là Phong, Nhã, và Tụng. Phong (風) là ca dao của mười lăm nước chư hầu. Nhã (雅) có nghĩa là đứng đắn, tức là âm nhạc trong triều đình và những nhạc khúc thời cổ. “Nhã” trong kinh Thi chính là những lời ca của những khúc nhạc trong triều đình nhà Châu. Tụng (頌) là lời ca được sử dụng trong tế lễ tại tông miếu.

[2] Đây là nói đến một bài thơ trong kinh Thi, thuộc phần Quốc Phong, tiểu loại Dung Phong (tức là dân ca ở đất Dung), ngụ ý chê bai nàng Tuyên Khương nước Vệ dâm loàn, có thuyết nói đây là bài thơ than thân trách phận của Vệ Tuyên Khương. Bài thơ như sau: “Thuần chi bôn bôn, thước chi cương cương, nhân dĩ vô lương, ngã di vi huynh. Thước chi cương cương, thuần chi bôn bôn, nhân dĩ vô lương, ngã dĩ vi quân” (Chim cút cặp kè từng đôi, chim khách cũng sống theo nhau từng đôi, kẻ ấy vô lương, ta phải nhận là anh. Chim khách sống theo nhau từng đôi, chim cút cũng sống theo nhau từng đôi, kẻ ấy vô lương, ta phải nhận là vua). Nàng Tuyên Khương chính là con gái đầu của Tề Hy Công (Khương Lộc Phủ), vốn đã được hứa gả cho thế tử Cấp nước Vệ. Nhưng vua cha là Vệ Tuyên Công do mê say sắc đẹp của Tuyên Khương, đã cố ý sai thế tử Cấp đi sứ nước Tống trước ngày hôn lễ, thừa cơ chiếm con dâu làm vợ. Một người con khác của Vệ Tuyên Công là công tử Sóc đã lập mưu hãm hại thế tử Cấp. Sau khi Tuyên Công chết, công tử Sóc lên làm vua, tức là Vệ Huệ Công. Khi Vệ Huệ Công đi họp chư hầu, các quần thần cũ đã lập công tử Kiềm Mâu lên làm vua chống lại Huệ Công. Vua nước Tề khi ấy là Tề Tương Công (anh trai của Tuyên Khương), sợ dân Vệ sẽ giết chết Tuyên Khương, bèn bày kế gả Tuyên Khương cho công tử Thạc vốn là con trai thứ của Vệ Tuyên Công, nghĩa là từ địa vị mẹ kế, Tuyên Khương lại lấy con chồng! Tuyên Khương hết sức vui thích, nhưng công tử Thạc cự tuyệt. Đại phu nước Vệ là công tử Chức sợ nước Tề kiếm cớ xâm lăng, bèn mời công tử Thạc ăn tiệc, chuốc rượu say, rồi đưa công tử Thạc vào phòng Tuyên Khương. Tỉnh rượu, trước chuyện đã rồi, Thạc phải lấy Tuyên Khương làm vợ. Bài thơ ngụ ý chê trách những người như Vệ Tuyên Công, Vệ Tuyên Khương vì tham dục mà còn thua kém cả loài chim luôn giữ trọn tình chung thủy.

[3] Câu này là viết theo ý thành ngữ: “Bình địa nhất thanh lôi” (Sấm dậy nơi đất bằng), ngụ ý: Biến động to lớn đột nhiên phát sanh, ở đây là nói tới chuyện sĩ tử thi cử đỗ đạt.

[4] Bào tía (tử bào, 紫袍): Áo bào màu tía (Bào là một loại lễ phục rộng tay) là triều phục (áo mặc đi chầu vua) của các vị đại thần.

[5] Tam trường (三場) là ba giai đoạn thi cử ngày xưa: Hương Thí, Hội Thí và Điện Thí (Đình Thí).

[6] Tam nguyên (三元), gọi đủ là “tam nguyên cập đệ” hoặc “liên trúng tam nguyên” là đỗ đầu trong cả ba kỳ thi Hương, Hội và Đình. Người đỗ đầu thi Hương gọi là Giải Nguyên, đỗ đầu kỳ thi Hội là Hội Nguyên, đỗ đầu kỳ thi Đình là Trạng Nguyên. Tam Nguyên rất khó đạt, trong lịch sử Trung Hoa, mỗi triều đại chỉ có một hai vị được như vậy, riêng đời Tống là có sáu trường hợp. Chẳng hạn nhà Đường tồn tại khá lâu, thế mà chỉ có hai người đỗ Tam Nguyên là Thôi Nguyên Hàn và Trương Hựu Tân. Không biết Việt Nam có bao nhiêu trường hợp như vậy, chỉ thấy sách vở thường nói đến cụ Tam Nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến).

[7] Hai hoa sen nở chung một cuống (liên khai tịnh đế, 蓮開並蒂) được coi là điềm tốt lành. Cả câu này hàm ý: Người đáng đỗ cao, do chẳng kiêng tà dâm, trót làm chuyện xằng bậy, nên phút chốc công danh bỗng trở thành hư huyễn. Xin xem chuyện tường sanh họ Uông ở Phượng Dương trong phần Họa Dâm Án.