Phần 10 - Chương 1: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Trong niên hiệu Tuyên Đức[1] đời Minh, Văn Trung Công Tào Nãi thi đậu khoa thi Hương, được bổ làm Học Chánh[2]. Do ông không nhậm chức, nên được đổi sang làm chức Điển Sứ[3] huyện Thái Hòa. Do bắt cướp, bắt được một cô gái, giữ tại công quán. Cô ta rất đẹp, muốn theo ông. Ông nghiêm khắc quở: “Há có thể xâm phạm gái chưa chồng ư?” Bèn lấy giấy viết bốn chữ “Tào Nãi bất khả” (Tào Nãi chẳng thể) đem đốt. Sáng ra, gọi mẹ cô ta đến lãnh về. Về sau, khi đang làm văn sách trong kỳ thi Đình, chợt có một tờ giấy bay tới rớt trước ghế, có bốn chữ “Tào Nãi bất khả”, thế là ý văn dồi dào, đậu Trạng Nguyên.

* Thầy thuốc họ Trần ở Dư Hàng, có người nghèo mắc bệnh nguy ngập được ông Trần chữa lành, mà cũng chẳng đòi phải đền đáp. Về sau, do đụt mưa, ông Trần vào nhà ấy. Mẹ chồng bảo vợ người ấy hãy ngủ với ông để báo ân. Người vợ vâng lời, đến khuya bèn mò đến chỗ ông, thưa: “Ngài đã cứu chồng thiếp. Đây là ý mẹ chồng”. Ông Trần thấy cô ta trẻ tuổi, xinh đẹp, cũng động tâm, tận lực kiềm chế [dục niệm], tự nhủ: “Không thể được”. Cô ta nài ép, ông Trần liên tiếp bảo: “Không được!”, ngồi đợi trời sáng. Cuối cùng, gần như chẳng thể kềm mình được, lại hô to hai chữ: “Hai chữ ‘không thể’ quá khó!” Trời vừa rạng sáng bèn bỏ đi. Ông Trần có đứa con đi thi. Quan giám khảo loại bỏ bài văn của nó, chợt nghe có tiếng hô: “Không thể”. Khêu đèn đọc lại, lại gạt bỏ. Lại nghe có tiếng hô liên tiếp: “Không thể”. Cuối cùng quyết ý loại bỏ, chợt nghe có tiếng hô to “hai chữ ‘không thể’ khó quá” liên tục không dứt. Do vậy bèn cho đậu. Sau khi yết bảng [công bố kết quả], [quan chủ khảo] bèn gọi nó đến hỏi nguyên do. Đứa con ấy cũng chẳng hiểu. Trở về, kể với cha, cha bảo: “Đấy là chuyện lúc ta còn trẻ, không ngờ trời báo đáp ta như thế”.

* Phùng Thương tuổi đã trung niên chẳng có con. Vợ thường khuyên chồng cưới thiếp để sanh con trai. Về sau, trên đường lên kinh đô, ông mua một người thiếp. Đã ký xong bằng khoán, giao tiền, hỏi tên tuổi cô ta; cô ta nức nở, không đáp được. Cố gạn hỏi, cô đáp: “Do cha thiếp nhận chuyển giao hàng hóa cho quan phủ, [bị thất thoát] mà mắc nợ, phải đem thiếp bán đi để lấy tiền trả nợ”. Ông Phùng thương xót, lập tức trả cô ta về với cha, chẳng đòi tiền lại. Khi trở về, vợ hỏi: “Người thiếp đâu rồi?” Ông kể cặn kẽ nguyên do. Vợ bảo: “Ông dụng tâm như thế, lo gì không con”. Mấy tháng sau, vợ hoài thai. Buổi tối hôm vợ ông sắp sanh, người trong làng đều thấy tiếng trống, tiếng kèn rộn rã, tuyên bố: “Đưa Trạng Nguyên tới nhà họ Phùng”. Sanh con trong ngày hôm ấy, tức là Phùng Kinh. Về sau, [Phùng Kinh] đỗ Tam Nguyên, làm quan tới chức Thái Tử Thiếu Sư[4], rồi làm Tể Tướng, quan chức rất vinh hiển.

* Đời Minh, ông Tôn Kế Cao ở Vô Tích, dạy học tại một nhà nọ. Bà chủ sai cô hầu gái biếu thầy một chén trà, trong chén có bỏ một chiếc nhẫn vàng. Ông Tôn giả vờ không biết, bảo cô hầu gái dọn đi. Đêm đến, cô hầu đến gõ cửa, bảo: “Bà chủ đến đấy!” Ông vội lấy một tấm ván lớn, chặn cửa không cho vào. Ngày hôm sau xin về, người khác hỏi nguyên do, ông đáp: “Học trò không thể dạy được!” Trọn chẳng lộ chuyện ấy. Về sau, ông Tôn đỗ Trạng Nguyên, con cháu quý hiển.

* Cha ông Châu Toàn ở Ôn Châu, đông con, nhà nghèo. Hàng xóm giàu có, không con, sai người thiếp xin giống. Đêm đến, mời cha ông Châu Toàn uống rượu, người chồng giả vờ say lui ra, người thiếp ra bồi tiếp, nói rõ nguyên nhân. Cha ông Toàn kinh ngạc, vùng đứng dậy, nhưng cửa đã đóng, bèn vung tay viết lên không trung rằng: “Muốn truyền thuật gieo giống, lại sợ thần trên trời”, xoay mặt vào vách, không ngó ngàng tới [người thiếp ấy]. Năm Ất Mão niên hiệu Chánh Thống[5], ông Châu Toàn thi Hương trúng tuyển. Thái Thú[6] nằm mộng thấy đón tiếp vị Tân Trạng Nguyên, tức là ông Châu Toàn, trên cờ hiệu đề chữ lớn “muốn truyền thuật gieo giống, lại sợ thần trên trời”. Quan Thái Thú chẳng đoán được nguyên do. Quả nhiên, ông Toàn đỗ Trạng Nguyên vào năm Bính Thìn. Thái Thú chúc mừng, nhân đấy, kể lại chuyện đã thấy trong mộng. Cha ông Toàn thưa: “Đấy là câu nói do lão phu đã viết lên không trung vào hai mươi năm trước”, còn tên họ của người trong chuyện trọn chẳng nói ra.

* Đời Minh, ông Lục Công Dung ở Thái Thương, dáng dấp rất đẹp đẽ. Vào năm Thiên Thuận thứ ba (1459)[7], đi thi ở Nam Kinh. Trong quán trọ, có nữ nhân nửa đêm đến chỗ ông ngủ, toan tằng tịu. Thoạt đầu, ông viện cớ mắc bệnh, hẹn đêm sau. Cô ta lui ra. Ông bèn làm thơ rằng: “Phong thanh nguyệt bạch dạ song hư, hữu nữ lai khuy tiếu độc thư, dục bả cầm tâm thông nhất ngữ. Thập niên tiền dĩ bạc Tương Như” (Song thưa gió mát trăng thanh, cô gái ngấp nghé trêu anh học trò, mượn đàn toan những hẹn hò, mười năm trước đã phụ phàng Tương Như). Đợi đến sáng, ông mượn cớ rời khỏi. Mùa Thu năm ấy đi thi. Trước đó, cha ông ta nằm mộng thấy quan Quận Thủ tặng cờ, tấm, [kèm thêm một đội] trống, kèn. Trên tấm biển ấy, đề bốn chữ “nguyệt bạch phong thanh”. Người cha nghĩ là điềm báo con thi đậu, viết thư gởi cho ông. Ông càng thêm dè dặt. Về sau, đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Tham Chánh[8].

[1] Tuyên Đức là niên hiệu của Minh Tuyên Tông (Châu Chiêm Cơ) từ năm 1425 đến năm 1435.

[2] Học Chánh (學正) là chức quan quản nhiệm quy củ, khảo thí trong trường Quốc Tử Giám.

[3] Điển sứ (典史) là chức quan thuộc cấp huyện, châu, thấp hơn Tri Huyện một bậc, có trách nhiệm bắt phạm nhân, điều tra các vụ án, canh tù, lưu giữ hồ sơ vụ án.

[4] Thái Tử Thiếu Sư chính là thầy dạy học cho Thái Tử. Thái Tử thường có ba vị quan kèm cặp, gọi là Thái Tử Thái Sư, Thái Tử Thái Phó và Thái Tử Thái Bảo. Lại đặt ra ba chức quan phụ tá gọi là Đông Cung Tam Thiếu, tức Thái Tử Thiếu Sư, Thái Tử Thiếu Phó và Thái Tử Thiếu Bảo.

[5] Chánh Thống là niên hiệu từ năm 1436 đến năm 1449 của Minh Anh Tông (Châu Kỳ Trấn). Ở đây, có lẽ năm Âm Lịch đã bị chép lầm, vì không có năm nào là năm Ất Mão (乙卯) trong niên hiệu Chánh Thống. Có lẽ là năm Đinh Mão (丁卯, 1447), tức năm Chánh Thống thứ mười hai.

[6] Thái Thủ (太守, ta thường đọc thành Thái Thú), còn gọi là Quận Thủ là người đứng đầu một quận. Chức vụ này đã có từ thời Chiến Quốc, vì các nước chư hầu đều chia thành nhiều quận, viên quan đứng đầu một quận sẽ gọi là Quận Thủ. Đến khi nhà Tần xóa bỏ chế độ chư hầu, chia toàn thể Trung Hoa thành ba mươi sáu quận thì Quận Thủ có oai quyền rất lớn. Mãi đến đời Tây Hán mới đổi Quận Thủ thành Thái Thủ. Sau khi nhà Đông Hán thiết lập chức châu mục thì Thái Thủ mới thấp hơn Châu Mục hoặc Thứ Sử một cấp. Từ đời Tùy trở đi, chức quan Thái Thủ bị phế trừ. Từ đời Tống trở đi, Tri Phủ hoặc Tri Châu thường được gọi thông tục là Thái Thủ.

[7] Thiên Thuận là niên hiệu của Minh Anh Tông (Châu Kỳ Trấn) từ năm 1457 đến năm 1464 sau khi giành lại ngôi vua từ tay em trai là Minh Cảnh Đế (Châu Kỳ Ngọc)

[8] Tham Chánh (參政) là một chức quan khá cao cấp trong nền hành pháp thuở trước, cùng với Đồng Bình Chương Sự (同評章事, Tể Tướng) và Xu Mật Sứ (樞密使) gọi chung là Chấp Chánh. Các vị như Phạm Trọng Yêm, Vương An Thạch… đã đều từng đảm nhiệm chức vụ này.