Chương 3: May II

Another

Đăng vào: 12 tháng trước

.

“Đây là gì?”
 
Tôi nghe tiếng cô Mikami hỏi. Người được hỏi là một cậu ngồi bên mé trái tôi, tên là Mochizuki. Mochizuki Yuya.
 
Dáng người cậu ta nhỏ nhắn với nước da trắng nõn, dù vẻ ngoài mộc mạc nhưng khuôn mặt cũng dễ ưa… Nếu cậu ta chịu mặc đồ nữ đi trên đường phố khu Shibuya, hẳn sẽ bị nhầm là một cô gái xinh xắn và bị tán tỉnh cho xem. Nhưng kể từ lúc chuyển đến hôm qua, tôi vẫn chưa hề nói chuyện với cậu ta. Mỗi khi tôi định chào Mochizuki lại quay mặt lảng đi. Khó xác định được là cậu ta ngượng ngùng hay sợ giao tiếp với người khác.
 
Câu hỏi của cô Mikami khiến hai má Mochizuki ửng đỏ cậu ta lắp bắp. “Ư… em đang vẽ quả chanh…”
 
“Quả chanh? Cái này á?”
 
Hơi ngẩng lên nhìn cô giáo đang nghiêng đầu đăm chiêu, Mochizuki lí nhí, “Ư… dạ. Là… tiếng hét trong quả chanh.”
 
Hôm nay là thứ Năm, ngày thứ hai tôi đến trường. Giờ là tiết thứ năm, môn Mỹ thuật.
 
Trong phòng Mỹ thuật ở tầng trệt tòa nhà cũ, Khu o, lớp chúng tôi được chia làm sáu nhóm, mỗi nhóm ngồi quanh một chiếc bàn. Ở trung tâm mỗi chiếc bàn lại bày rất nhiều vật thể, ví dụ như củ hành, quả chanh, cái cốc. Nhiệm vụ hôm nay của lớp là vẽ phác họa các tĩnh vật.
 
Tôi chọn chiếc cốc cạnh một củ hành tây rồi dùng bút chì vẽ lên tờ giấy được phát. Có vẻ như Mochizuki chọn quả chanh, cơ mà tôi cũng không rõ. Tôi rướn cổ sang nhìn cho rõ bức tranh của cậu ta, à ra vậy…
 
Cô Mikami thắc mắc cũng là điều hợp lý.
 
Vì cậu ta đã vẽ thứ gì đó rất quái dị, chẳng giống vật nào trên bàn. Nếu bảo là quả chanh thì cũng miễn cưỡng nhìn ra được. Nhưng thứ này to gấp đôi quả chanh trước mặt tôi, dẹp và cao ngồng, viền ngoài là những đường cong nhấp nhô. Chưa hết, cậu ta còn vẽ nhiều gợn sóng vặn vẹo (chắc là hiệu ứng hình ảnh?) xung quanh.
 
Cái quái gì vậy? Bỗng dưng tôi phải thốt lên trong đầu. Nhớ tới câu cậu ta vừa nói, “tiếng hét trong quả chanh”, tôi bắt đâu lờ mờ hiểu ra ý đồ nghệ thuật của cậu ta. Nhắc đến từ “tiếng hét”, ngay trẻ con tiểu học cũng biết đó là tên một tuyệt tác của nghệ sĩ người Na Uy Edvard Munch. Cảnh một người ôm hai tai đứng trên cầu với bố cục và cách phối màu kỳ dị của những đường gợn sóng. Quả chanh méo mó này có phần tương đồng với bức tranh ấy…
 
“Em thấy vẽ như vậy là đúng sao? Mochizuki?”
 
Lại liếc trộm cô giáo, Mochizuki ngập ngừng đáp, “Dạ… ý em là, em thấy quả chanh trông như thế…”
 
“Cô hiểu rồi.”
 
Cô Mikami mím môi rồi “Hừm” một tiếng, đoạn gượng cười bảo, “Không hợp lắm với mục đích của lớp. Nhưng cô nghĩ là được.” Và bổ sung, “Tuy nhiên, em vẽ như vậy trong Câu lạc bộ Mỹ thuật thì tốt hơn.”
 
“Dạ, thưa cô. Em xin lỗi.”
 
“Không sao. Em cứ hoàn thiện bức tranh đi nhé.”
 
Cô Mikami đi khỏi sau khi để lại mấy lời nhắc nhở vô thường vô phạt, tôi ngằm nghía bức tranh của Mochizuki lần nữa và thận trọng mở lời, “Cậu thích Munch à?”
 
“Ư, cũng có thể nói thế…” Cậu ta đáp mà không nhìn tôi, rồi tiếp tục cầm bút vẽ. Tôi không cho đó là phản kháng nên lại nói tiếp.
 
“Nhưng sao quả chanh lại trông như thế?”
 
Cậu ta mím môi rồi “Hừm” giống cô Mikami ban nãy. “Tớ nhìn sao thì vẽ vậy. Thế thôi.”
 
“Ý cậu là đồ vật cũng biết hét?”
 
“Không phải. Người ta hay hiểu nhầm ý tưởng của Munch. Không phải người đàn ông đang hét lên trong bức tranh, mà là thế giới xung quanh ông ấy. Tiếng hét khiến ông kinh hãi nên mới bịt tai.”
 
“Vậy là quả chanh này cũng không hét.”
 
“Đúng rồi.”
 
“Thế quả chanh có bịt tai không?”
 
“Chắc cậu không hiểu đâu.”
 
“Ừ… Ừ. Sao cũng được. Mà cậu tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật?”
 
“Ồ, phải. Tớ vừa tái gia nhập năm nay.”
 
Câu nói khiến tôi nhớ đến lời Teshigawara kể hôm qua, về chuyện Câu lạc bộ Mỹ thuật bị đình chỉ hoạt động cho đến năm ngoái. Nhưng từ tháng Tư năm nay, “cô Mikami đáng yêu” đã nhận làm cố vấn…
 
“Còn cậu thì sao, Sakakibara?” Đây là lần đầu tiên Mochizuki nhìn tôi. Cậu ta hơi nghiêng đầu, giống hệt chú cún con. “Cậu muốn tham gia không?”
 
“T… Tại sao tớ phải tham gia?”
 
“À thì…”
 
“Đúng là tớ có thấy đôi chút thú vị, nhưng không rõ nữa. Tớ chẳng giỏi vẽ vời.”
 
“Thật ra cậu không cần phải vẽ đẹp,” Mochizuki nói bằng giọng cực kỳ nghiêm túc. “Cậu cứ vẽ theo những gì con mắt của trái tim mình nhìn thấy. Đó là điều khiến việc vẽ tranh rất vui.”
 
“Trái tim có mắt thật sao?”
 
“Ừ.”
 
“Bức tranh này cũng vẽ như thế à?”
 
Tôi lại nhìn vào “tiếng hét trong quả chanh”, và Mochizuki gật đầu vô tư, “Tất nhiên,” lại còn lấy ngón tay xoa xoa dưới mũi.
 
Tôi đoán cậu ta chỉ sợ tiếp xúc với người lạ. Dù sao khi đã nói chuyện, cậu nhóc này cũng khá là thú vị. Cách nghĩ đó khiến tôi thoải mái hơn, nhưng đồng thời…
 
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi khi nhắc đến Câu lạc bộ Mỹ thuật. Giờ Thể dục, lúc nói chuyện trên sân thượng Khu C, Misaki Mei có mang theo quyển ký họa. Có khi nào cô cũng ở Câu lạc bộ Mỹ thuật?
 
Phòng tranh Khu o rộng gấp đôi phòng học bình thường. Cách bài trí và thiết bị trong phòng đã cũ, hơn nữa ánh sáng không đủ, gây ra cảm giác u ám, may nhờ trần nhà cao nên mới không bức bối, nhưng vô tình nó lại khiến ta thấy trống trải.
 
Mắt tôi đảo quanh căn phòng lạ lẫm. Tuy nhiên… Tôi chẳng thấy Misaki Mei đâu cả.
 
Nhưng sáng nay Mei có đến lớp. Tôi không khỏi nghi hoặc.
 
Tuy trao đổi không lâu, nhưng tôi đã bắt gặp Mei lúc nghỉ giữa giờ. Tôi có nhắc chuyện cô về nhà một mình giữa cơn mưa, cùng vài chuyện vụn vặt khác.
 
“Tôi không ghét mưa.” Cô nói. “Tôi thích nhất là mưa lạnh giữa đông. Ngay trước lúc tuyết rơi.”
 
Dù tôi định sẽ gặp và nói chuyện tiếp vào bữa trưa, nhưng cũng như hôm qua, lúc tôi để ý tìm thì Mei đã bốc hơi khỏi phòng học. Tiết thứ năm bắt đầu mà cô cũng không quay lại.
 
“Này, Sakakibara.”
 
Giờ thì Mochizuki là người bắt chuyện. Tôi đành ngừng nghĩ đến Mei. “Sao cơ?”
 
“Cậu thấy cô Mikami thế nào?”
 
“Cậu hỏi đột xuất thế thì tớ cũng không biết trả lời ra sao.”
 
“À, không sao. Tớ hiểu…” Mochizuki gật đầu lẩm bẩm, hai má lại đỏ ửng lên.
 
Anh chàng lại có vấn đề gì đây? Tôi tự hỏi, và thấy hơi hoảng trước phản ứng của cậu ta.
 
Chẳng lẽ cậu nhóc lại thích cô giáo Mỹ thuật? Sao có thể được? Cô Mikami phải hơn cậu đến chục tuổi đấy, nhóc.
 
 
 
2
 
 
 
“Munch đã vẽ tất cả bốn bản Tiếng hét.”
 
“Tớ có nghe qua.”
 
“Tớ thích bản ở Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Oslo. Cảnh bầu trời đỏ trông rất đáng sợ. Tưởng chừng máu sẽ trào ra bất cứ lúc nào.”
 
“Hử! Nhưng không phải càng nhìn sẽ càng sợ ư? Nó sẽ khiến cậu thấy bất an ấy? Thế mà cậu vẫn thích à?”
 
Có thể nói bức tranh khá dễ hiểu. Tác động trực quan rất mạnh mẽ, những chi tiết phụ bị mờ đi và nhiều điểm châm biếm tức cười ở khắp nơi. Có lẽ vì thế mà bức tranh được ưa chuộng. Nhưng có vẻ như cái “thích” mà Mochizuki đang đề cập không giống như vậy.
 
“Bất an… Chắc là có. Cứ nhìn vào bức tranh là tớ lại thấy bất an, và tớ cũng không trốn tránh được cảm giác đó. Vậy nên tớ thích.”
 
“Cậu thích vì nó làm cậu bất an?”
 
“Dù vờ như không nhận ra thì nỗi bất an vẫn tồn tại. Cậu cũng thế phải không, Sakakibara? Tớ nghĩ mọi người đều thấy vậy.”
 
“Ngay cả quả chanh và củ hành?”
 
Tôi chỉ nói đùa, nhưng Mochizuki cười bẽn lẽn, “Vẽ tranh là cách phản chiếu óc tưởng tượng.”
 
“Tất nhiên, nhưng coi nào…”
 
Sau giờ Mỹ thuật, rốt cuộc tôi đã kết thân và đi cùng Mochizuki Yuya. Trong lúc trò chuyện, chúng tôi bước qua dãy hành lang tăm tối ở Khu o.
 
“Này, Sakaki!”
 
Có người vỗ lên vai tôi. Chưa quay lại tôi đã biết đó là Teshigawara. Hôm nay cậu ta bắt đầu lược bớt tên tôi thành Sakaki, “Hai cậu thầm thì gì về cô Mikami đấy à? Tớ muốn tham gia.”
 
“Rất tiếc phải báo với cậu là bọn này đang bàn chuyện u ám hơn nhiều,” tôi trả lời.
 
“Là gì? Mấy cậu đang bàn gì?”
 
“Sự bất an bao trùm khắp thế giới.”
 
“H… H… Hở?”
 
“Cậu không thấy lo lắng sao, Teshigawara?” Tôi hỏi, dù nghĩ rằng cậu này làm quái gì có những cảm xúc đó. Nói thế nào thì tôi cũng bắt đầu trò chuyện tự nhiên với cậu ta.
 
Anh chàng tóc nhuộm nâu lại khiến tôi bất ngờ khi trả lời, “Đương nhiên là có!” Cậu ta gật đầu thật mạnh mà chẳng biết có nổi mấy phần nghiêm túc, rồi nói, “Vì rốt cuộc năm nay lên lớp, tớ lại vướng vào cái ‘lời nguyền ở lớp 9-3’ mới chết!”
 
“Hở?”
 
Tôi không khỏi buột miệng. Đồng thời, tôi cũng nhận ra phản ứng của Mochizuki. Nét mặt cậu ta rầu rĩ, chỉ trầm mặc cúi nhìn dưới chân, thoạt trông rất căng thẳng. Trong một lúc, bầu không khí như đông cứng lại. Đó là điều tôi cảm nhận được.
 
“Vậy… Sakaki nè,” Teshigawara nói tiếp. “Hôm qua tớ đã định nói với cậu…”
 
“Đợi chút, Teshigawara.” Mochizuki ngắt lời.
 
“Làm thế lúc này không ổn.” Làm thế? Làm gì cơ? Tại sao lại không?
 
“Cứ cho là thế, nhưng…”
 
Lần này Teshigawara lại ngập ngừng. Chẳng hiểu chuyện gì, tôi la lên, “Hai cậu nói cái quái gì vậy?” rồi đột nhiên giật mình.
 
Chúng tôi đang đi trên hành lang Khu o, ngay trước thư viện phụ. Ít ai dùng đến thư viện cũ này, nhưng cánh cửa kéo đang mở ra vài phân. Qua khe hở, tôi nhìn vào bên trong và trông thấy…
 
… Cô ấy.
 
Misaki Mei.
 
“Chuyện gì vậy?” Teshigawara ngạc nhiên hỏi.
 
“Đợi tớ chút,” tôi đáp lấy lệ rồi kéo cánh cửa thư viện. Mei quay sang nhìn chúng tôi. Cô ngồi bên một cái bàn lớn trong căn phòng trống. Dù tôi vẫy tay chào, Mei chẳng hề phản ứng mà vẫn hướng mắt về chỗ cũ.
 
“N… Này Sakaki. Cậu không…”
 
“S… Sakakibara? Cậu làm gì…?”
 
Chẳng màng đến lời hai cậu bạn, tôi bước vào trong.
 
 
 
3
 
 
 
Giá sách chật kín cao đến tận trần nhà bao quanh mọi góc tường. Như thế chắc vẫn chưa đủ, vì còn hàng loạt kệ sách san sát nhau choán hơn nửa diện tích căn phòng.
 
Phòng này rộng xấp xỉ phòng Mỹ thuật, nhưng cách bài trí hoàn toàn khác. Không hề có cảm giác trống trải ở đây. Sức nặng của những quyển sách từng trải bao năm tháng gây nên cảm giác bức bối. Nó cũng tăm tối hơn phòng Mỹ thuật, khiến người ta cảm thấy u ám, nhìn quanh thì thấy mấy bóng đèn đã hỏng.
 
Chỉ có một cái bàn dài dùng đọc sách, nơi Mei đang ngồi. Vây quanh nó là chưa đến chục chiếc ghế. Một cái quầy nhỏ nằm lọt thỏm giữa những kệ sách ở góc cuối bên trái. Dù hiện tại không thấy ai, tôi vẫn đoán ra đó là chỗ người thử thư thường ngồi.
 
Giữa không gian đượm mùi sách cũ, nơi thời gian dường như ngừng lại…
 
Misaki Mei chỉ có một mình.
 
Ngay cả khi tôi đến gần, cô cũng không để tâm. Để mở trên bàn trước mặt Mei không phải sách, mà là quyển sổ ký họa cỡ B5.
 
Phải chăng… cô trốn tiết Mỹ thuật để đến đây vẽ một mình?
 
“Cậu nghĩ là nên đến đây sao?” Mei cất lời, vẫn không rời mắt.
 
“Sao lại không chứ?” Tôi đáp trả.
 
“Hai cậu kia không ngăn cậu lại?”
 
“Hình như vậy.”
 
Cách mọi người trong lớp xử sự khi có chuyện liên quan tới Mei thật lạ. Nhưng tôi bắt đầu mơ hồ cảm nhận được.
 
“Cậu đang vẽ gì thế?” Tôi hỏi, mắt nhìn xuống quyển sổ.
 
Bức ký họa một cô gái xinh đẹp bằng chì. Không phải kiểu vẽ theo phong cách anime hay manga. Là một kiểu vẽ thật hơn, tự nhiên hơn. Dáng người cô gái khá nhỏ, khó phân biệt giới tính. Tay chân mảnh dẻ. Mái tóc dài. Mắt, mũi, miệng vẫn chưa được vẽ, nhưng trông thế nào cũng ra hình ảnh một cô gái xinh đẹp.
 
“Đây là búp bê?”
 
Tôi có lý do để hỏi thế. Vì nơi vai, khuỷu tay hay chân, ngang hông, đầu gối và mắt cá chân… đều có các khớp nối. Có thể thấy ở bức họa một đặc điểm thường thấy của búp bê: những khớp nối hình cầu.
 
Không trả lời, Mei hờ hững ngả cây bút đang cầm trên tay xuống bản vẽ.
 
“Cậu vẽ dựa trên người thật? Hay toàn tự nghĩ ra?”
 
Tôi hỏi dồn dù tin chắc là sẽ bị ném cho câu nói Tôi không thích bị tra hỏi. Cuối cùng Mei cũng quay sang.
 
“Không biết nói thế nào. Chắc là cả hai.”
 
“Cả hai?”
 
“Sau cùng tôi sẽ cho cô ấy cặp cánh thật to.”
 
“Cánh… Vậy đây là một thiên thần?”
 
“Không biết. Có thể.”
 
Có thể là một ác quỷ, lời khẳng định đó như chực nhảy xổ ra, khiến tôi phải nín thở mất một nhịp. Nhưng Mei không nói tiếp, chỉ nở một nụ cười.
 
“Mắt cậu bị sao vậy?” Tôi đổi chủ đề sang điều mà mình vẫn luôn thắc mắc. “Lúc gặp ở bệnh viện đã thấy cậu đeo băng mắt. Cậu bị thương à?”
 
“Cậu muốn biết ư?”
 
Mei hơi nghiêng đầu, mắt phải khẽ nheo lại. Bối rối, tôi đáp, “À, cậu không nói cũng không sao…”
 
“Vậy tôi sẽ không nói.”
 
Đúng lúc ấy một tiếng chuông rè rè vang lên từ góc phòng. Dường như họ vẫn dùng dàn loa cũ chưa được sửa chữa. Có lẽ là tiếng chuông báo đã vào tiết cuối. Mei không tỏ ý định rời khỏi ghế, có lẽ cô lại định trốn nốt tiết cuối.
 
Tôi nên bỏ đi, hay kéo cô về lớp? Thật khó quyết định.
 
“Em về lớp đi.” Chợt có giọng nói cất lên.
 
Giọng một người đàn ông tôi chưa từng biết. Dù hơi khàn, nhưng trầm ấm dễ nghe.
 
Giật mình, tôi nhìn quanh và nhận ra nó từ đâu tới.
 
Phía sau cái quầy ở góc phòng, nơi ban nãy chẳng thấy ai, xuất hiện một người đàn ông mặc đồ đen sẫm.
 
“Tôi chưa thấy em bao giờ,” người đó nói tiếp. Ông đeo kính có gọng kiểu cổ, mái tóc bù xù đã lốm đốm muối tiêu.
 
“A, em là Sakakibara lớp 9-3. Em vừa chuyển trường đến hôm qua, và…”
 
“Tôi là Chibiki, thủ thư.” Ông chăm chú nhìn thẳng về phía tôi, chỉ nhìn về phía tôi, rồi nói. “Em có thể đến đây lúc nào cũng được, nhưng giờ mau đi đi.”
 
 
 
4
 
 
 
Tiết thứ sáu, giờ sinh hoạt chung duy nhất trong tuần. Nó cũng dài như buổi sinh hoạt lớp ở cấp tiểu học, có giáo viên chủ nhiệm giám sát nên chẳng thể nào tự do chuyện trò sôi nổi được. Trường công và trường tư hóa ra cũng có điểm này là giống nhau.
 
Do không có gì cần trình bày, lớp được ra về sớm.
 
Trong suốt thời gian ấy, Misaki Mei vẫn không quay về phòng học. Nhưng không một ai đặc biệt chú ý đến chuyện đó, kể cả thầy Kubodera và cô Mikami.
 
Hôm nay bà ngoại lại tới đón. Dù tôi nói không cần phiền bà nữa, nhưng bà không chịu, “Tuần này nhất định phải thế.” Bà đã nói vậy, tôi đâu thể mạnh miệng phản đối. Nói thật lòng, tôi muốn nán lại trường một chút để đi tìm Mei, nhưng đành bỏ cuộc. Nhóm Teshigawara rủ cùng về nhưng tôi từ chối, chạy ra leo lên chiếc xe vừa tới.
 
 
 
5
 
 
 
Sau bữa tối, tôi bắt lấy cơ hội trao đổi đôi chút trước khi dì Reiko về phòng riêng.
 
Dù có rất nhiều điều muốn hỏi, nhưng đến lúc trực tiếp nói chuyện tôi lại thấy căng thẳng như mọi lần. Rốt cuộc thì cả hai lạc sang những chủ đề lan man chẳng hề đúng với ý định ban đầu của tôi.
 
Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, tôi chuyển hướng bằng cách hỏi về thư viện phụ ở Khu o, “Cái thư viện ấy có từ lâu rồi phải không ạ?”
 
“Ừ, tất nhiên. Hồi dì đi học nó đã ở đó, và chắc thời chị Ritsuko học cũng đã có rồi…”
 
“Hồi ấy nó đã là ‘thư viện phụ’ chưa ạ?”
 
“Chưa, bấy giờ thì vẫn chưa. Chỉ khi trường xây mới và có hẳn thư viện riêng, nó mới thành ‘phụ’.”
 
“Ra là vậy.”
 
Dì Reiko tì khuỷu tay lên bàn, chống cằm, xong lại đổi tay để hớp một ngụm bia và thở dài. Dù không để lộ ra, hẳn cuộc sống thường ngày của một người trưởng thành đã khiến dì mệt mỏi.
 
“Dì biết ông thủ thư ở thư viện phụ không ạ? Hôm nay cháu vừa gặp ông. Có điều gì đó tạo ra cảm giác rằng ông là chủ nhân căn phòng… Nên cháu nghĩ ông ấy phải ở thư viện phụ từ rất lâu rồi.”
 
“Thầy Chibiki á?”
 
“Đúng rồi, chính là cái tên ấy.”
 
“Cháu đoán đúng. Ở thầy quả là toát ra cảm giác ‘chủ nhân’ của thư viện. Từ thời dì học thấy thầy rồi. Lúc nào cũng làm mặt lạnh, lại còn mặc toàn đồ đen trông rất bí ẩn. Hầu hết đám con gái sợ thầy phát khiếp.”
 
“Chắc rồi.”
 
“Thầy nói gì khi gặp cháu?”
 
“Không, không có gì đặc biệt.”
 
Khẽ lắc đầu, tôi nhớ lại khung cảnh lúc ấy. Ông chỉ bảo tôi ra khỏi thư viện. Vậy còn Mei? Cô ấy có ở lại và tiếp tục vẽ? Hay là…
 
“À nè, Koichi…” Dì Reiko nói, tay vẫn cầm cốc bia. “Có định tham gia câu lạc bộ gì không?”
 
“Ồ… Đúng rồi. Cháu vẫn chưa chọn được.”
 
“Hồi ở trường cũ cháu làm gì?”
 
Tôi thành thật trả lời, “Câu lạc bộ ẩm thực ạ.”
 
Tôi gia nhập một phần vì muốn châm chọc ông bố tối ngày ném hết việc nhà cho con. Cũng nhờ đó mà tài nấu nướng của tôi tăng lên những vài bậc, thế nhưng bố lại chẳng thèm chú ý.
 
“Dì không nghĩ trường Bắc Yomi có câu lạc bộ nào như vậy,” Dì Reiko đáp, hai mắt nheo lại như tức cười.
 
“Dù sao cũng chỉ có một năm, cháu đâu cần phải vào câu lạc bộ. Mà hôm nay có người rủ cháu gia nhập Câu lạc bộ Mỹ thuật đấy.”
 
“Thật sao?”
 
“Nhưng cháu không chắc lắm…”
 
“Chuyện này phụ thuộc vào lựa chọn của cháu thôi.”
 
Uống cạn cốc bia, dì Reiko chống cùi chỏ lên bàn và ấp cả hai tay lên má. Dì nhìn tôi rồi hỏi, “Cháu có thích vẽ không?”
 
“Nói là thích thì chưa đến mức. Chỉ là cháu thấy hứng thú…”
 
Dì nhìn như xoáy vào tôi. Tôi bất giác cúi đầu, nhưng vẫn trả lời thành thật về những cảm xúc đang cuộn lên trong mình, “Nhưng cháu vẽ không giỏi. Nói đúng hơn là cực tệ.”
 
“Ừ… ừm.”
 
“Tuy nhiên… À đây là bí mật nhé? Cháu chưa nói với ai đâu. Thật ra cháu định sẽ thi vào Đại học Mỹ thuật.”
 
“Oa, thật sao? Dì cũng mới biết đấy.”
 
“Cháu muốn học tạo hình hoặc điêu khắc gì đó.”
 
Ly của tôi là nước rau củ do chính tay bà ngoại pha. Gắng chịu đựng mùi cần tây (món tôi ngán nhất) lẫn bên trong, tôi chỉ dám hớp từng chút một.
 
“Dì thấy thế nào? Chắc là ngốc nghếch lắm.”
 
Tôi hạ quyết tâm hỏi, còn dì Reiko chỉ “Ừm, ừm” rồi khoanh tay trước ngực. Cuối cùng dì bảo, “Lời khuyên nè. Thứ nhất, theo kinh nghiệm của dì, cha mẹ thường sẽ không ủng hộ con mình thi vào Đại học Mỹ thuật hay các trường về nghệ thuật đâu.”
 
“Quả có thế.”
 
“Dì không đoán được phản ứng của bố cháu, có khi ông còn mắng cho mạt kiếp ấy chứ.”
 
“Cháu không chắc, nhưng có thể.”
 
“Thứ hai,” dì tiếp tục. “Ngay cả khi vào được trường, cháu sẽ có cực ít khả năng xin được việc sau khi tốt nghiệp. Tất nhiên còn tùy thuộc vào tài năng, nhưng điều quan trọng nhất là phải may mắn, dì nghĩ thế.”
 
Ra vậy. Cũng là sự thật thôi…
 
“Điều thứ ba.”
 
Được rồi mà… Tôi đã định sẽ từ bỏ. Nhưng nhìn vào đôi mắt hiền hòa của dì, lời khuyên cuối rốt cuộc lại đem đến một tia hy vọng.
 
“Dù sao, nếu cháu thực sự muốn vậy thì chẳng có lý do gì phải chùn bước. Nói thế nào nhỉ? Chưa thử sức mà đã đầu hàng thì thật kém cỏi.”
 
“Kém cỏi ạ?”
 
“Ừ. Điều này rất quan trọng đấy, không phải sao? Mạnh mẽ hay kém cỏi.” Dì Reiko đưa tay xoa đôi má đã ưng ửng vì hơi men. “Tất nhiên, mấu chốt là cháu tự thấy mình mạnh mẽ hay kém cỏi.”
 
 
 
6
 
 
Hôm sau, thứ Sáu ngày 8 tháng Năm, cả buổi sáng tôi không thấy Misaki Mei đâu. Cô bị ốm chăng? Nhưng theo tôi thấy, hôm qua Mei vẫn ổn. Có khi nào…? Tôi chợt nhớ ra một chuyện.
 
Hôm thứ Tư, sau cuộc nói chuyện của chúng tôi trên sân thượng…
 
Nếu bạn ở trên sân thượng và nghe tiếng quạ kêu, khi đi xuống hãy bước chân trái vào trước.
 
Đây là quy tắc cơ bản đầu tiên ở Bắc Yomi mà dì Reiko dạy tôi. Nếu không nghe theo và bước bằng chân phải, trong một tháng tiếp theo có thể bị thương. Mei nghe thấy tiếng quạ kêu, vậy mà lại cất bước bằng chân phải? Lẽ nào cô bị thương vì chuyện đó? Không thể đâu.
 
Ngẫm lại, ngay việc tôi nửa tin nửa ngờ rồi lo lắng cũng thật nực cười.
 
Không thể nào, tôi nghĩ. Chắc chắn không thể. Vậy mà cuối cùng tôi đã chẳng dám hỏi ai vì sao Mei vắng mặt.
 
 
7
 
 
Ở trường K*** không có chuyện này, nhưng trong khối trường công thì ngày thứ Bảy của tuần thứ hai và thứ tư trong tháng là ngày nghỉ. Một số trường sẽ sắp xếp cho “hoạt động ngoại khóa” ngoài trường vào hai ngày ấy, nhưng trường Bắc Yomi không theo quy định như thế. Học sinh được toàn quyền quyết định mình sẽ làm gì trong những ngày nghỉ tăng thêm.
 
Thế nên thứ Bảy ngày mùng 9 tôi không phải đi học. Đáng lẽ cũng chẳng cần thức dậy sớm, tuy vậy sáng hôm ấy tôi phải đến bệnh viện Yumigaoka vì có hẹn kiểm tra sức khỏe.
 
Hiển nhiên bà ngoại vẫn muốn đưa đón tôi, nhưng gần đến giờ bà đã phải ở lại. Ông ngoại Ryohei bỗng lên cơn sốt và phải nằm một chỗ.
 
Tuy không có gì nghiêm trọng, nhưng ông ngoại bình thường đã đủ khiến cả nhà lo nghĩ rồi, huống hồ lúc này, không thể bỏ mặc ông như vậy được. Tôi nói với bà, “Bà đừng lo, cháu đi một mình cũng được.”
 
“Vậy à? Xin lỗi cháu.” Đúng như tôi nghĩ, lần này bà ngoại không nài ép nữa. “Cẩn thận về thẳng nhà nhé. Nếu thấy không khỏe cứ gọi taxi mà về.”
 
“Dạ, cháu hiểu rồi.”
 
“Đừng cố quá.”
 
“Vâng.”
 
“Cháu mang đủ tiền chưa?”
 
“Rồi bà ạ, đây này.”
 
Cuộc hỏi đáp cứ thế diễn ra tới tận hành lang tầng trệt, con chim Rei nghe được và hét lên inh ỏi, “Tại sao? Tại sao?” như hào hứng giục tôi đi khỏi. “Tại sao? Vui lên! Vui lên!”
 
 
8
 
 
Sau một hồi săm soi chỗ ảnh chụp X-quang dàn hàng trước mặt, bác sĩ điều trị tuổi ngoại tứ tuần gật gù một lúc, cuối cùng cũng nhẹ nhàng đưa ra kết luận. “Mọi thứ trông rất tốt. Không có vấn đề gì cả. Nhưng không được vận động quá sức đâu nhé. Để xem, nếu một hoặc hai tuần sau kiểm tra mà không có gì phát sinh, có thể cháu sẽ được tham gia giờ Thể dục ở trường.”
 
“Cảm ơn bác sĩ.” Tôi ngoan ngoãn cúi đầu, nhưng thâm tâm vẫn thấy hơi lo. Mùa thu năm ngoái tôi cũng được kiểm tra sớm sau xuất viện và đạt kết quả tốt, ấy vậy mà…
 
Tất nhiên là dù có lo lắng thế nào, mọi thứ cũng chẳng thể thay đổi. “Nếu bệnh này là di truyền thì con cũng sẽ khỏi thôi.” Có lẽ tôi nên tin vào nhận định lạc quan của người đi trước vậy.
 
Khu ngoại trú ở bệnh viện công Yumigaoka bao giờ cũng đông nghẹt người. Khi tôi kiểm tra xong và hoàn tất thủ tục viện phí thì cũng đã quá giờ cơm trưa. Cơ thể tôi giờ cũng có thể coi là trở về đúng sinh hoạt của một cậu bé mười lăm tuổi khỏe mạnh nên bụng tôi bắt đầu thấy đói. Tôi quyết định sẽ tìm một cửa hàng bánh hamburger hay bánh donut trên đường về, chứ không vào nhà ăn ở đây. Tôi rời khỏi bệnh viện và đang trên đường ra bến xe buýt thì bắt đầu suy nghĩ lại.
 
Đã hơn mười ngày tôi không tới bệnh viện, và thật may rằng bà ngoại không đi cùng, vì chắc bà sẽ giận lắm nếu biết chuyện. Tôi vốn cũng không có việc gì khác để làm, sao không tự do thoải mái tìm hiểu đôi chút nhỉ? Việc này so với đói bụng không phải còn quan trọng hơn ư? Phải rồi.
 
Tôi quay vào bệnh viện và tìm đến nơi đã giam cầm cuộc sống của mình cuối tháng trước: khu nội trú.
 
“Ái chà? Lại bị sao à, Anh Chàng Kinh Dị?”
 
Đi thang máy lên tầng bốn, đang theo hành lang tới quầy y tá thì tôi gặp người quen. Tôi ấn tượng về chị bởi cặp mắt to đùng chẳng hề ăn nhập với khuôn mặt gầy và dáng người mảnh khảnh… Chị Mizuno Sanae. Chị kể là mới chính thức làm y tá năm ngoái. Dù tuổi nghề không cao, chị lại là người tôi tiếp xúc nhiều nhất trong số các nhân sự ở bệnh viện.
 
“Ồ, chào chị.”
 
Cứ đi ắt sẽ có đường. Dù thực tế không vĩ đại như câu ngạn ngữ này, cuộc gặp tình cờ hôm nay đúng là thứ tôi cần.
 
“Chuyện gì vậy? Sakakibara… Koichi, đúng không? Ngực em lại có vấn đề sao?”
 
“Không, không, em ổn ạ.” Tôi vội lắc đầu, “Hôm nay em đến kiểm tra. Bác sĩ bảo không việc gì.”
 
“Ồ. Thế tại sao em lại đến khu này?”
 
“Bởi vì, em muốn gặp chị.”
 
Tôi chợt nhận ra sắc thái câu nói không hợp với mình lắm, nhưng chị Mizuno đã ngay lập tức đón nhận lời đùa với vẻ mừng vui của mấy bà cô khi được tán tỉnh, “Ôi chao! Vui quá ta! Chị đang lo em sẽ cô đơn nếu không tìm được bạn tâm đầu ý hợp ở trường mới. Rốt cuộc có chuyện gì vậy?”
 
“Ừm… Thật ra thì em có chuyện cần hỏi.”
 
Xúc tác khiến chúng tôi trở nên thân thiết chính là quyển tiểu thuyết của Stephen King tôi đọc khi nhập viện. Vừa liếc thấy, chị Mizuno đã chăm chăm nhìn nó.
 
“Em chỉ đọc loại truyện này thôi à?” Chị ấy hỏi.
 
“Chỉ loại này thì không hẳn.”
 
Biểu hiện của chị như vừa trông thấy ma, nên tôi định vờ lạnh lùng đáp lại, nhưng…
 
“Thế em còn đọc gì nữa?”
 
Tôi đành trả lời, “Ừm… truyện của Koontz(1).”

Chị Mizuno liền phì cười và khoanh tay trước ngực như một ông chú nào đó đang nhìn để không cười phá lên. Thế là từ lúc ấy, chị đặt cho tôi biệt hiệu “Anh Chàng Kinh Dị”.
 
“Người bệnh thường sẽ không đọc những thứ như vậy.”
 
“Em là thứ quý hiếm vậy à?”
 
“Điều con người muốn tránh né nhất, suy đến cùng vẫn là đau đớn và sợ hãi, đúng không? Và khi ốm đau, người ta lại càng e sợ hai thứ đó.”
 
“Chắc là thế. Nhưng đây chỉ là truyện hư cấu, nên…”
 
“Đúng đúng. Em hoàn toàn đúng. Ấn tượng lắm, Anh Chàng Kinh Dị.”
 
Không lâu sau tôi đã biết chị Mizuno cũng yêu thích “những thứ như vậy”. Bất kể là Á Đông hay Tây phương, cổ điển hay tân thời, chị đều đọc hết xem hết. Chắc chị đã thấy lẻ loi vì không tìm được “bạn kinh dị tâm giao” ở nơi làm việc. Trong thời gian tôi nằm viện, chị luôn đến và đề xuất những tác phẩm tôi chưa đọc, như truyện của John Saul hay Michael Slade.
 
Vào thẳng chủ đề thôi. Tôi nói, “Em muốn hỏi một chuyện,” tự hứa là sẽ dành dịp khác cùng chị chia sẻ sở thích. “Vào ngày 27 tháng Tư, tức thứ Hai tuần trước, có cô bé nào mất tại bệnh viện không chị?”
 
 
9
 
 
“Ngày 27 tháng Tư?”
 
Đương nhiên chị sẽ thấy lạ. Chị Mizuno chớp chớp đôi mắt to lúng liếng. “Thứ Hai tuần trước hử? Khi đó em vẫn ở đây, đúng không?”
 
“Vâng. Là ngày em được tháo ống hút khí.”
 
“Sao tự dưng hỏi lạ vậy?”
 
Chị hỏi thế cũng là lẽ tự nhiên thôi. Nhưng tôi không chắc sẽ giải thích được mà không tạo thêm phiền toái. Vì vậy tôi chỉ trả lời úp mở, “Chỉ là… có vài việc em thấy khó hiểu.”
 
Khoảng trưa thứ Hai hôm đó, tình cờ tôi gặp Misaki Mei lần đầu, ở thang máy. Cô đi xuống tầng hầm thứ hai, nơi không có phòng bệnh hay khu thăm khám. Ở đấy chỉ có nhà kho, phòng máy và một nhà xác.
 
… Nhà xác.
 
Sự đặc thù của nơi này làm tôi day dứt mãi. Vì thế, dựa trên những liên tưởng của mình, tôi đã đi hỏi chị Mizuno.
 
Giả sử hôm ấy Misaki Mei thực sự đến nhà xác… Thường thì người ta sẽ không tự dưng đến nhà xác. Theo logic mà nói, hẳn có ai đó vừa chết trong bệnh viện và được đưa xuống. Đây là giải thích khả dĩ nhất.
 
Thế tại sao tôi lại nghĩ người chết là một cô gái?
 
Việc này cũng khá trên liên tưởng mơ hồ từ câu nói của Mei (một nửa con người đáng thương của tôi).
 
“Nghe có vẻ phức tạp nhỉ.” Chị Mizuno phồng má, liếc mắt nhìn tôi. “Chị sẽ không bắt em kể rõ, nhưng… để coi nào…”
 
“Chị nhớ ra gì sao?”
 
“Ít nhất trong số bệnh nhân chị phụ trách không có ai qua đời. Nhưng nếu tính cả bệnh viện thì chị không rõ.”
 
“À, còn một chuyện nữa…” Tôi đổi câu hỏi. “Hôm ấy chị có thấy cô bé nào mặc đồng phục học sinh ở khu nội trú không?”
 
“H… H… Hở? Lại một cô bé khác á?”
 
“Đồng phục trung học cơ sở. Áo khoác xanh biển, tóc ngắn và đeo băng gạc bên mắt trái.”
 
“Gạc băng mắt?” Chị Mizuno thắc mắc. “Một bệnh nhân khoa mắt? À, khoan. Đợi chị chút.”
 
“Chị có thấy thật sao?”
 
“Không. Về chuyện hôm ấy có cô bé nào mất.”
 
“Sao ạ?”
 
“Để xem nào…” Chị vừa lẩm bẩm vừa liên tục gõ ngón giữa lên trán. “Chắc đã có một trường hợp như vậy.”
 
“Thật sao ạ?”
 
“Có lẽ, nhưng chị chỉ được nghe kể lại.”
 
Chị Mizuno kéo tôi đến một phòng chờ vắng vẻ thay vì tiếp tục câu chuyện tại hành lang có nhiều bệnh nhân, người thân và bác sĩ qua lại. Chắc chị nghĩ bọn tôi đứng tán gẫu ở hành lang sẽ không tiện.
 
“Chị không chắc lắm, nhưng nếu vào thứ Hai tuần trước thì rất có thể.” Chị nhẹ nhàng tiếp tục. “Hình như là một cô bé. Chị nhớ là có nghe nói về một bệnh nhân trẻ vừa nhập viện thì đột ngột qua đời.”
 
“Chị biết tên người đó không?” Tim tôi đập nhanh hơn tôi tưởng. Cùng lúc, không hiểu sao, một cơn ớn lạnh chạy khắp cơ thể tôi. “Em cần những thông tin chi tiết như tên bệnh nhân, căn bệnh mắc phải…”
 
Ngập ngừng một lúc, chị Mizuno dáo dác nhìn quanh rồi nói, giọng lại càng nhỏ hơn. “Thử xem chị tìm được gì nhé?”
 
“Liệu có phiền không?”
 
“Nếu chỉ hỏi thăm chắc là không khó đâu. Em có di động chứ gì?”
 
“À, có ạ.”
 
“Cho chị số đi.” Chị Mizuno mau mắn chỉ đạo, đồng thời lấy điện thoại trong túi áo trắng. “Nếu tìm được gì thì chị sẽ gọi.”
 
“Thật ạ? Mà chị làm vậy không sao chứ?”
 
“Cứ xem như chị đang giúp một cậu bạn tâm giao đi. Em phải đến tận đây để hỏi thì hẳn là có lý do thỏa đáng,” bà chị y tá thích tiểu thuyết kinh dị đáp, cặp mắt lúng liếng như bỡn cợt. “Bù lại, em sẽ phải kể hết cho chị nghe. Biết chưa, Anh Chàng Kinh Dị?”
 
 
10
 
 
“Đôi mắt xanh trống rỗng. Dưới ánh chiều tà của Yomi”. Tôi thấy cái biển kỳ quặc này trên đường từ Yumigaoka về nhà, trước khi ráng chiều buông xuống ở thị trấn Yomiyama.
 
Xuống xe buýt ở một nơi nằm khoảng giữa bệnh viện và nhà ông bà ngoại (tôi chỉ đoán thế dựa vào bản đồ trong trí nhớ) gọi là Akatsuki, tôi ăn tạm ở một quán thức ăn nhanh rồi dạo qua khu phố sá heo hút gần đó. Dù là trưa thứ Bảy, thị trấn gần như vắng bóng người. Đi loanh quanh, tôi chỉ thấy toàn những người lạ. Không ai nói chuyện với tôi, tôi chẳng bắt chuyện cùng ai, và cũng chẳng có gì đáng chú ý. Ra khỏi chốn phồn hoa, xa dần tuyến xe buýt rồi xuống một con dốc hẹp, tôi đi qua một khu phố với những ngôi nhà to lớn sang trọng liền kề, và đi hết khu phố đó. Tôi phó mặc mình cho bước chân.
 
Bị lạc cũng không sao cả.
 
Tôi đã nghĩ vậy ngay từ lâu. Có lẽ, đây là sự kiện cường của một cậu nhóc sống tại Tokyo mười lăm năm mà không có mẹ.
 
Tôi chợt nhận ra hôm nay là tuần thứ ba từ khi tôi đến Yomiyama, và cũng là lần đầu tôi được thoải mái, thong dong tự tại trước cái nhìn của người khác. Trời tối mà chưa kịp quay về, hẳn ông bà ngoại sẽ rất lo, nhưng chắc lúc đó bà sẽ gọi cho tôi thôi.
 
Cuối cùng mình cũng được tự do!
 
Đây không phải điều mà tôi đang nghĩ. Thực sự thì tôi chỉ muốn được đi dạo một mình.
 
Mới quá 3 giờ chiều… thế mà tôi lại có cảm giác như thế giới này đã úa tàn. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy mưa sẽ đến, nhưng từng cụm mây đen vẫn cứ tích tụ trên đầu. Tôi chợt nghĩ chúng giống như hình ảnh phản chiếu của tâm hồn mình…
 
Chỉ một phút trước, tôi còn thấy tấm bảng trên cột điện ghi chữ “Misaki”, tên của khu phố.
 
Lại một “Misaki” nữa sao? Cách viết khác, nhưng… Tôi vừa nghĩ vừa đánh dấu cái tên vào tấm bản đồ tượng trưng trong đầu. Hẳn địa điểm hiện tại nằm ở (đại khái thôi) ngay giữa vùng tam giác tạo ra bởi bệnh viện, nhà ông bà và trường học.
 
Đúng lúc ấy.
 
Trên con đường vắt qua triền đồi thoai thoải… Dù có lác đác vài cửa hiệu, nhưng khu vực tôi đang đứng phải nói là hoang vắng, thế rồi… “Đôi mắt xanh trống rỗng. Dưới ánh chiều tà của Yomi” Mắt tôi dừng lại ở biển hiệu lạ viết bằng những dòng chữ màu kem trên một tấm bảng đen.
 
Nó ở cạnh một ngôi nhà bê tông ba tầng lạnh lẽo. Ngôi nhà tạo ra cảm giác rất khác biệt so với những hộ dân gần đó: giống kiểu tòa nhà nhiều chức năng, nhưng tầng hai và tầng ba có vẻ không được dùng làm văn phòng hay hàng quán.
 
Tấm biển chỉ hơi nhô ra gần cánh cửa chính. Bên ngoài còn có cầu thang riêng dẫn lên các tầng trên. Một cửa kính lớn hình ô van hướng ra mặt đường nằm cạnh lối ra vào. Là cửa sổ để trưng bày hàng hóa? Nếu vậy tại sao bên trong không thắp đèn, hơn nữa thiết kế của nó cũng sơ sài… như thể chưa từng được dùng đến.
 
Tôi bất giác dừng chân, nhìn tấm biển lần nữa, đọc nhẩm thành lời từng chữ viết trên đó.
 
“Đôi mắt xanh trống rỗng. Dưới ánh chiều tà của Yomi… vậy là sao?”
 
Bên dưới còn một tấm bảng trông như áp phích làm từ gỗ thô cũ.  Với những dòng sau được viết bay bướm. “Studio M. Mời vào”.
 
Đây là đâu? Một cửa hàng đồ cổ? Hay đại loại thế? Hoặc là…
 
Đột nhiên có cảm giác như ai đó đang nhìn mình chằm chằm. Nhưng khi ngó nghiêng xung quanh, tôi chẳng thấy có lấy một người trên phố.
 
Trời bắt đầu trĩu xuống, tối sầm, gây ra một thứ ảo giác rằng khu phố Misaki này chìm vào màn chiều sớm hơn những khu phố khác. Nửa sợ nửa ngờ, tôi bước đến chỗ cửa sổ hình ô van. Không gian sau lớp kính tối mù nên khó thấy rõ. Tôi đành tiến sát lại và ghé mặt lên cửa kính để nhìn vào trong.
 
“Oa!” Tôi thốt lên một tiếng, người cứng đờ. Một cơn ớn lạnh từ sau gáy truyền qua bả vai xuống tận hai tay.
 
Bên kia cửa sổ… Tôi nhìn thấy một vật thể dị thường, và cũng đẹp đến kỳ quặc. Một cái bàn tròn màu đen kê giữa nền nhà trải thảm đỏ thẫm. Mặt bàn đặt nửa thân trên của một phụ nữ với hai cánh tay đang trong tư thế nâng tấm mạng che mặt màu đen. Làn da trắng nhẵn bóng, gương mặt xinh xắn đến phát sợ… Một thiếu nữ. Mái tóc buông xuống ngực đen óng ánh. Đôi mắt lại thăm thẳm một màu xanh lá. Bộ váy đỏ cô đang mặc cũng chỉ đến eo, bị cắt ngang như cơ thể.
 
“Tuyệt thật.”
 
Một con búp bê gần bằng kích thước người thật, vô cùng lạ lẫm, và cũng hết sức xinh đẹp. Nhưng chỉ được trưng bày có nửa thân trên.
 
Đây là nơi nào? Thứ này là gì? Kinh ngạc, tôi lại nhìn tấm bảng hiệu cạnh cửa.
 
Đúng lúc ấy, túi áo tôi bỗng rung lên. Mới chốc lát mà ngoại đã thấy lo sao? Đã đoán được người gọi là ai, tôi khẽ thở dài và lấy di động ra xem. Nhưng trên màn hình hiện lên một số lạ.
 
“A lô?”
 
“Sakakibara?”
 
Tôi vừa nghe máy thì bên kia đã đáp lại.
 
Một giọng nữ. Tôi nhận ra người gọi ngay lập tức, đơn giản là vì mới nghe giọng nói này vài tiếng trước. Chị Mizuno, y tá ở bệnh viện. “Chị đã tìm được thông tin về chuyện lúc nãy.”
 
“Thật á? Nhanh quá!”
 
“Tại vừa gặp được một chị bà tám làm chung nên chị hỏi luôn. Chị ấy bảo nghe từ người khác nên thông tin không hoàn toàn chính xác. Dù sao kiếm cách kiểm tra hồ sơ bệnh án cũng khó. Thế này được không em?”
 
“Được chứ.” Tay tôi vô thức siết chặt điện thoại.
 
Người tôi bắt đầu run lên. “Chị nói đi.” Cả khi đang trả lời cuộc gọi, tôi cũng không thể rời mắt khỏi con búp bê sau tấm kính.
 
“Thứ Hai tuần trước, quả thật có một bệnh nhân qua đời,” chị Mizuno kể. “Nghe nói là một cô bé học trung học cơ sở.”
 
“Vậy ạ?”
 
“Cô bé được giải phẫu ở bệnh viện khác rồi chuyển về đây. Cuộc giải phẫu rất thành công, bệnh nhân hồi phục tốt, nhưng bỗng nhiên mọi chuyện xấu đi. Thậm chí các bác sĩ còn chẳng kịp làm gì. Bệnh nhân là con một, cha mẹ hẳn phải đau khổ lắm.”
 
“Bạn ấy tên gì?” Tôi hỏi, trong đầu loáng thoáng chắp ghép cụm từ “Đôi mắt xanh trống rỗng” với cặp mắt của cô gái bên trong cửa sổ đang nhìn mình từ bóng tối mập mờ. “Chị biết cô bé đó tên gì không?”
 
“À, ừm…” Giọng chị Mizuno rè rè. Tín hiệu lại yếu đi “Chị nghe từ bà tám kia, và chị ấy cũng không rõ lắm. Nhưng hình như là cái tên này…”
 
“Ừm.” “Misaki hay Masaki gì đó…”

Chú thích:
(1) Dean Koontz, nhà văn người Mỹ chuyên sáng tác thể loại mạo hiểm và kinh dị.