Phần 10 - Chương 7: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Đời Minh, Văn Nghị Công La Luân đi thi Hội. Thuyền đi qua Tô Châu. Đêm nằm mộng, [La Luân] thấy Phạm Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đến thăm, bảo: “Trạng Nguyên năm sau thuộc về tay ngươi”. Ông Luân khiêm tốn từ tạ, chẳng dám nhận. Ông Phạm bảo: “Chuyện ở lầu nọ vào năm nọ, quả thật đã gây tiếng vang rất lớn. Dùng chuyện này để báo đền ngươi vậy!” Do đó, La Luân nhớ năm xưa đã từng cự tuyệt kẻ nữ dâm bôn ở lầu ấy. Giấc mộng đúng là chẳng hư vọng, đến khi thi Đình, quả nhiên đậu hạng nhất.

* Đời Minh, Mạc Văn Thông ở Vân Gian chuộng làm lành, sống cách quận thành hai dặm. Nhà ông ta nhiều đời theo nghề nông. Một hôm, cầm hai mươi lạng bạc vào hương trấn mua thóc giống, đậu thuyền ở Hoàng Phố. Thấy có hai người trói một cô gái, muốn dìm xuống bến sông. Ông Mạc hỏi thăm, họ đáp: “Đây là con gái của chủ nhân tôi. Chủ nhân tôi xét thấy cô này tư tình với kẻ khác, nên sai đem dìm xuống dòng nước chảy xiết!” Ông Mạc nói: “Cô gái nhỏ này thì biết gì chớ? Lại chẳng chính mắt thấy chuyện đó, không chừng là chuyện chẳng thật, mong hãy thả đi, xin đền hai mươi lạng”. Cô gái được cứu thoát, dập đầu trước ông Mạc, xin theo hầu hạ chiếu chăn. Ông Mạc bảo: “Há có phải vì ta yêu mến dung mạo của cô! Mà là đặc biệt thương xót cô trẻ tuổi bị chết mờ ám đó thôi! Nay trời đã tối mịt, mà thuyền ta nhỏ hẹp khó dung. Cô hãy mau lên bờ, đi đến chỗ có ánh đèn là được rồi”. Đêm ấy, trở về nhà, mộng thấy thần bảo: “Ông cứu mạng người khác, âm đức sâu nặng. Trời báo đáp cho ông có con cháu hiền hòa”. Về sau, con ông là Thắng do đậu khoa thi Minh Kinh[1], được làm quan. Cháu là Hạo, đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương. Con Hạo tên là Ngu cũng đậu Cử Nhân. Con của Ngu là Như Trung cũng đỗ thứ hai trong kỳ thi Hương, đậu Tiến Sĩ vào năm Mậu Tuất (1538) trong niên hiệu Gia Tĩnh, làm quan tới chức Phương Bá[2]. Cô gái ấy bỏ trốn, được một văn sĩ thâu nhận, sanh sáu đứa con trai, một đứa trong số ấy bằng tuổi với Ngu. Hà Tam Úy viết bộ Thiện Nhân Truyện đã chép chuyện này!

* Tường sanh họ Liễu nhập học tại đất Hàng, do sang thăm người thân, mắc mưa, tìm chỗ ngủ tạm tại một vườn hoang. Trước đó, đã có một thiếu phụ đụt mưa tại đấy. Liễu sinh suốt đêm không có ý lạ gì khác, ngồi ngay ngắn dưới mái thềm bên ngoài. Đến sáng bèn bỏ đi. Người đàn bà ấy chính là vợ của tường sanh họ Vương. Cô ta cảm phục đức hạnh của Liễu sinh bèn kể chuyện với chồng. Ông chồng đâm ra nghi ngờ. Về sau, Liễu sinh đi thi Hương, bài văn của chàng đã bị loại. Trong khoảnh khắc, bỗng lại thấy đặt trên bàn. Quan giám khảo kinh dị, đọc kỹ bài văn ấy, chẳng thấy có ý hay nào, lại loại bỏ. Về sau, sắp đem các quyển bài thi đạt điểm trình lên chủ khảo, lại thấy quyển bài thi của Liễu sinh ở trong số ấy. Do vậy nghĩ tên học trò này ắt có âm đức, bèn cùng trình lên. Rốt cuộc Liễu sinh đậu hạng bảy mươi mốt. Khéo sao, [bài thi của] Vương sinh được xếp cùng phòng với Liễu sinh[3]. Khi tấn yết (thí sinh đến triều bái quan giám khảo sau khi thi đậu), Vương sinh có mặt. Vị chủ khảo của phòng ấy kể rõ nguyên do chọn lựa Liễu sinh; nhân đấy, cật vấn. Liễu sinh nghĩ không còn chuyện nào khác, bèn thưa lại chuyện đụt mưa. Vương sinh cảm thán, đón vợ về sum họp, lại đem em gái gả cho Liễu sinh tục huyền.

* Đời Minh, Cố Tá làm châu lại[4] tại Thái Thương, biết nỗi oan của người bán bánh họ Giang bèn bẩm lên quan. Được thả ra, ông Giang dẫn con gái tới nhà ông Tá, thưa: “Không có gì để đền đáp, xin hãy nhận đứa con gái này làm thiếp”. Ông Tá nhất quyết từ chối. Về sau, nhiệm kỳ nha lại đã hết, ông Tá làm việc tại nha môn Thị Lang. Một hôm, ông tới nhà riêng của quan Thị Lang. Phu nhân của quan Thị Lang trông thấy ông Tá, bèn nói: “Ông chẳng phải là Cố đề khống[5] ở Thái Thương ư? Có biết tôi hay không?” Ông Tá ngạc nhiên. Phu nhân nói: “Tôi là con gái người bán bánh. Về sau, được bán cho một thương nhân. Thương nhân nuôi tôi như con gái. Tôi được gả làm vợ lẽ cho tướng công, sau đấy, trở thành chánh thất (vợ cả). Thường hận không có cách nào để báo đền ân đức. Tôi sẽ nói với tướng công chuyện này”. Quan Thị Lang sau khi đã biết rõ chuyện này, [tâu lên hoàng đế]. Vua Hiếu Tông [nhà Minh] hết sức khen ngợi, thăng cấp cho Cố Tá làm chức Lại Bộ Chủ Sự[6].

* Vào năm Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Thuận Trị nhà Thanh, Từ Lập Trai ở Côn Sơn là người đỗ đầu khoa thi Đình. Vừa mới thi đỗ không lâu, có người đến van vái tại miếu Thành Hoàng; do đó, bèn ngủ lại miếu. Nửa đêm, thấy thần oai nghiêm thăng tòa, gọi người ấy bảo: “Ngươi có biết duyên do khiến cho ông Từ đỗ Trạng Nguyên hay không? Họ Từ nhiều đời chẳng dâm, tích lũy đức hạnh đã lâu, cảm động lòng trời. Nay đỗ Trạng Nguyên mới chỉ là khởi đầu [cho những sự báo ứng tốt lành về sau]. Công danh tuy kín nhiệm, quả báo sáng vằng vặc. Ta nói cho ngươi biết tường tận, hòng khiến cho những kẻ mê mờ đối với chuyện đứng đầu trong muôn điều ác (tức tà dâm) đều giác ngộ”. [Thành Hoàng] nói xong, [thuộc hạ] thét dẹp đường, rời đi. Người ấy kính cẩn ghi lại để truyền bá rộng rãi. Về sau, [em trai ông Từ] là Kiện Am thi đậu trong khoa thi năm Canh Tuất, [người em kế là] Ngạn Hòa thi đỗ trong khoa thi năm Quý Sửu. Ba anh em ruột đều đỗ Trạng Nguyên, con cháu nối tiếp nhau đỗ đạt.

* Đời Minh, ở huyện Tiền Đường, ông Lục Tả Thắc là người hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, học rộng, nghe nhiều, những hạnh tốt đẹp không thể kể xiết, nhưng âm đức của ông ta người khác càng khó biết tới. Ông đã từng trọ tại một căn nhà riêng của người bạn. Tối đến, có một phụ nữ xinh đẹp lén lút tìm tới [giở trò quyến rũ]. Ông Thắc nghiêm khắc cự tuyệt, chẳng chấp thuận. Cô ta xấu hổ, lui ra. Hôm sau, ông bèn mượn cớ rời đi, không ai biết chuyện. Đức hạnh, phẩm đức của ông Thắc tuy chưa tỏ lộ rõ rệt, nhưng con cháu ông ta đều do được tuyển làm Hiếu Liêm hay đỗ các kỳ thi Minh Kinh mà vang danh khắp làng nước. Chắt là Tông Giai đậu Giải Nguyên trong khoa thi Hương, kế đó đỗ khoa thi Hội[7]. Con cháu đều rạng rỡ, thi đậu hạng cao, chưa hề gián đoạn. Quan Thị Ngự Ngô Thanh Đàn ở Thạch Môn là học trò của ông Thắc, từng nghe kể chuyện này bèn chép lại. Hiện thời, [chuyện này] được chép trong bộ Cảm Ứng Thiên Đồ Thuyết, Vương Cú ở Kim Đàn đã soạn bài ký.

* Đời Minh, Mạo Khởi Tông từ bé đã kiền thành tụng niệm Cảm Ứng Thiên. Năm Mậu Ngọ đi thi Hương, hôn mê như đang nằm mộng, cảm thấy thần giúp sức viết xong văn sách, đỗ đạt trong kỳ thi Hương, nhưng rớt kỳ thi Hội, phải quay về. Ông phát nguyện viết chú giải thêm cho sách Cảm Ứng Thiên. Do vậy, nghĩ tới chuyện hiếu sắc là chuyện hết sức tổn đức. Vì thế, đối với điều “kiến tha mỹ sắc” (thấy sắc đẹp của kẻ khác) đã chép đầy đủ các chuyện báo ứng.

Người giúp chép lại là La Hiến Nhạc ở Nam Xương. Năm Tân Dậu, ông La được chọn vào học trường huyện. Đến tháng Giêng năm Mậu Thìn, ông La mộng thấy ba vị tiên, một là cụ già đầu bạc áo vàng [đứng giữa], hai thiếu niên mặc áo tía đứng hầu hai bên. Ông cụ lấy ra một quyển sách, nhìn thiếu niên bên trái, bảo: “Ngươi đọc đi”. Người đứng bên trái đọc rõ ràng rất lâu, ông La trộm nghe, thì ra là toàn bộ lời chú giải của ông Mạo đối với hai câu “kiến tha mỹ sắc…”. Đọc xong, ông cụ bảo: “Đáng thi đậu!” Cụ xoay qua nhìn người đứng bên phải, bảo: “Ngươi hãy làm một bài thơ vịnh”. Người ấy liền vịnh rằng: “Tham tương chiết quế Quảng Hàn cung, tu tín tam thiên sắc thị không. Khán phá thế gian mê nhãn tướng. Bảng hoa nhất đáo mãn thành hồng” (Cành quế cung trăng toan muốn bẻ, phải tin trần thế, sắc là không. Nhìn thấu tướng mê trong thế giới, bảng hoa nức tiếp khắp toàn thành). Ông La tỉnh giấc, gởi thư cho Mạo Khởi Tông, thuật cặn kẽ chuyện trong mộng, bảo: “Ngài sẽ thi đậu, nhưng hai chữ Bảng Hoa khó hiểu”. Khi niêm yết kết quả khoa thi, quả nhiên ông Mạo đỗ cao. Về sau, ở thư phòng của Trần Tông Cửu, ông Mạo thấy trong sách Loại Thư có chú giải về hai chữ Bảng Hoa như sau: “Vào thời Đường, khi bộ Lễ yết bảng, sẽ gọi những họ hiếm thấy là Bảng Hoa”. Họ Mạo (冒) [do hiếm thấy] quả thật tương ứng [với chữ Bảng Hoa].

[1] Minh Kinh là một khoa thi được đặt ra từ đời Hán dưới thời Hán Vũ Đế, đến đời Tống Thần Tông thì bị phế trừ. Do khoa thi này chú trọng khảo hạch mức độ tinh thông nghĩa lý của kinh điển Nho gia nhất là Tứ Thư và Ngũ Kinh, nên gọi là Minh Kinh. Tuy vậy, Minh Kinh yêu cầu không cao lắm, có nhiều cấp bậc, tối thiểu là thông thạo một bộ đại kinh (chẳng hạn như Lễ Ký, Xuân Thu Tả Truyện), một bộ trung kinh (như Châu Lễ, Lễ Nghi) và một bộ tiểu kinh như Xuân Thu Cốc Dương Truyện là được rồi. Do đó mới có thành ngữ: “Tam thập lão Minh Kinh, ngũ thập thiếu Tiến Sĩ” (ba mươi tuổi mà đậu Minh Kinh là đã quá già, năm mươi tuổi mới đỗ Tiến Sĩ vẫn còn trẻ lắm). Từ đời nhà Minh trở đi, những người đã đỗ Cống Sanh (Tú Tài) đều gọi chung là đậu Minh Kinh. Thậm chí, do đỗ đạt làm quan đều gọi là “đã đậu Minh Kinh”.

[2] Phương Bá là cách gọi thông tục chức Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty Bố Chánh Sứ, còn gọi là Phiên Đài hoặc Phiên Ty. Như tên gọi đã chỉ ra, chức vụ này chính là vị Bố Chánh Sứ đứng đầu cơ quan Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty. Một Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty cai quản một khu vực rất lớn, tương đương với một tỉnh hiện thời. Đến đời Thanh, chức vụ Bố Chánh Sứ chỉ là phụ tá của Tuần Phủ, đặc trách sự vụ hành chánh.

[3] Do số lượng quyển thi nhiều, nên phải chia thành nhiều phòng để chấm thi. Mỗi phòng do một vị khảo quan (thường là một vị khoa bảng văn tài lỗi lạc) đứng đầu, dưới vị ấy có các vị quan cấp thấp hơn phụ tá.

[4] Châu lại: Tiếng gọi chung người giúp việc hoặc thuộc cấp của quan đứng đầu một châu (tức tri phủ hoặc tri châu).

[5] Đề Khống (提控) có hai nghĩa: Một là chức quan trông coi về binh quyền; hai là tiếng tôn xưng các nha lại làm việc dưới quyền tri phủ hoặc tri huyện, vì Đề Khống có nghĩa gốc là khống chế hoặc chưởng quản. Chữ Đề Khống ở đây hiểu theo nghĩa thứ hai.

[6] Chủ Sự là cấp quan văn thuộc hàm Chánh Lục Phẩm, trực thuộc các ty thuộc Lục Bộ, Lý Phiên Viện, Thái Bộc Tự, và Tông Nhân Phủ. Nhiệm vụ chủ yếu là quản lý văn kiện cũng như ghi chép các sự kiện. Theo quy chế đời Minh, trong Lại Bộ gồm nhiều ty, đứng đầu mỗi ty là Lang Trung, viên phó quan sẽ gọi là Viên Ngoại Lang, kế đó là Chủ Sự.

[7] Nguyên văn “tiệp nam cung” (nhận được tin mừng từ nam cung). Theo quy chế đời Hán, Thượng Thư Sảnh được coi là nằm ở phía Nam của cung vua, cho nên Thượng Thư Sảnh thường gọi là Nam Cung. Từ đời Tống trở đi, do Lễ Bộ thuộc quyền quản trị Thượng Thư Sảnh, nên Lễ Bộ cũng gọi là Nam Cung. Vì các kỳ thi Hội đều do Lễ Bộ tổ chức nên hễ thi đậu trong kỳ thi Hội, đều gọi là “tiệp Nam Cung”.