Phần 10 - Chương 5: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

* Đời Thanh, ông Viên ở Thiểm Tây. Do giặc Sấm (Lý Tự Thành)[1] dấy loạn, cha con thất lạc, trôi nổi, ngụ tại Giang Nam, muốn cưới thiếp sanh con. Vừa mua được vợ, rước về nhà ông Viên, cô ta xoay lưng về ánh đèn, khóc lóc. Ông Viên gạn hỏi, cô ta đáp: “Chẳng có gì khác. Chỉ vì trong nhà đói nghèo, chồng muốn tìm cái chết, cho nên thiếp bán thân để chồng được sống. Thiếp nghĩ tới vợ chồng tình sâu nghĩa nặng trước nay; vì thế, khôn ngăn đau thương vậy”. Ông thương xót, xoay lưng ngồi đợi sáng. Ngoài số tiền bán thân ra, còn tặng thêm một trăm lạng, trả người vợ cho chồng, bảo họ hãy buôn bán. Vợ chồng họ khóc lóc ra đi. Về sau, họ muốn tìm một cô gái chưa chồng, tặng cho ông Viên để sanh con, nhưng tìm đã lâu chẳng được. Ngẫu nhiên tới Dương Châu, gặp một người đem một đứa bé khôi ngô muốn bán; do vậy, họ bàn riêng với nhau: “Ta chưa tìm được cô gái nào. Trước hết, hãy mua đứa trẻ này về hầu hạ ông Viên, có gì là không được?” Bèn mua lấy, vượt sông, tặng nó cho ông Viên. Ông Viên nhìn kỹ, thì ra là đứa con đã bị thất lạc. Báo ứng thần kỳ như thế đó!

* Đời Minh, Văn Định Công Lục Thụ Thanh là người xứ Vân Gian. Năm Tân Sửu, ông lên miền Bắc. Khi ấy, quận thủ là Vương Công Hoa nằm mộng thấy trong sân của miếu Thành Hoàng có nhiều cây to đều vang ra tiếng tán thán ông ta là bậc thiện sĩ. Do vậy, gọi bố vợ của ông ta là ông Lý đến hỏi: “Thường ngày, Thụ Thanh đã làm những việc thiện nào?” Ông ta thưa không biết rõ, [chỉ biết Thụ Thanh] đối với chuyện tà sắc chẳng cẩu thả mà thôi! Về sau, [Thụ Thanh] đỗ đầu kỳ thi Hội, con là Ngạn Chương đậu Tiến Sĩ vào năm Kỷ Sửu.

* Đường Cao thuở trẻ đọc sách dưới đèn, có cô gái lả lơi chòng ghẹo, xé giấy dán cửa sổ. Ông dán lại xong xuôi, đề thơ rằng: “Đào chỉ song dung dị bổ, tổn nhân âm chất tối nan tu” (Giấy dán song, xé rồi dễ vá; tổn đức người, há dễ đền bù?) Về sau, một vị Tăng đi qua cửa nhà ấy, thấy có một tấm biển đề chữ Trạng Nguyên, hai bên treo hai ngọn đèn, trên đèn viết hai câu ấy, lấy làm lạ, hỏi han. Sau này, quả nhiên Đường Cao đỗ Trạng Nguyên.

* Đời Minh, Trương Úy Nham ở Giang Âm nằm mộng thấy mình tới một tòa nhà cao, tìm được một danh sách ghi tên người đỗ đạt, trong ấy có nhiều dòng bị bỏ trống. Hỏi người bên cạnh, họ bảo: “Đấy là danh sách người dự thi năm nay”. Hỏi vì sao nhiều tên bị bỏ trống. Đáp: “Thi cử thì cứ ba năm khảo hạch [đức hạnh] một lần, phải là kẻ tích đức, không lầm lỗi thì mới có tên. Những chỗ bị khuyết là tên của những kẻ được ghi tên từ trước, do gần đây mới phạm lỗi nên bị xóa tên”. [Người ấy] chỉ vào một hàng sau đó, bảo: “Ông bình sinh chẳng có dâm nghiệp, có lẽ sẽ được ghi bổ sung vào đây, hãy nên biết tự thương xót mình”. Khoa thi năm ấy, quả nhiên đỗ hạng một trăm lẻ năm.

* Đời Minh, thư sinh họ Tôn ở Ninh Ba, nhà nghèo, đi dạy vỡ lòng cho trẻ. Suốt năm, chẳng qua là được trả mấy lạng bạc. Về sau, mất chỗ dạy học, bèn ở nhờ nhà họ Trương ở Đường Tây, sao chép [sách vở để lấy tiền công sống qua ngày]. Đứa tớ gái nhà ấy chờ đêm thâu tìm đến rủ rê chim chuột. Ông nghiêm khắc cự tuyệt. Đứa tớ gái bèn dan díu với một thầy giáo khác cùng sống trong nhà ấy. Đến tiết Đoan Ngọ, ông giáo ấy xin thôi dạy học vì bị sanh ghẻ lở, trị mãi không lành. Ông được cử làm gia sư để thay thế. Về sau, gặp người chú tại cửa sông, người chú bảo: “Do con ta bị bệnh, ta cầu đảo Thành Hoàng. Đên nằm mộng thấy Thành Hoàng ngồi trên điện, gọi nha lại đem sổ ghi tên kẻ đói rét ra sửa. Người hầu đọc tên để thần xem xét. Đọc hơn mười mấy tên, tới tên của cháu, ta ngầm hỏi nha lại: “Họ Tôn do duyên cớ gì mà được sửa chữa?” Nha lại đáp: “Người này năm bốn mươi sáu tuổi, lẽ ra phải bị chết đói trong khi lưu lạc bên ngoài. Do đêm Mười Tám tháng Tư năm nay, cự tuyệt ả nọ dụ dỗ làm chuyện dâm bôn. Vì vậy được tăng thêm tuổi thọ hai kỷ (hai mươi bốn năm), sửa thành được ghi tên trong sổ hưởng lộc. Ta rất mừng cho cháu vậy”. Về sau, ông được người theo học càng đông. Mỗi năm thu được hơn trăm lượng bạc. Đến năm ông bốn mươi sáu tuổi, nhằm đúng năm Vạn Lịch 36 (1608), giá gạo vọt lên rất cao, người chết khá đông, nhưng ông vẫn dư dả. Đến khi con ông đã trưởng thành, nhà đã giàu to. Đến tuổi cổ hy (bảy mươi), ông không bệnh tật mà mất.

* Văn Hy Công Đào Đại Lâm lúc mười bảy tuổi, dung mạo đẹp đẽ, đi thi Hương. Ở chỗ trọ, có cô gái hàng xóm đến [dụ dỗ] ăn nằm; ba lần tìm đến, ông đều ba lượt từ khước, rồi tìm chỗ trọ khác. Chủ chỗ trọ ban đêm nằm mộng thấy thần bảo: “Ngày mai có bậc tú sĩ đến, chính là người sẽ đỗ đầu. Do người ấy lập chí đoan chánh, có thể không loạn dâm cùng đứa con gái dâm bôn, Thượng Đế đặc biệt cho đỗ đầu”. Chủ chỗ trọ kể chuyện nằm mộng với ông Đào, ông Đào càng thêm gắng sức. Sau đó, ông Đào đỗ Bảng Nhãn, làm quan tới chức Đại Tông Bá[2].

[1] Lý Tự Thành (1606-1645) vốn có tên là Hồng Cơ, người huyện Mễ Chỉ tỉnh Thiểm Tây, giỏi võ nghệ, xuất thân là phu dịch trạm chuyên chạy công văn cho triều đình. Do làm ăn tắc trách, Tự Thành bị đuổi việc, lại mắc nợ khắp nơi. Từng bị thưa kiện, phải đeo gông cùm, may được bạn bè chạy chọt mới thoát. Cuối năm đó, ông ta giết chủ nợ. Khi biết vợ ngoại tình, ông giết luôn vợ, trốn đi đăng lính, làm đến chức Bả Tổng dưới trướng Tổng Binh Cam Châu là Dương Khải Cơ. Do thất thoát quân lương, để trốn tội, Lý Tự Thành bèn giết cấp trên là tham tướng Vương Quốc và huyện lệnh, dựng cờ khởi loạn. Do nhà Minh đã suy yếu, đồng thời bị quân Hậu Kim tấn công liên tiếp càng suy yếu hơn, Lý Tự Thành thừa thế xưng vương, chiếm được kinh thành, lật đổ nhà Minh, xưng đế, lấy hiệu là Đại Thuận. Về sau, Ngô Tam Quế liên minh cùng quân Thanh đánh bại Lý Tự Thành, quân Thanh chiếm trọn Trung Hoa. Lý Tự Thành chạy trốn, đến chùa Giáp Sơn ở huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Nam bèn xuống tóc đi tu, xưng hiệu là hòa thượng Phụng Thiên Ngọc. Có thuyết khác nói ông ta bị giết tại núi Cửu Cung, nhưng thuyết thứ nhất khả tín hơn vì được chép trong nhiều sách huyện chí của tỉnh Hồ Nam.

[2] Đại Tông Bá (大宗伯) chính là một chức quan coi về lễ nghi thuộc Lục Khanh vào đời Tây Châu. Do vậy, sau này, người ta quen gọi Lễ Bộ Thượng Thư là Đại Tông Bá.