Phần 4 - Chương 5: Giới dâm cách ngôn - Châu Tư Mẫn

Thọ Khang Bảo Giám

Đăng vào: 2 năm trước

.

Con người sống trong vòng trời đất, [trở thành] bậc thánh hiền, hào kiệt, đúng là những chuyện nên làm, nhưng tinh thần cần phải trọn đủ mười phần thì mới hoàn thành sự nghiệp mười phân vẹn mười. Nếu chẳng biết tiết dục, giữ vững tinh thần, dẫu có chí hướng, tâm lượng tột bậc, nhưng do tinh thần tối tăm, sức lực mệt mỏi, chưa hề có kẻ nào chẳng bỏ cuộc giữa chừng.

* Lửa dục thiêu đốt, tinh tủy dễ cạn. Vì thế, đến nỗi giảm mất thông minh, trí lực kém hẳn! [Vốn là] kẻ hữu dụng, chẳng đầy mấy năm, trở thành hạng phế nhân vô dụng! Lại còn dần dần tạo thành bệnh lao! Bởi lẽ, chẳng cần phải thường gần gũi nữ sắc, chỉ ngay trong lúc ở một mình, hễ một niệm xoay chuyển [tơ tưởng dâm sự], đã thừa đủ để chôn vùi đời này! Vì thế, Tôn chân nhân[1] nói: “Mạc giao dẫn động hư dương phát, tinh kiệt dung khô bách bệnh xâm” (Đừng nghĩ vẩn vơ, dương khí uổng. Tinh cạn, mặt khô, trăm bệnh sanh) là nói đến đạo lý này.

* Sắc là cửa ải [khó vượt] bậc nhất của lũ thiếu niên. Chẳng phá được cái ải ấy, dẫu cho tài cao, tuyệt học, đều chẳng có cách nào dùng được! Bởi lẽ, muôn sự lấy thân làm gốc. Sở dĩ cái thân máu thịt có thể tồn tại lâu dài [trong cõi đời] là do tinh, khí, huyết. Huyết là Âm, Khí là Dương. Âm Dương ngưng đọng thành Tinh. Tinh chứa trong tủy xương, trên thông đến Tủy Hải[2], dưới thấu đến Vĩ Lư[3], là món quý báu nhất trong thân người. Vì thế, nước Thiên Nhất[4] chẳng cạn, tai mắt lanh sáng, chân tay, thân thể khỏe mạnh. Như nước thấm nhuần vật, trăm vật đều tăng trưởng. Lại như dầu duy trì ngọn đèn. Dầu chẳng cạn, ắt đèn chẳng tắt. Vì thế, bậc tiên Nho coi “tâm hỏa giáng xuống, thận thủy thăng lên, điều hòa lẫn nhau thì mới có thể dưỡng sinh”. Bởi lẽ, [lửa nơi] tâm là quân hỏa (君火: lửa đứng đầu trong các thứ hỏa nơi thân). Lửa có tánh nóng bốc lên, thường thừa dịp huyết khí chưa định mà dâm niệm hừng hực dấy lên. Hễ quân hỏa vừa động, ắt can hỏa (lửa nơi gan) và thận hỏa đều động. Thận thủy bị nung nấu, tiết ra ngoài, cạn kiệt bên trong.

Nam tử mười sáu tuổi đã có tinh khí, cổ nhân [quy định] ắt phải sau ba mươi tuổi mới cưới vợ. Đấy là nhằm giữ cho gân cốt cứng cỏi, giữ gìn nguyên khí. Hơn nữa, huyết khí phần nào đã định, cũng chẳng đến nỗi như bọn thiếu niên tự hao tổn vậy. Lũ trẻ gần đây, kết hôn quá sớm, gân cốt chưa vững vàng, nguyên thần hao tán. Kẻ chưa lập gia đình mà trước hết đã trừ bỏ căn bản này! Đứa đã cưới vợ rồi, càng [ra sức] đẵn chặt mầm mống. Chẳng đầy mấy năm, tinh huyết tiêu vong, èo uột, chẳng thể phấn chấn nổi! Tuy vẫn mang hình hài con người, đã hoàn toàn ghi tên trong sổ quỷ! Do vậy, con em bất tài, cũng là vì cha anh chẳng dạy! Nay vì họ lập ra ba nguyên tắc lớn, chính là:

1) Siêng năng làm việc để cái tâm bận bịu.

2) Nam nữ cách biệt, hòng ngăn ngừa họa hoạn.

3) Giao du thận trọng để chấm dứt chuyện [bị bạn bè xấu xa] dụ dỗ, mê hoặc.

Như thế thì trong ngoài đều cùng tu, đức nghiệp mỗi ngày mỗi tiến, trách nhiệm của cha anh cũng trọn vẹn!

* Muốn kiêng hạnh dâm ô, ắt phải bắt đầu bằng kiêng ngừa dâm niệm. Hễ dâm niệm dấy lên, ắt dâm hạnh sẽ thuận theo! Như vậy, dùng điều gì để khống chế? Chính là đừng thân cận bạn tà, đừng vào chốn tà vạy, đừng đọc sách dâm tà, đừng nghe lời tà vạy. Bởi lẽ, hễ thân cận bạn tà, ắt bạn tốt ngày một lơ là, tự nhiên sẽ tiêm nhiễm những lời dẫn dụ [làm bậy], dần dần trở thành kẻ hạ lưu, phóng túng hoang đàng, không chuyện gì chẳng làm! Hễ vào chốn tà vạy, khó giữ chánh niệm, tự nhiên tâm háo hức, chẳng giữ vững được. Phóng túng khoảnh khắc, hối hận suốt đời. Nói nghĩ đến đây, chẳng đáng răn dè ư?

Còn như sách tà dâm, lời lẽ tà vạy, bất quá là trò du hý của văn nhân và những lời lẽ cợt nhả của lũ người rảnh rỗi. Bọn họ muốn viết thành một câu chuyện, tự nhiên nói đến [kết cục] đoàn viên, đẹp đẽ, toàn là những lời lẽ bịa đặt dối trá, há nên tin là chân thật ư? Nếu nghĩ “đôi khi xem đọc cũng chẳng sao, há có thể lay động ta ư?”, [những tà niệm] ắt sẽ ngấm ngầm tăng trưởng, âm thầm bị hại mà không hay biết. Nói chung, cách để giữ thân không chi bằng ngăn ngừa trước, chớ nên tự lơi lỏng chút nào, thà bị kẻ khác cười chê ta là kẻ chấp trước ngây ngốc, chớ nên tự cho mình là hạng viên thông! Nếu thường ngày chẳng [tự giữ gìn bản thân] rất nghiêm, làm sao bảo đảm lúc gặp chuyện sẽ không thất thố?

[1] Tôn chân nhân ở đây không phải là Tôn Bất Nhị (tức Thanh Tịnh Tản Nhân, một trong bảy đại đệ tử của Vương Trùng Dương, sáng tổ Toàn Chân Giáo), mà là mỹ hiệu của Tôn Tư Mạo (541-682). Tôn Tư Mạo là một đạo sĩ, đồng thời là một y sư kiêm dược sĩ trứ danh, sống vào đời Đường. Ông từng được tôn xưng là Dược Vương, thanh danh sánh ngang Hoa Đà và Biển Thước. Ông nổi tiếng học rộng, thông minh từ bé, thông thạo kinh điển Đạo gia và kinh Phật. Ông từng làm ngự y cho các vua Đường Thái Tông, Châu Tuyên Tông, Châu Tĩnh Đế, Tùy Văn Đế. Bộ sách y học nổi tiếng nhất của ông là Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương. Sau khi mất, ông được lập miếu thờ tại quê nhà ở núi Dược Vương, huyện Diệu, tỉnh Thiểm Tây. Tống Huy Tông sắc phong đạo hiệu Diệu Ứng Chân Nhân, nên người ta thường gọi ông là Tôn Chân Nhân. Đạo giáo tôn xưng ông với thánh hiệu Dược Vương Quảng Viện Diệu Tế Chân Quân.

[2] Tủy Hải (髓海) là tên gọi khác của não. Não được gọi là Tủy Hải vì thiên Linh Khu trong Hoàng Đế Nội Kinh có câu: “Não vi tủy chi hải” (Não là biển của tủy).

[3] Vĩ Lư (尾閭) có nghĩa gốc là “nơi nước quy tụ lại”. Về sau, từ ngữ này được dùng để chỉ huyệt Vĩ Lư ở chót cùng của xương cụt (phần kết thúc của xương sống, giáp với xương mông).

[4] Thiên Nhất vốn là một khái niệm trong Hà Đồ Lạc Thư. Trong đó có quan niệm những số chỉ trời, thuộc về Dương, tượng trưng bằng chấm trắng, lần lượt gọi là thiên nhất, thiên tam v.v… Sách Lạc Thư Tinh Nghĩa nói: “Một âm, một dương giao hội lẫn nhau, cửu trù sanh ra từ đó, cửu cung được phối ứng từ đó. Từ thiên nhất sanh ra nước, nên phương Bắc thuộc về thiên nhất, là vận mở đầu cho thượng nguyên”. Ở đây, do sánh ví tinh tủy nằm dọc theo cột sống từ cuối não xuống đến tận xương cùng, giống như nước từ trên trời đổ xuống, cho nên tinh tủy được gọi là “thiên nhất chi thủy”. Do chẳng phóng túng dâm đãng, tinh tủy đầy đủ; vì thế, nói ví von là “nước Thiên Nhất chẳng cạn”.