Chương 8

Lời Nguyền Lâu Lan

Đăng vào: 12 tháng trước

.

1

Diệp Tiêu lại đến Viện Nghiên cứu Khảo cổ, anh gõ cửa phòng làm việc của viện trưởng.

– Mời vào!

Diệp Tiêu bước vào phòng. Văn Hiếu Cổ đang ngồi trước bàn làm việc, vừa nhìn thấy Diệp Tiêu, ông ta giật bắn người, nhưng ngay sau đó đã lấy lại vẻ mặt bình thường, cười nói:

– Cảnh sát Diệp, anh đến có việc gì vậy? Lần trước nhờ anh giúp đỡ, chúng tôi đã tìm lại được số di vật bị mất, vẫn chưa kịp đến cảm ơn.

– Viện trưởng Văn, không cần phải cảm ơn đâu. Tôi đến là để điều tra về một người.

– Được rồi, trước hết hãy ngồi xuống đi đã.

Diệp Tiêu ngồi xuống ghế, tiếp tục nói:

– Viện trưởng Văn, Nhiếp Tiểu Thanh, ông có biết người này không?

– Nhiếp Tiểu Thanh à? – Văn Hiếu Cổ biến sắc.

Diệp Tiêu phát hiện thấy gì đó qua vẻ mặt ông ta:

– Có gì không đúng sao, Viện trưởng Văn?

– Không, không có gì! – Văn Hiếu Cổ lại nhìn anh cười cười, – Nhiếp Tiểu Thanh là một nghiên cứu sinh đến đây thực tập thạc sĩ, do giáo sư Lý của Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật giới thiệu.

– Thế bây giờ cô ta đang ở đâu?

Văn Hiếu Cổ lắc đầu nói:

– Không biết, cô ta chỉ thực tập ở đây có hơn một tháng rồi đi.

– Cô ta đi khi nào?

– Khoảng trước khi Giang Hà chết mấy ngày.

– Viện trưởng Văn vì sao ngay từ lúc bắt đầu điều tra ông không cung cấp cho chúng tôi những tình tiết này?

– Tôi tưởng Nhiếp Tiểu Thanh không có liên quan gì đến cái chết của Giang Hà, cô ta chỉ là một thực tập sinh bình thường thôi mà.

Diệp Tiêu lạnh lùng buông một câu:

– Viện trưởng Văn, ông không có điều gì giấu tôi đấy chứ?

– Không, không bao giờ!

– Thôi được. Viện trưởng Văn, tôi còn một vấn đề nữa, gần đây ông cảm thấy sức khoẻ thế nào?

Văn Hiếu Cổ cảm thấy khó hiểu:

– Sức khoẻ của tôi à? Rất tốt.

– Tôi có một đề nghị, ông hãy đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ tổng thể, được không?

– Cảnh sát Diệp, tôi thấy hơi lạ, vì sao anh lại đưa ra đề nghị này?

Diệp Tiêu trả lời rành rọt từng chữ:

– Tôi nghe nói Viện Khảo cổ các ông trước khi Giang Hà chết một tháng có đi miền Tây tham gia một cuộc khảo cổ. Tổng cộng có năm người đi, Giang Hà, Hứa An Đa, Trương Khai, Lâm Tử Tố và cả ông nữa. Bây giờ, bốn người kia đều chết rồi, chỉ còn lại mình ông, ông không cảm thấy kỳ lạ sao?

Văn Hiếu Cổ biến sắc mặt:

– Anh đang nghi ngờ tôi sao?

– Không, tôi đang lo cho ông!

– Không cần đâu, tôi sẽ cẩn thận!

Sắc mặt Diệp Tiêu trầm xuống:

– Mong là như vậy, tôi về đây!

2

Giáo sư Lý của Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật đang đi dưới một dãy giá sách cao. Ánh sáng trong thư viện rất kém, những tia sáng mờ mờ từ bên ngoài ô cửa sổ bé và hẹp hắt vào, làm cho bóng ông từ từ lay động, kéo thành một vệt đen dài trên mặt đất.

Bỗng nhiên, trước mặt giáo sư xuất hiện một thanh niên, anh ta nhếch mép cười, nói:

– Giáo sư Lý, chào ông, tôi là người của Sở Công an, có một số việc cần gặp ông tìm hiểu tình hình.

Nói xong, anh lấy giấy chứng nhận ra, trên giấy chứng nhận đề tên Diệp Tiêu.

Giáo sư Lý ngạc nhiên:

– Có chuyện gì thế?

Diệp Tiêu nghiêm sắc mặt nói:

– Giáo sư Lý, tôi muốn hỏi về một người, cô ta tên là Nhiếp Tiểu Thanh.

– Hỏi cô ta làm gì, cô ta là một sinh viên của tôi.

– Xin hỏi, cô ta bây giờ ở đâu?

– Không biết!

Diệp Tiêu cảm thấy tính cách ông già này có vẻ lạ lùng, anh không hiểu, hỏi: – Vì sao?

– Thời gian trước Nhiếp Tiểu Thanh được tôi điều sang thực tập ở Viện Nghiên cứu khảo cổ, nhưng sau khi thực tập xong, về viện được hai ngày thì không thấy tăm hơi đâu, tìm đâu cũng không thấy. Viện tôi đã báo cơ quan công an về vụ mất tích này rồi.

Diệp Tiêu không chịu buông tha, hỏi:

– Xin lỗi, tôi có thể xem tư liệu và ảnh của cô ấy được không?

Giáo sư Lý gật đầu, nói:

– Anh đi theo tôi!

Họ rời khỏi thư viện.

Trong hành lang, Giáo sư Lý vừa đi vừa hỏi:

– Nhiếp Tiểu Thanh phạm pháp à?

– Không, chúng tôi chỉ nghi ngờ cô ta có liên quan đến một vụ án.

– Có phải vụ án chết người liên tiếp ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ không?

Diệp Tiêu nhíu lông mày:

– Giáo sư Lý, hoá ra ông cũng biết sự kiện này rồi.

– Đều do người ta đồn thôi, một cơn gió làm động một ngọn cỏ, người ta đã biết rồi. Nghe nói, những người này đều bị chết vì bệnh tim phải không?

– Đúng vậy!

– E rằng, không đơn giản như vậy!

Diệp Tiêu hỏi ngược lại:

– Giáo sư Lý, thế theo ông thì sao?

Giáo sư Lý chưa kịp trả lời, cả hai đã bước đến phòng Hồ sơ. Giáo sư Lý mở tủ, lấy ra một tập tài liệu đưa cho Diệp Tiêu, nói:

– Đây là tài liệu về Nhiếp Tiểu Thanh, anh tự xem lấy nhé!

Diệp Tiêu mở cặp tài liệu ra, trong đó có một sơ yếu lý lịch do Nhiếp Tiểu Thanh tự khai, ở góc trên bên phải có dán một tấm ảnh của cô ta. Diệp Tiêu sau khi xem bức ảnh, bỗng ngẩn người ra, ánh mắt anh giống như cái đinh, lập tức bị đóng chặt vào tấm ảnh. Đúng vậy, người con gái trong tấm ảnh chính là Lam Nguyệt.

Trong mắt Diệp Tiêu lúc này lại hiện lên cuộc gặp gỡ Lam Nguyệt ở dưới chung cư của La Chu hôm đó.

Diệp Tiêu lại quay trở lại hiện thực, anh mở to mắt nhìn bức ảnh Nhiếp Tiểu Thanh trước mặt. Anh nói nhỏ với mình:

– Hoá ra Lam Nguyệt chính là Nhiếp Tiểu Thanh, họ là một người.

Giáo sư Lý hình như không nghe rõ, hỏi:

– Anh nói gì cơ?

– Không, không có gì.

Diệp Tiêu tiếp tục xem đến lý lịch tự thuật của người có tên Nhiếp Tiểu Thanh. Bản lý lịch này do cô ta tự khai, ba chữ Nhiếp Tiểu Thanh viết ngay ngắn, nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa.

Diệp Tiêu ghi lại địa chỉ nơi ở của gia đình Nhiếp Tiểu Thanh trong tập tài liệu, sau đó anh quay lại hỏi Giáo sư Lý:

– Xin lỗi giáo sư, ấn tượng của ông về Nhiếp Tiểu Thanh như thế nào?

Giáo sư Lý nghĩ một lúc rồi nói:

– Cô ấy rất thông minh, trong học tập và nghiên cứu cô đây thường suy luận ra được nhiều vấn đề từ một vấn đề, cô ấy hay đưa ra những quan điểm giàu sức tưởng tượng. Đặc biệt là học rất giỏi môn Vi sinh vật cổ đại.

Diệp Tiêu nghĩ ngay đến một điều, lập tức cắt ngang lời của Giáo sư Lý:

– Vi sinh vật cổ đại? Giáo sư Lý, ông có thể nói rõ thêm một chút được không?

– Đó là nghiên cứu về hình thái, quá trình biến hoá của vi sinh vật cổ đại, và ảnh hưởng của nó với xã hội loài người trong lịch sử.

– Giáo sư Lý, vi rút cũng thuộc về vi sinh vật à?

– Đúng thế, mấy tháng trước, Nhiếp Tiểu Thanh viết một luận văn có liên quan đến bệnh truyền nhiễm cổ đại. Cô ấy chủ yếu phân tích dưới góc độ vi sinh vật học, ví dụ như bệnh lý của Cái chết Đen[27] ở châu Âu thời kỳ Trung cổ, sự phát sinh và đặc tính lây truyền của vi rút dịch hạch lúc đó.

Diệp Tiêu không hiểu, hỏi:

– Vì sao giáo sư lại giới thiệu Nhiếp Tiểu Thanh đến thực tập ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ?

– Là do Nhiếp Tiểu Thanh chủ động đề nghị được đến thực tập ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Tôi cũng không hiểu vì sao cô ấy lại làm như vậy. Nhưng quan hệ cá nhân giữa tôi và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ Văn Hiếu Cổ rất tốt. Tôi nghe nói họ mang về một cái xác cổ khô, rất hợp cho Nhiếp Tiểu Thanh làm tư liệu sống và dẫn chứng cho luận văn của cô ấy, cho nên, tôi đã đồng ý giới thiệu cô ấy với Văn Hiếu Cổ.

– Nói như vậy có nghĩa là Nhiếp Tiểu Thanh là chuyên gia trong lĩnh vực này. Giáo sư Lý, cô ta là người như thế nào?

– Cô gái này phẩm chất tốt, chưa thấy có hành vi xấu nào, chỉ hơi ít nói, tính cách thiên về nội tâm, à, cô ấy còn là người rất yêu thơ ca.

Diệp Tiêu gật đầu, nói:

– Được rồi, cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư, tôi xin phép về. Lần sau nếu có yêu cầu gì, chúng tôi vẫn rất cần đến sự giúp đỡ của giáo sư, tôi muốn nói là sự giúp đỡ về kỹ thuật.

– Sao lại về kỹ thuật?

– Đúng thế, chúng tôi đang nghi ngờ những cái chết ở Viện Nghiên cứu khảo cổ và Nhiếp Tiểu Thanh cùng với đề tài nghiên cứu của cô ta có liên quan đến nhau.

Giáo sư Lý giật mình nói:

– Nếu đúng là như thế thì rất nghiêm trọng.

Câu trả lời của Diệp Tiêu rất nặng nề:

– Điều tôi lo lắng chính là vấn đề này, Giáo sư Lý, ông là chuyên gia, tôi sẽ nhờ ông giúp đỡ khi cần, cảm phiền ông, tạm biệt!

3

Vườn hoa trong bệnh viện tâm thần vẫn yên tĩnh như mọi khi.

Mẹ Bạch Bích ngồi lặng lẽ một mình trước bồn hoa.

Bỗng bà nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân, lúc đầu bà cho rằng đó là Bạch Bích, nhưng về sau bà đã nghe ra:

– Cô không phải Bạch Bích, cô là ai?

Người đó đi đến trước mặt mẹ Bạch Bích, mẹ Bạch Bích lúc này mới nhìn rõ cô ta. Cô ta chính là Lam Nguyệt.

Mẹ Bạch Bích ngắm cô ta rất kỹ, bà thấy khuôn mặt này có vẻ quen quen. Lam Nguyệt nhìn bà mỉm cười.

Mẹ Bạch Bích bình tĩnh hỏi:

– Cô là ai?

Lam Nguyệt tiến lại gần bà, nói với một giọng rất lạ:

– Nhìn mặt tôi đây, bà, bà quên tôi rồi sao?

Mặt mẹ Bạch Bích lập tức biến sắc, bà ngắm khuôn mặt và đôi mắt Lam Nguyệt, cố gắng lục tìm trong trí nhớ.

Mẹ Bạch Bích nhìn thẳng vào mắt Lam Nguyệt, mặt bà bỗng thay đổi một cách đáng sợ:

– Mã… Mã… Nhã. Cô là Mã Nhã? Không, không, không thể nào! – Bà lắc mạnh đầu, phủ định.

Lam Nguyệt vẫn nhìn thẳng vào mẹ Bạch Bích.

Mẹ Bạch Bích cuối cùng cũng hiểu ra:

– Trời ơi, tôi biết rồi, chẳng lẽ cô là…

Lam Nguyệt gật đầu, chớp chớp mắt ra chừng hiểu ý.

Mẹ Bạch Bích bỗng thở dài, nói:

– Cuối cùng cô cũng đã đến!

Lam Nguyệt cười bí ẩn, ánh mắt cô loé lên những tia sáng kỳ lạ.

4

Diệp Tiêu lần theo địa chỉ, tìm đến nhà Nhiếp Tiểu Thanh, đó là một chung cư bình dân. Anh dừng lại trước một cánh cửa, đúng đây rồi. Không có chuông, anh gõ cửa. Không có ai ra mở, anh gõ lại một lần nữa, vẫn không có ai.

Bỗng nhiên, cửa nhà bên cạnh bật mở, một ông già bước ra:

– Tìm ai đấy?

Diệp Tiêu cẩn thận hỏi:

– Xin hỏi đây có phải nhà cô Nhiếp không ạ?

– Đúng, nhưng nhà này mấy năm nay không có ai ở rồi. – Nói xong, ông già lại quay vào nhà, đóng cửa lại.

Diệp Tiêu đứng lại nghi hoặc.

Mười mấy phút sau, Diệp Tiêu đã có mặt ở trạm cảnh sát khu vực nhà Nhiếp Tiểu Thanh.

Trạm đã đóng cửa, nhưng anh vẫn tìm được anh công an hộ tịch, hỏi:

– Tôi muốn tìm hiểu về Nhiếp Tiểu Thanh nhà ở 404, chung cư 532 đường Dân Sinh.

Người cảnh sát hộ tịch lục tìm trong máy vi tính, đang tìm anh ta chợt nhớ ra, vỗ vào đầu, nói:

– Ồ, tôi nhớ ra rồi, Nhiếp Tiểu Thanh nhà 404, chung cư 532, đường Dân Sinh. Sáu năm trước ở đây xảy ra một vụ án.

Diệp Tiêu nghi ngờ hỏi:

– Án gì?

– Sáu năm về trước, ở khu vực chúng tôi xảy ra một vụ án hiếm thấy, bố nuôi hãm hiếp con gái nuôi, hồi đó vụ án này gây xôn xao dư luận.

Diệp Tiêu há hốc miệng kinh ngạc hỏi:

– Anh nói gì cơ?

– Đúng mà, vụ án này đến nay tôi còn nhớ như in, thật là ác độc! – Anh công an hộ tịch lắc đầu, thở dài:

– Một cô gái đẹp như hoa, lúc đó chỉ độ 17 tuổi, thế mà bị ông bố nuôi đầy thú tính… – Anh ta không nói tiếp mà cứ liên tục lắc đầu.

Diệp Tiêu như bị ai đánh mạnh, anh nắm chặt nắm đấm, sau đó lại cất tiếng thở dài. Anh nhẹ nhàng nói:

– Tôi hiểu rồi!

Tiếp đó anh lại hỏi:

– Anh vừa nói, Nhiếp Tiểu Thanh là con nuôi phải không?

– Đúng vậy! Nhiếp Tiểu Thanh được bố nuôi đón từ Trại trẻ mồ côi về nuôi. Thực ra, lúc nhỏ bố mẹ nuôi đối xử với Nhiếp Tiểu Thanh rất tốt, coi cô như con đẻ, cuộc sống của ba người trong nhà trôi qua một cách êm đẹp. Nhưng về sau, khi Nhiếp Tiểu Thanh học phổ thông trung học, mẹ nuôi cô lâm bệnh qua đời, chỉ còn hai bố con nương tựa vào nhau. Dần dần, bố nuôi cô mắc chứng nghiện rượu, say xỉn từ sáng đến tối. Một đêm, thằng cha này nốc say, đã mượn rượu hãm hiếp cô ấy.

Diệp Tiêu rủa thầm:

– Đồ súc sinh!

– Đúng thế, về sau thằng súc sinh đó bị án tù chung thân, cũng coi như đáng đời nhà nó, chỉ đáng thương cho Nhiếp Tiểu Thanh. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ hình dáng của cô bé, mặt mũi trắng trẻo, mắt rất to, trông cực kỳ xinh đẹp. Sau khi sự việc xảy ra, cô ấy không nói một lời, nhưng tinh thần chắc chắn bị tổn thương nặng nề, thật đáng thương. Nhưng nghe nói về sau cô ấy rất tiến bộ, đang học nghiên cứu sinh.

– Cảm ơn anh, làm phiền lúc các anh đang nghỉ, hết sức xin lỗi!

Diệp Tiêu đứng lên đang định về, bỗng nghe thấy tiếng người cảnh sát hộ tịch vang lên sau lưng: – Nhiếp Tiểu Thanh bây giờ sao rồi? Cô bé đáng thương ấy lại xảy ra chuyện gì à?

– Không, không sao, tạm biệt!

5

Sắc trời tối dần. Mẹ Bạch Bích và Lam Nguyệt yên lặng nhìn nhau.

Mẹ Bạch Bích thở dài một tiếng, hình như bà vừa nói rất nhiều, sau đó lại thong thả nói:

– Tất cả là như vậy, tôi đã nói cho cô tất cả những gì tôi biết rồi.

Vẻ mặt Lam Nguyệt rất lạ, cô nhìn thẳng lên trời, cố gắng ghìm giữ những giọt nước mắt, nhưng nước mắt vẫn cứ từ từ lăn ra khỏi khoang mắt, miệng lắp bắp muốn nói gì rồi lại thôi.

Mẹ Bạch Bích:

– Cô khóc à?

Bà đứng dậy, đưa tay ra, nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt trên mặt cô.

Lam Nguyệt ngoảnh mặt, quay lưng lại với mẹ Bạch Bích.

Mẹ Bạch Bích có phần thất vọng nhìn cô nói:

– Xin lỗi!

Lam Nguyệt chợt quay đầu lại, từ từ buông ra ba chữ:

– Tôi hận bà!

Mẹ Bạch Bích trông rất đau khổ, vẫn nói:

– Xin lỗi!

Lam Nguyệt lắc đầu:

– Tất cả đã muộn rồi, muộn mất rồi!

Nói xong Lam Nguyệt bỏ đi, mẹ Bạch Bích nhìn theo bóng cô dần dần biến mất.

Từ trong góc, người bạn nữ bệnh nhân của mẹ Bạch Bích lặng lẽ đứng nhìn Lam Nguyệt bỏ đi.

Mẹ Bạch Bích tỏ ra cực kỳ tuyệt vọng.

6

Trời càng lúc càng lạnh, nhất là vào buổi tối, gió gõ vào cửa sổ, những cành cây theo gió đập vào cửa kính phát ra những âm thanh kỳ quái và hắt bóng vào trong phòng. Văn Hiếu Cổ không bật điều hoà, một mình ngồi trước bàn. Trông ông ta già đi nhiều, ba tháng trước, ông ta như một người mới ngoài 40 tuổi, sức lực dồi dào, thế mà bây giờ đã như người sắp bước sang tuổi ngũ tuần. Ông xoa xoa hai bên thái dương, mái tóc lưa thưa đã bạc nhiều, trên mặt xuất hiện những vết nám màu tro. Đó là biểu hiện của người bước vào tuổi già và cận kề cái chết. Thế mà lúc này, ông lại đang nhớ về tuổi thanh xuân của mình, nhớ về Phấn của ông.

Văn Hiếu Cổ mở ngăn kéo, lấy từ trong ngăn kéo ra một ít tế bào bọc trong một cái túi đặc biệt trong suốt. Ông bắt đầu nhớ lại…

Sáng sớm hôm Giang Hà chết, Văn Hiếu Cổ bước vào căn phòng đó, ông phát hiện ra thi thể Giang Hà. Ông vội vàng chạy đến bên Giang Hà thì phát hiện anh ta đã chết. Ông thấy rất đau lòng, chân tay lóng nga lóng ngóng, nhưng bỗng nhiên ông phát hiện thấy tay Giang Hà đang nắm rất chặt, thế là ông tìm cách để gỡ nắm tay đang nắm thành nắm đấm ấy ra. Ông phải dùng hết sức mới từ từ gỡ được tay Giang Hà ra, trong tay Giang Hà đang nắm cái tế bào này. Văn Hiếu Cổ nắm lấy tiêu bản tế bào vào tay, ông chần chừ một lúc, cuối cùng bỏ nó vào trong túi.

Văn Hiếu Cổ quay lại với hiện tại. Ông lại bỏ bao đựng tế bào vào trong ngăn kéo.

Ông lại lấy từ đáy ngăn kéo ra một khung ảnh, lặng lẽ ngắm nhìn tấm ảnh đen trắng đã trải qua rất nhiều năm tháng, nền của bức ảnh là một công trình kiến trúc cổ, trong ảnh có ba người. Ông đứng bên trái, Phấn đứng giữa, đứng bên phải là Bạch Chính Thu. Văn Hiếu Cổ trong ảnh trông thật trẻ trung, đôi mắt rất có thần, trông vừa nhanh nhẹn vừa quả cảm, nhìn trong ảnh, ông hơn hẳn Bạch Chính Thu. Bạch Chính Thu trong ảnh là một con mọt sách, trông gầy yếu, vẻ mặt không có biểu cảm gì. Đứng giữa là Phấn, cũng chính là mẹ của Bạch Bích hiện nay. Đó là một cô gái đẹp, trên mặt phảng phất nụ cười, tay phải cô nắm tay trái Văn Hiếu Cổ còn tay trái thì nắm tay phải Bạch Chính Thu, tạo thành bộ ba trong tấm ảnh. Lúc này, lòng bàn tay trái Văn Hiếu Cổ bỗng nóng bừng lên, ông như lại được cảm nhận nhiệt độ từ cơ thể Phấn qua bàn tay ấy. Nhưng ngay sau đó, tay ông lại trở lại lạnh lẽo như thường, ông cất tiếng thở dài, rồi cất khung ảnh vào ngăn kéo.

Ông không thể hiểu được vì sao hồi đó Phấn lại chọn Bạch Chính Thu chứ không phải ông, có lẽ đây cũng là do duyên phận trời định. Ông đã từng rất đau khổ vì điều đó, nhưng rồi chẳng bao lâu ông đã lấy lại được lý trí, lại trở thành bạn tốt của Phấn và Bạch Chính Thu. Cho mãi đến khi Bạch Chính Thu chết, ông vẫn còn nhớ rõ đêm trước hôm tổ chức tang lễ cho Bạch Chính Thu, Phấn gục vào vai ông khóc thổn thức, nước mắt ướt cả áo sơ mi của ông. Cái cảm giác ươn ướt, nong nóng như ngấm qua làn da thấm vào người ông. Tình cảnh thật trớ trêu, lúc đó Văn Hiếu Cổ rất muốn ôm Phấn vào lòng, nhưng ông nhìn thấy Bạch Chính Thu trong bức di ảnh đang nhìn mình, nên chỉ dám vuốt mái tóc của Phấn, sau đó nhẹ nhàng đẩy Phấn ra, lau đi những giọt nước mắt còn lưu trên người, rồi nhẹ nhàng nói với Phấn:

– Em có tin đây là lời nguyền đối với Bạch Chính Thu không?

Phấn lắc đầu đau khổ:

– Em không biết, em không biết. Bạch Bích nói nó mơ một giấc mơ, nó mơ thấy người phụ nữ kia.

Văn Hiếu Cổ hơi hoảng sợ nói:

– Là người phụ nữ đó à?

Phấn gật đầu:

– Vâng, lúc đó em nghĩ ngay đến lời nguyền đối với Bạch Chính Thu. Anh ấy chết đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình. Bây giờ tất cả những sự việc xảy ra đều ứng nghiệm với lời nguyền đáng sợ đó. Em rất hối hận, đáng lẽ không nên cho anh ấy đi, giữ anh ấy ở nhà, như thế biết đâu lại tránh được.

Văn Hiếu Cổ trả lời:

– Có lẽ đó chỉ là ngẫu nhiên thôi, mà thế giới đang tồn tại trong sự ngẫu nhiên. Nếu như năm đó chúng ta đừng bước chân lên mảnh đất ấy, nếu Bạch Chính Thu không phạm phải sai lầm, nếu như cô gái đó… Thôi, anh không nói nữa, tất cả đều có khả năng không xảy ra, chẳng ai có thể đoán biết trước được. Nếu như đây đúng là lời nguyền thì chúng ta khó có thể thoát được.

Phấn không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi túc trực bên linh cữu người chồng quá cố, ba nén hương âm thầm cháy, những làn hương tỏa bay nhè nhẹ trong phòng.

Lúc đó, Văn Hiếu Cổ nhớ lại tất cả, có cảm giác tất cả như đang ở trước mắt. Thời gian và không gian như chệch hướng. Tất cả vẫn như đang tiến hành. Thế giới mãi mãi ở tư thế hành động, không có quá khứ. Ông cảm thấy đau hai vai, phải vất vả lắm mới ngồi thẳng lên được. Ông lại giở mấy tấm ảnh khác ở trên bàn, nói chính xác đó là những bức di ảnh. Bức thứ nhất là Giang Hà, cậu ấy vốn sẽ là con rể của Bạch Chính Thu; bức thứ hai là Hứa An Đa, bức thứ ba là Trương Khai, bức thứ tư là Lâm Tử Tố, Văn Hiếu Cổ đánh dấu gạch chéo trên ảnh của Lâm Tử Tố thể hiện sự căm ghét của ông với anh ta.

Còn bức ảnh thứ năm, đó chính là ảnh của Văn Hiếu Cổ.

Ông nhìn vào ảnh, giễu cợt cười đau khổ. Sau đó ông gật đầu với chính mình. Ông biết, thời gian của ông đã đến. Ông thong thả rời khỏi chỗ ngồi, vuốt ve một lúc chiếc bàn làm việc đã phục vụ ông suốt nhiều năm nay. Văn Hiếu Cổ quay đầu nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, bên ngoài chắc là lạnh lắm, những cành cây đập vào cửa kính như đang nói chuyện với ông.

Bỗng ông thấy đau đầu, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán ông. Ông đưa tay xoa lên tim, vẻ mặt đầy đau khổ, nhưng ông cố gắng chịu đựng.

Dần dần, cuối cùng ông cũng nghe thấy âm thanh đó, âm thanh đó đang vang vọng ngay bên tai ông, luồn sâu vào trái tim ông: MUYO… MUYO… MUYO…

Ông nghe thấy lời kêu gọi đến từ đồng hoang, nhưng ông không hề cảm thấy sợ hãi, vì ông biết điều này sớm muộn cũng sẽ đến. Thậm chí ông thấy trong lòng nhẹ nhõm và thanh thản, bởi ông biết rằng rồi sẽ có lúc ông phải đối diện với nó. Người ta, ai cũng đều rất sợ cái ngày này, nhưng không ai có thể tránh được, chẳng thà mặc kệ nó xảy ra tự nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra còn hơn run rẩy như rơi xuống vực sâu. Văn Hiếu Cổ thong thả đi ra khỏi phòng, bước ra hành lang tối om. Trong đêm tối, mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng ông vẫn cảm thấy chính xác hình như mình nhìn thấy cái gì đó, thế là ông đi về phía đó.

Trong hành lang tối đen như mực, Văn Hiếu Cổ vừa đi vừa nói: Tôi đến đây!

7

– Văn Hiếu Cổ mất tích mấy hôm rồi? – Diệp Tiêu lạnh lùng hỏi, chốc chốc anh lại nhìn quanh, quan sát vẻ mặt những người trong Viện Nghiên cứu Khảo cổ.

– Sáng hôm qua phát hiện Viện trưởng Văn không đi làm, chúng tôi gọi điện đến nhà riêng cũng không có ai cầm máy, cho đến tận sáng nay, vẫn không có tin tức gì của ông ấy. Viện trưởng Văn là người rất tuân thủ giờ giấc, xưa nay chưa xảy ra tình trạng thế này bao giờ, đi làm luôn đúng giờ, hàng ngày còn thường đến trước nửa tiếng. Chúng tôi rất lo cho ông ấy. – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ lo lắng nói.

Diệp Tiêu nhìn anh ta, hỏi bằng một giọng rất lạ:

– Xin lỗi, anh có tham gia đợt khảo cổ ba tháng trước ở Tân Cương cùng nhóm ông Văn Hiếu Cổ không?

– Không, hồi họ đi Tân Cương chúng tôi ở nhà suốt, có chuyện gì không vậy?

– Không có gì!

Phó viện trưởng như nhớ ra cái gì:

– À, còn việc này nữa, hôm qua tôi dùng chìa khoá mở cửa phòng làm việc của viện trưởng, thấy trên bàn của ông ấy có bày mấy tấm ảnh.

Diệp Tiêu vội ngắt lời anh ta:

– Xin lỗi, anh đã động đến hiện trường trong phòng làm việc của ông ta chưa?

– Chưa!

– Thế thì tốt, hãy đưa tôi đi xem thế nào!

Họ đi vào phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ, Diệp Tiêu nhìn mấy tấm ảnh để trên bàn. Anh nhận diện được Giang Hà, Hứa An Đa, Trương Khai, Lâm Tử Tố, còn tấm cuối cùng là Văn Hiếu Cổ. Diệp Tiêu từ từ nhấc tấm ảnh của Giang Hà lên, vừa nhìn thấy khuôn mặt rất giống mình trong ảnh, không hiểu tại sao anh thấy rất xúc động.

Diệp Tiêu lại nhìn kỹ năm bức ảnh. Bỗng anh hỏi Phó viện trưởng:

– Anh xem thứ tự sắp xếp các bức ảnh có phải có một ám hiệu gì không?

– Ám hiệu? Ồ, cả năm người trong ảnh đều tham gia cuộc khảo cổ ấy, trong đó Giang Hà là người chết đầu tiên, thứ tự tiếp theo là Hứa An Đa, Trương Khai, rồi đến Lâm Tử Tố. Đúng rồi, bốn bức ảnh này được sắp xếp theo thứ tự thời gian chết của từng người.

Diệp Tiêu chỉ vào bức ảnh Văn Hiếu Cổ:

– Còn bức thứ năm là Văn Hiếu Cổ?

Lúc đầu Phó viện trưởng không hiểu, sau đó ông vỡ lẽ:

– Ý anh muốn nói…?

Diệp Tiêu gật đầu, ánh mắt sắc lạnh.

Phó viện trưởng thần sắc hoang mang, nhưng anh ta lắc mạnh đầu:

– Không thể nào, không thể nào!

Diệp Tiêu bước ra khỏi phòng làm việc, đi đến hành lang, nhìn ra xung quanh. Ánh mắt anh nhanh nhẹn chăm chú vào từng xó xỉnh trong hành lang, anh như ngửi thấy có mùi gì, anh nói:

– Tôi đoán Văn Hiếu Cổ nhất định vẫn ở trong tòa nhà này.

– Làm sao lại có khả năng ấy chứ?

Diệp Tiêu không chú ý đến anh ta, tiếp tục nói:

– Anh có chìa khoá của tất cả các phòng trong nhà này không?

Phó viện trưởng gật đầu, sau đó lấy mười mấy chùm chìa khoá treo trên một cái bảng gỗ xuống, nói:

– Tất cả chìa khoá đều nằm ở đây.

– Đi, chúng ta đến phòng Giang Hà bị chết! – Diệp Tiêu lạnh lùng nói. Anh và Phó viện trưởng nhanh chóng rời khỏi hành lang, mở cửa, bước vào phòng của Giang Hà.

Căn phòng tràn ngập một thứ mùi lạ, có lẽ là bởi vì đã lâu không có dấu tích con người. Diệp Tiêu lại nhìn thấy cái đầu người chết bày trong tủ, không biết tại sao anh thấy tim mình đập nhanh hơn. Phó viện trưởng vừa bước vào phòng, đã không dám động đậy gì, giọng anh ta run run:

– Phòng này đã có hai người chết rồi, cảnh sát Diệp, anh điều tra một mình nhé.

Diệp Tiêu nhìn anh ta với vẻ khinh miệt, sau đó thận trọng quan sát căn phòng một lượt. Ngoài cái máy điện tử ra, trên bàn Giang Hà không còn thứ gì. Máy vi tính thì đã được mang đến phòng làm việc của Diệp Tiêu. Ở đây rất nhiều bụi, chứng tỏ không có ai đến. Anh hơi thất vọng, lại xem xét đến cửa sổ và cửa kính, cả bên ngoài cửa sổ và những cành cây. Những cành cây run lẩy bẩy trong gió, có những cành trơ trụi lá, ánh lên màu điêu tàn lạnh lẽo của mùa thu.

Diệp Tiêu và phó viện trưởng ra khỏi phòng, sau đó họ đi kiểm tra hết các phòng trong căn nhà, nhưng không phát hiện thấy bất cứ dấu vết gì. Phó viện trưởng xoè hai tay ra nói:

– Cảnh sát Diệp, Viện trưởng Văn không thể nào còn ở đây, ông ấy nếu có chuyện gì thì cũng xảy ra ở bên ngoài, nhưng chắc là không sao đâu.

– Không, vừa nãy chúng ta bỏ qua một nơi.

Phó viện trưởng hơi nghi ngờ nói:

– Anh định nói là còn cái nhà kho?

– Tôi biết nơi đó người ngoài không thể tùy tiện vào, nhưng nếu có việc cần chúng ta có thể làm các thủ tục pháp luật thông thường để vào.

– Không, không cần, nếu như anh nhất định phải vào, tôi sẽ đưa anh vào. Không để người khác tùy tiện vào chủ yếu là vì lý do an ninh, đặc biệt là mới đây có việc Lâm Tử Tố lấy trộm di vật bỏ trốn. Nhưng anh là cảnh sát, lại đang điều tra vụ án, tôi có thể ngoại lệ một lần.

Họ đi đến cửa nhà kho. Phó viện trưởng cầm chùm chìa khoá đặc biệt, mở cánh cửa nặng nề. Diệp Tiêu và Phó viện trưởng từ từ đi vào nhà kho, một cảm giác lành lạnh khiến Diệp Tiêu thấy không thoải mái, anh vẫn như ngửi thấy có mùi gì. Trong nhà kho xếp hàng dãy tủ bảo hiểm, không biết bên trong để những gì, anh không quan tâm đến chúng, mà chú ý xem xét các góc nhà. Anh đi tiếp vào bên trong kho, thấy vẫn còn một cánh cửa nữa.

– Trong này là cái gì? Có thể mở ra được không?

– Được! – Phó viện trưởng dùng chìa khoá mở cánh cửa đó ra.

Bước vào bên trong căn phòng nhỏ ấy, dưới ánh đèn mờ mờ, họ nhìn thấy một cái lồng kính, bên trong có một xác người mặc váy trắng đang nằm. Diệp Tiêu nhớ đến những lời Bạch Bích nói với anh. Anh biết rằng đây chỉ là một cái xác ướp, nhưng nhìn thấy người con gái cổ này, tim anh bỗng run rẩy, cơn buồn nôn kéo đến.

– Đừng sợ, đây chỉ là một cái xác người cổ. Cái xác này do đoàn của Viện trưởng Văn mang từ Tân Cương về để nghiên cứu từ lần khảo cổ ấy. – Phó viện trưởng giải thích.

Diệp Tiêu nghĩ, làm khảo cổ và làm cảnh sát cũng có rất nhiều điểm giống nhau, đều phải tiếp xúc với nhiều người chết, nhưng cảnh sát thì tiếp xúc với những người vừa chết không lâu, còn khảo cổ thì tiếp xúc với những người đã chết từ hàng trăm, hàng nghìn năm. Nhà khảo cổ học và người cảnh sát đều phải từ người chết hoặc thông qua hoàn cảnh của họ để tìm ra những manh mối rồi tiến hành phân tích, từ đó đưa ra kết luận, tìm ra sự thật lịch sử hoặc chân tướng của vụ án.

Anh lại ngửi thấy có mùi gì, anh nhìn Phó viện trưởng hỏi:

– Anh có ngửi thấy mùi gì không?

Phó viện trưởng vẻ mặt đầy hoài nghi, nói:

– Có mùi gì thoang thoảng.

Phó viện trưởng vòng ra đằng sau chiếc tủ, bỗng anh đứng ngẩn ra, mặt trắng bệch, kêu lên một tiếng: – Trời ơi!

Diệp Tiêu lập tức nhanh chóng chạy đến bên anh ta, quả nhiên anh nhìn thấy đằng sau cái lồng kính, có một người nằm ngang: Văn Hiếu Cổ.

Không nghi ngờ gì nữa, cái mùi lạ kia chắc chắn là từ trên người Văn Hiếu Cổ. Mới nhìn Diệp Tiêu đã biết rằng Văn Hiếu Cổ đã chết. Anh cúi xuống sờ lên động mạch cổ của ông ta, quả nhiên là như vậy. Qua sắc da trên người của Văn Hiếu Cổ, có thể thấy ông ta chết được khoảng 20, 30 tiếng đồng hồ. Nhưng nhiệt độ ở đây hơi thấp, lại khô nên cơ thể chưa bị phân hủy, chỉ mới hơi bốc mùi.

Nhưng điều khiến cho Diệp Tiêu thấy lạ là, Văn Hiếu Cổ nằm trên mặt đất, hai tay giang hai bên, chân duỗi thẳng, hình như là cố ý nằm ở tư thế đó. Vẻ mặt ông ta rất bình yên, góc miệng hình như còn phảng phất nụ cười bí ẩn. Vì sao ông ta lại chọn chỗ này, bên cạnh một cái xác ướp. Diệp Tiêu bỗng quay đầu lại nhìn người con gái trong lồng kính, không hiểu sao anh thấy người run lên.

Phó viện trưởng sợ quá, anh ta lắp ba lắp bắp hỏi:

– Viện trưởng Văn chết rồi à?

– Đúng vậy, ông ấy đã chết rồi!

– Trời ơi, từ đây nhìn lại giống như một ngôi mộ cổ nam nữ hợp táng.

Diệp Tiêu ngẩn người ra, anh đứng lên nhìn, giống thật. Văn Hiếu Cổ nằm bên trái, xác ướp trong lồng kính nằm bên phải, trông giống như một nghi thức.

– Có lẽ Văn Hiếu Cổ nghiên cứu mộ cổ đến mê muội, nên khi tìm đến cái chết cũng muốn bắt chước hình thức an táng của mộ cổ.

Diệp Tiêu nhìn Phó viện trưởng và nghĩ về câu nói của anh ta. Thế rồi Diệp Tiêu nói với anh ta:

– Đợi một lúc nữa, trước khi cảnh sát đến khám nghiệm hiện trường, anh hãy ở lại đây, đừng bỏ đi, cũng đừng động vào bất cứ thứ gì.

Phó viện trưởng sợ hãi gật đầu, toàn thân run rẩy.

Mấy tiếng đồng hồ sau, việc khám nghiệm hiện trường đã hoàn tất, xác Văn Hiếu Cổ trong nhà kho đã được mang đi. Phó viện trưởng cũng đã quay lại khoá cửa kho. Tinh thần anh ta xem ra vẫn rất xấu, trông dáng vẻ dường như đã sức cùng lực kiệt.

Diệp Tiêu đứng cạnh Phó viện trưởng nói:

– Chúng ta hãy trở lại xem xét phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ!

Họ lại trở lại phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ.

Diệp Tiêu xem những bức ảnh trên bàn, anh bỗng nói:

– Tôi có thể mở ngăn kéo ra xem được không?

– Đương nhiên là được!

Diệp Tiêu mở ngăn kéo, trong ngăn kéo chủ yếu là những đồ dùng thường ngày, nhưng anh phát hiện thấy có một chiếc khung ảnh, trong lồng một bức ảnh đen trắng đã cũ. Đó là ảnh chụp chung thời thanh niên của ba người: Văn Hiếu Cổ, Bạch Chính Thu và mẹ Bạch Bích.

– Ba người này là ai?

– À, đó là bức ảnh chụp hơn 20 năm trước, bên trái là Văn Hiếu Cổ, bên phải là Bạch Chính Thu, ở giữa là Vu Phấn. Họ là bạn cùng học đại học, đều được phân công về công tác ở Viện chúng tôi, về sau Bạch Chính Thu lấy Vu Phấn.

Diệp Tiêu lập tức nhớ ra:

– Bạch Chính Thu, có phải là bố Bạch Bích không?

– Đúng, đúng vậy, trước kia Bạch Chính Thu hay mang con gái đến Viện làm việc, bây giờ tôi vẫn còn nhớ đứa bé gái có nước da trắng trẻo đó. Không ngờ cô bé lớn lên lại định lấy cậu Giang Hà ở Viện tôi, nhưng trước khi cưới một tháng thì Giang Hà bị chết, thật là một cô gái đáng thương. Còn Bạch Chính Thu thì đã chết vì tai nạn giao thông hơn 10 năm trước. Vu Phấn chẳng bao lâu sau cũng bị bệnh phải vào bệnh viện Tâm Thần. Chỉ còn lại một mình Văn Hiếu Cổ, bây giờ Văn Hiếu Cổ cũng đã chết, thế sự thật khó lường. – Phó viện trưởng bỗng hơi cảm khái.

Diệp Tiêu tiếp tục lục tìm trong ngăn kéo, bỗng nhiên anh thấy mấy tế bào đựng trong một cái túi đặc biệt trong suốt. Anh cầm lên hỏi Phó viện trưởng:

– Đây là cái gì?

– Ồ, sao nó lại ở đây nhỉ? Đây là tiêu bản tế bào người lấy trên cơ thể xác người cổ.

Diệp Tiêu không nghe rõ, hỏi lại:

– Anh nói gì cơ?

– À, đây là mô tế bào lấy từ xác ướp cổ để trong kho. Viện trưởng Văn sau khi cho đội khảo cổ mang cái xác cổ ấy về đã tiến hành nghiên cứu rất tỉ mỉ. Quái lạ, cái túi này đáng lẽ phải ở chỗ Giang Hà, sao lại chạy sang được ngăn kéo của Viện trưởng Văn.

– Việc này chủ yếu do ai phụ trách?

– Chủ yếu là ba người, Viện trưởng Văn, Giang Hà và một nữ nghiên cứu sinh đến đây thực tập.

Diệp Tiêu buột miệng:

– Nhiếp Tiểu Thanh?

Phó viện trưởng gật đầu:

– Đúng, là Nhiếp Tiểu Thanh, cô ta là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Diệp Tiêu bỗng hiểu ra vấn đề. Anh cầm cái bao lên nheo mắt chăm chú xem:

– Tôi có thể mang cái bao này đi được không?

– Nếu nó có thể giúp cho việc phá vụ án này thì có thể mang đi được. Chúng tôi ở đây đang thấp thỏm lo âu, cảnh sát Diệp, cái chết họ rốt cuộc có phải là sự cố hay không?

– Xin lỗi, lúc này chưa thể nói gì được, thôi, tôi về đây!

Diệp Tiêu cầm bao tiêu bản tế bào ra về.

8

Diệp Tiêu gần như chạy như bay về Sở, đúng lúc cô bạn đồng nghiệp gặp anh ở hành lang, lấy làm lạ, hỏi:

– Diệp Tiêu, anh sao thế?

Diệp Tiêu không trả lời, vội vàng chạy sang phòng Thực nghiệm pháp y.

Anh lao vào phòng gọi to:

– Phương Tân!

Bác sĩ pháp y Phương Tân quay đầu lại hỏi:

– Diệp Tiêu, có việc gì đấy?

Diệp Tiêu chạy đến trước mặt Phương Tân, vừa nãy anh chạy nhanh quá, nên nói chẳng lên lời, cứ đứng thở dốc.

– Có việc gì thế, vào đây, hãy ngồi xuống đã, rồi hãy nói.

Diệp Tiêu cuối cùng cũng lấy lại được hơi:

– Phương Tân, cho cậu cái này.

Anh đưa cho Phương Tân cái bao đựng tiêu bản tế bào lấy ở Viện Nghiên cứu khảo cổ.

Phương Tân xem xét rất kỹ, sau đó nghi ngờ hỏi:

– Cậu lấy cái này ở đâu?

– Viện Nghiên cứu khảo cổ. Cậu đừng vội tra khảo, hãy đưa cái này vào phân tích đi, tớ đoán cái này là mấu chốt quan trọng của vụ án.

– Được, nhưng cậu đợi tớ một lúc.

Phương Tân thận trọng lấy tế bào ra khỏi túi.

Diệp Tiêu vẫn đứng thở.

……….

[27] Cái chết Đen là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14 mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm1348 đến năm 1350. Cái chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400. Quan điểm truyền thống cho rằng nguyên nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis.