Chương 1: April

Another

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Xuân sang, khi vừa bước sang tuổi mười lăm, tôi bị xẹp phổi trái.
 
Chuyện xảy ra vào ngày thứ ba tôi rời Tokyo đến Yomiyama để sống cùng ông bà ngoại. Lẽ ra ngày hôm sau tôi sẽ nhập học một trường trung học ở đây, dù có hơi trễ để chuyển trường vào dịp gần cuối học kỳ. Nhưng xui xẻo thay tôi lại trở bệnh vào đúng đêm trước đó.
 
Ngày 20 tháng Tư, năm 1998.
 
Thứ Hai lẽ ra là ngày đầu tiên tôi đến trường – ngày để có một khởi đầu mới – lại trở thành ngày tôi nhập viện lần thứ hai. Lần đầu là sáu tháng trước. Và cũng như lần đầu, tôi đến bệnh viện vì tràn khí phổi trái.
 
“Họ nói cháu phải nằm viện một tuần lễ, có khi đến cả mười ngày.”
 
Bà ngoại Tamie của tôi đã đến bệnh viện từ sáng sớm. Lúc nghe bà nói câu này, tôi đang nằm trên giường bệnh mới của mình, hô hấp khó khăn và gắng gượng chịu đựng cơn đau liên miên trong lồng ngực.
 
“Bác sĩ bảo không cần phẫu thuật, nhưng họ sẽ phải hút khí ra. Dự kiến là khoảng trưa nay sẽ làm.”
 
“Vâng… Năm ngoái cháu cũng hút khí một lần rồi.”
 
“Việc này không biết có phải làm thường xuyên không nhỉ? Cháu thấy khó thở à? Koichi, có sao không cháu?”
 
“Dạ… ổn ạ.”
 
Vài tiếng ttước, khi được xe cứu thương chở tới bệnh viện, cơn đau và cảm giác khó thở trong ngực tôi còn dữ dội hơn nhiều. Sau khi nghỉ ngơi, tôi bắt đầu thấy khá hơn, nhưng vẫn rất khổ sở. Dù không muốn, bức hình chụp X-quang một bên phổi nhăn nhúm vặn vẹo cứ dai dẳng hiện lên trong đầu tôi.
 
“Thật khổ cho cháu… chỉ vừa mới đến đây vậy mà!”
 
“À, ừm… Cháu xin lỗi bà.”
 
“Coi nào, việc gì phải xin lỗi. Chuyện đau ốm ai mà lường trước được.”
 
Bà mỉm cười nhìn tôi, nếp nhăn quanh mắt như nhiều thêm. Năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, bà vẫn khỏe mạnh và luôn điềm tĩnh dịu dàng. Nhưng chúng tôi hiếm có dịp gần gũi như thế này.
 
“À, dì Reiko thì sao ạ? Dì ấy không bị trễ làm chứ?”
 
“Nó sẽ ổn thôi. Con bé luôn sắp xếp mọi thứ ổn thỏa. Nó còn quay về nhà một chặp rồi mới đi làm, vẫn đúng giờ như mọi khi.”
 
“Phiền bà chuyển lời cho dì là, chẹp, cháu xin lỗi vì đã làm phiền dì ấy.”
 
Đêm hôm trước, đột nhiên những triệu chứng bệnh quen thuộc ập tới. Cảm giác bất ổn dâng lên từ những tiếng lục khục lan trong lồng ngực, một cơn đau nhói đặc trưng kèm theo cảm giác khó thử. Nó lại đến sao? Tôi lập tức nhận ra tình trạng của mình, trong lúc hoảng hốt người duy nhất tôi có thể cầu cứu là dì Reiko, bấy giờ vẫn đang thức ở phòng khách.
 
Reiko là dì tôi, kém người mẹ đã khuất của tôi mười một tuổi. Hiểu ra tình trạng của tôi, dì gọi ngay xe cấp cứu và cùng tôi đến bệnh viện.
 
Cảm ơn dì Reiko. Lần này cháu nợ dì nhiều lắm.
 
Dù rất muốn nói thật to lời cảm ơn dì Reiko, nhưng cơn đau lúc ấy không cho phép. Chưa kể tôi còn gặp khó khăn, nói đúng hơn là thấy căng thẳng, khi trò chuyện cùng dì…
 
“Bà mang theo áo cho cháu thay đây. Nếu cần gì nữa cứ nói nhé.”
 
“Cháu cảm ơn.”
 
Tôi khàn giọng đáp, trong lúc bà đặt một túi giấy lớn ở cạnh giường. Cơn đau dội lên khi trở mình, vì vậy tôi chỉ có thể nằm thẳng và khẽ gật đầu với bà. “Bà ơi! Bố cháu có biết chuyện không?”
 
“Bà chưa báo cho bố cháu. Cũng không biết là Yosuke đang ở Ấn Độ hay ở đâu. Chẳng biết liên lạc bằng cách nào nữa, để tối nay bà hỏi Reiko vậy.”
 
“Không sao, cháu sẽ tự liên lạc với bố. Bà mang giúp chiếc điện thoại cháu để trong phòng đến đây là được…”
 
“À, thế à?”
 
Bố tôi tên là Sakakibara Yosuke. Ông làm ở một trường đại học có tiếng ở Tokyo, chuyên nghiên cứu văn hóa nhân chủng học hay nhân sinh xã hội gì đó. Có học hàm giáo sư ở tuổi tứ tuần, chắc hẳn ông cũng là một người rất tài ba. Nhưng tôi thì không khỏi nghi ngại khả năng làm cha của ông.
 
Tóm lại, bố tôi thường xuyên vắng nhà.
 
Ông bỏ đứa con trai duy nhất ở lại căn nhà trống huơ và đi khắp trong ngoài nước để khảo sát thực địa hay gọi là gì khác tôi cũng không biết. Nhờ thế mà ngay từ thời tiểu học tôi đã luôn tự tin sẽ không thua kém bất cứ đứa bạn nào cùng độ tuổi về khoản việc nhà.
 
Đúng như bà nói, bố tôi vừa đi công tác Ấn Độ, tuần trước đây thôi. Công việc này không hẹn mà đến ngay giữa kỳ nghỉ xuân, bố sẽ nghiên cứu và thăm dò ở đó suốt một năm. Đây là một trong những lý do khiến tôi phải đến Yomiyama sống cùng ông bà ngoại mà không báo trước.
 
“Koichi, cháu với bố có ổn không?”
 
“Vẫn ổn ạ, cháu nghĩ vậy,” tôi đáp. Dù tự nhận thấy làm con của một người như thế thật không dễ, tôi cũng không hề oán trách bố.
 
“Bất kể thế nào, Yosuke cũng là người rất chung thủy.” Bà nói như thể đang lẩm bẩm với chính mình. “Ritsuko mất đã nhiêu năm nay, thế mà Yosuke vẫn chưa tái hôn. Hơn nữa còn giúp đỡ gia đình này rất nhiều dù đôi bên ít khi liên lạc.”
 
Ritsuko là tên mẹ tôi. Mười lăm năm trước, đúng năm sinh tôi, mẹ đã qua đời khi tuổi còn rất trẻ, chỉ mới hai mươi sáu. Bố mẹ tôi cách nhau mười tuổi.
 
Tôi chỉ được nghe kể lại rằng bố đã chiếm trọn trái tim mẹ ngay từ ngày đầu tiên gặp mặt, lúc đó bố là giảng viên đại học, còn mẹ là một sinh viên trong lớp của bố. Tôi chẳng nhớ là vào lúc nào, đã từng có một người bạn lâu năm của bố tới chơi nhà, trong cơn say bí tỉ, ông ta cũng buông lời trêu chọc bố tôi, “Chú mày năm đó đúng là tốc chiến tốc thắng.”
 
Thật khó hiểu là từ ngày mẹ mất tới giờ bố vẫn chưa tìm đến người phụ nữ khác. Nói ra lại bảo thiên vị, nhưng tôi vẫn phải thừa nhận bố là một nhà nghiên cứu tài năng, và dù đã năm mươi mốt tuổi, trông bố vẫn rất điển trai với vẻ ngoài trẻ trung và tính cách dễ chịu. Có địa vị trong xã hội, kiếm được nhiều tiền, trên hết lại đang độc thân, vậy nên tôi không nghĩ bố chẳng được phụ nữ để ý.
 
Phải chăng bố muốn làm tròn bổn phận với người vợ đã khuất? Hay bố để tâm đến cảm xúc của tôi? Dù thế nào thời gian cũng đã lâu, tôi chỉ mong bố mau mau tái hôn và thôi cái việc đẩy hết nghĩa vụ trông nhà cho con trai đi. Mong muốn đó, có một nửa là từ tận đáy lòng tôi.
 
“Xẹp phổi” hay còn gọi là “tràn khí màng phổi tự phát”. Hoặc chính xác hơn là “tràn khí màng phổi nguyên phát”, thường gặp ở người trẻ tuổi có thể trạng cao, gầy. Phần lớn các ca bệnh đều không rõ nguyên nhân, nhưng nghe nói trong khá nhiều trường hợp là do mỏi mệt hoặc đầu óc căng thẳng cộng với thể trạng vốn có của người bệnh.
 
Có thể hiểu ngay từ cái tên, “xẹp phổi” tức là một phần bóng khí của phổi bị vỡ khiến không khí thoát vào khoang trống giữa phổi và thành ngực. Sự cân bằng áp lực bị rối loạn làm cho lá phổi xẹp đi như một trái bóng bị thủng lỗ. Bệnh thường kèm theo các triệu chứng đau ngực và khó thở.
 
Căn bệnh mà nghĩ qua thôi cũng đã thấy khiếp sợ này, tôi đã phải trải nghiệm lần đầu tiên vào tháng Mười năm ngoái, khoảng sáu tháng trước.
 
Thoạt đầu, một cơn đau kỳ lạ nhói lên trước ngực, và có cảm giác nếu di chuyển tôi sẽ tắt thở ngay lập tức. Tôi cứ nghĩ chỉ cần đợi vài bữa sẽ khỏi, nhưng mấy hôm sau bệnh tình vẫn không khá hơn. Thực tế thì nó ngày càng trở nặng nên tôi phải kể với bố và được chở đến bệnh viện. Họ chụp X-quang rồi chẩn đoán phổi trái của tôi bị tràn khí và đang trong quá trình xẹp đi.
 
Tôi nhập viện ngay trong ngày.
 
Bác sĩ điều trị chính của tôi quyết định dùng phương pháp điều trị “hút khí màng phổi”.
 
Sau khi gây tê, người ta làm tiểu phẫu mở ngực tôi để gắn một ống thông nhỏ gọi là trocar catheter vào khoang phổi, đầu kia ống nối với máy hỗ trợ hô hấp, nhờ vậy họ sẽ thực hiện quá trình hút lượng khí đang còn lưu lại giữa phổi và khoang ngực.
 
Quá trình điều trị kéo dài đến một tuần để cho lá phổi căng trở lại hình dạng cũ, lỗ thoát khí được bít kín và tôi sẽ được xuất viện. Khi đó, bác sĩ đã dùng từ “hồi phục hoàn toàn”, nhưng còn nói thêm, “Khả năng tái phát là năm mươi phần trăm.”
 
Lúc nghe câu chẩn đoán ấy, tôi cố không nghĩ quá nhiều đến mức độ nghiêm trọng và bệnh trạng của mình. Tôi chỉ hiểu được rằng, ờ thì có khả năng sẽ bị lại lần nữa. Nhưng tôi nào ngờ mình lại đối mặt với số phận bi thảm này nhanh và đúng thời điểm tệ hại như vậy…
 
Nói thật, tôi thấy rất buồn.
 
Bà về rồi, điều đầu tiên tôi làm trưa hôm đó là lên phòng điều trị trong khu nội khoa để họ hút khí, giống sáu tháng trước.
 
May mắn là bác sĩ điều trị lần này không tệ. Cơn đau sáu tháng truớc khi họ nhét ống thông vào người tôi vô cùng dữ dội, nhưng lần này thì không ghê gớm mấy. Giống như lần trước, nếu khí thoát ra theo ống làm cho phổi tôi trở lại như cũ và lỗ hổng kín lại, tôi sẽ được xuất viện. Tuy nhiên, một khi bệnh đã tái phát như thế này thì khả năng tái phát lần ba sẽ cao hơn. Nếu tình trạng phát bệnh diễn ra thường xuyên, bệnh viện sẽ phải xem xét việc tiến hành phẫu thuật. Điều này càng khiến tôi thêm phiền muộn.
 
Chiều hôm đó bà lại đến thăm và mang điện thoại cho tôi. Nhưng tôi quyết định đợi mọi việc xong xuôi mới gọi điện thông báo cho bố. Dù có gấp gáp kể ngay thì sự thể cũng đã xảy ra. Tình trạng của tôi không đến mức nguy hiểm chết người, và tôi cũng không muốn làm bố lo lắng bằng cách để bố nghe giọng nói yếu ớt này.
 
Máy thở đặt cạnh giường bệnh phát ra tiếng ùng ục rất nhỏ, gây ra khi không khí hút khỏi người tôi đi qua dung dịch bên trong máy.
 
Chợt nhớ dòng cảnh báo của bệnh viện, rằng “điện thoại có thể gây nhiễu các thiết bị y tế, tôi bèn tắt nguồn điện thoại rồi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, trong khi cắn răng chịu đựng cơn đau và sự khó thở nay đã trở nên quen thuộc.
 
Nơi tôi đang nằm là khu nội trú ở một bệnh viện công – một tòa nhà năm tầng cũ kỹ. Phòng của tôi nằm trên tầng bốn.
 
Có thể thấy những đốm trắng loang lổ bên dưới bầu trời đen kịt phía xa kia. Đó là ánh đèn của thị trấn miền núi nhỏ bé nơi mẹ Ritsuko, người mẹ tôi chỉ biết qua những tấm ảnh, sinh ra và lớn lên. Thị trấn Yomiyama.
 
Tôi đã đến đây bao nhiêu lần rồi?
 
Ý nghĩ trên chợt cắt ngang qua dòng suy tư. Chẳng thể nhớ nổi những ký ức thời thơ ấu, tôi chỉ biết mình từng tới đây đôi lần. Khoảng ba hoặc bốn lần hồi còn học tiểu học. Đây là lần đầu tôi quay lại từ khi lên học trung học ư? Hình như không phải.
 
Đang nghĩ rằng hình như không phải, mạch suy nghĩ của tôi chợt bị chặn lại. Một tiếng “ùng” trầm sâu dội lên từ đâu đó, rồi nó ập đến, bao trùm lấy tôi, tưởng chừng muốn nghiền nát cơ thể này.
 
Tôi khẽ thở dài trong vô thức.
 
Thuốc gây tê hẳn đã hết tác dụng. Vết rạch dưới nách, nơi có gắn ống thông, đang nhói lên, hòa lẫn với cơn đau ngực nhức nhối không ngừng.
 
Sau hôm đó, bà đến thăm tôi mỗi ngày.
 
Tôi biết bệnh viện khá xa nhà, nhưng bà chỉ khẽ cười và bảo lái xe đến có gì mà cực nhọc đâu. Bà đúng là chỗ dựa đáng tin cậy. Dù vậy, tôi biết chắc vì tôi mà việc nhà sẽ bị lơ là đi đôi chút, và bà cũng sẽ thấy lo lắng cho ông ngoại Ryohei, gần đây ông đã bắt đầu lẩm cẩm… Tôi thấy thật có lỗi với bà. Cảm ơn bà nhiều lắm tôi không khỏi cảm kích từ tận đáy lòng mình.
 
Biện pháp hút khí dần phát huy hiệu quả, đến ngày thứ ba nằm viện, cơn đau đã dịu hẳn đi. Vấn đề nảy sinh khi ấy đơn giản chỉ là sự nhàm chán. Tôi còn chẳng thể tin mình ra ngoài được. Lý do là vì cơ thể tôi vẫn bị gắn với chiếc máy thở bằng ống thông. Ngoài ra thì tôi phải truyền dịch mỗi ngày. Nội chuyện đi vệ sinh cũng đã khó khăn, và tất nhiên mấy ngày nay tôi chưa được tắm.
 
Phòng bệnh của tôi là phòng đơn, có trang bị một chiếc ti vi nhỏ chạy bằng tiền xu. Nhưng dù bật nó lên, tôi cũng chỉ xem được những chương trình tẻ ngắt chiếu buổi trưa. Tôi phải chấp nhận xem mấy chương trình nhàm chán, hoặc nằm đọc vài quyển sách tôi nhờ bà mang đến, hoặc nghe nhạc… Quả là những cách khó có thể gọi là giải trí, mà tôi phải dùng để giết thời gian.
 
Tôi nằm viện được sáu ngày, thì vào ngày 25 tháng Tư, giữa buổi trưa thứ Bảy, dì Reiko ghé vào, “Dì xin lỗi vì không có thời gian đến thăm cháu.”
 
Nét mặt áy náy, dì thanh minh là gần đây toàn phải đi làm về muộn. Hiển nhiên không cần đi giải thích tôi cũng hiểu được lý do. Nếu chỉ có thế mà giận dì, tôi mới là người cần hối lỗi. Cố giữ sự vui vẻ, tôi kể dì nghe về tình trạng sức khỏe của mình. Tôi cũng kể cho dì về chẩn đoán của bác sĩ phụ trách trong buổi khám sáng, dự kiến nếu tình hình sức khỏe ổn định, tôi có thể xuất viện vào đầu tuần sau hoặc muộn nhất là trong tháng này.
 
“Vậy cháu sẽ đi học lại sau Tuần lễ vàng(1) nhỉ?” Dì Reiko vừa nói vừa đưa mắt ra hướng cửa sổ. Vẫn đang nằm bẹp trên giường bệnh, tôi không khỏi dõi theo ánh mắt dì. “Bệnh viện này được xây trên ngọn đồi mang tên Yumigaoka. Nó nằm ở góc phía Đông của thị trấn nên từ đây cháu có thể trông thấy trọn vẹn dãy núi ở phía Tây. Ở đằng ấy cũng có một nơi gọi là Asamidai.”
 
 “Vì Sao lại là Yumigaokai(2) và Asamidai(3) ạ?
 
“Gọi làYumigaoka vì có thể ngắm được cảnh hoàng hôn rất đẹp, và Asamidai là nơi tuyệt vời để ngắm bình minh đang lên. Dì nghĩ đây là lý do chúng có tên như vậy.”
 
“Nhưng không phải thị trấn tên là Yomiyama(4) ạ?”
 
“À, vì chúng ta có một ngọn núi mang tên Yomiyama nằm ở phía Bác. Thị trấn ở vùng trũng, nhưng toàn bộ khu vực là một chuỗi những ngọn đồi thoai thoải chạy từ Bắc xuống Nam.”
 
Kể ra, tôi thậm chí vẫn chưa biết gì về địa hình cơ bản trong vùng. Có lẽ dì Reiko nhận ra điều này nên mới gợi ý bài hướng dẫn nho nhỏ vừa rồi. Chắc dì nghĩ cùng ngắm khung cảnh ngoài cửa sổ là một cơ hội tốt.
 
“Từ đây cháu thấy được không?” Dì đưa tay phải lên chỉ. “Dải xanh lá chạy dọc từ Bắc xuống Nam ấy. Đó là sông Yomiyama chảy xuyên qua trung tâm thị trấn. Ở phía bên kia bờ sông là sân thể thao của trường. Cháu có thấy rõ không?”
 
“À, vâng…” Tôi nhấc nửa người trên khỏi giường rồi nheo mắt nhìn về phía dì Reiko chỉ. “Ồ, cái mảng trắng rộng lớn kia phải không ạ?”
 
“Đúng nó đấy.” Dì quay lại nhìn tôi và mỉm cười. “Đó là trường trung học Bắc Yomiyama, ngôi trường cháu sẽ theo học.”
 
“Thú vị thật!”
 
“Ở Tokyo cháu theo học một trường tư phải không? Có phải trường dạy liên thông cả khối trung học cơ sở với trung học phổ thông không?”
 
“Dạ.”
 
“Có lẽ cháu sẽ thấy trường công hơi khác… Nhưng không sao nhỉ?”
 
“Vâng, chắc là ổn ạ.”
 
“Thế này thì lỡ mất chương trình học tháng Tư rồi, thời điểm nhập viện tệ quá.”
 
“Ồ, không sao đâu dì. Ở trường cũ bọn cháu đã học gần xong chương trình lớp Chín.”
 
“Chà chà, ấn tượng đấy! Chuyện học với cháu chắc chỉ là chuyện nhỏ.”
 
“Cháu cũng không biết nữa.”
 
“Thế thì dì nên khuyên cháu là đừng xao lãng chuyện học hành nhỉ!”
 
“Dì Reiko, trước kia dì cũng học ở trường đó phải không ạ?”
 
“Ừ. Dì tốt nghiệp khoảng mười bốn năm trước. Thế này thì cháu đoán ra tuổi thật của dì mất.”
 
“Vậy mẹ cháu cũng học ở đó?”
 
“Ừ. Ritsuko cũng xuất thân từ Bắc Trung. Trong thị trấn còn có trung học Nam Yomiyama, gọi tắt là Nam Trung. Ngoài ra một số người còn gọi Bắc Trung là Bắc Yomi.”
 
“Bắc Yomi? À, ra là thế.”
 
Dì Reiko mặc âu phục màu đen, áo trong màu kem, dáng người mảnh dẻ, gương mặt thanh tú cùng làn da trắng muốt. Mái tóc dài suôn của dì buông xuống quá vai.
 
Với kiểu tóc đó, trông dì có phần giống mẹ tôi trong những tấm di ảnh. Khi nhận ra điều này, nỗi đau nhức nhối trong tim tôi lại trỗi dậy tựa như một cơn bệnh âm ỉ bấy lâu. Tôi từng bảo rằng không quen nói chuyện trực tiếp cùng dì vì luôn thấy bồn chồn. Điều đó chỉ đúng tám phần, nguyên nhân chính là bởi trông dì giống mẹ.
 
“Dì không lo về chuyện học tập của cháu, nhưng mấu chốt là sự khác biệt giữa trường công và trường tư. Có thể ban đầu cháu sẽ thấy bối rối trước nhiều chuyện, nhưng rồi sẽ quen dần thôi.”
 
Dì còn bảo khi nào tôi xuất viện và đến lớp, dì sẽ chỉ tôi “Các quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi”. Thế rồi mắt dì chuyển sang đống sách nằm trên chiếc bàn cạnh giường. “Dì không biết là cháu thích loại sách này đó, Koichi.”
 
“À, vâng, cũng không hẳn ạ.”
 
Có tất cả bốn quyển sách. Chúng đều là truyện dài chia làm hai tập: Salem’s Lot và Pet Sematary của Stephen King(5). Trước khi dì Reiko đến, tôi cũng vừa đọc xong tập đầu của Pet Sematary.
 
“Vậy thì sau này dì cũng sẽ kể cháu nghe về ‘Bảy điều kỳ bí’ ở Bắc Yomi.”
 
“’Bảy điều kỳ bí’?”
 
“Trường nào cũng có dạng truyện này, nhưng ở Bắc Yomi có hơi khác. Khi dì còn đi học đã có đến tám bản. Cháu muốn nghe không?”
 
Thật ra tôi không mấy quan tâm đến truyện ma ngoài đời thật, thế nhưng…
 
“Vậy phiền dì kể hết giúp cháu.” Tôi gượng cười đáp lại.
 
Trước bữa trưa hôm sau, ngày 26, Chủ nhật.
 
Như mọi khi, bà ngoại đến và mang cho tôi lỉnh kỉnh đủ thứ. Và cũng bằng một câu quen thuộc “Mai bà lại đến,” bà trở về. Trên đường trở ra hẳn là bà đã đi ngang qua bọn họ. Tôi chẳng ngờ được và cũng không hề mong có người khách nào khác đến thăm.
 
Chị y tá Mizuno đẩy cửa, bước vào phòng tôi sau tiếng gõ cộc cộc. Chị còn trẻ, và là người chăm sóc tôi tận tình từ lúc tôi nhập viện. “Mời hai em vào,” theo sau lời mời của chị 1à hai cô cậu học sinh hoàn toàn xa lạ. Tất nhiên tôi thấy kinh ngạc. Nhưng do hai ngườinày cũng trạc tuổi tôi, lại còn vận đồng phục học sinh, tôi liền đoán ra lý do của buổi thăm viếng này.
 
“Xin chào. Cậu là Sakakibara Koichi nhỉ?”
 
Cậu con trai đại diện (ấy là tôi nghĩ thế) ở bên phải cất lời. Dáng người tầm tầm, đồng phục đen với cổ áo đứng. Cặp kính gọng bạc điểm xuyết cho gương mặt Nhật Bản điển hình với khóe mắt dài nhỏ.
 
“Bọn tớ là học sinh lớp 9-3, trường trung học Bắc Yomiyama.”
 
“À! Chào hai cậu.”
 
“Tớ là Kazami. Kazami Tomohiko. Còn đây là Sakuragi.”
 
“Sakuragi Yukari. Rất hân hạnh làm quen với cậu.”
 
Cô gái mặc áo khoác ngoài màu xanh biển. Dù đều là đồng phục trung học tiêu chuẩn, nhưng kiểu dáng này hoàn toàn khác với đồng phục trường tư tôi theo học ở Tokyo.
 
“Sakuragi và tớ là cán sự lớp năm nay, bọn tớ đến thăm cậu thay cả lớp.”
 
“Ừm.” Không khỏi thắc mắc, tôi hỏi một câu rất hiển nhiên, “Tại sao các cậu lại đến tận đây?”
 
“Cậu vừa chuyển trường đến, đúng không?” Sakuragi Yukari hỏi lại. Cô cũng đeo kính gọng bạc như Kazami, dáng người cân đối, tóc dài đến vai. “Bọn tớ nghe nói lẽ ra cậu lên lớp từ thứ Hai tuần trước, nhưng lại phải nhập viện… Vậy nên bọn tớ thay mặt cả lớp tới thăm cậu. Ừm, đây là quà mọi người gửi tặng.”
 
Cô gái cầm trên tay một bó hoa tulip đủ màu sắc và đưa về phía tôi. Sau này, khi tìm hiểu thêm tôi mới biết ý nghĩa của tulip là “sự quan tâm” hoặc “bác ái”.
 
“Tớ có hỏi thầy về bệnh tình của cậu,” Kazami Tomohiko tiếp lời. “Bọn tớ nghe nói là bệnh phổi tràn khí gì đó. Cậu đã khỏe chưa?”
 
“À, ừ. Cảm ơn cậu đã hỏi.”
 
Tôi trả lời, cố nở nụ cươi trên môi. Dù bất ngờ vì họ đột ngột ghé thăm, thực sự tôi cũng thấy rất vui. Thêm nữa là trông hai người họ thật kiểu mẫu, gần giống như một cặp nhân vật “lớp trưởng(6)” trong anime vậy. Điều đó khiến tôi thấy vừa lạ vừa thú vị.

“May mắn là… chắc tớ nên nói thế, là dù còn đang nằm viện, nhưng quá trình phục hồi đúng như chẩn đoán nên chắc cũng được tháo máy sớm thôi.”
 
“Tốt quá.”
 
“Đột nhiên phải chịu cảnh như vậy, thật khổ cho cậu.” Bọn họ đồng thanh và liếc nhìn nhau.
 
“Nghe nói cậu chuyển từ Tokyo tới nhỉ, Sakakibara.” Sakuragi vừa nói vừa đặt bó tulip xuống cạnh cửa sổ. Không hiểu sao tôi có cảm giác cô ta đang dò hỏi mình.
 
Tôi gật đầu, “Ừ.”
 
“Cậu học ở trường Trung học K*** phải không? Tuyệt quá. Đó là ngôi trường tư rất nổi tiếng. Thế sao cậu…?”
 
“Tớ chuyển đến vì nhà có chuyện.”
 
“Đây là lần đầu cậu sống ở Yomiyama à?”
 
“Lần đầu… sao cậu hỏi vậy?”
 
“Tớ chỉ nghĩ hình như cậu từng sống ở đây, dù đã lâu lắm rồi.”
 
“Tớ có đến chơi, nhưng chưa tới sống bao giờ.”
 
“Vậy cậu từng ở đây lâu ngày chưa?” Kazami lại tiếp tục hỏi.
 
Câu hỏi gì lạ thế? Tôi thấy hơi khó chịu, nhưng vẫn trả lời cho qua. “À. Quê mẹ tớ ớ đây nên chắc lúc nhỏ thì có, nhưng tớ không nhớ rõ nữa…”
 
Cuộc tra hỏi chóng vánh của họ kết thúc, và Kazami bước đến gần giường. “Đây,” cậu ta lấy từ trong cặp sách một phong bì lớn rồi trao cho tôi.
 
“Gì thế?”
 
“Ghi chú bài tập từ đầu học kỳ đến giờ. Tớ đã chép ra một bản khác nên cậu cứ giữ lấy.”
 
“Oa, cậu chép giúp tớ sao! Cảm ơn.”
 
Tôi xem qua một lượt nội dung của tập giấy, quả đúng như tôi dự đoán, tôi đã học hết ở trường cũ. Nhưng sự quan tâm của cậu ta cũng đủ khiến tôi cảm động và phải cảm ơn lần nữa. Nếu cứ thế này, có lẽ tôi sẽ quên được những chuyện kinh khủng xảy ra suốt từ năm ngoái.
 
“Sau Tuần lễ vàng chắc tớ sẽ lên trường được. Mong các cậu giúp đỡ nhiều hơn.”
 
“Bọn tớ cũng vậy.”
 
Dường như Kazami đưa mắt nhìn Sakuragi, thế rồi, với một biểu hiện có phần dè dặt, cậu ta chìa tay phải ra, “À, Sakakibara. Chúng ta bắt tay nhé?”
 
Tôi khựng lại một giây. Bắt tay? Cậu lớp trưởng đột nhiên lại muốn bắt tay tôi trong lần gặp đầu tiên… ở bệnh viện nữa chứ? Thế là thế nào?
 
Dù sao thì chắc tôi nên cho qua và xem như đây là phong cách đặc biệt của học sinh trường công. Hay có lẽ là khác biệt giữa Tokyo và vùng nông thôn? Hoặc là khác biệt trong tính cách?
 
Dẫu hơi nghi hoặc, tôi cũng chẳng thể từ chối mà nói “Không cần đâu.” Thế nên tôi giả ngây và cũng đưa tay phải ra.
 
Chẳng có chút sức lực nào trong cái bắt tay của Kazami, dù cậu ta là người đề xuất. Và kỳ lạ thay, bàn tay cậu ta ướt đẫm mồ hôi lạnh.

Thứ Hai, ngày thứ tám ở bệnh viện, rốt cuộc tôi cũng có chút tự do.
 
Khi bác sĩ xác nhận “lỗ thoát khí” ở phổi tôi lành hẳn, họ đã gỡ ống thông ra. Cuối cùng tôi cũng được giải phóng khỏi cái máy thở chết tiệt. Các thủ tục hoàn tất trong buổi sáng, tôi rời giường bệnh và tiễn bà ngoại về, đồng thời cũng để hít thở không khí trong lành sau khoảng thời gian dài nằm một chỗ.
 
Bác sĩ nói sẽ kiểm tra tình hình của tôi trong hai ngày tới, nếu không có gì trục trặc thì tôi được xuất viện. Nhưng tôi sẽ phải tĩnh dưỡng ít lâu. Hơn ai hết, sau trải nghiệm sáu tháng trước thì chẳng cần nhắc nhở tôi cũng hiểu rõ việc đó. Vậy là phải đợi đến sau kỳ nghỉ, tức là ngày 6 tháng Năm, tôi mới lên trường được.
 
Dõi theo cho đến khi chiếc Nissan Cedric màu đen cũ kỹ của bà đi khuất, tôi quay về ngồi xuống một chiếc ghế dài vừa phát hiện ra ở bãi cỏ trước khu nội trú.
 
Thời tiết hôm nay thật đẹp, xứng với ngày tự do của tôi.
 
Nàng mùa xuân ấm áp, làn gió mát lành, tiếng chim rừng chiêm chiếp đâu đó, có lẽ từ những rặng núi gần bên. Tôi còn nghe được cả tiếng hót của loài chim chích, vốn không hề xuất hiện ở Tokyo, lẫn trong những khúc ca của thiên nhiên.
 
Nhắm mắt lại, tôi hít thở sâu từng hơi. Nơi từng cắm ống vẫn đau đau, nhưng cơn tức ngực và khó thở đã biến mất. Ừm, tốt lắm. Được khỏe mạnh thật tuyệt làm sao!
 
Sau khi tự đắm mình vào dòng cảm khái chẳng hề giống của một người trẻ tuổi, tôi lấy chiếc điện thoại mang bên mình từ lúc rời giường. Giờ chắc là lúc thuận tiện để gọi cho bố. Vì đang ở ngoài trời nên tôi cũng chẳng phải lo về chuyện “gây nhiễu các thiết bị y tế”.
 
Chênh lệch múi giờ giữa Ấn Độ và Nhật Bản là ba hay bốn tiếng thì phải. Ở chỗ tôi đã quá 11 giờ, vậy ở đó chắc khoảng 7 hay 8 giờ sáng?
 
Do dự một lúc, tôi đành tắt điện thoại dù chỉ mới bật lên. Tôi biết rõ thói quen ngủ nướng của bố. Có lẽ bố cũng đã rất mệt mỏi với những nghiên cứu và điều tra ở một đất nước xa lạ. Nghĩ vậy tôi cũng chẳng đành đánh thức bố dậy bởi chuyện cỏn con thế này.
 
Tôi còn ngồi thơ thẩn một lúc lâu rồi mới đứng dậy, bấy giờ cũng đã gần đến giờ ăn trưa. Nói thật thức ăn trong bệnh viện không ngon lành gì, nhưng với một cậu bé mười lăm tuổi đang dưỡng bệnh, đói bụng là chuyện không đùa được.
 
Quay lại khu nội trú, tôi băng qua sảnh và hướng đến thang máy. Cửa thang sắp đóng nên tôi cố lách vào thật nhanh.
 
Có người đã đứng sẵn bên trong.
 
“Ồ, xin lỗi.” Tôi nhẹ giọng xin lỗi vì đã đường đột chen vào. Nhưng khi nhìn thấy người đối diện, sự ngạc nhiên trong tôi buột ra thành tiếng.
 
Người đứng trong thang máy là một cô gái mặc đồng phục nữ sinh.
 
Cũng chiếc áo khoác màu xanh biển mà Sakuragi Yukari mặc khi đến thăm tôi hôm trước. Nghĩa là cô gái này cũng học trường trung học Bắc Yomiyama?
 
Đáng lẽ giờ này phải ở truờng chứ nhỉ?
 
Dáng người cô nhỏ nhắn, gầy gò, diện mạo mang nét đẹp lưỡng tính. Mái tóc đen tuyền cắt ngắn ngang vai ôm lấy khuôn mặt, làn da lại có phần nhợt nhạt. Tôi không rõ nên miêu tả thế nào, nhưng nếu dùng cách gọi xưa chắc là giống màu sáp trắng. Ngoài ra…
 
Thứ khiến tôi chú ý nhất là miếng gạc che đi mắt bên trái của cô gái. Cô ấy bị bệnh về mắt? Hay là mắt bị thương?
 
Tâm trí luẩn quẩn trong mớ suy nghĩ đến khi tôi nhận ra chiều đi của thang máy thì đã muộn. Không phải đi lên trên mà là đi xuống. Buồng thang máy đã bắt đầu chuyển động, không phải lên tầng trên mà tụt xuống tầng hầm.
 
Nhìn vào dãy nút trên bảng điều khiển, tôi thấy chữ “B2” đang bật sáng. Tôi quyết định đi hết lượt thang này sẽ chọn lại tầng, trong khi chờ đợi tôi bắt chuyện với cô bạn đeo băng mắt, “Xin lỗi, cậu là học sinh trường Bắc Yomi phải không?”
 
Cô gái chỉ khẽ gật đầu, không nói một lời, cũng không hề có phản ứng gì khác.
 
“Cậu muốn xuống tầng hầm thứ hai? Có việc gì ở đó à?”
 
“Vâng.”
 
“Nhưng tớ nhớ là tầng đấy không…”
 
“Tôi muốn chuyển đồ.” Cô gái mấp máy môi, trả lời bằng giọng lạnh lùng và xa cách, như thế hết thảy cảm xúc đã bị cướp đi. “Một nửa con người đáng thương của tôi đang đợi ở đó.”
 
Tôi còn đang ngây đuỗn vì những lời khó hiểu của cô gái thì thang dừng rồi cửa mở.
 
Cô gái đeo băng mát lặng lẽ đi qua tôi, tiến ra sảnh tầng hầm, bước chân không thành tiếng. Một vật trắng nhợt nhạt lộ ra từ khoảng trống giữa đôi tay đang đặt sát ngực cô. Hai mắt tôi như dán dính vào nó. Trông vật trắng ấy như cánh tay của một con búp bê.
 
“Này.” Tôi giữ cho thang mở rồi vươn người ra khỏi thang máy gọi cô ấy. “Cậu tên gì?”
 
Trong hành lang tầng hầm âm u, cô gái lặng lẽ bước đi một mình, nghe tiếng gọi, cô dừng lại, nhưng không quay về phía tôi.
 
“Mei,” cô chỉ đáp lại gãy gọn. “Misaki… Mei.”
 
Rồi cô bước đi, như thể đang lướt qua sàn nhà lót giấy dầu. Tôi nín thở nhìn cô đi khỏi, tâm can đón nhận một nỗi phiền muộn và xáo trộn khó tả.
 
Tầng hầm thứ hai của khu nội trú.
 
Nơi đây không có phòng bệnh, khu điều trị hay thăm khám gì. Nằm viện một thời gian là biết. Ở đấy chỉ có nhà kho, phòng máy và tất nhiên là… nhà xác.
 
… Dù thế nào.
 
Đây là lần gặp đầu tiên của tôi với cô gái kỳ lạ tên Mei. Khi tôi biết được trong chữ Hán, tên “Misaki” của cô viết là “Kiến Khi” và Mei viết là “Minh”, thì tháng Tư đã kết thúc, chào đón tháng Năm tới.

Chú thích:

(1) Kỳ nghỉ dài vào dịp tháng Năm ở Nhật, gồm bốn ngày quốc lễ trong vòng một tuần, từ 29/4 đến 5/5.
(2) Nghĩa là: ngọn đồi ngắm hoàng hôn.
(3) Nghĩa là: đài ngắm ban mai.
(4) Nghĩa là: ngọn núi ngắm cảnh đêm.
(5) Nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị và giả tưởng.
(6) Ở lớp học của Nhật có hai lớp trưởng, một cho phía nam, một cho phía nữ.