Chương 14: August I

Another

Đăng vào: 12 tháng trước

.

1

“Chúng ta chụp ảnh đi,” Mochizuki Yuya vẻ đề nghị. Cậu lấy chiếc máy ảnh kỹ thuật số ra khỏi túi, chìa cho chúng tôi xem. “Chụp ảnh để ghi nhớ sự kiện này. Đã là mùa hè cuối cùng ở bậc trung học cơ sở, cho nên… Mọi người thấy sao?”

“Để cô chụp cho!” Cô Mikami nói, quay sang phía Mochizuki.

“Ư, không, cô nên có mặt trong bức ảnh này.”

Mochizuki lắc đầu, má ưng ửng.

“Mọi người xếp hàng đằng kia nhé. Thế! Cô Mikami ơi mời cô đứng vào luôn ạ.”

Tất cả chúng tôi xếp hàng trước cổng vào ngôi nhà theo hiệu lệnh của Mochizuki. Chúng tôi đứng vòng cung trước tấm bảng đồng trên trụ cổng đá màu đen có khắc dòng chữ “Nhà kỷ niệm Sakitani”.

“Được rồi, tớ chụp đây!” Mochizuki nói, giơ máy ảnh ngắm. “Có lẽ chúng ta nên để hành lý qua một bên. Sakakibara và Misaki, các cậu xích lại gần một chút nào! Cả cô Mikami nữa ạ… Được rồi, thế. Chuẩn bị!”

Chúng tôi nghe tiếng “tách”.

“Mọi người” trong tấm ảnh bao gồm cả thảy năm người. Tôi và Mei, cô Mikami, cặp đôi khập khiễng Kazami và Teshigawara.

Học sinh chúng tôi đều mặc đồng phục mùa hè – áo sơ mi trắng cổ bẻ tay cộc cho nam và áo kiểu trắng tay cộc cho nữ. Vì không ở trường nên không ai đeo bảng tên. Cũng giống học trò, cô Mikami mặc chiếc áo kiểu màu trắng, bên ngoài khoác áo khoác nhẹ màu nâu.

Tiếng ve rộn ràng vọng ra từ khu rừng bao quanh ngôi nhà, không phải âm thanh inh tai của ve nâu và ve gấu, mà là âm thanh trong trẻo của bầy ve đêm, ở thành phố khó lòng nghe thấy được. Một kẻ lớn lên ở Tokyo như tôi, hồi nghe lần đầu còn tưởng là tiếng chim hót.

“Được rồi, Mochizuki, giờ thì mời cậu đứng vào.” Teshigawara nói. “Tớ sẽ chụp ảnh.”

“Ồ, nhưng mà…”

“Đừng ngại. Tới đứng cạnh cô Mikami đi nào.”

“Ừm, được thôi…”

Mochizuki đưa máy ảnh cho Teshigawara, rồi gấp gáp lao về phía chúng tôi, đứng ở vị trí cần đứng.

Teshigawara giơ cẳng tay quệt mồ hôi trán rồi nâng máy ảnh lên, nói, “Chụp nào!”

Cậu giơ cao một tay, rồi bấm nút.

“Hừm. Thêm một tấm nữa! Này, Mochizuki! Cậu đứng cách cô Mikami xa thế! Dịch lại một chút nào. Sakaki, cậu với Misaki cũng thế! Cậu cứ đứng yên đó, Kazami… Được rồi, cảm giác được lắm!”

“Cảm giác được lắm” là cái gì vậy? Thôi mặc kệ.

“Chụp nhé! Cheeeese nào!”

Cheese! Người ta vẫn dùng từ đó để khơi gợi nụ cười khi chụp ảnh, xưa nay đều thế, chẳng thay đổi bao giờ. Nhưng thôi không sao. Đừng đi vào tiểu tiết lúc này, tâm trạng sẽ thư thái hơn.

Tối thứ Bảy ngày 8 tháng Tám là thời khắc khiến người ta chìm đắm trong trạng thái không muốn quan trọng hóa điều gì cả, cũng là thời khắc ít nhiều khiến người ta cảm thấy bình tâm…

Chúng tôi bắt xe buýt ở phía Bắc thị trấn, đến chân núi Yomiyama thì xuống, rồi leo núi chừng hai mươi phút. Suốt quá trình đó, già nửa số học sinh tham gia đã dần dần có những biểu hiện tương tự…

Là tỏ ra bình thản cho người khác nhìn vào.

Mỗi người đều tự giác làm như vậy. Kỳ thực từ sâu thẳm trái tim, chúng tôi đều cảm thấy bồn chồn và sợ hãi cùng cực. Dù thấu hiểu lòng nhau như vậy, nhưng vẫn ngấm ngầm không bộc lộ.

Tuy không ai bảo là không được phép nói ra, nhưng nếu nói thành tiếng, căn nguyên của nỗi bất an và khiếp đảm có thể biến thành sự thật ngay lập tức. Mang nặng tâm lý đó, ai nấy đều dè dặt…

Nhưng mà…

Mọi người có lẽ đều nhận thức rõ, vẻ bình thản bề ngoài này sẽ chẳng kéo dài. Không thể kéo dài được lâu.

2

Nhà kỷ niệm Sakitani nằm trong một cánh rừng ở chân núi. Ngôi nhà rất mộc mạc, đơn giản, nhưng thấm đẫm phong cách phương Tây, khơi gợi không khí cổ điển.

Ngài Sakitani-nào-đó là học sinh cũ của Bắc Yomi và cũng khá nổi tiếng trong vùng. Ban đầu ông xây dựng nơi này cho công ty, đến cách đây vài thập kỷ thì tặng lại cho trường. Họ đặt tên ngôi nhà theo tên của ông, bởi thế mới thành “Nhà kỷ niệm Sakitani”.

“Thật ra thì nhà trường chẳng biết làm gì với chỗ đó.” Tôi nghe câu này từ thầy Chibiki, như là hàng “khuyến mại” đi kèm vài thông tin cơ bản khác. Ngôi nhà ngốn nhiều tiền bạc, nhân công để giữ gì tu bổ lắm, những năm gần đây lại ít được sử dụng. Dù vậy, trường vẫn không muốn bán nó đi.”

Mới đầu, chỉ có một nhóm học sinh đồng ý tham gia cắm trại. Có thể hiểu được, tôi nghĩ.

Cho dù cô Mikami đã bảo đây là “một hoạt động quan trọng”, nhưng không công bố mục đích cụ thể, lẽ dĩ nhiên họ sẽ ngại đi. Kể cả khi không thể rời thị trấn, rõ ràng việc ngậm chặt miệng ở nhà sẽ an toàn hơn là đi rong. Đây là quan điểm chung của rất nhiều người.

Bỗng đâu xảy ra vụ anh chàng Ogura Atsushi-người-khép-kín chết cuối tháng trước.

Đã giam mình trong nhà, không thò chân ra ngoài đến mức ấy mà vẫn chưa an toàn tuyệt đối. Khi nhận ra điều này, một vài học sinh nói, “Chà, đã vậy…” và thay đổi suy nghĩ. Hình như còn có lời đồn rằng nếu tham gia chuyến cắm trại, mọi người sẽ được an toàn. Cứ như thế, sau hạn nộp giấy cho phép, cả một đám người kéo tới nói, “Cho em đăng ký…”

Số lượng tăng vọt vào phút cuối, kết quả có mười bốn người tham gia chuyến đi. Chín nam và năm nữ. Tỷ lệ tham gia là năm mươi phần trăm. Tính thêm trưởng nhóm, là cô Mikami, thì tổng cộng mười lăm chúng tôi sẽ nghỉ hai đêm ba ngày tại Nhà kỷ niệm Sakitani, kể từ hôm nay.

Địa điểm tập hợp là cổng chính của trường. Cô Mikami đã đợi sẵn, thông báo, “Ngày mai chúng ta sẽ leo núi Yomiyama, tới thăm ngôi đền trên núi, cầu nguyện cho cả lớp bình an vô sự.” Học sinh phản ứng theo nhiều kiểu, nhưng tôi không nhận thấy chút tin tưởng nào trong giọng nói của cô chủ nhiệm khi đưa ra thông báo. Không chỉ riêng tôi. Teshigawara và Mochizuki hẳn cùng chung suy nghĩ. Có lẽ Mei cũng thế.

Một chuyến cắm trại theo đúng lịch trình của kỳ nghỉ hè mười lăm năm trước. Vào ngày 9 tháng Tám, mọi người lên núi bày tỏ lòng thành kính tại ngôi đền…

Nhưng tôi biết rõ kết cục của ngày hôm đó. Bản thân cô Mikami cũng biết có hai học sinh chết trong hoảng loạn trên đường từ ngôi đền trở về.

Nên tôi dám chắc cô không thể không cảm thấy do dự. Kể cả vậy, như chết đuối vớ được cọc, cô vẫn quyết định: dù chỉ còn một cơ hội mong manh nhất… Phải. Đây cũng là quyết định thường gặp ở những tình huống tương tự.

Có hai người đang sinh sống tại Nhà kỷ niệm Sakitani để trông coi nơi này. Đó là ông bà Nata, hai vợ chồng, khoảng hơn sáu mươi tuổi.

Ông Numata người nhỏ con, yếu ớt. Nhưng vết nhăn hằn xuống vầng trán hói đen đúa, đôi mắt ông trũng sâu, trợn trừng mang lại cảm giác khó gần. Ông lão kín tiếng và cộc cằn đúng như vẻ ngoài.

Bà Numata trái lại, có da có thịt và tốt bụng. Bà luôn chân luôn tay, chuyện trò vui vẻ. Khi đoàn chúng tôi tới gặp, bà chào đón có phần đon đả thái quá.

Tôi tự hỏi hai người họ có ở đây trong đợt cắm trại mười lăm năm trước không.

Thắc mắc này cứ ám ảnh tôi, nhưng xem ra chưa phải thời điểm thích hợp để đặt câu hỏi.

Ngôi nhà hai tầng, khung gỗ, thiết kế theo phong cách phương Tây. Mô tả đơn giản thì kiến trúc này có hình chữ U, lưng tựa vào núi ở phía Bắc, cổng rộng mở ở phía Nam.

Ban đầu, nó được xây làm nơi nghỉ dưỡng của một công ty và tiếp tục được sử dụng theo đúng mục đích đó. Bên cạnh không gian rộng rãi của hành lang và phòng ăn, căn nhà có khá nhiều phòng ngủ. Đa phần là phòng ngủ dành cho hai người. Dù nơi này có vẻ già cỗi thấy rõ nhưng nội thất và đồ đạc lại có phần giống trong khách sạn. Phòng tắm và vòi sen đều thuộc loại bình bình, nhưng tất cả các phòng đều lắp máy điều hòa không khí.

Có đủ chỗ để mỗi người ở một phòng nhưng theo chỉ dẫn của cô Mikami, chúng tôi cứ hai người vào chung một phòng.

Có lẽ để đảm bảo an toàn. Tôi ở cùng phòng với Mochizuki Yuya.

3

“Cậu có mang cuốn băng không?”

Tôi hỏi Mochizuki sau khi cả hai vào tới phòng, thả hành lý xuống và nghỉ ngơi giây lát. Cậu gật đầu bí hiểm, mặt đanh lại, “Có. Tớ còn xách theo một cái đài nhỏ nữa. Ở nhà tớ có loại bự thôi, chị Tomoka cho tớ mượn cái này.”

“Cậu có nói với chị thứ này dùng để làm gì không?”

“Tớ không thực sự nói về nội dung cuốn băng. Chị ấy có hỏi, nhưng tớ cảm thấy không thể tiết lộ.”

“Ồ.”

Tôi nằm trên giường, vắt chéo tay dưới đầu, nhớ lại bốn ngày trước, chiều ngày 4 tháng Tám, khi Teshigawara và tôi tới nhà Mochizuki.

Đêm hôm trước Mochizuki gọi điện báo, “Tớ sửa được cuốn băng rồi.” Vậy là ngày hôm sau, chúng tôi vội vã tập hợp để nghe.

Nhớ lại lời hứa với Mei, tôi cố gọi vào số di động cô đưa, nhưng dù thử bao nhiêu lần, cô vẫn không bắt máy. Về sau Mei kể hôm đó cô đang ở biệt thự bên bờ biển, ngoài vùng phủ sóng, tín hiệu rất kém.

Vậy là cả ba chúng tôi cùng lắng nghe trên bộ dàn âm thanh trong phòng Mochizuki. Nhiều tạp âm, chất lượng thu thì chẳng thể coi là tốt. Chúng tôi không dám vặn to âm lượng, nên kề tai cạnh loa, tập trung vào âm thanh đang phát…

Tôi… tôi tên… tôi tên là Matsunaga Katsumi.

Giọng nói trong băng bắt đầu tự giới thiệu, rồi kể câu chuyện đã xảy ra ở Yomiyama trong chuyến cắm trại mười lăm năm trước và vì sao có hai tai nạn trên đường xuống núi. Sau đó, ngừng một quãng rất lâu, anh ta mới tiếp tục.

… Và rồi.

Điểm then chốt nhất xảy ra sau đó.

Cuối cùng, khi mọi người cũng xuống được tới chân núi, chuyện đó xảy ra.

Chuyện đó là… chính là, tôi…

Những điều Matsunaga Katsumi của mười lăm năm trước kể cho chúng tôi nghe quả thật là “lời thú nhận về tội ác” mà anh ta phạm phải, cũng là “lời cảnh báo” và “lời khuyên” dành cho chúng tôi, đám đàn em tiếp bước anh ta.

Chúng tôi xuống núi, trở lại nhà tìm người giúp đỡ. Và giữa cảnh hoảng loạn đó – tôi sẽ thành thật – đã xảy ra một cuộc sống mái.

Câu chuyện của Matsunaga tiếp tục như sau.

Thật lòng tôi không nhớ nguyên do vụ việc. Tôi đã run như cầy sấy, như hầu hết bọn họ… Cho nên vì sao mà lại thành ra thế, tôi không mường tượng lại được.

Nhưng dù sao đi nữa…

Dù sao, phải, địa điểm là bên ngoài ngôi nhà, trong khu rừng. Một đứa con trai khác và tôi đã hét vào mặt nhau, càng lúc càng hăng, cuối cùng cả hai lao vào đánh nhau.

Nghĩ lại, tôi luôn không ưa cái đứa đó. Chẳng biết phải diễn tả ra sao. Có lẽ tại hắn quá thờ ơ trước hoàn cảnh, bất kể trong nhà đang nháo nhào cả lên. Tôi thì như mắc bệnh kích động, trông thấy hắn là điên… Hắn chính là loại khiến cho người khác phát điên.

Sau hai tai nạn và những điều khủng khiếp tới ngày hôm đó, hắn vẫn thế, thản nhiên như mọi khi, như thể chuyện chẳng liên quan gì tới hắn, tôi nghĩ chính điều đó khiến tôi bốc hỏa… Tôi nghĩ có lẽ tôi là người khiêu khích trước, rồi mới xảy ra mâu thuẫn.

Thằng ấy là…

Đoạn này hẳn là Matsunaga nói ra tên của “một đứa con trai khác” tức “cái đứa đó”. Tôi nghĩ thế. Nhưng tới đây âm thanh trong băng bị nhiễu, tôi chẳng nghe ra anh ta nói gì. Phần còn lại của cuốn băng cũng vậy: mỗi khi anh ta nhắc tên kẻ đó là có tín hiệu nhiễu chồng lên. Chúng tôi không sao tìm ra tên của nhân vật đang được kể. Nên nếu phải chép lại nội dung ra giấy, chỉ có thể dùng ký hiệu “**” để biểu thị.

Chúng tôi đã giằng co… Và khi tôi lấy lại tĩnh táo, hắn ta không còn cử động nữa.

Từ đây trở đi giọng anh ta nhỏ hẳn lại, gây cảm giác như đang run run.

Trong lúc ẩu đả, tôi đã xô cả người vào hắn… Chà, không làm sao mà tái hiện được chi tiết. Chỉ biết, hắn thôi động đậy.

Hắn ngã xuống bên một cái cây to trong rừng. Ê, tôi gọi, nhưng hắn không đáp lời. Tôi bèn đến gần nhìn xem, thì thấy một cành cây cắm sâu vào sau đầu hắn, máu đang ri rỉ chảy.

Khi tôi xô hắn, hắn ngã vào cây, hẳn có cành cây chìa ra ngang tầm, đâm phập vào đầu hắn… Tôi đoán thế, không còn cách giải thích nào hợp lý hơn.

** đã chết.

Tôi cố bắt mạch hắn, còn áp tai vào ngực hắn để nghe nhịp tim… Không nghi ngờ gì nữa, hắn đã chết.

Tôi, tôi đã giết hắn.

Phát hoảng lên, tôi chạy luôn về phòng riêng ở nhà nghỉ, không nói gì với ai.

Tôi đã giết **. Nếu thi thể bị phát hiện, hẳn người ta sẽ xử lý theo hướng tai nạn, tôi tự trấn an.

Mưa vẫn rơi liên miên suốt ngày hôm đó, chúng tôi ở lì trong nhà. Có vài phụ huynh tới đưa con cái về. Cảnh sát cũng xuất hiện, hỏi chúng tôi vài câu… Tôi tuyệt đối không hé răng về việc đã xảy ra với **. Tôi không thể.

Đêm đó tôi hầu như không ngủ, cứ nghĩ miên man, nếu có người phát hiện ra thi thể **, sẽ nhốn nháo lắm đây.

Tuy nhiên…

Sáng ngày ra, mọi chuyện vẫn bình thường.

Thiếu một học sinh… Đáng lẽ mọi người phải nhận thấy mới đúng, nhưng thầy giáo và bạn học đều không phát giác ra, như thể họ chẳng để tâm…

“Bởi thế tôi gắng kìm nén cơn sợ hãi, lén lút đi kiểm tra tình hình. Tới mảnh rừng ** nằm. Khi tôi tới nơi…”

Đến đây, giọng kể trong băng ngừng một lúc lâu. Chỉ còn tiếng thở khe khẽ, lẫn với tạp âm lạo xạo.

Khi tôi tới nơi… hắn ta không còn ở đó. Cái xác đã bốc hơi. Hắn biến mất, không còn một vết tích nào. Chắc mưa đã rửa trôi, thậm chí không thấy dấu máu.

Tôi sốc nặng, hoảng loạn ghê gớm. Không còn cách nào khác, tôi đành đi quanh hỏi mọi người về hắn. ** sao rồi? Đi đâu ấy nhỉ? Về nhà rồi ư?

Nghe tôi hỏi, ai nấy đều nhìn tôi khó hiểu. Thầy giáo, bạn bè… tất cả. “** hả? Là ai?” Họ nói. “Chưa từng nghe tên.”

Không thể nào! Thế nên tôi hỏi lại, thì được biết chỉ có mười chín người tham gia cắm trại. Không phải là hai mươi. Về cơ bản thì đối với mọi người, cái tên ** chưa từng tồn tại, chuyện thành ra như thế đấy.

Bấy giờ tôi cứ nghĩ hẳn là mình đã phát điên. Nhưng rồi cuối cùng, tôi nhận ra. Ý tôi là…

**, kẻ tôi đã giết, chính là “người dư ra” trà trộn vào lớp 9-3 năm nay.

Đến đây là hết phần thu âm ở mặt A.

Chúng tôi cùng nín thở, không thốt nên lời. Mochizuki trở mặt băng, bật tiếp.

Đây là lời thú nhận về tội ác của tôi.

Matsunaga Katsumi của mười lăm năm trước lại tiếp tục.

Và cũng là đề xuất cho các bạn, những người em khóa dưới.

Cả ba chúng tôi cùng dỏng tai lên, lắng nghe giọng nói lẫn với tạp âm phát ra từ chiếc đài cassette.

Chắc chắn tôi đã gây nên cái chết của ** vào ngày hôm đó… Tôi đã giết hắn. Đây là sự thật không thể thay đổi. Chính vì thế tôi quyết định thú tội. Tôi nghĩ có lẽ lương tâm mình sẽ đỡ cắn rứt đôi chút…

Nhưng thật nực cười, vì hiểu theo một cách khác thì hành vi của tôi cũng chính là “sự cứu rỗi”. Cứu rỗi… Các bạn có hiểu ý tôi không? Chính là “sự cứu rỗi” dành cho mọi người trong lớp.

Hoàn toàn do tình cờ, song sự thật là khi tôi giết ** mọi người đã được bảo vệ. Khi “người dư ra” trong lớp qua đời, “tai ương” của năm cũng chấm dứt.

Sự việc xảy ra chỉ mới mười ngày, nhưng tôi quả quyết nhận định của mình là chính xác, bằng chứng là…

Không một ai còn nhớ đến **.

Chuyển biến bắt đầu ngay sau ngày tôi giết hắn. Từ giáo viên, học sinh đến cha mẹ **… Ít ra, không ai trong số những người liên quan đến lớp 9-3 nhớ ra rằng từng có một nam sinh tên ** hiện diện trong lớp từ tháng Tư năm nay. Bọn họ đã quên hẳn. Cũng có thể nói là, ký ức của họ đã bị sửa đổi.

Bằng cách loại trừ “kẻ đã chết”, đưa số người trở lại như cũ, trật tự thế giới sẽ được khôi phục. Đủ các loại biến thể được chỉnh đốn, khởi đầu là trí nhớ của những người liên quan.

Tôi là người trực tiếp dính dáng đến cái chết của **, cũng là người duy nhất còn nhớ tới hắn. Nhưng đây là vấn đề thời gian mà thôi.

Tiện thì nói luôn, quả có người tên là **. Sự thể là hai năm trước, ** đã thiệt mạng vì “tai ương”, bởi bấy giờ em trai anh ta đang học lớp 9-3, khóa 1981, đã thiệt mạng vì “tai ương” của năm. Trừ tôi ra, ký ức của mọi người đã được chỉnh cho đúng về sự thật đó.

Bản thân tôi cũng bắt đầu quên chuyện **.

Hồi tháng Tư, trong lớp bắt đầu dư ra một người không rõ là ai, mỗi tháng đều có người chết đi vì kẻ đó. Những điều này về cơ bản vẫn tồn tại trong ký ức, nhưng chuyện ** chính là “người dư ra”, rồi bị tôi giết, từ đó tai ương chấm dứt… thì đang dần dần phai nhạt khỏi tâm trí tôi.

Vì thế…

Tôi quyết định lưu lại cuốn băng này, vì chẳng chóng thì chầy tôi sẽ quên bẵng việc mình giấu nó ở đâu trong lớp lẫn nội dung bên trong.

Quên tất cả.

Tôi thu lại các trải nghiệm của mình khi trí nhớ vẫn còn sáng tỏ… Để chia sẻ chi tiết cho các bạn khóa sau, những người có lẽ cũng đang chịu đựng tình trạng chúng tôi vừa kinh qua. Cộng với cách thức giúp các bạn ngăn chặn “tai ương”…

Ê? Rõ rồi chứ? Các bạn hiểu cách thức rồi đúng không?

Ở phần cuối cùng, Matsunaga nhấn mạnh.

Trả “kẻ đã chết” cho Tử thần. Trật tự của năm sẽ được khôi phục. Hiểu chưa?

Trả “kẻ đã chết” cho Tử thần. Các bạn phải giết “người dư ra”, giống như tôi đã làm. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn “tai ương”, một khi nó đã diễn ra.

4

“Kể cho Misaki nghe chưa, về cuốn băng ấy?” Lần này, Mochizuki đặt câu hỏi.

“Kể đại khái,” tôi đáp, trở mình trên giường. “Hôm kia tớ gặp bạn ấy, nói về chuyện đó. Misaki bảo muốn được chính tai nghe. Thế nên tớ mới nhờ cậu mang cuốn băng và đài theo.”

“Cũng phải.”

Mochizuki ngồi xuống giường bên cạnh, chống hai tay đỡ lấy má. Phòng không bật điều hòa, cửa sổ đang mở rộng. Không khí bên ngoài ùa vào phòng, mát mẻ khác xa thị trấn. Càng khác xa không khí ở Tokyo vào mùa hè.

“Còn ai nữa không?” Mochizuki hỏi tiếp.

“Gì?”

“Cậu có kể cho ai ngoài Misaki về cuốn băng không?”

“À… Có. Tớ có kể một phần với dì Reiko,” tôi đáp, chẳng buồn suy nghĩ.

“Dì Reiko?… Ờ.” Mochizuki nhấc một tay khỏi má, gật đầu. “Cậu kể hết à?”

“Tớ chỉ hỏi lại dì vài chuyện.” Từ từ nhỏm dậy, tôi nói tiếp. “Vì dì ấy cũng tham gia chuyến cắm trại mười lăm năm trước. Tớ muốn xác nhận đoạn lên thăm đền vào ngày thứ hai và hai vụ tai nạn trên đường trở về.”

“Và?”

“Các chi tiết đều mờ nhạt cả, nhưng đoạn dì ấy kể về hai học sinh trên đường xuống núi thì nghe tương đối giống, có lần tớ đã hỏi. Khi hồi tưởng, dì lộ vẻ hoảng hốt cứ như đang trải qua sự việc…”

Dì biết làm gì đây? Lúc ấy dì khổ sở lẩm bẩm. Dì có thể làm gì được?

Đối diện với phản ứng đó, tôi…

“Có nói thêm chuyện gì nữa không?”

“Tớ hỏi lớp dì có ai tên là Matsunaga không? Dì nói, ‘Dì nghĩ là có’. Nhưng khi tớ hỏi liệu ngoài hai bạn học đã chết, có ai biến mất không, dì đáp, ‘Dì không biết’.”

“Đúng như trong băng.”

“Phải.”

“Chỉ nói thế thôi à?”

“Ừ.”

Tôi không gom đủ can đảm để kể cho dì nghe toàn bộ câu chuyện: cách ngăn ngừa “tai ương” khi nó đã bắt đầu là tìm “người dư ra” (tức “kẻ đã chết”) và gửi trả cho Tử thần (tức là giết kẻ đó đi).

“Còn kể với ai nữa không?”

“Không.”

“Tớ cũng vậy. Tớ cũng không nghĩ Teshigawara sẽ kể cho người khác đâu.”

“Kể cũng chẳng ích gì. Chỉ càng khiến mọi người hoảng loạn.”

“Phải.”

Bình tĩnh nhìn lại, tôi nghĩ điều chúng tôi cần sợ là chứng hoang tưởng gia tăng. “Người dư ra” (“kẻ đã chết) bị giết, “tai ương” sẽ ngừng lại. Nhưng nếu mọi người trong lớp phát hiện ra điều này, thì hậu quả gì sẽ phát sinh?

Câu trả lời chính là, ráo riết lùng sục “người dư ra”. Chắc chắn là chẳng thể nào tìm được, rồi dẫn đến đoán mò. Nếu họ cứ khăng khăng kết luận ai đó là “người dư ra” mà không có chứng cứ rõ ràng…

Chỉ tưởng tượng đến đây, tôi đã nổi da gà.

Vừa nổi da gà, vừa có dự cảm bất hạnh.

Chính vì thế, chúng tôi nghĩ tốt hơn cả vẫn nên giữ kín thông tin, ít ra là vào thời điểm này. Dù vậy, tôi đã bảo với các cậu ấy rằng sẽ kể cho Mei – trường hợp ngoại lệ.

“Này, Sakakibara,” Mochizuki nói, mắt đảo một lượt quanh căn phòng. “Cậu có nghĩ kẻ đó tham gia chuyến cắm trại này không? ‘Người dư ra’ ấy.”

“Tớ không biết.”

“Tớ không thể bắt mình đừng nghĩ được. Cứ tưởng tượng ‘người dư ra’ có mặt ở đây, là tớ…”

“Đều thế cả thôi.” Tôi trả lời, rồi hít một hơi dài. “Tự nhắc nhỏm mình không nghĩ cũng chẳng ích gì. Ngay cả Teshigawara cũng… Tớ để ý hôm nay cậu ấy cứ nhìn mọi người chằm chằm. Ai là ‘người dư ra’, giá mà có dấu hiệu gì để phân biệt…”

“Không có cách nào sao?”

“Trường hợp của Matsunaga mười lăm năm trước chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp.”

“Thực sự không có à?”

“Theo những gì tớ tìm hiểu được thì đúng là thế.”

Tôi dịch ra mép giường, đối diện với Mochizuki. Cậu bạn dễ thương yêu mến Munch và những Phụ nữ lớn tuổi hơn mình đang so vai, cụp mắt nhìn xuống sàn.

“Nhưng giả sử có cách nào đó… và cậu tìm thấy ‘người dư ra’. Lúc ấy cậu sẽ làm gì?”

“Ý cậu là…”

“Cậu có giết kẻ đó không?” Tôi hỏi Mochizuki, cũng muốn hỏi chính mình. “Cậu làm được không?”

Mochizuki không đáp, đôi mắt ngước nhìn khi tôi hỏi giờ lại cụp xuống. Cậu thở dài thườn thượt nghe mất hết tinh thần. Tôi cũng thở dài theo, rồi nằm xuống giường.

Cậu có giết kẻ đó không? Cậu làm được không?

Trong câm lặng, tôi lặp lại câu hỏi với chính mình.

Ai sẽ giết kẻ đó? Làm sao mà giết được?

“Ngày mai lên núi phải không?” Mochizuki hỏi, mắt hướng ra ngoài cửa sổ.

“Kế hoạch là thế,” tôi đáp.

“Nhưng bọn mình biết là tới thăm ngôi đền cũng chẳng ích gì…”

“Phải vậy.”

“Nếu thời tiết xấu thì sẽ hủy vụ đi thăm đền, phải không? Tớ hy vọng thế. Nếu trời đổ mưa như mười lăm năm trước, thì sẽ…”

“Đúng. Định làm búp bê cầu mưa à?”

Tiếng chuông điện thoại réo vang. Qua nhạc báo, tôi biết đó là cuộc gọi ở máy mình, bèn nhảy ra khỏi giường, bới tung túi tìm điện thoại, rồi xem tên trên màn hình.

“Là Misaki,” tôi nói với Mochizuki trước khi nghe máy. Tôi đoán sóng điện thoại khá yếu vì cứ chốc chốc lại có những âm thanh lạo xạo, rẹt rẹt… Nhiễu ghê!

“Sakakibara?”

Cuối cùng cũng nghe ra giọng Mei, “Cậu đang ở đâu?”

“Trong phòng của tớ và Mochizuki.”

“Phòng ở đâu?”

“Cuối tầng hai. Bên trái lối vào. Phòng số, ừm…”

“Hai – không – hai.” Mochizuki thì thào.

“Phòng 202.”

“Tôi qua đó được chứ?” Mei hỏi. “Còn một lúc nữa mới tới giờ ăn tối.”

5

Trước khi Mei tới, Mochizuki nói, “Tớ sẽ đi quanh một vòng,” rồi tế nhị bỏ ra ngoài. Không muốn làm phiền chúng tôi đây mà.

Mei tới, vừa mở cửa đã cho biết lý do, “Tôi muốn nghe cuốn băng.” Tôi nhanh chóng thuận theo. Cuốn băng và chiếc đài đang nằm trên bàn nhỏ cạnh cửa sổ. Mochizuki đã lấy sẵn khỏi hành lý.

Tôi cho băng vào đài, nhấn nút chạy…

Trong lúc băng chạy, tôi nhớ lại cuộc chuyện trò với Mei hai hôm trước.

Sáng đó, bà tôi thông báo, “Bà đã tìm được bức ảnh của Ritsuko.” Là bức ảnh tôi nhờ bà tìm sau cuộc đàm thoại với bố.

“Ở đâu vậy bà?”

Tôi hỏi, và bà đáp, “Ở nhà phụ.”

Nhà phụ là nơi dì Reiko dùng làm phòng làm việc kiêm phòng ngủ. Đồ đạc cửa người mẹ qua đời đã mười lăm năm của tôi, sao lại ở đó được nhỉ?

“Trước đây Ritsuko sống ở nhà phụ,” bà ngoại giải thích. “Khi Ritsuko cưới Yosuke rồi chuyển tới Tokyo, cả nhà đã mang gần hết đồ của nó về nhà chính, nhưng… Khi sang đó tìm quanh một lượt, bà thấy chiếc hộp này nằm giữa một đám lổng chổng. Cháu xem đi.”

Bà giơ ra một chiếc hộp nhỏ cũ, dẹt. Tôi nhìn thấy một cái tên viết bằng mực đen trên nắp màu hồng bám bụi, “Ritsuko”, ký tự tiếng Anh.

“Trong này chứa một số ảnh. Chắc có cả ảnh lớp Chín của mẹ cháu.”

Như đã hứa, tôi gọi di động cho Mei. Hôm đó, cô vừa từ biệt thự bờ biển trở về, đường dây đã thông.

“Tôi đến chỗ cậu được không?”

Phải, Mei hỏi như thế. Cô tới Furuchi vào buổi chiều. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp đón cô ở nhà. Khi tôi giới thiệu Mei, bà ngoại khá ngạc nhiên, nhưng mau chóng tỏ ra niềm nở, mang cho Mei nước quả, bánh, kem… Cảm ơn bà ngoại! Trong chiếc hộp nhỏ mẹ tôi để lại, có tất cả bốn tấm ảnh. Đúng như bà nói, một trong số đó là bức ảnh tập thể mà chúng tôi đang tìm.

Ngày 16 tháng Ba năm 1973

Tất cả bạn bè ở lớp 9-3

Lời chú bằng bút chì ở mặt sau.

Ngày 16 tháng Ba. Chắc là ngày tốt nghiệp.

Tấm ảnh đã ố màu, kích thước 13x18cm. Nếu mọi người ở lớp đều có mặt, nghĩa là bọn họ đã đặt chế độ chụp tự động.

Tất cả học sinh tập trung trước tấm bảng đen của lớp. Những người ở hàng đầu ngồi xổm, tay đặt lên đầu gối; hàng thứ hai đứng thẳng; hàng thứ ba đứng trên bục giảng. Đó là bố cục tổng thể. Ở chính giữa hàng thứ hai là giáo viên chủ nhiệm – thầy Chibiki thời trẻ. Tay thầy đang khoanh tay trước ngực, môi mím lại, nụ cười chỉ hiển hiện ở ánh mắt và đôi má.

Tôi nhận ra mẹ tôi, Ritsuko, mười lăm tuổi, đứng chếch phía sau thầy. Mẹ mặc đồng phục như trong bức ảnh của cuốn kỷ yếu tôi xem ở thư viện phụ. Mẹ đang cười, nhưng vẫn thoáng nét căng thẳng trên khuôn mặt.

“Ôi…” Mei thì thầm, mắt cô dán vào tấm ảnh vừa đón lấy từ tay tôi. “Cậu chỉ ra được không, Sakakibara? Cậu có nhận ra ai là Yomiyama Misaki không?”

“Có.” Tôi chỉ xuống tấm ảnh. “Hẳn là người này, bên rìa phải.”

Người đó đứng tách biệt với mọi người, bên rìa bục giảng. Cũng mỉm cười như mọi người, nhưng có nét buồn buồn. Vai người đó rũ xuống, tay hơi khuỳnh sang bên. Có vẻ như cậu ta không thực sự “đứng” ở đó – cũng có thể do tôi tưởng tượng – mà “trôi nổi” hoặc “lảng vảng”…

“Ý tớ là chỉ nhìn thôi cũng thấy bạn ấy tách biệt, phải không?”

“Cậu nghĩ thế à?” Giọng Mei run run, vỡ vụn. “Cậu thấy bạn ấy khác lạ à?”

“Phải.”

“Sao như thế được?” ngoài tầm ngắm, không khí xung quanh bạn ấy như đông cứng lại, kiểu thế đấy.”

“Ồ, thế còn màu sắc thì sao?”

“Màu gì?”

“Cậu không thấy một màu lạ à?”

“Không, thực sự là không…”

Càng nhìn vào bức ảnh, tôi lại càng thấy rờn rợn. Nếu tôi kể hết với bố những chuyện đang xảy ra, rồi cho ông xem bức ảnh này và nói, “Đây là tấm hình ma,” không biết bố sẽ nghĩ thế nào. Khả năng cao nhất là ông bảo “Hoang đường…” rồi cười lăn lộn. Nhưng dù sao…

Mặc kệ hoang đường hay phi khoa học, sự việc này là thật. Thế nên cả hai chúng tôi đều… nói, đưa trả bức ảnh cho tôi, không rõ cô đã tháo miếng băng khỏi mắt trái tự lúc nào. Nên tôi nhìn thấy con mắt búp bê màu xanh trống rỗng. Cùng với tiếng thở dài khe khẽ, con mắt bị che lại.

“Những tấm này cũng của mẹ cậu à?”

“Ừ.”

Ba tấm ảnh còn lại trong hộp, tôi đã xem từng tấm rồi, bây giờ đến lượt Mei xem.

Một bức là ảnh mẹ tôi chụp với ông bà. Ba người đứng ở cửa trước ngôi nhà. Có lẽ lúc chụp tấm này, mẹ cũng đang học trung học cơ sở.

Tấm tiếp theo là ảnh chụp một mình. Mẹ đứng ở một vườn trẻ gần đây, giơ tay làm biểu tượng chữ V trên cầu trượt. Chắc là ảnh thời tiểu học.

Tấm cuối cùng là ảnh của hai chị em, chụp trong nhà. Ở mặt sau tấm ảnh, tôi thấy dòng ghi chú, “Ritsuko, 20. Cùng với Reiko.” Hai người cách nhau mười một tuổi, nên trong ảnh này, hẳn là dì Reiko lên chín.

“Hừm…” Mei khẽ lẩm bẩm. “Quả nhiên.”

“Quả nhiên gì?”

“Rất giống nhau.”

“Hở?”

“Mẹ và dì cậu ấy.”

“À cũng nhận ra hả?”

“Trong ảnh chụp chung hai người thì không rõ lắm, nhưng nếu so sánh khuôn mặt họ khi còn nhỏ, như trong tấm thứ hai và thứ ba, thì giống hệt nhau.”

Mei nói đúng. Tôi cũng có cảm giác tương tự vào lần đầu nhìn bức ảnh của mẹ trong kỷ yếu. Nếu so sánh cùng thời điểm, hai người thực sự rất giống nhau.

Dẫu sao cũng là chị em ruột nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên lắm, tôi tự nhủ, nhưng lại nói với Mei, “Thế à?” và nghiêng nghiêng đầu.

“Hôm nay dì Reiko không ở đây à?” Mei hỏi bằng giọng bình thản, con mắt phải của cô nheo lại.

“Chắc vừa đi đâu đó,” tôi đáp.

“Cậu nói là dì dùng căn nhà phụ làm nơi làm việc à?”

“Dì nói đó là studio của dì. Dù vậy, tớ chưa bao giờ vào đó.”

“Vậy là dì cậu vẽ tranh ở nhà?”

“Phải. Dì học vẽ sơn dầu ở trường mỹ thuật. Tớ nghe kể hồi đó dì giành được nhiều giải thưởng lắm… Theo lời dì, đó mới đích thực là nghề của dì.”

“Hừm. Thú vị đấy.”

Nghe xong “lời thú tội” của Matsunaga Katsumi, Mei thở dài lâu hơn, sâu hơn cả Mochizuki. Tạm ngưng dòng hồi tưởng, tôi bấm tắt đài.

“Trả ‘kẻ đã chết’ cho Tử thần…” Mei lẩm bẩm, như đang ngâm nga một câu phù chú khiến người ta rởn gai ốc. Trông cô suy sụp, da mặt nhợt nhạt hẳn đi.

“Toàn bộ những chỗ nhắc đến tên ‘người dư ra’ đều bị nhiễu, đúng không?” Tôi hỏi cho chắc chắn, Mei lặng lẽ gật đầu.

“Có phải ‘hiện tượng’ còn ảnh hưởng tới những bản ghi như thế này?”

“Chắc vậy.”

“Nếu cuốn băng này cũng chịu ảnh hưởng, vậy thì…” Tôi nói ra điều nghi vấn vẫn quấy rầy mình bấy nay. “Sao tên của ‘người dư ra’ hằng năm không biến mất hoặc không mờ đi trên tài liệu của thầy Chibiki?”

“Ai mà biết.” Mei cúi mặt. “Có lẽ là nhờ một sự ngẫu nhiên nào đó mà ‘hiện tượng’ vô tình bỏ sót, hoặc miễn trừ, ghi chép của thầy.”

“Ngẫu nhiên gì?”

“Tôi không rõ lắm, có thể là nhờ thầy Chibiki chọn tư cách làm ‘người quan sát’, hoặc nhờ thời điểm thầy viết những dòng ghi chú đó, thậm chí là nhờ bản thân địa điểm thư viện phụ… Nhiều nhân tố kết hợp lại mới tạo ra được một trạng thái ngẫu nhiên. Hoặc chính cuốn băng là thứ ngoại lệ.”

“Là sao?”

“Đây là ghi chép duy nhất liên quan đến việc ‘tai ương’ ngưng ngang. Biết đâu trả ‘kẻ đã chết’ cho Tử thần chỉ chấm dứt ‘tai ương’ được đúng một lần này thôi thì sao. Đó gọi là ngoại lệ…

“A ha…”

“Nói cách khác, bởi vì thứ chúng ta phải đối mặt là ‘hiện tượng siêu tự nhiên’, nên tất cả những gì chúng ta có thể làm là chấp nhận nó như nó vốn có…”

Sau đó là một khoảng lặng lúng túng kéo dài hồi lâu.

Mei nhìn chằm chằm vào chiếc đài lặng câm, có lúc máy môi như muốn nói gì, nhưng rốt cuộc lại không lên tiếng.

Sao thế nhỉ? Phản ứng này, rất ít thấy ở cô…

“Tớ hỏi cậu câu này được không?” Rốt cuộc, tôi lại là người nói trước. “Không phải về cuốn băng, câu hỏi này đã bám lấy tớ từ lâu lắm rồi.”

“Gì vậy?”

“Về em họ của cậu, Fujioka Misaki.”

Tôi bạo dạn chuyển chủ đề, nhưng Mei đáp lại bằng câu “Hả?” và vẻ mơ hồ trên mặt. Tôi vẫn tiếp tục, không nản lòng. “Tớ quên mất thời gian cụ thể, nhưng cậu còn nhớ bức tranh cậu vẽ trong cuốn ký họa chứ? Cậu nói cuối cùng cậu sẽ chắp thêm cánh cho cô gái ấy…”

“…”

“Cậu cũng nói tranh đó nửa phần do tưởng tượng, nửa phần lấy nguyên mẫu ngoài đời… Nguyên mẫu có phải là Misaki không?”

 Sau một khoảng lặng, Mei khẽ đáp, “Phải.”

“Hai chị em có thân nhau lắm không?”

“Có.”

“Vậy tại sao em cậu…”

Tôi định gặng hỏi thì Mei đã lắc đầu, kết thúc bằng câu “Để sau đi. Tôi sẽ…” Cô ấn tay trái lên miếng băng che mắt. “Từ từ tôi sẽ kể cho cậu nghe. Để tôi suy nghĩ thêm một thời gian nữa đã. Nhé…”

Lúc ấy, Mochizuki quay lại. Khi mở cửa, xác định là có cả hai người, cậu ta khẽ ho và bảo, “Tớ nghĩ sắp tới giờ ăn tối rồi. Cô gọi mọi người tập trung đến nhà ăn. Mà này, thầy thủ thư Chibiki cũng tới đấy. Tới giúp cô Mikami.”

6

Trước 7 giờ tối…

Như thể đáp ứng nguyện vọng của Mochizuki, trời bắt đầu đổ mưa. Mưa chỉ ở mức lất phất, nhưng gió giật mạnh, quất vun vút vào cửa sổ.

Phòng ăn nằm ở tầng trệt, bên phải lối vào – tức là góc Đông Bắc, nếu muốn chỉ phương hướng. Đó là một căn phòng rộng rãi, chiếm lĩnh toàn bộ góc này của ngôi nhà. Đủ chỗ cho mười chiếc bàn vuông phủ khăn trải màu trắng. Mỗi bàn có bốn ghế. Cơm tối đã được dọn ra.

“Nào các em, trước tiên…” Cô Mikami lên tiếng, nhìn một lượt mười bốn học sinh có mặt. “Hôm nay thầy Chibiki đến giúp đỡ chúng ta. Như các em biết đó, thầy là thủ thư của thư viện phụ. Vẫn cần giới thiệu đôi chút nhỉ. Mời thầy…”

Thầy Chibiki đứng dậy. Dù đang giữa mùa hè, thầy vẫn mặc nguyên bộ đồ đen quen thuộc, mái tóc bù xù như mọi khi.

“Chào các em, tôi tên là Chibiki.”

Thầy nhìn gương mặt từng đứa, một ngón tay đẩy khẽ gọng kính.

“Tôi nghĩ cô Mikami có thể gặp phải một vài vấn đề khó khăn khi tổ chức chuyến cắm trại một mình, nên tôi quyết định đến đây. Xin các em thứ lỗi vì đã đường đột.”

Khác hẳn khi nói với Mei và tôi ở thư viện, giọng thầy cực kỳ căng thẳng. Chắc là do nghỉ dạy môn Xã hội đã lâu lắm rồi, không quen đứng nói trước một nhóm đông học sinh như thế này nữa. Mà dù sao…

Bỗng nhiên…

“Tôi hiểu rất rõ tình thế đặc biệt mà lớp 9-3 năm nay phải đối mặt.”

Thầy đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Có lẽ là do bất an và căng thẳng, giọng thầy hơi lên gân.

Không khí trong phòng lập tức đông cứng.

“Theo kế hoạch, ngày mai các em sẽ lên núi Yomiyama, dĩ nhiên tôi sẽ đồng hành, sẽ cố hết sức để mọi thứ được ổn thỏa. Hãy thật cẩn thận phòng ngừa tai nạn trên đường trở về. Dù vậy…” Thầy Chibiki liếc ra cửa sổ, rồi hướng ánh mắt về phía cô Mikami đang ngồi ở bàn. “Trở trời rồi. Nếu mai trời vẫn mưa thì phải hủy chuyến leo núi, cô Mikami nhỉ?”

“À, vâng.” Cô Mikami nghiêng đầu. “Để xem ngày mai thế nào đã ạ…”

“Tôi hiểu.” Thầy Chibiki quay lại phía chúng tôi, tiếp tục “Tôi hy vọng chúng ta được thưởng thức bữa thịt nướng ngoài trời, theo đúng tinh thần của một chuyến cắm trại mùa hè, nhưng…”

Cách nói của thầy đã trở nên thân mật hơn. Âm điệu cũng tự nhiên hơn.

“Xét tình hình hiện thời, tôi nghĩ khó mà thực hiện được việc ấy. Ít nhất trong đêm nay, tốt hơn hết nên chọn giải pháp thực dụng, an phận ở trong nhà. Cứ coi như mưa là dấu hiệu trời ủng hộ quyết định của chúng ta. Dù sao đi nữa, tôi rất vui vì đã có mặt ở đây. Nếu các trò thấy mệt hoặc có điều vướng bận cứ tự nhiên tìm tôi nhé.”

Sau bài phát biểu của thầy, thời gian chậm chạp trôi giữa bầu không khí trầm lắng, căng thẳng, thậm chí ngột ngạt.

Tiếng mưa thẳng hoặc táp vào cửa sổ. Những tiếng thì thào rời rạc từ các bàn, giọng quá nhỏ nên khó lòng nghe ra từng lời, nhưng cộng hưởng lại, tạo thành một thứ âm thanh rì rà rì rầm.

Cuối cùng khi bà quản gia – bà Numata – tất bật mang đồ ăn ra, không khí trở nên thư thái hơn.

“Có lẽ chúng mình nên kể cho thầy Chibiki nghe chuyện cuốn băng,” tôi thì thầm với Mei.

“Tôi cũng nghĩ bọn mình nên kể,” cô vừa đáp vừa nhìn sang Mochizuki và Teshigawara đang ngồi cùng bàn. Mochizuki nghiêng đầu không trả lời, nhưng Teshigawara trề môi, lắc đầu.

“Gì, cậu phản đối?” Tôi hỏi.

“Tớ không nói là phản đối hoàn toàn, nhưng mà…”

Teshigawara lại trề môi, mặt nhăn nhó. “Đằng nào bọn mình cũng chẳng thể giữ bí mật mãi được. Cứ kể cho thầy rồi xem xem ý thầy như thế nào cũng là một cách hay. Nhưng…”

“Cậu không muốn nghe nhận định của thầy à? Nói gì thì nói, thầy Chibiki cũng đã dành kha khá thời gian quan sát ‘hiện tượng’ này.”

“Xét ra cũng đúng…”

“Thế thì bọn mình kể cho thầy nghe nhé.”

“Ừm.”

“Ăn tối xong, Misaki và tớ sẽ tìm cơ hội nói chuyện với thầy.”

“Ừ, được đấy.”

Mặt Teshigawara vẫn nhăn nhó, nhưng cậu đã miễn cưỡng gật đầu.

“Nào, các cháu ơi, ăn thôi!” Chất giọng phấn khởi của bà Numata vang lên thúc giục, chúng tôi bắt đầu ăn tối. Hình như hai vợ chồng bà không thuê thêm ai, nên ông Numata hẳn là đầu bếp.

“Thầy Chibiki mang thịt loại A tới đấy. Chẳng mấy khi, nên ông bà quyết định chế biến thịt xiên nướng kiểu BBQ. Thưởng thức đi nào! Đừng lo hết cơm, cứ ăn cho bằng thích.”

Bất chấp những lời mời mọc…

Tình thế này, không khí này, chẳng có tí khích lệ vị giác nào. Tất nhiên cũng chẳng giúp ích cho tôi. Tôi biết tôi rất đói, các món ăn trông rất hấp dẫn, nhưng tôi lại chẳng lấy đâu ra cảm giác thèm ăn.

Tôi không biết ông bà Numata nắm bắt đến đâu về câu chuyện và mục đích của chuyến cắm trại này. Thêm vào đó là câu hỏi liệu bọn họ có mặt ở đây trong đợt cắm trại mười lăm năm trước không, tâm trí tôi lại bắt đầu luẩn quẩn…

Trong khi đưa mắt uể oải nhìn theo bà Numata lướt trở lại bếp, tôi để ý thấy ông Numata đứng sau cánh cửa, nhìn vào phòng ăn. Bọn họ trao đổi đôi câu trong khi bà Numata đi lướt qua ông, mặt ông ta vẫn giữ cái vẻ cáu kỉnh như thường lệ. Đúng lúc ấy, một tia sáng lóe lên từ đôi mắt trũng sâu của ông ta khiến tôi chấn động mạnh.

“Lão già đáng ngờ nhỉ,” Teshigawara ngừng ăn, ghé lại gần tai tôi, xiên thịt nướng ngừng ngay nơi miệng. “Kể từ lúc lớp mình tới đây, mắt lão ấy lúc nào cũng rực lên đáng sợ mỗi khi nhìn bọn mình, cậu có thấy không?”

“Ờ, tớ cũng thấy thế…”

“Có lẽ lão ta có ác cảm sâu sắc với đám trai trẻ. Bà già kia xởi lởi để khỏa lấp tính khí của lão chồng.”

“Sao ông ta lại có ác cảm?”

“Cậu nghĩ tớ biết sao?” Teshigawara trả lời sắc lẻm. “Mọi người chẳng vẫn luôn bảo tình trạng tội phạm vị thành niên tăng cao, ấy thế mà có khối lão già nguy hiểm không kém. Tớ dám cược với cậu là có hàng đống lão già một lúc nào đó nổi điên, giết luôn cả cháu nội ấy chứ.”

“Ừ. Có lẽ đúng.”

“Tốt hơn hết đừng có lơ là với lão ấy.”

Không rõ cậu ta nghiêm túc đến mức nào, nhưng nói xong, cậu lặng lẽ đặt xiên thịt trở lại đĩa.

“Có thể bọn họ cho mình ăn đồ thiu thối cũng nên. Hoặc trộn thuốc ngủ vào, khi bọn mình ngủ hết cả, lão sẽ đi một vòng, cắt cổ từng đứa.”

“Cậu giỡn à?”

Tôi định bảo là cậu ấy xem phim kinh dị hạng nặng nhiều quá rồi, nhưng tự dưng khựng lại. Bởi nghe một giọng nói nghiêm khắc từ bên trong, Cậu đang nói về chính mình đấy, nhóc.

“Mà này, Sakaki.”

Sau vài giây, Teshigawara lại ghé đến tai tôi. “Suốt đợt này, tớ cứ nghĩ mãi, sẽ ra sao nếu ‘người dư ra’ đi cùng chúng ta hôm nay? Và đó là ai?”

“Tớ dám chắc cậu thấy phiền muộn lắm.” Tôi ngồi thẳng lên, đáp. “Mà, cậu có đoán ra ai không?”

“Ừm…” Teshigawara rề rà. Không tỏ rõ, nhưng vẻ mặt cậu ấy còn nhăn nhó hơn trước. “Không thể nhận ra ai là ‘người dư ra’ qua quan sát… Nhưng biết đâu có cách nào đó thì sao. Một dấu hiệu nhỏ chẳng hạn. Cậu nghĩ thế nào?”

“Tớ không biết,” tôi thành thật đáp. “‘Không thể’, nhiều khi chỉ có nghĩa là ‘chưa thể’ mà thôi.”

“Phải không đấy!”

“Tớ nghĩ thế.”

Tôi nhìn gương mặt trông nghiêng của Teshigawara. Đôi chân mày cậu nhíu chặt lại.

“Nếu cậu tìm ra kẻ đó thì sao?” Tôi hỏi. Đồng thời cũng phần nào đặt lại câu hỏi ấy cho chính mình. “Cậu sẽ làm gì?”

Đôi chân mày của Teshigawara càng nhíu chặt hơn, trông vô cùng dữ tợn, cậu lẩm bẩm, “Ôi, tớ chẳng biết.” Rồi lại trề môi, không nói thêm gì nữa.

7

Đa phần các bạn còn lại đều chú tâm ăn. Bỗng nhiên…

“Cô Mikami, em xin phép hỏi một câu được không ạ?”

Cùng với lời nói, một người đứng dậy. Đó là gương mặt đại diện phái nữ của lớp, Akazawa Izumi.

“Bởi vì tất cả chúng ta đều có mặt ở đây, em có điều này muốn tìm hiểu.”

Thoạt nghe, tôi đã có dự cảm tồi tệ.

Akuzawa ngồi cùng bàn với ba bạn nữ khác. Tức là, những cô gái tham gia cắm trại hôm nay đều nhóm họp với nhau, trừ Mei… Riêng điều này cũng đáng lo rồi.

Khỏi phải nói, cả lớp đã coi Mei là người lạ lùng ngay từ đầu. Từ tháng Năm cho tới đầu tháng sáu, theo “đối sách” phòng ngừa “tai ương”, cô buộc phải nhận lấy vai trò người “không tồn tại” và hoàn toàn cô độc. Theo một cách hiểu nào đó, làm như thế để duy trì trạng thái cân bằng tích cực của các mối quan hệ trong lớp. Tình trạng này kéo dài từ đầu tháng Sáu cho tới tháng Bảy, khi tôi được nhập vào danh sách kẻ “không tồn tại” dưới danh nghĩa “đối sách mới”, cũng tương tự như trên. Có thể bọn họ đã hành động theo bản năng khi cảm thấy nguy hiểm, nhưng vì họ đã loại Mei và tôi – những nhân tố bên ngoài – ra khỏi hoạt động, sự cân bằng của lớp 9-3 vẫn được giữ ổn định. Tuy nhiên…

Cái chết của thầy Kubodera buộc họ nhận ra rằng “đối sách” tăng số người “không tồn tại” đã trở nên vô dụng, mọi thứ đều thay đổi.

Misaki Mei đã không còn “không tồn tại”. Mei, cô gái lạ lùng này không thể bị phớt lờ nữa rồi. Akazawa cùng mấy cô bạn kia nghĩ gì về Mei nhỉ? Cảm xúc của bọn họ thế nào?

Tôi không biết có nên nói là may mắn không, bởi lúc đó bắt đầu kỳ nghỉ hè, trạng thái cân bằng bị phá vỡ chưa bùng nổ ngay. Cảm xúc của các cô gái cũng được duy trì thêm một thời gian nữa.

Nhưng hôm nay, khi đã bắt đầu trại hè…

Misaki Mei dường như bị cô lập, nhưng cô chuyện trò vui vẻ cùng tôi không thành vấn đề – cũng như hai anh chàng Mochizuki và Teshigawara. Rồi cô ngồi ăn tối cùng chúng tôi. Như thể cô phớt lờ các cô gái khác, nhất là Akazawa, trong khi đáng lẽ sự việc phải theo hướng ngược lại.

Sao bọn họ lại không cảm thấy mất phương hướng trong tình thế như thế được? Sao bọn họ lại không thấy bực bội cho được? Thực sự tình cảnh này chẳng lấy gì làm vui.

Suốt bữa tối, từ bàn của mình, tôi để ý thấy thỉnh thoảng bọn họ liếc về phía chúng tôi. Bấy giờ tôi đã thử hình dung cuộc trò chuyện của bọn họ: chắc là về bọn tôi, và chắc là chẳng hay hớm gì.

Nghe Akazawa hỏi, cô Mikami phản ứng khá chậm chạp, khiến tôi lo lắng không biết cô có ổn không. Sau vài giây, cô đáp, “Ồ… được mà. Em nói đi, Akazawa.”

Akazawa lặng lẽ gật đầu. Rồi đúng như tôi dự kiến, đôi mắt cô ta nheo lại, chiếu về phía bàn chúng tôi. Giọng vang lên sắc bén. “Misaki! Có một điều tôi muốn nghe bạn nói ngay tối nay.”

Tôi quan sát kỹ gương mặt của Mei. Trông cô rất… bình tĩnh. “Bạn ấy, Misaki… Và cả cậu nữa, Sakakibara.”

Lời nói của Akazawa tuôn ra nhẹ bẫng, cách phát âm thật hoàn hảo. Cô như bên nguyên đứng giữa phiên tòa.

“Có vài sự cố không may diễn ra từ tháng Năm, và vụ việc kinh khủng xảy đến với thầy Kubodera tháng trước. Tôi không biết liệu tham gia chuyến cắm trại này có khiến mọi thứ được kiểm soát hay không, nhưng ít ra, đối với những ‘tai ương’ đã giáng xuống đến thời điểm này… Tôi nghĩ bạn phải chịu trách nhiệm, Misaki ạ.”

Mei, chịu trách nhiệm…?

Trước khi tôi kịp đòi cô ta giải thích tại sao, cô ta nói, “Tôi nghĩ bạn cũng chung trách nhiệm đó, Sakakibara.”

Liếc nhìn cô Mikami, Akazawa gay gắt nói thêm, “Nếu Misaki đảm nhiệm tốt vai trò người ‘không tồn tại’ như chúng ta thống nhất từ đầu, sẽ chẳng ai phải chết. Lý do bạn ấy không làm được điều đó là vì Sakakibara nói chuyện với bạn ấy. Chính vì thế chúng ta…”

“Khoan đã.” Người lên tiếng ngắt lời cô ta là Teshigawara. “Cậu không nghĩ chuyện đó, biết nói sao nhỉ, thuộc dạng không tránh khỏi à? Điều mà không ai muốn xảy ra ấy?”

“Ai biết được.” Akazawa đưa một tay chống hông rồi tiếp tục với giọng điệu hoàn toàn bất cẩn. “Có lẽ chúng ta đã xử lý vấn đề khá vụng khi không nói cho Sakakibara biết chuyện gì xảy ra từ trước. Ngẫm lại việc tôi nghỉ ốm vào ngày đầu tiên bạn ấy tới trường, tôi thật đau lòng… Kể cả như vậy, nếu Misaki cứ hành động như trước, hoàn toàn từ chối chuyện trò với bạn ấy, nếu như Misaki cứ tảng lờ bạn ấy, ‘đối sách’ hẳn đã thành công. Cậu dám bảo là tôi nói sai không?”

“Tớ không…”

“Dù tôi biết chúng ta đã thất bại khi đối sách coi hai người ‘không tồn tại’ vô tác dụng… Nhưng lỗi lầm trước hết là do Misaki, theo quan điểm của tôi. Tôi nói sai à?”

Trong thoáng chốc, Teshigawara có vẻ sợ hãi, nhưng rồi phản pháo. “Sao nữa? Cậu bảo chúng ta nên làm gì bây giờ?”

Nghe thế, Akazawa kín đáo đánh mắt cho mấy đứa con gái cùng bàn, rồi chuyển ánh nhìn sang đám con trai ở bàn khác.

“Một lời xin lỗi,” cô ta tuyên bố. “Chúng ta vẫn chưa được nghe Misaki xin lỗi. Mà này, Misaki, từ giây phút bạn ngừng trở thành kẻ ‘không tồn tại’, bạn cứ câng câng như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, như là…”

Ánh mắt hung tợn của cô ta lại chĩa về phía chúng tôi. Tôi cảm thấy vẻ bực bội, căm phẫn và oán giận trong đó, nhưng hơn cả, tôi còn phát hiện cả sự tức tối ghê gớm nữa… Tuy nhiên…

Vô lý biết bao… Tôi không thể kìm nén cảm giác bất bình. Mei phải rất… Tôi lại nhìn cô. Nhưng cô vẫn bình thản như trước – không, trông cô rất lãnh đạm.

“Về phần cái chết của Sakuragi…”

Không phải Akazawa nói những lời này. Mà là Sugiura, cô gái ngồi cạnh cô ta. Sugiura luôn “trung thành bậc nhất” và luôn bám lấy Akazawa.

“Tôi ngồi cạnh cửa sổ hành lang, nên nhìn thấy hết những gì diễn ra ngày hôm đó. Bạn ấy đã…”

À…

Đáng ghét thật! Tự nhiên làm tôi cũng phải nhớ lại. Ngày hôm đó, ngày cuối cùng của kỳ thi giữa kỳ, khi Mei, tôi và Sakuragi Yukari…

“Khi nghe tin mẹ bị tai nạn, Sakuragi vội vã chạy ra khỏi lớp học. Lúc đầu, bạn ấy hướng sang cầu thang phía Đông như thường lệ, nhưng rồi cậu và Sakakibara đang đứng nơi cầu thang. Thế nên Sakuragi hoảng lên, đổi hướng, chạy về cầu thang phía Tây…”

Phải. Sugiura nói đúng.

“Khi nhìn thấy Misaki và Sakakibara đi cùng nhau, dù Misaki đáng ra ‘không tồn tại’, bạn ấy hẳn phải sợ lắm. Bởi vì hai cậu đi cùng nhau, bùa chú không còn tác dụng, chính vì thế mẹ bạn ấy bị tai nạn… Để tránh cả hai cậu, bạn ấy đã chạy về hướng ngược lại trên hành lang.”

“Nếu hai người không có mặt ở đó thì…” Akazawa nói nốt lời Sugiura. “Nếu Sakuragi đi xuống cầu thang phía Đông như thường lệ, có lẽ tai nạn đó không thể nào xảy ra. Tôi muốn nói thế đấy.”

“Cậu không thể…” Lời nói vô thức buột khỏi miệng tôi.

“Chuyện tương tự xảy đến với chị gái của Mizuno.”

Akazawa nhấn mạnh. “Sau khi chuyện xảy ra, Mizuno kể với tôi rằng chị gái cậu ấy quen cậu, Sakakibara ạ. Và cậu đã kể hết các chi tiết về chuyện của lớp 9-3 cho chị ấy nghe.”

“Ừ. Chuyện đó…”

“Có thể tại cậu đã kể cho chị ấy nghe, nên chị phải trở thành một trong số ‘người chết vào tháng Sáu’. Chúng ta có thể diễn dịch theo cách đó, đúng chứ?”

“Ừ…”

Lỗi của tôi.

Lỗi của tôi nên chị Mizuno mới thiệt mạng trong tai nạn đó.

Có người chỉ ra điều này khiến nỗi buồn, sự hối tiếc và tự chỉ trích – dù đã phai nhạt – trong tôi trở nên sắc nét hơn bao giờ hết. Phải. Có lẽ Akazawa nói đúng. Tôi không hiểu gì về những việc đang xảy ra, kể lung tung khiến cho chị Mizuno bị liên lụy… Tất cả là lỗi của tôi…

“Như thế này không thích đáng.” Đúng lúc ấy, Mei lên tiếng. Bằng giọng nói lạnh băng, không thiên kiến mà tôi đã quá quen thuộc. “Cho dù các bạn có bàn tán những việc này đến ngần nào chăng nữa, cũng chẳng đi đến đâu cả.”

“Thứ chúng ta đang cần lúc này không phải là ‘giải pháp’ nhé.” Akazawa gay gắt. “Điều chúng tôi muốn nói với bạn, Misaki ạ, là bạn cần nhận ra trách nhiệm của mình và xin lỗi mọi người.”

“Tôi làm thế thì có ý nghĩa gì không?” Mei lặng lẽ đứng lên, nhìn thẳng vào mắt bên nguyên. “Nếu có, tôi sẽ làm.”

“Misaki…” Tôi cố ngăn cô. “Không… Cậu không cần xin lỗi…”

Nếu có ai cần nói lời xin lỗi thì đó chính là tôi. Nếu tôi không chuyển tới Bắc Yomi vào mùa xuân vừa rồi, thì những chuyện thế này…

Dù vậy, Mei lờ tôi đi. Không chờ Akazawa đáp lại câu hỏi… “Tôi xin lỗi.” Cô nói như một lẽ dĩ nhiên, rồi chậm rãi cúi đầu. “Tôi xin lỗi. Đây là lỗi của tôi…”

“Không!” Tôi hét lên, chẳng kịp suy nghĩ gì.

Gần như ngay lúc ấy, một giọng nói mạnh mẽ vang lên, “Thôi đi!” Lời của Mochizuki. “Thật là ngu ngốc.” Câu này của Teshigawara. Cậu giận dữ đập cả hai tay xuống bàn. “Bắt bạn ấy làm thế cũng chẳng ích gì. Vấn đề duy nhất cần quan tâm là tìm ra ai là ‘kẻ đã chết’!”

Khoan đã.

Không, Teshigawara – gượm hẵng. Tớ biết cảm giác của cậu, nhưng nếu cậu nói cho bọn họ biết vào thời điểm như thế này…

Đúng lúc ấy…

Một chấn động mới bắt đầu, dẹp tan không khí bâu xâu vừa manh nha.

8

“Này, Wakui! Cậu ổn chứ? Gì vậy…”

Có người đột ngột kêu lên, thu hút sự chú ý của mọi người.

Đó là bàn cạnh bàn chúng tôi. Kazami Tomohiko là một trong bốn người ngồi bàn đó. Lời vừa rồi là của Maejima, thành viên Câu lạc bộ Kendo, ngồi đối diện Kazami. Bên trái cậu ta là Wakui, dường như đang gặp điều bất ổn. Ghế của cậu ta bị đẩy lui ra sau, cậu ta gục xuống, mặt cúi gằm, trán tựa trên mép bàn cậu ta nhấp nhô như đang chịu đau đớn cùng cực.

“Này… Wakui!”

Vừa gọi tên Wakui, Maejima vừa vỗ vỗ lưng bạn. “Cậu ổn chứ? Cậu thở được không? Thôi nào!”

Thầy Chibiki tức tốc chạy lại chỗ bọn họ. Vừa nhìn qua, thầy đã lẩm bẩm, “Suyễn à?” rồi quay sang cô Mikami, lúc này đã chạy tới sau thầy. “Em này bị suyễn phải không?”

Nhưng cô Mikami chỉ run lập cập, không thể trả lời ngay được.

“Dạ đúng,” Kazami đáp thay cô. “Wakui bị suyễn ạ. Thuốc của bạn ấy luôn có…”

Kazami chỉ vào tay phải của Wakui lúc này đang duỗi trên bàn, có cầm một cái ống xịt.

“Thuốc của em đâu… Có mang theo không?” Thầy Chibiki hỏl Wakui, nhưng vai cậu chỉ càng thêm nhấp nhô đau đớn, không sao trả lời được. Heeeee, heeee… Có thể nghe được âm thanh quái gở từ nhịp thở của cậu ấy. Cậu ấy đang khò khè – không, đang rít lên thì đúng hơn.

Wakui ngồi bàn trước tôi trong lớp, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu phải chịu đựng cảnh này. Tôi cũng bị xẹp phổi hai lần trong năm nay, nên dễ dàng đồng cảm với tình trạng khó thở của cậu ấy. Chứng tràn khí màng phổi và hen suyễn khác xa nhau, nhưng nhìn Wakui như thế này, tôi cảm thấy nhịp thở của chính mình bắt đầu gấp gáp hơn…

Thầy Chibiki cầm ống xịt lên, bóp thử. Cái ống phát ra tiếng sựt khe khẽ.

“Á… Hết thuốc rồi.” Thầy ghé sát vào tai Wakui, hỏi, “Em có mang thuốc dự phòng không?”

Qua hơi thở nặng nề, Wakui khẽ cử động đầu từ trái sang phải. Ngụ ý rõ ràng: Không.

“Gọi cứu thương!” Thầy Chibiki nhảy dựng dậy, hét to. Tôi chợt nhớ lại khoảnh khắc thầy chạy vào lớp ngay sau khi thầy Kubodera tự sát. “Cô Mikami, cô đi gọi xe cứu thương ngay được không?”

9

Mấy mươi giây sau, chúng tôi được biết điện thoại ở ngôi nhà này không hoạt động. Bà Numata chạy vù từ bếp lên khi nghe tin. Bà nói đường dây đã hỏng từ đêm trước và ngừng hoạt động hoàn toàn suốt chiều hôm đó.

“Chúng tôi không gọi được cho ai nên không nhờ được người sửa. Nhưng giờ thì…”

Bà vừa dứt lời, thầy Chibiki đã lục trong túi áo khoác lấy điện thoại di động ra, “Chẳng ích gì.” Giọng thầy u ám, nói đúng hơn là, mất tinh thần. “Sóng điện thoại…”

“Thầy không gọi được ạ?” Tôi hỏi và bước lại gần.

“Ở đây ngoài vùng phủ sóng.”

“Lúc nãy máy em vẫn dùng được.”

“Vậy thì chúng ta sẽ dùng nó. Nhanh lên,” thầy Chibiki nói. “Mạng khác nhau có vùng phủ sóng khác nhau.”

“Em để điện thoại trong phòng rồi.”

“Đi lấy nhanh lên!”

Đúng lúc ấy…

“Em có mang điện thoại.”

“Em cũng vậy.”

Hai người khác lên tiếng. Chính là Teshigawara và Mochizuki. Mei vẫn lặng yên. Tôi đoán cô cũng để điện thoại ở phòng, giống như tôi.

“Được rồi. Các em thử xem.” Thầy Chibiki nói.

“Bấm 119 gọi xe cứu thương. Đó là số điện thoại khẩn cấp.”

Nhưng rốt cuộc…

“Lạ quá. Lúc nãy vẫn có mạng, nhưng giờ thì mất tín hiệu rồi.”

“Máy của em cũng vậy… Không được rồi thầy ơi.”

Điện thoại của Teshigawara và Mochizuki đều trở nên vô dụng ở nơi này.

Thật ra lúc nãy khi Mei gọi cho tôi, có nhiều âm thanh rẹt rẹt át đi, khó nghe ra lời cô. Tôi đoán tín hiệu ở vùng núi đều chập chờn thế cả. Một số người khác cũng mang theo điện thoại. Nhưng tất cả đều không gọi được.

Suốt thời gian ấy, bệnh suyễn của Wakui vẫn tiếp tục diễn tiến. Cậu không thể ngồi trên ghế nữa mà đã quỳ sụp xuống sàn. Maejima cuống quýt vỗ nhẹ tấm lưng nhấp nhô theo từng đợt thở khó nhọc của Wakui.

“Tệ quá! Chưa có dấu hiệu ngạt thở, nhưng chúng ta không thể giậm chân mãi được.” Môi thầy Chibiki mím lại mỏng dính. “Tôi sẽ lái xe chở em ấy tới bệnh viện.”

Thầy nhìn sang cô Mikami lúc này đang bất động, nhợt nhạt. “Được chứ, cô Mikami?”

“Ơ… Dạ, em sẽ đi cùng thầy.”

“Không được. Cô phải ở lại đây cùng các trò khác.”

“À… Phải, thầy nói đúng.”

“Đến bệnh viện tôi sẽ gọi cho bố mẹ Wakui. Khi tình hình của em ấy ổn định, tôi sẽ trở lại. À, bà Numata này? Phiền bà mang tới vài chiếc chăn được không? Chúng ta cần đảm bảo Wakui không bị lạnh.”

“Được thôi.” Bà Numata tất tả chạy dọc hành lang.

Một số học sinh tụ tập quanh bàn, số khác đứng quan sát từ xa… Nhưng khuôn mặt đều lộ vẻ lo lắng, sợ hãi. Có đứa con gái còn khẽ nấc lên.

“Không sao đâu,” thầy Chibiki trấn an mọi người. “Không cần phải lo lắng. Đưa được tới bệnh viện là Wakui sẽ khỏe lại, chẳng có gì nghiêm trọng đâu. Tôi hứa đấy, mọi chuyện sẽ ổn, nên các em cố gắng giữ vững tinh thần. Được chứ? Đây là tình trạng Wakui đã từng trải qua, không phải chuyện gì quá khác thường. Cũng không phải là tai nạn đáng sợ. Nên không cần để nỗi khiếp đảm bồn chồn kiểm soát các em. Bình tĩnh nhé, và làm theo những gì cô Mikami hướng dẫn. Tối nay tôi muốn các em đi ngủ sớm. Hiểu chứ?”

Nét mặt nghiêm nghị của thầy không chút biến đổi, giọng thầy bình tĩnh đến khó tin. Hơn một nửa số học sinh gật đầu, tôi cũng thuộc số ấy, nhưng…

Thầy nói dối.

Ý nghĩ lướt qua óc tôi.

Rõ ràng những gì thầy Chibiki nói đều là dối trá. Nếu từ “dối trá” quá nặng nề, ừm… đó là một biện pháp tuyệt vọng để vỗ về mọi người.

Không “tai ương” nào trong số những “tai ương” giáng xuống lớp chỉ đơn thuần là “sự cố bất ngờ”. Chẳng phải Takabayashi Ikuo, một trong số “người chết vào tháng Sáu” vẫn thường đau tim sao? Rồi cuối cùng mất mạng vì đau tim đấy!

Cũng không kỳ lạ lắm nếu Wakui quên kiểm tra lượng thuốc mang theo trước chuyến cắm trại, cho dù hằng ngày vẫn dùng thuốc để điều trị bệnh suyễn.

Nhưng thật khó lòng coi tình huống này là bình thường. Mọi người căng thẳng, lo lắng đã đành. Wakui trong người mang bệnh nên càng thêm áp lực khi nghe màn tranh cãi kia… Kết quả là bệnh tái phát. Khi chúng tôi cố gọi xe cứu thương, điện thoại ở nhà này bị hỏng. Hơn hết, sóng quá yếu, các điện thoại di động đều không liên lạc được.

Thực tế có quá nhiều sự trùng hợp, bất trắc cùng lúc ập đến, một minh chứng của định mệnh rủi ro đối với các lớp 9-3 vào “năm phát sinh”. Làm sao chúng tôi không nghĩ như vậy được? Nói theo kiểu của Mei, lớp học này “cận kề cái chết”…

Cuối cùng, bà Numata mang chăn quấn đến cho Wakui. Teshigawara và tôi dìu cậu ra cổng. Xe của Chibiki đang đỗ ở đường vào dành cho xe, cạnh cửa chính một chiếc xe mui kín màu bạc lấm bùn. Tôi không rõ nhãn hiệu, nhưng dám chắc xe đã cũ lắm rồi.

Lúc này đã gần 9 giờ tối.

Mưa vẫn rả rích rơi, nhưng gió dội trong đêm càng lúc càng dữ. Thậm chí thỉnh thoảng tôi nghĩ mình nghe thấy tiếng rú the thé của loài sinh vật nào đó trong rừng giữa tiếng gió xào xạc cành lá…

Khi Wakui đã yên vị ở ghế sau, tôi chạy lại chỗ thầy Chibiki. Thầy đang chuẩn bị ngồi vào ghế lái. Tôi nói với thầy, “Thầy Chibiki ơi, thật ra có việc này em…”

Cuốn băng cassette của anh Matsunaga Katsumi: tôi muốn kể cho thầy nghe, cho dù chỉ để nói lên lưu ý cơ bản nhất, nhưng lúc này thực sự chẳng còn thời gian nữa rồi.

“Sẽ không sao đâu. Tôi hứa đấy, tôi sẽ giúp Wakui.” Thầy Chibiki nói, gần như để thuyết phục chính mình.

“Dạ… Thầy đi cẩn thận nhé!”

“Ừ, em cũng phải cẩn thận. Phổi của em cũng như bom hẹn giờ đấy nhé.”

“Vâng ạ.”

“Được rồi. Tôi đi đây. Sẽ trở lại sớm nhất có thể.”

Thầy Chibiki giơ tay lên vẫy, rồi đóng cửa xe.

Nhận ra cô Mikami đang đứng cạnh mình, dù không để ý cô tới từ lúc nào, tôi quyết định hỏi, “Cô ổn chứ ạ?”

Cô quay gương mặt nhợt nhạt sang phía tôi, gật đầu. “Ừ. Đừng lo cho cô… Được chứ?” Giơ tay vuốt nhẹ mái tóc dính mưa, cô nở nụ cười yếu ớt.

“Có lẽ chúng ta nên hủy kế hoạch lên núi ngày mai.”

Giọng cô khàn khàn, “Có lẽ.” Và rồi, nụ cười mới phút trước bay biến khỏi gương mặt cô.

10

Tôi nhìn theo cho đến khi xe thầy Chibiki khuất dạng, đang trên đường trở vào thì “Sakakibara, chờ đã”.

Mei ngăn tôi lại.

“Ban nãy, cảm ơn cậu.”

“Gì…?” Câu hỏi buột khỏi miệng tôi.

“Lúc các bạn nói về tôi ở nhà ăn ấy.”

“Xời, cậu không cần…”

Chúng tôi đang đứng ở cổng vòm phía ngoài cửa chính. Mưa vẫn lất phất rơi. Ánh sáng duy nhất tỏa ra từ ngọn đèn cổng mờ mờ, Mei đứng ngược sáng nên tôi không thực sự biết khi nhìn tôi vẻ mặt cô ra sao.

“Không chỉ riêng tớ. Cả Mochizuki và Teshigawara cũng…”

“Cảm ơn,” cô lặp lại, gần như thì thầm, rồi tiến lại gần hơn một chút. “Lát nữa cậu sang chỗ tôi nhé?”

Lại câu “Gì…?” từ tôi.

“Tôi không ở chung phòng với ai cả.”

Có năm nữ sinh tham gia chuyến đi. Khi xếp hai người vào một phòng, sẽ còn dư ra một người. Tất nhiên người đó chính là Mei.

“Tôi ở phòng 223, phòng cuối của dãy đối diện phòng cậu.”

“Có tiện không?”

“Tôi từng bảo sẽ nói vài điều với cậu sau, nhớ chứ? Tôi muốn giữ lời.”

“Được.”

“Mà này…”

Lúc ấy, qua vai Mei, tôi nhìn thấy Teshigawara. Cậu đứng trước cửa, nhìn chúng tôi với vẻ “ái chà, ái chà!” hiện rõ trên mặt.

Tôi cuống lên, không đợi Mei nói xong đã bảo, “Được rồi, được rồi. Tớ hiểu mà.”

“10 giờ được không?”

“Hiểu rồi. Tớ sẽ đến.”

“Được.”

Mei xoay gót rồi một mình tiến vào nhà. Tôi chờ một lúc mới bước vào theo. Đúng như dự đoán, tôi vừa băng qua ngưỡng cửa, Teshigawara hiện ra.

“Này này.” Cậu đấm lưng tôi. “Xuất sắc lắm, Sakaki. Tớ nghe thấy các cậu lên kế hoạch hẹn hò.”

“Này, cậu nói ‘hẹn hò’ là ý gì? Không phải thế.”

“Đừng xấu hổ mà! Tớ sẽ không kể cho ai cả đâu.”

“Dẹp! Cậu chỉ giỏi tưởng tượng. Tớ và Misaki có chuyện quan trọng cần bàn, được chứ?”

“Chuyện quan trọng về tương lai hai người à?”

Những lời châm chọc liên tiếp của Teshigawara khiến tôi phát cáu, tôi bảo cậu ấy, “Nghe này, tớ bực rồi đấy!”

Teshigawara vui vẻ giơ tay làm điệu bộ đỡ đòn “òa òa”. Nhưng…

Tôi chợt nhận ra, bất chấp lời nói và hành động vừa rồi, trong mắt cậu ấy chẳng có tí nét cười nào.