Chương 6: June I

Another

Đăng vào: 12 tháng trước

.

1

“Chắc cháu sẽ không phải lo gì nữa.” Ông bác sĩ trung niên đưa ra chẩn đoán với giọng bình thản như thường lệ. “Theo kết quả khám hôm nay, tình trạng của cháu đã ổn định. Cháu không thấy đau nữa, phải không?”

“Dạ.”

“Vậy thì có thể đến trường bình thường rồi.”

Ngay cả thông báo quả quyết của ông cũng chẳng khiến tôi hết lo lắng. Vẫn cảm thấy sầu não, tôi hít thở sâu vài lần trước mặt bác sĩ. Ừm, không còn biểu hiện tai quái trong ngực nữa. Một tuần nay thỉnh thoảng tôi cảm thấy khó thở kèm đau ngực, nhưng những triệu chứng này đã biến mất trong hai, ba ngày gần đây.

“Vậy còn tập thể thao ạ?”

“Vẫn không được vận động quá sức. Cứ theo dõi trong một tháng đã. Có thể hơn.”

“Dạ được.”

“Để chắc chắn, cuối tuần này hãy đến tái khám. Nếu không có gì thay đổi, chúng ta sẽ hẹn lại sau một tháng nữa.”

Tôi gật đầu rồi ngước lên nhìn quyển lịch treo ở phòng khám. Ngày hôm qua là ngày đầu tiên của tháng Sáu. Vậy cuối tuần này sẽ là mùng 6, thứ Bảy.

Giờ này tuần trước, ngày thứ hai của kỳ thi giữa kỳ, khi tôi chứng kiến cảnh tượng thảm khốc xảy ra với Sakuragi Yukari, cơn đau ngực lại ập đến mang theo những rắc rối với hai lá phổi. Điều này đúng như những gì tôi vẫn lo canh cánh trong lòng. Ngay ngày hôm sau tôi đến bệnh viện thành phố khám và nhận được lời chẩn đoán chẳng mấy vui là “Có dấu hiệu của tràn khí màng phổi cường độ thấp”. Tuy nhiên bác sĩ cũng nói thêm, “May mắn, chưa có dấu hiệu tái phát.”

“Dù có một lỗ rất nhỏ gây ra tràn khí cường độ thấp, nhưng màng phổi xung quanh đã khép lại. Nhờ vậy nên cháu vẫn khỏe mạnh và không còn hiện tượng thoát khí nữa.” Bác sĩ giải thích. “Cháu không phải điều trị đâu. Chỉ cần về nghỉ ngơi là được.”

Vậy là theo lệnh của bác sĩ…

Tôi đã không đến trường, và ở lì trong nhà cả tuần. Thế nên tôi chẳng biết tình hình trên lớp thế nào sau biến cố đó. Thông tin duy nhất tôi nhận được là mẹ của Sakuragi, người gặp tai nạn giao thông, cũng qua đời cùng ngày. Đám tang của hai mẹ con được tổ chức thầm lặng, chỉ mời họ hàng thân thuộc. Hiển nhiên cả việc bạn học không giấu được cơn sốc trước thảm họa đột ngột. Tất cả chỉ có thế.

Tôi không rõ Misaki Mei làm những gì sau hôm ấy. Đương nhiên là vẫn có cách tìm ra, nhưng tôi không muốn dùng cách này để giải quyết chuyện của Mei và cả những chuyện khác. Không hiểu sao cứ đến thời điểm mấu chốt, tôi bỗng thấy do dự và lại buông xuôi.

Vẫn chưa có danh sách lớp, vì vậy bạn học duy nhất mà tôi liên lạc để biết chuyện là Teshigawara, người đã cho tôi số điện thoại. Tuần trước tôi đã thử gọi vài lần, nhưng cậu ta không bắt máy. Có lẽ Teshigawara biết tôi gọi nên đã cố ý tránh mặt.

Bà ngoại nghe được tin về tai nạn, nhưng chỉ lặp đi lặp lại vài câu cảm thán “Đáng sợ quá!” hay “Tội nghiệp gia đình đó.” Có vẻ bà coi trọng việc chăm lo cho sức khỏe của cháu trai hơn. Còn ông ngoại chẳng rõ có hiểu gì không, nhưng cứ gật gù trước mọi lời bà nói. Dì Reiko rất quan tâm đến trạng thái tinh thần của tôi, nhưng không hề nhắc nhỏm đến vấn đề lúc trước chúng tôi từng trao đổi. Và tôi cũng không hỏi han thêm được gì. Con chim Rei thì vẫn la hét inh ỏi như mọi khi. Bố không gọi thêm lần nào, nên tôi chưa có dịp kể tin này cho bố.

Trong số người quen, thực sự vẫn còn một người tôi có thể trò chuyện thoải mái được. Lạ lùng thay đó lại là chị Mizuno ở bệnh viện. Chị đã gọi tôi vào buổi trưa, hai hôm sau cái chết của Sakuragi, và sau hôm tôi đến bệnh viện.

“Em ổn cả nhỉ? Phổi không bị gì chứ?” Chị vào thẳng vấn đề. “Dù sao em cũng đã tận mắt chứng kiến một tai nạn kinh khủng. Tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em.”

“Chị cũng biết chuyện sao?”

“Chị nghe em trai kể. Đứa em thứ hai của chị đang học cùng lớp em ở trường Bắc Yomi đấy, nó tham gia Câu lạc bộ Bóng rổ, tên là Mizuno Takeru.”

Thì ra đúng là cậu ta.

“Hôm qua em nghỉ học để đến bệnh viện, phải không?”

“Dạ.”

“Không đến mức phải nhập viện nhỉ?”

“Rất may là không. Bác sĩ bảo em đã tự kiểm soát được bệnh tình.”

“Khi nào thì em quay lại, bệnh viện ấy?”

“Sáng thứ Ba tuần sau ạ.”

“Vậy thì sau đó gặp nhau một lát nhé?”

“Dạ?”

Không để tôi phải hỏi lý do, chị Mizuno đã nói, “Có vài điều khiến chị để ý. Nhiều điều là đằng khác. Chị không rõ chúng liên quan với nhau ra sao hay tại sao, và điều nào không liên quan. Hơn nữa chúng ta cũng có chuyện cần nói.”

Chuyện cần nói… về cô bé qua đời ở bệnh viện vào cuối tháng Tư mà tôi từng hỏi chị chăng?

“Giờ em đang nghỉ ở nhà?”

“Vâng ạ…”

“Đừng quá lo lắng. Nếu em phải nhập viện lần nữa, chị đây sẽ gắng hết sức chăm sóc.”

“Dạ. Cảm ơn chị.” Dù nói thế, tôi vẫn muốn cố tránh cho chuyện đó xảy ra.

“Thôi, gặp em vào thứ Ba nhé. Dù gì chị cũng sẽ gọi trước.”

Chị Mizuno rất để ý bảo vệ tâm lý của tôi, suốt cuộc gọi không hề đả động đến sở thích chung của hai chị em. Thậm chí chị còn chẳng dùng biệt hiệu “Anh Chàng Kinh Dị” như mọi khi, khiến tôi thấy an lòng.

Chỉ mới hai ngày trước, chính mắt tôi đã chứng kiến những hình ảnh kinh dị và tàn khốc, thế nên chẳng có gì khó hiểu khi tâm trạng tôi không vui.

Màu đỏ lan ra quanh dù, cảnh Sakuragi Yukari bị đinh dù bằng kim loại đâm xuyên họng, máu tươi ồng ộc trào ra từ cổ cô. Tất cả như dán chặt vào mắt tôi. Tiếng dù gãy và cơ thể Sakuragi đổ vật sang bên, tiếng hét của thầy Miyamoto, tiếng rú của xe cứu thương, tiếng kêu la và khóc nấc của bạn học… Tất cả vẫn còn vang lên bên tai tôi.

Dù tự trấn an rằng giải trí và đời thực không giống nhau, tôi vẫn tạm dừng đọc tiểu thuyết và phim kinh dị một thời gian. Với tâm trí lúc này, tôi không sao nuốt nổi chúng.

2

Giống tuần trước, trời lại đổ mưa tầm tã. Có lẽ mùa mưa đã đến, sớm hơn nhiều so với mọi năm. Hôm nay tôi đã kiên quyết từ chối bà ngoại đưa đón như thường lệ và một mình đi đến bệnh viện.

Tôi hẹn gặp chị Mizuno ngay sau khi khám xong. Chị bảo phải trực đêm từ tối hôm trước và hết ca sẽ đến ngủ trong phòng nghỉ ở bệnh viện. Vậy nên tôi khám xong thì cứ gọi thẳng cho chị.

Đứng cạnh cửa chính dẫn vào khu ngoại trú, tôi gọi đến số của chị Mizuno, vừa đợi vừa ngắm cảnh trời mưa bên ngoài.

Lúc đó, tôi chợt nghĩ rằng mưa ở Yomiyama ướt dính hơn Tokyo nhiều.

Nếu xét đến mức độ ô nhiễm không khí, e là phải nói ngược lại, nên đây chỉ là cảm giác chủ quan của tôi thôi. Mà dùng từ “ướt dính” không đúng lắm. Tôi nên chọn cách miêu tả nào đó trung lập, như là “tự nhiên hơn, chất liệu phong phú hơn”. Những hạt mưa đổ rào rào xuống các tòa nhà, lối đi, từng dòng người qua lại, cây cỏ quanh đây và núi rừng đằng xa nữa, mỗi hạt lại mang một màu sắc khác, thành phần khác. Đương nhiên tôi không có ý bảo nó bẩn.

Mắt tôi dừng lại ở những vũng nước đọng dưới nền đất.

Ngay cả vũng nước này cũng vậy, chẳng hiểu sao tôi có cảm giác nó đa sắc và có chiều sâu hơn so với vũng nước tôi hay thấy ở Tokyo. Có lẽ vấn đề không phải ở cơn mưa mà ở sự khác biệt trong những vật được phản chiếu. Hay có khi đây chỉ là những hình ảnh phản chiếu tâm tưởng tôi.

“Xin lỗi đã để em đợi.”

Tôi nghe giọng chị từ bên cạnh. Đây là lần đầu tiên tôi thấy chị Mizuno không mặc đồng phục trắng của y tá. Chị vận áo sơ mi màu xanh biển nhạt, bên ngoài là áo khoác denim đen.

“Khám sức khỏe thế nào rồi?”

“Chắc là em sẽ không phải làm phiền chị nữa.”

“Chán nhỉ!”

“Ngày mai em đi học lại được rồi.”

“Vậy à? Tốt quá,” chị cười vui vẻ. Nói rồi, chị lục túi áo khoác lấy điện thoại để xem giờ. “Vẫn còn sớm, em có muốn ăn trưa không?”

“Nhưng chị vừa trực ca đêm nhỉ?” Tôi tỏ vẻ ngần ngại, phần nhiều vì phép lịch sự “Ý em là chắc chị cũng mệt rồi…”

“Ồ, chị khỏe! Mai được nghỉ, hơn nữa chị đây cũng còn trẻ trung lắm. Nhà hàng tự chọn ở đằng kia thì sao?”

“Tùy chị ạ.”

Chị Mizuno lái xe chở tôi đi. Một chiếc xe loại nhỏ màu lam rất đáng yêu, khác với chiếc ô tô đen cũ kỹ bà ngoại đang dùng.

3

Chuỗi nhà hàng này cũng hoạt động ở Tokyo, nhưng bàn chúng tôi ngồi thì trống hơn ở đấy rất nhiều. Sau khi gọi món, chị Mizuno đưa cả hai tay lên che miệng, ngáp dài.

“Chị ngủ chưa đủ giấc phải không?”

“Hử! Tất nhiên rồi.”

“Em xin lỗi…”

“Xin lỗi gì chứ. Chị là người rủ em đến. Không cần khách khí.”

Cà phê và bánh sandwich được đưa tới. Chị Mizuno thả một lúc mấy muỗng đường vào tách cà phê, uống vài ngụm rồi mới đụng đến ổ sandwich kẹp trứng, rồi chị lẩm bẩm, “Bắt đầu thôi,” và quay sang nhìn tôi.

“Đầu tiên, chị đã bắt chuyện với cậu em Takeru mà chị ít khi trò chuyện cùng. Chị có hỏi nó vài điều. Lớp mà hai em đang theo học dường như có hoàn cảnh đặc biệt.”

“Hoàn cảnh đặc biệt?”

“Đúng vậy. Thằng bé không chịu nói rõ, mà chị thì cũng không biết nên hỏi từ đâu. Quả là một vấn đề nan giải, nhưng dù sao chị cũng chắc chắn là có hoàn cảnh đặc biệt. May ra em biết.”

“Ý chị là, tình huống đằng sau hoàn cảnh đặc biệt đó?” Tôi cúi mặt và khẽ lắc đầu. “Em cũng không rõ nữa. Tất nhiên có chuyện đang diễn ra, nhưng em chỉ vừa chuyển đến, và chưa ai kể cho em.”

“Cô bé gặp tai nạn ở trường em tuần trước, tên là Sakuragi gì đấy… Cô bé là cán sự lớp phải không?”

“Dạ.”

“Chị có nghe kể. Và việc em là người chứng kiến nữa. Cô bé ngã xuống thang, rồi bị chính chiếc dù của mình đâm vào họng?”

“Vâng, đúng là vậy.”

“Có vẻ thằng bé đang sợ hãi chuyện gì đó.”

“Em chị á?”

Nếu cậu ta bị sốc vì cái chết thảm khốc của bạn học thì còn dễ hiểu. Đằng này lại “sợ hãi” là thế nào?

Là ý gì?

“Ý chị là sao ạ?”

“Chị đâu có hỏi trực tiếp. Nhưng hình như nó không nghĩ vụ việc tuần trước chỉ là ‘tai nạn’.”

“Không phải tai nạn?” Tôi nhíu mày.

Nếu không phải tai nạn, vậy là tự sát? Hay án mạng? Khó tin quá. Cả hai đều không thể là sự thật. Không phải tự sát, cũng không phải án mạng, và không chỉ là “một tai nạn”. Vậy nó có thể là gì…?

“Cậu ấy sợ gì vậy ạ?”

“Ai biết được chứ.” Chị Mizuno nghiêng đầu nghĩ ngợi. “Thằng bé chẳng nói gì cụ thể cả.”

Này, Sakakibara, cậu có tin vào ma quỷ hay lời nguyền không? Bỗng nhiên tôi nhớ đến câu hỏi Teshigawara đặt ra, hình như là vào ngày đầu tiên tôi đến trường.

Nói chung là về các hiện tượng siêu nhiên ấy?

Cũng ở trong chủ đề đó, một câu hỏi khác từ Kazami. Hiển nhiên tôi không tin “ma quỷ, lời nguyền gì đó” hoặc “các hiện tượng siêu nhiên” nói chung, và cũng không định tin. “Bảy điều kỳ bí” ở Bắc Yomi quả là lạ lùng, nhưng chúng chỉ là các mẩu truyện ma vô hại thường lan truyền trong trường học. Rốt cuộc, cả câu chuyện về “Misaki của hai mươi sáu năm trước” cũng vậy…

Thế nhưng…

Lỡ như cái chết của Sakuragi Yukari quả thật không chỉ là “một tai nạn”?

Tôi bắt đầu nhớ lại cảnh tượng hôm ấy.

Hay tin tai nạn của mẹ, Sakuragi phóng ra khỏi lớp. Cô lấy chiếc dù ở giá đứng, và hớt hải chạy tới cầu thang Đông, lối ra gần nhất. Nhưng cô đã dừng lại. Có thể là vì thấy chúng tôi đang đứng cạnh cửa sổ gần cầu thang. Ngay sau đó, Sakuragi quay gót, chạy về hướng ngược lại – cầu thang Tây.

Lỡ như… tôi băn khoăn. Sẽ thế nào nếu Sakuragi chạy xuống cầu thang Đông như đã định?

Biết đâu tai nạn sẽ không xảy ra.

Lúc đó cô chạy hộc tốc qua cả dãy hành lang, rồi phóng ngay xuống cầu thang. Trên hết, mặt sàn có thể đã bị ướt và khiến cô trượt chân. Tai nạn hi hữu kia được cấu thành từ rất nhiều yếu tố chồng lên nhau. Vậy…

Tại sao Sakuragi lại hành động như thế? Tại sao vừa nhìn thấy Mei và tôi, cô lại chọn hướng khác?

“Chị có nghe đến cái tên Misaki Mei chưa?” Ngay cả khi phần hotdog tôi gọi được mang tới, tôi cũng chẳng có bụng dạ nào để nuốt nó. Uống một hơi ly trà chanh cho cổ họng bớt khô, tôi đặt câu hỏi.

“Misaki?” Đương nhiên chị Mizuno có ấn tượng với cái tên này. Có lẽ chị nhớ đến tên cô bé qua đời ở bệnh viện trong tháng Tư, cũng là Misaki.

“Misaki… Mei? Ai vậy?”

“Là một nữ sinh trong lớp em, lớp 9-3 trường Bắc Yomi. Em trai chị không kể gì về bạn ấy?”

Chị Mizuno hơi phồng má lên. “Coi nào, bọn chị hầu như cả ngày chẳng nói gì với nhau. Nhưng cô bé ấy thì sao? Có chuyện gì ư?”

“Chị còn nhớ em hứa sẽ kể lý do khi hỏi chuyện không? Sự thật thì, cô bé Misaki Mei này có liên quan đến nó.”

Chớp chớp đôi mắt to lúng liếng, chị Mizuno gật đầu, lẩm bẩm ra vẻ đã hiểu. Tôi giải thích tiếp sự việc, cố gắng nói đơn giản và vắn tắt nhất có thể.

“Hừmm…” Khoanh tay trước ngực, chị Mizuno lại gật đầu rồi cắn sandwich trứng. “Hình như em có kể rồi, cô bé đeo băng mắt. Chị không nhớ là kể lúc nào. Hờ! Thì ra em thầm thương trộm nhớ cô bé Mei?”

Sao ạ! Đợi… Đợi đã, chị hai.

“Đâu có,” tôi chối biến. “Chỉ là… có điều gì đó rất lạ trong cách Mei cư xử ở lớp. Em không thể ngừng băn khoăn về chuyện ấy.”

“Bọn chị gọi trạng thái đó là yêu thầm đấy.”

“Đã bảo là không mà.”

“Được rồi, được rồi. Để chị thuật lại dưới góc độ khác.”

“Hôm đó là cuối tháng Tư, chắc là ngày 27 nhỉ? Cô bé mất ở bệnh viện là Fujioka Misaki, em họ của Mei. Mei rất buồn và định tới nhà tang lễ để ‘đưa’ vật gì đó cho cô bé. Đúng không?”

“Phải ạ.”

“Và…? Cách Mei cư xử trong lớp lạ kiểu nào?”

“Tức là…” Tôi cố tìm cách diễn đạt. “Ừm, chắc là tự bạn ấy cũng có tính tình kỳ quặc nữa. Nhưng chị biết không, ban đầu em tưởng cả lớp đang bắt nạt bạn ấy. Hoặc có thể là họ sợ.”

“Sợ cô bé?”

“Cũng không hẳn là thế.” Những điều mắt thấy tai nghe từ lúc chuyển đến trường Bắc Yomi chợt hiện lên trong đầu tôi. “Em có một cậu bạn tên là Teshigawara, có lúc cậu ta bỗng gọi điện và bảo ‘Đừng để tâm đến những thứ không tồn tại nữa’.”

“Nghĩa là sao?”

“Theo chính lời Mei thì bạn ấy không hiện hữu, nhưng…”

Chị Mizuno lại khoanh tay trước ngực và lẩm bẩm “Hừmm…”

Tôi tiếp tục, “Thế rồi, tiếp nối những chuyện đó, tai nạn tuần trước đã xảy ra.”

Diễn giải khả dĩ nhất là trùng hợp, đơn giản thế thôi. Làm gì có cách nào để liên kết hai sự việc?

“Nếu suy theo lẽ thường, không liên quan gì cả.”

Nhưng…

“Còn một vấn đề khác làm em chú ý. Một chuyện diễn ra hai mươi sáu năm trước…”

Rồi tôi kể về “câu chuyện của Misaki”. Trong suốt câu chuyện, chị Mizuno không nói gì, chỉ im lặng lắng nghe.

“Chị có biết chuyện này không?”

“Lần đầu chị nghe đấy. Dù sao chị cũng học ở Nam Trung mà.”

“Nhưng em trai chị biết chuyện.”

“Ồ, em nghĩ thế ư?”

“Em chưa hiểu hai câu chuyện trên có liên hệ gì. Nhưng chắc chắn là chúng có liên quan, và em…”

“Ra vậy.” Chị Mizuno uống hết chỗ cà phê còn lại.

“Em chưa đi học lại từ sau tai nạn, nên không rõ chuyện gì đang diễn ra trong lớp. Chị… có nghe em trai kể gì không?”

“Giờ thì mọi thứ bắt đầu giống truyện kinh dị ấy nhỉ. Mà sao em không ăn đi?”

“À, vâng. Cảm ơn chị đã nhắc.”

Tất nhiên là tôi không ăn vì đói. Ngồi xem tôi ăn phần hotdog của mình, chị Mizuno nói tiếp, “Để xem chị tìm hiểu được gì nhé? Về chuyện xảy ra hai mươi sáu năm trước, và về Mei. Chẳng may là chị lại không mấy thân với em trai, nên chưa biết nó có chịu kể không nữa. Ngày mai em đi học rồi nhỉ?”

“Dạ.”

Lần đầu tôi đi học sau một tuần vắng mặt. Suy nghĩ ấy khiến tôi lo lắng không thôi. Hơn nữa… Hiện giờ Mei đang làm gì? Ngực tôi đau thắt lại, nhưng khác với những triệu chứng khi phổi bị xẹp khí.

“Nếu phát hiện được gì, chị sẽ gọi cho em. Khi nào em quay lại bệnh viện?”

“Thứ Bảy này.”

“Thứ Bảy… Ngày 6 tháng Sáu? Nè, em xem The Omen(1) chưa?”

(1) Tên bộ kinh dị công chiếu vào năm 1976, nhan đề tiếng Việt là Đứa con của Satan.

“Hồi tiểu học em có xem trên ti vi.”

“Chị không nghĩ Damien(2) đang ở trong thị trấn, nhưng…” Chị Mizuno lấy lại vẻ mặt “cô y tá trẻ thích phim kinh dị” với một nụ cười tinh quái trên môi. “Dù sao, chúng ta cũng phải cẩn thận. Nhất là với những tai nạn hi hữu.”

(2) Tên nhân vật trong bộ phim The Omen.

4

Khi chúng tôi rời nhà hàng, mưa đã tạnh, mảng trời quang mây đã ít nhiều lấp ló.

Tôi leo lên xe chị Mizuno vì chị đã đề nghị chở tôi về. Giữa đường, tôi nhận ra mình đang ở một góc quen thuộc của thị trấn, nên nhờ chị thả xuống. Nơi đó là khu phố Misaki, gần phòng trưng bày búp bê “Đôi mắt xanh trống rỗng. Dưới ánh chiều tà của Yomi”.

“Em sống ở Furuchi phải không, Sakakibara? Vẫn còn xa lắm đấy.”

Thấy chị nhìn mình với ánh mắt nghi ngại, tôi đáp, “Ở một chỗ tù túng quá, nên em định đi dạo một chút,” rồi xuống xe.

Tôi tìm thấy “Ánh chiều tà của Yomi” chỉ trong phút chốc.

Bên ngoài lối ra vào, có một phụ nữ đứng tuổi mặc áo màu vàng tươi ở ngay trên bục thang dẫn quanh tòa nhà. Chúng tôi nhìn thoáng qua nhau – có lẽ vậy. Bà ấy làm việc trong xưởng búp bê trên lầu? Tôi vừa tự hỏi vừa gật đầu chào, nhưng bà không có phản ứng gì, chỉ lẳng lặng đi lên cầu thang.

Gấp dù bỏ vào ba lô, tôi đẩy cửa bước vào.

Tiếng chuông trầm thấp lại vang lên, hệt như lần trước.

“Chào quý khách.” Vẫn là bà lão tóc bạc trắng ngồi ở chiếc bàn cạnh lối vào, chào tôi với ngữ điệu cũng giống lần trước.

Đang là giữa ban ngày, nhưng cửa hàng, chính xác là “phòng trưng bày” vẫn giữ cảnh trí u ám như lần trước tôi đến.

“Gì đây? Nơi này rất ít khi thấy các chàng trai trẻ.”

Lại là câu nói đó… “Cháu học trung học hả? Hôm nay được nghỉ hay sao mà đến đây? Vậy ta chỉ lấy nửa giá.”

“Cảm ơn bà.”

Khi tôi lục túi để lấy bóp, bà lão nói thêm, “Cứ thoải mái xem cho thỏa thích. Dù sao hiện giờ cũng chẳng có khách.”

Cảm thấy hơi khó hiểu, tôi bước vào khu trưng bày.

Tiếng đàn da diết tấu lên một giai điệu sầu thảm. Búp bê được xếp thành hàng, vừa xinh đẹp lại vừa quái dị. Những bức tranh phong cảnh huyền bí treo ở trên tường. Mọi chi tiết đều giống hệt lúc trước. Tôi như bị cuốn vào một cơn ác mộng đã lặp đi lặp lại nhiều lần, thả ba lô xuống chiếc sofa, hít thở thật sâu thay cho những con búp bê không hô hấp, và như bị một sợi dây vô hình điều khiển, tôi bước xuống cầu thang dẫn tới tầng hầm.

Không khí lạnh lẽo tràn ngập nơi đây, hệt như trong hầm mộ, và những con búp bê (hay có thể nói, những bộ phận búp bê) được đặt bề bộn khắp nơi, đúng như tôi nhớ. Bên trong những ô lõm đặc trưng trên tường là cô gái thiếu đi cánh tay phải, là cậu bé lấy đôi cánh mỏng che bớt nửa dưới khuôn mặt, hay cặp song sinh liền bụng… Cả cỗ quan tài màu đen nằm ở trong cùng nữa, con búp bê gần với nó trông giống hệt Misaki Mei.

Khác với lần trước, tôi chưa thấy nhức đầu hay lạnh đi. Nhưng, như thể bị sợi dây khiển rối thao túng, tôi lại tiến đến cạnh cỗ quan tài.

Sản phẩm của Kirika – cái tên theo chữ Hán có nghĩa là “trái cây trong sương mù”. Mei đã nói thế.

Tôi nín thở trong giây lát, lặng nhìn gương mặt búp bê nhợt nhạt hơn cả Mei, nhìn vào làn môi đang định nói lên điều gì đó. Khi ấy…

Điều đáng lẽ không thể là hiện thực, lại xảy ra.

Từ bóng của cỗ quan tài chứa búp bê, từ từ, lặng lẽ…

… Sao có thể?

Tôi bỗng cảm thấy choáng váng.

Cứ thoải mái xem cho thỏa thích.

Câu nói ban nãy của bà lão lại vang lên trong đầu tôi. Dù sao hiện giờ cũng chẳng có khách. Đúng như thế.

Lần trước tới đây, bà lão cũng nói những lời y hệt. Không có vị khách nào khác… Hôm đó tôi đã cảm thấy bất ổn vì câu nói này. Không còn ai khác… ấy vậy mà!

Tại sao?

Chậm chạp, lặng lẽ, từ trong bóng đổ của cỗ quan tài.

Tại sao chứ?

Cô xuất hiện.

Misaki Mei.

Tầng hầm lạnh lẽo, mà Mei chỉ mặc phong phanh áo sơ mi và chiếc váy màu xanh biển. Làn da cô còn nhợt nhạt hơn mọi khi.

“Trùng hợp thật. Lại gặp nhau ở đây.” Mei nói, khẽ mỉm cười.

Trùng hợp… Có đúng như vậy không? Tôi đang lựa câu trả lời thì Mei hỏi, “Tại sao hôm nay cậu đến đây?”

“Tớ đang trên đường từ bệnh viện về nhà. Tình cờ đi ngang qua thôi.” Tôi đáp, rồi hỏi ngược lại. “Còn cậu? Không đi học sao?”

“À thì… Hôm nay tình cờ là tôi không đi.” Nói rồi, cô lại cười. “Cậu thấy đỡ hơn chưa, Sakakibara?”

“Chắc cũng vừa đủ để không phải vào viện. Mọi người trong lớp thế nào rồi… từ sau tai nạn của Sakuragi?”

Mei thấp giọng “Ừm,” rồi đáp, “Mọi người… đang sợ.”

Sợ hãi. Chị Mizuno cũng đã nói như vậy. Có vẻ thằng bé đang sợ hãi chuyện gì đó.

“Sợ? Sợ chuyện gì?”

“Họ nghĩ nó đã bắt đầu.”

“Cái gì bắt đầu?”

Mei chợt nhìn lảng đi. Tựa hồ không biết phải nói sao.

“Tôi…” Sau vài giây im lặng, Mei tiếp tục. “Có lẽ trong thâm tâm tôi vẫn còn nửa tin nửa ngờ. Đầu tiên chuyện đó diễn ra, tháng Năm cậu chuyển tới, rồi tôi nói như vậy dù không thực sự tin. Chắc tôi vẫn còn nghi ngờ một số việc. Nhưng…”

Dứt lời, Mei nhìn tôi, mắt phải nheo lại như chất vấn còn tôi chỉ biết nghiêng đầu không hiểu.

“Nhưng có lẽ năm nay thực sự là một trong những năm đó,” Mei tiếp tục. “Chắc đến trăm phần trăm.”

Tôi không biết phải nói gì.

“Bởi vì nó đã diễn ra. Vậy nên…”

Mei lại nheo mắt, như muốn thử thách, Cậu nghĩ gì về nó? Nhưng tôi nào biết nghĩ gì ngoài ngu ngơ nhìn lại.

“Thế ra cậu vẫn chưa biết chuyện ư, Sakakibara?” Mei lẩm bẩm, lặng lẽ quay lưng với tôi. “Không biết cũng hay. Nếu phát hiện ra, chưa chừng…”

“Khoan đã,” tôi bật ra theo phản xạ. “Cứ mập mờ như vậy, tớ không tài nào hiểu được…”

Tôi rất muốn nhún vai và nói, tớ chẳng hiểu cái quái gì hết. “Nó đã bắt đầu”, “Tôi không rõ”, “một trong những năm đó”… Làm ơn đừng tỏ ra là ta – biết tuốt nữa.

“Cậu chắc là sẽ đi học lại được chứ?” Mei hỏi, vẫn quay lưng đi.

“Ừ. Mai tớ sẽ đến trường.”

“À. Nếu cậu đi, tôi nên tránh mặt.”

“Gì vậy? Thôi nào. Tất cả những chuyện này là sao?”

“Cẩn thận đấy.” Khẽ xoay người lại, cô nhắc nhở.

“Cũng đừng kể cho ai là gặp tôi ở đây.”

Thế rồi cô quay lưng, lần này là đi hẳn, bước chân câm lặng biến dần vào sau cỗ quan tài.

Một lúc sau, tôi mới nhẹ giọng gọi, “Thôi nào, Misaki.”

Tôi bước tới một bước, “Này, sao cậu…” nhưng chân không hiểu sao lại thấy luống cuống. Chỉ một giây không chú tâm, tôi đã bị cuốn vào trong cơn đau đầu kỳ quặc.

Lẽ nào cậu không thấy chúng bị hút ra khỏi người?

Tất cả những gì bên trong cậu.

Những lời Mei nói hôm trước, ngay tại đây, len lỏi vào đầu óc đang quay cuồng của tôi như một thứ bùa chú.

Búp bê gắn liền với sự trống rỗng. Cơ thể, trái tim chúng đều rỗng… Một khoảng hư không.

Sự trống rỗng đó giống như cái chết.

Không hiểu bằng cách nào, tôi bước thêm được một bước để khỏi bị ngã.

Như cái chết.

Thấp thỏm lo âu, tôi nhìn đăm đăm vào phía sau quan tài. Nhưng…

Mei đã biến mất. Ở đó…

Không có gì cả.

Tấm rèm đỏ treo trên tường khẽ lất phất dưới sức gió phả ra từ máy điều hòa. Một cơn lạnh điếng người chợt ập đến, làm run rẩy toàn thân tôi.

5

“Tại sao? Tại sao?”

Con chim nhồng Rei lặp đi lặp lại câu hỏi của nó với sự hăng say thường lệ. Tại sao á? Nhìn xem, tao mới là người muốn biết tại sao. Tôi trừng mắt nhìn vào lồng, nhưng nó lại chẳng mảy may bận tâm.

“Tại sao? Rei, tại sao? Chào buổi sáng. Chào buổi sáng.”

Sau bữa tối, tôi ra hành lang tầng trệt nơi có sóng tốt và gọi sang Ấn Độ cho bố. Hình như bố tắt điện thoại, vì tôi đã thử gọi ba lần và đều không thể kết nối. Chắc giờ này bố vẫn đang làm việc. Bên đó trời vẫn chưa tối.

Ờ, thôi kệ. Tôi mau chóng từ bỏ ý định.

Dù có kể chuyện tai nạn tuần trước hay việc sức khỏe mình tệ đi, bố cũng chẳng thể cho tôi lời khuyên hay làm gì khác được. Điều tôi muốn hỏi nhất là về thời trung học của người mẹ đã khuất của mình. Tất nhiên là còn lâu tôi mới xâu chuỗi được mối liên hệ giữa chuyện năm xưa và những điều đang diễn ra, mà tôi cũng chưa rõ chúng có thực sự liên hệ hay không nữa.

Một phần thì tôi cũng muốn hỏi về hình chụp của mẹ lúc ấy. Hoặc album kỷ yếu chẳng hạn, nhưng chắc chỉ còn trường giữ lại được. Đúng vậy, có khi tôi phải đến thư viện phụ ở Khu o.

Đi khỏi hành lang và bỏ lại con chim Rei, tôi lén nhìn vào phòng khách, nơi đì Reiko đang xem ti vi. Đài đang phát một chương trình tấu hài, tôi không biết là dì thích xem chương trình này cơ đấy! Nhìn kỹ lại, tôi thấy dì ngả người trên sofa, mắt nhắm nghiền… Ra là dì đang ngủ. G

ió mạnh phả xuống từ điều hòa, khiến cho căn phòng hết sức lạnh giá. Coi nào, dì Reiko ngủ quên ở chỗ này thì bị cảm mất. Tôi đang định chạy đến tắt điều hòa thì…

“Koichi?” Dì chợt gọi, làm tôi giật mình quay lại. Mắt dì hé mở. “Dì ngủ quên từ khi nào vậy? Ôi chà, thế này không được. Không thể được!”

Dì Reiko lắc đầu quầy quậy. Cùng lúc có tiếng ai cười phá lên trên ti vi. Dì cau mày nhăn nhó, chộp lấy điều khiển và nhấn nút tắt.

“Dì không sao chứ?”

“Hử? Chắc là vẫn khỏe.”

Dì rời sofa và ngồi xuống ghế ở bàn ăn, nhấc ấm rót nước và uống vài viên thuốc.

“Dì hơi đau đầu,” dì nói với tôi lúc đó vẫn im lặng dõi theo. “Mà dạo này cứ đau suốt. Bực bội ghê.”

“Dì mệt quá rồi, phải không? Có nhiều thứ phải lo, hơn nữa…”

Khẽ thở dài, dì Reiko tiếp lời, “Có lẽ vậy. Mà quan trọng hơn là, cháu đỡ chưa, Koichi? Hôm nay lại đến bệnh viện nhỉ?”

“Bác sĩ bảo tình trạng cháu đã ổn định.”

“Ồ. Tốt quá.”

“Dì Reiko này?” Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện ở bàn ăn. “Dì còn nhớ lúc dì nói về thời điểm để biết mọi chuyện không? Là sẽ đến lúc cháu có thể hiểu hết tình hình ấy ạ? Nhưng, làm sao dì biết khi nào thời điểm đó đến?”

Tôi hỏi bằng tất cả sự nghiêm túc. Dì thì nhìn lại với vẻ ủ ê, “Dì đã nói thế hử?”

Dì Reiko ra chiều thắc mắc. Tôi thực sự bị sốc. Giọng the thé “Tại sao?” của con chim Rei như vang lên trong đầu tôi.

Là ai giả vờ hay thực sự không nhớ đây? Sao thế nhỉ?

“Vậy cháu hỏi một việc vừa nghĩ ra nhé?” Tự trấn tĩnh, tôi đổi câu khác. “Hồi học lớp Chín ở Bắc Yomi, dì học lớp nào?”

“Hồi lớp Chín á?”

“Ừ. Dì nhớ không?”

Nghe tôi hỏi, dì Reiko chống tay lên má, gương mặt lại ủ rũ, rồi đáp, “Lớp 3.”

“Lớp 3? Thật sao?”

“Ừ, ừm.”

“Vậy năm đó… liệu có lời đồn đại nào đó kiểu như ‘lớp 3 là lớp bị trù ếm’ không ạ?”

“Ừm, ừ…”

Vẫn tựa đầu lên tay, dì Reiko trông như đang tìm câu trả lời. Nhưng cuối cùng dì thở dài bảo, “Đã mười lăm năm. Dì quên mất rồi.”

Chưa kể đến việc lời bào chữa này có phải sự thật hay không…

Mười lăm năm trước? Đột nhiên tôi thấy khó chịu, chẳng hiểu tại sao nữa. Mười lăm năm trước tức là… Ồ, phải rồi. Đúng vậy. Nhưng đó là…

“Ngày mai cháu đi học rồi nhỉ?” Dì hỏi.

“Dạ. Cháu định thế.”

“Dì đã kể ‘Các quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi’ rồi phải không? Cháu còn nhớ phải làm gì chứ?

“Vâng. Cháu nhớ…”

“Ngay cả điều thứ ba?”

“Dạ.”

Tất nhiên là tôi nhớ. Tôi nhớ điều thứ nhất và thứ hai nghe chỉ như mê tín, điều thứ tư thì có ý nghĩa rất lớn với tôi. Còn điều thứ ba, hình như nó là…

“Dù thế nào cũng phải tuân theo quyết định của cả lớp, đúng không ạ?”

“À, đúng là nó đấy.” Dì Reiko gật đầu từ tốn.

“Tại sao thế dì?”

Bỗng nhiên dì ngáp thật lớn, xong lại lắc đầu quầy quậy. Rồi dì bảo, “Ờ, ừ… Chuyện gì ấy nhỉ?” và nghiêng đầu nghĩ ngợi.

“Chúng ta đang nói về điều thứ ba trong ‘Các quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi’.”

“Ồ, vậy à? Để xem. Cháu nên làm theo hết nhé. Tức là…”

“Ô. Dì sao thế?”

“Ừm, ừm. Chắc dì mệt quá thôi. Xin lỗi Koichi. Dì không nói tiếp được.”

Dì đưa nắm tay tự gõ nhẹ lên đầu mình mấy cái, rồi cười trừ nhìn tôi. Tâm trạng tôi rối bời, vừa sốt ruột lại vừa khổ sở.

Mình có nên kể cho dì về Mei? Thực sự, liệu mình có nên đề cập trực tiếp? Dù ý tưởng này thường hiện lên trong đầu, tôi vẫn chẳng tài nào thực hiện được. Kết quả là tôi từ bỏ ý định ban đầu đó.

Tôi chưa quen nói chuyện trực diện cùng dì Reiko. Dì luôn khiến tôi thấy hồi hộp. Lý do chính có lẽ là vì tôi nhìn thấy ở dì hình bóng của mẹ, người mà tôi chỉ biết qua những tấm ảnh. Là vậy đấy. Tôi đã tự mình xác định được nguyên nhân. Vậy tại sao tôi lại càng cảm thấy tệ hơn chứ? Hẳn vấn đề nằm ở bản thân tôi. Hoặc là…

Nghĩ ngợi chán chê, tôi quyết định về phòng đi ngủ sớm. Tôi bèn đứng dậy.

“Tại sao?” Một giọng nói nhỏ cất lên, chẳng có mục đích hay toan tính gì.

“Thôi đi!” Dì Reiko quát, giọng khó chịu đến lạ.

“Mình chẳng chịu nổi con chim ấy.”

6

Ngày hôm sau, thứ Tư, mùng 3 tháng Sáu.

Misaki Mei không có trong lớp vào giờ nghỉ trưa.

Và cũng không bỏ đi ngay khi tiết thứ tư kết thúc. Thật ra, cô còn chẳng đến lớp. Hôm nay cô tránh mặt, đúng như đã nói với tôi hôm qua.

Tôi nghỉ học cả tuần nay, các bạn cùng lớp tiếp đón tôi với thái độ, nói theo hướng tích cực, là lãnh đạm. Còn nếu phân tích cho đúng, thì họ đang tỏ ra bình thản và hời hợt.

“Cậu lại nằm viện sao?”

À không, tớ nghỉ ở nhà.

“Cũng bệnh lần trước nhỉ? Gọi là gì ấy, tràn khí màng phổi tự nhiên?”.

Nguy cơ tái phát bệnh rất cao, nhưng hóa ra vẫn không sao.

“Vậy giờ cậu khỏe chưa?”

Rồi, cảm ơn. Nhưng bác sĩ cấm không được vận động quá sức. Tức là tớ vẫn phải kiến tập giờ Thể dục.

“Ừm, chúc cậu chóng khỏi bệnh.”

Cảm ơn cậu.

Không ai nhắc đến cái chết của Sakuragi Yukari và bà mẹ. Các thầy cô cũng vậy. Bàn Sakuragi giờ để trống. Cũng chẳng đặt hoa viếng trên bàn như người ta thường làm. Ai nấy đang cố trốn tránh cái chết của cô. Hơi quá đáng! Tôi không khỏi đánh giá hành động của họ như vậy.

Giờ nghỉ trưa, Kazami Tomohiko là người đầu tiên tôi bắt chuyện. Tôi đã gọi theo khi cậu ta định rời phòng học. “Ê… Này!”

Kazami đẩy gọng kính bạc lên sát mũi, gương mặt cứng nhắc cố nở một nụ cười giả tạo.

Tôi nhớ rõ hồi tháng Tư, vào lần đầu gặp nhau, cậu ta cũng có cử chỉ này khi đến bệnh viện thăm tôi. Đã quen nhau gần một tháng, tôi cứ nghĩ đã thân hơn với Kazami, nhưng dường như mối quan hệ của chúng tôi vẫn là con số không. Lần đầu tiên gặp mặt, điều duy nhất hiện hữu giữa chúng tôi là “sự căng thẳng”. Ngoài ra còn một điều, có thể gọi là “cảnh giác”. Giờ tôi mới nhận thấy.

“Thật mừng là cậu đã khỏe hơn. Tớ rất lo. Cậu đã nghỉ học cả tuần, tớ cứ tưởng cậu lại mắc bệnh.”

“Tớ cũng lo lắm. Nói thật, tớ chán đến bệnh viện lắm rồi.”

“Chắc không cần ghi chú bài học trong lớp khi cậu nghỉ đâu nhỉ?” Kazami dè dặt. “Cậu học giỏi thế cơ mà?”

“Chỉ là tớ đã từng học qua ở trường cũ. Thực sự tớ không giỏi đến thế.”

“Ồ, thế có cần tớ chép lại một bản không?”

“Hiện tại thì không.”

“À, ra vậy…”

Ngay cả khi nói những điều vô thưởng vô phạt này, sự căng thẳng vẫn không rời khỏi khuôn mặt Kazami. Căng thẳng, cảnh giác, và có lẽ là cả sợ hãi nữa.

“Tai nạn tuần trước chắc khiến cậu buồn lắm.” Tôi quyết định mở lời. “Hai cậu đều là cán sự lớp, lại cùng đến thăm tớ nữa, thế rồi chuyện như vậy xảy ra.”

Vừa nói, tôi vừa nhìn sang bàn Sakuragi. Kazami có phần lúng túng, “Lớp sắp chọn ra lớp trưởng nữ mới. Chắc là vào tiết chủ nhiệm ngày mai.” Rồi cậu ta vội vã chào từ biệt và đi khỏi lớp.

“?”

Kazami và Sakuragi thường như hình với bóng, nhưng chắc cũng không thiếu người phù hợp để làm cán sự lớp ở một trường trung học cơ sở. Vẫn ngồi tại bàn, tôi thận trọng nhìn quanh. Giờ là tháng Sáu, hầu hết học sinh đều mặc đồng phục mùa hè.

Một hai nhóm con gái ghép bàn thành “ốc đảo” để ăn trưa. Đám con trai lại tụ vào một góc cửa sổ để tán dóc, trong số đó có một anh chàng cao kều. Nước da rám nắng, mái tóc rõ là của dân chơi thể thao. Hẳn đây là Mizuno. Mizuno Takeru ở câu lạc bộ bóng rổ. Tên cậu ta trong chữ Hán nghĩa là “dũng mãnh”.

Tôi chực đến chào. Có thể nhắc đến chị cậu ấy để bắt chuyện, và tùy theo tình huống, biết đâu có dịp để kể rằng đã nói chuyện với chị Mizuno hôm qua, và… Không. Ý tưởng này rất tồi. Hiện giờ, chỉ cần đợi tin của chị Mizuno là được. Chị ấy đã bảo, “Để xem chị tìm hiểu được gì?” cơ mà. Hơn nữa chị còn bảo không thân với em trai cho lắm, vậy nên nếu tôi tùy tiện bắt chuyện, hẳn cậu ta sẽ đề phòng và khiến chị Mizuno khó khai thác thêm thông tin.

Vẫn như mọi khi, tôi thật lòng cảm kích và ăn ngấu nghiến bữa trưa bà ngoại nấu, sau đó một mình đi ra hành lang. Suốt khoảng thời gian này, tôi có cảm giác Mizuno cứ liếc nhìn mình từ góc cửa sổ, chắc chắn đây không chỉ là ảo giác do tôi tưởng tượng ra.

Giống thứ Ba tuần trước, tôi đứng cạnh cửa sổ bên cầu thang Đông.

Trên trời có vài gợn mây. Dù không mưa nhưng gió thổi rất mạnh. Tuy kính cửa sổ đóng kín, tôi vẫn nghe thấy những tiếng rít gào ngắt quãng bên ngoài. Lưng quay về phía cửa sổ, tôi dựa nghiêng người vào tường, lục túi quần lấy điện thoại di động. Tìm đến số Teshigawara trong hộp thư thoại, tôi bấm nút gọi.

Hôm nay Teshigawara cũng đến trường. Nhưng cậu ta chẳng thèm nói với tôi đến một lần, thậm chí còn muốn tránh mặt tôi nữa. Lúc nghỉ trưa tôi định đến gặp ngay, ai dè cậu ta đã biến khỏi lớp tự lúc nào. Cậu ta đâu phải là Misaki Mei chứ.

“A lô.”

Tiếng chuông vang lên không biết bao lần, cuối cùng thì cậu ta cũng bắt máy. Tôi bèn hỏi, “Cậu đang ở đâu?”

“Ờm…”

“Đừng có ‘ờm’ tớ. Kể tớ xem cậu đi đâu.”

“Bên ngoài… đi dạo ở trong sân.”

“Sân trường á?”

Tôi quay ra cửa sổ và dõi mắt nhìn xuống. Có nhiều học sinh đang đi lại bên dưới, thế nên tôi không nhận ra ai là Teshigawara. “Tớ xuống bây giờ đó. Đợi tớ ở ao sen nhé!”

“Hở… Thôi nào, Sakaki…”

“Tớ đến ngay.” Không để cậu ta kịp nói gì thêm, tôi cúp máy và lao nhanh đến điểm hẹn.

7

Đúng theo lời tôi dặn, Teshigawara đang đi ở cái ao nghe đồn là thường có một cánh tay máu me trồi lên. Mặt ao lác đác những lá hoa súng tròn trĩnh chứ không phải hoa sen. Xung quanh chẳng có học sinh nào tôi quen. Hẳn cậu ta đã một mình “đi dạo trong sân”.

“Tuần trước tớ gọi cho cậu mấy lần, nhưng cậu không nghe máy.”

Tôi nói bằng giọng lạnh lùng nhất có thể.

Teshigawara chắp hai tay lại một cách khoa trương, rồi bảo, “À, xin lỗi nhá.” Cậu ta vẫn tránh ánh mắt của tôi. “Mỗi lần cậu gọi thì tớ đều bận việc gì đó. Tớ cũng băn khoăn lắm ấy chứ, nhưng không dám gọi lại cho cậu. Chẳng phải cậu đang ốm sao? Tớ nào muốn làm phiền.”

Vừa nghe thôi đã biết tỏng là lấy cớ bào chữa.

“Cậu đã hứa,” tôi nói. “Cậu đã bảo đến tháng Sáu sẽ kể cho tớ.”

“Ờm…”

“Đã bảo đừng có ‘ờm’ nữa!”

Tên hâm tóc nâu này chẳng thèm che giấu việc cậu ta đang run lên, tôi cũng chẳng hề khoan nhượng mà trừng mắt nhìn thẳng. “Tớ muốn cậu giữ lời. Rốt cuộc thì cậu là người đưa ra đề nghị cơ mà. Có chuyện xảy ra vào hai mươi sáu năm trước. Một học sinh nổi tiếng tên Misaki học lớp 3 của khối Chín đã chết trong một tai nạn thảm khốc… Chuyện thế nào nữa?”

Teshigawara không mở miệng.

“Các cậu có gọi đó là năm mở đầu. Vậy sau này còn có chuyện gì xảy ra ở lớp 9-3?”

“Nè, nè, dừng lại đã, Sakaki.” Lần đầu tiên Teshigawara nhìn thẳng vào tôi, “Đúng, cậu nói đúng, là tớ đã hứa. Tớ hứa sẽ kể cho cậu khi sang tháng Sáu. Ý của tớ lúc đó là cậu nên ngồi yên cho đến hết tháng.”

Teshigawara thở dài sầu não. Một cơn cuồng phong đang rít gào bên trên.

“Giờ tình hình đã khác.” Cậu ta nhìn lảng đi trong khi nói. “Mọi chuyện đã thay đổi, không như lúc tớ hứa. Vậy nên…”

“Tức là cậu không thể giữ lời?”

“Ừ.”

Sao cậu ta có thể…? Hiển nhiên là tôi khó chấp nhận được điều này. Nhưng dựa trên biểu hiện của Teshigawara, tôi có cảm giác rằng tiếp tục chất vấn thì cậu ta cũng không trả lời.

Nhưng có một câu hỏi mà tôi không thể bỏ qua. Đó là “Còn nhớ cái ngày cậu dặn tớ là ‘Đừng để tâm đến những thứ không tồn tại’ không?”

Teshigawara lặng lẽ gật đầu, gương mặt không giấu được vẻ hoảng sợ.

“Cậu đã nói ‘nó rất nguy hiểm’. Ý cậu là…”

Lúc ấy, một tiếng động thô ráp phát ra từ túi quần tôi. Ai thế nhỉ? Tôi tự hỏi và lấy di động ra, ánh đèn báo cuộc gọi đến đang nháy sáng. Tên người gọi là Chị Mizuno, mới gặp nhau hôm qua.

“Ồ, Sakakibara à? Đang giờ nghỉ trưa ở trường đúng không em? Nói chuyện bây giờ được không?”

Giọng chị hơi cao hơn bình thường. “Chị đang ở bệnh viện.”

Để ý thấy Teshigawara nghe lỏm, tôi che miệng bằng tay trái rồi thấp giọng, “Em tưởng hôm nay chị được nghỉ?”

“Bỗng nhiên ca trực thiếu người nên chị được gọi đến. Cái nghề y tá này mệt ghê cơ. Nhất là khi em là lính mới.” Than thở một hồi, chị Mizuno đổi giọng.

“Vậy nên chị tranh thủ chút ít thời gian thoát khỏi đống hỗn độn để lên sân thượng khu nội trú. Chị đang ở đó luôn nè.”

“Có chuyện gì hả chị?”

“Tối qua chị đã thử nói chuyện với nó.”

“Em trai chị á? Về vụ hôm qua em nói ạ?”

“Ừ. Lúc nó nghe chị nói… À, có một chuyện chị phải xác minh, trước khi kể thêm gì khác.”

“Chuyện gì ạ?”

“Sẵn sàng chưa?”

Chị Mizuno lớn giọng. Chắc chắn chị đang ở sân thượng, hay ít nhất là bên ngoài, vì tôi nghe rõ tiếng rít của gió.

“Cô bé Mei mà em kể hôm qua. Misaki Mei ấy,” Chị Mizuno hỏi. “Cô bé có tồn tại không?”

“Sao ạ?”

Tôi không biết phải nói sao… “Dạ, có chứ.”

“Bây giờ á? Ở gần em không? Em chắc không?”

“Không ạ, hôm nay bạn ấy nghỉ học.”

“Vậy là cô bé không ở đó.”

“Chị đang nói gì vậy?” Tôi có cảm giác mình đang lớn tiếng hơn. “Sao chị hỏi thế…?”

“Chị nói nè, tối qua chị đã hỏi đứa em.” Chị Mizuno liền kể lại những điều mình tìm hiểu được. “Nghe hỏi về câu chuyện hai mươi sáu năm trước và cả tai nạn tuần vừa rồi, nó cứ úp úp mở mở. Nhưng trông nó có vẻ sợ hãi điều gì đó, giống như bị dồn vào đường cùng ấy. Sau rốt, khi chị hỏi về Mei…”

Rétttt… Có tiếng nhiễu tín hiệu và giọng chị ngắt quãng.

“Mặt nó đỏ gay lên, rồi nó nổi cáu, ‘Tại sao chị hỏi thế? Lớp em không có người nào như vậy. Vẻ mặt nó nghiêm túc đến mức chị chưa từng thấy bao giờ. Nên chị mới nghĩ cô gái tên Misaki Mei thực sự không…”

“Cậu ta nói dối.”

Nhận thấy Teshigawara đang ngó mình với vẻ thắc mắc, tôi quay lưng đi, dùng cả tay phải đang cầm điện thoại để che miệng. Thế rồi…

“Cậu ta nói dối!” Tôi lặp lại, nhấn mạnh hơn.

“Nhưng nó nghiêm túc quá. Chị không nghĩ nó nói dối…”

Rẹttttttttttttt… Lại là tiếng nhiễu, giọng chị Mizuno tiếp tục bị át đi. Tôi cũng chẳng màng nữa và chốt hạ, “Misaki Mei là có thật.”

Mei có thật. Tôi đã nhiều lần gặp và nói chuyện cùng cô. Ngay hôm qua tôi còn thấy và trao đổi mấy câu nữa mà. Thế quái nào cô ấy lại không tồn tại. Thật điên rồ!

“Ôi?”. Tiếng chị Mizuno xen lẫn với những tạp âm, nghe khác hẳn lúc trước. “Cái gì thế này??”

“Sao vậy ạ?”

Rétttttttttttttt… Rừmmmmm Rừmmmm… Réttt!

“Chị Mizuno? Chị nghe thấy em không?”

“Sakakibara?” Giọng chị rời rạc hẳn đi. “Chị rời sân thượng rồi. Đang ở thang máy. Chị phải quay lại thô…”

“Ồ, vậy nên tín hiệu mới tệ thế.”

“Nhưng mà… Ôi! Gì vậ…!”

Rầmmmmmm… Tạp âm càng lúc càng lớn và cuối cùng là đinh tai nhức óc. Tiếng chị Mizuno bị cuốn vào trong nó, tắt ngấm.

“Chị Mizuno!” Tôi bất giác siết chặt điện thoại.

“Chị nghe em không? Chuyện gì…”

Tôi chẳng nói được hết câu; một âm thanh lạ lùng đang truyền qua loa. Khó mà diễn tả được nó là gì. Một tiếng động rất lạ và kinh khủng. Tôi nhấc điện thoại khỏi tai do không thể nghe thêm nữa.

Chuyện gì vừa xảy ra?

Chị vào thang máy, và tín hiệu yếu đi. Chỉ có vậy thôi? Tiếng động ban nãy là thế nào? Không, trước tiên là chị Mizuno ra sao rồi!

Hoảng sợ, tôi lại đặt di động lên tai. Đúng lúc ấy tôi nghe thấy một âm thanh thô bạo và khô khốc. Nghe như thể… Phải rồi, là tiếng điện thoại rơi xuống đất.

Rétttttttttttttt… Rầmmmmm… Âm… Nhiễu sóng dữ dội hơn. Vào phút cuối cùng trước khi cuộc gọi bị ngắt…

Tôi đã nghe thấy… Tiếng chị Mizuno rên lên đau đớn, dù nhỏ nhưng cũng rất rõ ràng.