Phần 9: Giới chi tại sắc phú (bài phú khuyên răn kiêng giữ sắc dục)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

(dùng chữ trong tựa đề để gieo vần)

Tình thiên lồng lộng, dục giới mịt mờ. Trí huệ đã mê, si ngốc khó chuộc, cũng đều nghĩ tới vợ vợ, chồng chồng. Nghiêm giữ nếp nhà chẳng rối, ngõ hầu cháu cháu, con con. Giữ nghiêm ngặt khuê môn chẳng hư bại, lẽ đâu có kẻ khoét vách? Trọn chẳng có mối mai ong bướm rập rờn, sao đến nỗi có gã vượt tường, đền chẳng hết món nợ uyên ương? Muôn điều ác, dâm xếp hàng đầu, chốn Diêm Phủ ắt có thêm người! Trăm mối họa ương, đều giáng xuống thân, không chỉ chết non, bại xụi! Xóa tên sổ quế[1], sống thì buồn suông nơi ngõ hẻm bần cùng, chặt hết nhánh cành[2]; chết đi, mộ hoang lấy ai cúng bái? Người người nhớ kỹ Trung Dung, quên khuấy một kinh tránh xa sắc dục trong chín kinh[3]. Ai nấy đọc Luận Ngữ làu làu, không nhớ điều kiêng sắc từ thuở thiếu niên trong ba điều răn dạy. Huyết khí phần nhiều chưa định, kẻ trí, người ngu, ai giữ vẹn [giới sắc] chẳng dời, đó chính là hòa. Tinh có thể bồi bổ gân cốt, kẻ tham dâm quá đáng, thể lực khôn bề chống đỡ[4]! Cậy thế bức hiếp bà góa, phá hoại danh tiết khiến người chồng đã mất khóc thầm! Ôm ấp gái trinh, cô dâu mới ôm nhục nghi nan[5]. Nghĩ mụ ở dễ giở trò gian dâm, cha con cùng chung chạ! Thấy chị vú dễ bề xâm phạm, độc hại há thể chữa lành? Tớ gái xinh đẹp thường bị vợ cả ghen tuông hành hạ. Cặp kè nam sắc, thói xấu long dương[6] càng khó biết. Đầu lâu đắp thịt, riêng mê đắm kỹ nữ điên cuồng. Bồ Tát rủ mày, cũng giận kẻ ô nhục ni cô thanh tịnh.

Kinh truyện[7] chép: “Nam hữu thất, nữ hữu gia, vật tương độc dã” (Trai có vợ, gái có chồng, chẳng nên khinh nhờn họ). Sách Lễ Ký nói: “Nội ngoại loạn, cầm thú hạnh, tắc tất diệt chi, tắc hữu thiệt thượng sán hoa, hà đoan thố thái” (Trong ngoài dâm loạn[8], tức là làm chuyện cầm thú, quốc gia ấy sẽ bị tiêu diệt, lưỡi mọc ung nhọt lở loét, lông mày tạp loạn, lộ vẻ tà dâm)[9]. Dụ người đọa lạc núi tà, phạt ngươi trầm luân biển khổ! Kẻ tự phụ văn nhân tài tử, nhiều phen thốt lời gợi thú phong lưu, khiến người nữ lâm vào cảnh oán thán, bậc trượng phu thất chí, trở thành dung tục. Tả những chuyện hò hẹn dưới trăng, bàn chuyện trong buồng the; một lời tổn thương sự hòa hợp trong trời đất, xằng bậy soạn dâm thư, muôn kiếp chịu tội trong chốn Nê Lê. Diễn xuất vở tuồng dâm uế, tiếng hát, nụ cười, có ai nghĩ ngợi? Vẽ vời tranh ảnh dâm đãng trong chốn kín đáo, phơi bày vẻ lõa lồ, há [kẻ nào] có thể không bị vấy bẩn? Say sưa ca hát khúc nhạc diễm tình, hồn phiêu đãng, phách nay tan nát! Ngụy tạo toa thuốc tiên, bổ dương, thái âm, chính là đường lối dẫn vào tam đồ, há chẳng gây thêm oan nghiệt gấp cả trăm lần?

Đã có lời giáo huấn vứt bỏ những khúc ca nước Trịnh[10], hãy nên nghe theo lời ấy. Nghĩ những bài Tụng nước Lỗ[11], đều không chứa lời tà vạy. Những giáo huấn ấy hãy còn, sao không dứt niệm dâm, chuyển thành chuộng đức? Không suy nghĩ hòng giữ đạo vô vi; hễ có vật, ắt sẵn pháp tắc. Nghĩ đến lúc sẩy tay nơi vách đá cheo leo, lửa dục khó hừng! Hãy gấp quay đầu nơi bờ kia, đừng đắm chìm trong làn sóng dữ!

Có thể sửa lỗi, phước vẫn có thể tự cầu, thiện càng có thể chuyển dời; chắc chắn có thể tiêu họa chẳng lường. Kẻ áo xanh dẫn đi, Hồng học sĩ tăng thêm tuổi thọ. Giấy vàng gởi tới, Hạng tú tài chợt đỗ đạt cao[12]. Thoát bởi đó, mà xoay chuyển cũng nhờ vào đó, báo ứng phân minh, chẳng thể trốn tránh, vẫn có thể thay đổi. Vãn hồi trong khoảnh khắc, tội chẳng giáng xuống kẻ sám hối. Mộng dự vào cõi thanh lương, chuyện phi lễ chớ nên theo đuổi[13]. Bóng, mền mênh mang trời đất[14], hãy chí thành thực hiện. Trong luân thường kỷ cương, chỉ chú trọng hiền đức, chẳng quan tâm sắc đẹp[15], vui thú vợ con. Cưới hỏi đúng lễ, ai nấy ngâm bài “đào non vu quy”[16]. Đừng ham vẻ đẹp tươi non, mơn mởn bên ngoài, màn loan đẹp mộng, cúi đầu vẻ mặt mơ hồ, sáo phượng, lời ca mới mẻ, bóng quỷ kéo lưỡi đáng gờm![17]

Trong tâm răn dè như sắt, há vướng vào lưới pháp hay sao? Trên đầu chữ Sắc (色), vốn đã chứa đao (刀), sát cơ đã lộ. Sống ham niềm hoan lạc hữu hạn, chết chịu nỗi khổ vô cùng. Có thể nhẫn, kiên nhẫn, nhẫn nại rất mực, thần phải kính phục. Thấy chuyện dâm, ý dâm, lời dâm, đều ngừa trời giận. Phải cự tuyệt kẻ toan dâm bôn, ngâm câu gió mát, trăng thanh[18], càng phải nêu cao quyết liệt câu “khe sương, sông tuyết!”[19] Đối với thú vui chồng vợ, cũng chớ nên ham hố quá nhiều! Chuyện giường chiếu của người khác, há nên dễ dãi rêu rao? Kẻ khinh bạc chốn thanh lâu, thôi đừng phóng túng ba năm! Ngọc trắng không tỳ vết, do nhàn nhã, viết thành bài phú.

Nhận định: Bài phú này do danh sĩ xứ Việt Trung[20] là thương nhân Bái Đình soạn. Có một đêm, ông ta mộng thấy Văn Xương Đế Quân bảo: “Ngươi có tài soạn thơ phú, sao không soạn một bài phú giới sắc, hãy vì ta mà cảnh tỉnh người đời”. Tỉnh giấc, ông ta liền viết ra bài này. Lúc đặt bút viết, dường như có thần giúp sức, từng chữ đều khít khao đúng lý, từng câu đều khiến [người đọc] sáng mắt, kinh tâm. Nguyện bậc văn nhân tài sĩ trong thiên hạ, hãy nên ngâm vịnh nhiều lượt, suy nghĩ kỹ càng!

[1] Sổ quế (桂籍: quế tịch): Vào thời Tấn Vũ Đế, thượng thư bộ Lại là Thôi Hồng đã tiến cử Khích Sân làm tả thừa tướng. Tấn Vũ Đế hỏi Khích Sân nghĩ như thế nào, Khích Sân tâu: “Thần như bẻ cành quế trong cung trăng, như được một viên ngọc từ núi Côn Luân”. Do vậy, sau này có những thành ngữ “nhất chi đan quế” (một cành quế đỏ), “đan quế”, “phan quế” (vin cành quế), “Quảng Hàn chiết quế” (bẻ quế từ cung trăng) v.v… để chỉ sự thăng tiến trong quan trường. Dần dần, mở rộng thành “Quảng Hàn chiết quế” (bẻ quế từ cung trăng) với ý nghĩa đỗ đạt. Từ đó, có mỹ từ “quế tịch” để chỉ danh sách những người thi cử đỗ đạt trong khoa cử khi trước. “Xóa tên sổ quế” có nghĩa là công danh bị giảm trừ hoặc mất sạch, chẳng đỗ đạt.

[2] Con cháu ít ỏi, hiếm hoi!

[3] Chín kinh (cửu kinh) ở đây chính là chín điều trọng yếu để thực hiện đạo Trung Dung của Nho gia: 1) Tu dưỡng tự thân. 2) Kính trọng người hiền. 3) Yêu thương che chở thân tộc. 4) Kính trọng bậc đại thần. 5) Chăm sóc các quan, đồng sự. 6) Thương yêu dân chúng. 7) Tận lực khuyến khích các nghề nghiệp phát triển. 8) Ưu đãi khách thương từ xa tới. 9) Đối xử hòa thuận hòng giữ yên chư hầu. Xa lánh sắc dục là một hạng mục trong “kinh thứ nhất” (tu dưỡng tự thân).

[4] Nguyên văn “huyết khí đa duyên vị định, trí ngu na đắc bất di, hòa giả dã. Tài tiên khả nhị, cưỡng hồ tai, lực mạc năng chi”. Theo cách diễn giải của ông Minh Tịch trong bộ Thọ Khang Bảo Giám Hiện Đại Toàn Dịch, đoạn này phải hiểu như thế này: Kẻ thiếu niên huyết khí chưa định, thân tâm đa dục, bị sắc ma dẫn dụ, dẫu kẻ trí hay người ngu đều khó thoát khỏi ma chưởng, huyết và khí hòa hợp mới sinh ra tinh, đó gọi là “hòa giả dã”. Đã có Tinh thì mới có thể bồi dưỡng cái thân máu huyết, tráng kiện gân cốt cho nên nói là “tài khả tiên nhị”. “Tài” chính là nói đến Tinh. “Nhị” (餌) có nghĩa là gân cốt được tinh bồi đắp mà tráng kiện. Thiếu niên đắm đuối dâm dục nên gọi là “cưỡng”. “Cưỡng hồ tai” tức là thiếu niên do thường hành dâm dục đến nỗi thân thể thân thể bị hao tổn, mà vẫn không biết từ bỏ. Do Tinh bị thiếu hụt, nên thân thể suy yếu, sanh nhiều bệnh tật. Vì thế, “lực mạng năng chi” (sức không chống đỡ được).

[5] Do bị hạn cuộc theo cách viết trong nguyên văn, những câu này hơi khó hiểu, chúng tôi mạn phép vẽ rắn thêm chân như sau: Kẻ phóng đãng chòng ghẹo gái chưa chồng, hoặc làm chuyện suồng sã, khiến cho cô dâu mới phải gánh bao nhiêu lời ong tiếng ve châm biếm, nghi ngờ.

[6] Long Dương: Long Dương tức là Long Dương Quân (không rõ tên thật là gì), là tước hiệu của một viên quan, do rất đẹp trai nên được Ngụy An Ly Vương (Cơ Ngữ) say đắm, hết sức sủng ái, phong cho một chức quan lớn để sớm tối kề cận, hoan lạc. Theo chương Ngụy Sách trong Chiến Quốc Sách, có lần cùng vua đi câu cá, Long Dương Quân khóc lóc, tỏ ý lo ngại trong tương lai sẽ có người dâng người đẹp hơn để hầu hạ vua, khiến vua sẽ ruồng rẫy ông ta. Ngụy An Ly Vương bèn hạ lệnh: “Kẻ nào dám dâng mỹ nữ, mỹ nam lên vua, sẽ bị tru di cửu tộc”. Sau này, chữ Long Dương thường được dùng để chỉ đồng tính luyến ái nam.

[7] Truyện (傳) nói chung là những bản chú giải các tác phẩm kinh điển trong Nho gia. Câu này xuất phát từ sách Quả Tử, không rõ chữ Truyện ở đây chỉ tác phẩm chú thích nào.

[8] Ông Minh Tịnh giảng: “Nội ngoại loạn” nghĩa là trong gia tộc làm chuyện loạn luân, đó là nội loạn. Chung chạ bừa bãi với người ngoài, đó là ngoại loạn.

[9] Câu này trích từ sách Lễ Ký, thiên Nhân Thể, chúng tôi dịch câu này theo lời dẫn giải của trang từ điển trực tuyến Bách Độ.

[10] Khổng Tử đã từng phê bình những khúc dân ca nước Trịnh chứa toàn lời lẽ dâm đãng.

[11] Lỗ Tụng là những bài hát ca ngợi đức đẹp hoặc bậc hiền nhân trích từ các khúc hát của nước Lỗ.

[12] Xin xem cụ thể những chuyện này trong phần phước thiện và họa dâm án.

[13] Theo ông Minh Tịch, đoạn này nên hiểu như sau: Đã phạm tà dâm, báo ứng sẽ xảy đến, chẳng thể trốn tránh nên nói là “chẳng thể trốn tránh”, nhưng nếu khi gặp báo ứng, sám hối, thề chẳng tái phạm thì vẫn có thể giảm nhẹ quả báo nên nói là “vẫn có thể thay đổi”. Người đã sám hối, nghiệp chướng tiêu trừ, xa lìa ác báo, ngủ nghỉ an ổn, chẳng gặp ác mộng.

[14] Câu này xuất phát từ thành ngữ “khâm ảnh vô tàm” (chẳng thẹn với bóng áo). Thành ngữ này lại xuất phát từ chương Thận Độc trong bộ Tân Luận: “Cố thân hằng cư thiện, tắc nội vô ưu lự. Ngoại ô úy cụ. Độc lập nhi bất quý ảnh, độc tẩm bất quý khâm” (Vì thế, thân luôn giữ điều thiện, ắt trong là chẳng có lo âu, ngoài chẳng sợ hãi. Đứng một mình chẳng thẹn với cái bóng của chính mình, ngủ một mình chẳng thẹn với mền).

[15] Chỉ quan tâm vợ có hiền thục, đức hạnh hay không, chẳng bận tâm vợ có nhan sắc hay không.

[16] Đây là nói đến bào Đào Yêu trong thiên Quốc Phong của kinh Thi: “Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa, chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia” (Cây đào non mởn, chi chít những hoa, nàng về nhà chồng, êm ấm thuận hòa). Cổ văn thường dùng chữ Đào Yêu để chỉ hạnh phúc gia đình đầm ấm.

[17] Ông Minh Tịch giảng: Đừng ham tưởng thiếu nữ xinh tươi đẹp đẽ, hoặc thiếu niên dung mạo sáng sủa, khôi ngô, đến nỗi do tham đắm sắc đẹp đến nỗi trong giấc ngủ vẫn mơ mộng, trước tác hoặc diễn tấu những ca từ dâm đãng để rồi chết đi bị đọa vào địa ngục Bạt Thiệt.

[18] Ý nói đến chuyện ông Lục Công Dung cự tuyệt kẻ dâm bôn dùng thơ quyến rũ, chòng ghẹo (xin xem câu chuyện này trong phần Phước Thiện).

[19] Luôn dè dặt như vào khe sâu đầy sương phủ, hoặc đi trên mặt sông đóng băng.

[20] Việt Trung chính là Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang hiện thời.