Phần 13 - Chương 2: Đồng thiện dưỡng sanh

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Vào thời Tống Đoan Tông[1], quân Nguyên tấn công Thai Châu, vợ một người dân ở Lâm Hải[2] là Vương thị rất đẹp, bị bọn giặc bắt đem vào trong quân. Gã thiên phu trưởng[3] giết bố mẹ chồng và chồng cô ta, muốn ăn nằm với cô. Cô ta thà chết chẳng thuận theo, giả vờ nói: “Xin cho tôi để tang bố mẹ chồng và chồng một tháng rồi mới có thể hầu hạ bậc quân tử”. Thiên phu trưởng thấy cô không đòi chết nữa, bèn chấp thuận lời thỉnh cầu, nhưng vẫn sai nữ tù nhân canh giữ cô ta. Hôm quân Nguyên rút lui, hắn mang theo cô ta. Khi đi qua rặng Thanh Phong ở huyện Sơ, Vương thị ngửa mặt lên trời than: “Hôm nay, ta đã có chỗ để chết rồi”. Liền cắn ngón tay, [lấy máu] viết thơ lên đá, gieo mình vào vách đá mà chết. Chuyện đã cách nay tám, chín mươi năm, máu trên đá vẫn rõ nét như mới, chẳng bị mưa gió xóa nhòa. Một Nho sĩ đã làm thơ chê bai rằng: “Khiết chỉ đề thi tự khả ai, ban ban bác bác thượng thanh đài, đương sơ nhược hữu thi trung ý, khẳng trục tướng quân mã thượng lai” (Cắn ngón đề thơ buồn gớm nhỉ? Đá rêu loang lổ phủ xanh rì. Thoạt đầu, nếu đúng như thơ tả, chắc sẽ theo chàng ruổi ngựa đi). Kẻ đề thơ ấy về sau không có con cái. Đời Nguyên, Dương Liêm Phu cũng làm thơ vịnh rằng: “Giáp mã ngự đà bách lý trình. Thanh phong hậu dạ huyết thư hành. Chỉ ưng Lưu Nguyễn đào hoa thủy, bất tự Ba Lăng Hán thủy thanh” (Cặp kè bên ngựa đường trăm dặm, đêm cuối Thanh Phong viết huyết thư, chỉ nên tận hưởng Thiên Thai thú, Nhạc Dương sông Hán chẳng trong bằng)[4]. Về sau, Liêm Phu không có con! Một đêm, mộng thấy một người đàn bà nói: “Ngươi có nhớ bài thơ đề vịnh Vương tiết phụ hay không? Tuy không thể tổn hại thanh danh của tiết phụ, nhưng đã hủy báng tiết nghĩa, tội ấy rất nặng! Vì thế, trời dứt đường con cái của ngươi!” Liêm Phu hối hận, tỉnh ngộ, lại đề thơ rằng: “Thiên tùy địa lão, thiếp tùy binh. Thiên địa vô tình, thiếp hữu tình. Chỉ huyết khiết khai hà kiều xích. Đài ngân hóa tác tuyết giang thanh. Nguyện tùy tương sắt thanh trung tử. Bất trục hồ già phách lý sanh. Tam nguyệt tử quy đề đoạn huyết. Thu phong vô lệ tả ai minh” (Trời già theo đất, thiếp theo quân. Trời đất vô tình, thiếp hữu tình. Máu cắn ngón tay như ráng đỏ, sông trinh xanh ngắt vết rêu in, nguyện chết theo chồng cho trọn nghĩa, chẳng ham sống nhục với quân Hồ. Tháng Ba chim cuốc[5] kêu tan huyết, gió thu khôn cảm nỗi buồn thương). Sau đấy, lại mộng thấy người đàn bà đến cảm tạ, không lâu sau bèn sanh được một đứa con.

* Quảng Tử Nguyên bị bệnh tim, suốt ngày mơ màng như đang nằm mộng. Nghe nói có vị lão tăng có thể chữa lành, bèn đến cầu xin. Vị tăng bảo: “Chứng bệnh này là do dâm dục quá độ, thủy hỏa chẳng thể giao hội. Phàm những kẻ đắm đuối mỹ sắc, hoang đàng sắc dục [sẽ mắc bệnh này], gọi là ‘lòng dục do bị cảm nhiễm từ bên ngoài’. Đêm sâu nằm ngủ, tưởng nhớ mỹ sắc, hoặc mơ thấy giao hoan trong giấc mộng. Đó gọi là ‘dục vọng sanh từ bên trong’. Hai thứ ấy dây dưa nhiễm đắm, đều hao tổn nguyên tinh, tăng thêm bệnh tật, tổn hại tánh mạng, ắt sẽ trở thành chứng bệnh chẳng trị được. Trước hết, hãy gấp nên đoạn trừ hết sạch ý niệm về sắc trong tâm, sau đấy lại điều dưỡng thân thể, chẳng để cho nguyên tinh rò rỉ, ắt thận thủy sẽ không đến nỗi tràn xuống dưới mà bị khô cạn, khiến cho can hỏa chẳng đến nỗi bốc lên trên. Thủy hỏa điều hòa, sẽ dần dần lành bệnh”. Vì thế nói: “Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”.

* Đời Tống, Bao Hoằng Trai lúc tám mươi tám tuổi còn được cử làm Xu Mật Sứ. Tinh thần ông ta mạnh mẽ. Giả Tự Đạo cho rằng ông ta ắt có thuật dưỡng sanh bèn hỏi ông Bao. Ông Bao đáp: “Tôi có một loại thuốc viên để uống, nhưng chẳng truyền toa thuốc bí mật”. Tự Đạo vui vẻ xin thuốc. Ông Bao thong thả nói: “Loại thuốc viên do lão hủ đã uống chính là suốt năm mươi năm ngủ một mình!” Mọi người hiện diện đều cười to.

* Bồ Đắc Chánh làm tri phủ Hàng Châu. Có cụ già trong vùng là Lý Giác đến yết kiến. Tuổi cụ đã hơn trăm, sắc mặt tươi tắn. Ông Bồ hỏi về thuật dưỡng sinh, cụ đáp: “Thuật của tôi rất hết sức giản dị, chỉ là đã sớm tuyệt dục đó thôi”.

* Trương Thúy ở Thái Thương đã ngoài chín mươi, tai tinh, mắt sáng, vẫn còn có thể vẽ vời. Có người hỏi [cụ có bí quyết gì, cụ Trương] đáp: “Chỉ là cái tâm tham dục nhạt mỏng, tiết chế dục sự”.

[1] Tống Đoan Tông (Triệu Thị) là vị vua thứ tám và là áp chót của nhà Nam Tống. Ông là con của Tống Độ Tông (Triệu Mạnh Khải). Ông được tôn lên làm vua tại Phước Châu khi kinh thành Lâm An lọt vào tay quân Nguyên, vua Tống Cung Tông bị bắt, hoàng thân quốc thích bị cầm tù gần hết. Quân Nguyên lần lượt nuốt dần giang sơn nhà Tống. Năm 1278, quân Nguyên tấn công Tuyền Châu, Chương Châu, thẳng đường tấn công Triều Châu, đánh chiếm Quảng Châu. Tướng nhà Tống là Trương Thế Kiệt phải phò vua sang tỵ nạn tại Tú Sơn, rồi lùi về Tỉnh Áo. Khi tới Tỉnh Áo, sóng lớn khiến thuyền bị lật, Tống Đoan Tông rớt xuống nước, bị bệnh nặng. Ngày Tám tháng Năm năm 1278, ông qua đời ở Cương Châu, mới tròn mười một tuổi. Triều thần tôn Vệ Vương Bính lên ngôi vua, năm sau, thế cùng lực kiệt, trong trận Nhai Sơn, quân Tống đại bại, bị tiêu vong gần hết. Lục Tú Phu bèn cõng Đế Bính nhảy xuống biển tự vẫn. Nhà Tống bị diệt vong!

[2] Lâm Hải là một thị xã thuộc về Thai Châu, tỉnh Chiết Giang.

[3] Theo cách tổ chức của quân Mông Cổ thuở ấy, cứ mười người lính có một người cầm đầu, gọi là thập phu trưởng. Một trăm người có một người cầm đầu gọi là bách phu trưởng, một ngàn người có người cầm đầu gọi là thiên phu trưởng.

[4] Bài thơ này mang ý nghĩa hủy nhục, khinh bạc rất lớn, chê trách Vương Thị đã chịu để cho viên tướng Mông Cổ kèm cặp trên ngựa dẫn đi cả trăm dặm, đến cuối cùng mới viết huyết thư liều thân, sao không tiếp tục sống để hưởng lạc thú giống như Lưu Nguyễn vào chốn thiên thai. Dẫu có liều thân thì thân đã nhơ uế, đâu có trong sạch như nước dòng Hán Thủy ở Ba Lăng (Ba Lăng là tên gọi cũ của Nhạc Dương).

[5] Chim cuốc còn gọi là Đỗ Quyên hoặc Tử Quy hoặc Thôi Quy, là một loài chim nhỏ, thân đen pha xám, đuôi có vằn trắng, thường hay kêu ra rả vào tháng Sáu, tháng Bảy. Tiếng kêu nghe buồn nẫu ruột. Theo Thục Vương Bản Kỷ, sau khi Vọng Đế bị ép buộc, phải nhường ngôi, đã hóa thành chim Đỗ Quyên, do nhớ nước cứ kêu não nuột. Người ta tin là chim cuốc sẽ kêu cho đến khi nứt họng trào hết máu mà chết, cho nên mới có thành ngữ “tử quy đề huyết” (chim cuốc kêu khóc cho đến khi cạn máu).