Chương 7: June II

Another

Đăng vào: 11 tháng trước

.

1

Chị Mizuno đã chết.

Tôi nhận được tin dữ chiều hôm ấy. Dù thông tin cho đến lúc đó chỉ là có tai nạn xảy ra ở bệnh viện, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Giữa cuộc gọi buổi trưa…

Chắc chắn một tai nạn bất thường đã ập đến với chị. Nhưng dù tôi gọi lại bao nhiêu lần, vẫn chẳng thấy ai bắt máy. Kết quả là tôi không thể xác minh sự tình, và phải chịu đựng cơn nôn nóng và bất an trong suốt khoảng thời gian đó.

“Mizuno? Cô y tá à?” Khi nghe tin, bà ngoại rất kinh ngạc. Hồi tháng Tư, khi đến bệnh viện chăm nom tôi, bà cũng thường gặp chị Mizuno. “Mizuno… Sanae, phải không? Hai cháu có vẻ rất hợp. Thường cùng nhau tán gẫu về sách.”

“Dì từng gặp cô ấy một lần. Hôm đó dì đến thăm cháu, vừa lúc…” Dì Reiko trông rất buồn. Sau bữa tối, dì lại uống thuốc như đêm trước. Chắc là dì bị đau đầu nữa.

“Chị ấy còn trẻ quá. Hy vọng các em trai vượt qua được.”

“Cô ấy có em trai sao?” Bà ngoại hỏi.

Tôi đáp, “Có một cậu tên là Takeru, học chung lớp cháu.”

“Ôi chao.” Bà trợn tròn mắt. “Thật đáng thương. Không phải gần đây lớp cháu cũng có một cô bé mất vì tai nạn ư?”

Tôi cau mày ngẫm nghĩ, cảm thấy đau nhói nơi thái dương. “Họ bảo đã có một tai nạn ở bệnh viện. Không biết là chuyện gì.”

Chẳng ai có thể trả lời tôi.

Nhưng thứ âm thanh kinh khủng mà tôi nghe thấy qua điện thoại lại văng vẳng bên tai. Tiếng rên đau đớn của chị Mizuno như bị nuốt chửng bởi những tạp âm ồn ã. Không thể chịu đựng thêm nữa, tôi nhắm nghiền mắt. Tôi đã muốn kể cho người nhà về chuyện diễn ra lúc trưa. Nghĩ lại thì chẳng có lý do gì để tôi do dự, ấy vậy mà…

Tôi đã không kể cho họ. Không, tôi không thể kể cho ai. Lòng trĩu nặng một cảm giác tội lỗi không tài nào rũ bỏ được.

Ông ngoại đang im lặng, bỗng cất tiếng “À, à…” khàn đặc. Đưa hai tay bưng trán, ông nói, “Khi có người chết, phải làm đám tang. Ta, ta không muốn dự thêm đám tang nào nữa.”

Vì một lý do nào đó, chắc là vì muốn tránh ngày gở, lễ viếng được dời đi một ngày, và tang lễ sẽ diễn ra vào hôm sau, thứ Bảy. Thứ Bảy sao? À, là ngày 6 tháng Sáu.

Em xem The Omen chưa?

Tôi vẫn nhớ rõ câu chuyện giữa tôi và chị lúc ở nhà hàng. Bởi vì nó mới chỉ diễn ra hôm qua.

Dù sao, chúng ta cũng phải cẩn thận. Nhất là với những tai nạn hi hữu.

Và giờ chị Mizuno đã chết.

Ngày kia là lễ viếng chị ấy, hôm sau là lễ tang. Thật khó mà tin được. Khi ấy tôi chỉ thấy bị sốc. Những cảm xúc như buồn đau vẫn chưa đến kịp.

“Ta không muốn dự đám tang nào nữa.”

Ngồi nghe ông ngoại nói đi nói lại như tụng kinh, hai từ “đám tang” đã khoét một lỗ đen sâu trong tim tôi. Trước khi tôi kịp nhận ra, xung quanh nó đã dần chuyển thành vòng xoáy đen tối, và chẳng biết từ đâu, một âm thanh trầm thấp trỗi lên. Rưmmmm…

Tôi lại nhắm chặt mắt. Cùng lúc ấy, có thứ gì đó trong tâm thức tôi ngừng lại.

2

Ngày hôm sau, 4 tháng Sáu, không khí nặng nề bao trùm phòng học lớp 9-3 trong tiết đầu giờ.

Em trai chị Mizuno không đi học. Đến khi kết thúc tiết thứ hai, tin đồn rằng cậu ta nghỉ do đám tang đột ngột của chị đã lan ra khắp lớp. Trong tiết thứ ba, trước khi bắt đầu môn Ngữ văn, thầy chủ nhiệm Kubodera đã chính thức xác nhận đây là sự thật. “Hôm qua, chị của Mizuno không may gặp tai nạn…”

Ngay lập tức, cả lớp im phăng phác. Trong tích tắc, tất cả học sinh dường như ngừng thở.

Như muốn làm cho sự việc tệ hại hơn, đúng lúc ấy Misaki Mei bước vào lớp. Chẳng thèm xin lỗi vì đến muộn, cũng chẳng màng để tâm đến chuyện gì, cô lặng lẽ ngồi xuống ghế. Dõi theo từng cử chỉ của cô, tim tôi không khỏi giật thon thót. Rồi tôi để ý đến phản ứng của mọi người trong lớp.

Không một ai quay sang nhìn Mei. Tất cả, kỳ lạ thay, đều dõi mắt về trước. Thầy Kubodera cũng vậy. Thầy chẳng nhìn Mei hay nói bất cứ lời nào. Cứ như thế…

Đúng vậy, như thể chưa từng có học sinh nào tên Misaki Mei trong lớp. Như thể cô không tồn tại.

Hết giờ Ngữ văn, tôi vội rời bàn đến chỗ Mei.

“Theo tớ,” tôi nói rồi kéo cô ra hành lang. Phớt lờ chuyện sẽ có người nghe lỏm, tôi hỏi, “Cậu nghe chuyện xảy ra với Mizuno chưa?”

Mei ra chiều không hiểu, “Gì cơ?” Quả nhiên cô chưa biết chuyện. Con mắt không bị che nhấp nháy như thắc mắc.

“Chị của Mizuno vừa mất hôm qua.”

Có lẽ tôi đã thấy sự ngạc nhiên xâm chiếm gương mặt Mei trong chốc lát. Nhưng nó cũng biến mất ngay sau đó.

“Ra vậy.” Giọng cô vô cảm. “Chị ấy bị bệnh? Hay là gặp tai nạn?”

“Nghe bảo là tai nạn.”

“Vậy à?”

Vài học sinh đang xúm lại gần cửa ra vào. Có một số người mà tôi biết mặt và tên, nhưng chưa từng trò chuyện. Nakao, Maejima, Akazawa, Ogura, Sugiura…

Teshigawara cũng nằm trong số đó. Cậu ta chẳng nói thêm lời nào với tôi kể từ trưa hôm qua.

Tôi biết là họ đang quan sát từ xa, như muốn trông chừng diễn tiến của sự việc.

Có khi nào…? Giờ thì tôi phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Có khi nào hiện giờ họ chỉ trông thấy mỗi mình tôi?

Và…

Khi tiết học kế bắt đầu, Mei đã biến mất khỏi lớp. Như thường lệ, chẳng ai ngoài tôi để tâm.

Vừa được nghỉ trưa, tôi lập tức đến bàn Mei và quan sát thật kỹ, chiếc bàn nằm ở dãy cuối gần cửa sổ hướng ra sân. Bàn làm bằng gỗ, hình dạng khác biệt với những chiếc bàn học trong phòng. Ghế ngồi cũng vậy. Trông chúng như đã được dùng từ hàng chục năm trước. Một cặp bàn ghế cũ kỹ.

Tại sao? Tôi tự hỏi, cảm thấy khó hiểu. Tại sao chỉ có bàn Mei là như vậy?

Đến nước này, tôi chẳng còn màng đến những cái nhìn soi mói xung quanh và ngồi xuống ghế. Mặt bàn gồ ghề và đầy vết rạch. Khó mà làm bài thi trắc nghiệm trên này, và nếu muốn viết lên giấy hẳn phải dùng một tấm lót bên dưới.

Có vô số hình vẽ nguệch ngoạc bên cạnh những vết rạch. Hầu hết chúng đã cũ, hệt như chiếc bàn vậy. Một số được vẽ bằng chì, số khác viết bằng bút bi, một số bị khắc vào bằng đầu compa. Một số thì sắp phai hết, số khác chỉ mơ hồ đọc được. Và ở giữa chúng…

Mắt tôi nhìn như dính vào một dòng chữ có vẻ được viết mới đây.

Một hàng chữ nhỏ viết bằng mực xanh nằm ở cạnh phải của bàn. Dù không có cách nào phân biệt nét chữ, nhưng vừa trông thấy, tôi đã biết chắc chúng là của Mei.

“Kẻ đã chết” là ai?

Dòng chữ chỉ có vậy.

3

“Cô Mikami sao thế nhỉ?” Đang ngồi cạnh tôi ở bàn vẽ, Mochizuki Yuya bỗng lẩm bẩm, “Không biết có bị ốm không nữa. Hôm trước trông cô rất uể oải…”

Tiết thứ năm là giờ Mỹ thuật của cô Mikami, nhưng cô không có trong phòng tranh ở tầng trệt Khu o.

Một giáo viên Mỹ thuật khác đã vào lớp lúc đầu giờ, thông báo “Cô Mikami hôm nay nghỉ,” và dặn qua loa rằng chúng tôi phải tự ôn tập, rằng “mỗi em hãy tự vẽ bàn tay mình bằng bút chì,” – một bài tập tẻ ngắt. Giáo viên vừa rời khỏi phòng, trong lớp phát ra nhiều tiếng thở dài chán nản. Cũng dễ hiểu.

Tôi mở bản vẽ, và rồi – ờ thì, tại sao không chứ? – đặt tay trái lên bàn, chăm chú nhìn. Thú thật, càng nhìn càng thấy hứng thú tuột dốc không phanh. Biết vậy tôi đã mang một quyển sách theo, dù hiện tại thì tôi không có hứng đọc truyện của King, Koontz hay Lovecraft.

Nhìn sang Mochizuki, anh chàng cuồng Munch, tôi thấy cậu ta cũng chẳng định vẽ bàn tay nào. Nhưng bản vẽ của Mochizuki không trắng trơn, cậu ta đang vẽ dở một bức tranh bằng bút máy. Là chân dung. Chỉ nhìn qua cũng đủ biết người mẫu là cô Mikami.

Tên này bị sao thế? Tôi gần như muốn thốt thành tiếng.

Thực sự rất thích cô giáo sao? Cậu nhóc này á? Yêu một cô giáo ít nhất phải trên mình mười tuổi? À thì mỗi người có một sở thích riêng.

Dù sao, tôi cũng phát chán khi cậu ta lẩm bẩm về cô Mikami, “… Không thể nào.” Bỗng nhiên Mochizuki nhìn sang tôi, “Nè, Sakakibara…”

“G… Gì cơ?”

“Cô Mikami không bị bệnh nan y đấy chứ?”

“Hả? Ơ…” Tôi chỉ biết câm nín, sau cùng cũng nói được một lời để đáp lại, “Chắc cô ấy khỏe thôi.”

“Có lẽ cậu đúng.” Giọng Mochizuki như trút được gánh nặng. “Không, tất nhiên là cậu đúng. Làm gì có chuyện như thế chứ. Phải rồi.”

“Cậu lo đến vậy sao?”

“Coi nào. Sakuragi và mẹ cậu ấy vừa mất, giờ lại đến chị của Mizuno. Nên tớ sợ.”

“Ý cậu là những chuyện này có liên quan?” Tôi đặt thẳng vấn đề. “Đúng là có chuyện xảy ra với Sakuragi và gia đình của Mizuno, nhưng giả sử sẽ có chuyện xảy ra với cô Mikami đi. Cậu đang bảo là chúng có liên quan với nhau? Có mối liên hệ gì sao?”

“À, thì…” Mochizuki đang trả lời lại ngậm miệng. Cậu ta nhìn đi chỗ khác như muốn tránh câu hỏi của tôi rồi thở dài. Trời, đến cả cậu nhóc này cũng có điều muốn giấu tôi.

Tôi định sẽ gây áp lực thêm, nhưng khi nghĩ kỹ lại, tôi đành đổi chủ đề “Câu lạc bộ Mỹ thuật sao rồi? Có tất cả mấy thành viên?”

“Mới năm người thôi.” Mắt Mochizuki lại hướng về tôi “Cậu tham gia à?”

“Đâu nào.”

“Cậu nên tham gia.”

“Nếu cậu đang cần người thì cứ quên tớ đi. Misaki thì sao?”

Tôi cố ý nhắc để đặt áp lực lên cậu ta. Mochizuki lúng túng, phản ứng đúng như tôi nghĩ. Cậu ta không trả lời, im lặng quay đi. Lần này còn nín thở nữa.

“Bạn ấy vẽ đẹp lắm,” tôi tiếp tục, chẳng quan tâm.

“Tớ đã thấy vài bức trong bản vẽ của bạn ấy.”

Ừ. Lúc đó là ở thư viện phụ. Hôm ấy tôi đi ngang qua cùng Mochizuki và Teshigawara sau giờ Mỹ thuật.

Những bức vẽ thiếu nữ xinh xắn với khớp tròn trên cơ thể, giống như búp bê.

Sau cùng tôi sẽ cho cô ấy cặp cánh thật to. Mei đã nói như thế. Không biết cô ấy đã vẽ thêm đôi cánh chưa? Tôi đóng sổ ký họa lại và từ bỏ việc chất vấn Mochizuki vì cậu ta chỉ toàn lảng tránh và không thèm đáp lại tôi. Giờ Mỹ thuật chưa bắt đầu quá ba mươi phút, nhưng tôi quyết định bỏ bài tập tự luyện này.

“Cậu đi đâu thế?” Mochizuki hỏi khi thấy tôi đứng dậy.

“Đến thư viện. Thư viện phụ,” tôi cố tình đáp ngắn gọn. “Tớ cần tìm hiểu một thứ.”

4

Khi tôi nói với Mochizuki rằng cần tìm hiểu một việc, đó gần như là nói thật. Phần còn lại trong hai chữ “gần như” thì tôi thầm hy vọng sẽ gặp được Mei.

Nhưng hy vọng vẫn chỉ là hy vọng.

Không có học sinh nào ở đó. Người duy nhất trong thư viện cũ là thủ thư Chibiki.

“Một gương mặt quen thuộc đây.” Ông cất tiếng từ sau cái quầy ở góc phòng. Hôm nay ông cũng mặc toàn đồ đen, mái tóc bạc vẫn bù xù như trước. Qua tròng kính gọng đen lỗi thời, ông chăm chăm nhìn tôi.

“Sakakibara, học sinh chuyển trường.” Chibiki gọi tên tôi. “Lớp 9-3, phải không? Trí nhớ của tôi không quá tệ. Sao em không đến lớp?”

“Giờ Mỹ thuật ạ, và giáo viên nghỉ nên bọn em được tự học.”

Tôi nói tất cả các sự việc một cách thành thật, người thủ thư áo đen không tra hỏi thêm.

“Tôi có thể giúp gì?” Ông hỏi. “Ít khi thấy học sinh đến đây, thường là vậy.”

“Ừm, em đang tìm một thứ.” Tôi lại nói rõ ý mình.

Bước chầm chậm đến quầy thủ thư, tôi hỏi, “Ở đây có kỷ yếu cũ không ạ?”

“Ô hô, kỷ yếu ư? Chúng ta có cả bộ.”

“Được phép xem không thầy?”

“Được.”

“Vậy, ừm…”

“Tôi nhớ là chúng ở kia.” Cuối cùng ông đứng lên rồi đưa tay ra trước, trỏ một kệ sách đặt nơi góc tường hướng ra hành lang, bên phải lối vào. “Chúng nằm trên kệ thứ hai từ trong ra. Ở khúc đó. Cao cỡ em chắc không cần bắc ghế.”

“Vâng, cảm ơn thầy.”

“Em tìm năm nào?”

“À…”, tôi hơi lúng túng. “Hai mươi sáu năm trước. Kỷ yếu năm 1972.”

“Năm 72?” Chân mày người thủ thư già cau lại khi nhìn sang tôi. “Tại sao em muốn xem kỷ yếu năm đó?”

“Thật ra…” Tôi cố giữ bình tĩnh rồi trả lời một câu vô thường vô phạt. “Mẹ em tốt nghiệp trường ta năm đó. Mẹ, ừm, mẹ chết trẻ và em không có nhiều hình của mẹ, vậy nên…”

“Mẹ của em?” Ánh mắt người thủ thư dịu đi ít nhiều. “À. Được rồi. Nhưng đúng trong năm 72 sao.”

Câu cuối giống như ông đang tự lẩm bẩm. “Em sẽ dễ dàng tìm được nó thôi. Nhưng không được mượn về nhé. Xem xong nhớ để lại chỗ cũ. Rõ chưa?”

“Em nhớ rồi.”

Tôi chỉ mất khoảng hai, ba phút là tìm được quyển sổ. Đặt nó xuống bàn, tôi đi kéo ghế. Và rồi, khi đã điều hòa nhịp thở, tôi lật phần bìa ngoài có khắc dòng chữ “Trung học Bắc Yomi” ốp nhũ bạc.

Đầu tiên, tôi tìm trang có lớp 9-3. Chỉ chốc lát, tôi đã thấy hai trang liền kề, trang bên trái gần một tấm hình màu chụp chung, còn bên phải là chân dung đen trắng của từng học sinh.

Khi xưa có nhiều học sinh hơn bây giờ. Khoảng hơn bốn mươi người một lớp.

Cảnh nền của tấm hình chụp chung là một nơi bên ngoài trường. Có lẽ là bờ sông Yomiyama. Mọi người đang mặc đồng phục mùa đông. Họ đều cười, nhưng dễ thấy có sự căng thẳng rõ rệt.

Mẹ tôi… Mẹ ở đâu? Nếu chỉ nhìn ảnh chắc sẽ không dễ tìm ra. Tôi đành dò theo những cái tên bên dưới.

Đây rồi. Là tấm này.

“Mẹ…” Âm thanh bất giác buột khỏi miệng tôi.

Hàng số hai, thứ năm từ phải sang. Mẹ mặc áo khoác xanh biển hệt như đồng phục nữ hiện giờ, kẹp chiếc kẹp tóc màu trắng và đang mỉm cười. Nhưng khuôn mặt cũng căng thẳng.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy hình mẹ thời trung học. Tôi nhận ra trông mẹ trẻ thế nào, hay phải nói là trông ngô nghê thế nào. Xét theo tuổi, dễ thấy được rằng mẹ tôi và dì Reiko thực sự có gương mặt rất giống nhau.

“Em tìm ra chưa?” Chibiki hỏi.

Vẫn không ngẩng lên, tôi chỉ trả lời “Dạ” và kiểm tra từng cái tên bên dưới. Tôi muốn tìm xem có người nào tên “Misaki” không. Nhưng…

Chẳng có lý do nào để tên người này xuất hiện trong kỷ yếu. Misaki đã chết vào mùa xuân cùng năm, và mãi sau này trường mới làm kỷ yếu. Vì thế tên người đó không thể xuất hiện được.

“Mẹ em học lớp nào?”

Người thủ thư lại hỏi. Giọng ông thân thiện hơn khi nãy. Tôi quay sang, ngạc nhiên vì thấy ông đã rời quầy và đến đứng cạnh mình.

“Em nghe nói cũng là lớp 9-3 ạ.”

Chân mày ông cau lại, “Hử?” Chibiki đặt tay lên cạnh bàn rồi cúi xuống nhìn kỷ yếu. “Người nào là mẹ em?”

“Đây ạ.”

Tôi chỉ vào hình bà trong bức ảnh. “Để xem.” Ông thủ thư nâng kính lên cao rồi dí mặt vào quyển sổ. “À, Ritsuko phải không?”

“Vâng, mà thầy biết mẹ em ạ?”

“Ừ thì tôi cũng có biết.”

Chibiki lảng tránh câu hỏi trên và rời khỏi bàn. Nhận ra tôi đang dõi theo, ông đưa tay bới lên mái tóc rối bù. “Con trai của Ritsuko. Tôi đã không nhận ra…”

“Mẹ đã mất mười lăm năm trước, sau khi sinh hạ em.”

“Ồ, tức là… À, phải rồi. Ra vậy.”

Tôi cố không hỏi ông nghĩ ra gì, và lại nhìn xuống quyển kỷ yếu trên bàn. Hàng số hai, thứ năm từ phải sang. Tôi nhìn gương mặt mẹ, mỉm cười dù đang căng thẳng, rồi nhìn những bạn học xung quanh, và…

Hở? Tôi phát hiện ra một điều và phải chớp mắt. Nhận thấy mình đang nửa đứng nửa ngồi, tôi ngồi hẳn xuống ghế để nhìn kỹ hơn. Đúng lúc đó…

“Hóa ra cậu ở đây, Sakakibara.”

Cánh cửa thư viện mở tung và một học sinh chạy vào, đúng lúc tiếng chuông hết tiết thứ năm vang lên. Là Kazami Tomohiko.

“Thầy Kubodera đang tìm kìa. Thầy bảo cậu đến phòng giáo vụ ngay.”

5

“Em là Sakakibara Koichi nhỉ?”

Có hai người đàn ông lạ mặt, trong đó người mặt tròn trĩnh độ tuổi trung niên đang nói chuyện với tôi.

Tựa như muốn xoa dịu sự căng thẳng của tôi, giọng ông hòa nhã hơn mức cần thiết, nhưng cũng không hề do dự khi tra hỏi. “Em biết chuyện xảy ra với cô Mizuno làm việc ở bệnh viện công Yumigaoka rồi chứ?”

“Rồi ạ.”

“Hai người có thân không?”

“Chị ấy đã tận tình chăm sóc khi cháu nằm viện vào tháng Tư, nên…”

“Hai người thường gọi điện cho nhau?”

“Dạ, có đôi lần.”

“Trưa hôm qua, khoảng 1 giờ, em đã nói chuyện với cô ấy trên điện thoại?”

“Vâng ạ.”

Thầy Kubodera cho gọi tôi. Lúc tôi đến phòng giáo vụ thì đã có hai sĩ quan mặc thường phục của đội cảnh sát hình sự Yomiyama đợi sẵn, hay có thể gọi họ là thám tử. Một nhóm hai người, theo đúng như quy định. Người cảnh sát lớn tuổi hơn tên Oba có khuôn mặt tròn phúc hậu, trái lại, người trẻ hơn có gương mặt gầy gò, cằm nhọn, lại đeo cặp kính to gọng xanh thẫm trông chẳng khác gì con chuồn chuồn, tên anh ta là Takenouchi.

“Bọn tôi muốn hỏi vài chuyện. Thầy đây đã cho phép. Em không phiền chứ?”

Takenouchi là người nói câu trên, vài phút trước, khi chúng tôi vừa gặp. Mặc dù không đến mức phản cảm, ngữ điệu của anh ta tạo ra cảm giác tôi chỉ là “một thằng nhóc học trung học”.

“Lát nữa lớp có tiết chủ nhiệm.” Thầy Kubodera thêm vào. “Nhưng nếu em có việc thì đến trễ một chút cũng được.”

Ngay sau đó, chuông báo tiết thứ sáu vang lên, thầy Kubodera bàn giao sự vụ ở đây cho một thầy giáo khác rồi vội vàng bỏ đi.

Ở một góc phòng là vài chiếc sofa, nơi tôi đang ngồi đối diện hai thám tử. Người thầy được nhờ vả tự giới thiệu là “Yashiro, giáo viên tư vấn” ngồi xuống cạnh tôi. Chắc nhà trường không muốn để học sinh ở một mình trong trường hợp này.

“Em đã biết cô Mizuno Sanae thiệt mạng vào hôm qua nhỉ,” Oba tiếp tục với giọng điệu như đang nịnh trẻ con.

“Dạ.”

“Cả nguyên nhân khiến cô ấy chết?”

“Không ạ, cháu chưa được kể chi tiết. Chỉ nghe nói có tai nạn ở bệnh viện.”

“Ra vậy.”

“Sáng nay em không xem báo sao?” Takenouchi hỏi xen vào. Tôi chỉ lắc đầu. Thật ra nhà ông bà ngoại không đăng ký nhận báo, mà cũng không có ai mở ti vi đêm qua.

“Đã có sự cố thang máy,” Takenouchi cho biết.

Tôi cũng phần nào đoán được. Có vài lời xì xầm lan truyền trong lớp. Nhưng khi chính tai nghe được từ miệng một viên cảnh sát, tôi vẫn cảm thấy tê liệt cả người, vì choáng váng.

“Thang máy rơi, ở khu nội trú. Mizuno là người duy nhất bên trong, và chịu toàn bộ sức nặng khi thang đổ sập xuống đất. Chấn động còn khiến một xà ngang bung khỏi trần,” viên thám tử trẻ thuật lại với giọng lạnh lùng, “Không may là nó rơi vào đầu cô gái.”

Tôi chẳng biết phải nói gì.

“Nguyên nhân tử vong là chấn thương sọ não. Khi được đưa ra khỏi hiện trường, nạn nhân đã hoàn toàn bất tỉnh. Các bác sĩ ở bệnh viện cũng cố hết sức, nhưng cô ấy không qua khỏi.”

“Dạ, vậy thì…” Tôi dè dặt hỏi. “Liệu có điều gì khả nghi trong tai nạn này không ạ?”

Có lẽ đây chính là lý do có thám tử điều tra, tôi nghĩ.

“Ồ, không, chỉ là tai nạn thông thường thôi,” thám tử trung niên đáp. “Một tai nạn không may và thảm khốc. Nhưng khi thang rơi ở bệnh viện, thì có một vài vấn đề cần phải làm rõ, ví như xác định nguyên nhân và điều tra người chịu trách nhiệm. Thế nên chúng tôi phải vào cuộc.”

“À.”

“Điện thoại của cô Mizuno rơi xuống sàn thang máy. Lịch sử cuộc gọi chỉ ra tên và số điện thoại của em Sakakibara đây. Hơn nữa chúng tôi thấy thời gian gọi đúng vào 1 giờ trưa, khi tai nạn đang xảy ra. Nên có căn cứ cho thấy em là người cuối cùng nói chuyện với nạn nhân.”

À. Nghe tới đây, mọi chuyện đã sáng tỏ.

Có một người biết được chuyện diễn ra trước và sau tai nạn. Cảnh sát tìm ra rằng người đó là một học sinh trung học đang nói chuyện điện thoại cùng nạn nhân, Sakakibara Koichi. Quả đúng như vậy, đúng là hôm qua tôi đang nghe điện khi tai nạn diễn ra.

Nhưng không phải họ đến hơi trễ ư? Suy nghĩ đó chợt hiện trong đầu tôi. Dễ hiểu là không khí sau tai nạn hỗn loạn thế nào, nhưng…

Bị họ thúc giục, tôi điểm lại những gì mình trải qua. Hôm qua, vào giờ nghỉ trưa, tôi nhận được điện thoại của chị Mizuno. Chúng tôi nói chuyện như bình thường, nhưng mọi thứ đột ngột thay đổi khi chị ấy rời sân thượng vào trong thang máy. Ngay sau đó tôi đã nghe được một tiếng động khủng khiếp, có tiếng như điện thoại rơi, rồi một giây sau là tiếng rên đau đớn của chị trước khi cuộc gọi bị ngắt. Tất cả dường như khớp với những thông tin về tai nạn.

“Em đã kể cho ai chưa?”

“Khi sự cố xảy ra, cháu không đoán được ngay đấy là chuyện gì. Cháu lập tức gọi lại cho chị ấy nhưng không được.” Vất vả lắm mới giữ được bình tĩnh, tôi thuật lại hành động của mình hôm trước. “Nhưng vì vẫn lo rằng có chuyện tồi tệ xảy ra, nên cháu đi tìm Mizuno.”

“Ai cơ?”

“Mizuno Takeru. Em trai chị Mizuno. Cậu ấy học cùng lớp. Khi cháu kể những điều mình nghe được trong điện thoại, cậu ấy không hiểu nên chẳng quan tâm lắm.”

Cậu đang nói cái quái gì thế? Vớ vẩn thật.

Đó là phản ứng của Mizuno. Giận dữ, nhưng cũng hết sức bối rối.

Đừng kể mấy chuyện điên rồ cho chị tôi nữa. Có biết cậu đã gây phiền phức thế nào không?

Điều duy nhất tôi nghĩ đến sau đó là gọi cho bệnh viện.

Trạm y tá ở khu nội trú nhận điện, và giúp tôi tìm chị Mizuno. Nhưng họ không thấy chị ấy, đúng như tôi đoán, không lâu sau ở đầu bên kia trở nên rối loạn. Về sau, dù gọi đến bao nhiêu lần tôi cũng chỉ nhận được tín hiệu bận. Tôi chẳng còn cách nào nữa.

“Cô ấy đã ở trên sân thượng, đúng không?” Oba ghi nhận. “Rồi cô ấy vào thang máy, và ngay sau đó… Ra là thế.” Viên thám tử trung niên gật gật đầu rồi viết vào sổ.

“Nguyên nhân xảy ra sự cố là gì ạ?” Tôi hỏi.

“Còn đang điều tra,” viên thám tử trẻ đáp. “Điều chúng ta biết hiện giờ là thang rơi vì đứt cáp. Thang máy có rất nhiều biện pháp bảo đảm an toàn đáng lẽ chuyện này không thể xảy ra. Dù sao tòa nhà cũng có tuổi đời trên vài thập kỷ, và dường như họ đã áp dụng nhiều cải tiến không cần thiết trong thời đó. Thang gây tai nạn nằm tít phía sau, thậm chí còn được gọi là ‘thang máy nội bộ’. Bệnh nhân không được phép dùng nó, thường thì nhân viên cũng không sử dụng.”

“Em có biết cái thang ấy không, Sakakibara?”

“Không ạ, cháu chưa hề nghe đến.”

“Dù thế nào, ngoài việc thang đã quá hạn sử dụng, còn có nghi vấn trong việc bảo dưỡng.”

“Vậy ạ?”

“Đúng là đã có tai nạn xảy ra. Hơn nữa chúng ta đang nói đến công trình công cộng, dĩ nhiên sẽ gây ra hoang mang. Dù thế nào thì ngày nay tai nạn gây tử vong vì thang rơi rất hiếm. Có thể nói là cô gái đã quá xui xẻo.”

Chúng ta cũng phải cẩn thận.

Lời của chị Mizuno lại vang lên trong đầu tôi lần nữa.

Nhất là với những tai nạn hi hữu.

6

Tiết học thứ sáu bắt đầu, tôi thoát khỏi “cuộc điều tra” của cánh thám tử đã được ba mươi phút.

Tôi rời phòng giáo vụ rồi hộc tốc chạy về lớp, nhưng tiếp đón tôi là một sự bất ngờ khác. Phòng học lớp 9-3 chẳng có lấy một bóng người.

Nhìn quanh, tôi thấy cặp xách và tư trang của lớp vẫn còn. Vậy là không phải họ sinh hoạt xong rồi về sớm, tức là…

Cả lớp đã cùng đến nơi nào khác? Tôi chỉ nghĩ được thế…

Akazawa Izumi.

Tên một học sinh được viết thật lớn chính giữa bảng.

Akazawa Izumi.

Cô bạn này có vẻ ngoài kiều diễm, tính cách cứng rắn và trưởng thành. Với vóc dáng và cá tính đó, cô luôn được bạn bè bao quanh, và là tâm điểm giữa đám đông.

Cơ bản thì trái ngược hẳn với Mei, nhỉ? Dù vậy, có một số điều về Akazawa khiến tôi phải bận tâm. Hồi tháng Năm, vào ngày đầu tiên đến lớp tôi nhớ Akazawa Izumi đã vắng mặt. Rồi trong giờ Thể dục hôm ấy, Sakuragi Yukari nghỉ tập vì bị đau chân có đến nói chuyện cùng tôi.

Mình phải thực hiện cho đúng, bằng không Akazawa sẽ nổi đóa lên mất . Tôi vẫn còn nhớ những lời cô ấy tự lẩm bẩm. Như thế là sao? Rồi cuộc gọi đột ngột của Teshigawara hôm trước nữa. Tớ gọi vì tưởng cậu đang gặp rắc rối. Sau câu đó, cậu ta còn tiếp tục. Akazawa đang nổi điên lên đây. Có khi bọn ấy sẽ bày thêm vài pha náo loạn nữa cho coi.

“Ồ, Sakakibara.”

Tôi quay về hướng phát ra tiếng nói, và thấy thầy Kubodera. Thầy đi vào từ cánh cửa phía cuối lớp, như thể vừa theo sau tôi. “Nói chuyện với cảnh sát xong chưa em?”

“Rồi ạ.”

“Ừ. Vậy em có thể về.”

“Mọi người đâu ạ?”

“Lớp vừa chọn được nữ cán sự lớp mới, là Akazawa.”

“Ồ?” Vậy ra đó là lý do có tên cô ta trên bảng.

“Mọi người đâu ạ?”

Thầy Kubodera phớt lờ câu hỏi của tôi.

“Em về được rồi đấy,” thầy lặp lại. “Chuyện của chị trò Mizuno chắc đã khiến em căng thẳng nhiều. Nhưng đừng lo lắng quá nhé! Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nếu cả lớp cùng cố gắng, thầy tin chắc chúng ta sẽ vượt qua.”

“Dạ.”

“Em có đồng ý không?” Dù đang nói chuyện với tôi, đôi mắt của thầy Kubodera lại hướng về phía bục giảng trống người. “Chúng ta nhất định phải tuân theo quyết định của lớp. Được chứ?”

7

Hôm sau, thứ Bảy mùng 6 tháng Sáu. Tôi nghỉ học, đến bệnh viện công Yumigaoka. Nếu là bình thường, hẳn tôi đã đi gặp chị Mizuno, nhưng…

Ngay lúc này đây lễ tang của chị đang diễn ra ở đâu đó trong thị trấn. Tôi nghĩ thế trên đường tới khoa hô hấp ở khu ngoại trú. Bác sĩ điều trị đứng tuổi xác nhận bằng giọng chắc nịch, “Với tình trạng này, cháu sẽ không sao.” Khám xong, tôi một mình sang khu nội trú.

Dù chỉ một lần, tôi cũng muốn tận mắt quan sát hiện trường vụ tai nạn đã khiến chị Mizuno thiệt mạng.

Đúng như lời viên thám tử, “thang nội bộ” nằm ở vị trí rất khó tìm, tận sâu trong trần nhà cũ nhằng nhịt phức tạp của khu nội trú. Mất một lúc tôi cũng tìm được đường tới đó, nhưng thang đã bị niêm phong, vài dải băng vàng của cảnh sát chăng ngang trước cửa.

Tại sao hôm đó chị Mizuno, một y tá mới vào làm, lại dùng cái thang máy mà đến nhân viên bệnh viện cũng ít khi dùng? Có khi nào chị ấy vẫn hay dùng nó? Hay chỉ nhất thời đi vào? Hiện giờ, những điều này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Tôi lên sân thượng bằng thang máy khác.

Thời tiết khá ẩm ướt, trên trời điểm vài gợn mây và không có gió.

Tôi bước từ đầu này đến đầu kia sân thượng, cảm giác như sẽ có tiếng gọi “Chuyện gì thế, Anh Chàng Kinh Dị?” bất cứ lúc nào. Rồi tôi dừng chân, lấy khăn lau mồ hôi trên mặt. Hay có lẽ là cả nước mắt.

“Tại sao chứ, chị Mizuno?” Tôi lẩm bẩm trong vô thức. Ngực tôi như thắt lại trước sức nặng vừa ập đến của thứ hiện thực trống rỗng mang tên “cái chết”.

Chầm chậm điều hòa hơi thở, tôi tựa vào hàng rào rồi nhìn ra quang cảnh của thị trấn Yomiyama. Tôi nhớ lại hồi vào thăm, dì Reiko từng chỉ cho tôi xem khung cảnh xa xăm nhìn từ cửa sổ bệnh viện. Những rặng núi trải dài phía xa. Asamidai là ngọn núi nào nhỉ? Con sông Yomiyama chảy ngang qua thị trấn. Bên bờ kia là sân thể thao của trường Bắc Yomi…

Hôm qua, khi quay lại trường, điều đầu tiên tôi làm là tìm Mochizuki Yuya hỏi chuyện.

“Mọi người đã đi đâu vào tiết chủ nhiệm bù?”

Tôi hỏi câu hỏi vẫn đang lẩn quẩn trong đầu, nhưng Mochizuki trả lời không mấy rõ ràng.

“Bọn tớ đến khu T.”

“Khu T. Khu phòng học chuyên biệt ấy hả?”

“Ở đó có một phòng họp cho phép học sinh sử dụng. Bọn tớ đến đó, và… bàn bạc vài việc.”

Bàn việc? Việc gì chứ? Tôi thắc mắc.

“Nghe nói Akazawa Izumi được chọn làm cán sự lớp mới.”

“Ờ, đúng.”

“Mọi người bỏ phiếu hay sao vậy?”

“Akazawa được đề cử. Dù gì bạn ấy cũng là trưởng ban đối sách.”

“Trưởng ban đối sách?” Tôi chưa từng biết có chức vụ này. “Là làm gì?”

“À, ừ, để xem, chỉ là…” Mochizuki ngập ngừng, chừng như không biết trả lời thế nào. “Lớp mình có vị trí như vậy. Khi cả lớp gặp vấn đề gì, trưởng ban đối sách sẽ có nhiệm vụ nghĩ ra cách giải quyết. Kazami cũng làm công việc đó, nhưng…”

Lời giải thích khá là mơ hồ. Muốn chọc cậu ta một chút, tôi bảo, “Có vẻ hôm nay cô Mikami lại nghỉ,” và cố tình thở dài. Ngay lập tức gương mặt Mochizuki biến sắc.

Tên nhóc này thật quá dễ đoán, hay có thể là cậu ta quá ngây thơ, tôi cũng không rõ. Cậu ta khiến tôi chỉ muốn hỏi, “Cậu không thấy bất ổn sao, nhóc?”

Nhưng không chỉ mình cô Mikami vắng mặt. Mei cũng không đến trường cả ngày hôm qua. Còn hôm nay lại có thêm một người vắng bóng ở lớp 3: Takabayashi Ikuo. Tôi nhớ lúc mình mới đến thì Takabayashi cũng nghỉ học giống Akazawa. Nghe bảo sức khỏe cậu ta không tốt, dù có đến trường cũng không thể dự giờ Thể dục. Đằng nào thì anh chàng ấy cũng tẻ nhạt và khó gần, nên cho dù cả hai cùng ngồi kiến tập Thể dục, tôi cũng chưa hề nói chuyện với cậu ta.

8

Chẳng còn tâm trạng đi loanh quanh sau buổi khám, tôi về thẳng nhà.

Nghĩ lại thì, đã hai tuần nay tôi chưa hề liên lạc với bố ở Ấn Độ. Chắc là đêm nay hay mai tôi phải gọi thôi. Khi ấy tôi sẽ thông báo tình hình ở đây, nhân tiện hỏi bố về cái chết của mẹ mười lăm năm trước. Tôi ngẫm nghĩ và tưởng tượng ra khá nhiều điều.

Khoảng 2 giờ chiều, tôi về đến nhà ông bà ngoại ở Furuchi. Khi cổng chính ngôi nhà hiện ra trước mắt, cũng là lúc tôi thấy có bóng người quen.

Một học sinh mặc đồng phục hè trường Bắc Yomi đi đi lại lại trước cổng. Trông cậu ta khá lo lắng. Chốc chốc cậu ta lại ngó trộm vào nhà, rồi ngước lên trời, sau đó lại cúi đầu xuống đất. Chẳng cần nhìn tới lần hai tôi cũng đoán ra được cậu ta là ai.

“Cậu đang làm gì thế?” Tôi hỏi, làm cậu ta bất ngờ đến độ giật thót lên. Cậu học sinh quay sang nhìn tôi, rồi lại ngó lảng đi vì xấu hổ. Khi cậu ta định lẳng lặng bỏ đi, tôi nghiêm giọng chặn cậu ta lại. “Đợi đã. Chuyện gì vậy? Cậu có lý do mới tới đây, phải không?”

Là Mochizuki Yuya.

Rốt cuộc cậu ta không bỏ chạy, nhưng cả khi tôi đến gần, Mochizuki vẫn không nhìn thẳng vào tôi, vẫn bồn chồn bủn rủn và chẳng nói lời nào. Tới gần hơn, đợi cho mặt đối mặt với cậu ta, tôi mới hỏi. “Lý do của cậu là gì, Mochizuki?”

Cuối cùng cậu ta cũng mở miệng, “Tớ chỉ, ờ, thấy lo. Nhà tớ gần đây, cũng trong khu phố này, vậy nên tớ định, ư…”

“Thấy lo?” Tôi giả vờ ra chiều khó hiểu. “Điều gì khiến cậu lo lắng cho tớ?”

“À, ừm…” Cau cặp chân mày mảnh như con gái, Mochizuki thấp giọng, chắc là vì bối rối. “Hôm nay cậu lại nghỉ học mà, Sakakibara.”

“Nguyên buổi sáng tớ phải đến bệnh viện kiểm tra.”

“Ờ, nhưng mà, ư…”

“Cậu định đứng đây nói chuyện đến bao giờ? Vào trong đi.” Tôi mời cậu ta vào, giọng thản nhiên.

“Sao cơ? À, vậy chỉ phiền cậu một chút thôi.” Mochizuki vội nhận lời, bộ dạng mừng đến phát khóc.

Hình như bà đi đâu vắng. Tôi không thấy chiếc Cedric đen trong ga ra cạnh lối vào. Chắc ông ngoại cũng đi cùng bà. Tôi nghĩ là dì Reiko đang ở sau nhà, nhưng cũng không định cất tiếng gọi.

Tôi đưa Mochizuki vòng ra sân sau, nơi có dãy hành lang, vì biết cánh cửa kính dẫn vào đó ban ngày không khóa. Thế này mà ở Tokyo thì phải gọi là siêu bất cẩn. Không, có thể là do ở vùng quê khá thanh bình.

Bọn tôi ngồi cạnh nhau trên thềm hành lang. Mochizuki liền mở lời, xem chừng đã quyết định xong. “Từ khi chuyển trường đến Bắc Yomi, hẳn Sakakibara đã nghĩ rằng rất nhiều thứ ở đây kỳ quặc.”

“Thế cậu có định giải thích cho tớ không?” Tôi hỏi lại, khiến Mochizuki cứng họng.

“Ừ, tớ…”

“Biết mà.” Tôi trừng mắt nhìn cậu ta. “Rốt cuộc thì mọi người đang giấu giếm bí mật khủng khiếp gì?”

“Chuyện đó…” Mochizuki lại ngừng lời, và trầm mặc một lúc. “Xin lỗi cậu. Tớ không thể nói được. Chỉ là…”

“Chỉ là gì?”

“Sắp có chuyện diễn ra khiến cậu cảm thấy vô cùng khó chịu. Thực sự nói ra nhiêu đây cũng đã là rất xấu, nhưng tớ không thể để mặc mà không lên tiếng.”

“Ý cậu là sao?”

“Cả lớp đã bàn bạc kỹ trong cuộc họp hai hôm trước. Vì vậy…”

“Là giờ chủ nhiệm tiết thứ sáu của hai ngày trước ấy hả? Khi mọi người bỏ sang phòng họp?”

“Ừ.” Mochizuki gật đầu vẻ áy náy. “Bọn tớ biết cậu sẽ đến muộn vì bận nói chuyện với cảnh sát, thế là ý tưởng đó được đề ra. Akazawa và một số bạn bảo rằng lớp cần nói chuyện khi cậu đi vắng. Và bọn tớ phải đến nơi khác để không gặp rắc rối vì cậu quay về giữa chừng…”

“Hừm.”

Có nghĩa là thầy Kubodera cũng đồng tình với kế hoạch này.

“Và?”

“Tớ không thể nói thêm.” Mochizuki cúi đầu và thở dài yếu ớt. “Nhưng ngay cả khi có chuyện tồi tệ xảy ra, bọn tớ muốn cậu cứ chấp nhận nó.”

“Cậu nói thế mà nghe được à?”

“Tớ chỉ muốn nói, việc này là để tốt cho mọi người. Xin cậu đấy.”

“Tốt cho mọi người?” Tôi sực nhớ đến vài từ mấu chốt “Vậy ra đó là quyết định của cả lớp mà tớ buộc phải tuân theo?”

“Ừ.”

“Hừmmm. Chuyện gì đây!”

Tôi đứng dậy khỏi thềm hành lang, vươn vai lên khoảng trời âm u mây đen. Lúc này tôi có thể chấp nhận lời động viên “Vui lên!” của con chim Rei đây, nhưng nó lại đang chọn cách nằm im trong lồng.

“Thôi được rồi, nếu thế thì tớ cũng sẽ không ép cậu nói thêm gì đâu.” Quay sang nhìn Mochizuki, tôi bảo. “Nhưng tớ nhờ một việc được không?”

“Việc gì?”

“Tớ muốn một bản danh sách lớp.”

Mochizuki có phần bất ngờ, nhưng cậu ta cũng nhanh chóng gật đầu. “Cậu chưa từng được nhận danh sách lớp, đúng không?”

“Ừ.”

“Nếu vậy lẽ ra cậu không cần nhờ…”

“Nghe này, nhóc,” tôi ngắt lời. “Tớ tự biết lo thân. Và tớ cũng có những vấn đề nhạy cảm cần tránh. Vậy nên…”

Mochizuki đang định đáp lại thì một giai điệu điện tử nhẹ nhàng vang lên trong chiếc cặp để trên đùi cậu ta. “Cậu ta thốt lên rồi mở cặp, rút ra một chiếc di động màu bạc.

“Tớ không biết cậu có di động đấy.”

“À à, không có gì, là loại PHS thôi,” nói rồi Mochizuki nghe điện. Được một lúc, cậu ta hét lên “Sao cơ?!” đầy sửng sốt.

Không biết đã xảy ra chuyện gì. Sắc mặt Mochizuki tái nhợt, điện thoại vẫn áp bên tai. Cuối cùng…

“Kazami gọi,” Mochizuki kể, giọng nhỏ và vụn vỡ, như thể có thứ gì đó đè nghiến xuống cậu ta. “Takabayashi mất rồi. Bị suy tim khi đang ở nhà.”

9

Takabayashi Ikuo.

Cậu ta bị suy tim từ nhỏ và thường phải nghỉ học. Năm ngoái nghe bảo bệnh trạng có khá hơn, nhưng khoảng hai ba ngày nay tình hình bỗng xấu đi, cuối cùng dẫn đến đột tử vì cơn đau tim.

Cái chết của người bạn học mà tôi gần như chưa hề tiếp xúc, cùng với việc chị Mizuno qua đời vì sự cố thang máy ở bệnh viện… Đây là hai “người chết” liên quan đến lớp 9-3 vào tháng Sáu năm đó.