Chương 15: August II

Another

Đăng vào: 12 tháng trước

.

1

Gần đến 10 giờ, tôi nói qua tình hình với Mochizuki rồi rời khỏi phòng.

Nhét điện thoại vào túi trước khi rời đi trở thành phản xạ. Không, cũng không hẳn đúng. Chuyện vừa xảy ra ở phòng ăn hẳn đã truyền cho tôi ý nghĩ đó. Tốt hơn hết nên đem theo điện thoại phòng trường hợp khẩn cấp. Điều đáng kể là, tôi đã gọi được cho Mei lúc tối, kể cả khi sóng cực kỳ yếu…

Tôi không gặp bất kỳ ai trên hành lang lờ mờ tầng hai, từ phòng 202 tới phòng 223. Hình như mọi người đều nghe theo lời của thầy Chibiki, ở yên trong phòng.

Trên hành lang trước phòng Mei có một khung cửa sổ, tôi nhìn thử ra ngoài.

Gió vẫn rung giật dữ dội, nhưng có vẻ đã tạnh mưa. Mây kéo đến dày đặc phủ kín bầu trời, mặt trăng chỉ còn là quầng sáng nhợt nhạt. Dưới ánh sáng lờ mờ đó, tôi nhận ra hình dáng đen thẫm của cánh rừng bao quanh ngôi nhà.

Ở phía vạt rừng này, tại một góc bãi cỏ sau nhà, tôi để ý thấy một căn nhà cấp bốn nho nhỏ. Nó không đủ lớn để gọi là nhà ngang hay nhà phụ. Có lẽ đó là chuồng hay nhà kho.

Tôi đang lơ đãng quan sát khung cảnh thì đèn trong nhà đó bất thần bật sáng. Hình như ai đó vừa bật đèn.

Tôi không để tâm xem ai bật đèn. Chắc là ông hoặc bà Numata đấy thôi. Có lẽ họ xuống đó lấy đồ cần dùng.

Tôi rời khỏi cửa sổ, chậm rãi hít một hơi dài, rồi gõ cửa phòng 223.

Một lát sau, Mei mở cửa. Cô khoác một chiếc áo len màu ngà mỏng bên ngoài bộ đồng phục hè, làn da trông còn nhợt nhạt hơn thường ngày.

“Vào đi,” cô nói cụt lủn, bảo tôi vào mà chẳng cười lấy một cái. Đêm nay trời không nóng, nhưng điều hòa nhiệt độ trong phòng cô chạy ro ro. “Cứ tự nhiên. Ngồi đâu tùy thích.”

Hệt như câu cô nói vào lần đầu mời tôi lên phòng khách “Dưới ánh chiều tà của Yomi”. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn bên cửa sổ. Mei ngồi mớm ở một trong hai chiếc giường trong phòng. Đột nhiên, cô nói, “Bọn mình đã trò chuyện về Misaki.” Cô bình thản nhìn tôi. Tôi khẽ gật đầu.

Dĩ nhiên, “Misaki” mà cô ám chỉ không phải là “Misaki” hai mươi sáu năm trước, không phải “Misaki” trong họ của cô, càng không phải “Misaki” khu phố cô sống. Cô muốn nhắc tới người em họ Fujioka Misaki, đã mất ở bệnh viện Yumigaoka hồi cuối tháng Tư.

“Thực tình tớ đã băn khoăn mãi từ khi gặp cậu lần đầu ở bệnh viện, cứ thắc mắc không hiểu vì sao cậu rời khỏi thang máy ở tầng ngầm thứ hai.” Tôi nói như để khơi gợi dòng hồi tưởng của Mei. “Misaki điều trị ở đó, ngày hôm ấy cô bé qua đời, phải không? Thi thể đặt ở nhà xác. Cậu nói cậu mang con búp bê cho Misaki. Nhưng kể cả vậy…”

“Cậu vẫn thấy lạ?”

“Phải.”

“Chuyện hơi phức tạp một chút.” Mei cụp mắt xuống. “Tôi vốn không muốn kể cho ai nghe cả, nhưng…”

“Tớ hỏi cậu có thấy phiền không? Cậu sẽ kể chứ?”

Ngừng một lúc, mắt vẫn cụp, Mei đáp, “Được.”

2

“Fujioka Misaki và tôi là chị em họ. Hai đứa cùng tuổi. Nhưng… nên nói thế nào nhỉ? Tình hình không thực sự như thế.”

Mei khẽ ngước mắt lên, câu chuyện bắt đầu tuôn chảy. Cô đã chọn lối nhập đề úp mở. Tôi ngại đi sâu phân tích, bèn ngoẹo đầu sang một bên. Mei không bận tâm, tiếp tục nói.

“Mẹ Misaki tên là Mitsuyo. Mẹ tôi – Kirika – tên thật là Yukiko. Họ là chị em gái, bằng tuổi nhau.”

“Bằng tuổi…” Tôi nói chen vào, đầu vẫn nghiêng nghiêng. “Họ là chị em sinh đôi?”

“Chi em sinh đôi. Cùng mang họ Amane. Bà Amane chưa bao giờ lấy chồng.”

Thì ra bà lão ở “Dưới ánh chiều tà của Yomi” là bà ngoại Mei.

“Bọn họ sinh đôi khác trứng nhưng trông vẫn giống nhau, lại lớn lên cùng một nơi, được nuôi dưỡng cùng một cách, trưởng thành bên nhau… Dì Mitsuyo lấy chồng trước. Dì cưới một người họ Fujioka. Dượng là nhân viên một công ty kinh doanh thực phẩm, trẻ trung và chí thú. Một thời gian sau, Yukiko lấy Misaki Kotaro – bố tôi. Ông là một doanh nhân thành đạt, giàu có, quanh năm đi khắp nơi. Có thể nói là đối lập hoàn toàn với dượng Fujioka. Dì Mitsuyo có con với chú Fujioka trước.”

“Là Misaki?”

Mei lẳng lặng gật đầu, rồi nhẹ nhàng đảo mắt về phía tôi, cô nói, “Và một người nữa.”

“Sao cơ?”

“Dì ấy sinh đôi.” Mắt Mei lại cụp xuống. “Hai bé gái, cũng là sinh đôi khác trứng nhưng giống nhau lạ thường.”

Fujioka Misaki có chị em sinh đôi? Tôi lại nghiêng đầu sang một bên. Có nghĩa là…? Không thể nào.

“Yukiko cũng mang thai, sau Mitsuyo một năm. Nhưng khi đứa con chào đời thì có chuyện.”

“Cậu từng kể rồi.”

“Yukiko buồn bã vô cùng. Đến độ gần như phát điên. Thêm một đòn nữa giáng xuống khi được biết vì thai chết lưu, trong tương lai bà không thể sinh con được nữa.”

“Ôi trời!”

Đến đoạn này, tôi bắt đầu có ý niệm mơ hồ về những điều Mei sắp kể.

“Gia đình Fujioka được đón một cặp sinh đôi nhưng gặp chút vấn đề về tài chính, không thể nuôi cùng lúc hai đứa trẻ. Trái lại, nhà Misaki cần làm gì đó để vực dậy tinh thần Yukiko, lúc này đã tuyệt vọng cùng cực. Mitsuyo rất thương Yukiko. Trong tình trạng đó, cậu có thể nói sự cân bằng giữa cung và cầu đã được thiết lập.”

“Cung và… cầu?”

“Phải. Cậu hiểu tôi muốn nói gì, phải không?” Mei hỏi, không đánh mất vẻ lặng lẽ thường thấy. “Một trong hai nhóc sinh đôi của gia đình Fujoka được cho làm con nuôi của nhà Misaki.”

“Vậy là…”

“Là tôi. Fujioka Mei trở thành Misaki Mei vào năm hai tuổi. Tôi không nhớ được vì sao lại chọn tôi chứ không phải Misaki.”

Mei ngừng một lúc rồi nói tiếp, như để dẹp câu hỏi đó đi. “Tôi đoán có lẽ vì tên của hai chị em.”

“Tên?”

“Nếu Misaki chuyển sang nhà Misaki, em ấy sẽ trở thành Misaki Misaki. Tôi quyết định nghĩ rằng họ đưa ra sự lựa chọn dựa trên lý do ngốc nghếch như vậy đấy.” Nét cười nhợt nhạt thoáng qua đôi môi hồng của cô trước khi biến mất chóng vánh. “Và như vậy, cho đến khi bắt đầu biết ghi nhớ, tôi được nuôi dưỡng trong gia đình Misaki với tư cách là con gái độc nhất của Kirika, tức Yukiko. Chưa từng nghe kể mình là con nuôi. Nên khi còn nhỏ, tôi hoàn toàn tin Mitsuyo là dì Mitsuyo. Tôi cũng nghĩ Misaki là em bà con, cùng tuổi, tình cờ giống tôi. Kể cả khi biết rằng hai đứa chung ngày sinh nhật, tôi cũng nghĩ là, tuyệt! Một sự trùng hợp tuyệt vời. Tôi cứ tưởng là do hai bà mẹ cũng là chị em sinh đôi. Lên lớp Năm, tôi phát hiện ra sự thật. Bà Amane lỡ miệng, rồi giải thích ngọn ngành cho tôi. Nhưng ngày hôm đó, Kirika… mẹ tôi nổi điên lên. Chắc hẳn nếu có thể, thì mẹ định sẽ giấu tôi suốt đời.”

Dù đang kể lại chuyện ly kỳ về chính bản thân mình, giọng Mei vẫn nhẹ nhàng, vẻ mặt gần như bất động. Không biết nên phản ứng ra sao, toàn bộ những gì tôi có thể làm là lắng nghe cô nói.

“Đối với mẹ, tôi thực sự là thế thân đứa trẻ chết lưu của bà. Một sự tráo đổi. Đối với bố cũng thế. Tôi nghĩ bọn họ cưng chiều tôi hơn mức thường lệ dành cho một đứa con. Khi tôi mắc bệnh về mắt, họ làm mọi việc có thể, thậm chí mẹ còn chế tác con mắt thủy tinh đặc biệt này… Tôi rất biết ơn họ. Nhưng…”

Bởi vì tôi là con búp bê của bà.

“Thế thân vẫn chỉ là thế thân. Đôi lúc Kirika coi tôi là đứa con kia, đứa trẻ đáng ra bà được nuôi lớn.”

Tuy sống, nhưng không hiện hữu.

“Tôi dám chắc Kirika cứ nhốt mình trong xưởng, chế tác lũ búp bê là vì nỗi đau dành cho đứa trẻ kia. Tôi không thể không nghĩ như thế. Từ góc nhìn của mình khi phát hiện ra sự thật, tôi coi Kirika chỉ là người nuôi lớn mình, không phải một bà mẹ thực sự…”

Mei ngừng lại, tôi bèn hỏi, “Lúc phát hiện ra sự việc, cậu nghĩ sao?”

Lẩm bẩm một hồi, Mei đáp, “Tôi… muốn gặp mẹ. Mẹ của tôi, Mitsuyo. Và bố tôi.”

Tôi nghĩ mình đã nhìn thấy má cô ưng ửng khi nói những lời đó.

“Tôi không định buộc tội bố mẹ đã đem cho tôi thay vì cho Misaki. Thực sự tôi không có ý đó. Tôi chỉ muốn gặp họ, nói chuyện với họ để xác nhận rằng đây chính là những người đã sinh ra mình. Nhưng bấy giờ, nhà Fujioka đã chuyển đi. Trước đó Misaki và tôi học ở trường tiểu học gần nhà, hai gia đình cũng khá gần nhau, nhưng rồi Misaki chuyển trường, dù vẫn sống cùng thành phố nhưng nhà xa nên không còn dễ dàng gặp mặt nữa. Ngoài ra, tôi muốn gặp mẹ, bèn đề nghị với Kirika. Nghe tôi nói vậy, bà tỏ ra buồn bã, rồi giận dữ…”

“Bởi vì không muốn cậu đi gặp mẹ đẻ à?”

“Ừ.” Mei gật đầu, vai cô hơi trĩu xuống. “Hình như trước đây tôi từng nói rồi. Mẹ rất thoải mái, tôi có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, nhưng mẹ lo lắng và tỏ ra nhạy cảm trước một số việc nhất định.”

“Ừ, tớ nhớ…”

“Ý tôi là thế đấy. Gần gũi với mẹ Mitsuyo hơn. Kirika lo lắng cũng là lẽ dĩ nhiên thôi. Nhất là vì người kia là chị em sinh đôi của mẹ. Việc bắt tôi mang theo di động có lẽ là biểu hiện của nỗi lo lắng đó. Hai mẹ con thường chuyện trò qua nó. Tôi phần nào thấu hiểu cảm xúc của mẹ, nhưng mà…” Mei lại lẩm bẩm giây lát. “Nhưng mà… suốt thời gian đó, thỉnh thoảng tôi vẫn bí mật gặp Misaki. Nhất là sau khi chuyển lên trung học cơ sở, tham gia nhiều hoạt động hơn. Bấy giờ em ấy đã phát hiện ra bọn tôi là chị em ruột. Nghĩ thế này có vẻ lạ lùng, nhưng hai chị em tôi cảm nhận được một sự gắn bó khăng khít khác thường. Đã cùng chia sẻ một khoảng thời gian trong bụng mẹ. Là một nửa của nhau. Câu này nghe hơi sáo nhưng sự thật đúng là như thế. À, chắc là cậu sẽ tự hỏi có không, nhưng đúng là khá lạ lùng, khi một nửa giống mình ở ngay trước mặt, lớn lên trong gia đình có bố mẹ ruột, còn mình phải đi làm con nuôi, lại mất một mắt từ thuở bé nữa. Nên kể ra, đúng là tôi nhìn đời u ám hơn em ấy.”

Đột nhiên khung cửa sổ rùng rùng dữ dội. Gió đã chuyển hướng chăng? Tôi bắt đầu có cảm giác như thể ai đó đang đứng bên ngoài nhìn vào – dù điều này là không thể. Theo bản năng, tôi ngoái đầu nhìn ra sau lưng.

“Chuyện xảy ra vào mùa xuân năm ngoái. Misaki bị ốm.” Mei kể tiếp. “Bệnh nặng liên quan đến thận. Em ấy sẽ phải chạy thận suốt đời. Cách duy nhất tránh tình trạng này là ghép thận.”

“Ghép thận…”

“Ừ. Nên Misaki được nhận một quả thận của mẹ Mitsuyo và được chuyển đến một bệnh viện lớn ở Tokyo để phẫu thuật. Tôi thật lòng muốn hiến thận của mình cho em ấy. Hai đứa là chị em sinh đôi, cho dù sinh đôi khác trứng, lại cùng lứa tuổi, cậu không nghĩ như thế mới thích hợp nhất cho quá trình ghép thận sao? Người ta còn bảo cấy thận của người lớn vào cơ thể trẻ con rất khó, không chỉ bởi khác biệt về kích thước mà còn nhiều chi tiết khác nữa… Nhưng hình như có điều luật quy định trẻ em dưới mười lăm tuổi không được hiến sống nội tạng nên tôi không làm được gì, dù nài nỉ thế nào đi chăng nữa. Mà kể cả bệnh viện chấp nhận ngoại lệ, nhỡ Kirika phát hiện ra, bà sẽ vào cuộc, không cho tôi làm thế.”

Vậy ra đó là tình hình mà Fujioka Misaki đã trải qua, được giải phẫu ở bệnh viện khác rồi chuyển về đây. Giọng chị Mizuno ở đầu dây bên kia văng vẳng dội vào tai tôi, theo phản xạ tôi nhắm mắt lại.

“Cuộc phẫu thuật diễn ra vào đầu năm và hoàn toàn thành công. Nhưng cần theo dõi tiến triển nên khi cơ thể đã ổn định hơn, Misaki được chuyển về bệnh viện ở Yomiyama. Tại đây, quá trình hồi phục tương đối khả quan. Tôi vẫn bí mật tới thăm. Tất nhiên là không để cho Kirika hay biết. Hai chị em nói đủ thứ chuyện, rồi em trầm trồ, ‘Chị có bao nhiêu là búp bê đẹp ở nhà. Thích thế.’ Tôi bèn cho Misaki xem ảnh chụp đám búp bê trong phòng riêng, hỏi xem em thích con nào, tôi hứa, ‘Chị sẽ cho em con búp bê mà em thích nhất, coi như quà mừng em xuất viện.’ Và đó là…”

“Con búp bê cậu mang xuống nhà xác ngày hôm đó?”

“Tôi đã hứa mà.” Mei chậm rãi chớp mắt, gật đầu. “Tôi không bao giờ nghĩ Misaki sẽ chết như thế, hoàn toàn bất ngờ, không sao tưởng tượng nổi. Quá trình phục hồi không gặp trục trặc gì, bệnh viện còn nói em sẽ sớm được về nhà. Thế rồi, đột nhiên, em ấy…”

Phải.

Chị Mizuno cũng kể thế.

Tình trạng của Fujioka Misaki chuyển hướng đột ngột, trước khi người ta kịp làm bất cứ điều gì, cô bé đã qua đời. Hôm đó là ngày 27 tháng Tư, thứ Hai. Chị Mizuno còn kể với tôi, Bệnh nhân là con một, cha mẹ hẳn phải đau khổ lắm.

Những thắc mắc bấy lâu đã được giải tỏa, nhưng hình dung đến tâm trạng của Mei, trái tim tôi bỗng thắt lại. Cố gắng để không rơi nước mắt, việc kiềm chế thật gian nan…

Nhưng bất giác, tôi nhận ra một chân tướng quan trọng hơn.

“Misaki không phải là em bà con của cậu. Hai người là chị em ruột.” Sững sờ và hoang mang, tôi lặp lại sự thật đó. “Nghĩa là cậu và Misaki thực sự chung huyết thống, trực hệ…”

“Phải.”

“Đấy là lý do khiến cậu nói như vậy?”

Ngày đầu tiên tới trường, lần đầu tiên gặp cô trong môi trường học đường, cuộc trò chuyện cạnh bồn hoa với những đóa hồng vàng bừng nở, gần Khu o… Cậu nên cẩn thận. Có thể nó đã bắt đầu.

“Cái câu ‘Có thể nó đã bắt đầu’ ấy?”

“Đúng. Cậu có trí nhớ tốt đấy.”

“Vậy là nó đã bắt đầu,” tôi nói, mắt nhìn như dán vào mặt Mei. “Tai ương năm nay khởi sinh từ tháng Tư.”

“Hình như thế.”

“Sao lúc đó cậu không nói?”

“Tôi… ừm, tôi…”

Không nhìn về phía tôi, Mei chỉ buồn bã chớp mắt.

“Tôi không muốn tin Misaki chết vì nguyên nhân này. Chính vì thế khi cậu hỏi có anh chị em ruột không, tôi không thể đáp là có. Khi cậu hỏi về Misaki, tôi chỉ nói được là họ hàng. Tôi không muốn bằng cách nào đó chứng thực sự tồn tại của lời nguyền.”

Tôi nhớ lại câu chuyện với Mei trong lần thứ hai gặp nhau ở tầng hầm phòng trưng bày búp bê, sau sự ra đi của “người chết vào tháng Năm” Sakuragi Yukari.

Có lẽ trong thâm tâm tôi vẫn còn nửa tin nửa ngờ. Đầu tiên chuyện đó diễn ra, tháng Năm cậu chuyển tới, rồi tôi nói như vậy dù không thực sự tin. Chắc tôi vẫn còn nghi ngờ một số việc. Nhưng…

“Đầu tiên chuyện đó diễn ra” hẳn ngụ ý cái chết của Misaki vào tháng Tư. “Rồi tôi nói như vậy” là muốn nhắc lại câu “có thể nó đã bắt đầu”…

Mei cúi mặt, bàn tay nắm lại túm lấy tấm phủ giường nơi cô đang ngồi. Tôi vừa cố gắng hình dung lần nữa tâm trạng của cô, vừa chỉnh lý lại sự thật đang dần dần hiện hình, “Tai ương của lớp 9-3 năm nay bắt đầu từ tháng Tư, cũng giống các lớp Chín khác. Fujioka Misaki chết trong bệnh viện, trở thành nạn nhân đầu tiên… ‘Người chết vào tháng Tư.’ Điều này có nghĩa là…”

Những cơn gió rì rầm ngoài cửa sổ như xộc thẳng vào, đánh tụt nhiệt độ cơ thể tôi. Một cảm giác bất ngờ tấn công tôi, cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống, làm cả người tôi nổi da gà.

Mei lúc lắc đầu như muốn nói, Tôi biết… Cô uể oải ngẩng mặt lên, “Tôi cũng từng nghĩ thế.”

“Nghĩ gì?”

“Sau khi xuất viện, cậu tới trường lần đầu vào đầu tháng Năm. Lúc đó chúng ta nhận ra phòng học không có đủ bàn ghế, nên mọi người tin rằng ‘tai ương’ năm nay là ngoại lệ, tháng Năm mới bắt đầu. Nhưng nếu Misaki là ‘người chết vào tháng Tư’, thì nghĩa là tất cả chúng ta đều sai lầm…”

“Phải.” Khoanh tay trước ngực, tôi gật đầu.

“Nghĩa là bất chấp thực tế ban đầu lớp có đủ bàn ghế, ‘người dư ra’ đã trà trộn vào lớp từ tháng Tư, trước khi tớ chuyển tới Bắc Yomi…”

3

“Vậy đó là lý do, phải không?” Sau vài giây lặng im, tôi e dè hỏi. “Khi tớ thổ lộ băn khoăn rằng không biết mình có phải ‘người dư ra’ không, cậu phủ nhận ngay. Cậu bảo tớ ‘Yên tâm đi. Không phải cậu đâu’.”

“Phải, tôi đã nói thế…”

“Có phải vì cậu biết ‘tai ương’ đã thực sự bắt đầu từ tháng Tư? Mà lúc ấy tớ chưa vào lớp này?”

“Một phần thôi… Nguyên nhân chính khác cơ.”

Tôi đã ngờ ngợ là Mei sẽ trả lời như vậy mà.

“Nghĩa là sao?” Tôi gặng hỏi. “Nguyên nhân chính là gì?”

“Tôi…”

Cô định trả lời, nhưng rồi do dự. Ánh nhìn rớt vào vô định mắt không hề chớp hồi lâu, cả người bất động như búp bê. Rồi, rốt cuộc…

Dường như đã quyết định, Mei đứng dậy khỏi giường, đối diện tôi. Cô quay miếng băng bên mắt trái mà vừa nãy hoàn toàn khuất khỏi tầm nhìn của tôi ra. Rồi, với những cử động chừng mực, cô gỡ nó xuống.

“Con mắt này…”

Con mắt giả đặc biệt. Cô nhìn tôi bằng con ‘mắt xanh trống rỗng’ ấy.

“Con mắt búp bê này mách cho tôi biết không phải là cậu.”

Tất nhiên, tôi không hiểu ngay được lời cô. Dù vậy, tiềm thức tôi mường tượng được chút ít rồi.

“Sao lại như thế được?” Tôi hỏi.

Lần này Mei đáp ngay, không do dự. “Tôi nghĩ trước đây đã có lần nói với cậu rồi. Con mắt này có thể nhìn thấy những thứ vốn dĩ vô hình. Những điều không muốn thấy, những điều không nên thấy, nhưng điều ao ước không phải thấy…”

“Những điều không muốn thấy? Những điều không nên thấy? Ví dụ là gì?”

“Có lẽ là…” Mei giơ tay phải lên, che con mắt vốn không phải mắt búp bê, “Màu của cái chết.”

Cô nhả ra từng từ như đang đọc thần chú. “Màu, sắc, tông, của thứ gì đó ở thế giới kia, gần với tử vong.”

“…”

“Cậu có hiểu không? Không, tôi thấy là cậu chẳng hiểu được.”

Nói thật lòng tôi không biết nên trả lời ra sao. Tuy nhiên…

“Bình thường chẳng ai tin, kể cả khi đã nghe giải thích… Nhưng có lẽ tôi vẫn nên kể hết. Cậu sẵn sàng lắng nghe chứ?”

Tôi gật đầu chẳng buồn suy nghĩ, rồi nhìn thẳng vào con mắt đang chĩa vào tôi. Con mắt xanh tuyệt đẹp nhưng trống rỗng tuyệt đối…

“Tớ nghe đây,” tôi nói.

4

“Thoạt tiên tôi không thực sự hiểu được chuyện gì đang xảy ra, nên lúc nào cũng thấy hoang mang, thất vọng.”

Mei ngồi xuống mép giường, không bịt con mắt xanh lại. Cô kể cho tôi nghe câu chuyện, vẫn với chất giọng trầm lắng lãnh đạm.

“Khi hỏng mắt trái, tôi mất luôn khả năng nhìn bằng con mắt đó. Thậm chí nếu cậu rọi thẳng đèn pin vào, tôi cũng chẳng nhận biết được. Dĩ nhiên nhắm mắt phải lại thì tôi sẽ chẳng còn nhìn thấy gì. Năm bốn tuổi, tôi đã làm phẫu thuật để khoét mắt trái ra. Tình trạng nhìn bằng một mắt bắt đầu từ ấy. Kể cả khi Kirika làm ra ‘con mắt búp bê’ này, một thời gian rất dài tôi cũng không thực sự dùng đến. Nhưng rồi… Khởi đầu ra sao nhỉ? Hình như là khi một người họ hàng của bố qua đời, họ đưa tôi đi dự đám tang. Khoảng cuối năm lớp Ba hay đầu năm lớp Bốn. Người ta nhắc “Cháu chào tạm biệt đi!”, tôi bèn đặt hoa lên quan tài… Và khi nhìn vào gương mặt người chết, tôi cảm thấy có điều gì lạ lẫm lắm. Con mắt giả đáng ra không nhìn thấy gì, nhưng lại cảm ứng được… Không phải với hình dạng. Mà với màu sắc. Tôi hoảng hồn. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp nhận được thông tin bằng mắt trái. Khi che mắt trái, chỉ nhìn bằng mắt phải, tôi nhìn thấy đúng gương mặt của người chết, hoàn toàn bình thường. Nhưng khi tôi dùng mắt trái để nhìn, thì có một sắc màu lạ thường len vào thi trường, phủ lên mọi thứ khác…”

“Một màu sắc lạ thường? Là màu gì?” Tôi hỏi.

“Không tả được,” Mei đáp, khẽ lắc đầu. “Đó là màu mà mắt phải chưa từng nhìn thấy… một màu không thể nhìn ra bằng con mắt thường. Không thể mô tả nó bằng những từ như đỏ, xanh dương, vàng hay bất cứ màu nào mà tôi biết. Không có khái niệm phù hợp. Đó là… một màu không hề tồn tại ở thế giới của chúng ta.”

“Kể cả khi cậu pha trộn bất cứ màu nào trên đời?”

“Chính thế.”

“Đó là ‘màu của cái chết’?”

“Thoạt tiên tôi không biết…”

Ngẩng đầu nhìn lên trần nhà, Mei thở hắt ra. “Không ai giải thích được cả. Các bác sĩ thăm khám, nhưng không phát hiện điều gì bất thường. Họ nói chỉ là do tôi tưởng tượng ra mà thôi. Tôi cố tin lời bọn họ… Nhưng rồi vẫn nhìn thấy những thứ như thế, nó không biến mất. Cho nên…”

Mei chậm rãi quay sang nhìn tôi.

“Sau vài năm, tôi đã hiểu ra. Khi tôi cảm nhận được màu sắc đó, có nghĩa là ‘cái chết’ đang hiện hữu.”

“Tức là mỗi khi nhìn vào gương mặt của một người đã chết cậu sẽ thấy ‘cái chết’?”

“Có lần nó xuất hiện khi tôi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông. Có người mắc kẹt trong ghế lái của một chiếc xe bị tông. Mặt mũi bê bết máu… Ông ta đã chết. Tôi nhận ra trên gương mặt ông ta sắc màu từng nhìn thấy ở đám tang. Mà không chỉ riêng lúc chứng kiến trực tiếp đâu. Thế nào nhỉ, trên bản tin, khi họ phát các đoạn băng, các bức ảnh về tai nạn hay chiến tranh. Ti vi hay báo thì không nhiều, nhưng trên tạp chí thỉnh thoảng có đăng hình người chết. Chạm mắt phải những thứ như thế, tôi lại thấy nó.”

“Vẫn một màu đó à?”

“Tôi không chắc. Có quá nhiều sắc độ.”

“Gì cơ?”

“Đôi lúc tôi cảm nhận rất rõ, đôi lúc lại rất mờ ảo. Có thể coi đây là các sắc độ khác nhau của cùng một màu. Khi ai đó đã chết, màu rất nét, khi ai đó bị thương nặng, sắp chết hoặc ốm liệt giường, màu sẽ nhợt nhạt.”

“Vậy là cậu không chỉ thấy màu đó ở người chết.”

“Ừ. Trong những trường hợp ấy, tôi nghĩ vì người ta sắp chết. Họ đã tiến sát cái chết hơn mức bình thường, hơn mức cần thiết. Phần hồn của họ đã bị kéo lại cận kề mức độ tử vong. Chính vì thế màu đó nhợt nhạt. Không hẳn là màu nữa, mà là sắc thì đúng hơn… Cậu hiểu chứ? Tôi không chịu được không khí của các bệnh viện. Có lần bà Amane phải nhập viện để mổ khối u ung thư, bà vẫn ổn vì phát hiện bệnh sớm, nhưng khi cả nhà vào thăm bà… Thật kinh khủng. Tôi sợ điên lên. Không cần bỏ chút công sức nào, tôi cũng nhìn thấy đủ các bệnh nhân ở khu đó ánh lên sắc thái của cái chết… Đây không phải là tiên tri hay quyền năng gì tương tự. Tôi sẽ nhìn thấy màu trên những người bị thương nặng hay ốm kiệt quệ, nhưng nếu gặp một người về sau chết do tai nạn bất ngờ thì tôi lại không nhìn thấy gì. Nên tôi nghĩ có lẽ đây là khả năng nhìn ra yếu tố chết chóc ở một người.”

“…”

“Nói thật lòng, tôi cũng chẳng dễ chịu gì khi tới bệnh viện thăm Misaki, bởi vì thỉnh thoảng tôi sẽ phải cảm nhận nó. Nhưng tôi chưa từng nhìn thấy màu sắc của cái chết ở Misaki. Điều này khiến tôi rất bình tâm. Tôi ngỡ em sẽ chóng khỏe lại… Thế rồi, đột nhiên, em ấy…” Mei cắn môi dưới, có thể là buồn bã, cũng có thể là xót xa. Đôi môi mím chặt hồi lâu mới mấp máy kể tiếp. “Hẳn cậu sẽ muốn biết tại sao con mắt này lại thấy những thứ đó, và nó hoạt động ra sao. Tôi gọi nó là ‘màu của cái chết’, nhưng tôi lại chỉ bắt gặp nó ở con người. Với động vật thì không… Như thế chẳng lạ sao? Phải nói là kỳ quái ấy. Tôi rất băn khoăn, còn sợ khủng khiếp và căm ghét nó nữa. Tôi cố tìm mọi góc độ biện giải, nhưng chẳng tìm ra. Tôi không hiểu, mà cũng chẳng thể trốn thoát. Tất cả những gì tôi có thể làm là chấp nhận thực tế. Cuối cùng bắt đầu nghĩ theo hướng: có thể là tại sự vô hồn của búp bê.”

Búp bê gắn liền với sự trống rỗng.

À… Câu này Mei cũng đã nói với tôi trong một lần gặp nhau ở tầng hầm khu trưng bày.

Cơ thể, trái tim chúng đều rỗng… Một khoảng hư không. Sự trống rỗng đó giống như cái chết.

“Cậu biết đấy, lũ búp bê đều vô hồn. Chúng sở hữu vẻ vô hồn vốn tương ứng với ‘cái chết’. Con mắt trái của tôi giống chúng nó ở chỗ nhận ra đồng loại màu cái chết trên con người. Mà cũng có thể là tại ca phẫu thuật mắt, chưa biết chừng bấy giờ tôi đã chết rồi.”

Nghe Mei nói, tôi có cảm giác như sắp âm thầm hé mở được một điều bí mật vốn chôn chặt trước toàn thế giới.

“Tôi chỉ còn cách chấp nhận hướng lý giải đó. Nhưng chẳng thể nào kể cho bất kỳ ai nghe, thậm chí chưa bao giờ giải thích cặn kẽ cho Misaki biết. Tôi không thể. Và rồi đến một lúc, tôi quyết định che con mắt này, nhất là khi ở cạnh người khác.”

“Tớ hiểu.”

Kể cả khi đã nghiêm túc gật đầu với Mei, phần lý trí trong óc tôi vẫn không ngừng lao động. Tôi tin được mấy phần câu chuyện cô vừa kể?

Tuy nhiên, không để lộ điều đó, tôi hỏi với vẻ nghiêm trang, “Những bóng ma thì sao? Cậu có thấy ma không? Phần hồn của người chết, hay thứ gì tương tự như thế ấy?”

“Không… Chưa bao giờ.” Mei nghiêm túc đáp.

“Thật ra tôi không biết ma quỷ có tồn tại như kiểu mọi người vẫn nói, hay chúng có thường lui tới những địa điểm người ta vẫn đồn thổi không. Dù tôi nghĩ, về cơ bản, có lẽ là không.”

“Thế còn những bức ảnh ma?” Dĩ nhiên, đây là câu hỏi có chủ đích.

“Những bức ảnh như thế cũng không.” Cô trả lời kiên định. “Những bức ảnh chiếu trên ti vi hay trên tạp chí đều là ảnh giả hoặc ngụy tạo cả. Nhưng chính vì thế mà…” Nói đến đây, ánh mắt Mei trở nên sắc bén. “Chính vì thế tôi muốn xem tấm ảnh hai mươi sáu năm trước. Tôi muốn dùng con mắt này xem ảnh thật để đảm bảo chắc chắn.”

“Ừ. Thế lúc ấy…”

Hôm kia, Mei tới nhà tôi, đã mở miếng băng che mắt trái trong lúc xem số ảnh mẹ tôi để lại. Rồi cô hỏi tôi, Thế còn màu sắc thì sao? Chính là câu hỏi đó. Cậu không thấy một màu lạ à?

“Cậu nhìn thấy gì?” Tôi hỏi. “Cậu có nhìn thấy ‘màu của cái chết’ trên người Yomiyama Misaki không?”

“Có,” cô đáp ngay lập tức. “Đó là lần đầu tiên tôi nhìn vào tấm ảnh mọi người vẫn bảo là ảnh ma và cảm nhận màu sắc. Nên hẳn là…”

Mắt tôi dán vào môi Mei trong khi cô nói, và trí nhớ chậm chạp ùa về. Tôi biết chắc mình không phải là “kẻ đã chết”. Những lời cô nói vào cái ngày tôi tới chơi nhà cô và trò chuyện hồi lâu ở phòng khách tầng ba.

Khi tôi tiếp tục chất vấn, Cậu dám khẳng định mình không phải là “kẻ đã chết”. Thì cô bắt đầu phân trần, Để tôi nói… nhưng rồi cô nín bặt.

“Tôi hy vọng chừng này sẽ đủ giải thích,” Mei nói, chậm rãi nhổm khỏi giường. “Khi gỡ miếng băng che mắt và nhìn cậu, tôi vẫn không nhận ra ‘màu của cái chết’ trên người cậu. Nên không phải cậu đâu. Cậu không phải là ‘người dư ra’.”

“Cũng nhờ vậy cậu biết cũng không phải là cậu?”

“Ừ.”

Mei gật đầu, nhặt miếng băng che lên, đang đeo vào như cũ thì dừng lại như thể vừa nghĩ ra điều gì.

“Bình thường tôi tin tưởng khả năng huyền bí của con mắt búp bê này. Nhưng khi ngẫm nghĩ lại, tôi thấy hình như mình không tin hoàn toàn đâu. Thỉnh thoảng tôi vẫn hồ nghi, cho rằng có lẽ chỉ do ảo ảnh. Dù chỉ là ảo ảnh, song như tôi vừa nói với cậu đấy, nó ‘không phải là tiên tri hay quyền năng gì tương tự’, phải không nào? Tuy vậy cũng tốt. Nếu lúc nào đó trong tương lai Tử thần tìm tới, có lẽ tôi sẽ biết trước. Chỉ cần có những hành động kịp thời, trong những trường hợp nhất định, tôi có thể thoát chết… Nhớ có lần cậu tỏ ra lo ngại khi tôi đi về nhà một mình không? Tôi nói là vẫn ổn ấy? Đây chính là lý do.”

Đúng vậy.

Tôi nhớ rất rõ.

“Ừ, giả sử tớ tin những điều cậu vừa kể…” Tôi vừa nói vừa đứng dậy. Cảm giác ớn lạnh, tê rần đã biến mất. Thay vào đó, dù điều hòa phả hơi lạnh cả phòng, gáy tôi vẫn đẫm mồ hôi.

Tôi đứng cách Mei chừng một mét. Cô mở cả hai mắt – trái và phải – nhìn như dán vào tôi. Đằng sau, cửa sổ lại rung ầm ầm.

“Có nghĩa cậu biết người đó là ai? ‘Kẻ đã chết’ ấy? Cậu đã nhìn bằng con mắt búp bê và biết được ai là ‘người dư ra’ trong lớp chưa?”

Mei cử động đầu một cách mơ hồ, không biết là kháng định hay phủ định lời tôi. Rồi cô đáp, “Tôi cố gắng không gỡ băng che khi ở trường. Từ lúc lên lớp Chín và được biết về ‘lời nguyền’ qua đủ loại tin đồn, tôi chưa từng bỏ băng che, kể cả khi bắt đầu kỳ học mới, khi Misaki mất hay khi cậu chuyển tới trường này… Thậm chí sau ngày Sakuragi chết, mà tôi rốt cuộc phải tin ‘tai ương’ là có thật, tôi vẫn chưa từng…”

“Kể cả khi cậu viết dòng chữ đó trên bàn?”

“Kẻ đã chết” là ai?

“Kể cả khi cậu có thể chỉ ra người đó chỉ bằng động tác bỏ miếng băng che mắt?”

“Dù tìm ra được, biết được là ai, tôi cũng không nghĩ được mình có thể làm gì, biết rồi thì giúp ích gì. Tôi đã từng rất băn khoăn, nhưng… Cậu hiểu chứ?”

Thật lòng, tôi không đồng tình với lời giải thích của Mei cho lắm.

Đúng là ở trường tôi chưa bao giờ thấy cô mở miếng băng che mắt. Nhưng chỉ mở một lúc cần thiết thôi thì có làm sao? “Kẻ đã chết” là ai? Giải đáp thắc mắc đó không tốt sao? Cứ để yên thế này không bứt rứt sao?

Nhưng mà… Dù sao đi chăng nữa, đó cũng là quá khứ. Giờ cứ bấn loạn vì nó thì cũng chẳng ích gì. Vấn đề là ở hiện tại đây.

“Vậy… Tôi đặt bàn tay lên ngực, hít thở thật sâu. Có lẽ vì quá căng thẳng, cũng có lẽ do tôi tưởng tượng ra, nhưng cảm giác nhói đau dội lên, khơi gợi những ký ức liên quan đến căn bệnh xẹp phổi đáng ghét đó. “Bây giờ thì sao?”

Cô đã nghe cuốn băng Matsunaga Katsumi để lại từ mười lăm năm trước. Giờ cô không thể nói rằng sẽ chẳng biết làm thế nào dù khám phá ra kẻ đó là ai.

“Cậu có biết không? Cậu có nhìn thấy không? Người đó có mặt trong chuyến cắm trại này không?”

Hàng mày của Mei run run, như thể những câu hỏi ồ ạt của tôi đã làm cô mất thăng bằng. Cô do dự rồi đặt tay lên ngực, hít thở thật sâu như tôi vừa làm, ánh mắt khó xử lảng sang bên, cô lại khẽ cắn môi dưới. Cuối cùng, cô gật đầu. “Người dư ra đang ở đây.”

“Quả nhiên.” Mồ hôi túa ra dưới áo sơ mi, tôi nhìn chằm chằm vào đôi môi Mei. “Là ai?”

“Tôi không…”

Đúng lúc ấy, một tiếng động mạnh phát ra bên ngoài, ngắt ngang cuộc nói chuyện của chúng tôi. Ai đó đang động mạnh vào cửa. Không phải gõ, mà giống phi thân vào cửa hơn.

“Ai đấy?”

Đáp lại lời Mei, cánh cửa bật tung ra. Vừa nhìn thấy người loạng choạng đi vào, tôi đã quên bẵng chuyện đang nói dở, hét to. “Teshigawara?! Làm sao thế?”

5

Chỉ nhìn thoáng qua, tôi cũng biết có chuyện tồi tệ vừa xảy ra.

Hơi thở của cậu hổn hển lạ thường, như thể đã chạy hết tốc lực tới đây. Áo sơ mi dính bết vào lớp da đẫm mồ hôi. Tóc và mặt cũng ướt sũng. Da trắng bệch. Biểu cảm cứng nhắc, ánh mắt thất thần.

“Có chuyện gì vậy?”

Khi tiến lại gần, tôi nghe trong họng cậu ấy phát ra những tiếng lục khục, đầu thì lắc quầy quậy. Nhìn hết tôi đến Mei, hoàn toàn không phản ứng trước sự kiện Mei bỏ miếng băng che mắt ra, cuối cùng cậu nói giữa những tiếng thở phì phò, “Ừm. Xin lỗi, đã đường đột vào đây, nhưng… Tớ mạo muội hỏi các cậu một câu được không?”

Cậu ấy muốn hỏi chúng tôi một câu? Thật là lạ thường. Quá sức dị thường. Cậu ổn chứ, Teshigawara? Cái khỉ gì mà cậu…

“Tớ chỉ hỏi điều này, nhanh thôi.”

Hơi thở gấp gáp, Teshigawara chạy vụt qua chỗ tôi, tiến lại cửa sổ. Cửa trông ra vườn, quanh đó ba mặt là nhà, có một ban công đủ chỗ cho một người đứng.

Cậu dừng bước, quay người lại nhìn chúng tôi, buông một câu, “Các cậu có biết ai tên là Kazami Tomohiko không?”

“Gì cơ?”

Tôi nghiêng đầu thắc mắc. Mei cũng phản ứng y hệt. “Nói rõ ra một chút đi nào.”

“Tớ chỉ đang hỏi các cậu đúng một câu. Các cậu có biết ai là Kazami không? Tóm tắt đôi nét về cậu ta được không?” Teshigawara lặp lại câu hỏi, giọng vẫn hết sức nghiêm túc.

“Chắc chắn rồi. Tớ biết cậu ấy, nhưng…” Tôi trả lời, điềm gở nặng nề luẩn quẩn trong tâm trí. “Cậu ấy là cán sự đại diện cho bên nam ở lớp 9-3. Bạn nối khố của cậu.”

“Ôi trời ơiiiiii…” Mặt Teshigawara méo xệch, giọng rên rỉ. “Cậu thì sao, Misaki? Cậu có biết cậu ta không?”

“Tất nhiên tôi biết cậu ấy là ai.”

Teshigawara lại than van “Ôi trời!” rồi lẩm bẩm, “Phải, tất nhiên rồi.”

Đầu gối nhũn ra, cậu ngồi thụp xuống, mặt tái nhợt đi, môi run run.

“Thôi nào, Teshigawara, sao cậu lại thế? Có chuyện gì vậy?”

Teshigawara vẫn ngồi bệt trên sàn, khi tôi tiến lại gần, cậu ấy lắc lắc đầu vẻ hoảng loạn. “Tệ quá,” giọng vỡ vụn như bánh mì khô giòn. “Thực sự tệ quá…”

“Cậu đang nói gì vậy?”

“Có lẽ tớ sai rồi…”

“Sai? Sai gì?”

“Tớ… Tớ nghĩ cậu ấy là ‘người dư ra’. Nên tớ…”

“Cậu ấy ư? Ý cậu là…”

“Cậu đang nói về Kazami?”

“Kazami.”

“Cậu không…”

“Tớ giết cậu ấy rồi.”

Teshigawara giết Kazami? Cậu ấy giết Kazami thật sao?

“Cậu đừng đùa.”

“Tớ bịa chuyện như thế làm gì?” Teshigawara vùi đầu vào hai bàn tay. “Sau vụ đó tớ thường ngấm ngầm kiểm tra. Trò chuyện về những việc diễn ra thời bọn tớ còn bé xíu, xem xem Kazami có nhớ không. Mà cậu ấy…”

“Cậu nói thật ư?”

“Cậu ấy xử sự lạ lắm, tớ thề đấy,” Teshigawara nói với chúng tôi, giọng thổn thức. “Tớ hỏi về khu hầm bí mật bên sông nơi bọn tớ chơi khi học lớp Ba, Kazami nói ‘Không nhớ’. Tớ hỏi cậu ấy về mùa hè năm lớp Năm, bọn tớ muốn đạp xe đạp ra biển, nhưng vừa ra tới ngoại ô đã bỏ cuộc. Nhưng cậu ấy nói ‘Nghe lạ thế’, nên…”

“Nên sao?”

“Ban đầu, tớ không chắc liệu đó có phải là dấu hiệu hay không, nhưng cứ nghiền ngẫm mãi, tớ đâm nghi… Cho rằng đây không phải là cậu ấy, Kazami đã chết từ lâu, Kazami này là ‘người dư ra’ lẻn vào lớp mình từ mùa xuân vừa qua…”

Ôi, tôi nghĩ Teshigawara thực sự hiểu lầm rồi. “Người dư ra” (“kẻ đã chết”) sẽ không xử sự như thế.

Theo như những gì Mei và thầy Chibiki giải thích, tôi nghĩ người ta chẳng thể hỏi nó là thứ “có thật” hay chỉ “giả vờ”. Vì lúc nào nó cũng “có thật” cả: Người đã chết quay về mà không hề hay biết họ đã trở thành tai ương chen chân vào thế giới. Nên nếu hỏi họ có nhớ được những chuyện lúc nhỏ không cũng chẳng ích gì. Sẽ chẳng có chứng cứ hay manh mối để nhận ra họ. Tuy nhiên…

Những ký ức về thời thơ ấu mà Teshigawara đề cập hẳn đã mờ nhạt hoặc biến mất trong trí nhớ người ta. Tuy nhiên…

“Rồi tối nay, cách đây một lúc, tớ… lừa gọi cậu ấy đi cùng.”

Giọng Teshigawara giờ đã khàn đặc, cậu mô tả chuyện đã xảy ra, “Tớ ở chung phòng với Kazami, nhưng tớ không muốn người ở phòng bên cạnh nghe thấy nên muốn dẫn cậu ấy đi chỗ khác. Tớ tìm thấy một phòng giải trí ở góc tầng hai, nên rủ cậu ấy tới… Tới nơi, tớ tự cổ vũ mình rồi chất vấn cậu ấy: “Cậu không phải là Kazami, đúng không? Cậu là ‘người dư ra’ trong lớp, đúng không? Kazami run rẩy, hoảng hốt, rồi đánh lại tớ. Nên tớ nghĩ, trời ơi, xem cái cách cậu ta phản ứng tội lỗi chưa kìa. Giống như trong cuốn băng đã nói, nếu cậu ấy chết… Tớ phải gửi trả cậu ấy cho Tử thần để cứu mọi người.”

“Cậu giết cậu ấy?” Tôi kiềm chế để khỏi thét lên.

“Thật không?”

“Ban đầu chỉ giống như tranh cãi, rồi ẩu đả, chứ tớ không nghĩ ‘Được, đã tới lúc giết cậu ấy’ rồi hành động… Ôi, tớ thực sự không biết mình đang nghĩ gì. Chẳng hiểu sao bọn tớ đẩy nhau ra ban công. Chưa kịp nhận thức tình hình, thì…” “Cậu ấy ngã xuống?”

“Ừ.”

“Cậu có đẩy cậu ấy không?”

 “Hình như có.”

“Vậy là cậu ấy chết?”

“Cậu ấy nằm dưới đất, không cựa quậy gì. Đầu cũng rỉ máu.”

“Được rồi…”

“Lúc ấy tớ phát hoảng. Run như cầy sấy.”

Teshigawara co một chân lên ngực, hai tay ôm lấy mái đầu bết mồ hôi.

“Tớ chạy lên hành lang, rồi đến đây. Vì tớ biết cậu tới phòng Misaki. Tớ nghĩ tớ phải kể cho các cậu trước.”

“Mochizuki thì sao?”

“Không thể tin tưởng cậu ấy được.”

“Nhưng mà, sao cậu hỏi bọn tớ những câu đó?”

“Vì cuốn băng. Nhớ không?”

Teshigawara rút tay khỏi tóc, ngước nhìn tôi. Đôi mắt vằn máu, nước mắt mấp mé như sắp tuôn xuống bất cứ lúc nào.

“Giống như Matsunaga Katsumi nói, sau khi anh ta giết ‘người dư ra’ trong chuyến cắm trại mười lăm năm trước… Cậu nghe anh ấy kể hết rồi mà, đúng không? Ngay khi ‘người dư ra’ chết, hắn sẽ ngừng tồn tại. Không ai trong lớp nhớ hắn từng ở đó, ngoại trừ Matsunaga, vì chính tay anh ta thực hiện việc đó. Thế nên tớ…”

“Cậu muốn biết chắc Kazami có đúng là ‘người dư ra’ không!”

“Ừ. Nhưng các cậu nói là biết cậu ấy.”

Teshigawara rũ vai xuống. Giọng tuyệt vọng, cậu hỏi tôi, “Có phải tớ đã phạm sai lầm nghiêm trọng rồi không? Sakaki! Có phải không?”

Cân nhắc kỹ càng để chọn câu trả lời, tôi nhận thấy có hai khả năng.

Thứ nhất, “người dư ra” không phải là Kazami Tomohiko, đúng như Teshigawara lo sợ. Nói cách khác, có khả năng Teshigawara đã phạm sai lầm nghiêm trọng.

Khả năng còn lại là Kazami Tomohiko không phải “người dư ra”, và cậu ấy vẫn chưa chết. Theo như tường thuật, Teshigawara không chạy xuống xem Kazami đã chết thật chưa. Nên có thể cậu ấy vẫn…

“Có thể cậu ấy chưa chết.”

“Gì cơ?”

“Rơi từ tầng hai không đến nỗi chết đâu. Có thể cậu ấy vẫn còn thở, chỉ bất tỉnh thôi.”

“Ôi…”

Teshigawara bồn chồn, quay ra cửa sổ, rướn người tới trước, mở cửa trèo ra ban công. Tôi đi theo cậu ấy.

Làn gió ẩm ướt xộc tới chỗ chúng tôi. Ánh sáng nhạt nhòa của trăng le lói qua những khe mây…

Tì ngực vào thanh vịn ban công ướt nhẹp nước mưa, Teshigawara vươn tay phải sờ sau đâu. Phía bên trái cửa chính, ở đầu hồi tầng hai… Chúng tôi nhìn thấy ánh sáng nhờ nhờ từ vài ô cửa sổ còn mở đèn. Hẳn đó là phòng giải trí.

“Kia… ở đằng kia.” Teshigawara chỉ về hướng đó.

“Oài. Từ chỗ này tớ chẳng thấy gì. Chắc phía bên kia bụi rậm…”

Tôi lấy điện thoại ra khỏi túi, định gọi cảnh sát hoặc cứu thương. Teshigawara chặn tay tôi, “Này, Sakaki. Cậu không bán đứng bạn bè cho cảnh sát chứ?”

“Đừng có ngốc!” Tôi đáp, trong óc chợt hiện ra hình ảnh viên cảnh sát tôi đã gặp.

Ông ta từng lấy lời khai của tôi về tai nạn Mizuno, một lần khác gặp lại tôi gần trường học. Tên ông ta là Oba. Ông ta nói có con gái đang học tiểu học, rồi viết số điện thoại lên mặt sau danh thiếp rồi dặn tôi, “Nếu có ngày nào thấy tôi giúp được gì, đừng ngại liên lạc nhé…” Tôi đã nhập số điện thoại vào danh bạ, phòng khi có việc xảy ra. Nếu chúng tôi kể cho ông nghe về việc đang xảy ra, có lẽ ở một chừng mực nào đó, ông sẽ hiểu.

Tôi hất tay Teshigawara, vội vã bấm số. Tuy nhiên… Điện thoại không kết nối.

Kiểm tra lại màn hình, tôi thấy còn một vạch sóng. Nhưng điện thoại không liên lạc được.

“Sakakibara?”

Tôi nghe thấy giọng Mei. Cô nhìn tôi qua cửa sổ chứ không nhảy ra hẳn ban công. Cô yên lặng, nhưng kiên định lắc đầu. Rồi nói với tôi bằng giọng rất nhỏ để Teshigawara không nghe thấy được. “Không phải là Kazami.”

“Ồ…”

Con mắt búp bê của cô nhìn ra “không phải là Kazami”. “Người dư ra” phải là người nào đó khác.

“Teshigawara!” Tôi gọi. “Trước tiên, bọn mình phải đi xem cậu ấy còn sống không. Nếu còn thì cậu ấy cần được giúp đỡ ngay. Hiểu chứ?”

“Ừmmm,” Teshigawara ỉu xìu đáp, hầy người khỏi thanh vịn.

Trước vẻ thiểu não của cậu ta, tôi nói, rất nghiêm túc, “Đây không phải lúc bi quan tự sát đâu”.

“Ừ, đúng.”

“Nhanh lên! Đi nào!”

6

Chúng tôi chạy ra khỏi phòng 223, phóng tới lối vào. Chúng tôi chạy dọc hành lang tầng hai ra cầu thang trung tâm, rồi theo cầu thang xuống sảnh trước. Đang đi…

Tôi bất chợt có cảm giác lạ lẫm.

Một điềm báo, nhức nhối trong xương tủy… Không, không phải thế. Hãy phán đoán hợp lý một chút đi, chẳng thể nào có chuyện siêu nhiên như thế.

Một tiếng vọng… Phải. Tiếng vọng của thứ gì đó.

Một tiếng vọng lạ lùng. Một tiếng vọng phá rối. Một tiếng vọng kinh khủng. Suy nghĩ kỹ hơn, hẳn bởi vì mắt tôi đã quét trúng thứ gì đó khi xuống cầu thang.

Teshigawara và Mei lao ra cửa trước mà chẳng hề nhìn lại. Tôi là người duy nhất chùn chân.

Tôi đang ở sảnh trước giữa đêm khuya, mọi ngọn đèn chính đều đã tắt. Hàng lang hun hút chìm trong bóng tối. Ở đó…

Một cánh cửa mở hé, chỉ vài phân. Chính là thứ tôi liếc thấy cánh cửa dẫn vào phòng ăn?

Bên trong tối om. Thậm chí còn tối hơn cả bóng tối ở hành lang. Sâu trong bóng đen lồ lộ qua cánh cửa hé mở, tôi cảm nhận được điều gì đó, một điều thực sự khó chịu. Tôi nghĩ đó chính là nguyên bản “tiếng vọng” mà tôi cảm nhận được.

Tôi do dự, không biết có nên gọi những người khác lại không. Tôi tiến đến gần cửa, giơ tay nắm lấy nắm cửa nhờ nhờ.

Trơn nhuội.

Mồ hôi chăng? Không, không phải mồ hôi. Mà là… Tôi buông nắm cửa, nâng tay lên để nhìn kỹ. Tối quá chưa thể nhìn rõ là gì. Không phải mồ hôi. Đậm màu hơn. Đó là…

Máu?

Máu? Nhưng tại sao?

Đáng ra tôi nên tháo lui, theo chân những người đã lao ra trước. Nhưng tôi không thể làm thế. Thậm chí chưa kịp suy nghĩ thấu đáo, tôi đã đẩy cửa bước vào phòng ăn. Tối om, không thấy gì, nên tôi phải lần mò từng bước, dò dẫm dọc tường, bất thần…

“Ối…”

Tôi hét lên, bởi bỗng dưng có thứ gì đó tóm lấy mắt cá chân tôi. “Á! Cái…”

Cái gì vậy? Ai vậy? Tôi nhảy lùi.

Thứ gì đó, không, ai đó đang nằm úp mặt trên sàn. Vì mắt đã điều chỉnh phù hợp với bóng tối, tôi có thể nhìn ra các hình dạng nhờ ánh trăng yếu ớt rọi vào từ cửa sổ ở cuối phòng.

“Cái gì?” Tôi hoảng hốt nói. “Ai đấy? Cậu đang…”

Người đó mặc đồng phục hè, quần soóc, nên hẳn là con trai.

Vì nằm sấp, tôi không nhìn được mặt. Tôi không nhận ra là ai. Tay phải của cậu ta vươn ra trước, chính là bàn tay đã tóm mắt cá chân. Lực nắm rất yếu, tôi chỉ giật mình vì đột ngột mà thôi.

“Cậu ổn chứ?” Tôi cúi xuống gần, đặt tay lên vai cậu. “Này, ổn không? Sao cậu lại…”

Đáp lại tôi là những cơn co giật. Tôi vòng tay qua, cầm lấy bàn tay phải của cậu ấy.

Cảm giác trơn nhuội hệt như trên nắm cửa.

“Cậu bị thương à?”

Người nọ rên rỉ, giọng trầm trầm. Tôi đặt tay lên vai cậu ấy, cố đỡ dậy. Nhưng…

“Đừng.” Giọng nói mạnh mẽ hơn tôi tưởng thoát ra khỏi miệng cậu ấy. “Chẳng ích gì đâu…”

“Sao không?” Tôi hỏi. Cuối cùng nhận ra, trên chiếc áo sơ mi trắng của cậu, một vết rạch chạy dọc lưng xuống hông. Chiếc áo đẫm máu.

“Cậu… Cậu bị đâm?” Tôi hỏi. Tôi áp má xuống sàn để nhìn vào mặt cậu ấy. Bóng tối cùng máu me trên mặt khiến tôi khó lòng nhận ra, nhưng…

“Maejima?”

Maejima, người đã ngồi vỗ lưng cho Wakui khi cậu ấy lên cơn suyễn sau bữa tối. Maejima người mảnh dẻ, mặt trẻ con, nhưng vẫn luôn là một chiến binh ở Câu lạc bộ Kendo. Tôi luôn dành thiện cảm cho cậu ấy.

“Sao lại xảy ra chuyện thế này?” Tôi ghé miệng vào sát tai Maejima. “Ai đâm cậu? Ai…?”

Maejima rên rỉ, cuối cùng thốt lên đứt quãng, dường như đã vận đến cả sức tàn.

“Đâm một con dao… dao bếp…”

“Dao bếp? Có chuyện gì?”

“Đâm… Quản… gia…”

“Quản gia?” Tôi lắc lắc vai Maejima. “Ông già Numata? Lão ta đã làm gì?”

Tôi hỏi dồn dập hết câu này tới câu khác nhưng chẳng nhận được lời đáp nào hơn. Tôi nhìn vào khuôn mặt Maejima, lần này đôi mắt cậu ấy đã khép chặt. Chắc là bất tỉnh. Hay là chết rồi? Tôi không đủ can đảm áp người sát lại để kiểm tra…

Tôi tự vực mình dậy, vật lộn với nỗi sợ đã đông kết trong thoáng chốc, bắt đầu bước đi. Dù không tìm thấy công tắc đèn, nhờ ánh trăng, tôi vẫn nhận ra cánh cửa dẫn xuống bếp đằng cuối phòng.

Lão già đáng ngờ nhỉ! Lời nhận xét của Teshigawara mấy tiếng trước tại chính căn phòng này chợt văng vẳng trong đầu tôi. Kể từ lúc lớp mình tới đây mắt lão ấy lúc nào cũng rực lên đang sợ mỗi khi nhìn bọn mình, cậu có thấy không?

Không… Không thể nào.

Tớ dám cược với cậu là có hàng đống lão già một lúc nào đó nổi điên, giết luôn cả cháu nội ấy chứ.

Ông ta không thể nào…

Tốt hơn hết đừng có lơ là với lão ấy.

Khi tiến đến gần cửa bếp, tôi lại cảm nhận điều gì đó lạ lẫm. Lần này không phải vì nhìn thấy. Mà nghe thấy và ngửi thấy…

Một âm thanh yếu ớt bất thường vọng ra từ sau cửa. Tôi chưa hiểu là tiếng gì.

Còn có mùi thoang thoảng bất thường cũng bốc ra từ sau cánh cửa này. Tôi chưa biết là mùi gì. Nhưng…

Không nên mở ra. Đừng mở ra. Bất chấp lời mách bảo trong đầu, tôi nắm lấy tay nắm cửa.

Lập tức, tôi thấy nóng. May sao chưa đến độ bỏng, nhưng tay nắm nóng kinh hoàng.

Đáng ra tôi nên từ bỏ ý định. Nhưng không chần chừ, tôi vặn tay nắm rồi vận sức đạp thẳng vào cánh cửa.

Chính lúc ấy, tôi nhận ra nguồn gốc của âm thanh và thứ mùi là lạ đó. Một đám cháy. Cháy khắp phòng.

Hơi nóng và khói ập vào tôi, làm tôi phải vội vàng thoái lui. Tôi giơ tay chân trước mặt, nín thở. Đúng lúc ấy…

Tôi nhìn thấy thứ gì đó, ngay giữa đám lửa. Một người nằm trong bếp, xung quanh là lửa.

Đầu ông ta quay về phía tôi. Lửa sẽ liếm tới quần áo ông ta bất cứ lúc nào. Vậy mà ông ta chẳng hề nhúc nhích, có lẽ vì đã chết rồi. Vài vật thể cắm ngập mặt và cổ ông ta, có lẽ là nguyên nhân khiến ông ta chết ngay lập tức. Mà nếu tôi không nhầm, những vật thể này là bộ nĩa kim loại mà chúng tôi dùng khi ăn tối.

Lửa cháy rừng rực. Dù có bình xịt chữa cháy cũng chẳng ngăn được thế lửa này.

Tôi chạy trở lại chỗ Maejima nằm, hét gọi cậu, “Này! Maejima! Tình hình xấu lắm! Có đám cháy… Đi nào! Nếu không thoát khỏi đây, chúng ta sẽ chết đấy!”

7

Maejima vẫn đang thở. Tôi thấy cậu ấy khẽ động cựa đáp lại lời tôi.

Tuy lo ngại về tình hình vết thương và lượng máu có thể mất nếu di chuyển, nhưng chẳng thể nào để Maejima nằm lại đây được. Tôi thúc giục, “Tỉnh lại đi nào!”, hết lần này tới lần khác để kêu gọi cậu ấy tỉnh táo, chẳng hiểu sao tôi xoay xở đỡ được cậu dậy rồi dìu ra hành lang. Lúc ấy, ngọn lửa trong bếp đã lan sang phòng ăn.

Tôi kéo cửa lại, nghĩ ngợi. Giá mà mình chặn được đám cháy từ xa, dù chỉ trong giây lát… thì…

“Cậu đâu rồi Sakakibara?”

Có ai đó gọi tôi từ sảnh trước. Là Mei. Hẳn cô đã quay lại tìm khi không nhìn thấy tôi.

“Sao cậu lại ở… Cái gì thế…?”

Cô dừng lại đằng xa. “Ai vậy?” Vẻ nghi ngờ lồ lộ. “Có chuyện gì xảy ra thế?”

“Cậu ấy bị thương nặng lắm,” tôi hét lên đáp lời. “Nhưng có cháy trong bếp!”

“Cháy?”

“Ông lão quản gia… ông Numata ở trong đó. Chết rồi. Ông ấy bị giết. Tớ đoán kẻ giết ông ấy đã phóng hỏa.”

Trong khi kể vắn tắt tình hình cho Mei nghe, lưỡi tôi líu lại, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: Ôi!

… Chính là lúc đó.

Quãng 10 giờ, khi tôi nhìn qua ô cửa sổ hành lang trước phòng Mei.

Tôi nhìn thấy một căn nhà giống kho chứa đồ ở vườn sau và đèn bật sáng bên trong. Bấy giờ tôi nghĩ rất tự nhiên, cho rằng có thể những người quản gia vào lấy đồ cần dùng. Nhưng…

Hắn là kẻ giết người đã xuống đó sau khi giết ông Numata, hoặc là vào trước khi giết ông để lấy dầu hoặc nhiên liệu gây cháy khác.

“Có phải Maejima không? Cậu ấy bị làm sao?”

“Nằm trong phòng ăn. Hình như bị dao đâm từ sau lưng. Chắc cũng do chính kẻ gây ra những việc kia.”

“Vết thương sâu không?”

“Mất nhiều máu lắm.”

Nhờ Mei giúp, chúng tôi mỗi đứa một bên dìu Maejima ra sãnh trước. Cuối cùng cánh cửa chính rộng mở đã hiện ra trong tầm mắt.

“Cậu có tự dìu cậu ấy được không?” Mei hỏi.

“Có lẽ được. Nhưng Maejima cần được cấp cứu ngay.”

“Cậu nói đúng.”

“Teshigawara đâu rồi? Kazami thì sao?”

“Kazami không sao. Đất nhão bùn sau mưa nên mềm hơn. Cậu ấy cử động chân khó khăn, nhưng đầu không bị thương nhiều. Cũng tỉnh lại rồi.”

“Tốt quá!”

Tôi hướng ra cửa chính, đỡ theo thân hình nặng trịch của Maejima. Trong khi đó, Mei quay phắt lại.

“Này… Cậu đi đâu đấy?”

“Tôi phải báo động cho mọi người về đám cháy.”

Cô nói hoàn toàn đúng. Nhưng giờ mà chạy lên tầng hai…

Quá nguy hiểm. Dĩ nhiên nguy hiểm hỏa hoạn chỉ là một phần, biết đâu tên giết người còn quanh quẩn trong nhà với con dao trong tay…

“Từ từ đã, Misaki.”

Tôi chưa kịp lên tiếng ngăn cản, Mei đã vọt lên cầu thang. Tôi muốn đuổi theo, nhưng Maejima không thể tự đi được. Đau xé lòng, tôi tiếp tục đỡ và dìu cậu ấy ra ngoài.

Tôi trông thấy Teshigawara chạy về phía hiên. Bên cạnh là Kazami, đau đớn, lấm lem, kính đã mất đi đằng nào, chắc là văng khỏi mặt khi chủ nhân rơi từ tầng hai xuống. Kazami lê chân phải, trông rất khổ sở, Teshigawara để cậu ấy tựa vào người mình.

“Không! Tránh xa ngôi nhà đi!” Tôi hét lên.

“Hả?” Mắt Teshigawara đảo về phía tôi. “Ai thế? Maejima hả? Sakaki, cậu đã ở đâu mà…”

“Nhà cháy!” Tôi hét lên. “Đám cháy lan ra từ bếp. Tớ không nghĩ bọn mình đủ sức dập lửa đâu. Có kẻ cố ý phóng hỏa thì phải.”

 “Không thể nào! Cậu giỡn đấy à?”

“Có kẻ tấn công Maejima. Cậu ấy bị thương nặng.”

“Cậu nói thật không?!”

“Nào, bọn mình phải thoát ra khỏi đây!”

“Được.”

Mỗi chúng tôi giúp một người bị thương – Teshigawara đỡ Kazami, còn tôi dìu Maejima – cùng rời khỏi mái hiên. Tập tễnh, chậm rãi lết từng bước, chúng tôi tiến ra sân trước.

Cuối cùng, có âm thanh ầm ầm vang lên sau lưng chúng tôi. Ngoảnh lại, mạn phải tầng trệt – phía phòng ăn – tôi thấy một ô cửa sổ bục toang, lửa ùa ra. Có thêm gió dữ tiếp sức, ngọn lửa lan nhanh trên mặt tường ngoài của ngôi nhà.

Đúng lúc đó tôi nghe tiếng còi báo động rít lên từ bên trong.

Hệ thống báo cháy tự động đã được kích hoạt. Hoặc ai đó đã mở bằng tay. Nói cách khác, nhờ thế mà mọi người trong phòng trên tầng hai phát hiện được chuyện lạ lùng đang diễn ra. Nhanh lên, mọi người…

Trước khi lửa tới chỗ các bạn… Tôi khó lòng trụ nổi vì quá lo lắng về sự an nguy của Mei, nhưng tôi biết mình không thể bỏ Maejima ở đây được, cậu ấy bị thương nặng quá. Cả Kazami nữa. Kazami cũng khó lòng tự đi được, nên tôi không thể nhờ Teshigawara dìu Maejima hộ mình.

Việc đầu tiên tôi cần làm là đưa Maejima tới chỗ nào đó ngoài tầm lan xa của ngọn lửa. Vừa khích lệ Teshigawara, tôi vừa sải hết tốc lực để kéo giãn khoảng cách với ngôi nhà.

Lúc này, vài người được báo động về ngọn lửa đã lao ra khỏi cửa trước và các lối thoát hiểm.

Tất cả đều hoảng loạn trong khi ngọn lửa rừng rực tiếp tục liếm khắp ngôi nhà. Bọn họ chạy ngang qua chúng tôi, hướng ra cổng, cố cứu lấy thân. Ai nấy đều mặc quần ngủ, áo phông hoặc pyjama. Thậm chí có vài người xỏ dép lê chạy nháo nhào.

Tôi không điều khiển được thân thể mình nữa, tôi muốn phát điên lên. Hơi nóng và khói đã hạ gục tôi. Giữa tiếng lửa gào, thỉnh thoảng tôi nghe ra tiếng kính vỡ, tiếng ngôi nhà răng rắc vặn mình.

Bất thần, cơ thể Maejima trĩu xuống nặng hơn.

“Đi cùng tớ nào, cố lên,” tôi giục giã, nhưng không có hồi đáp. Cậu ấy không thể tự nhấc chân lên được nữa rồi… Giữa khung cảnh đó… Tôi nghe một tiếng động.

Dù tiếng động đó lẫn lộn giữa nhiều âm thanh huyên náo trên nền lửa, thì vẫn nghe được rõ ràng đó là tiếng người. Tiếng hét. Cao vút, lanh lảnh.

Nó thoát ra từ phía trên, ở một góc ngôi nhà.

Tôi ngước nhìn, và thấy một người trên ban công tầng hai. Một căn phòng có lẽ cách phòng 223 – nơi chúng tôi vừa chạy ùa ra – hai gian. Tôi không nghĩ lửa đã lan đến khu vực đó, nhưng… Tôi đoán là bọn họ không thể xuống hành lang, đành ra ban công kêu cứu.

… Không.

Lập tức tôi biết là không phải.

Tôi nhìn thấy hai người trên ban công.

Qua dáng người và kiểu tóc, một người có vẻ giống Akazawa Izumi. Tiếng hét hẳn là của cô. Người còn lại là…

“Dừng lại!”

Akazawa kêu the thé khiến tôi phải nhìn như dán vào cô. “Bà làm sao đấy hả?! Sao bà lại…”

Mắt tôi chớp chớp hãi hùng. Người còn lại trên ban công, ngay lúc này, đang cố tấn công Akazawa. Tay phải nâng cao quá đầu. Cầm con dao chắc hẳn chính là hung khí đâm Maejima.

“Dừng lại!” Akazawa thét lên. “Cứu tôi với!”

Kẻ tấn công và nạn nhân – cả hai vật lộn với nhau trên ban công. Bất chợt…

Có tiếng ầm ầm chói tai. Một cột lửa phụt lên từ góc nào đó phía sau ngôi nhà…

Một vụ nổ?

Chính là một vụ nổ.

Phải – hình như là bình gas trong bếp. Có phải nó đã bắt lửa không?

Tôi giơ cả hai tay lên theo phản xạ, cố bảo vệ phần mặt trước sức nóng và những tia lửa bắn về phía mình. Mất chỗ dựa, Maejima đổ sập xuống đất. Dù tôi đã vội vã đỡ lấy, nhưng…

Mắt tôi trở lại ban công tầng hai. Đúng lúc hai người kia dồn nhau ra hàng thanh chắn của ban công, người nọ xô người kia.

“Chuyện gì thế này?” Tôi lẩm bẩm, ngoảnh mặt đi. Tôi nhìn tay mình nắm chặt cánh tay Maejima. “Cậu ổn chứ? Đi nào, cố lên!”

Quỳ một bên gối xuống bùn, tôi cố lấy đà đỡ cậu ấy dậy, nhưng chẳng ích gì. Tôi vừa thả lỏng đôi chút, Maejima lại đổ xuống đất, y như một món đồ chơi được bơm phồng nay xẹp hết khí.

“Maejima… Maejima?”

Tôi dáo dác gọi, nắm lấy cổ tay bắt mạch, vội vã kiểm tra hơi thở và nhịp tim cậu ấy. Nhưng…

“Ôi, Maejima…”

Cậu ấy chết rồi.

8

Tôi chết lặng, kiệt sức bởi cảm giác bất lực hơn là sợ hãi. Rồi mau chóng, tôi quả quyết lắc đầu để khôi phục sự tỉnh táo, bất chợt nhớ ra…

Mei đâu rồi?

Cảm giác căng thẳng trương phồng lên.

Mei có ổn không.

Mình phải quay lại tìm cô ấy, tôi nghĩ trong hoảng loạn. Nhưng… Không, vô ích thôi. Mei đã…

Có phải cô báo động xong cho mọi người trên tầng hai biết về đám cháy rồi tìm được cách thoát ra an toàn rồi? Cửa chính không phải là lối đi duy nhất. Có thể Mei đã chạy ra ở cửa khác, hoặc là qua cửa sổ…

Mình chắc là Mei sẽ làm được, tôi tự nhủ.

Mei sẽ xoay xở được. Nếu không, tôi sẽ nguyền rủa bản thân không biết ngần nào mà kể vì không ngăn được cô quay vào đó.

Vụ nổ đã tiếp thêm sức mạnh cho ngọn lửa, nó lan vùn vụt ra khắp cả ngôi nhà. Cứ quanh quẩn ở đây thì chẳng an toàn chút nào. “Tớ xin lỗi.” Đó là những lời cuối cùng tôi dành cho Maejima trước khi bỏ lại cậu ấy. Tôi quay mình dợm bước thì bất chợt nhìn thấy…

Một cảnh thật khó tin.

Từ đằng sau bụi cây nơi hai người trên ban công ngã xuống sau vụ nổ, một kẻ chầm chậm xuất hiện.

Tại dấu máu, bùn và tro bụi, nên thật khó đoán được màu ban đầu của bộ quần áo hắn mặc. Màu tóc, màu da, khuôn mặt cũng vậy. Chỉ nhìn qua thì không tài nào nhận ra những đường nét của hắn.

Vậy là sau khi vật nhau và ngã lộn cổ từ tầng hai xuống… kẻ này đã sống sót. Akazawa… không qua được cú ngã chăng? Hay chính kẻ này đã kết liễu cô?

Dù một chân phải lê lết, một vai thì trĩu hẳn xuống, người vặn vẹo nghịch dị… hắn vẫn tiến rất nhanh về phía tôi. Khói bốc lên anh ánh sắc đỏ của ngọn lửa đang liếm láp ngôi nhà, những bước chạy của kẻ kia làm tôi liên tưởng đến cử động khó nhọc của một con vật giãy chết.

Hắn đang lao thẳng về phía tôi. Giữa hai chúng tôi chỉ còn khoảng cách chừng vài mét. Tay phải hắn cầm một con dao. Trên khuôn mặt vàng sáp, hai con mắt long sòng sọc. Chỉ một tích tắc, toàn thân tôi nổi da gà, ướt đẫm mồ hôi.

Tôi đã hình dung cảnh này vô số lần khi đọc tiểu thuyết. Thậm chí đã xem nhiều trên phim… Nhưng tôi chưa từng bắt gặp trong thế giới thực. Chưa một lần nào. Không hề giống thế này…

… Đôi mắt dại đi. Mắt của người hoàn toàn mất hết lý trí.

Khác hẳn với ánh mắt của thầy Kubodera khi tự cứa cổ họng giữa lớp. Mắt thầy lúc ấy vô hồn, hoàn toàn trống rỗng, ít ra cũng không ánh lên vẻ đáng sợ và dọa dẫm thế này.

Đôi mắt đó…

Đang nhìn tôi.

Nhận ra ánh mắt chằm chằm nhìn như khoan vào mình, tôi liền vắt chân lên cổ mà chạy. Nếu không chắc chắn tôi sẽ bị tấn công, bị giết chết.

Tôi chạy. Tôi nghĩ hẳn có người thét lên một, hai lần gì đó sau lưng. Tôi đoán đó là những bạn không chạy được nhanh, bị kẻ kia tấn công. Dù vậy, tôi không dừng bước, không ngoái lại nhìn. Tôi quá hoảng sợ.

Tôi cắm cổ chạy qua sân trước, cuối cùng cũng nhìn thấy cổng chính xuất hiện trước mặt, bất thần… Một cơn đau nhói lên trong lồng ngực. Không chịu nổi, tôi phải dừng lại. Tôi ép hai tay lên ngực, khuỵu gối xuống đất.

Cơn đau chỉ nhói lên một lần, tôi bắt đầu thấy đỡ hơn.

“Không thể… nghỉ một chút… chỉ lần này thôi sao?” Tôi lẩm bẩm, rồi cố đứng dậy, hối hả ngoái lại phía sau.

Kẻ giết người đang lê một chân. Tôi đã nới rộng được khoảng cách. Có thể hắn không còn đuổi theo nữa. Phải. Chắc là ổn rồi…

Thế mà…

Kẻ nọ vẫn đuổi theo tôi.

Với vẻ mặt như vừa hồi sinh từ ngọn lửa địa ngục.

Thật ra khoảng cách giữa chúng tôi đã được nới rộng hơn trước, nhưng hắn vẫn dai dẳng đuổi theo tôi.

Tôi cố chạy, mờ mịt vì hoảng loạn, chân bỗng dính bết lại trong bùn. Tôi giãy mạnh ra, mất đà ngã oạch xuống. Miệng rên lên choáng váng, tôi vẫn cố sống cố chết đứng dậy. Nhưng không còn mấy nả sức sau ngần ấy nỗ lực. Hồi lâu sau, tôi mới nhỏm dậy được, lại ngoái nhìn đằng sau. Máu tôi đông lại khi nhận ra khoảng cách giữa tôi và kẻ săn đuổi đang rút ngắn, thêm một cơn đau nhói lên nơi ngực tôi.

Mình không trốn được…

Nỗi tuyệt vọng bỗng chốc choán hết tâm trí tôi.

Mình không trốn được. Không còn chỗ nào để trốn sao? Vậy là đến lượt mình rồi. Ngay tại đây. Giống như lão quản gia bị giết trong bếp. Như Maejima. Như Akazawa.

“Đừng có lại gần tôi.” Tôi hầu như không thốt nổi thành tiếng những lời phản kháng. “Đừng! Đừng tiến thêm một bước nào nữa…”

Tên giết người điên cuồng vẫn di chuyển, không những không ngừng nghỉ, hắn còn đột ngột tăng tốc. Tay cầm dao vung cao lên. Đằng sau hắn, ngọn lửa gầm rú gớm ghê. Khói bốc ngùn ngụt khắp nơi. Rồi đột nhiên…

Một cái bóng đen đen xuất hiện từ chái bên.

Trước khi những lời “Ai?”, “Cái gì?” kịp thốt ra, bóng đen mạnh mẽ vật kẻ giết người xuống, đoạt con dao trong tay hắn. Kẻ giết người lăn lộn, nằm ngửa ra đất. Ngay lập tức, bóng đen nọ liền nằm đè lên.

“Ôi!” Tôi buột miệng. “Thầy Chibiki?!”

Lúc tôi dứt lời, thầy cũng dứt điểm.

Bóng đen rời khỏi kẻ giết người lúc này đã thôi động đậy. Rồi đứng thẳng dậy, nhìn tôi.

“Thầy Chibiki!”

“Hú hồn,” thầy thủ thư vận toàn đồ đen lẩm bẩm đáp. “Tôi từ bệnh viện trở về giữa lúc mọi việc đang xảy ra. Chưa qua cơn hoảng hốt đã nhìn thấy kẻ này mang dao và đang…”

Chỉnh gọng kính màu đen cho ngay ngắn, thầy Chibiki liếc nhìn lại bộ mặt kẻ giết người. “Rốt cuộc là thể loại gì thế không biết, vừa nhìn đã biết là không bình thường.”

“Ông Numata bị giết ạ, ở trong bếp.”

“Ông Numata?”

“Dạ. Ông quản gia.”

“Vậy thì…”

“Em nghĩ mọi chuyện bắt đầu từ đó. Rồi Maejima bị đâm, ngọn lửa lan ra…”

“Đều do bà này gây ra?” Thầy Chibiki lại đảo mắt về phía khuôn mặt kẻ giết người – bà Numata.

“Sao bà ta lại làm thế?” Thầy bắt đầu băn khoăn, rồi lắc đầu thật mạnh. Như thể tự nhủ chẳng việc gì phải băn khoăn. Nó là một phần “tai ương” năm nay…

“Dù sao thì em cũng phải thoát khỏi đây ngay.”

Thầy Chibiki ra lệnh, mắt thôi nhìn bà Numata. “Em nên chạy ra khỏi cổng. Nhanh lên.”

“Dạ… vâng, thưa thầy.”

“Em đi đi. Tôi sẽ lo phần bà ta… Bà Numata ấy.”

“Dạ?”

“Bà ta mới bất tỉnh thôi. Không thể để nằm lại đây.”

“Nhưng…”

“Không sao đâu. Em vừa chứng kiến mà, phải không. Khác với bề ngoài, tôi rất linh hoạt. Đến giờ tôi vẫn lên sàn tập đấy.”

Chắc hẳn thầy học Judo, Boxing hoặc môn nào tương tự. Không có thời gian để ngạc nhiên, nhưng rõ ràng là thật: Sự thật này khác xa vẻ ngoài của thầy Chibiki.

“Nào, đi đi, nhanh lên.”

Tôi dừng lại, ngây ra.

“Tôi bảo là đi đi!”

“Dạ, vâng!”

9

Giữa đám người lố nhố trước cổng, tôi trông thấy Teshigawara đầu tiên. Cậu đang tựa vào một trụ đá, đôi mắt trống rỗng trước cảnh Nhà kỷ niệm Sakitani sụp đổ. Kazami ở trụ đá đối diện, ngồi dưới đất, hai tay vòng lại ôm một chân co lên, trán tựa xuống đầu gối, người cứng đờ.

“Này… Sakaki.” Teshigawara yếu ớt giơ tay lên vẫy tôi. “Maejima đâu rồi?”

 Tôi không trả lời được.

“Chậm quá, cậu ấy không cố được phải không?”

 Vẫn không thể trả lời.

“Thầy Chibiki quay lại rồi. Thầy vào trong ấy xem chuyện gì đang xảy ra.”

 “Tớ có gặp thầy.” Tôi vừa đáp vừa dõi mắt tìm Mei. “Thầy đã cứu tớ.”

“Thầy dặn bọn mình giữ bình tĩnh. Đợi xe cứu thương, xe cứu hỏa tới.”

Thật là một đám cháy cuồng loạn. Dù đã đến khoảng cách an toàn mà nhìn lại, vẫn thấy tình trạng quá đỗi nghiêm trọng, và có điểm gì đó không thỏa đáng lắm. Kể cả nếu trong này không liên lạc ra ngoài được, thì bây giờ đáng lẽ đội cứu hỏa cũng phải tới rồi mới đúng.

“Chỉ ngần này người thoát ra thôi à?” Nhìn quanh một lượt, tôi thấy năm người ở cổng. Mei không có mặt trong số đó. “Misaki đâu?”

“Hả? Ờ, bạn ấy không có ở đây.” Teshigawara cào mái tóc nâu lấm bẩn. “Mochizuki cũng không hả? Được rồi. Tớ chắc cả hai đã chạy đi đâu đấy.”

Tôi không đủ sức thuyết phục bản thân lạc quan theo hướng đó. Tôi dợm bước vài bước vào trong cổng, nhìn chằm chằm ngọn lửa đang bùng bùng thiêu đốt trời đêm… Và rồi…

“Misaki Mei.”

Vừa thốt khẽ tên cô, tôi vừa lục tìm túi quần. Và thấy chiếc di động. May thay nó không bị vỡ lúc tôi ngã xuống. Tôi lướt tìm số của Mei, rồi nhấn nút gọi.

Xin cậu!

Nhiệt thành cầu nguyện, tôi áp điện thoại vào tai.

Đêm nay, chiếc điện thoại này đã kết nối được với điện thoại của Mei. Thêm một lần nữa. Một lần nữa thôi, ngay bây giờ…

Kết nối đi mà.

Xin cậu. Cho dù chỉ một giây thôi cũng được.

Tín hiệu ngắn thông báo “Đang kết nối”. Lâu đến nỗi đủ khiến tôi muốn từ bỏ, và rồi…

Âm báo kết nối chuyển thành tín hiệu gọi. Lượt chuông thứ tư, có người nghe máy, “Sakakibara?”

Tín hiệu nhiễu đến nỗi tôi khó nghe ra, nhưng tôi biết: đó là giọng Mei.

“Ơn trời… Tớ không tin được là máy sẽ thông.”

Tay kia của tôi giơ lên che miệng và phần dưới chiếc điện thoại để truyền rõ giọng nói, “Misaki? Cậu an toàn rồi chứ!”

“Cậu thì sao? Những người khác nữa?”

“Bọn tớ chạy ra cổng. Nhưng không phải ai cũng ở đây. Maejima chết rồi. Thầy Chibiki quay lại, thầy đã cứu tớ. Kẻ giết người là bà Numata và…” Chợt nhận ra mình đang lảm nhảm những lời không đâu, tôi đột ngột cắt ngang bằng câu hỏi vẫn đang luẩn quẩn trong óc mình. “Cậu đang ở đâu?”

“Sân sau.” Mei đáp. “Gần chỗ trông giống kho chứa đồ.”

“Cậu có bị thương không?”

“Tôi không sao,” Mei nói, giọng lào khào. Sau một hồi im lặng khó hiểu, cô tiếp. “Nhưng tôi chưa đi được.”

“Gì cơ?”

Không sao, mà lại không đi được? Tôi không hiểu được ngụ ý. Nhưng trước khi kịp suy nghĩ, tôi nói, “Tớ tới đây. Tớ sẽ có mặt ngay. Cứ ở yên đấy nhé.”

Tôi vừa dứt lời thì…

“Cậu không nên tới đây.” Mei ngăn lại. Rẹt rẹt… Tín hiệu nhiễu chồng lên giọng cô.

“Sao lại không?”

“Cậu không nên tới, Sakakibara.”

“Thôi nào, tại sao?”

 “Tôi…”

Tạp âm càng lúc càng ồn, tiếng Mei yếu hẳn. Tôi siết chặt tay, áp sát điện thoại vào tai để không bỏ lỡ lời nào.

“Tôi… phải ngăn chặn nó.”

“Làm gì?”

Ngăn chặn nó?… Không phải Mei định… Một ý nghĩ lờ mờ đột nhiên nảy sinh rồi hiện hình trong tâm trí tôi. Không phải Mei định…

“Misaki, không phải cậu định…” Tôi hỏi to hơn, nhưng âm thanh lạo xạo càng lúc càng rồ lên, tôi không biết những lời mình nói, Mei nghe được chừng nào. “Có người ở đó cùng cậu à?”

“Tôi…”

“Ai vậy, Misaki?”

“… sẽ ăn năn, nên tôi…”

Giọng cô yếu dần rồi tắt hẳn, kết thúc luôn cuộc đàm thoại được kết nối một cách quá đỗi mong manh trong cái đêm giữa hạ thảm khốc này. Đồng hồ đang nhích dần qua nửa đêm, đã sang ngày 9 tháng Tám.

10

Không báo cho ai một câu, tôi lập tức chạy đi.

Ngọn lửa ngùn ngụt vẫn đang tiếp tục sự nghiệp thiêu đốt ngôi nhà, đồng thời trở thành ánh đuốc soi đường cho tôi. Tôi chạy hết tốc lực, từ cổng, men theo con đường dẫn tới chái Đông của vườn sau. Mặt đất vốn đã ướt nhoét nước mưa, lại trộn với tro muội của vụ cháy cứ chuội đi dưới gót giày tôi. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn xoay xở để không trượt ngã một lần nào. Cuối cùng, kho chứa đồ đã hiện ra trong tầm mắt. Tất cả mất chưa đến năm phút.

Tiếng gió rít song hành cùng tiếng lửa gầm gào ngay bên cạnh. Giữa những âm thanh đó, tôi nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa vọng lại từ xa…

Tôi vừa chạy về phía kho chứa đồ vừa đảo mắt tìm Mei. Theo ước lượng thì kho chứa ở cách nhà chính chưa tới mười mét, nên tùy vào hướng gió, tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm nếu có lúc nào đó kho bắt lửa. May sao, chỗ này có vẻ không bị ảnh hưởng.

“Misaki!” Giọng tôi nghẹn lại. “Cậu ở đâu? Misaki!”

Không có lời đáp. Nhưng…

Tôi chạy vòng tới mạn Bắc nhà kho, tiếp tục gọi tên cô, cuối cùng cũng đã tìm được. Mei đang đứng, lưng dựa vào tường nhà kho.

“Cậu đây rồi…”

Áo, váy, cũng như tóc, mặt, tay, chân cô… Tất cả đều lấm muội tro. Nhưng khi nói chuyện với tôi qua điện thoại, nghe chừng cô không có vết thương nào nghiêm trọng…

“Misaki?”

Tôi cất tiếng gọi, Mei khẽ xoay về phía tôi. Nhưng ánh mắt của cô lập tức trở lại điểm nhìn ban đầu.

Cách đấy khoảng bốn đến năm mét…

Một người khác…

Người này đang nằm úp mặt xuống đất. Trên mình tro bụi phủ đầy, nhiều hơn cả trên người Mei. Thêm nữa là thân dưới của người đó bị đè nghiến dưới những tấm gỗ lớn nặng nề. Vì thế, từ chỗ đang đứng, dĩ nhiên tôi không thể dễ dàng nhận ra người đó là ai, hoặc cao chừng nào, nam hay nữ.

“Dư chấn của vụ nổ đã tác động đến đống gỗ,” Mei nói, vẫn nhìn đăm đăm vào người đó, không đeo băng mắt. “Nên người này không nhúc nhích được…”

“Chúng ta phải giúp thôi.”

Tôi nói không chút nghĩ ngợi, rồi hớp lấy hớp để không khí. Mei lặng lẽ lắc đầu.

Lúc ấy tôi mới để ý cô đang cầm vật gì đó trong tay. Một cái… cuốc chim? Tay phải cô nắm cán cuốc, còn phần lưỡi cuốc sơn đỏ đang chống dưới đất. Chắc là nó vốn nằm gần đây. Hoặc cô lấy ra từ nhà kho.

“Chúng ta không thể làm thế.” Không đảo mắt về phía tôi, Mei tiếp tục nói. “Kia chính là ‘người dư ra’. Nên chúng ta…”

Trên đường chạy tới đây tôi đã có dự cảm ấy rồi, rằng cô đang ở cùng chỗ với “người dư ra”. Nhưng vẫn không thể ngăn mình thốt lên, “Thật không?”

“Tôi thấy… người này có ‘màu của cái chết’.”

“Cậu vừa mới thấy hả?”

“Cũng được một thời gian rồi.” Chẳng hiểu sao giọng cô buồn bã thế. “Tôi biết, nhưng chẳng thể nói gì. Nhưng… Ừ, sau khi chính tai nghe cuốn băng, tôi đã nghĩ: Mình phải ngăn nó lại. Nhất là những chuyện kinh hoàng như tối nay, không thể để tiếp diễn được nữa. Nếu còn không ra tay, mọi người sẽ…”

Mei đột ngột ngẩng mặt lên, giơ cả hai tay nắm lấy cán cuốc.

“Chờ đã…” Tôi nhảy xổ ra trước mặt cô. Theo bản năng.

Rồi lao về phía người đang nằm úp mặt xuống đất, người mà Mei tuyên bố là “người dư ra”. Tôi muốn tự mắt nhìn xem đây là ai.

Tôi tưởng người ấy đã bất tỉnh rồi, nhưng thình lình lại thấy cử động. Miệng rên rỉ đau đớn, người ấy chống cả hai tay xuống đất, nâng thân trên, cố chui ra khỏi đống gỗ. Nhưng rồi kiệt sức, lại ngã sập xuống đất bẩn.

Tôi tiến lại gần, cúi xuống, nín thở trong khi nhìn vào mặt người ấy.

Đôi mắt mở trừng trừng, vô tình chạm ánh mắt tôi.

“Ôi…” Đôi môi run rẩy. “Koichi!”

“K…” Tôi không khỏi hét lên. “Không…”

Không thể nào. Đây chỉ là chuyện đùa thôi chứ?

Tôi chớp mắt hết lần này tới lần khác, nhìn lại khuôn mặt này. Nhưng vẫn như vậy, không bàn cãi, chính là người đó.

“Cậu nói đây chính là ‘người dư ra’ sao?” Tôi lảo đảo đứng dậy, quay sang nhìn Mei. “Người này? Có thật không?”

Mei lặng lẽ gật đầu, rồi cụp mắt xuống.

“Không… Không phải. Sao lại có thể thế được…”

Ùnggg… Một âm thanh trầm trầm, quen thuộc vọng lại từ đâu đó.

Nó lớn dần, như đang cố nghiền nát trái tim tôi, cùng những suy nghĩ, những ký ức của tôi. Âm thanh đó, một khi đã để tâm, liền trở nên dọa dẫm, bất thường không sao tả nổi. Suốt những khoảng lặng giữa quãng hầm hừ…

Tôi đã đến đây bao nhiêu lần rồi? Đấy là lời độc thoại của tôi – Sakakibara Koichi, tự hỏi khi mới bắt đầu từ Tokyo chuyển đến Yomiyama vào hồi tháng Tư. Khoảng ba hoặc bốn lần hồi còn học tiểu học. Đây là lần đầu tôi quay lại từ khi lên trung học ư? Hình như không phải.

Mà này, Koichi. Trong một cuộc nói chuyện điện thoại với bố tôi, hiện đang ở Ấn Độ. Yomiyama sau một năm rưỡi biến chuyển thế nào?

Yomiyama, sau một năm rưỡi…?

Tại sao? Tại sao? Đó là con nhồng mà ông bà tôi chăm sóc như vật cưng. Vui lên… Vui lên! Lời khích lệ the thé của con chim đó.

Và ông bà gọi nó là “Rei”. Nó – lại thêm một từ “có lẽ” nửa – khoảng hai tuổi.

Mùa thu của hai năm trước, nói cách khác, một năm rưỡi trước. Khi tôi học lớp Bảy.

Đây là lần đầu tôi quay lại từ khi lên trung học ư? Hình như không phải.

Yomiyama sau một năm rưỡi. Một năm rưỡi trước, tôi đã…

Khi có người chết, phải làm đám tang. Ta, ta không muốn dự thêm đám tang nào nữa. Đó là lời ông ngoại tôi, người đã trở nên lẩm cẩm. Tội nghiệp, tội nghiệp Ritsuko! Ritsuko đáng thương, mà Reiko cũng đáng thương…

“Ôi,” tôi lẩm bẩm, gần như chỉ phát ra hơi. “Hóa ra là vậy.”

Ùnggg… Tiếng náo động của âm thanh trầm sâu ghê rợn đó đe dọa làm điếc đặc mọi ý nghĩ đang ào ào dội xuống não bộ tôi.

Giáo viên cũng chết ạ?

Tôi nhớ có lần trò chuyện cùng thầy Chibiki, nhưng không nhớ rõ lúc nào.

Ừ, nếu là chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm. Bởi vì họ là thành viên của lớp 9-3.

Nếu một người là thành viên của lớp 9-3, họ có thể sẽ chết vì “tai ương”. Trong trường hợp đó, tất nhiên họ cũng có thể quay trở lại với tư cách “người dư ra”.

Nhưng…

“Nói đi, có thật không?” Kể cả thế, tôi vẫn chẳng thể ngăn mình hỏi lại Mei một lần nữa. Đây chẳng phải chuyện tôi có thể tin ngay lập tức chỉ vì một lời của Mei.

“Cô Mikami… Ý tớ là, dì Reiko là ‘người dư ra’ thật sao?”

11

“Ở trường, dì là ‘cô Mikami’, được chứ? Cháu cố mà nhớ đấy nhé.”

Đêm trước ngày học đầu tiên của tôi ở trường trung học cơ sở mới, dì Reiko đã cho tôi biết “Các quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi”.

Quy tắc thứ nhất và thứ hai là những điều mê tín buồn cười của trường. Quy tắc thứ ba (“Phải tuân theo mọi điều cả lớp quyết định”), giờ tôi đã hiểu, là ám chỉ về “đối sách, liên quan mật thiết đến “người dư ra”. Nhưng chí ít ở thời điểm đó, sự chuẩn bị có ý nghĩa với tôi nhất chính là quy tắc thứ tư.

“Cháu nhất thiết phải tôn trọng sự phân tách giữa đời sống cá nhân và đời sống xã hội nhé. Cố đừng gọi dì là ‘dì Reiko’ ở trường, kể cả vì nhầm lẫn.”

Tất nhiên, tôi hoàn toàn tán thành.

Mẹ tôi, Sakakibara Ritsuko (họ thời con gái Mikami) đã qua đời mười lăm năm trước. Người em gái nhỏ hơn mẹ mười một tuổi là dì ruột của tôi, Mikami Reiko. Việc dì Reiko là giáo viên ở trường tôi chuyển tới – cộng với việc dì là phó chủ nhiệm ở lớp tôi – hiểu theo nghĩa nào đó hoàn toàn là do trùng hợp. Tuy nhiên, nó là một mối quan hệ dễ dàng biến thành nguồn cơn phiền toái hoặc hiểu lầm ngốc nghếch nếu tôi không cẩn trọng. Tôi đã rộng rãi chấp nhận, cho nên…

Vậy là tôi ngoan ngoãn tuân theo hướng dẫn của dì, sau khi đã được nghe nhấn mạnh về quy tắc thứ tư trong số các quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi. Tôi gọi dì là “cô Mikami” ở trường và “dì Reiko” ở nhà, coi dì như hai người biệt lập.

Dì Reiko cũng làm tương tự. Ở trường dì không bao giờ gọi tôi là “Koichi” và chưa từng quên coi tôi là “Sakakibara, học sinh mới chuyển tới”… Nên có vô số lần cả hai chúng tôi đều đối xử với người còn lại nghiêm ngặt hơn mức cần thiết.

Dĩ nhiên thầy Kubodera biết sự thật ngay từ đầu, đa phần bạn học cũng vậy. Chính vì thế khi thảo luận “đối sách” mới cho tháng Sáu, quyết định đối xử với Mei và tôi như những kẻ “không tồn tại”, thầy Kubodera đã nhắc nhở mọi người như sau, Giờ thì, mọi người phải tuân theo quyết định của lớp. Ngay cả cô Mikami, người ở một vị trí rất khó khăn, cũng đã bảo “sẽ làm tất cả những gì có thể”.

“Vị trí rất khó khăn” của cô Mikami rõ ràng chính là việc phớt lờ đứa cháu trai ở trường, coi cháu mình như “không tồn tại”, cho dù nó sống chung dưới một mái nhà với cô sau khi tan học.

Trước đó một thời gian, Mochizuki Yuya đã tới nhà tôi ở Furuchi và quẩn quanh trước cổng.

Tớ chỉ, ờ, thấy lo. Nhà tớ gần đây, cũng trong khu phố này, vậy nên tớ định, ư… Mochizuki đã giải thích với vẻ ngập ngừng khi tôi bất thần xuất hiện và bắt gặp, nhưng tôi không phải là đối tượng khiến cậu ấy lo lắng, mặc dù hôm đó tôi nghỉ học để tới bệnh viện. Tôi biết mục đích chính của cậu ấy là tới xem xem dì Reiko tức cô Mikami ra sao vì quãng thời gian đó dì cũng vắng mặt vài ngày.

Sau khi tốt nghiệp một trường nghệ thuật ở Tokyo, dì đã trở lại quê nhà Yomiyama, xin dạy hội họa ở trường trung học cơ sở trước đây của mình. Dì coi nhà phụ là văn phòng kiêm phòng ngủ, thêm vào đó tận dụng nó làm studio, tập trung sáng tác những bức tranh mà dì gọi là “nghề nghiệp đích thực”…

Tôi đã trải qua bốn tháng dò dẫm tìm đường, giữ khoảng cách chừng mực với dì.

Sau cái chết của Sakuragi Yukari, Mei nghỉ học vài ngày liền… Tôi muốn tìm hiểu xem cô đang làm gì. Lúc ấy tôi chỉ đơn giản nghĩ “tìm hiểu” bằng cách hỏi xin dì Reiko bản danh sách lớp.

Tuy nhiên, tôi lại không hỏi xin. Tôi không nói với dì rằng mình muốn xin bản danh sách lớp, tôi chưa bao giờ thẳng thắn trao đổi với dì về không khí khó chịu tôi cảm nhận ở trường cùng vô số câu hỏi… Chuyện này, tôi nghĩ chính là vì sự do dự, lo lắng xuất phát từ việc cố duy trì khoảng cách với dì.

Tớ tự biết lo thân. Và tớ cũng có những vấn đề nhạy cảm cần tránh. Tôi đã nói với Mochizuki như thế, để giải thích lý do vì sao không thể lấy thẳng bản danh sách lớp từ dì, tuy nhiên…

“Sakakibara.”

Cô Mikami – dì Reiko – mắc kẹt dưới đống gỗ, không di chuyển được, còn Mei, đang nâng chiếc cuốc bằng cả hai tay. Tôi đứng giữa hai người hồi lâu, không nghĩ được lời nào để nói. Tôi chỉ đứng im.

Rồi Mei thúc giục tôi, giọng mạnh mẽ, “Nghĩ kỹ đi, Sakakibara. Nghĩ thật cẩn thận vào. Còn lớp nào khác trong trường mình có phó chủ nhiệm không?”

“Hở? Ừm…”

“Không có,” Mei thản nhiên tuyên bố. “Không hiểu sao chẳng ai từng chú ý tới điều này. Chúng ta chỉ đơn giản là chấp nhận. Ban đầu tôi cũng thế. Nhưng cậu không thấy như thế là bất thường sao? Lớp 9-3 là lớp duy nhất trong trường có phó chủ nhiệm.”

Tôi không nói được một lời.

“Tôi nghĩ chắc hẳn cô Mikami đã mất từ năm kia, năm mà cô chủ nhiệm lớp 9-3. Học kỳ hai bắt đầu, Sakuma từ bỏ vai trò của mình, không làm người ‘không tồn tại’ nữa và ‘tai ương’ được khởi động. Lý do chính khiến Câu lạc bộ Mỹ thuật ngừng hoạt động tới tận mùa xuân năm nay là vì người phụ trách nó cô Mikami – đã có một thời gian qua đời.”

Nghĩa là lý do khiến Câu lạc bộ hoạt động trở lại vào tháng Tư năm nay là dì Reiko hồi sinh trong tư cách “người dư ra” đã đảm nhiệm vai trò phụ trách. Những sự kiện thực tế gắn liền với ký ức của mọi người cùng các bản ghi chép, đều đã bị sửa đổi thành ký ức và bản ghi chép sai?

Tôi cố lục tìm trí nhớ mà con tim thì nhoi nhói từng hồi.

Tuy nhiên, việc nhớ lại những ký ức đã bị sửa đổi vì “hiện tượng” có lẽ là bất khả, khi tôi là một phần của thế giới này. Điều duy nhất tôi có thể làm là thực hiện phép loại suy từ những sự kiện thu thập được, để tiến tới một sự thật là…

Có lẽ… đây không phải là lần đầu tiên tôi tới Yomiyama từ khi lên trung học. Chẳng phải tôi đã tới đây một năm rưỡi trước, vào mùa thu đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp tiểu học đó sao?

Chính là chuyến viếng thăm khi dì Reiko qua đời…

Ta, ta không muốn dự thêm đám tang nào nữa . Chính là ý nghĩa ẩn đằng sau lời than vãn của ông tôi ở nhà. Tội nghiệp, tội nghiệp Ritsuko! Ritsuko đáng thương, mà Reiko cũng đáng thương… Nỗi buồn đau vì sống lâu hơn con gái cả, Ritsuko, mười lăm năm trước… Nỗi buồn đau vì sống lâu hơn con gái thứ hai, Reiko, hai năm trước, đã khiến ông buột ra những lời đó.

Để xoa dịu nỗi đau, nỗi cô đơn sau cái chết đột ngột của dì Reiko mùa thu năm kia, ông bà ngoại đã mua con nhồng trong một tiệm bán vật nuôi. Họ đặt tên con chim theo tên đứa con gái quá cố, gọi ngắn gọn là “Rei”.

Trước đây, Rei nói được một từ “Tại sao?”.

Hẳn đó là câu hỏi mà ông hay bà tôi vẫn thường tự hỏi cô con gái quá cố khi họ ngồi bên hiên mỗi ngày, đối diện bàn thờ gia đình. Đại khái như “Tại sao? Tại sao con chết, Reiko? Tại sao?” Có lẽ Rei đã học được và luôn mồm nói “Tại sao?”.

Vui lên! Vui lên!

Những từ này cũng tương tự. Có thể đó là lời bà ngày ngày khích lệ ông, người vẫn luôn chìm đắm trong tuyệt vọng, trong nỗi buồn đau chẳng bao giờ vơi bớt. Và Rei đã học được…

“Có đủ bàn ghế trong lớp, cho dù ‘tai ương’ năm nay thật ra đã bắt đầu từ tháng Tư… Và điều này lý giải tại sao, phải không?” Mei thẳng thừng, rồi hạ chiếc cuốc chim xuống chân. “Đúng là có thiếu một bộ bàn ghế lúc bắt đầu học kỳ. Nhưng không phải ở phòng học, mà ở phòng giáo viên.”

“Ừ…”

“Hai đứa đang nói gì vậy?”

Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy giọng nói khó hiểu của cô Mikami – dì Reiko. “Cháu đừng tin! Koichi, dì không…”

Rướn người lên trên hai khuỷu tay, cằm ngẩng cao, Reiko ngước nhìn tôi. Gương mặt dì đen đúa, lấm láp bùn tro – gương mặt có bóng dáng của mẹ tôi đã méo mó lạ thường. Có lẽ vì cả nỗi đau thể xác lẫn cú sốc tâm lý.

“Sakakibara!” Mei nói, hai tay lại nâng cây cuốc chim lên, tiến đến gần tôi hơn. “Xê ra!”

“Misaki…”

Tôi nhìn vẻ quả quyết sắt đá trên gương mặt Mei, rồi quay sang khuôn mặt bối rối, ánh mắt hãi hùng của dì Reiko đang nằm dưới đất sau lưng tôi. Và rồi…

“Không,” tôi nói, nhấc chiếc cuốc chim ra khỏi tay Mei.

Cán dài trung bình, cỡ sáu lăm bảy mươi centimet, nhưng khi tôi cầm lên thì nó trĩu cả tay. Hai đầu bịt sắt đều nhọn hơn tôi tưởng. Với sức nặng và độ sắc này, sẽ chẳng khó chút nào nếu muốn gây vết thương chí mạng.

“Không. Cậu không thể làm thế.”

“Nhưng Sakakibara… Nếu chúng ta không…”

“Tớ biết.” Tôi gật đầu, cảm thấy sức nặng quyết định của chính mình. “Tớ biết. Tớ sẽ làm.”

Dì Reiko thét lên tắc nghẹn. Tôi chậm rãi xoay người lại đối diện dì, điều chỉnh chiếc cuốc vừa lấy từ tay Mei.

“K… Koichi! Chờ đã. Cháu định…” Dì Reiko lắc đầu, gương mặt lộ rõ vẻ không thể tin nổi.

“Trả ‘kẻ đã chết’ cho Tử thần.” Tôi nói, cố chống chọi cơn đau như dao cứa cùng nhịp tim cuồng loạn. “Đây là cách duy nhất để ngăn chặn ‘tai ương’ khi nó đã bắt đầu. Bí quyết của Matsunaga bạn học cũ của dì mười lăm năm trước.”

“Cháu đang nói gì vậy? Cháu không thể… Đừng có điên nữa! Ngừng lại ngay!”

“Xin lỗi dì, Reiko.”

Đứng trụ chân, tôi vận hết sức lực trong cơ thể, vung chiếc cuốc lên quá đầu.

Đây là cách duy nhất. Đây là cách duy nhất. Tôi nhắc nhở mình hết lần này đến lần khác.

Nhắm mũi nhọn vào đúng điểm đối ứng với vị trí trái tim trên lưng dì Reiko, trong khoảnh khắc trước khi bổ cuốc xuống…

Có đúng không?

 Mình làm thế này có đúng không?

Thực sự đúng chứ? Chúng ta sẽ không sai lầm chứ?

Chỉ có một chứng cứ duy nhất khẳng định dì Reiko là “người dư ra” năm nay. Lời tuyên bố xuất phát từ khả năng đặc biệt của Mei – “con mắt búp bê” của cô có thể nhìn thấy “màu của cái chết” – đó là toàn bộ chứng cứ rõ ràng mà chúng tôi có được. Phần còn lại không gì khác hơn là các đoán định dựa trên những sự kiện mang tính suy diễn. Không phải là tôi hoàn toàn tin tưởng rồi phủi bay hết những ký ức về dì Reiko.

Nhưng mà…

Làm thế này có đúng không?

Tin lời Mei, gửi trả dì Reiko cho Tử thần?

 Thực sự đúng chứ? Liệu chúng ta có phạm sai lầm không?

Sẽ ra sao nếu Mei hiểu lầm mọi thứ? Sẽ ra sao nếu khả năng nhìn thấy “màu của cái chết” chỉ là điều cô tự thuyết phục bản thân, chẳng gì khác hơn là một ảo ảnh?

Như vậy có nghĩa là chính tay tôi hạ sát dì Reiko, dù dì không phải là “kẻ đã chết”. Người luôn gợi cho tôi hình dung về mẹ Ritsuko mà tôi vốn chỉ được biết qua những tấm ảnh. Người có lẽ giữ một trong những vị trí quan trọng nhất của đời tôi. Người mà tôi không thấy khó chịu khi ở gần, thậm chí còn yêu thương tự nhiên từ khi còn nhỏ.

Nhìn rộng ra, “thực tại” của Yomiyama được xây đắp trên nền tảng biến cải, chỉnh sửa trí nhớ của mọi người lẫn các bản ghi. Theo thời gian, những ký ức đó trở nên nhòe mờ rồi biến mất… Trước nay vẫn luôn như vậy. Trong tình trạng đó, liệu tôi có thể nhắm mắt chấp nhận một điều chỉ mình Misaki Mei trông thấy, điều mà cô thề là “sự thật”? Có đúng đắn không khi tôi làm việc này chỉ vì Mei bảo thế?

Nỗi nghi ngờ, lo lắng và hoang mang hòa quyện vào nhau. Tôi không nhúc nhích nổi, như thể hóa đá.

Đúng lúc ấy, một âm thanh ầm ầm phát ra từ nhà chính, nơi ngọn lửa tiếp tục hoành hành. Khung nhà đã cháy rụi, rốt cuộc mái nhà cũng sụp xuống. Những vòi lửa cuồn cuộn bắn ra không trung cùng những màn khói dày đặc. Có những cục lửa bắn về nơi tôi đang đứng chôn chân. Nếu lửa tiếp tục cuồng nộ thế kia, ở đằng này chúng tôi cũng sẽ gặp nguy hiểm.

Cho nên…

Tôi không thể dùng dằng mãi được.

Làm thế này có đúng không?

Có thực sự đúng không?

Vẫn tự vấn bản thân, tôi quay lại nhìn Mei.

Suốt quãng thời gian đó, cô không hề nhúc nhích khỏi chỗ đang đứng, và đang nhìn thẳng vào tôi. Con mắt phải của cô, nheo nheo lãnh đạm, và con mắt búp bê “xanh trống rỗng” – cả hai mắt đều chẳng ánh lên chút ngờ vực hay do dự nào. Chỉ có… Phải, đôi mắt chỉ ngập tràn nỗi buồn vô hạn.

Đôi môi cô khẽ mấp máy.

Tôi không nghe được âm thanh, nhưng tôi đọc được nội dung qua cử động của môi cô. “Tin tôi đi,” cô nói.

Tôi…

Tôi khép chặt mắt, hít một hơi dài.

 Tôi…

Tôi mở mắt, rồi quay sang dì Reiko. Mâu thuẫn cùng cực, chìm đắm trong nỗi do dự, sợ hãi, tuyệt vọng, tôi thấy trên mặt dì bóng dáng người mẹ tôi chỉ biết mặt qua những tấm ảnh. Nhưng…

Tôi… sẽ tin Mei. Tôi sẽ tin.

Nghiến chặt răng, tôi quyết định.

Tôi sẽ tin tưởng Mei.

Có lẽ “Tôi sẽ tin tưởng” không mạnh mẽ bằng “Tôi tin tưởng”. Nhưng chừng đó là đủ. Tôi thấy chừng đó là đủ.

Dứt bỏ hết ngần ngừ, tôi vung chiếc cuốc lên quá đầu. Kể cả tiếng hét “Dừng lại!” của dì Reiko (dì Reiko…) cũng không tác động đến tâm trí tôi nữa (Tạm biệt… dì Reiko…).

Truyền vào động tác toàn bộ sức lực tôi có, tôi giáng mũi cuốc xuống lưng dì (Tạm biệt… mẹ…), xuyên qua da thịt, chạm tới trái tim dì…

Dường như cú giáng đó dội ngược trở lại người tôi, làm tôi đau đớn hơn cả lần phẫu thuật tầm thường trước. Hình ảnh lập tức xuất hiện trong tâm trí tôi là tấm X-quang chụp bên phổi co rút, méo mó sau lần xẹp thứ ba.

Tôi thả tay khỏi cán cuốc trên lưng dì Reiko, ôm ngực khuỵu xuống nền đất nơi tôi đang đứng. Thở hổn hển vì thiếu dưỡng khí, ý thức thì mơ hồ dần, nước mắt tuôn thành dòng không dứt. Dĩ nhiên, cảm giác đau đớn đang xâm chiếm lấy tôi không đơn thuần chỉ là do khó thở.

…………………………….

Văn Khúc

Để tôi tóm lược những sự việc vừa được phơi bày mấy ngày gần đây.

Trước bình minh ngày 9 tháng Tám năm 1998, nỗ lực của đội lính cứu hỏa vội vã tới hiện trường đã đổ sông đổ bể, Nhà kỷ niệm Sakitani gần như bị phá hủy hoàn toàn. Ở đó, họ tìm thấy cả thảy sáu thi thể.

Việc nhận diện và địa điểm như sau:

– Numata Kensaku, Quản gia. Trong nhà (bếp).

– Maejima Manabu, Học sinh. Sân trước.

– Akazawa Izumi, Học sinh. Sân trước.

– Yonemura Shigeki, Học sinh. Sân trước.

– Sugiura Takako, Học sinh. Trong nhà, phía Đông. Có khả năng cô ở trong phòng 212 (chung phòng với Akazawa).

– Nakao Junta, Học sinh. Trong nhà, phía Đông. Hành lang tầng hai.

Kết quả điều tra những cái chết bất thường và kết quả khám nghiệm tử thi theo lệnh của tòa án cùng hé lộ rằng, không ai trong số họ chết do hỏa hoạn.

Ông lão quản gia Numata bị hàng loạt chiếc xiên nấu ăn bằng kim loại đâm vào cổ, đây là nguyên nhân gây ra cái chết, sau đó mới bị lửa thiêu.

Trong số năm người còn lại, tất cả đều là học sinh, thì bốn người – Maejima, Yonemura, Sugiura, Nakao – chết do mất máu vì bị lưỡi dao sắc đâm và chém nhiều vị trí. Akazawa chết vì gãy xương sống khi ngã xuống từ ban công tầng hai.

Với các trường hợp khác và qua lời khai của nhân chứng, người ta kết luận rằng bà Mieko, vợ của ông Numata Kensaku, đồng quản lý Nhà kỷ niệm Sakitani, đã gây ra cái chết của sáu người này. Người ta cho rằng bà đổ dầu quanh bếp để phóng hỏa sau khi giết ông Numata. Thầy Chibiki ngăn chặn được bà ta, nhưng trước khi đầu thú cảnh sát, bà đã chết, bằng cách cắn lưỡi tự sát, và đã thành công.

Tại sao bà Numata Mieko lại gây ra chuỗi án mạng đêm đó? Cho dù trạng thái tâm lý bà đặc biệt khác thường, thì động cơ vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Wakui, người lên cơn suyễn trong bữa tối ngày 8 tháng Tám, đã bình an vô sự sau khi được thầy Chibiki đưa vào bệnh viện. Về vấn đề vì sao cậu không kiểm tra lượng thuốc còn lại trong ống xịt, cậu cũng thừa nhận là thấy khó hiểu.

Kazami, người gặp tình thế bi thảm ngoài dự kiến do sự hiểu lầm khủng khiếp của người bạn từ thuở thiếu thời, không phải chịu vết thương nào nghiêm trọng ngoài trẹo mắt cá. Sau khi kiểm tra, cậu không có biểu hiện bất thường, chỉ mất một ít máu do ảnh hưởng từ cú ngã. Cậu dễ dàng bình phục, không gặp gặp trở ngại gì to tát. Tôi cũng chưa được biết cậu ấy và Teshigawara có trao đổi về vụ xô xát hay không. Nhưng theo tính cách của họ, tôi không nghĩ sự việc sẽ diễn biến theo hướng bé xé ra to.

Nguyên nhân cơn đau đớn mà tôi, Sakakibara Koichi, phải chịu đựng, bị nghi là do chứng tràn khí màng phổi tự phát ở phổi trái, về sau diễn tiến thành chứng xẹp phổi còn nghiêm trọng hơn hai lần trước. Tôi không hoàn toàn mất ý thức, nhưng quằn quại khá nhiều vì cơn đau cùng trạng thái thiếu khí thở cho đến khi được đưa vào bệnh viện điều trị… Nên nói thật lòng, tôi nhớ rất ít sự việc diễn ra vào thời điểm đó, chẳng hạn như chuyện gì đã xảy ra sau khi phổi tôi bị xẹp và tôi được cứu ra sao.

Mà dù sao thì…

Khi các triệu chứng đã thuyên giảm một phần, và tôi đã đủ bình tĩnh để soát xét mọi việc, tôi lại thấy mình nằm trong căn phòng thuộc khu nội trú quen thuộc ở bệnh viện Yumigaoka, nơi vài tháng trước tôi vừa được điều trị.

Bà đã tới chăm tôi, sau vài lần trao đổi với bác sĩ điều trị chính, giải pháp được đưa ra lúc này là tôi nên phẫu thuật. Nhìn chung phẫu thuật là phương án tốt hơn để ngăn ngừa những trường hợp tái phát trong tương lai. Vậy nên bố tôi ở Ấn Độ, bỏ qua hết thảy mọi việc, lập tức liên lạc và đồng ý cho mổ. Hai ngày sau, tôi lên bàn phẫu thuật.

Không giống lần trước, phẫu thuật phổi lần này dùng kỹ thuật nội soi lồng ngực. Họ sẽ rạch vài vết dài chừng một centimet trên cơ thể tôi, rồi chèn một ống nội soi và các dụng cụ khác để hoàn thành quy trình cần thiết từ bên trong. Áp lực đối với bệnh nhân mổ theo phương pháp này sẽ giảm hơn nhiều so với mổ phanh ngực, quá trình phục hồi sau phẫu thuật cũng nhanh chóng hơn.

Kết quả là cuộc phẫu thuật thành công, không có biến chứng. Quá trình hồi phục của tôi cũng chóng vánh. Tôi được thông báo rằng ước chừng một tuần nữa có thể xuất viện.

Mei và Mochizuki ghé thăm vào ngày 15 tháng Tám, ba ngày trước khi tôi ra viện. Tôi chắc họ không nhận ra, nhưng ngày hôm đó của nhiều năm về trước, đất nước chúng tôi chấm dứt chiến tranh.

“Thế đấy.” Mochizuki nói. “Tớ cứ băn khoăn điều gì khiến bà Numata đột ngột gây ra những việc khùng điên như vậy. Suốt bữa ăn tối hôm đó, trông bà ấy chẳng có vẻ gì sẽ bùng phát như thế cả.”

Cứ thế những sự kiện đêm mùng 8 tháng Tám tự nhiên trở thành chủ đề trọng tâm của cuộc trò chuyện. Đêm đó, vừa hay tin đám cháy, Mochizuki đã mau chóng di tản bằng lối thoát khẩn cấp thuộc chái Tây ngôi nhà. Rồi chạy ra khu vực gần cổng, nhưng không gặp tôi vì tôi đã lao đi tìm Mei.

“Chẳng cách nào biết được, vì bà ấy chết rồi. Phía cảnh sát nói thế.”

Ngày hôm kia, ông Oba ở Sở Cảnh sát Yomiyama cũng ghé thăm. Bấy giờ, tôi mới được biết chi tiết về vụ việc.

“Tớ nghe bảo bà ấy cắn lưỡi,” Mochizuki nói, đôi mày nhíu chặt. “Dùng cách ấy tự tử khó lắm đấy.”

“Đôi lúc người ta cắn lưỡi, phần lưỡi đứt ra chẹn ống thở nên chết vì bị ngạt. Có lẽ trường hợp bà Numata là như thế đấy.”

“Hừm.”

“Vậy là có tổng cộng bảy ‘người chết vào tháng Tám’.”

Nghe Mei nói, tôi quay mặt sang. “Bảy á? Cậu tính cả ông bà Numata?”

“Thầy Chibiki đã tìm hiểu kỹ hơn, được biết ông bà Numata là ông bà của Takabayashi. Bố mẹ ruột của mẹ cậu ấy.”

“Cái gì? Ý cậu là…”

Takabayashi Ikuo là ‘người chết vào tháng Sáu’, vì bệnh tim.

“Họ là ông bà của cậu ấy, tức là trực hệ hai đời. Vậy là họ thực sự có mối quan hệ với lớp và thuộc vùng ảnh hưởng. Ông bà Numata trở thành quản gia của Nhà kỷ niệm Sakitani mới được mười năm. Nên quản gia của chuyến cắm trại mười lăm năm trước hẳn là người khác.”

Bỗng nhiên cảm thấy bải hoải, tôi thở dài, nhẹ nhàng gãi phần xương sườn bên dưới lớp áo pyjama, chỗ vết mổ.

“Tất nhiên, việc làm quản gia chỉ là tình cờ thôi,” Mei nói, thở dài nhìn động tác của tôi. “Sẽ sai lầm nếu cho rằng lực lượng vô hình nào đó can thiệp vào.”

“Thầy Chibiki nói thế à?”

“Có lẽ nhỉ?”

 “Mà dù sao…” Mochizuki lại lên tiếng. “Tớ vui lắm vì cậu đã khỏe lên, Sakakibara. Biết cậu phải mổ, tớ lo lắm ấy.”

“Phẫu thuật đơn giản ấy mà,” tôi trả lời vẻ hờ hững nhất có thể, nhưng vẫn nhìn thấy những giọt nước dâng lên trong mắt Mochizuki.

“Thôi mà, cứ nghĩ tới ‘tai ương’ năm nay, cậu dễ dàng hình dung ra một cuộc phẫu thuật bị gián đoạn hoặc đủ thứ chuyện kinh khủng khác.”

“Trái tim cậu mềm yếu quá. Nhưng không sao. ‘Tai ương’ đã chấm dứt rồi.” “Thật không?” Mochizuki nhìn hết tôi đến Mei, vẻ nghi ngờ hiện rõ trên mặt. “Misaki cũng nói thế… Nhưng mà…”

“Tớ nghĩ hẳn ‘người dư ra’ đã chết trong đám cháy đêm đó.”

“Misaki cũng nói thế. Tớ chỉ băn khoăn không biết có đúng không.” Mochizuki chớp đôi mắt ầng ậng nước, khoanh tay trước ngực, cau mày. “Là một trong năm bạn chết đêm đó hả? Nhưng không phải, ví như anh Matsunaga kể trong cuốn băng, khi ‘người dư ra’ chết thì sẽ lập tức ngừng tồn tại luôn mà. Hừm…”

“Như vậy có nghĩa ‘người dư ra’ tồn tại cho đến đêm đó, nhưng chúng ta không nhớ ra người đó là ai,” tôi cố kìm nén cảm giác rầu rĩ, rồi đổi giọng, hỏi, “Có tất cả bao nhiêu người tham gia chuyến đi?”

“Ừm… Mười bốn. Và mười lăm nếu tính cả thầy Chibiki.”

“Như vậy ban đầu hẳn là có mười sáu người. Chỉ hiềm không ai còn nhớ.”

Không ai… không ai ngoại trừ Mei và tôi, những người trực tiếp liên quan đến “cái chết” của dì.

Mochizuki không, Teshigawara không, thầy Chibiki cũng không… Không ai còn nhớ. Không ai nhớ từng có một giáo viên Mỹ thuật tên là Mikami Reiko xuất hiện từ tháng Tư, phó chủ nhiệm của lớp 9-3, chủ nhiệm thay sau cái chết của thầy Kubodera, đã hồi tưởng trải nghiệm mười lăm năm trước và lên kế hoạch cắm trại rồi có mặt ở đó với tư cách người đi kèm.

Tôi đã biết điều này trong một cuộc đàm thoại với Mei. Trước hôm phẫu thuật, tôi xoay xở trốn được khỏi phòng bệnh và ra bốt điện thoại gọi tới nhà cô. Tôi có điện thoại di động trong phòng, nhưng đã cạn pin, không dùng được.

“Chẳng ai nhớ cô Mikami cả,” Mei nói luôn khi nhận ống nghe từ Kirika, không màng hỏi thăm xem tôi thế nào. “Họ nói cô mất được hai năm rồi, vào mùa thu.”

“Hai năm…”

“Phải. Cậu học sinh Sakuma từ bỏ vai trò ‘không tồn tại’ ngay sau kỳ nghĩ hè. Vừa bước vào tháng Mười, một học sinh trong lớp chết… tiếp đó là cô Mikami. Họ nói cô chết đuối dưới sông Yomiyama. Cậu vẫn không nhớ ra hả?”

“Dì chết đuối…?”

“Cuối tháng Mười mưa nhiều, nước sông dâng cao. Hôm sau người ta tìm thấy xác cô ở hạ nguồn. Không ai biết cô nhảy xuống sông hay vô tình bị nước cuốn…”

“…”

“Tôi cũng chưa nhớ ra, nhưng sự việc là như vậy. Bởi thế số người thiệt mạng vì liên quan đến ‘hiện tượng’ trong năm kia là tám, không phải bảy. Trí nhớ của mọi người đã trở lại bình thường. Nhiều bản ghi, tài liệu cũng thế. Có lẽ là tất cả. Tôi đã xem bản danh sách lớp, phần ghi ‘Phó chủ nhiệm: Mikami Reiko’ cũng đã biến mất.”

“Vậy dì ấy thực sự là…”

Đó là chứng cứ đanh thép khẳng định dì Reiko là “người dư ra”.

“Mọi người nói sau khi thầy Kubodera chết, thầy Chibiki được cử làm chủ nhiệm thay. Đây là trường hợp ngoại lệ, vì thầy vẫn tiếp tục giữ vị trí thủ thư ở thư viện phụ. Ai cũng nói thầy Chibiki là người lên kế hoạch và dẫn lớp đi cắm trại… Chỉ mình thầy thôi.”

“Thế còn Câu lạc bộ Mỹ thuật?” Ý nghĩ đó bất chợt ập đến, nên tôi hỏi. “Không rõ bây giờ câu lạc bộ ấy sẽ ra sao, sau khi vừa được mở lại từ hồi tháng Tư.”

“Cô Mikami qua đời rồi, giáo viên cùng cô phụ trách câu lạc bộ đã chuyển đi chỗ khác vào năm tiếp theo. Giáo viên Mỹ thuật mới không muốn điều hành, nên hoạt động phải tạm ngừng. Nhưng giờ mọi người lại nói là giáo viên đó đã đồng ý cố vấn cho câu lạc bộ từ mùa xuân vừa qua.”

“Ồ.”

Bản thân tôi cũng đoán được khá nhiều về sự tồn tại của dì Reiko qua những cuộc trò chuyện với bà lúc bà vào thăm. Bà không bao giờ hỏi về sự an toàn của cô con gái đi cùng trong chuyến cắm trại, mà chỉ khẽ nhắm mắt than, “Ôi, giá như lúc này Reiko còn sống.”

Và còn nói với tôi, “Cháu biết dì thế nào mà. Dì cứ coi cháu là con đẻ của dì đấy, Koichi. Dì nói nếu Yosuke mà là ông bố độc ác thì dì sẽ nhận nuôi cháu. Cho dù mới chỉ gặp cháu một lần hồi cháu còn nhỏ xíu.”

Tôi còn thắc mắc không rõ căn nhà phụ mà dì Reiko dùng làm phòng làm việc kiêm phòng ngủ trông ra làm sao.

Bởi ít nhất trong vòng bốn tháng, dì đã tiếp tục sống ở thành phố này, trong căn nhà này, “bằng xương bằng thịt”… Hẳn là còn chút dấu vết… Nhưng không, kể cả thế thì chúng cũng đã biến mất, hoặc là mang ý nghĩa khác.

“Lễ Obon đã gần kết thúc rồi, nhưng khi xuất viện, cháu có muốn tới viếng mộ Reiko không?” Nghe bà nói thế, tôi phải cố gắng lắm để không quay mặt khỏi ánh nhìn chằm chằm của bà.

“Bà biết con bé sẽ vui nếu cháu đi cùng.”

Tôi nghĩ cứ kể cho Mochizuki, Teshigawara và thầy Chibiki nghe sự thật thì cũng được, mặc dù tôi có cảm giác ngoại trừ thầy Chibiki, dù tôi có cố giải thích bao nhiêu, họ cũng sẽ cảm thấy phi thực và rất bối rối.

Tôi không biết có phải Mochizuki giữ ý không, nhưng cuối cùng cậu ra về trước, để Mei lại với tôi. Lúc rời đi, cậu lẩm bẩm, “À phải!” Rồi lục túi lấy thứ gì đó.

“Tớ định đưa cái này cho cậu. Tớ cũng in một bản cho Misaki nữa.”

Thứ Mochizuki đưa cho tôi chính là bức ảnh chúng tôi chụp chung trước cổng Nhà kỷ niệm Sakitani tối ngày 8 tháng Tám.

“Này, Misaki… cậu biết được bao lâu rồi?” Đợi Mochizuki khuất dạng, tôi mới hỏi Mei về thắc mắc vẫn đeo bám tôi suốt thời gian nằm viện. “Việc cô Mikami… dì Reiko là ‘người dư ra’ ấy. Từ lúc nào cậu…”

“Lúc nào á?” Mei chậm rãi vỗ tay lên trán. “Tôi quên rồi.”

“Sao cậu không nói với tớ?” Tôi hỏi thêm câu nữa, mặt hết sức nghiêm túc.

“Tôi nghĩ nói cho cậu biết cũng chẳng ích gì. Cho tới khi được nghe cuốn băng. Thêm nữa…” Dịch tay đến chỗ miếng băng che mắt trái, Mei nói tiếp. “Cơ bản là tôi không nỡ. Làm sao có thể? Cô Mikami trông giống hệt người mẹ quá cố của cậu. Khi xem cuốn kỷ yếu ở trường và mấy tấm ảnh ở nhà cậu… tôi nghĩ, họ giống hệt nhau. Đối với cậu, đó là người rất quan trọng, đúng không? Cô Mikami, tức dì Reiko ấy.”

“Ừ… Nhưng…”

“Nhưng sao? Cậu tìm ra cuốn băng, tôi phát hiện ra vẫn có cách ngăn ngừa ‘tai ương’, cho nên… thế đấy.”

Thế đấy… Phải, đúng là cô phải nghĩ nát nước.

Nếu gửi trả “kẻ đã chết” cho Tử thần “tai ương” sẽ chấm dứt. Ai là “kẻ đã chết”? Cô đã nhìn ra. Vậy cô nên làm gì? Cô cần làm gì?

Để chắc chắn về quyết định của mình, cô muốn trực tiếp nghe cuốn băng của Matsunaga Katsumi và xác thự. Đây c c những điều anh ta nói. Trước khi làm thế, cô đã tận mắt xem tấm ảnh lớp 9-3 của hai mươi sáu năm trước để chắc chắn Yomiyama Misaki có “màu của cái chết”hính là quy trình cô tự tìm hiểu đầu đuôi sự việc và ra quyết định, cố gắng gánh về mình mọi phần trách nhiệm…

“Hôm nọ, khi tớ gọi cho cậu từ bệnh viện,” tôi nói, uyển chuyển thay đổi chủ đề. “Tớ thử gọi vào di động của cậu trước, nhưng không liên lạc được.”

“Ừ, sau chuyến cắm trại, tôi ném nó xuống sông rồi”, Mei đáp gọn lỏn. “Tôi bảo với Kirika… với mẹ là mất máy trong vụ cháy.”

“Sao cậu lại làm thế?”

“Vì dù nó tiện lợi nhưng tôi thấy thứ máy móc ấy kinh khủng lắm. Chẳng lý gì lúc nào cũng phải kết nối với người khác.”

Trả lời với nụ cười phảng phất, trông Misaki Mei giống hệt ấn tượng ban đầu của tôi về cô vào ngày cuối tháng Tư, khi chúng tôi gặp nhau lần đầu trong thang máy khu điều trị nội trú.

“Mà có lẽ mẹ sẽ lại bắt tôi dùng cái mới.”

“Lúc ấy, thỉnh thoảng tớ vẫn gọi cho cậu nhé?”

“Chỉ được thỉnh thoảng thôi đấy,” Mei đáp, lại khẽ mỉm cười.

Một ngày nào đó, chúng mình sẽ cùng đi thăm bảo tàng nghệ thuật ở Tokyo nhé? Tôi định nói ra những lời này, nhưng rồi nuốt ngược vào trong.

Một ngày nào đó… Kể từ thời điểm này, bao lâu nữa thì tới ngày đó? Nhưng tôi không còn cảm thấy mơ hồ như trước đây.

Một ngày nào đó… Tôi biết sẽ có ngày tôi gặp lại Mei. Kể cả khi rời thị trấn này vào mùa xuân tới, tôi vẫn tin. Kể cả khi chúng tôi chẳng hứa hẹn gì thêm. Kể cả khi mối kết nối tôi cảm nhận được bị gián đoạn. Một ngày nào đó, tôi biết chúng tôi sẽ gặp lại nhau.

Sau đó, chúng tôi cùng xem những tấm hình Mochizuki đưa.

Có hai tấm. Tấm đầu tiên do Mochizuki chụp. Tấm còn lại Teshigawara chụp. Ở góc phải mỗi tấm có các con số hiển thị ngày giờ.

Trên cả hai tấm ảnh, có cả thảy năm người.

Trụ cổng Nhà kỷ niệm Sakitani đứng chính giữa. Trong một tấm, theo thứ tự từ phải sang trái là tôi, Mei, Kazami, Teshigawara và cô Mikami (dì Reiko). Tấm còn lại, Mochizuki thế chỗ Teshigawara, theo chỉ dẫn của Teshigawara, cậu đứng sát vào “cô Mikami yêu quý”…

“Dì Reiko có mặt.”

Vẫn nhìn chằm chằm tấm ảnh, tôi nói to để xác nhận cùng Mei. “Tớ đoán Mochizuki không thể nhìn thấy dì.”

Cô gật đầu. “Ừ.”

“Có màu gì không?” Tôi hỏi. “Dì Reiko trông thế nào?”

Để đáp lời, Mei gỡ miếng băng che mắt trái, nhìn tấm hình thêm một lần nữa. Rồi cô khẽ đáp, “Màu của cái chết.”

“Ừm.”

Tôi trượt xuống khỏi giường, bước tới mở to cánh cửa sổ phòng ra. Bên ngoài trời sáng sủa, nắng chan hòa, nhưng chẳng hiểu sao gió thổi vào lại lành lạnh.

“Tớ nghĩ bọn mình cũng sẽ sớm quên thôi,” tôi nói, quay lại nhìn Mei. “Tất nhiên bọn mình sẽ quên chuyện xảy ra trong chuyến cắm trại. Rồi bọn mình quên hết mọi thứ liên quan đến dì Mikami Reiko từ tháng Tư cho đến đêm đó. Giống như Mochizuki và những người khác.”

Bất chấp thực tế chính tay tôi đã gửi trả dì cho Tử thần.

“Cho dù chúng ta làm như anh Matsunaga mười lăm năm trước, để lại một cuốn băng về những điều chúng ta nhớ hoặc viết ra đâu đó, nhưng những phần quan trọng nhất có lẽ sẽ biến mất, cũng giống như trên cuốn băng.”

“Ừ, có lẽ.”

Đeo miếng băng che trở lại, Mei lặng lẽ gật đầu. Rồi cô hỏi, “Cậu có muốn nhớ chuyện đó lắm không? Cậu định không bao giờ quên sao?”

“Tớ không biết.”

Quên đi thì tốt hơn. Tôi cũng cảm thấy thế. Kể cả lúc này, một cơn đau, hoàn toàn độc lập với phổi của tôi, vẫn nhoi nhói sâu trong lồng ngực. Nếu lãng quên đồng nghĩa với việc cơn đau này biến mất hoàn toàn… thì có thể. Nhưng dẫu sao… Tôi chậm rãi quay về phía cửa sổ, vẫn cầm hai tấm ảnh trong tay. Nhìn lại thêm một lần nữa… Rồi chìm vào suy tư.

Tôi không biết việc này sẽ diễn ra trong vài ngày, vài tháng hay vài năm nữa. Nhưng một ngày nào đó, toàn bộ thông tin về “người dư ra” năm nay sẽ biến mất khỏi trí nhớ của tôi…

Ngày đó…

Tôi sẽ nhìn thấy gì ở khoảng trắng xuất hiện trong những bức ảnh này? Tôi sẽ cảm thấy ra sao? Thêm một cơn gió nhẹ thổi qua cửa sổ, lay khẽ mái tóc tôi. Lạnh ngoài sức tưởng tượng.

Những cơn gió cuối cùng của mùa hè.

Khi cụm từ này lướt qua tâm trí tôi, mùa hè tuổi mười lăm của tôi cũng chấm dứt.